Nhà văn Thái Bá Lợi, giám đốc Chi nhánh NXB Hội Nhà văn taik miền Trung Tây Nguyên bộc bạch: Hai cuốn sách trên gồm 115 bài của gần 100 tác giả, với nhiều chính khách, tướng lĩnh, nhà báo, văn nghệ sĩ, trong đó có những nhân vật, nhân chứng lịch sử vừa là tác giả. Rất nhiều nam thanh nữ tú, nhiều văn nghệ sĩ của miền Bắc của thủ đô xung phong vào nơi khắc nghiệt, khốc liệt của chiến trường Khu 5, trong đó có Bình Dương. Ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã hai lần về Bình Dương. Ông đúc kết, Bình Dương có ba cái nhất: Một là, chiến đấu gian khổ hi sinh và tổn thất lớn lao nhất. Hai là, tình người , tình yêu Tổ quốc cao đẹp nhất. Ba là, sức sống trỗi dậy sau chiến tranh mạnh mẽ nhất. Về các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hai cuốn sách trên có 71 tác giả viết, nhưng không trùng lặp. Các nhà văn viết rất hay vì viét thật và xúc động. Tôi hoan nghênh Dự án Vườn Mẹ tại Bình Dương, nó vừa là công viên lịch sử vừa là công viên truyền thống. Không có vùng đất nào khốc liệt như Bình Dương. May mà chúng ta có hai cuốn sách đúc kết về Bình Dương, một Bình Dương anh hùng trong đánh giặc và một Bình Dương anh hùng trong lao động. Tôi mong muốn các nhà văn đầu tư hơn nữa để có hai cuốn sách đặc biệt, tinh lọc chỉ cần nó bằng bao thuốc lá bỏ gọn vào túi áo phục vụ cho khách du lịch, sách không chỉ có mặt ở địa phương Thăng Bình mà có ở các nghĩa trang liệt sĩ trên khắp đất nước này. Hai cuốn sách là sự tiếp máu thiêng liêng nhất trong sạch nhất, tinh khiết nhất, bất khuất nhất, anh hùng nhất. Đây là cách lấy máu, tiếp máu cho đời sống chúng ta. Nhạc sĩ, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha tâm đắc: Những con chữ trong hai cuốn sách kéo tôi đăm chìm trong sự hi sinh của Bình Dương. Bình Dương là biểu tượng của tinh thần chiến tranh nhân dân để chiến thắng. Từ kính trọng đến ân hận tôi phải về Bình Dương
Bắt gặp bài thơ Tượng đài của Đại tá, Pgs- Ts, nhà thơ Đỗ Cảnh Thìn, tôi xúc động và phổ nhạc luôn: Tôi trở về quỳ dưới gốc cây dương. Hạt máu mười năm còn bầm trong cát. Và cây dương tung vào trời tiếng hát. Màu xanh bát ngát Bình Dương. Tôi về Bình Dương chiều nay. Nghe biển hát với rừng dương khép tán. Dưới bóng dương tôi thấy lòng hổ thẹn. Với mẹ già đang cúi xuống vồng khoai. Cát trắng. Dương xanh. Máu đỏ người ngả xuống. Đã nguyên vẹn trong tôi một tượng đài. Không chỉ các chính khách, tướng lĩnh, báo đài, mà nhà văn Thái Bá Lợi và nhiều anh em văn nghệ sĩ khác đều băn khoăn: Dự án Vườn Mẹ như một bảo tàng cách mạng, chiến tranh trên cát để tri ân các Bà mẹ VN anh hùng, các anh hùng liệt sĩ đã có thiết kế đã được đệ trình lên các cấp tỉnh, huyện nhưng quỹ đất chưa được quan tâm bố trí. Các dự án kinh tế đã lấp đầy, còn dự án cho truyền thống, lịch sử máu xương có nguy cơ buông lỏng. Tôi nghĩ, trên tinh thần "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi " của Bác Hồ, văn hóa là động lực phát triển kinh tế địa phương tỉnh, huyện cần thật sự chăm lo để Dự án Vườn Mẹ trở thành hiện thực.
Lê Anh Dũng