Sáng tác

Anh hùng sốt ruột - Truyện ngắn của Nguyễn Viện

Nguyễn Viện
Truyện
07:00 | 31/07/2024
Baovannghe.vn - Mặc dù tập thơ không bán được, nhưng vẫn là tiếng sét trong bầu trời văn học. Không thiếu những kẻ yếu bóng vía la hoảng trên một vài tờ báo
aa
Anh hùng sốt ruột - Truyện ngắn của Nguyễn Viện
Anh hùng sốt ruột - truyện ngắn của Nguyễn Viện

Lẽ ra nó có thể là chỗ thơ mộng để những cặp tình nhân tình tự, hay ít ra cũng là chỗ cho những "tâm hồn nghệ sĩ" soi lòng mình dưới đáy sông. Nhưng dòng sông đục và rác rưởi. Những hoàng hôn lấp lánh ánh vàng lại phảng phất mùi bùn tanh. Bởi thế, để câu khách, chủ quán bê về cái ti vi to đùng chiếu phim thường trực cho thêm phần rôm rả.

Quán Thủy Trúc trở thành chỗ giải sầu và giết thì giờ lí tưởng đối với nhà văn Hoàng Thượng. Năm nay ông đã ngoài sáu mươi, vào cái tuổi mà người xưa gọi là "nhĩ thuận". Ông nghe và nói, vừa coi phim với bọn trẻ mỗi sáng. Những gì ông đã viết thuộc về một thế giới khác. Nó không phải là một thế giới đã được phơi bày, mà là một thế giới cần được khám phá. Những kinh nghiệm sống và viết văn của ông trong cách ông phát biểu vừa mang vẻ khinh mạn với cả nhân loại, vừa là một thái độ trân trọng với văn chương chữ nghĩa. Ông nói: Anh nào cũng có thể viết hay ở tác phẩm đầu tay, bởi đó là tất cả cuộc đời anh ta có. Nhưng để trở thành nhà văn thực sự, anh ta cần chứng tỏ khả năng của mình trong những tác phẩm sau.

Có lẽ, ông ta đã nhìn thấy nhiều cái chết non và văn chương đối với ông không đơn thuần chỉ là những chuyện kể.

Trong số những người thường đến uống café sáng với ông có một nhà thơ trẻ. Nói trẻ là nói theo cách gọi của những người đi trước, thật ra nhà thơ Thế Giới cũng đã trên bốn mươi và do lấy vợ sớm anh vừa lên chức ông ngoại.

Buổi sáng ở quán Thủy Trúc ít trẻ con. Một số người thất nghiệp và vài cụ bô lão hưu trí là khách thường xuyên ở đây. Họ nói đủ thứ chuyện, từ châu Phi tới nước Nga, từ ông Clinton đến ông Đặng Tiểu Bình như thể họ lo lắng cho cả vận mệnh nhân loại. Tuy nhiên, giữa nhà thơ trẻ và nhà văn già, câu chuyện của họ thường xoay quanh cái sứ mạng văn nghệ. Dẫu sao đó cũng là tất cả ý nghĩa cuộc đời họ.

Nhà thơ nói:

- Văn chương phải có khả năng tác động vào đời sống. Một thứ văn chương không phản hồi chẳng khác nào tiếng chó cắn ma trong đêm vắng.

- Thế thì cậu đã làm gì nào ? – Nhà văn Hoàng Thượng hỏi.

- Biểu thị sự tự do. Ít ra về mặt hình thức.

- Đấy là một trong những ảo tưởng lớn nhất của nghệ sĩ.

- Những "kẻ tuẫn đạo" chẳng bao giờ vô ích.

Thật ra thì bất cứ điều gì cũng có chỗ vô ích và hữu ích.

- Anh ba phải.

- Có khi đến bốn năm phải ấy chứ.

Một cụ ông hưu trí xen vào:

- Theo tôi thì tất cả đều phải. Hégel đã chẳng nói rằng cái gì hợp lí thì tồn tại hay cái gì tồn tại thì hợp lí đấy ư?

Nhà văn đắc ý cười kha kha:

- Hóa ra Hégel lại thâm thúy kiểu phương Đông.

Nhà thơ Thế Giới tỏ ra bản lĩnh khác thường khi anh vẫn nói một cách bình thản:

- Rất tiếc sự đào thải lại là qui luật khắc nghiệt của lịch sử. Và nghệ sĩ bao giờ cũng là người cầm cuốc, anh ta tìm kiếm.

- Cái bóng của mình? - Cụ hưu trí hỏi.

- Vâng, đó là một khía cạnh bi kịch của người sáng tạo.

Cụ hưu trí chợt cảm thấy sự nghiêm túc đáng thương nơi nhà thơ trẻ. Cụ mồi một điếu thuốc, lặng lẽ hút. Buổi sáng nóng dần lên. Nhà văn Hoàng Thượng lim dim đôi mắt nhìn ti vi, chẳng biết ông đang suy nghĩ hay muốn ngủ gật. Nhà thơ trẻ là phần đời ông đã trải qua và ông quí trọng anh về những gì anh ta trăn trở. Dù sao anh ta cũng chẳng phải là cái thùng rỗng. Mà ngay cả cái thùng rỗng cũng đâu vô ích. Những buổi sáng như thế cho ông cảm giác ông vẫn là người trong cuộc, dù ông đã nghỉ viết hai chục năm nay. Nhà văn Hoàng Thượng bỗng cất tiếng như vẳng lên từ quá khứ:

- Tôi đã viết vài chục cuốn sách và tôi không bao giờ định viết một cái gì trước như kể một câu chuyện có sẵn. Sáng tác với tôi hoàn toàn ngẫu hứng. Có thể nói đó là sự săn đuổi của những con chữ. Việc ấy đã mang lại cho tôi nhiều thứ. Tiền bạc và tiếng tăm. Kể cả những hệ lụy đau buồn. Những hệ lụy đau buồn này làm cho văn chương trở nên đắt giá. Cho dù vậy, tôi vẫn nghĩ văn chương không phải là thế này, thế nọ. Tôi nghĩ văn chương đích thực không mang tính thời sự.

- Bài diễn văn này đọc ở Stockholm được đấy. - Cụ hưu trí lại xen vào. Nhà thơ đứng lên:

- Thôi chào hai cụ. Tôi đi đây. Không biết anh ta định đi đến Stockholm hay về nhà nấu cơm cho vợ.

*

Nhà văn Hoàng Thượng bị phong thấp hành nên sáng nay không ra quán. Nhà thơ Thế Giới ngồi một mình. Anh không xem phim mà nhìn dòng sông. Hai khuỷu tay tì lên lan can. Dòng sông êm soi chiếu những vầng mây lờ lững. Khuôn mặt căng thẳng như ngây dại, anh bỗng cầm li café đổ nhè nhẹ từng giọt xuống sông, anh nhìn theo những giọt café rơi xuống nước. Không biết anh có nhìn thấy gì không. Khi còn độ nửa li café anh chợt đổ hắt xuống tất cả. Một tiếng bõm nhỏ chỉ mình anh nghe thấy. Nhưng khi cả người anh đổ xuống theo thì dòng sông bị quẫy đạp và mọi người trong quán hốt hoảng. Có lẽ do anh tì mạnh quá trên chiếc lan can đã mục.

Bà chủ quán giục:

- Ai biết bơi xuống cứu ông ấy.

Lúc ấy mọi người mới nhận ra anh có thể chết.

*

Chuyện nhà thơ Thế Giới té sông tuy chẳng mang một ý nghĩa gì nhưng cũng trở thành chuyện cười đùa được ít ngày.

Ông nhà văn nói:

- Người ta thường lẫn lộn một hiện tượng văn học với một hiện tượng xã hội hoặc chính trị do nhà văn tạo ra.

Nhà thơ Thế Giới trầm ngâm:

- Theo tôi chỉ có sự dấn thân thực sự bằng cả văn chương và cuộc sống người nghệ sĩ mới có thể khuấy động mình và xã hội, bằng không anh ta chỉ là kẻ nói phét.

- Kinh nghiệm té sông của cậu đấy à?

- Vâng.

- Nhưng hệ quả của nó là gì? Cái rõ nhất có lẽ là nhìn ra mình.

- Dường như đó lại chẳng phải là sứ mạng của văn nghệ, cậu à, nó là con đường của triết học.

Giữa lúc câu chuyện có vẻ lẩn thẩn và không thể kết thúc thì một cô gái xuất hiện. Cô mặc một chiếc quần jean và chiếc áo thun ba lỗ, trông cô hấp dẫn như một con bọ ngựa nhún nhẩy. Cô đến ngồi ngay chỗ hôm trước nhà thơ đã té sông. Cô có vẻ bần thần chờ đợi điều gì đó.

Họ nhìn xéo qua nách cô, hút thuốc.

*

Không hiểu bằng cách nào nhà thơ Thế Giới đã quen được cô gái. Rất may, cô là người yêu thơ hiếm hoi còn sót lại. Nhà thơ Thế Giới cho biết như thế. Nhưng điều không nói ra mà ai cũng biết là cô rất yêu người làm thơ. Dù chẳng hiểu thơ của anh nó lục cục lạch cạch làm sao, cô vẫn vui sướng bỏ ra năm triệu đồng cho anh in thơ.

Mặc dù tập thơ không bán được cuốn nào, nhưng nó vẫn là tiếng sét trong bầu trời văn học. Không thiếu những kẻ yếu bóng vía la hoảng trên một vài tờ báo.

Nhà thơ nói:

- Thơ không phải để ru ngủ mà để đánh thức. Cần phải để cho cả thế giới tỉnh táo bởi tiếng chuông cảnh báo.

Nhà văn Hoàng Thượng cười cười:

- Thì cũng phải có lúc cho người ta ngủ chứ.

Cô gái phát biểu:

- Và ngủ thì bao giờ cũng sướng hơn.

Nhà thơ gắt:

- Em biết gì.

Cô gái nhẹ nhàng nói:

- Em là "nàng thơ" của anh mà lại không biết gì sao?

Nhà văn cười lớn hơn:

- Đấy, đấy. Ngưỡng cửa của chân lí đấy.

- Anh nói cái gì chân lí? - Nhà thơ nổi quạu.

Cảm thấy không ổn, nhà văn Hoàng Thượng nhắm mắt lại và nói như cách ông muốn đứng ngoài mọi thị phi:

- Ngưỡng cửa của chân lí là từ đó người ta có thể bước ra khỏi chính mình.

Nói xong ông tiếp tục nhắm mắt mặc cho nhà thơ phân bua.

Cô gái đứng lên, nói:

- Thôi, đi anh.

Cô chìa tay về phía nhà thơ. Nhưng anh không nhìn thấy bàn tay ấy, anh ngả người ra ghế, nói:

- Không, thơ không bao giờ ngủ.

Cô gái ngúng nguẩy bỏ đi.

- Đồ khùng.

Tiếng cô lẫn trong tiếng giầy gõ trên sàn gỗ của quán.

Nguyễn Viện | Baovannghe.vn

Về làng - Truyện ngắn của nhà văn Phan Tứ Người kháng chiến - Truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Văn Bổng Lặng lẽ Sa Pa - Truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Thành Long Người đi xa để lại - Truyện ngắn của nhà văn Đào Vũ
Văn nghệ Trẻ, số 20/1996
Bức chân dung quý hiếm của danh họa Caravaggio lần đầu xuất hiện trước công chúng

Bức chân dung quý hiếm của danh họa Caravaggio lần đầu xuất hiện trước công chúng

Baovannghe.vn - Caravaggio, thiên tài nghệ thuật Baroque Ý, nổi tiếng với kỹ thuật chiaroscuro và những tác phẩm đầy sức sống, nay lại một lần nữa khuấy động giới nghệ thuật toàn cầu. Lần đầu tiên sau 60 năm kể từ khi được xác thực, bức chân dung "Monsignor Maffeo Barberini" của ông sẽ được trưng bày tại phòng trưng bày Palazzo Barberini, Rome, từ ngày 23 tháng 11 năm 2024 đến ngày 23 tháng 2 năm 2025. Đây là một sự kiện quan trọng, không chỉ đối với các nhà nghiên cứu nghệ thuật mà còn với công chúng yêu nghệ thuật.
Thu mơ - Thơ Cao Lê Hồng Rạng

Thu mơ - Thơ Cao Lê Hồng Rạng

Baovannghe.vn- Em về chạm ngõ chiêm bao/ Nghiêng vai trút hết chênh chao nửa đời
Bàn thêm về bài thơ "Tây tiến" của Quang Dũng

Bàn thêm về bài thơ "Tây tiến" của Quang Dũng

Baovannghe.vn - Ngày nay, đọc lại bài thơ Tây tiến của nhà thơ Quang Dũng, người đọc như được sống lại không khí hào hùng không thể nào quên của một thời kỳ lịch sử, mang theo cả tâm hồn đẹp đẽ, trong sáng của một thế hệ người lính xả thân để bảo vệ non sông.
Giọt mồ hôi trên lưng cha. Tản văn của Nhã Anh

Giọt mồ hôi trên lưng cha. Tản văn của Nhã Anh

Baovannghe.vn - Khi chúng ta còn bé, chúng ta cứ mặc nhiên nhận sự chăm sóc ân cần, cơm đủ bữa, quần áo thơm tho… Mặc nhiên nhận sự bao bọc, chở che, còn cha mẹ thì lại hạnh phúc khi được lo lắng, quan tâm, chăm chút cho chúng ta.
Trở lại với bài thơ "Đây thôn Vỹ Dạ" của thi sĩ Hàn Mặc Tử

Trở lại với bài thơ "Đây thôn Vỹ Dạ" của thi sĩ Hàn Mặc Tử

Baovannghe.vn - Bài thơ Đây thôn Vỹ Dạ dệt thành một bức tranh trong mộng, không gian đa sắc, đa chiều đan xen giữa hiện tại và ký ức. Ý, tình khúc chiết, sâu xa. Dù rằng tình thơ được rút trong tập Thơ điên, nhưng nó không những không phải là thơ điên... mà còn là một tình thơ đằm thắm chứa chan, trái tim của nhà thơ đã thấm đầy huyết lệ!