Văn học Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận của nền văn học nước ta. Những thành tựu đặc sắc của bộ phận văn học này trong nửa thế kỷ qua góp phần đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa văn học dân tộc.
Đây là khẳng định của PGS, TS Nguyễn Hữu Sơn, nguyên Phó viện trưởng Viện Văn học trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Quân đội nhân dân.
Phóng viên (PV): Thưa ông,văn học Việt Nam ở nước ngoài bắt đầu được quan tâm, nghiên cứu từ lúc nào?
PGS, TS Nguyễn Hữu Sơn: Trong nửa thế kỷ qua, cùng với sự gia tăng về số lượng người Việt Nam ở nước ngoài, đội ngũ nhà văn sinh sống bên ngoài lãnh thổ Việt Nam cũng trở nên đông đảo. Việc nghiên cứu văn học Việt Nam ở nước ngoài được đẩy mạnh từ khi có Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 29-11-1993 của Bộ Chính trị về chính sách và công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, với quan điểm: “Người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng người Việt Nam”. Suy ra văn học Việt Nam ở nước ngoài cũng là một bộ phận của văn học nước ta. Giới nghiên cứu văn học với nhiệm vụ của mình, cũng quan tâm đến bộ phận văn học này.
![]() |
PGS. TS Nguyễn Hữu Sơn |
Ở thời hiện đại, chỉ những sáng tác bằng chữ Quốc ngữ mới nằm trong dòng chảy văn học Việt Nam. Viet Thanh Nguyen (Mỹ), Linda Lê (Pháp)... là những nhà văn gốc Việt nổi tiếng thế giới song tác phẩm của họ viết bằng tiếng Anh và tiếng Pháp nên không thuộc văn học Việt Nam. Song không phải hễ là tác phẩm văn học chữ Quốc ngữ nào viết ở nước ngoài cũng có thể gọi là văn học Việt Nam ở nước ngoài. Chẳng hạn, nhà thơ Tố Hữu đi công tác nước ngoài đã viết những bài thơ rất hay (Em ơi... Ba Lan, Từ Cuba...) nhưng ông không định cư ở các nước đó. Tương tự ở thời trung đại, thơ văn của các quan lại vâng mệnh triều đình đi sứ để lại khá nhiều nhưng cũng khó xếp vào văn học Việt Nam ở nước ngoài. Cho nên, tạm gọi những sáng tác văn chương của những nhà văn định cư ở nước ngoài một khoảng thời gian dài (có thể tính từ vài năm) là văn học Việt Nam ở nước ngoài. Rất khó có định nghĩa tuyệt đối do người viết sau một thời gian ở nước ngoài rồi trở về quê hương định cư. Khi đó, chúng ta cần phải xét các yếu tố khác liên quan đến nội dung và hình thức tác phẩm.
PV: Về đội ngũ nhà văn Việt Nam ở nước ngoài có đặc điểm nào đáng chú ý, thưa ông?
PGS, TS Nguyễn Hữu Sơn: Thế kỷ 20 là một thế kỷ biến động với toàn thế giới nói chung, dân tộc Việt Nam nói riêng. Con người dễ dàng trở thành “công dân toàn cầu”, tự do di chuyển và định cư khắp các lục địa, đồng thời nhanh chóng tiếp nhận các trào lưu văn hóa, văn nghệ. Với riêng Việt Nam, những biến động lịch sử đặc thù đã khiến người dân chuyển đến định cư nước ngoài đông đảo, trong đó tập trung chủ yếu ở Liên Xô và các nước Đông Âu, Hoa Kỳ, Pháp, Canada, Australia, Campuchia, Lào... Trong khoảng 30 năm trở lại đây, một lượng lớn người Việt Nam di cư đến các nước khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á...
Con đường định cư ở nước ngoài xuất phát từ nhiều nguồn: Xuất khẩu lao động, du học, kết hôn, đoàn tụ gia đình... Về mặt tư tưởng, trước đây không ít người Việt Nam liên quan đến chế độ cũ, không chấp nhận, thậm chí chống phá Đảng, Nhà nước; trong khi phần đông Việt kiều vẫn gắn bó với đất nước, có nhiều hoạt động hướng về nguồn cội, ủng hộ sự nghiệp cách mạng và xu thế hòa hợp dân tộc. Chính từ sự đa dạng và phức tạp này tạo ra một đội ngũ nhà văn Việt Nam ở nước ngoài không thuần nhất, không chỉ về xuất thân mà có thể thấy rõ ở khía cạnh nội dung tư tưởng và hình thức tác phẩm. Có những người viết văn theo kiểu “hồi cố”, “kể sự”, song cũng có những người viết văn tài năng, tác phẩm có tính đổi mới, sức lan tỏa mạnh mẽ. Vì thế, việc nghiên cứu văn học Việt Nam ở nước ngoài cần đặt trong tương quan so sánh với văn chương trong nước, chỉ ra những đóng góp mới mẻ, đích đáng, làm giàu có nền văn học dân tộc.
![]() |
Quang cảnh ra mắt tiểu thuyết “Quyên” của nhà văn Nguyễn Văn Thọ (ngồi giữa) tại thủ đô Berlin, Đức. Ảnh: THẾ SÁNG |
PV: Những khuynh hướng đáng chú ý của văn học Việt Nam ở nước ngoài thể hiện trong những đề tài nào?
PGS, TS Nguyễn Hữu Sơn: Đề tài lớn nhất của văn học Việt Nam ở nước ngoài là trăn trở về thân phận con người và niềm hoài nhớ cố hương. Lý do định cư có thể khác nhau, song các nhà văn đã nói hộ cộng đồng người Việt tâm trạng lạc lõng, vất vả, có phần xa lạ nơi đất khách và khả năng gắn kết cộng đồng để thích ứng cuộc sống nơi xứ người. Những chấn thương tinh thần, sự xung đột về văn hóa và ngôn ngữ được khắc họa ở các mức độ khác nhau đặc biệt sắc nét trong các sáng tác của Thuận, Lê Minh Hà, Nguyễn Văn Thọ, Đoàn Minh Phượng, Nguyễn Huy Hoàng... Bên cạnh đó, có những tín hiệu lạc quan về sự việc thích ứng với đời sống mới, nỗ lực trở thành “công dân toàn cầu” trong tác phẩm của Trương Anh Tú, Hiệu Constant, Quỳnh Iris de Prelle...
Khuynh hướng tìm về lịch sử, cội nguồn cũng được các nhà văn Việt Nam ở nước ngoài khai thác, đáng chú ý là bộ tiểu thuyết “Sông Côn mùa lũ” của nhà văn Nguyễn Mộng Giác. Tất nhiên, cũng có những người mượn việc viết truyện lịch sử để “lật sử”, song không để lại dấu ấn nổi bật.
Nhìn chung, các tác phẩm do nhà văn Việt Nam ở nước ngoài sáng tác được xuất bản ở Việt Nam đều lành mạnh, bổ ích, nhân văn, mang cảm hứng hòa giải, hòa hợp; hòa vào “dòng chủ lưu” văn học dân tộc. Những người viết chống đối, thù địch, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc vì mục đích ngoài văn học thì chúng ta đã thường xuyên đấu tranh, phê phán. Trên tinh thần khép lại quá khứ, hướng đến hòa giải, hòa hợp dân tộc, nhiều nhà văn trở về và đi khắp các vùng miền đất nước đã cảm nhận và thêm nhiều trang viết tích cực, tươi sáng.
PV: Liệu chăng khi chạm đến những đề tài đặc thù, các nhà văn Việt Nam ở nước ngoài đã có những thành tựu nổi bật, thưa ông?
PGS, TS Nguyễn Hữu Sơn: Cá nhân tôi ấn tượng ở cách các nhà văn Việt Nam ở nước ngoài kể câu chuyện chứ không phải bản thân nội dung câu chuyện. Những nhà văn đang sáng tác sung sức như Thuận, Đoàn Minh Phượng... thực sự có nhiều đổi mới trong cách kể, hướng đến thi pháp hiện đại. Chẳng hạn, tiểu thuyết “Và khi tro bụi” của Đoàn Minh Phượng được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2007 đã cách tân nghệ thuật trần thuật để tạo ra sự giao hòa giữa hiện thực và ảo giác, ngôn ngữ pha lẫn chất thơ với độc thoại nội tâm, rất phù hợp với câu chuyện về nhân vật xưng “tôi” đi tìm lại bản thể và lai lịch của chính mình.
Những sáng tạo, tìm tòi về ngôn ngữ cũng rất đáng kể khi nhà văn “cọ xát” tiếng Việt nói riêng và văn hóa Việt Nam với bên ngoài. Những tìm tòi đổi mới của văn học Việt Nam ở nước ngoài ít nhiều có tác động đến văn học trong nước. Các nhà văn trong và ngoài nước thường xuyên giao lưu, đọc lẫn nhau để học hỏi tạo nên không khí sáng tạo tích cực. Nhìn chung, nếu ca ngợi văn học Việt Nam ở nước ngoài là vượt trội, thì tôi e rằng là quá lời. Song phải thừa nhận những thành tựu nhất định, có ý nghĩa “người môi giới” mà văn học Việt Nam ở nước ngoài đạt được.
Ngoài ra, cũng không thể quên đóng góp của một số nhà nghiên cứu văn học ở nước ngoài như Trần Thiện Đạo, Đoàn Cầm Thi... Họ đã nỗ lực giới thiệu các lý thuyết nghiên cứu văn học mới mẻ, mang đến điểm nhìn, phương pháp đọc hiểu mới mẻ và thú vị về văn học Việt Nam. Thêm vào đó, nhờ am hiểu tiếng Việt cùng với sống trong môi trường sinh ngữ ở nước ngoài, nhiều dịch giả đã góp phần giới thiệu tinh hoa văn học thế giới tới độc giả Việt Nam; và quan trọng hơn, dịch thuật tác phẩm văn học Việt Nam ra nước ngoài.
PV: Ông có thể dự đoán về tương lai văn học Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian tới sẽ như thế nào?
PGS, TS Nguyễn Hữu Sơn: Từ vị thế trung tâm đời sống văn hóa, văn chương bị đẩy về ngoại vi bởi nhiều nguyên nhân là hiện trạng ngày càng rõ nét. Tôi dự đoán số lượng người viết văn bằng chữ Quốc ngữ ở nước ngoài sẽ giảm bớt. Lý do là những người am tường tiếng Việt định cư ở nước ngoài không còn mặn mà với chuyện văn chương. Trong khi thế hệ người Việt sinh ra ở nước ngoài lại không được học tiếng Việt bài bản để đủ khả năng viết văn. Và liệu họ có đủ say mê văn chương như thế hệ trước để cầm bút?
Tôi cho rằng, tâm trạng hoài vọng cố hương trước đây sẽ chuyển dần sang mối băn khoăn về bản thể con người nói chung trong xu hướng toàn cầu hóa. Thực tế hiện nay, chỉ cần lên một chuyến bay là có thể về nhà, một cuộc gọi video là có thể thấy người thân ở quê hương thì tâm trạng nhớ quê cha đất tổ không còn day dứt như trước. Sự chuyển tiếp về tâm trạng này có thể hứa hẹn một sự đổi mới về tâm thế phản ánh nội dung hiện thực và bút pháp trong tương lai.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn QĐND