Trong năm tập thơ đã ấn hành của Nguyễn Quang Hưng, nổi bật lên mảng thơ quê gắn liền với “Vườn ánh sáng” vùng kinh Bắc. Ngay từ tập thơ bốn tác giả sinh viên hồi năm thứ ba đại học Văn khoa, những giai điệu quan họ đã xâm nhập vào miền tâm thức và làm rung động trái tim của người thi sĩ trẻ. Người đọc có thể cảm nhận ngay Hưng có tư chất của một nghệ sĩ qua những câu thơ đậm đặc chất dân ca. Ngay cả trong những tập thơ có sự cách tân trong thi pháp như “Mùa Vu Lan” hay “Vườn ánh sáng” hoặc “Lòng ta chùa chiền” thì đề tài về vùng văn hóa Kinh Bắc vẫn ám ảnh trong từng câu chữ. Người ta có thể đọc chất nghệ sĩ ấy hiện lên trong các thi phẩm như: “Nhớ em và Kinh Bắc”, “Quan họ I”. “Quan họ II” hay “Mơ về lưng người quan họ”… Hoặc kể cả những phần riêng trong tập như “Ở chùa” hoặc “Một mình mở hội”… đều đau đáu nặng tình về thân phận con người.
|
Người ta còn ưu ái gọi Nguyễn Quang Hưng là “liền anh” hoặc đặt cho cái tên là “anh hai Hưng” trong những lần tham gia hát quan họ ở Bắc Ninh. Ít ai ngờ trong những năm theo đuổi học tập, tiếp xúc và trải nghiệm, Nguyễn Quang Hưng đã thuộc tới dăm chục làn điệu quan họ cổ. Đã 15 năm, không năm nào Hưng vắng mặt ở Hội Lim là vì thế. Hưng nghe từng quán hát trên đồi, những đám hát trong làng, rồi có lần còn lên cùng hát khi nổi hứng. Nhiều liền anh, liền chị nghe đều ngờ ngợ rằng Hưng là người Bắc Ninh, bởi âm sắc, luyến láy, cách nảy hạt, đẩy hơi rất “ra chất” quan họ tỉnh Bắc. Giọng hát “anh Hai Hưng” bởi thế, đã từng làm nao lòng người.
Có lần, Hưng nói với tôi tình yêu âm nhạc đã được hình thành từ tuổi thơ. Bố anh từng là một ca sĩ nghiệp dư, hát hay và say mê âm nhạc. Hưng lớn lên trong ngôi nhà có tiếng hát của bố. Hồi thanh niên, ông thường tập luyện và biểu diễn trước bạn bè học sinh và khán giả Hà Nội cũ, có lần ông còn biểu diễn ở Nhà hát lớn Hà Nội. Đã có lần giọng hát của ông được thu phát trên đài phát thanh. Hưng coi bố như một người dẫn lối, cả trong cách sống. Một phần chính vì thế, khi còn là sinh viên Hưng đã tham gia sinh hoạt, là Phó chủ nhiệm một CLB thơ ở Trung tâm văn hóa tỉnh Hà Tây cũ. Cũng trong thời gian ấy, Hưng thích nghe chèo. Hưng không thể nào quên câu chuyện gặp cô Tấm trong một hội diễn chèo không chuyên của tỉnh, năm 2002, được tổ chức tại huyện Thạch Thất và Thường Tín. Ngày ấy, trời nắng gay gắt, Hưng đạp xe từ Hà Đông lên tận Thạch Thất để xem hát chèo, xa chừng 30 cây số. Đi rồi về liền trong hai ngày, ngồi liền cả ngày nghe bà con ca hát. Lòng chàng cử nhân Văn khoa ngẩn ngơ với hình ảnh cô Tấm hiện ra từ quả thị trong cổ tích. Hình ảnh cô gái nông dân mộc mạc trong vai cô Tấm, một cô “Tấm quê quê”, cũng mộc mạc và chân thật, đã làm Hưng rất ấn tượng và suy nghĩ. Trong lúc nằm ốm cả tuần do cảm, ho vì phăm phăm đạp xe đi nắng liền hai ngày, những vần thơ về cô Tấm đã thao thức ra đời. Đó chính là suối nguồn dân gian đã nhập vào hồn thơ của Hưng trong bài “Tìm Tấm”. Đã có lần Hưng đọc cho tôi nghe những câu chan chứa nỗi nhớ nhung: Anh về phân vân ngã ba Phủ Quốc. Tìm dâng hài cườm ngậm hương lúa xuân. Hội chèo xứ Đoài xuôi về Thạch Thất. Tấm ơi! Em còn hát không?, hay Nghỉ uống chè tươi ở đầu Quán Gánh. Lại lo chuyển mùa mưa em long đong. Chuyện cô Tấm trong chèo xen lẫn hình ảnh cô Tấm ngoài đời thực đã làm Hưng mơ mộng. Người đọc thấy ấm áp một tâm hồn thơ dịu dàng chân quê của Hưng là vì thế.
Cùng với đó, Hưng không ít lần tâm sự về mối dây kết nối anh với những thi nhân, nghệ sĩ Hà Đông, và những xúc tác của họ đối với suy cảm của mình. Một số văn nghệ sĩ hay tụ họp ở quán “Cà phê Paris Hà Đông” (tên một bài trong tập Lòng ta chùa chiền - NXB HNV-2013) để trò chuyện và trao đổi mọi điều về nhân tình thế thái. Hưng nhắc đến họ, những cái tên quen thuộc và nổi tiếng như thi sĩ Nguyễn Quang Thiều, nhà thơ đạo diễn Lương Tử Đức, hay cố thi sĩ Dương Kiều Minh, hoặc NSƯT rối nước Chu Lượng, nhà thơ Trần Đăng Huấn, cùng với nhà thơ Nguyễn Quyến, họa sĩ Hoàng A Sáng… Họ nói đủ chuyện trên trời dưới biển, và đọc thơ cho nhau nghe, mời nhau xem tranh mới vẽ. Mọi người còn trao đổi về những dự kiến sáng tác, các sự kiện văn hóa nghệ thuật. Ai nấy đều hăng say trong sáng tạo và luôn luôn đề cao sự lao động. Đặc biệt trong nhóm nhân sĩ Hà Đông ấy có bố vợ của Hưng là nhà thơ Lương Tử Đức. Thỉnh thoảng Hưng ngồi tham dự, lắng nghe và ngẫm nghĩ mọi điều, mỗi câu chuyện nhóm Hà Đông nói với nhau đều có những thôi thúc, gợi mở. Cũng từ đây, người đọc đã thấy thơ Nguyễn Quang Hưng lấp lánh một sắc diện mới, hiện đại qua tập thơ “Vườn ánh sáng” (NXB HNV-2008).
Có thể nói thơ Nguyễn Quang Hưng đã bừng lên sau những “Chút điên” qua những ảo giác và giấc mơ trong hai tập thơ “Vườn ánh sáng” và “Lòng ta chùa chiền”. Tôi có nhiều đồng cảm với cách thể hiện đầy kỳ thú của anh như: Anh muốn chui vào gỗ để giết chết một con mọt. May ra có thể cứu được một cô công chúa, hay Muốn trở lại cánh đồng phải băng qua rất nhiều rác. Cuối cùng nhận ra mình là đồ hộp (Chút điên); hoặc lại có khi trong giấc mơ có thật rằng: Nhìn vẫn là mặt phẳng nhưng giầy đã nhớp bùn. Theo ống quần, bùn bò lên chân tóc. Và anh hóa khối bùn đang đi (Giấc mơ 3). Hoặc chia sẻ với Hưng về một không gian sống, về một ý nghĩa cuộc đời có nhiều bất trắc lo toan, người đọc cũng thấy một trách nhiệm công dân nổi bật ở nhiều thi phẩm như “Còn lại chúng ta”, “Cơn ác mộng không ở trong giấc ngủ”, “Những ngôi nhà bóng trăng”… Hưng đã khác hẳn cái thuở Chị chị em em hay Miếng trầu trong miệng tan thành nước mắt. Đêm giờ đắm đuối tay không.
Nhưng có lẽ đến “Chia ngũ cốc” (NXB HNV-2015) thơ Nguyễn Quang Hưng đã phối một cách tinh tế giữa cái ảo mộng và trực giác, đem lại cái mênh mang của cảm xúc cùng chất thiền trong triết lý tự thân, qua những liên tưởng gồ ghề bất ngờ. Vẫn có những chùa chiền, cánh đồng và quan họ, nhưng thơ Hưng đã dưng lên một ánh sáng mới, nặng trĩu suy tư, nhưng lại thơ thới những mỹ cảm trong thi ảnh mờ chồng, đa tầng gợi mở. Chất thi sĩ lãng du trong “anh Hai Hưng” đằm hơn và mộng mỵ: Có nhịp đập rung ngực ngóng ngày xuân ngày ngày năm năm tháng tháng. Trông hội đầu năm như đợi nửa đời (Câu hát sinh ra). Hay trong bài “Hát gọi”, cảm xúc chia xa làm ám ảnh lòng người: Người dừng lại mặt nước, người rời theo phương mây. Tay cầm tay bốc hơi thành gió trắng, và cuối cùng nỗi niềm đời hát quan họ luôn day dứt, với tình đôi lứa không bao giờ tới: Hát đến một đời ngăn cách. Câu ca đưa người đi gặp nhau. Chính vì vậy, nghĩ về những câu ca quan họ cổ, thơ Hưng bao giờ cũng phảng phất nỗi buồn, nỗi nhớ và niềm thương: Nối lại những kết chạ tháng xưa năm cũ. Hòa nước mắt những nửa đời lỗi hẹn. Khâu lành vạt áo cầm tay. Rõ ràng thơ Nguyễn Quang Hưng vẫn đắm đuối với hò hẹn những con đường Kinh Bắc, cho dù tình đến rồi lại đi, trong hội làng nức nở câu ca: Vừa hát một canh đã xa nhiều năm. Những chớp mắt vùn vụt nửa đời (Những đường vắng Bắc Ninh).
Bên cạnh miền quan họ, thơ Hưng đã hướng tới những vùng cỏ hoa và đầy trần ai cuộc sống. Thơ anh càng đến độ chín và lắng đọng ở ngay những đề tài ngỡ như quen thuộc như: “Bà bác”, “Mẹ đứng ngoài sân”, hay như “Xem trẻ đá bóng chiều mùng một tết”, “Kịch sĩ”… Dường như càng đời hơn, thơ Hưng càng nồng ấm với cuộc sống. Đó là những câu thơ giàu tính liên tưởng gần gũi, nhưng lại ẩn chứa những cấu trúc ngôn ngữ có tính sáng tạo mới lạ. Ta có thể bắt gặp những hình ảnh đầy ẩn ý như: Có bát gạo này tôi nấu cơm một nửa để ăn cùng con gái. Nửa còn lại tung lên trời. Nghe chim về đón trong màu xanh đang tỏa rộng (Chia ngũ cốc). Đó là nỗi khát khao của giấc mơ gọi mầu xanh cánh đồng, của lũy tre làng quê, của những đàn chim di trú. Một giấc mơ gọi về những cái mà con người đã bị mất đi. Một sự sẻ chia ngay từ mùi hương dạ lúa thơm dấu chim non: Những mắt nhìn sáng như mầm cây. Dưới những cánh chim nâng bổng vòm trời. Chia ngũ cốc của Nguyễn Quang Hưng là thế. Nó chính là cảm xúc lan tỏa trong những chuyến đi lên biển xuống rừng của nhà thơ. Đến đâu cũng gắn với câu chuyện “Chia ngũ cốc”. Đó là sự sẻ chia: Người ở đâu trong tiếng đất rơi. Tiếng ca thoảng thơm nhịp mõ. Con chim nhỏ về trên cành tre. Gọi không thôi vào chiều ngập gió (Cuối ngày). Những câu thơ luôn đẫm sương mai và vỗ về: Có ta gió mát hiên nhà thấp. Một chiều tan chợ theo về. Một hồn thơ nồng nàn với trái tim đa cảm, nhà thơ Nguyễn Quang Hưng đến với bạn đọc đúng với hình ảnh của một liền anh thảo thơm trong những làn điệu dân ca hướng về nguồn cội.
Đã có lúc, Nguyễn Quang Hưng tự vẽ chân dung mình, trong bài thơ tặng bố: Con thấy mình sinh từ đầu xuân cũ. Guốc mộc áo the lấp ló hiên nhà. Dường như nhà thơ khắc ghi cái cốt cách của liền anh qua hình ảnh âm nhạc từ Hương trầm thoảng những trăm năm chưa ngủ. Giờ đây anh vẫn tiếp tục thay bố đưa những giai điệu về nhà, cùng những cây nở những cánh hoa “Chia ngũ cốc”. Những điệu thức quan họ bâng khuâng làm ấm không gian và anh hát lại những lời ru xưa cho con gái mình đón giấc mơ: Trăng là chiếc xích đu bé nhỏ. Cha con mình bay đến trời xa. Những bài thơ của Nguyễn Quang Hưng luôn luôn gắn với một nơi đã đi qua. Con người và những vùng đất mới tạo nên cảm xúc bất ngờ cùng những khám phá trong cách thể hiện qua mỗi bài thơ.
Mười lăm năm sáng tác với 5 tập thơ và trường ca, một tập ký chân dung, một cuốn tản văn, nhà thơ trẻ Nguyễn Quang Hưng đã sớm thể hiện một giọng điệu riêng, một phong cách khác biệt. Nền tảng văn hóa quê lụa và đô thị hòa trộn với không gian Kinh Bắc đã tạo nên một hồn thơ bay bổng, dạt dào cảm xúc. Bên cạnh đó thơ Nguyễn Quang Hưng có những nét bứt phá đổi mới, độc đáo vượt qua những cảm xúc lãng mạn, để đưa đến bạn đọc những triết lý nhân sinh và hình ảnh ám ảnh lòng người. Nhưng bao giờ cũng vậy, hồn thơ luôn luôn được soi rọi bằng ánh sáng của niềm vui gọi về, chở che, thương nhớ. Tôi chợt nhớ đến câu thơ lấp lánh của anh viết về ngọn đèn biển rằng: Những đời người, đời lửa, đời thuyền. Cháy theo nhau sáng cùng mắt biển. Cháy đêm ngày lặng lẽ nóng bỏng. Trước những mùa cây xanh (Hải đăng). Tôi yêu thơ Nguyễn Quang Hưng, bởi những chùm sáng như vậy, trên mỗi chặng đường anh qua.
Báo Văn nghệ số 47/2016
Làng lụa. Ảnh Internet |