Văn Cao là nhà thơ mang tâm thức người dân. Chữ “người dân” mà không phải “nhân dân”, bởi sắc thái ngữ nghĩa của từ này gần gũi với cuộc đời, với thi ca hơn khái niệm “nhân dân” vốn được dùng trong những bối cảnh có phần trang trọng, có tính hành chính, văn bản nhà nước.
Văn Cao, trong trường ca Những người trên cửa biển, in chung trong tập Cửa Biển cùng với Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm – Nhà xuất bản Văn Nghệ 1956; cũng không một lần dùng chữ “nhân dân”. Trong tác phẩm gồm 4 chương, chiếm dung lượng từ trang 65 đến trang 89, không kể những trang tiêu đề, ông nhiều lần dùng “người dân”, “con người”,… Ông bắt đầu dùng “đồng chí” và “chúng ta” – ở cuối phần III – Những ngày động biển và đặc biệt nhiều ở phần IV – Những ngày báo hiệu mùa xuân như một chỉ báo đại tự sự, nhưng tự sự với ngôi thứ nhất “tôi” chiếm vị thế chủ đạo, duy trì từ đầu đến cuối trường ca vẫn tạo nên một tâm trạng, không khí tâm tình giãi bày gần gũi. Có lẽ cái “tôi” có thể bị quy kết là cá nhân chủ nghĩa này đã góp phần khiến Văn Cao gặp khó khăn trong một thời gian dài của cuộc đời ông.
Trường ca Những người trên cửa biển được Văn Cao ghi dòng lạc khoản ở cuối Cả mùa xuân 1956 (đầu năm). Trong khi ta đều biết Phong trào Nhân Văn – Giai Phẩm diễn ra từ tháng 8 tháng 1956 đến tháng 11 năm 1956.
Nhà thơ, nhạc sỹ, họa sỹ Văn Cao (1923-1995) |
Người dân trong trường ca Văn Cao là người dân Hải phòng (Chữ “phòng” không viết hoa - lối viết tên địa danh trong ấn phẩm nêu trên. Trong bài này người viết cũng dùng lối này cho thống nhất). Và Hải phòng cũng trở thành một đối tượng phản ánh, một “nhân vật” trong trường ca này. Nhưng, khi Văn Cao viết, như một tuyên ngôn về tình yêu quê hương của mình: Tôi yêu Hải phòng như Việt nam nhỏ lại/ Tôi yêu Việt nam như tôi biết yêu tôi, thì có thể thấy ông nhìn nhận mọi thứ theo một chiều kích lớn hơn.
Có thể nhận định, qua trường ca này, Văn Cao dường như muốn bao quát một lịch sử Hải phòng với sự hình thành đô thị của nó; bao quát một quá trình biến động về dân cư, thông qua đó nói về quá trình vật lộn sống còn của người dân với bao biến cố thiên tai, địch hoạ, với bao chuyển biến về giác ngộ tư tưởng để cách mạng tháng Tám thành công, kháng chiến chống Pháp thắng lợi – một cuộc đổi đời.
Từ tư thế một người sinh ra tôi đã có Hải phòng (ngay câu đầu tiên của trường ca), ông mô tả Người dân thành phố/ Mồ hôi còn nước mặn phù sa/ Dầu mỡ bụi than/ Sống như muối đọng lấy bờ lấy bãi/ Sống chắt chiu đùm bọc yêu thương/ Đoàn thuyền nát buộc vào nhau ngày bão. Họ vốn là những người tha hương: Chưa quá ba đời sống trong một xóm/ Chưa đầy chục người chết trong một mái nhà thuê/ Bạn bè quen thuộc/ Các giống người/ Từ chân trời bốn phương đi lại. Cũng như gia cảnh của chính tác giả: Tôi không có quê hương/ Nghe đâu như Thái bình Hà nam Phủ lý/ Như Nam định (các trích dẫn tại trang 66-Cửa Biển). Họ Từ giã bờ tre mái rạ/ Đến đây là chỗ cùng đường, để gặp cảnh Gió biển thổi về trắng trời trắng đất/ Mười năm chưa nguôi nổi/ Mái rạ bờ tre xưa.
Thân phận thợ thuyền thời trước cách mạng được Văn Cao bao quát trong những hình ảnh đặc trưng đất cảng: Cả cuộc đời chỉ thấy rơi nước mắt/ Chỉ nghe tiếng thở dài/ Buồn của những ngày bếp không đỏ lửa/ Những ngày cửa biển vắng tàu/ Những kho hàng trống rỗng/ Những con người cuối cùng tàn phế/ Như những vỏ thùng dầu/ Những đống than lò tắt lửa/ Giạt ra bên ngoài thành phố/ Đầu bờ cuối bãi lênh đênh…
Hải phòng của Văn Cao thời kỳ đó là những đêm tối đen như hầm than đá/ Lấp lánh lân tinh; Những người lao động cùng khổ Kíp thợ đêm lê về đến xóm/ Nghe rét mùa đông nổi cuối sông (Tr.67-68).
Bên cạnh mạch thơ có yếu tố “đại cảnh” bao quát một đối tượng lớn là thành phố và người dân nơi đó, Văn Cao duy trì một mạch mang tâm tình cá nhân ông, như một chủ thể độc lập. Ông giao hoà với mọi người: Tôi nghe nơi lòng tôi/ Thấy tiếng người trong xóm/ Con mắt nhìn như nhau/ Trái tim đập như nhau (Tr.71). Ông gắn phận mình với quê hương: Những năm tháng Hải phòng đầy biến động/ Đời tôi như cái phao trên mặt biển. Nhưng ông không che giấu bản thể lãng mạn của chính mình: Thuở nhỏ lòng tôi hướng mãi/ Theo những con tàu biển ra đi/ Đến những đất đai tưởng tượng/ Những người anh thuỷ thủ kể cho nghe/ Nơi mọc đêm đêm những ngôi sao biển/ Rực rỡ chân trời những hạt lưu ly (Tr.67). Và: Tôi hay ngủ trên cầu sương/ Nửa đêm thức giấc/ Thấy mình bay cùng tinh tú/ Ngày đến lòng tôi xếp cánh/ Sao chim sao bướm lại bay lên.
Dù rằng ông nhận thức trong hoàn cảnh thuộc địa, tuổi thanh niên của mình Như con sơn ca bị bẫy/ Thấy mắt lưới sáng nào cũng nhẩy (Tr.70); Nhưng rõ ràng việc bày tỏ tâm tình cá nhân trong một văn bản nghệ thuật vào thời điểm đó, một mặt tạo ra độ dày dặn trong tổng phổ vốn rất cần thiết để có được một trường ca/giao hưởng nhiều bè, một mặt tạo giao cảm với độc giả bằng sự tin cậy – Điều này trở nên vắng mặt thời gian dài với những sáng tác về sau.
Hải phòng của Văn Cao những năm tháng ấy để lại những vệt cào xước trong ký ức: Có năm người ta đánh Hoa kiều/ Bạn cha tôi về chết bên cây mận; Hàng trăm thuyền cá không về/ Ghê su/ Sao người chết mãi không thôi (Tr.73); Hy vọng của những người đàn bà/ Đứng trên bờ biển bão/ Thức thâu đêm đợi… (Tr.74)
Những cuộc đấu tranh của thợ thuyền bắt đầu, như một tất yếu. Ở những trang đoạn này, bắt đầu xuất hiện chủ thể “chúng tôi”. Một sự nhập cuộc. Một ghi nhận cam kết. Của cái tôi với tập thể.
Có năm cả xóm thợ đình công/ Chúng tôi nuôi nhau bòn từng hạt gạo (Tr.73). Và Cờ búa liềm lại bay đầu cầu ống khói/ Chúng tôi nhìn nhau tin tưởng bắt đầu (Tr.74).
Nếu soi chiếu vào tiểu sử của Văn Cao thì cuối năm 1944, lúc 21 tuổi ông mới tham gia Việt Minh, với nhiệm vụ đầu tiên là sáng tác một hành khúc. Đó chính là Tiến quân ca (Ngày 13/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức duyệt Tiến quân ca làm quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa). Ông cũng chưa từng làm thợ. Nhưng qua những dòng thơ dưới đây, có thể thấy ông rất hiểu những người thợ - những người đồng chí. Hình tượng bàn tay đã kết nối “chúng tôi”.
Thành lập Đảng bộ Hải phòng/ Chung khối óc chung bàn tay/ (…)
Những bàn tay sần sùi của đồng chí thợ rèn
Những bàn tay run run của đồng chí thợ điện
Những bàn tay rắn chắc của côm ben
Những bàn tay mịn màng của máy chỉ
Ngày mai dù thiếu một hai người
Thiếu một mùi hôi quen thuộc
Con mắt nhìn nhau thấy đời nhau và dĩ vãng
Những bàn tay không nói dặn dò
(Tr.75)
Tay chúng tôi/ Làm thành những ngày động biển (Tr.76)
Cũng hình ảnh bàn tay đã trở lại trong thời đoạn Hải phòng giải phóng: Ngày nay gặp lại người cùng xóm/ Gặp những bàn tay hàng chục năm xưa (Tr.79)
*
Từ khúc 3 của chương III – Những ngày động biển đến chương IV – Những ngày báo hiệu mùa xuân, chủ thể “chúng ta” bắt đầu xuất hiện và ngày càng nhiều. “Chúng ta” rõ ràng là lớn lao hơn, bề thế mạnh mẽ hơn, bao hàm khuynh loát hơn “chúng tôi”. Và có cơ lấn át, làm quên lãng cái tôi.
Chúng ta nhớ gì những ngày kháng chiến
Mất cả mùa xuân mất cả tình yêu
Mất đôi mắt thật trong mất rất nhiều rung cảm
Mất rất nhiều đồng chí
Nhưng chúng ta làm chủ được Hải phòng
(…)
Chúng ta đi mang tâm hồn đứa trẻ
Mới trông thấy nhà thấy đèn thấy phố thấy người đi
(Tr.77)
Trong tâm trạng chiến thắng, dựng xây cuộc đời mới ấy Những đồng chí Liên xô Trung quốc Ba lan đầu tiên vào bến/ Chúng tôi hôn nhau/ Những đất đai những chân trời gần lại. Cái “chúng ta” một lần nữa mở biên: Chào các anh/ Chào đồng chí/ Giờ mình lại gặp ta (Tr.79).
Hải phòng của Văn Cao đổi thay mãnh liệt Những hồi còi tầm đầu tiên gọi sáng/ Vang vang tiếng guốc tiếng cười (Tr.78). Ông ghi nhận một sự kiện, ở đây có những câu thơ mà người đi tìm cái biệt danh “Thành phố Hoa phượng đỏ” của Hải phòng có thể lưu lại như một bằng chứng: Xưa ai hay hoa phượng mọc bên đường là đẹp/ Hôm nay hoa đổ vào mắt kính ống quay phim/ Tờ báo đầu tiên tả chuyện mùa hoa/ Mầu phượng làm duyên đầu câu thơ mới (Tr.77)
Văn Cao dành hẳn một trường đoạn (phần 3 trong chương IV – Những ngày báo hiệu mùa xuân) để ca ngợi một Hải phòng hiện lên bóng khói nguy nga, một Hải phòng mở ra biển lớn, một Hải phòng có Nhà máy tầng tầng dựng lên ổ mật/ Chúng ta ngày ngày cặm cụi làm ong (Tr.83), một Hải phòng với Sức tự hào của những người ở biển/ Không sợ thiên nhiên không sợ cuộc đời/ Lòng rộng bao la nhiều chân trời cửa biển (Tr.84). Ông không chỉ ghi nhận hiện thực, mà phóng chiếu ước mơ. Ở đây nhìn thấy rất rõ âm hưởng của phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa, đang lớn mạnh dần lên...
Hải phòng dựng lên âm nhạc/ Nhạc đang biến thành sự thực quanh ta (Tr.83); Hải phòng dựng lên Hội Họa/ Những bức tranh tăng dân số chúng ta (Tr.85 – chữ Hội Họa được viết hoa trong văn bản); Hải phòng đã dựng lên Thơ/ Những câu thơ thành thời sự (Tr.86 – chữ Thơ được viết hoa trong văn bản). Mạnh lên như sóng trào, sự phát triển của các ý thơ ở trường đoạn này dày đặc suy tư, phân tích, chứng minh ý tưởng. Văn Cao kết đoạn với những câu hùng hồn Hải phòng dựng lên Tư Tưởng/ Làm nhựa dẫn lòng tôi/ Trí tuệ đang dần kiến trúc/ Từng bước Đảng xây bảo vệ con người (Tr.87 – chữ Tư Tưởng được viết hoa trong văn bản).
Tuy nhiên trong chính trường đoạn này, giữa âm hưởng tráng ca hùng mạnh, âm vực cũng như âm lượng được đẩy lên hết độ, có một giai điệu thiết tha, trăn trở: Tin tất cả và hoài nghi tất cả/ Chúng ta là những kẻ chài quen biển/ Thấy ngọn lửa quay đầu/ Biết bão táp đang trở mình trên mặt sóng (Tr.87).
Giai điệu ấy chính là nhắc lại chủ đề, ở phần trước (phần 1&2 trong chương IV – Những ngày báo hiệu mùa xuân):
Tiếng thức dậy niềm cô đơn nuối tiếc
Những con người gần ánh sáng chưa quen
Rúc đầu trở vào bóng tối
Những người bạn gian khổ trong kháng chiến
Vợ ốm con đau nhay nhứt lo phiền
Chưa quen cảnh nhọ mặt người giữa thời gian sáng tối
Chưa hiểu bước đi giữa ngày mới đuổi đêm
(…)
Có người tự nhiên tiếc bàn tay đã mất
Từng đêm nhức đau vết đạn trên mình
Có người tiếc những mùa xuân đã mất
Chủ nhật lang thang ngơ ngác giữa kính gương
Những đôi mắt bỗng nhiên thèm tơ lụa
Thèm những gót chân nhỏ nhắn trên hè
(…)
Bóng tối ngày xưa vẫn còn bảng lảng
Kẻ thù của chúng ta
Lặng lẽ tấn công những tâm hồn sa ngã…
(Tr.80-81)
Giọng tự sự ở đây trầm xuống:
Trong những ngày khó khăn chồng chất
Kẻ thù của chúng ta xuất hiện
Những con rồng đất khi đỏ khi xanh
Lẩn trong hàng ngũ
Những con bói cá
Đậu trên những chiếc dây buồm
Đang đo mực nước
Những con bạch tuộc
Bao tay chân cố dìm một con người
(Tr.82)
Văn Cao không giấu sự ngậm ngùi:
Đất nước đang lên da lên thịt
Đất nước còn đang nhỏ máu ngày ngày
Ta muốn gói cuộc đời gọn gàng như trái vải
Đã thấy loài sâu nằm tròn trong cuống
(Tr.82)
Và ông phẫn nộ:
Chúng nó ở bên ta trong ta lén lút
Đào rỗng từng kho tiền gạo thuốc men
Tôi đã thấy từng mặt từng tên sâu chuỗi
Tôi sẽ vạch từng tên từng mặt
Hãy dừng lại
Những tên muốn ôm cây mùa xuân không cho mọc
Những tên muốn làm cây to che cớm mầm non
(Tr.83)
Cái tôi nghệ sỹ, cái tôi công dân ấy đã khiến ông gặp nhiều trắc trở sau giai đoạn này. Khiến ông phải ngừng viết thơ, nhạc, và cả hội hoạ của ông một thời gian dài.
Nhưng rồi ông đã được nhìn nhận công bằng, đúng đắn.
Văn Cao đã được trao Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao vàng và Giải thưởng Hồ Chí Minh Về Văn học Nghệ thuật đợt I năm 1996.
Lê Anh Hoài
Nguồn Văn nghệ số 49/2023