Ông Sần tụt đôi guốc ra cầm tay, trèo lên chỗ dốc trơn trước miếu Cây đa, mắt lấc láo coi có ai gác không. Thằng cháu xách chai nước mắm và chai dầu lửa buộc chung chạy vượt lên, dừng lại trước miếu, ngửng cổ đọc cái gì. Ông vừa đi tới, nó kêu:
- Nè ông, tờ lệnh của bên Giải phóng. Các ảnh về tới đây rồi, mau quá hè.
- Mô Phật, đi cháu! Đại bác bắn bây giờ!
- Ca dao nữa ông. Bảy năm đóng thuế quốc gia/ Để mua súng Mỹ phá nhà giết dân. Úi, nhiều thứ lắm. Họ vẽ thằng Mỹ kỳ chưa!
- Cái thằng! Đi, nói không nghe hả? Tàu bay tới rồi chạy đâu?
Ông đi thẳng qua miếu, chỉ kịp ngước nhìn sơ những tờ giấy to viết và vẽ xanh đỏ. Chỗ này trống trải quá nên ông vội đi cho thoát. Về đến làng sẵn hầm hố, sẵn con cháu, có trúng bom đạn cũng không ra cái người chết đường chết chợ.
Ông Sần đang trở về làng.
Cách đây đúng mười một hôm, đang đêm trong ấp chiến lược bỗng nổi lên mấy chục phát súng cắc bụp. Mười phút sau, có tiếng loa nghe trọ trẹ như người rao cố uốn lưỡi cho khác tiếng: “Đồng bào chú ý! Quân giải phóng đã về tiêu diệt chánh quyền Mỹ - Diệm và giải phóng thôn nhà, ra lệnh cho toàn thể đồng bào tập trung dự mít tinh tại trụ sở, a lô, a lô!” Ông Sần nửa tin nửa ngờ, theo bà con ra chỗ họp thì thấy cả một xâu một xốc bọn hội đồng, thôn trưởng, dân vệ, công an, cộng tác viên mật bị trói ngồi đấy, thanh niên trong thôn cầm súng đứng gác. Còn quân Giải phóng thì nghe nói rằng đông lắm chứ không thấy ra mặt, chỉ có những bóng đen lừ lừ qua lại ngoài đường lớn. Mấy ông cán bộ Mặt trận cũng người trong thôn đứng ra kêu gọi đồng bào vạch tội ác ôn đầu sỏ. Bà con ngó mặt nhau, thậm thụt. Một người bật ra nói trước, rồi một người nữa, thế là ầm ầm ào ào cả chục người giơ tay xin tố. Ông Sần không dám tin mình đang tỉnh ngủ. Ông hồi hộp nín thở nghe bà con vừa nói vừa khóc. Mô Phật! Sao ta lật được chính quyền nó gọn gàng quá vậy. Cái làng này lọt vào tay nhân dân thiệt rồi ư? Tất cả những nỗi ngậm đắng nuốt cay trong bảy năm qua đã đến lúc thanh thỏa ư?
Mười mấy người đã vạch tội bọn ác ôn. Vậy thì ông nói, ông nói hết, ông ngửng cao đầu chửi to vào mặt cái bọn đại gian ác cho nó hả cục lửa nuốt trong bụng. Ông giơ tay rõ cao gọi chủ tọa, ông xăm xăm đi lên trước ánh măng sông, ông chỉ tay giữa mặt thằng đại diện ác ôn mà thét: “Mày còn nhớ mày đánh tao bao nhiêu cây sắt không? Mày cướp của tao bao nhiêu ruộng, khai đi! Đồ quỷ, đồ chó Mỹ!” Người ông Sần hừng hực, ông càng nói cơn giận càng bốc dữ, ông giơ gậy quật vào mặt nó, mới được một gậy đã bị bà con cản lại: “Đừng đánh nó chết, để nó nghe tiếp đã”. Ông nói đến khản tiếng ngút hơi mới đi xuống, mặt bừng bừng. Dù sáng mai đứt đầu, đêm nay ông cũng thỏa được mối hờn phần nào rồi, không đến nỗi sống để bụng chết chôn đi. Ông ăn hiền ở lành, chứ đâu phải ông hiền giả quá ngu!
Hai thằng đầu sỏ bị bắn ngay tại chỗ. Bọn tiểu yêu được khoan hồng ra nhận tội trước nhân dân. Ông Sần ưng ý lắm lắm. Sát nhứt miêu cứu vạn thử, nhưng không ham điều sát sanh, cách mạng xử vậy là hợp lẽ đạo tình người. Ông xách cuốc rựa đi đốt rào lấp mương ấp chiến lược với bà con, mãi gần sáng mới về, còn bắt con dâu mổ gà ăn mừng và sai cháu xách chai đi mua rượu về làm đôi chén ngà ngà.
Rồi ông nhập vào đám đông bà con đi xuống quận, báo cáo rằng Quân giải phóng về đông, đen như kiến cỏ, phá sạch ấp chiến lược, mang toàn thị thứ súng gì mối gặm thủng lỗ chỗ hết cái đầu, có lẽ chôn lâu mới đào lên. Bây giờ, họ nằm phục kích trên các ngả đường, cắm chông dày kín như cỏ vườn hoang. Ông cười thầm trong bụng khi thấy bọn quân xanh mặt nhớn nhác. Nhứt sinh ông chưa bao giờ hả như lần này. Ông bấm ngón tay trù tính: trong quận có hai mươi lăm xã, cứ bỏ rẻ đi mỗi xã phát động một đêm, chỉ trong vòng một tháng là hết gọn cái quận này thôi. Lòng dân theo cách mạng hết, châm một ngòi lửa là dây pháo nổ tung, tổng khởi nghĩa đến nơi rồi còn gì.
Nhưng chỉ ba hôm sau, đại bác ở đồn chợ Cà bắt đầu bắn vào thôn. Quả đạn đầu tiên hú một tiếng dài to dần như mèo gào, kêu rọt rẹt như ai cào nong, rồi rắc rắc như cây đổ, nổ một tiếng rầm trời sập ngay trước nhà ông Sần. Ông hoảng hồn đứng đờ ra không biết chạy đâu, cũng quên không nằm xuống trong khi mảnh đạn bay veo véo trên đầu, xốc ngược mái tranh đổ bụi mù. Mùi thuốc cháy khét nồng, thối như trâu chết trương. Một quả nữa nổ sập thành giếng xây gạch. Liên tiếp hơn ba chục quả đại bác rơi rải rác trong thôn, giết hai con trâu, phá mấy khoảng rộng, chặt khá nhiều dừa, tre, chuối, may chỉ trúng một người bị thương nhẹ.
Ông Sần khiếp vía không kịp đôi hồi đắn đo nữa. Không xong, không ổn, phải lật đổ Mỹ - Diệm cách nào chắc ăn kia, chứ cái lồi hùa nhau nổi dậy cướp chính quyền như thôn ông thì chết ráo, chết bất đắc kỳ tử cả lũ. Bọn chó dại bây giờ ra mặt giết dân, mình tay không đương đầu với nó sao được, ở lỳ đó cho nó đập pháo trên lưng thì liều mạng chứ cách mạng gì. Ông nghĩ thế. Ông buộc tay nải, gói túm gạo đi tản cư. Trong thôn những mấy chục gia đình bỏ chạy, phải riêng gì ông đâu. Nếu có vùng tự do như hồi kháng chiến thì chắc chắn ông đã về với cách mạnh, nhưng bây giờ đồn lũy của địch giăng kín mọi nơi, ông đành xuống ở nhà người quen trong ấp chiến lược chợ Cà. Ông cố kéo con cháu chạy theo. Anh con trai chỉ đủng đỉnh xách cái mai ra đào hầm tránh pháo:
- Tôi sống với cách mạng chết với cách mạng, chẳng đi đâu hết, nó lên thì đánh, nó câu pháo thì núp hầm. Hồi xưa tàu bay như chuồn chuồn còn không sợ nữa là pháo. Ông muốn đi cứ đi, có điều đừng khai báo gì với nó mà xấu lây cả nhà.
Con dâu ông đã soạn gánh dắt con theo ông, nghe chồng nói cứng lại đâm do dự, ngồi xuống chân cột sụt sịt:
- Ba nói cũng phải, ảnh nói cũng phải, tôi loạn ù chẳng biết đâu nào mà rờ... Đi bỏ ruộng bỏ vườn, trâu ăn hết lúa, heo ủi hết khoai, ra giêng lấy gì nuôi mấy đứa nhỏ. Rồi còn lúa mướn ruộng còn mấy chục ang nợ ông xã Bổn... Thôi ba để má con tôi sống đâu chết đó, sợ gì không bằng sợ đói. Mình nhà nghèo, rời hòn đất ra là treo niêu, bom đạn chưa chắc chết chớ hết gạo không sống nổi đâu bà à.
Nghe con cái nói có lý, ông Sần đặt tay nải xuống, xách cuốc ra đào hầm. Chưa được một thép mai đất ông lại nghe luôn một hồi mười hai quả pháo nữa bay rít qua đầu, nổ ở thôn bên. Ông bỏ cơm chưa, không kịp thay bộ áo quần lấm lem, tất tưởi ra đi một mình, miệng liên hồi cái câu chú tịnh pháp giới úm lam xóa ha vì không kịp nhớ ra các câu chơn ngôn trù nguy cứu nạn khác.
Suốt tám ngày chạy xuống vùng địch trốn pháo, ông ăn cơm như nhai rơm khô, đêm nằm mở mắt đến sáng. Cái cảnh ăn nhờ ở đậu thôi thì đủ thứ cực nhục, nằm chen chỗ nấu chen bếp, thiếu từ cây củi nắm chè thiếu đi. Ông không quản ngại những cái vặt đó, đâu phải như khi ở nhà cơm mình ăn ngon con mình dễ khiến. Ông chỉ khổ vì nhớ con cháu, vì phải xa bà con họ mạc giữa cái lúc vui sướng nhất mà cũng gian nan nhất này. Sáu, bảy năm ông thiết tha trông đợi ngày giải phóng, ông mơ tưởng thấy cái ngày đó chói lọi vàng son chứ có đâu bom đạn cứ giội ra vầy. Bà con chạy tránh pháo năm, ba ngày rồi lần lượt trốn về làng, ở trong ấp chiến lược như nằm trong rọ không chịu nổi. Ông cũng buộc khăn gói định về, nhưng nghe đại bác trên đồn khạc đạn một tiếng ùng, đằng xa dội về một tiếng rầm, ông lại rủn đầu gối ngồi xuống bậc cửa.
Bọn quận cho người về phát cho dân các xã tản cư mỗi nhân khẩu hai cân gạo, lại bắt nhận truyền đơn gửi về làng. Chúng nó liệu thể không chiếm lại được các xã trên, nên vừa đập pháo vừa hù dọa vừa tung gạo ra nhử, định kéo dân về lập những ấp chiến lược mới gần đồn chợ Cà, bỏ đất hoang trên đó cho cách mạng ở. Thằng đoàn trưởng dân vệ xã ông Sần trốn thoát cách mạng xuống ở đồn, bắt ông tới tra gạn mãi. Ông chỉ nhất mực khai rằng quân giải phóng ở trong rừng, đêm về hoạt động ngày biến đâu mất, mọi việc do họ làm hết chứ dân chúng không dính vào. Hắn chỉ mặt ông, dọa: “Bác liệu sao mua đời mà sống, kêu hét gia đình tộc thuộc xuống ở với quốc gia cho khỏi liên quan. Biệt động quân đeo đầu cọp họ sắp đánh lên, mổ bụng ăn gan hết ba đứa theo Cộng. Mới đại bác chưa ăn thua gì, còn cho tàu bay thả bom lửa nữa, tiêu ra tro hết. Trên đó Chánh phủ phát cho mỗi đầu người năm trái bom mười trái đại bác, liệu sắm thúng mà đội...” Còn may hắn chưa biết ông đứng ra vạch tội thằng đại diện, nếu biết hắn đã vằm ông làm mắm rồi. Ông vâng dạ đỡ đòn, vừa rủa thầm thằng ác ôn lọt lưới, vừa lo mất vía cho bà con trên làng, cho con cháu ông không chịu tản cư.
Chiều chiều, ông ra ngồi trước thềm, nhìn về dãy đồi thấp phía tây. Ông tưởng trông thấy làng ông nhỏ bằng bàn tay đang chịu mỗi ngày đêm bốn năm chục đại bác trút xuống, cày nát nhà cửa cây cối, xốc tung cả mồ mả tổ tiên lên vất mỗi nơi một mảnh xương vụn, người chết nằm la liệt không ai chôn. Nhà trong ấp đỏ đèn ăn cơm, rồi bọn biệt kích dân vệ lắng nhắng đi tuần, rồi kẻng gọi dân canh ra điếm, ông vẫn ngồi trơ như tượng đất, đếm từng tiếng ùng tiếng rầm, nhìn những đường lửa đỏ hầm màu nước nắm bay vun vút từ đồn về phía mặt trời vừa lặn. Miệng ông lẩm bẩm niệm Phật, mà bụng ông đau buốt như bị cật nứa khía dọc ngang, nước mắt giàn giụa trên mặt ông, chảy lẫn vào chòm râu bạc.
Nghĩ quanh quẩn mãi, ông lại thấy bà con ở bám là phải. Mỹ - Diệm nó đè đầu cưỡi cổ mình bấy lâu, nay hất được nó xuống rồi, ai mà chịu rời bỏ cách mạng chạy về ở với nó lần nữa. Cái xương sống của người dân nghèo lạ vậy đó, thà rằng khom lưng sấp mặt mãi thì thôi, chứ đã thẳng lưng ngửa mặt lên sống ra con người một lần thì không có sức nào bắt họ cúi xuống làm trâu ngựa như xưa được. Chỉ có riêng ông cam chịu nhục, ông chạy về đây mong thoát mạng một mình, để cho bọn đầu trâu mặt ngựa nó xỉa ngón tay nó chửi lại, y như hôm nào ông chửi thằng đại diện. Ngay gia đình người bạn già cho ông ở nhờ đây cũng xì xầm nói bóng cái chuyện con cá rúc ra khỏi lờ rồi tiếc miếng mồi tôm lại rúc trở vào. Người ở vùng địch còn kìm kẹp mà nói vậy, huống chi dân làng ông còn rủa ông tới đâu nữa. Cọp chết để da, người chết để tiếng. Bà Quan Âm Thị Kính tắt thở mới gỡ được oan, chứ ông có nhắm mắt xuôi tay cũng mang mãi cái tiếng xấu bỏ cách mạng, bỏ làng chạy theo bợ đít Mỹ - Diệm. Mô Phật, oan này đeo nặng đến đời nào xong?
Ông sắm hương đèn bánh chuối lên chùa xin một lễ cầu an nữa. Sáng sau, lúc gà gáy đầu, người bạn già nhổ chông vạch rào của ông lọt ra khỏi ấp chiến lược, rồi xóa sạch dấu. Ông đeo khăn gói về làng. Quái ác làm sao, hôm đó đồn chợ Cà bắn sớm, tám quả đạn nổ trắng lóa trên chỗ đèo ông sắp đi qua. Ông lại chống gậy trở lui, run lập cập vì sợ và vì ngấm sương lạnh, may sao bọn dân vệ không dám đi tuần sớm nên không lộ.
Cũng hôm đó, con ông cho thằng cháu xuống đón ông về. Thằng nhỏ đắp chung chiếu với ông một đêm, kể bi bô những chuyện cóc nhảy:
- Chông bây giờ nhiều lắm, cháu vót được hai trăm ông à. Ba vô du kích rồi, lãnh một cây súng bắn heo cũng được, bắn người cũng được, cái miệng nó đút lọt ngón chân cái vậy đó.
- Mô Phật, nói nhỏ chút cháu.
- A, nhà mình được một miếng ruộng to lắm, chu cha to lắm. Có điều chia chưa xong, nghe loa nói đang lập hương án.
- Sao, cháu nói sao? Đã chia ruộng rồi à?
- Ông về hỏi ba thử coi. Cháu làm đội phó thiếu nhi ông à, chị Mùi nói cháu hay cãi lộn không cho cháy làm đội trưởng. Mai ông về sớm ông nghe?
- Ờ... ờ... ở chơi với ông vài ngày đã, ông dẫn đi chợ mua bánh cho. Nè cháu, bà con trên đó có nói gì ông không?
- Họ nói sao hè... dưới chợ Cà chôn cả hầm vang hay sao mà ở riết dưới đó vậy. Người ta ở làng làm ăn đã ai chết đâu. Mai cháu về ông à. Cháu phải đi kêu bọn nó làm vườn rau thiếu nhi. Ông đi chợ mua bánh rồi về sau cũng được, ông có mắc việc cách mạng đâu.
Nó cười rúc rích, rồi trở mình một cái, ngáy khò khò luôn. Ông Sần không ngủ, nằm cân nhắc một lúc nữa. Chưa biết ông còn cân nhắc đến bao giờ, nếu ngay trong đêm ấy không xảy ra chuyện mới. Cách mạng kéo về chụp đầu được thằng đoàn trưởng dân vệ xã ông đang ve gái dưới xóm, nổ súng đánh bọn biệt kích đi tuần, đốt mấy ngàn thước rào ấp chiến lược chợ Cà. Bọn trên đồn khiếp vía, đã vung vãi xuống xóm mấy chục quả cối, quát súng máy như mưa, chẳng kể gì dân sống hay chết. Suốt đêm, hai ông cháu rúc nằm dưới phản gỗ, và sáng ra ông Sần mang tay nải lên vai từ tờ mờ đất. Ông tới số chết cũng về làng mà chết với con cháu, chôn bên mồ cha mả mẹ. Đâu cũng ào ào bom đạn của Mỹ - Diệm giội xuống đầu dân, đến cơ sự này ông phải thi gan với chúng nó, bám làng mà sống chứ còn biết đi đâu cho thoát cái cơn binh lửa.
*
Ông Sần đi khỏi vùng địch kiểm soát đã xa, mà chân vẫn ngập ngừng như bước vào đất lạ, tai dóng lên nghe chừng đạn hú trên đầu, nghe quả dừa rụng đánh bịch cũng chực nằm sấp. Mới tám ngày mà trông ông gầy hõm đi như người mới ốm dậy, râu tóc phờ phạc, hai hố mắt đựng hết một lon gạo. Không, không có gì. À mà có, đây, một hố đạn khoét đất hình lòng chảo trên đám ruộng mạ. Mấy cây dừa gục đầu qua đường. Từng luồng lạnh chạy lên xuống trong lưng ông. Ông theo không kịp thằng cháu nhưng vẫn luôn miệng giục nó: “Đi mau, mau lên cháu!” Ông mật niệm mãi bài kinh phát nguyện tu tri, mà không tĩnh được cõi tâm chút nào.
Gần tới làng rồi. Đường bị phá nát, cầu sập hết, hố chông rải chi chít còn cắm cây rào xung quanh để đồng bào khỏi sụp. Ông Sần nhẹ người hẳn khi thấy những hầm tránh pháo đào sẵn dọc đường, chừng mươi thước một cái. Đỡ lo được một nỗi, ông lại xốn xang khi nghĩ đến lúc gặp lại bà con chòm xóm, gặp cách mạng. Chẳng biết họ nghĩ sao nói sao. Có lẽ họ sẽ trừng trừng nhìn mặt ông: “Lão này xuống báo cáo dưới đồn lâu nay chắc lãnh tiền cả bó bằng đầu gối”. Người không nghi ngờ ông cũng buông một câu mỉa xóc hông: “Ăn gạo ‘quốc gia’ về coi mập mạnh hung hè!” Hay họ níu ông bắt đền: “Chạy bậy bỏ trâu ăn hết lúa tôi, làm sao đó làm”. Ông chỉ còn cách úp mo lên mặt, giả câm giả điếc, luồn ngõ tắt về nhà...
Thằng cháu đang chạy lon ton trên đường ruộng bỗng tạt vào một bụi duối, thò đầu ra dòm. Ông Sần ngó quanh tìm chỗ núp, nhưng chung quanh đều là ruộng mới cấy, ông đành ngồi thụp xuống đợi. Một đoàn người lố nhố từ xa đi đến, che dù lên, đội nón lá, gồng gánh thứ gì nhiều lắm như dạo bị địch lùa vào ở trong ấp chiến lược. Thằng cháu quay lại réo: “Ông ơi, bà con mình đó”. Ông vững bụng đứng dậy, nhưng một chân vẫn để né né phía sau, phòng có bất trắc là chạy.
Ông dần dần nhận ra từng người. Cụ Trĩ thầy thuốc bắc chống gậy đi đầu. Hai ông già khiêng một cái võng, chiếu phủ tùm hum. Chị con gái bà Đậu quấn khăn tang, mắt đỏ hoe, bồng con theo sau. Rồi ông Tám có hai con đi quân dịch, chị Mẫn vợ một trung sĩ Bảo an, mụ Lợi địa chủ. Rồi mấy chục ông già bà lão với phụ nữ ôm con mọn, gánh chõng chiếu nồi niêu, lùa cả trâu bò. Ông Sần nhếch mép cười trong chòm râu, khoái trá. Ra vậy chớ, có phải một mình ông tản cư đâu, bà con ở lì được bấy lâu rồi cũng chạy, ai còn mở miệng trách ông nữa mà lo.
Ông Tám mau miệng gọi:
- Anh Sần ở chợ về hả?
- Phải.
- Vừa khéo đó, đi luôn với bọn này xuống quận hử?
Ông Sần nhập luôn đi luôn vào đám người gồng gánh, một lần nữa đi ngược lại con đường về làng. Ông đắn đo tìm một lời phân trần để mọi người hiểu bụng ông không hề khai báo làm hại bà con. Ông định đi nói chuyện một quãng rồi tách ra về thăm con cháu, hỏi kỹ cái chuyện chia ruộng, xong sẽ liệu tản cư lần nữa với đám bạn già hôm nay rời làng. Ông Tám gãi gáy, lắc đầu:
- Anh đi vắng không biết, chớ bọn nó làm quá tay không chịu nổi. Tối qua bà Đậu trúng mảnh chết.
- Mô Phật!
- Bọn này xuống quận kêu kiện đây. Nằm lì ăn vạ nó, đấu tranh tới bao giờ thôi bắn pháo vô làng mới về, anh hiểu chưa? Còn ba cánh nữa, đi đường khác, nó cao tay cũng chặn được một hai cánh là cùng.
- Nè anh Tám... mô Phật dám xuống kiện tới quận à?
Ông Tám vốn nóng tính. Ông nảy bật cái đầu như bị rắn cắn, ngó ông Sần trân trân như không nhận ra là ai. Rồi ông dồn một hồi gay gắt, trút luôn cơn tức đã dồn cục sẵn từ bao giờ:
- Đại bác nó đào mả ông mả cha lên cũng ngồi trơ thổ địa ra đó hả? Hay là lạy quý ông đồng chí, quý ông đừng làm cách mạng nữa, mời quý ông về núi rừng mà ở, để cho Mỹ - Diệm nó ngồi trên lưng bọn tôi y như cũ, chớ quậy thì gõ đầu đau lắm? Hay là cứ xàng xê hai chân như cái điệu anh, ai chết mặc ai?
- Ủa, anh Tám...
- Mất lòng trước được lòng sau, tôi có miệng ăn cũng có miệng nói. Tôi nói bọn Mỹ - Diệm có giỏi cứ đem quân về chọi với anh em giải phóng, có sừng có mỏ cứ gõ với nhau, chớ nhè con nít lên ba, bà già đi sấp mà giết thì dân coi không bằng con chó. Giáp mặt thằng Mỹ ở Trung ưng thượng đỉnh cho nó tôi cũng nói, không phải tới quận tới tỉnh mà thôi đâu. Mình im thì nó rấn tới, rồi còn tàu bay Mỹ thả bom lửa bom xăng nữa, mẹ tổ nó chớ!
Bà cụ Trĩ đi sau cũng chêm vào một câu lơ lửng:
- Trẻ không tiếc mạng mà già còn ham sống dữ hè.
Ông Sần đớ lưỡi, há miệng mấy lần mà không thưa thốt được câu nào, chỉ ờ ờ chịu trận. Ông sượng mặt quá đỗi còn biết cãi làm sao. Cụ Trĩ quay đầu lại, dịu giọng:
- Bà con nghĩ vậy đó anh Sần à, anh nhắm chừng đi được thì đi, thêm một tiếng nói là quý. Cãi gắt tới chớ. Đây nè: “Cách mạng về, bọn tôi đã tới quận báo cáo từ đầu rồi. Mỹ không bắn vào dân à? Cụ Ngô nói chánh quyền vì dân do dân, bộ bây giờ muốn giết hết dân sao? Luật 10/59 trừng trị những kẻ giết người, phá hại làng xóm mùa màng, coi thử bây giờ ai phạm cho biết?” Nó đánh đập hay bỏ tù, bà con lại đấu tranh đòi thả mình ra. Nói cho cùng kỳ lý, nó giết cũng không lùi, liều mấy năm mình sống ráng cho con cháu nó sống cả đời, phải không anh?
Ông Sần đang lúc rối ruột, chưa biết trả lời sao. Mặt ông nổi gai rân rân vì xấu hổ, nhưng một cơn sợ khác lại bóp ngực ông đến khó thở. Hôm mới phát động ông đã xuống quận rồi, nhưng lần đó ông đi báo cáo để giữ thế hợp pháp, chứ lần này rõ ràng ông đi đấu tranh. Cái khí thế bừng bừng căm thù trong đêm tố khổ bây giờ nguội dần. Ông lạnh lưng rồi. Tam thập lục kế, tẩu vi thượng sách...
Ông tạt qua bên đường, vén quần giả đi đái. Đợi đoàn người qua hết, ông tọt vào cái quán lụp xụp ngồi nghỉ một chút, vì khắp người ông tự nhiên mỏi nhừ, mồ hôi vã ra dán áo lưng. Ông rút cái khăn cháo lòng vắt vai xuống lau mặt, gọi một bát nước chè, mua cho thằng cháu vài cái kẹo. Ông phùng má thổi bát nước nóng. Ông làm lăng xăng vậy để không phải ngó ra đường, khỏi trông theo đoàn kiện đang đi xa dần. Ruột ông cồn cào như đang đói uống bát nước đậm quá. Ông trốn, ông lủi một mình. Bà con trước rủa ông một, bây giờ hẳn rủa mười...
Hai vợ chồng chủ quán đang bàn chuyện gì, thấy ông vào họ nín lặng. Được một lúc anh chồng ngừng tay thái rau, hỏi khẽ:
- Bà con xã trên xuống đông quá ông hè?
- Phải.
- Nói sai ông đừng chấp, có phải trên đó Cộng về chia ruộng không ông?
- Mô Phật, cũng nghe nói vậy.
Hai bên chưa ai dám tin ai, nên câu chuyện cứ lấp lửng. Ông Sần ngứa miệng muốn khoe làng ông anh hùng nổi lên làm cách mạng, nhưng đành bấm bụng ngồi yên. Rồi ông chợt nghĩ: làng ông anh hùng chứ ông có anh hùng đâu mà khoe. Người ở lại lo bố phòng, tăng gia. Người ra đi đấu tranh ăn nói với địch. Chỉ còn trơ trụi một mình ông tiến thoái lưỡng nan ba lần về làng mà bây giờ còn ngồi ì trong cái quán giữa đường này. Thằng cháu đang mút kẹo và nghịch con chó con trong quán nên không giục ông về mau, nếu nó giục mấy tiếng chắc ông đã đứng dậy về làng để khỏi xuống quận rồi.
Anh chủ quán vẫn thăm dò cái chuyện chia ruộng:
- Nhắm chừng ruộng chia được kha khá không ông?
- Ờ, nghe đồn mỗi người được vài ba sào gì đó.
- Liệu có giữ được mà ăn không?
Ông Sần thổi bát nước một lúc mới nói:
- Chắc họ cũng ráng mà giữ...
Thấy ông không mặn chuyện, anh chủ quán lại cúi xuống thái rau. Nhưng mấy câu hỏi của anh đã đánh thức nỗi thèm ruộng trong lòng ông Sần. Nỗi thèm khát đó từ đời ông đời cha truyền lại, ngấm vào ông theo dòng sữa mẹ. Nhà ông trước sau chỉ được đúng một sào hai thước đất ở, hoàn toàn không có ruộng. Mới biết đi ông đã bị một roi trên lưng vì ỉa vào ruộng hàng xóm. Rồi lớn lên, bao nhiêu lần ông ăn đòn trừ cơm vì con trâu nuôi rẽ đi qua ruộng người thò mõm đớp đôi bụi lúa. Rồi đống lúa gặt về vàng chói giữa sân bị chia năm xẻ bảy, phần đong tô phần trả nợ lãi. Rồi những câu chửi réo chiều ba mươi Tết, đòi nợ Tất niên.
Ông Sần từ từ lật hai bàn tay chia từng mảng lớn như da trâu khô, thẫn thờ ngắm lại. Gần sáu mươi tuổi đầu, ông chưa hề biết cái sướng được đánh con trâu nhà cày đám ruộng nhà. Cánh đồng làng ông rộng lắm, toàn thượng đẳng điền ăn nước đập chẳng cần nước trời, cho dù các nơi đất nẻ lúa héo, ở đồng làng ông, bụi lúa vẫn xòa như cái nơm. Nhiều lần, ông Sần đứng ngắm ruộng người mà mê mẩn quên cơm tối. Trong số hơn ngàn thửa ruộng trải dài đó, ước gì ông có lấy vài sào, chỉ vài sào thôi. Ông sẽ trút hết mồ hôi xuống bón ruộng, bắt hòn đất lúa ra gấp đôi gấp ba để bà con chòm xóm chịu tài ông lão nông tri điền. Hồi còn Tây, ông đổ sức ra vỡ ruộng, suốt hai năm làm cháy mặt lấm lưỡi mới cuốc được tám sào tư đất đổi thành ruộng một mùa, những tưởng từ đó mở mặt được với thiên hạ. Nhưng lão Chánh Phò, cha thằng đại diện ác ôn, bỗng dưng lật sổ bộ đưa biên lai ra trình làng rằng đất ấy lão trưng khẩn từ lâu. Ông giận muốn treo cổ ngay trước ngõ nhà lão để giao vạ, nhưng còn vợ ai nuôi cho mà chết. Tay trắng hoàn trắng tay, ông lại lang thang đi mua chịu từng cái gốc tre để chẻ đan nong, nghèo đan thúng túng đan nong chứ chẳng biết xoay nghề ngãng nào khác. Mỗi lần ngoẹo cổ vác chục nong đi bán rong, qua chỗ ruộng mình vỡ đã bị cướp, ông quay mặt đi không dám ngó, ruột gan như xát muối. Thôi cũng đành bưng tai bịt mắt, số ông nghèo hèn thì quẫy lắm chỉ trầy vây tróc vẩy chớ thoát sao được cái phận nghèo hèn. Tới hồi Chánh phủ Cụ Hồ, làng ông nằm lọt trong vùng tạm chiếm, mãi tới gần đình chiến mới được giải phóng, các anh cán bộ chạy sấp ngửa chia cho dân được hơn ba chục mẫu công điền rồi đi tập kết. Bọn đối phương tới cướp gọn lại hết, sau đó bày trò cải cách điền địa, cải cách ra sao mà số người lang thang mua chịu gốc tre về đan nong cứ tăng mãi lên.
Cách mạng tới. Bọn Mỹ - Diệm lâu nay đặt đủ điều tàn tệ hòng bôi xấu cách mạng. Nhưng ông mới nghe một câu “người cày có ruộng” là ông hiểu ngay: đúng người nghèo vùng dậy rồi, cuộc cách mạng này là của ông, đem ruộng tới cho ông, đổi đời cho con cháu ông. Ông hăm hở theo cách mạng. Rồi ông thấy hiểm nguy lắm nỗi, ông bỏ cuộc, ông chạy... Cách mạng chia cho ông một miếng ruộng to lắm ông giữ được thì ăn không giữ thì mất. Mất lần này nữa là mất hẳn mất hết. Ông chết đi, lớp con cháu ông lại gò lưng cúi cổ xuống cho roi đòn, nghèo đói, dốt nát chất chồng lên đầu. Chúng nó sẽ rủa ông úy tử tham sanh để chúng nó chịu mãi cái kiếp trâu ngựa. Lúc đó ông còn mặt mũi nào mà trở về hưởng phần hương hoa giỗ quải? Ninh thọ tử bất ninh thọ nhục...
Thằng cháu đã ăn hết kẹo, con chó bị kéo đuôi vừa đớp tay nó một cái rồi chạy mất. Nó đến kéo áo ông:
- Thôi về ông, nghỉ lâu rồi.
- Ở, ông đi đây.
Ông Sần móc mấy đồng bạc cuối cùng trả quán, lặng lẽ đứng dậy ra đường cái. Máu ông sôi bốc dần lên, mặt ông đỏ như vừa uống rượu. Đúng ông sẽ về bám làng kiếm sống, nhưng không phải cúi mặt len lét mà về, rồi suốt ngày co ro bên miệng hầm, sợ lưng tim lưng mật đến phát đau ốm lên để khổ cho con cháu. Ông sẽ về sau khi đem lý lẽ chống chọi với quân thù, ngửng cao đầu mà về, có kẻ mừng người đón hẳn hoi. Con đường về làng là con đường đấu tranh chống khủng bố, muốn về làng ông phải xuống quận trước đã. Làm như bà con là đúng. Nó khinh đám dân cơm khoai áo cụt mặc lòng, mà mình kéo tới số đông, đối đáp có lý có tình, nó không nghe cũng chẳng được với mình. Dây chùng khó dứt, lạt mềm buộc chặt là vậy... Sức ông không đánh chém được ai, ông cũng liều cái mạng già này chống bom đạn tìm đường sống cho con cháu, giữ cho chúng nó miếng ruộng được chia. Ngày sau chén cơm cúng giỗ ông phải là cơm ruộng nhà chứ dứt khoát không phải cơm đong tô trả nợ nhín lại!
Ông giắt cái khăn cháo lòng vào thắt lưng, đặt đôi guốc xuống đất, xỏ chân vào đi lẹp kẹp cho chỉnh tề hơn. Thằng cháu đã mau chân chạy lon ton về phía làng, quay lại nhìn ngơ ngác, rồi chạy theo níu tay ông:
- Ủa ông, sao không về? Ông sợ đại bác à?
Ông Sần dằn từng tiếng dõng dạc:
- Mô Phật, sợ cái gì? Nè cháu, cháu về trước nói với ba má, ông xuống quận đấu tranh với bà con rồi ông về sau. Cháu nói rõ là đi đấu tranh chớ không phải đi tản cư, nhớ chưa? Hay vấy một cái lại quên sạch trơn đi?