Vũ Trinh tự là Duy Chu, có ba tên hiệu là Lai Sơn, Nguyên Hanh và Lan Trì Ngư Giả, người làng Xuân Lan, huyện Lương Tài, trấn Kinh Bắc, nay thuộc tỉnh Bắc Ninh. Ông sinh năm 1759 trong một một gia đình trí thức quan lại, từ nhỏ đã được lên Thăng Long học hành chu đáo. Năm 17 tuổi, Vũ Trinh thi đỗ Hương tiến, rồi được bổ chức Tri phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây xưa, nay thuộc Hà Nội, và bắt đầu theo đường hoạn lộ. Vợ ông là con gái Nguyễn Khản (anh Nguyễn Du), ngụ tại phường Bích Câu, Thăng Long. Là cháu rể Nguyễn Du nhưng nhiều hơn bảy tuổi, nên hai ông có giao tình với nhau. Năm 1787, Vũ Trinh được vời vào làm quan trong triều. Do được sống trong chốn cung đình, hiểu nhiều về các cung nhân, nên ông đã viết tập Cung oán thi. (Có thuyết cho rằng tác giả Cung oán thi là Nguyễn Huy Lượng, lại có người nói là của Nguyễn Hữu Chỉnh). Dưới triều Lê mạt, Vũ Trinh làm quan tới chức Tham tri chính sự. Nhưng, thời kỳ này, giặc Thanh ùa sang xâm chiếm Thăng long; rồi Quang Trung kéo quân ra bắc đánh bại chúng... Trước những biến động lớn về chính trị và binh lửa, Vũ Trinh không thể thích ứng nổi, nên đã lui về ẩn cư, mười năm trời nương thân ở vùng Hồ Sơn. Tại đây, ông vừa dạy học vừa thu tập những tư liệu về phong tục, những truyền thuyết trong dân gian. Thực ra, ẩn sâu trong tấm thân một Vũ Trinh quan lại là cái phần hồn của một văn nhân, đến lúc này bắt đầu trỗi dậy, nó thôi thúc ông viết. Do vậy mà văn chương nước Việt ta lại có thêm tác gia lớn Lan Trì Ngư Giả với tác phẩm Lan Trì kiến văn lục.