Diễn đàn lý luận

Xóm Hà Tiên: Đông Hồ - Mộng Tuyết

Khuất Bình Nguyên
Chuyện văn chuyện đời
12:02 | 27/08/2024
Baovannghe.vn - Đứng ngấp nghé ở cửa ra vào thi ca thế kỷ XX có tao nhân mặc khách. Năm người trong số họ minh chứng của thi ca trung đại với thơ thời hiện đại
aa

Đó là Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, Tản Đà, Á Nam Trần Tuấn Khải và Đông Hồ. Họ sống với thế kỷ XX dài ngắn thật khác nhau. Mặc dầu sự dài ngắn ấy không là điều phân biệt phẩm cách thơ và tầm vóc của họ…

Xóm Hà Tiên Đông Hồ - Mộng Tuyết
Nhà giáo, nhà thơ Đông Hồ (1906 - 1969)

Danh phận của Đông Hồ không được như Tản Đà. Khi Tú Xương mất 1907, Đông Hồ mới lên 1 tuổi. Là người có nguồn gốc ở xa đến nhưng hiếm có ai cổ xúy cho quốc văn - văn chương viết bằng chữ quốc ngữ như ông. Hoài Thanh có lần nói yêu quốc văn mà đến như Đông Hồ kể cũng ít người. Chỉ chuyên học quốc văn, viết quốc văn rồi mở trường chuyên dạy quốc văn. Lúc mới bước vào văn chương, Đông Hồ chịu ảnh hưởng của Nam Phong tạp chí và tham gia tích cực vào ấn phẩm này. Thơ ông là kiểu thơ được Nam Phong hô hào ủng hộ. Thơ viết bằng chữ quốc ngữ, một điều vẫn còn khá mới mẻ thời bấy giờ. Những năm 20 và một hai năm đầu 30 của thế kỷ XX, thơ Nam Phong nói chung và Đông Hồ nói riêng cũng như nhiều thơ viết bằng chữ quốc ngữ nhưng vẫn theo thể loại và niêm luật Đường thi là một bước chuẩn bị, bước thử nghiệm khả năng biểu đạt cảm hứng và hình tượng của tiếng Việt trong tiến trình từ thơ ca trung đại đến thơ thời hiện đại. Một thế hệ khăn gõ áo the trong thơ không phải bằng chữ Hán, chữ Nôm mà bằng chữ quốc ngữ, đã góp phần làm nên diện mạo của thi ca Việt Nam những năm 20. Như một bước quá độ cần thiết. Đông Hồ đương nhiên không phải là học giả Phạm Quỳnh. Nhưng họ viết văn bằng chữ quốc ngữ, trong khi họ hoàn toàn có khả năng viết bằng chữ Pháp hoặc chữ Hán là một cử chỉ chân thành giống như Tản Đà hô hào ủng hộ quốc văn. Họ không phải làm theo chiêu bài ru ngủ đồng bào của chủ nghĩa thực dân. Chả trách mà trong bài Đề Từ - thơ thất ngôn bát cú Đường luật 100% Đông Hồ đã nói cái mộng ước của việc nối liền nhịp cầu kim cổ:

Kim cổ cách đôi bờ thế hệ

Cảm thông cùng bắc nhịp giao liên.

Trong thời gian 10 năm từ 1923 đến 1933, Đông Hồ cộng tác với Nam Phong viết khá nhiều văn thơ, nhưng theo Mộng Tuyết, hay nhất cả 10 năm đó chỉ còn lại 2 bài ký và 1 bài phú theo truyền thống của văn học cổ điển.

Nhưng Đông Hồ không dừng lại. Hân hoan đón luồng sinh khí của phong trào Thơ Mới; Đông Hồ đã buộc lại quai nón thơ ca của mình để sang đò cùng với một thời đại mới trong thơ. Với tập Thơ Đông Hồ năm 1932 và tập Cô gái Xuân năm 1935. Hoài Thanh đã dành ưu ái thật là nhiều cho Đông Hồ. Tác giả Thi nhân Việt Nam đã nhẫn nại vượt qua mà không ngần ngại, những câu thơ trơn tru tầm thường thậm chí có đoạn thơ còn đỏm dáng quá trời của tập Thơ Đông Hồ (1932) để lọc ra đôi lần sự tình cờ ta thấy ẩn sâu một linh hồn trong những vần thơ:

Xóm Hà Tiên Đông Hồ - Mộng Tuyết
Nhà thơ Đông Hồ cùng gia đình nhà thơ Nguyễn Bính

Mối sầu khôn dãi cùng trời đất

Chén rượu đành khuây với nước non.

Hoài Thanh có lý khi cho rằng với nỗi buồn man mác ấy, Đông Hồ đã đi xa hơn trường thơ Nam Phong nhiều lắm. Có người nói nếu ở tập Thơ Đông Hồ (1932) cũ bao nhiêu thì Cô gái Xuân (1935) đã trở nên mới mẻ và thi sĩ đã làm một cuộc thoát lốt biến hình để làm người của thế hệ với tình yêu và tuổi trẻ bấy giờ. Hoài Thanh đã chọn Đông Hồ vào Thi nhân Việt Nam - cái sân khấu chính danh trang trọng nhất của phong trào Thơ Mới (1930-1945) những 4 bài thơ như Anh Thơ, Vũ Hoàng Chương và hơn cả Bích Khê và Nguyễn Nhược Pháp - mỗi vị chỉ được 2 bài. 4 bài thơ của Đông Hồ là những bài thơ khá dài. Cô gái Xuân 17 khổ 4 câu thành 68 dòng. Tuổi Xuân - thơ 5 chữ 100 câu, Bốn cái hôn, thơ 7 chữ 76 câu… thuộc những bài thơ dài hiếm gặp trong Thơ Mới. Nổi bật nhất được xem là Cô gái Xuân. Cô gái Xuân thuộc loại tự sự, kể chuyện nhưng lại được phủ lên một bóng mây lãng mạn ít nhiều siêu thực là điều không thấy trong Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp hay Lỡ bước sang ngang của Nguyễn Bính. Cô gái Xuân kể rằng có cô gái quần đen, áo trắng, khăn hồng nhẹ, tóc bỏ đều xõa đến ngang vai, lòng cô phơi phới những buổi cắp sách đến trường chỉ thấy bướm, cỏ và gió thổi. Rồi một hôm gió làm cho như tưởng gặp được bóng tình quân. Là bóng chứ không phải là người. Đợi chờ mà chưa gặp đã thấy cảnh đìu hiu một người tình quân trong gió trong mây:

Gió mây xin để tình quân lại

Chầm chậm cho em nói ít điều.

Nhưng mây gió vẫn cuồn cuộn bay một cách vô tình, cô gái xuân rỏ lệ khóc tình quân. Một nỗi tình vẩn vơ, vô cớ. Có lẽ đó là một trong số bài thơ tình yêu ảo vọng nhất thời 1930-1945.

Xóm Hà Tiên Đông Hồ - Mộng Tuyết

Nữ sĩ Mộng Tuyết và nhà thơ Đông Hồ. Ảnh tư liệu ở nhà lưu niệm tại Hà Tiên.

Nói đến Đông Hồ mà không có Mộng Tuyết thì kể như không có Đông Hồ. Họ là đôi uyên ương duy nhất được hát mộng tình trong Thi nhân Việt Nam. Căn cứ vào nơi sinh sống của các nhà thơ, Hoài Thanh đã chia làng Thơ Mới (1930-1945) thành những xóm thơ. Xóm Sông Thương: Bàng Bá Lân, Anh Thơ. Xóm Bình Định: Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên. Xóm Hà Tiên: Đông Hồ, Mộng Tuyết v.v.. Hai con người ấy, đôi vợ chồng ấy đã cùng làm nên diện mạo một xóm thơ để mảnh đất Hà Tiên có nước, có biển và mây trời nối liền một dải vùng biên viễn ở tận cực Nam. Năm 1998, Huy Cận viết Cặp thi nhân Đông Hồ - Mộng Tuyết sẽ ở lại trong lịch sử thi ca Việt Nam thế kỷ này như là mối tình thơ đằm thắm, thủy chung nhuốm chút mầu huyền thoại… trong cái thuở tha thiết chấn hưng thơ ca và văn hóa nước nhà.

Mộng Tuyết sinh năm 1914 ở Hà Tiên. Đã làm thơ từ năm 12 tuổi, gom lại thành một tập hợp bài mang tên Bông hoa đua nở đăng trên Nam Phong tạp chí năm 1930. Cùng với Đông Hồ và nhiều người khác ở thế hệ ấy, Mộng Tuyết đã tham gia vào cuộc tập dượt khả năng biểu đạt của chữ quốc ngữ xung mãn và tinh tế không thua kém gì chữ Hán, chữ Nôm và còn mang trong mình nó khả năng phổ cập và lan tỏa rộng rãi vì đặc tính gắn liền với ngôn ngữ đời sống hàng ngày. Năm 1939, tập thơ Phấn hương rừng của Mộng Tuyết được Tự lực văn đoàn tặng lời khen… Tờ giấy có ghi lời khen tặng, bên dưới đầy đủ 6 chữ ký của các vị đầu lĩnh: Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam, Thế Lữ… ấy đã mang lại sự đổi đời của nữ thi nhân. Mộng Tuyết trở nên nổi tiếng. 1941 vào Thi nhân Việt Nam. 1943 có tên trong tập thơ Hương Xuân cùng với Anh Thơ, Hằng Phương, Vân Đài. Nhờ Đông Hồ nói giùm, Hoài Thanh đã được xem Phấn hương rừng trong dạng cảo thơm với bìa thếp vàng giấy Tàu tốt, với những bản viết tay và vẽ bằng nét bút hoa mỹ, phóng túng, thỉnh thoáng lại chen vào ít câu chữ Hán. Hoài Thanh chọn 2 bài cho Mộng Tuyết vào Thi nhân Việt Nam. Bài Dương Liễu Tân Thanh, nhân một ý thơ của một người gửi cho Phan Thanh Giản và bài Vì Anh Thọ Xuân viết cho Đông Hồ khi tặng ông bộ Pháp Việt từ điển. Hoài Thanh khen thơ Mộng Tuyết nhẹ nhàng, hàm súc. Người xem thơ bỗng thấy lòng run run như được đọc bức thư tình. Không rõ ở phần kết, Hoài Thanh có định ám chỉ gì không? Người thiếu nữ trong tập thơ này có làm cho ta quên những thiếu nữ do trí tưởng tượng thi nhân tạo ra không? Nàng, một người đàn bà thiệt, nàng có đàn bà hơn những người đàn bà khác trong tưởng tượng kia không?. Hoài Thanh đã để lại câu hỏi này từ tháng 8/1941 đến nay chưa thấy ai trả lời?. Đọc lại Dương Liễu Tân Thanh Vì Anh Thọ Xuân. Chợt thấy: Biệt ly còn hận đời danh sĩ. Huống chốn buồng the khách chỉ kim. Và: Hãy còn thừa thãi tiêu chưa hết. Mua lấy trần gian tiếng khóc cười. Toàn bàn chuyện quốc sự cả. Là khẩu khí của một trang nam tử trong thơ của một nữ sĩ suốt đời bươn chải làm chức phận đàn bà, khác hẳn với người đàn bà tắm đêm dưới trăng bên giậu trúc của Mộng Tuyết đăng trên Hà Nội báo ngày 6/5/1936. Cái khẩu khí của trang nam tử ấy còn gặp lại trong 10 bài thơ Mộng Tuyết viết năm 1945 bàn về quốc sự, về Giá gạo ở Tràng An, về Hấp hối đợi chờ, về Xẻ cháo nhường cơm... trong mùa đói ở Bắc kỳ.

Đông Hồ và Mộng Tuyết kể từ 1935 đến 1939 đã là hai trong 44 thi sĩ của phong trào Thơ Mới (1930-1945). Hoài Thanh đã nói phần góp mặt của Đông Hồ và phong trào ấy với ít nhiều xa hoa. Hoài Thanh viết Đông Hồ là người thứ nhất đã đưa vào thi ca Việt Nam cái vị bát ngát của tình yêu dưới trăng thanh trong tiếng sóng. Thú thật là. Nhiều thi sĩ thời ấy đã làm được điều ấy và thậm chí có phần còn dạt dào hơn, kỳ ảo hơn như Xuân Diệu và Hàn Mặc Tử. Đông Hồ đã chỉ ra cái mơ hồ của ánh sáng vô minh, của tình yêu tuổi trẻ. Khi: Tuổi mười sáu là trăng vừa mới mọc. Lệ tình rơi rớt xuống vô biên. Hay cái biên giới chẳng rõ ràng, biên giới gió trăng của rừng và suối: Bạn bè bốn mùa trăng gió. Rừng em suối chị giao duyên.

Và đặc biệt là cái mờ ảo của đêm liêu trai trong giao hòa của tuổi trẻ và tình yêu nghìn năm bất diệt:

Một luồng hơi thoảng hương xiêm áo

Ngất lịm mùa thơm tóc trái đào...

Một sợi tóc tơ huyền đủ buộc.

Nghìn năm người thực với chiêm bao.

Ba tập hồi ký Núi Mộng Gương Hồ của Mộng Tuyết do Nxb Trẻ in 1998 cho thấy con người của Đông Hồ và Mộng Tuyết thật ân tình. Bóng dáng gần gụi và yêu thương của những nghệ sĩ danh tiếng thời thế kỷ XX hiện về bao giờ cũng thật bình dị mà vô thường. Huỳnh Thúc Kháng người gầy nhỏ nhắn, nét mặt hiền hậu. Học giả Đào Duy Anh tính tình vui vẻ, cử chỉ tự nhiên, vừa đi vừa bóc bưởi Thanh Trà mời khách vừa dẫn giải nói cười. Thư của Tản Đà khảng khái nói về sự chết của nghề làm báo. Vũ Đình Liên, ông đồ già khi tuổi đã 80 giữa ngày mưa to gió lớn tay xắn ống quần tay ôm cặp sách lội bì bõm đến nhà thăm Mộng Tuyết bạn làm thơ. Hồn nhiên, cởi mở, lần nào vào Sài Gòn cũng nói mộng ước về Ba Tri thăm mộ Đồ Chiểu. Nguyễn Tuân tài hoa bằng cử chỉ viết thư mượn sách. Đặc biệt là những trang viết về Huỳnh Văn Nghệ và Nguyễn Bính. Ông tướng thi sĩ Huỳnh Văn Nghệ với Từ buổi mang gươm đi mở nước, nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long đã viết bài thơ Lá thơ rừng in trên tờ nhật báo Ánh Sáng ngày 3/10/1948 để giãi bày tâm sự với bài Chiếc lá thị thành của Mộng Tuyết đã in trên báo đó trước đấy. Khi viết hồi ký vào năm 1995, hay tin gia đình Huỳnh Văn Nghệ đang đi sưu tầm tác phẩm của ông, Mộng Tuyết đã tìm được 4 bài thơ của Huỳnh Văn Nghệ đăng trên báo Sống phát hành tại Sài Gòn năm 1935 để đưa vào hồi ký… Đáng tiếc là chuyện kể về Nguyễn Bính đến thăm Hà Tiên, lưu lại gác Nam Phong của Đông Hồ để đêm đêm viết truyện thơ lục bát Thạch Sương Bồ với tham vọng dài hơn Truyện Kiều... còn ít quá… Chuyện kể về giao lưu giữa Đông Hồ với nữ sĩ Tương Phố, mệnh phụ tuần phủ phu nhân ở Bắc kỳ, tác giả của Giọt lệ thu nổi tiếng, thật là tao nhã, như một nét văn hóa của một thời gần đây thôi mà tưởng như xa lắm của người xưa... Bà Tương Phố sau này di cư vào sống ở trong Nam. Khi thì Đà Lạt. Khi thì Nha Trang. Mới hay Tương Phố là người Tây học. Bổn phận làm vợ của nàng chỉ là người phiên dịch cho ông tuần phủ Tuyên Quang, làm quan to mà không rành tiếng Phú lãng sa.

Xóm Hà Tiên, theo cách gọi mang nhiều ẩn dụ của Hoài Thanh hồi 1941 là nơi sinh ra và cuối cùng trở về của Đông Hồ, Mộng Tuyết. Cả hai người như là những tác giả tiên phong thời hiện đại nghiên cứu giới thiệu Hà Tiên. Đông Hồ viết Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh. Mộng Tuyết viết Đường vào Hà Tiên. Đầu năm 1986, tỉnh Kiên Giang tổ chức hội thảo khoa học 250 năm Tao đàn Chiêu Anh Các và 80 năm ngày sinh Đông Hồ như là một sự ghi nhận đóng góp của Đông Hồ - Mộng Tuyết trong việc giới thiệu thi ca của các tác giả Hà Tiên trong Chiêu Anh Các từ những năm 30 đến 60 của thế kỷ XVIII và cảnh vật của một vùng biên viễn Hà Tiên. Từ 2012 đến nay hàng năm cứ đến rằm tháng giêng, Hà Tiên mở Lễ hội Chiêu Anh Các và ngày Thơ Việt Nam. Vào đêm ấy, người ta thả hoa đăng hình hoa sen nở hồng xuống mặt nước hồ Đông Hồ như một cử chỉ tao nhã. Chẳng khác gì người ở đất Thăng Long. Mới hay Đông Hồ là tên gọi 1 trong 10 thắng cảnh Hà Tiên đã làm đề tài ngâm vịnh cho các thi sĩ tao đàn Chiêu Anh Các ở đất này cách đây đã gần đủ 300 năm. Nhà thơ, nhà văn hóa Lâm Tấn Phác đã chọn Đông Hồ làm bút hiệu suốt đời của ông. Ông yêu tiếng Việt và xứ sở này đến mức, ngày 25 tháng 3 năm 1969 đã gục ngã trên bục giảng và tạ thế trong khi đang ngâm bài thơ Trưng Nữ Vương.

Giáo sư Lê Đình Kỵ đã có lần trích dẫn Đông Hồ: Tiếng Việt quả có một sức quyến rũ phi thường. Thi sĩ Đông Hồ đẹp như chính ánh sáng của cái hồ ấy ở thời đại ngày nay. Thu dạ Đông Hồ tiên đắc nguyệt.

Nhà lưu niệm thi sĩ Đông Hồ ở thị xã Hà Tiên, ở nơi trang trọng có bức hình của Đông Hồ, mầu sắc trang nhã như một bức ảnh chúa. Đông Hồ trong bộ vest mầu xám nhạt, áo sơ mi cổ trắng, cà vạt đỏ tươi, trang phục ông thường lên lớp ở văn khoa Sài Gòn những năm 1965-1969 theo lời kể của sinh viên. Dọc theo hai bên ảnh có treo câu đối viết bằng chữ quốc ngữ mầu hơi vàng trên nền gỗ cánh kiến đỏ hình giống như hai tàu lá chuối xếp xuôi. Gởi tình hoa thảo góp bạn giang hồ - Đọc sách thánh hiền kết duyên hàn mặc. Một đời người. Một sự nghiệp. Đơn giản vậy thôi. Một khuôn tường vôi trắng trong ngôi nhà nhỏ trên bờ vịnh Hà Tiên xa vắng...

Mộng Tuyết đã cắm sào bến cũ, trở lại Hà Tiên từ năm 1995. Sau 45 năm rời xa nó. Những nỗ lực cuối cùng của người nữ sĩ ấy là xây nhà kỷ niệm chồng trên chính mảnh đất ngày xưa ông đã mở trường dạy chữ quốc ngữ ở đây và bà là một trong những học trò Hà Tiên nhiệt thành đến học. Ngày 1 tháng 7 năm 2007, Thất tiểu muội Mộng Tuyết đã khăn gói đi tìm Đông Hồ, nơi từ thuở thiếu thời đã đợi gió, đợi nước triều lên đến lúc triều đã lên rồi trăng cũng lên ở xóm Hà Tiên. Trăng từ đấy dường như chưa bao giờ lặn hẳn trên mặt nước Đông Hồ để họ tìm được thấy nhau. Thi ca là cây sậy biết nói những lời khổ đau và hy vọng của con người. Nó có sức sống bền bỉ nhưng thật dễ tổn thương… Con người thật bé nhỏ xiết bao trong cái thế giới vô thủy, vô chung đó. Người ta đối mặt và chất vấn, đặt cược với cái hư vô đó mà mỗi người chỉ là một hạt bụi mỏng manh mà thôi. Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương. Trần Tuấn Khải, Tản Đà, Đông Hồ, Mộng Tuyết… Họ là những hạt bụi có ánh sáng vàng.

Khuất Bình Nguyên

-----------

Bài viết cùng chuyên mục

Bế Kiến Quốc: Bài thơ đáng viết nhất vẫn đang còn phía trước

Nhà thơ Trinh Đường: Nhập thân vào đất nước để nhập thần vào thơ

Vài kỷ niệm về cố nhà văn Nguyễn Tuân

Người thơ ấy đã nhặt từng con chữ

Văn học Phú Yên nửa sau thế kỷ XX: Những gương mặt tiêu biểu

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.
Bản tin Văn nghệ: Cuộc thi "Đưa Văn vào đời" - trao thiệp gửi yêu thương

Bản tin Văn nghệ: Cuộc thi "Đưa Văn vào đời" - trao thiệp gửi yêu thương

Baovannghe.vn - Cuộc thi thiết kế thiệp Văn học: Đưa Văn vào đời 2024, do Nxb Hội Nhà văn phối hợp tổ chức, Hội Nhà văn Việt Nam bảo trợ chuyên môn