Diễn đàn lý luận

Văn chương phải “cất cánh” từ đời sống

Tác phẩm và dư luận
09:14 | 09/01/2023
Nhà thơ Trương Anh Tú là gương mặt thân quen trên văn đàn những năm gần đây. Ông xuất bản tập thơ đầu tay Cảm xúc vào năm 2007,..
aa

Nhà thơ Trương Anh Tú là gương mặt thân quen trên văn đàn những năm gần đây. Ông xuất bản tập thơ đầu tay Cảm xúc vào năm 2007, tiếp đó là tập Những mùa hoa anh nói năm 2018 và mới đây, năm 2021 là tập thơ song ngữ tiếng Việt và tiếng Ba Lan mang tên Hoa ban mai. Nhà thơ đã có hơn 30 năm sinh sống và làm việc ở nước Đức.

“Văn chương không hộ chiếu”

Đó là lời nhận xét của nhiều nhà phê bình dành cho thơ Trương Anh Tú. Quả thực, nếu lần đầu tiếp xúc với văn bản và không bị ảnh hưởng bởi thông tin tiểu sử, người đọc khó có thể nhận ra đây là sáng tác của một người có nhiều năm sống xa quê hương. Không chỉ vì thơ ông ít mang dấu ấn riêng của một nền văn hóa khác, mà còn bởi sự vắng bóng của mặc cảm tha hương; những trăn trở, day dứt về bản thể - một đặc điểm thường thấy trong khá nhiều sáng tác của các nhà văn người Việt ở hải ngoại. Trong thơ Trương Anh Tú, dù cho có âm vang nỗi nhớ và sự hoài vọng về quê hương xứ sở song không hề tồn tại dấu ấn của những mặc cảm buồn đau ấy. Đọc Trương Anh Tú, không khó để ta nhận thấy những ảnh hưởng của văn hóa phương Tây hoặc những vấn đề toàn cầu (sinh thái, chiến tranh…), song hình ảnh gần gũi, quen thuộc của quê hương Việt Nam gắn liền với ký ức thơ ấu: bóng bay, ánh trăng, thuyền giấy…, vẫn luôn hiện diện và được làm mới bằng sự suy ngẫm, quan sát tràn ngập tình yêu, sự dịu dàng và hi vọng.

Nhà thơ Trương Anh Tú

Để có được những tác phẩm “không biên giới” như vậy, một trong những điều cốt lõi của quá trình sáng tác mà nhà thơ Trương Anh Tú luôn tâm niệm là phải truyền vào tác phẩm hơi thở của cuộc sống, của thời đại.

Chia sẻ về hành trình sáng tạo của mình, từ trải nghiệm thực tế, nhà thơ Trương Anh Tú luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của chất liệu từ cuộc sống hiện thực với sáng tác văn chương. Trái ngược với quan điểm của nhiều người lâu nay vẫn mặc định cho rằng nhà văn nhà thơ là những người luôn mơ mộng, “lãng tử”, không để tâm đến những điều đang xảy ra trong hiện thực, Trương Anh Tú cho rằng thực tại đời sống mới chính là khởi nguồn tốt đẹp cho cảm hứng sáng tạo thi ca. Bên cạnh đó, trong bối cảnh đời sống nhiều bộn bề phức tạp hôm nay, độc giả cũng luôn trông đợi nhà văn, nhà báo đưa tiếng nói phản ánh đời sống của riêng mình vào tác phẩm, nhất là những vấn đề mang tính toàn cầu như chiến tranh, sự biến đổi của môi trường sinh thái…. Dẫn lời GS. Bích Ngọc (hiện đang giảng dạy tại Đại học Washington DC, Mỹ), nhà thơ cũng cho rằng đây là những vấn đề mà người viết ở mọi quốc gia trong đó có Việt Nam cần quan tâm. Ông cũng tự tin cho rằng: chỉ cần các nhà văn trẻ chịu quan sát, quan tâm đến các vấn đề trên nói riêng và hiện thực nói chung, sau đó viết chúng ra bằng những tâm tư, suy ngẫm, tình cảm của riêng mình thì chắc chắn sẽ tạo nên “cú huých” đáng kể trong sáng tạo.

Nuôi dưỡng ngôn ngữ tâm hồn

Nhà thơ Trương Anh Tú luôn xoáy sâu vào điều cốt yếu của nghề viết: một người muốn viết hay, cần nuôi dưỡng tình yêu với cuộc sống. Mà muốn nuôi dưỡng tình yêu đó, họ cần tin vào chính nghĩa, cũng như cần nhìn thật xa, thật rộng, thật sâu vào dòng chảy đời sống xung quanh, hòa mình với thiên nhiên và con người. Như vậy, mỗi người viết sẽ hình thành được thứ ngôn ngữ riêng, tâm hồn riêng của mình. Ông chia sẻ: “Nhờ chữ nghĩa, ta mới có thể truyền đạt thông điệp đến xã hội. Nhờ văn chương, ta mới được sống nhiều hơn, được hóa thành một bông hoa, một áng mây, một em bé…để biểu đạt tình yêu, sự rung cảm với cuộc đời này”. Mặc dù vậy, một người làm thơ cũng như sáng tác văn chương nói chung không thể chỉ “copy” những hiện thực đó vào tác phẩm của mình mà cần phải “bay lên” cùng đời sống, từ đó mang đến một thông điệp, trí tuệ, tình cảm cho con người bằng vẻ đẹp nghệ thuật đích thực.

Tập thơ song ngữ Việt Nam - Ba Lan "Hoa ban mai" của nhà thơ Trương Anh Tú

Một trong những tình cảm quan trọng cần nuôi dưỡng khác là tình yêu với tiếng Việt và quê hương Việt Nam. Nhà thơ Trương Anh Tú đã thể hiện tấm lòng tha thiết với ngôn ngữ mẹ đẻ và quê hương xứ sở mình. Ông chia sẻ: Tại Đức, tỷ lệ con em người Việt tốt nghiệp THPT cao hơn con em người Đức – người bản xứ, cao hơn ba đến bốn lần con em có nguồn gốc từ một số nước khác, chứng tỏ người Việt có tố chất tốt và tiềm năng phát triển xa hơn trong tương lai. Tuy nhiên, sau hơn 30 năm ở Đức, nhà thơ Trương Anh Tú cũng thấy rằng người Việt cũng còn nhiều hạn chế, cần phải học hỏi, thay đổi nhiều thứ, chẳng hạn như cách tổ chức xã hội. Ông tỏ ra lạc quan cho rằng khi nhìn nhận những điểm mạnh và hạn chế như vậy, biết cười và khóc để trưởng thành hơn, thì khi đó ta sẽ có niềm tin vào dân tộc và đất nước mình. Có lẽ vì vậy mà trong cảm xúc thơ Trương Anh Tú không hề có nỗi buồn, sự cô đơn của mặc cảm tha hương mà chỉ dào dạt nỗi nhớ và tình yêu mãnh liệt dành cho Tổ quốc.

Với những khó khăn trong việc quảng bá và tiếp cận văn học Việt Nam trong bối cảnh quốc tế ở nước ngoài thì sao? Nhà thơ Trương Anh Tú cho biết, để hoàn thành được nhiệm vụ cấp thiết đó, cần có sự đầu tư lớn của các cơ quan nhà nước, các tổ chức/hội nghề nghiệp, từ khâu tuyển chọn, mời chuyên gia dịch thuật tác phẩm tiếng Việt sang tiếng nước ngoài, giới thiệu, quảng bá tác phẩm...Tuy nhiên, điều cốt lõi vẫn nằm ở giá trị thật của tác phẩm. Tác phẩm văn chương chỉ “sáng” được khi là sản phẩm của trí tuệ, của những trăn trở lao động chữ nghĩa, “Bởi suy cho đến cùng, con người cũng sống vì tình yêu, tự do và hòa bình. Do đó, khi đi đến tận cùng những điều tươi đẹp ấy, ta tất yếu sẽ gặp tiếng nói của những người khác, cũng như của thế giới”.

Phạm Thu Trang


Tiếng chuông chùa Nội - Thơ Thy Nguyên

Tiếng chuông chùa Nội - Thơ Thy Nguyên

Baovannghe.vn- Sớm nay mùa đông/ Trườn qua xao nhãng
Những cánh chim Chua Sa. Truyện ngắn của Trung Long

Những cánh chim Chua Sa. Truyện ngắn của Trung Long

Baovannghe.vn- Ở Chua Sa có hai biệt thự lớn, người xây chúng từng là thợ săn, sau mấy chục năm lưu lạc ông trở về xây hai biệt thự rồi biến mất. Nghe kể, ông biến thành ma, mình đầy lá chân gấu, tay cầm cây lao dài trôi dạt trên những cánh rừng quanh Chua Sa.
Thời tiết ngày 23/11: Bắc Bộ duy trì nắng hanh. Nam Bộ mưa rào vài nơi

Thời tiết ngày 23/11: Bắc Bộ duy trì nắng hanh. Nam Bộ mưa rào vài nơi

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời tiết ngày 23/11: Bắc Bộ đêm không mưa, ngày nắng. Nam Bộ mưa rào vài nơi.
Thông cáo báo chí số 23, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Thông cáo báo chí số 23, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Baovannghe.vn - Thứ Sáu, ngày 22/11/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 23 (Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV) tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Baovannghe.vn - Chiến dịch thần tốc như một cơn lốc không ngày không đêm, đơn vị vừa đánh vừa hành quân gần như xuyên dọc theo Quốc lộ 13 hướng về Sài Gòn mỗi ngày một gần thêm.