Soi chiếu từ “Vẻ đẹp của yêu tinh”(1) đến “Lảo đảo giữa nhân gian”(2) của Đỗ Anh Vũ, người đọc sẽ thấy nhiều điểm tương ứng, tương hợp ẩn sâu bên trong. Đó là một người nghệ sĩ không ngừng trăn trở về con đường viết, về bản chất ngôn ngữ. Vẻ đẹp “liêu trai ma mị” trong “Vẻ đẹp của yêu tinh” như là giềng mối, là tiêu điểm để “Lảo đảo giữa nhân gian” tiếp tục giữ nguồn mạch phồn sinh của chữ.
Đó là lí do vì sao anh cài cắm vào nhan đề “Lảo đảo giữa nhân gian” quy luật hồi chiếu. Anh là chủ thể hành động (người chơi chữ) nhưng đồng thời là người chịu sự tác động (lay động bởi chữ). Hiển ngôn hành động ngay nhan đề rồi triển khai vào ba phần của tập sách, anh quăng quật mình giữa nhân gian, giữa những con chữ, phơi bày các tầng nghĩa, sự chuyển động, biến đổi của các phạm trù và phơi bày những góc nhìn mới về văn học. Điểm quy chiếu nghệ thuật này do đó vừa hồi cố (hỗn luận) vừa giãn nở (mê luận) cách thế chơi, thể hiện phong cách phê bình riêng khác của Đỗ Anh Vũ.
1. Đỗ Anh Vũ sử dụng nhiều phương pháp phê bình trong “Lảo đảo giữa nhân gian”. Vấn đề đưa ra bao giờ cũng được anh đặt trong cái nhìn so sánh, đối chiếu dị đồng trong nước và nước ngoài, kết hợp với nghiên cứu liên ngành như thống kê học, ngôn ngữ học, phân tâm học, nữ quyền luận, văn hóa học, tâm lí học, kí hiệu học, liên văn bản,… để xem xét, giải mã một cách thấu đáo.
Ngoài các thao tác phân tích, khảo cứu, thống kê, đối sánh, tổng hợp, mỗi bài viết có một hướng đi khác nhau tùy theo đối tượng và vấn đề được anh luận bàn. Bài “Hà Thành trong thơ Việt” kết hợp phê bình văn hóa - lịch sử với phê bình thi pháp học. “Cao Bá Quát và Lý Bạch: Những tương đồng kỳ lạ” là phê bình tiểu sử, phê bình văn hóa - lịch sử với phê bình thi pháp học. “Thơ Nguyễn Bính trước 1945 dưới góc nhìn phân tâm học” ngoài phê bình phân tâm học còn có phê bình cổ mẫu và phê bình tiểu sử. “Luận về kỹ nữ” là phê bình nữ quyền luận và phê bình thi pháp học.
Nhìn bao quát, phê bình thi pháp học dường như vẫn là thế mạnh của anh. Nhưng nhờ thế các phương pháp phê bình của anh không cứng nhắc mà rất mềm mại, đi về giữa khoa học và ấn tượng, bật lên được cái bóng của người xưa - Đinh Hùng qua những ám ảnh đặc biệt, cái nhìn khác về Nguyễn Nhược Pháp qua tập thơ “Ngày xưa”, độc đáo của Bích Khê qua những tác phẩm được viết hoàn toàn bằng vần bằng,… Các phạm trù được nghiên cứu như tiếng đàn, giang hồ, màu áo, giọt máu, bàn chân, cố nhân,… hấp dẫn và mềm mại hơn bởi những cú tạt ngang, tạt dọc của thơ.
Anh lấy hai câu thơ nổi tiếng của Bùi Giáng “Dạ thưa xứ Huế bây giờ/ Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương” chỉ ra giá trị của bốn thanh bằng liên tiếp, âm vực cao độ khác nhau của ba địa danh và cặp đôi mang giá trị biểu tượng, khạm chắc cái riêng của sông Huế.
Viết về phạm trù kỹ nữ, trên cơ sở phân loại theo góc độ cấu tạo ngữ pháp, anh phân loại theo cấu trúc ngữ nghĩa, đi từ thành ngữ tục ngữ, văn học Việt đến văn học thế giới với ý nghĩa nhân văn: thể hiện niềm thương xót con người.
Các phương pháp phê bình của anh không hề đối chọi nhau. Ngược lại, chúng cùng nhau xác tín một ngòi bút Đỗ Anh Vũ sắc sảo, có chiều sâu, luôn đặt các vấn đề trong hướng quay về nguồn, về truyền thống, điển tích điển cố, ca dao dân ca. Luận về vấn đề nào thì vấn đề đó đều được anh sử dụng phương pháp chồng ghép, cái nhìn liên văn bản. Nghĩa là anh không chấp nhận nhìn từ một văn bản mà nhìn từ nhiều văn bản, rồi từ điểm dư của phương pháp chồng ghép anh lẩy ra tính chất độc đáo, đặc biệt của vấn đề được luận.
Đó là lý do vì sao chúng ta nhìn thấy vô vàn đường xương cá trong phê bình của anh. Nó phô bày cho người đọc thấy mọi chiều kích, không gian, thời gian, nguồn gốc, hoàn cảnh,… Sự phong phú và dày đặc các đường xương cá không hề gây cảm giác rời rạc; ngược lại cho người đọc những cắt nghĩa mới, phù hợp với văn hóa đương đại, tránh những kiểu luận bàn võ đoán.
Đây là thao tác phê bình rất thuyết phục, hệ thống và kĩ càng của Đỗ Anh Vũ. Nên, các bài viết của anh luôn có một chân đế vững, nền móng vững. Tôi cho rằng đây là thế mạnh và cũng là chiến lược của anh trên con đường phê bình.
2. Cọ sát, tiếp xúc với nhau, những con chữ thường vừa nằm trong đường biên, vừa vượt thoát ra ngoài đường biên để phát huy nội lực của nó. Nhưng nếu đặt con chữ trong móc nối rộng - sâu, cũ - mới, quá khứ - hiện tại, cổ điện - hiện đại,… trong cái nhìn của nhiều nhà trong một nhà như nhà văn, nhà thơ, nhạc sỹ, họa sỹ, nhà sinh học, nhà nghiên cứu, nhà phê bình, nhà địa lý, nhà kí hiệu học,… thì giá trị của nó được khơi mở, sống động, đa diện đa sắc hơn.
Những con chữ trong “Lảo đảo giữa nhân gian” của Đỗ Anh Vũ được đặt trong sự móc nối ấy. Chúng dường như không có ranh giới, đường biên, cứ trương nở vô biên. Mỗi sự luận là một lần chơi chữ, chơi nghĩa. Vì thế, đọc anh, người đọc phải tham dự trong vai trò là người chơi, mới thưởng thức một cách thú vị nhất. Trong một bài phỏng vấn, Hải Miên đã gọi Đỗ Anh Vũ là “người tỉ mỉ với chữ nghĩa, đi vào luận giải, mổ xẻ những vấn đề đời sống, văn chương, văn hoá, phong tục, ngôn ngữ khá thoải mái, tự do”(3).
Lấy câu nhận xét của Hải Miên đặt vào tập sách mới này của anh quả không có gì là ngoa ngôn. “Lảo đảo giữa nhân gian” bộc lộ một kiến văn dồi dào, khả năng thẩm định, phân tích khéo léo, tinh tế, cảm nhận sâu sắc cái mới, cái hay, cái đẹp của đời sống khi đi vào văn chương.
Từ cạnh khía ngôn ngữ học tri nhận, người đọc cũng dễ dàng nhận ra một Đỗ Anh Vũ hết sức nhạy bén khi dấn thân, chơi cùng với “miền chữ nghĩa”. Ở các bài “Luận về đôi bàn chân”, “Luận về đôi mắt”, “Mây luận”, “Cỏ luận”, “Luận về giọt máu”, “Luận về những cơn mưa”,… đa phần anh vận dụng ẩn dụ ý niệm, đẩy phạm trù được bàn từ nghĩa biểu vật sang nghĩa biểu niệm, từ miền nguồn (cụ thể) đến miền đích (trừu tượng). Bất cứ phạm trù nào của miền nguồn đều được anh kéo về miền đích con người, cuộc đời, hướng đến những cảm xúc, trạng thái, số phận, tâm linh,... Hay nói cách khác, anh tương hỗ phạm trù được bàn trong cái nhìn so sánh với phạm trù khác, ví như, từ thuộc tính của mưa - một hiện tượng tự nhiên anh ánh xạ với niềm tin, hi vọng, thân phận, hoài niệm,… mang đến cho người đọc những nhận thức mới, những góc nhìn mới.
Dưới sự phân tích, diễn giải của anh, các vấn đề trừu tượng cũng trở nên uyển chuyển, gần gũi và dễ hình dung. Trong “Luận về số 2”, anh đưa ra các dạng thể liên quan đến số 2 như: Hai, Đôi, Nhị, Nhì, Lưỡng, Song, Thứ, Cặp, Đúp, Kép. Chỉ ra sự chuyển nghĩa của các từ này theo sự di chuyển của ý niệm, Đỗ Anh Vũ thiết tạo được các ánh xạ ẩn dụ từ miền nguồn, như anh đã khẳng định: “Tìm hiểu về số 2 và những biểu hiện của nó trong ngôn ngữ, ta thấy được sự phong phú, sống động, linh hoạt và giàu sức biểu cảm, sáng tạo của người Việt. Đồng thời, ta còn thấy ẩn sâu bên trong cả một nhân sinh quan, một triết lý về Âm - Dương khi nhìn nhận về thế giới mà cả phương Đông và phương Tây đều có sự giao thoa, gặp gỡ” [tr.284].
Do đó, những ẩn dụ ý niệm về các phạm trù trong “Lảo đảo giữa nhân gian” không chỉ thể hiện khả năng tư duy, nghiên cứu về ngôn ngữ của anh mà còn khai mở miền đích, vẫy gọi, dẫn dụ người đọc tiếp tục đắp bồi miền đích.
3. Sự tương phản, liên kết giữa ba phần “Những miền chữ nghĩa”, “Theo dấu văn nhân” và “Từ tôi đến em” còn hiển lộ một Đỗ Anh Vũ tài hoa, rất nghệ sĩ. Nếu ai đã từng gặp và nghe Đỗ Anh Vũ chuyện trò ngoài đời ắt biết anh là người giàu chữ nghĩa, có tài ứng khẩu. Anh luận một cách say mê, hài hước và cực kì tinh tế. Đã luận thì luận đến cùng. Con người ngoài đời này đã ảnh hưởng ít nhiều đến con người trong văn chương của anh. Mọi vấn đề có trong nhân gian đều được anh đưa ra luận, từ những vấn đề cao sang đến những vấn đề thô tục, cụ thể đến trừu tượng, con người đến muôn loài, không gian đến thời gian, hữu hạn đến thường hằng, vi mô đến vĩ mô, thường đến vô thường,…
Nhiều bài viết còn thể hiện cảm thức ngẫu hứng, bất chợt của anh. Vấn đề luận không phải được sắp đặt trước mà đến từ những khoảnh khắc lộng lẫy của nỗi buồn, nỗi cô đơn như bài “Giang hồ luận”, “Luận về cánh cửa”,… Cái Đỗ Anh Vũ khác người khác còn ở chỗ anh không hề sử dụng thủ pháp giễu nhại trong văn phong phê bình, nhưng đọc anh, người đọc vẫn không nén được tiếng cười hả hê, vô tư, sung sướng.
Điều này đã được chứng thực từ tập “Vẻ đẹp của yêu tinh” trước đây của anh. Và bây giờ người đọc được gặp lại giọng điệu ấy trong bài tiểu luận dày dặn “Luận về bài viết”. Cái dí dỏm mà rất tài hoa này của anh đã đào sâu vào vỉa tầng kí ức văn hóa, hiện sinh giá trị đích thực của cuộc sống: “Bài tiết không chỉ là câu chuyện của sinh học mà còn là câu chuyện thú vị của ngôn ngữ và văn chương, qua đó còn thấy được những dấu tích, đặc điểm văn hóa của cả cộng đồng” [tr.274].
Sự tung tẩy, phóng khoáng, phiêu bồng còn biểu thị ở những điểm dẫn dắt, liên kết văn học với âm nhạc. Sự gặp gỡ về motif đề tài giữa văn học và âm nhạc giúp các phạm trù được anh luận trở nên bao quát, rộng và sâu. Ví như, điểm tương đồng của hai kì tài: nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường (bút kí “Ai đã đặt tên cho dòng sông”) và nhạc sĩ Trần Hữu Pháp (Dòng sông ai đã đặt tên) tô đậm đặc trưng nên thơ, hiền hòa của xứ Huế. Hoặc anh đi từ ca dao đến thơ, từ thơ đến âm nhạc để phá vỡ giới hạn phạm trù nỗi nhớ, rồi nâng lên thành tín hiệu nghệ thuật. Có đến 8 nguồn dẫn âm nhạc trong bài “Luận về nỗi nhớ”. Hướng khai thác này làm cho phạm trù nỗi nhớ chuyển hóa không ngừng, gợi mở nhiều nét nghĩa hàm ẩn.
Hình dung “Lảo đảo giữa nhân gian” của Đỗ Anh Vũ như một ván cờ lớn, ở đó, anh ung dung dụng công bằng nước đi trau chuốt, sắc sảo của cộng-hưởng-chữ, bằng tính đa thanh, phức điệu của chữ, người đọc mới nắm bắt được sự đan bện, hồi chiếu giữa nhà phê bình, nghiên cứu với nhà nghệ sĩ hết sức chặt chẽ, tài tình trong anh.
“Có phải mỗi thời đại cũng như một ván cờ lớn còn cuộc đời mỗi con người như một ván cờ nhỏ, mỗi người phải tự chịu trách nhiệm cầm quân rồi chơi cho đến hết ván cờ ấy với đầy đủ những vui buồn khoắc khoải nhân sinh” [tr.151]. Đứng từ điểm nhìn này của anh, tôi nghĩ, anh là người chơi chữ, người thưởng ngoạn chữ đúng nghĩa.
_______
(1) Đỗ Anh Vũ, Vẻ đẹp của yêu tinh, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2017.
(2) Đỗ Anh Vũ, Lảo đảo giữa nhân gian, Nxb Văn học, Hà Nội, 2021.
(3) Trong bài “Người đam mê với vẻ đẹp của tiếng Việt”, Hải Miên phỏng vấn Đỗ Anh Vũ, https://thoibaonganhang.vn/nguoi-dam-me-voi-ve-dep-cua-tieng-viet-71187.html
Nguồn Văn nghệ số 45/2021