Chuyên đề

Văn nghệ là một phần lịch sử lớn lao của dân tộc và của nền báo chí cách mạng Việt Nam

Câu chuyện văn hoá
12:26 | 28/10/2023
Văn nghệ xin gửi đến bạn đọc nội dung bài phát biểu nói trên ( Tên bài viết do Vannghe online đặt).
aa

Sáng ngày 26/10, báo Văn nghệ đã tổ chức thành công "Lễ kỷ niệm 75 năm ngày ra đời số báo Văn nghệ đầu tiên" tại Hà Nội. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã tham dự sự kiện và có bài phát biểu quan trọng. Văn nghệ xin gửi đến bạn đọc nội dung bài phát biểu nói trên ( Tên bài viết do Vannghe online đặt).

Văn nghệ là một phần lịch sử lớn lao của dân tộc

và của nền báo chí cách mạng Việt Nam

Hôm nay chúng ta kỷ niệm 75 năm ngày số báo đầu tiên của Văn nghệ ra đời. Tôi biết tinh thần của lễ kỷ niệm này từ khi BBT báo Văn nghệ báo cáo Đảng Đoàn và BCH, nhưng tôi cũng không hình dung rằng báo Văn nghệ đã đi được 75 năm. Chặng đường 75 năm của báo Văn nghệ là chặng đường 75 năm của đất nước với nhiều sự kiện trọng đại và những bước ngoặt lớn lao của một dân tộc. Tôi nghĩ rằng, như đồng chí Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nói: trong lịch sử của dân tộc có lịch sử của báo chí cách mạng, trong lịch sử báo chí cách mạng có lịch sử của một số tờ báo, và báo Văn nghệ tôi nghĩ xứng đáng là một lịch sử trong lịch sử lớn lao của dân tộc và báo chí cách mạng Việt Nam.

75 năm qua, chúng ta hình dung là, nếu tuần báo thì có biết bao số báo tôi chưa thống kê được, nhưng từng đó số báo Văn nghệ trong 75 năm qua, tôi cam đoan rằng đã để lại một di sản lớn cho đất nước này. Nếu chúng ta không nhận ra đó là một di sản tinh thần, một di sản chữ, một di sản văn hóa, thì chúng ta sẽ không tìm thấy một di sản nào khác sau đó nữa.

Bởi ở đó, trong suốt 75 năm qua, báo Văn nghệ với sự hiện diện của các nhà văn, nhà thơ tên tuổi nhất, những nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử, những họa sĩ danh giá nhất đã cùng hội tụ để làm nên vẻ đẹp trí tuệ, tư tưởng và sự lan tỏa phi thường của báo Văn nghệ trong mọi lĩnh vực. Ở đây, như đồng chí Nguyễn Thanh Lâm nói và tôi cũng là người lớn lên trong những tinh thần và vẻ đẹp của báo Văn nghệ. Trong những năm tháng tôi học ở nước ngoài, thì một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của vợ tôi là mua hai tạp chí là báo Văn nghệ và Tạp chí Văn nghệ quân đội gửi cho tôi. Ba tháng sau khi gửi từ Việt Nam, tôi có thể nhận được những số báo đó. Và mỗi lần nhận được những số báo đó tôi đã thức xuyên đêm để đọc, và với tôi, đó là một tài sản vô cùng quý báu. Khi tôi từ nước ngoài trở về, không có gì hết, nhưng tôi mang theo toàn bộ những số báo Văn nghệ và Tạp chí Văn nghệ Quân đội mà vợ tôi gửi trong suốt năm năm liền, và vẫn lưu giữ đến bây giờ. Điều đó để nói rằng báo Văn nghệ trong suốt những giai đoạn của mình đã làm nên một sứ mệnh lớn lao. Mỗi một thời kỳ, báo Văn nghệ đều đại diện cho tiếng nói của các văn nghệ sĩ, đặc biệt là các nhà văn trong tiếng nói cộng đồng rộng lớn của dân tộc. Nếu chúng ta ngồi đọc lại báo Văn nghệ của từng giai đoạn, thì chúng ta thấy ở đó chứa đựng toàn bộ tinh thần, ý chí, khát vọng những giấc mơ làm người của mỗi con người Việt Nam trong những ngôi nhà bình dị của họ, cho đến toàn bộ đất nước lớn lao. Báo Văn nghệ chứa đựng toàn bộ những điều đó. Đã có những thay đổi của báo Văn nghệ trong từng giai đoạn lịch sử của mình, nhưng có những điều không bao giờ thay đổi, đó là lương tri của các nhà văn với dân tộc, với con người. Con đường của báo Văn nghệ là con đường của báo chí cách mạng, hơn thế, là con đường của một nền văn hóa. Và ở đây hôm nay có rất nhiều các nhà văn nhà thơ, những người đã có những đóng góp để làm nên vẻ đẹp, làm nên tư tưởng, làm nên giá trị của báo Văn nghệ trong đời sống xã hội này.

Hôm nay chúng ta đã lắng nghe những ý kiến của Tổng biên tập, nhà văn Khuất Quang Thụy, sơ lược lịch sử báo Văn nghệ, chúng ta nghe ý kiến phát biểu của thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, chúng ta nghe ý kiến phát biểu của đại diện Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, tiến sĩ Đoàn Thanh Nô, nhưng chúng ta ở đây trong ký ức của mình về những năm tháng báo Văn nghệ tồn tại, và sau lễ kỷ niệm này, chúng ta nhìn lại 75 năm qua báo Văn nghệ đã hiện diện trong đời sống của dân tộc này như thế nào, đã hiện diện trong lịch sử dân tộc này như thế nào, và chúng ta phải trả lời và bày tỏ lòng biết ơn tất cả những nhà văn nhà thơ, những người đã trực tiếp làm tờ Văn nghệ, những người cộng tác với báo Văn nghệ, là những bài văn, bài thơ từ chiến trường đầy bom đạn và cái chết đe dọa, chưa bao giờ có một tờ báo có thể nhận được quyền vẻ vang như vậy trong lòng bạn đọc lâu nay.

Lễ kỷ niệm 75 năm hôm nay là để chúng ta nhìn lại một lần nữa, xác nhận một lần nữa con đường đi tới của chúng ta. Tôi nghĩ sau ngày kỷ niệm 75 năm số báo đầu tiên ra đời, thì ngay ngày mai, Hội Nhà văn Việt Nam, Ban Biên tập báo Văn nghệ phải xác lập một giai đoạn mới cho tờ báo. Báo chí chưa bao giờ khó khăn như bây giờ. Sự đe dọa ở bên ngoài, đó là mạng xã hội, nhưng nếu chúng ta mạnh lên, chúng ta trí tuệ hơn, chúng ta bản lĩnh hơn, chúng ta vì con người hơn, chúng ta vì dân tộc hơn, vì cái đẹp chân chính hơn thì chúng ta không khiếp sợ bất kỳ thế lực nào ở bên ngoài chúng ta. Chỉ khi chúng ta kém đi, chúng ta vô cảm đi, chúng ta thiếu trách nhiệm đi, thì mọi thứ đều có thể đe dọa chúng ta. Nhưng tôi nghĩ rằng với tinh thần của báo Văn nghệ, các nhà văn, bạn đọc, sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với tờ báo sẽ tạo cho chúng ta sức mạnh. Chúng ta phải tư duy lại về nội dung, về hình thức, chúng ta phải trả lời những câu hỏi của con người Việt Nam, của dân tộc này, đang đặt câu hỏi cho chúng ta về rất nhiều vấn đề, chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, đạo đức và những suy đồi khác trong đời sống xã hội. Báo Văn nghệ phải tiếp tục tiếng nói của mình như tiếng nói khởi đầu từ 75 năm trước mà các nhà văn tiền bối đã làm ra. Chúng ta phải tiếp tục các thành quả mà các Tổng biên tập các thời kỳ đã mang lại cho báo Văn nghệ những tiếng nói, sự bền vững, và những giá trị của mình.

Và hôm nay tôi phát biểu trên tinh thần thay mặt BCH Hội Nhà văn Việt Nam, nhưng sâu thẳm hơn là trên tinh thần một bạn đọc đã yêu mến báo Văn nghệ từ khi còn rất trẻ. Trong tinh thần yêu tờ Văn nghệ đó có lòng biết ơn những trang báo của Văn nghệ, những truyện ngắn, những bài thơ những tản văn, những bài phê bình, những phụ bản của các họa sĩ đã mang đến cho tôi một tinh thần sống và sự sáng tạo. Và, chúng ta hãy trả ơn các vị tiền bối đã sinh ra tờ Văn nghệ bằng cách tiếp tục làm cho tờ báo trở nên uy tín có giá trị lan tỏa trong đời sống của người Việt Nam. Chưa bao giờ báo chí đứng trước thách thức như bây giờ, báo Văn nghệ của Hội Nhà văn, Tạp chí Nhà văn và đời sống của Hội Nhà văn, Nhà xuất bản của Hội Nhà văn, trang Web của Hội Nhà văn đều không có một đồng kinh phí nào của nhà nước. Tất cả đều nỗ lực một cách bền bỉ. Ở đây, vừa cho chúng ta thử thách để vượt qua, nhưng báo cáo với các đồng chí lãnh đạo các cơ quan Đảng, Nhà nước, ban Tuyên giáo, Bộ truyền thông rằng điều đó cũng cản trở rất nhiều sự phát triển của báo chí văn nghệ. Và chính vì điều đó, chúng tôi nghĩ rằng Đảng và Nhà nước nên nghiên cứu những chính sách cần thiết để đầu tư cho báo chí văn học nghệ thuật trong nước, và báo Văn nghệ không chỉ là một tờ báo của nhà văn, mà là một di sản của báo chí Việt Nam, di sản của báo chí cách mạng. Nó là minh chứng của sự đúng đắn trong đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng bằng tờ báo Văn nghệ. Chúng ta đừng làm cho di sản đó biến mất khỏi đời sống này, phải làm cho nó lớn mạnh hơn nữa, bền vững hơn nữa, lan tỏa hơn nữa, đóng góp vào công cuộc chấn hưng văn hóa của đất nước.

Xin cảm ơn một lần nữa trong cá nhân tôi, là một bạn đọc cũng như thay mặt BCH Hội Nhà văn Việt Nam cảm ơn tất cả những nhà văn nhà thơ đã cộng tác từ một bài viết nhỏ cho đến việc quản lý tờ báo Văn nghệ trong suốt 75 năm qua đã làm nên thương hiệu của tờ báo, một tờ báo mà chúng ta không dễ gì tìm được một lịch sử của một tờ báo như vậy ở các nước khác về văn học nghệ thuật. Văn nghệ là một tờ báo đặc biệt, là một câu chuyện đặc biệt, là một lịch sử đặc biệt trong lịch sử lớn của dân tộc. Nó làm nên nhân cách, tư cách, lương tri của người Việt Nam thông qua các tác phẩm của các nhà văn. Mong các nhà văn nhà thơ tiếp tục ủng hộ báo Văn nghệ bằng cách mang những tác phẩm xuất sắc nhất, những tiếng nói chân thực nhất, trí tuệ nhất, bản lĩnh nhất, và đẹp nhất trong sáng tạo nghệ thuật. Như thế chúng ta mới làm cho tờ Văn nghệ giữ được thương hiệu của mình, bền vững và phát triển. Tôi tin rằng trong giai đoạn mới, sau lễ kỷ niệm 75 năm này, báo Văn nghệ tiếp tục có những đổi mới hoàn thiện hơn, sâu sắc hơn và bền vững hơn. Và trước mặt chúng ta, hãy nhớ rằng triệu bạn đọc đang đợi tờ báo Văn nghệ trở lại tiếng nói, phong cách và tầm ảnh hưởng của mình. Nếu triệu người đọc đó không đọc báo Văn nghệ, nghĩa là họ đang ngủ quên, và báo Văn nghệ đã không có khả năng đánh thức họ. Hãy đánh thức họ bằng lương tâm, khát vọng của mình bằng giá trị trên từng trang viết. Chúc Ban biên tập báo Văn nghệ mạnh khỏe, kiên nhẫn, bền bỉ vượt qua những thách thức về thị trường hiện nay để giữ lại giá trị của tất cả các nhà văn thế hệ tiền bối đã làm nên, chúng ta không có quyền phản bội lại những giá trị, những di sản mà các bậc tiền bối đã để lại. Chúng ta hãy làm để trả lời điều đó. Không phải trả lời bằng lễ kỷ niệm nhìn về hôm qua, mà trả lời bằng hành động chúng ta làm ngày mai.

VN


Thông cáo báo chí số 23, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Thông cáo báo chí số 23, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Baovannghe.vn - Thứ Sáu, ngày 22/11/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 23 (Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV) tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Baovannghe.vn - Chiến dịch thần tốc như một cơn lốc không ngày không đêm, đơn vị vừa đánh vừa hành quân gần như xuyên dọc theo Quốc lộ 13 hướng về Sài Gòn mỗi ngày một gần thêm.
Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Baovannghe.vn - Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc ngày 22/11 với phiên thảo luận tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Baovannghe.vn - Mây đen tan. Nắng nhẹ. Hương sen còn sót hòa cùng hương bùn đánh dạt mùi khói xe, đưa nụ cười của hai người đàn ông lấp đầy mi mắt đang nhìn về phía mặt trời.
Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Baovannghe.vn - Bài thơ Thề non nước không chỉ là lời tự tình đằm thắm của một tâm hồn thủy chung, tin cậy mà còn cất giấu trong mình một bức tranh thiên nhiên tráng lệ và quyến rũ mê hồn vì một vẻ đẹp như sinh ra bởi con người và cũng chỉ dành để cho con người.