Diễn đàn lý luận

Về một người bình thơ

Tác phẩm và dư luận
08:19 | 07/07/2020
Có thể dễ dàng nhận ra, cấu trúc một bài bình thơ của Hồ Thế Hà gồm có 3 phần rất tường minh: mở, bình giải và kết. Đó là quá trình từ đặt vấn đề khái quát đến phân tích, bình giải từng khổ thơ, từ đầu đến cuối, cẩn trọng, chu đáo về hình tượng, ngôn ngữ, ý nghĩa hoặc thông điệp, phong cách, sở trường của nhà thơ, rồi chốt lại, nâng cao
aa

1.

Ngay trong Lời ngỏ và Lời cuối sách cho 2 tập bình thơ Khoảng lặng thơ (Nxb Văn học, 2018), Đường biên thơ (Nxb Văn học, 2020) nội dung căn bản như nhau, Hồ Thế Hà đã chia sẻ quá trình nghiên cứu, giảng dạy, thực hiện các công trình “từ tác phẩm rời (bài thơ) đến tác giả, phong trào thơ, rồi cả nền thơ hiện đại Việt Nam”. Anh nêu những “thực tiễn thao tác nghiên cứu” của mình, những điều kiện cần và đủ, những quan niệm bình thơ của anh, chung quy “giải mã thế giới hình tượng và ngôn từ”, những thực thể “khả giải, bất khả giải”, để “mong thơ được sống trong lòng bạn đọc, thơ không xa lạ và vô nghĩa với cuộc đời, dù người đời trong cơ chế đời sống hiện nay, mấy ai còn yêu thơ và gắn bó với thơ, trong khi thơ vẫn mãi mãi đi bên cạnh cuộc đời: cao sang và nhân ái.” Ngoài tình yêu dành cho thơ, anh có một tình yêu và trách nhiệm khác, dành cho nghề: giảng dạy và nghiên cứu, lý luận phê bình văn học.

Có thể dễ dàng nhận ra, cấu trúc một bài bình thơ của Hồ Thế Hà gồm có 3 phần rất tường minh: mở, bình giải và kết. Đó là quá trình từ đặt vấn đề khái quát đến phân tích, bình giải từng khổ thơ, từ đầu đến cuối, cẩn trọng, chu đáo về hình tượng, ngôn ngữ, ý nghĩa hoặc thông điệp, phong cách, sở trường của nhà thơ, rồi chốt lại, nâng cao.

Cũng dễ dàng nhận thấy, hệ thống ngôn từ lý thuyết, lý luận văn học phê bình hàn lâm xuất hiện đậm đặc trong từng bài, trong sách: những nghệ thuật đồng hiện, nghệ thuật gián cách, những cổ mẫu, triết mỹ, dụng điển, tạo sinh, phái sinh… Rồi những trích dẫn các “nhà”, những liên tưởng các hình tượng, văn bản đồng dạng cũng xuất hiện với mật độ lớn. Ví dụ, ngay trong bài Từ khúc dạo đến khúc ngân của thời gian (bình Tặng sinh nhật mình, thơ Hải Trung) có đến 2 trích dẫn: nhà thơ nhà văn người Anh Thomas Hardy nói về thời gian và diễn giả động lực người Mỹ Les Brown về vấn đề tồn sinh. Ở khía cạnh này, Hồ Thế Hà chứng tỏ một kiến văn rộng, một cảm quan văn hóa sâu, một phản xạ liên tưởng tốt. Nó giúp người đọc tiếp nhận bằng sự hưởng thụ cái hay cái đẹp của bài thơ với biên độ thêm mở. Sẽ có bạn đọc cho rằng người bình nặng tính “nghề nghiệp”, khoe khoang kiến thức hoặc sự can dự những trích dẫn này làm loãng xúc cảm thưởng thức. Tất nhiên có những trích dẫn rất cần, rất hiệu quả, ví dụ, sử dụng Phân tâm học của Freud trong lời bình bài thơ Một cơn vắng ý thức của Vũ Quần Phương. Vấn đề là thói quen, là liều lượng.

Thuật ngữ chuyên môn là cần, rất cần cho những trường hợp giải mã các cấu trúc, hình tượng, ngôn từ thơ nhất là mảng sáng tác theo các trường phái, hệ hình thẩm mỹ phi truyền thống - thiền, hậu hiện đại…- chẳng hạn. Nhưng nếu sử dụng quá nhiều hoặc không thật cần thiết, cũng không hẳn hiệu quả. Ví dụ bài bình khá hay Giấc mơ của Kafka hay là diễn ngôn phi lý của Trương Đăng Dung (bài thơ Giấc mơ của Kafka của Trương Đăng Dung), tác giả sử dụng từ “phi lý” đến 8 lần, những “thi pháp phi lý”, “cảm quan phi lý”, “hiện tượng phi lý”, “sự phi lý”, “cái phi lý”…, hoặc “bi đát” cũng lặp lại khá nhiều. Phương Tây thời Kafka đến những năm 50 TK.XX có dòng Văn học phi lý, có “Triết lý bi đát” ở một số tác giả, tác phẩm nổi tiếng; bài thơ Giấc mơ của Kafka của Trương Đăng Dung, nhà thơ, nhà nghiên cứu lý thuyết các trường phái văn học hiện đại, hẳn nhiên có sự vận dụng đầy sáng tạo, hoặc thể nghiệm. Hồ Thế Hà đã khá tâm đắc khi bình. Cảm giác được sự hứng khởi của anh trong quá trình tiếp nhận, khơi mở, khám phá những thành công của bài thơ. Nhưng rõ ràng, dấu ấn nghề nghiệp khiến anh hài lòng thiên về hướng giải mã kiểu “tương lân” hơn là thụ hưởng.

2.

Tôi sớm đi vào các yếu tố quan niệm, nghề nghiệp, mục đích hướng tới… của Hồ Thế Hà như xác nhận chung nhất về cái e, cái tạng (không đề cập đến phong cách, thi pháp…) trong bình thơ của anh để dễ đồng nhất trong tiếp nhận. Và đọc Hồ Thế Hà trên tổng thể ấy.

Điều đầu tiên, thời lạm phát in ấn, quảng bá có tương tác ảo này, chịu đọc và bình thơ bạn như Hồ Thế Hà là đáng trân trọng. Phải thật yêu các vẻ đẹp thơ, trân quý lao động sáng tạo và thăng hoa của bạn bè mới kỳ khu lật trở từng con chữ, thủ pháp, bằng sự “đồng cảm, gắn với những vui buồn ân nghĩa quanh đời của tôi”, và “những ký ức của tôi đối với các tác giả, là những nhà thơ mà tôi gắn bó thân thiết và sâu nặng”. Trước hết, là cái tình Hồ Thế Hà. Hơn 70 bài thơ của hơn 60 tác giả trong 2 tập sách, trừ một số trong chương trình giảng dạy chuyên đề Thơ và thơ Việt Nam hiện đại, phần nhiều là thơ của bạn bè, đồng nghiệp, học trò các thế hệ của anh. Đó là những tên tuổi thơ: Huy Cận, Chế Lan Viên, Thúc Tề, Nguyễn Bính, Hữu Thỉnh, Vũ Quần Phương, Xuân Quỳnh, Thanh Thảo, Nguyễn Trọng Tạo, Trần Quang Quý, Dư Thị Hoàn, Nguyễn Bình Phương… Đó là các nhà thơ Huế: Nguyễn Khoa Điềm, Hồng Nhu, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lâm Thị Mỹ Dạ, Trần Vàng Sao, Hải Bằng, Hải Trung, Nhụy Nguyên, Phạm Nguyên Tường… Và các nhà thơ Bình Định quê hương anh: Lệ Thu, Văn Trọng Hùng, Mai Thìn, Trần Viết Dũng, Triều La Vĩ, Trần Quang Khanh, Hồ Thế Phất…

Cái tình, không chỉ ở những tác giả có “sự gắn bó thân thiết và sâu nặng” mà còn là ở sự chu đáo nhất (nghề, kiến thức) và đượm chất nhân hậu trong bình thơ. Bình mà có chuyện tình cảm ư? Có. Chỉ ra cái hay, sự đồng cảm, đã đành. Hồ Thế Hà còn dành cả sự nâng niu, yêu thương. Câu thơ ấy, bài thơ ấy phải được cảm - thấy nó hay nhất có thể. Phần nhiều cái tình anh đến đích.

Nhưng cũng có mặt trái, chẳng hạn, sau khi bình 2 bài thơ Sóng (của Xuân Quỳnh) và bài Thác gọi (của Trịnh Công Lộc), Hồ Thế Hà viết ý kết, “tán” thêm: “Chất hoài niệm xuất phát từ đặc điểm của thể thơ năm chữ phù hợp với tâm trạng và nỗi niềm của người phụ nữ - nhân vật trữ tình của bài thơ” (Khoảng lặng thơ, Tr.88). Và: “Bài thơ được viết trong cảm xúc hoài niệm tâm linh và tự hào, thương tiếc nên thể thơ 5 chữ là không gian thi pháp phù hợp nhất để anh thể hiện thành công sự bất tử hình ảnh người liệt sĩ trong cuộc chiến tranh ái quốc ở biên giới phía Bắc của Tổ quốc” (Đường biên thơ, Tr.122). Cả 2 bài đều thơ 5 chữ. Có cần khẳng định rằng nó (thể thơ 5 chữ) đích thị là để diễn tả “nỗi niềm và tâm trạng của người phụ nữ” (trong Sóng) và, phù hợp nhất cho “hoài niệm tâm linh và tự hào thương tiếc” (trong Thác gọi) không? Cũng như, người bình thơ “hiểu rõ những chuyện bếp núc của người làm thơ…” là tốt, nhưng khi anh viết lời bình bài Bài thơ tình yêu không thể nào viết lại của Bùi Kim Anh có đoạn: “Bùi Kim Anh đã bằng kinh nghiệm quan hệ riêng có thật của mình để viết nên bài thơ tình yêu hay và thật, giống như mối tình đầu của bao nhiêu người con gái khác trên thế gian này” (Đường biên thơ, Tr.101), và kết: “Bùi Kim Anh đã từ chính tình yêu và cuộc đời mình để viết nên bài thơ rất thật và rất nên thơ” (Đường biên thơ, Tr.103), có vẻ không hợp: tình yêu thật, xúc cảm thật thì nhiều, nhưng nó quyết không phải lý do khiến những người yêu nhau thành thi sĩ, huống chi là thơ hay. Cũng vậy, bạn đọc chỉ cần đọc, tán thưởng đó là bài thơ tình hay, dù tác giả có “kinh nghiệm quan hệ riêng” thế nào, thật với tình mình, đời mình hay từ đúc kết, chiêm nghiệm.

Phương pháp bình - giải từng khổ thơ, ý thơ sẽ thấu đáo cái hay, không bỏ sót, sẽ hài lòng tác giả, một bộ phận bạn đọc (có thể là số đông). Nhưng thao tác đều đặn này dễ thành miên man và đi qua những nhấn sáng, những đặc dị - chính nó nâng vút bài thơ lên hoặc đọng lại day dưa trong bạn đọc. Ví dụ bài thơ dài 5 khổ Vu Lan của Nhụy Nguyên, cảm động về mẹ từ đầu đến khổ cuối: “Ba ơi, nếu một ngày chúng con không còn mẹ/ Mây trắng chưa hề tin phận mồ côi/ Rồi mai kia không còn mẹ nữa/ Rêu đã xanh trên mộ tuổi con rồi”. Đây là nói với ba “đã đi thật xa…”. “Rêu đã xanh trên mộ tuổi con rồi” là một mất mát tê điếng, một sáng tạo xuất thần, cũng chỉ được bình, giải đều đều: “Dự cảm về sự mất mát lớn nhất trong đời người, nhưng rồi “Mây trắng chưa hề tin phận mồ côi”, “Rêu đã xanh trên mộ tuổi con rồi” lại là một tương thông, tương cảm giữa con người và thiên nhiên, cảnh vật mà bằng cái nhìn triết học, tôn giáo và tâm linh, Nhụy Nguyên đã nhận ra để tôn vinh và bất tử hóa tình mẫu tử” (Đường biên thơ, Tr.232). Bên cạnh sự thấu đáo, cũng nhiều những đều đều đi qua như thế.

Có một điều dễ nhận thấy, dù cùng một phương thức bình - giải tuần tự từ đầu đến cuối, những bài thơ lạ, độc đáo về ý tưởng, thi pháp, cấu tứ lại được Hồ Thế Hà bình đầy hứng khởi, khám phá. Và hay. Như các bài thơ Thiền, Dòng sông một bờ (Nguyễn Khắc Thạch), Uống cùng Huế (Hồng Nhu), Giấc mơ của Kafka (Trương Đăng Dung), Đoản khúc số 91 (Fan Tuấn Anh), Tan vỡ (Dư Thị Hoàn)… trong Khoảng lặng thơ. Hay các bài bình thơ Đề lên năm tháng (Hải Bằng), Một cơn vắng ý thức (Vũ Quần Phương), Dằng dặc (Nguyễn Bình Phương), Cha chơi cờ (Võ Tấn Cường), Tôi (Hoàng Thùy Anh), Đoản khúc số 151 (Fan Tuấn Anh… trong Đường biên thơ. Khá nhiều những bóc tách tinh tế, những cảm-bình cộng thông, phát hiện, những tương liên hưởng thụ và sinh khởi trong 2 tập sách. Những bài thơ hay thêm một lần ngân vọng, mới và khác.

3.

Hơn một lần Hồ Thế Hà chân thành và đúng mực trước các tầng nghĩa đầy biến hóa của thơ: “Trên đây là một cách hiểu. Bài thơ kiệm lời đến tối đa mà nghĩa mở ra nhiều hướng. Có thể gọi kiểu tổ chức thơ của Nguyễn Khắc Thạch như trên là thơ tạo sinh nghĩa” (bình Thiền của Nguyễn Khắc Thạch, Khoảng lặng thơ, Tr.106). Hoặc: “Trên đây chỉ là một cách hiểu của tôi. Người đọc khác sẽ có cách hiểu khác để bổ sung, tạo sinh nghĩa cho tác phẩm” (bình Cha chơi cờ của Võ Tấn Cường, Đường biên thơ, Tr. 162). Vừa đúng với thơ vừa là con người anh, khiêm cung, hòa ái.

Nhiều người biết Hồ Thế Hà mảng phê bình lý luận với những thành tựu, chức sắc. Nhưng anh còn là nhà thơ với 6 tập đã in, với nhiều tìm tòi táo bạo về thi pháp, cả những thể nghiệm. Sáng tác, Hồ Thế Hà càng thấu hiểu giá trị từng câu thơ hay của bạn thơ. Và anh nhập vai để trân trọng, rồi khám phá, khen tặng ở vị thế phê bình. Hai tập Khoảng lặng thơ và Đường biên thơ từ tên sách đã có chủ ý, không chỉ chữ nghĩa. Mà là sự đồng cảm về các đường biên của sáng tạo và thưởng thức, trên từng hiển lộ và tầng sâu ngữ nghĩa, cả cái “bất khả giải” của ám ảnh thơ. Hồ Thế Hà hạnh phúc ở những tìm thấy và chia sẻ. Và chắc rằng anh đem lại niềm vui cho bạn thơ, bạn đọc, ở các lựa chọn đối tượng hướng tới.

Nguồn Văn nghệ số 27/2020


Thời tiết ngày 22/11: Bắc Bộ duy trì lạnh về đêm và sáng, ngày nắng hanh

Thời tiết ngày 22/11: Bắc Bộ duy trì lạnh về đêm và sáng, ngày nắng hanh

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời tiết ngày 22/11: Bắc Bộ đêm và sáng sớm trời rét, ngày nắng hanh.
Nhà thơ Chu Thùy Liên: Ngẩn ngơ nhìn hoa mận trắng

Nhà thơ Chu Thùy Liên: Ngẩn ngơ nhìn hoa mận trắng

Baovannghe.vn - Mùa hoa mận của Chu Thùy Liên là mùa xuân rộn ràng của núi rừng Tây Bắc, ở đó tác giả gửi gắm những điều tốt lành như ước mơ ai cũng được thả lên trời cao và lời chúc cho những người con của quê hương dù đi đâu xa đều gặp may mắn, duyên lành để "nhớ lối trở về".
Di sản bất hòa ở Đông Âu

Di sản bất hòa ở Đông Âu

Baovannghe.vn - Tinh thần dám đối diện với quá khứ, dám chấp nhận sự đa dạng của văn hóa đã giúp các quốc gia Đông Âu và cả châu Âu bước qua nhiều trở ngại để bảo tồn và khai thác khối di sản kiến trúc XHCN ở Đông Âu.
Sầm Sơn trong thơ ca xưa và nay

Sầm Sơn trong thơ ca xưa và nay

Baovannghe.vn - Sầm Sơn đang góp phần đưa tỉnh Thanh Hóa đứng top đầu các tỉnh phía Bắc trong phát triển kinh tế, văn hóa...
Quả chuối dán trên tường được bán với giá 6,24 triệu đô la

Quả chuối dán trên tường được bán với giá 6,24 triệu đô la

Baovannghe.vn - Ngày 20 tháng 11 năm 2024, quả chuối mang tên Comedian của Maurizio Cattelan đã được bán tại nhà đấu giá Sotheby’s với giá 6,24 triệu đô la, trở thành tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi nhất trong giới nghệ thuật đương đại. Một quả chuối dán tường với cuộn băng keo đã tạo nên cơn sốt toàn cầu, không chỉ vì giá trị vật chất, mà còn vì các câu hỏi nó đặt ra về giá trị thực sự của nghệ thuật.