TẬP ĐOÀN THACO HÂN HẠNH TÀI TRỢ CUỘC THI TRUYỆN NGẮN BÁO VĂN NGHỆ 2022-2024
Cuối xuân tôi có công việc phải về quê, tá túc ở nhà em gái út. Buổi sáng đầu tiên ngồi uống trà, tôi hỏi thăm anh Rốt-ông anh kế tôi. Cô em gái mỉm cười, dõi mắt ra cửa. Anh Rốt vừa đi bệnh viện mấy ngày chị ạ, vẫn bệnh tim. Nhưng về nhà rồi. Em dặn hôm nào khỏe thì đến lấy vỏ lon bia. Có khi anh ấy sắp đến đấy.
Quả nhiên, em gái vừa dứt lời, ngoài cửa bỗng xuất hiện một dáng đàn ông quen thuộc, cao lêu khêu, sơ mi cộc tay, kéo theo chiếc xe ba gác chất đầy những bao dứa, mảnh bìa các ton, chai lọ… Anh Rốt. Đúng anh Rốt. Dưới bóng hàng cây xà cừ buổi sớm, nhìn ông anh thật mong manh. Ông dừng trước cửa nhà em gái, mũ vải sụp xuống che gần kín mặt. Tim tôi bỗng đau nhói...
*
Tên cúng cơm của anh là Hải, nhưng ở nhà anh là Rốt. Tiếng địa phương quê tôi, Rốt là cuối cùng, là hết. Mẹ tôi sinh dày, trứng gà trứng vịt, dự tính anh là út, nào ngờ mấy năm vắng nhà, bố tôi trở về và mẹ… vỡ kế hoạch. Tôi là “ca” ngoài mong đợi của mẹ. Sau tôi, mẹ có thêm em Sót rồi “cai” đẻ hẳn.
Minh họa: Nguyễn Đăng Phú |
Ngày Rốt còn nhỏ, mẹ nhờ ông nội trông anh để đi làm. Một hôm Rốt lăn ra sốt. Ông nội quýnh quáng, lấy thứ thuốc “vạn năng” của nhà quê là nước chanh gừng, đổ cho thằng cháu nóng như cục than hồng. Hết sốt thì Rốt trở thành Thánh Gióng, ăn khỏe ngủ khỏe nhưng im như thóc, chẳng nói chẳng rằng. Năm anh Rốt hơn bảy tuổi, có thầy lang xã bên đi qua làng, mẹ tôi nhờ ông xem bệnh cho anh. Thầy lang sờ trán, bảo Rốt há miệng, sau khi quan sát lưỡi, răng, miệng, bắt Rốt ô a vài lần, thầy phán: Thằng này lưỡi dài, không câm. Chỉ là chậm nói. Người nhà chịu khó mỗi ngày một ít tập cho nó phát âm. Thằng bé sẽ nói được.
Ông nội tràn đầy hy vọng, dồn hết tâm lực vào việc dạy Rốt tập phát âm từng từ, lặp đi lặp lại, như người ta dạy vẹt. Trầy trật mãi rồi Rốt cũng nói tạm trơn tru. Bố cho tôi đi học trước tuổi, để kèm anh Rốt cho bố mẹ an tâm. Nhớ để ý, đừng để anh ngủ trong giờ học con nhé - Bố dặn dò (chả là anh Rốt rất hay ngủ gật). Thế là tôi và Rốt thành bạn đồng môn.
Lên cấp hai, tôi và Rốt học cùng đám trẻ trâu giỏi nghịch phá, đánh nhau, chơi trò bạo lực, trộm vặt… Bọn “thánh nghịch” nhanh chóng phát hiện ra Rốt cao vượt trội nhưng… bất bình thường. Trong lớp, anh ngồi thẳng đuỗn như cây thước kẻ, giờ ra chơi, anh lỉnh ra một góc, ngồi vẩn vơ một mình. Có khi anh tỉ mẩn vặt cỏ gà hoặc dán mắt vào lũ kiến rồng rắn trên đất, mê mải như thể phát hiện ra điều gì mới lạ.
- Thằng cám hấp, hâm tỉ độ. - Chúng nói, giơ ngón tay đều và cười hi hí một cách khoái trá.
Ông anh hiền lành, nhút nhát của tôi lẩn trốn lũ bạn độc địa bằng cách chui vào sau tấm bảng đen đã bạc phếch, đứng núp ở đó. Một lần, khi Rốt vừa vào sau tấm bảng, tôi liền chui vào theo và kéo tay anh ra ngoài, lôi sểnh đến trước mặt thằng vừa gây sự với anh:
- Thằng Tô Khá (cậu bạn có bố tên Khá, chúng tôi thường ghép tên từng đứa trong lớp với tên bố mẹ mỗi đứa). Mày là thằng hèn. Nếu mày phá anh tao nữa, tao sẽ cho mày biết tay.
Tô Khá - cái thằng mặt lưỡi cày, người teo quắt như trái đậu đũa héo nhìn bộ dạng hung hăng của tôi thì hơi chột dạ. Cắp mắt lé kim trông gian gian của nó ánh lên dè chừng:
- Ghê nhỉ. Mày… định làm gì tao?
- Làm gì à? Mày cứ đụng vào anh tao đi, sẽ biết - Tôi gằn giọng. Có lẽ cái mặt vênh vênh và ánh mắt ngún lửa của tôi đã làm Tô Khá bối rối. Những đứa hiếu kỳ vây quanh chúng tôi. Đúng lúc ấy, thằng Hiền lớp phó từ xa đi đến, vẹt đám đông, vỗ vai Tô Khá.
- Thôi đừng gây chuyện với anh em thằng Hải nữa. Mặc kệ chúng nó.
Bọn trong lớp lập tức lảng đi. Chúng nó sợ thằng Hiền mách cô giáo.
- Anh đừng nhát gan. Hễ nó đánh mình thì mình phải đánh lại- Tôi chống nạnh, đanh đá nói.
Rốt gãi đầu, lẩm bẩm điều gì đó tôi nghe không rõ. Rất may hôm ấy cô giáo phát hiện ra Rốt có khả năng… sáng tác thơ, cô mời anh lên đọc thơ cho cả lớp nghe. Bài thơ Trường em của Rốt có 4 câu mở đầu: “Hôm nay ngày khai giảng. Lòng em rất vui mừng. Miệng cất cao tiếng hát. Nhanh nhanh em tới trường”. Từ lúc đó, chẳng những tôi và Rốt được yên mà đám “trẻ trâu” còn nể chúng tôi ra mặt…
Trong năm anh em tôi, bé Sót từ nhỏ đã sài đẹn, còi cọc. Đầu Sót trọc lóc, chốc lở, mẹ phải bôi cho nó một loại thuốc nước xanh lè như mực. Mẹ yêu cầu hai anh đi chơi phải cõng theo Sót. Nhưng chẳng ai hào hứng cái việc mang một đứa em gái khóc nhèo nhẹo với cái đầu tanh rình trên lưng. Thế là anh Cả, anh Hai giở đủ chiêu để... trốn nghĩa vụ. Nhân vật phải “đóng thế” các anh là Rốt. Anh cho con bé ôm cổ, như mang một cái ba lô. Mỗi lần Rốt đặt “ba lô’’ xuống đất, Sót liền co hai cẳng chân, quặp chặt vào hông anh và gào như heo bị chọc tiết. Con bé tai quái buộc Rốt phải đầu hàng. Rốt cõng “cục nợ” đến tận khi Sót học lớp hai mới được “giải phóng”.
Ông nội qua đời. Chúng tôi rời làng lên thị trấn sơn cước, nơi bố tôi làm việc. Anh Rốt đã cao lênh khênh, trong gia đình, anh là “người ngoài hành tinh”, lúc nào cũng mơ màng, lãng đãng, như đang bay trên mây. Người ta cho anh mít, ăn xong anh gói hột lại đem… trả cho nhà chủ. Mỗi lần anh tắm thường mất hàng giờ đồng hồ. Anh dùng chiếc dép cao su kỳ cọ tận cho đến lúc da đỏ ửng lên như tôm luộc. Tới bữa, anh hay bị anh Hai cằn nhằn thằng mũi nhòm mồm háu ăn, ních bao nhiêu cũng không đủ. Mẹ tôi luôn phải nhắc Rốt nhai nuốt từ từ, kẻo bị mắc nghẹn. Được cái nhờ chút “gen” bên ngoại, anh viết, vẽ đẹp, biết làm thơ, viết văn nên năm nào cũng được lên lớp.
Chúng tôi có thói quen tụ tập, chuyện trò rôm rả. Rốt nói chuyện cũng “không giống ai”, khoa chân múa tay, mặt đỏ lựng vì xúc động, liên tục đệm những từ vô nghĩa “thật đúng là, đến nỗi mà”. Sau này mỗi lần phải thay Rốt trông bé Sót hay chỉ đơn giản là muốn giễu anh, tôi cũng hay nhăn mũi kêu lên “thật đúng là, đến nỗi mà” rồi cười hinh hích bỏ chạy. Rốt không đuổi theo tôi, nhưng nhìn anh đứng đó, đôi vai xuôi rũ xuống, vẻ bất lực, tôi bỗng thấy anh thật tội nghiệp.
Mẹ tôi đặc biệt cưng chiều Rốt, vì cho rằng anh thiệt thòi nhất trong lũ con của bà. Tình yêu thương vô hạn luôn tỏa ra từ ánh mắt mẹ mỗi lần nhìn anh. Những tối có trăng, anh Cả, anh Hai luyện võ huỳnh huỵch trong sân nhà, Rốt cũng hào hứng tập theo. Nhưng chưa hết bài nhập môn, anh đã bị anh Cả đuổi “cút xéo”. Anh Cả giải thích với mẹ tôi rằng Rốt không nên tập võ, kẻo cầm chắc sẽ có ngày “sứt càng gãy gọng”.
Thị trấn sơn cước đìu hiu với những con phố ngắn và dốc. Vào hè, các quả đồi phủ đầy hoa mua, hoa sim, vô khối thứ trái ăn được. Anh em tôi hay rủ nhau lên đồi chặt củi, cắt cỏ tranh, hái sim chín, buổi chiều về môi đứa nào cũng tím ngắt nhựa sim. Trong những cuộc vui bất tận ấy thường không có Rốt, anh hay đi lạc làm cả bọn phải đi tìm, nên sau đó anh Cả bực mình bắt anh ở nhà. Cho mày đi theo chỉ tổ vướng chân. Anh Cả nói. Tôi thương Rốt, nhưng ra khỏi nhà là tôi nhảy chân sáo và quên ngay ông anh tội nghiệp.
- Các con đi đâu, làm gì cũng phải cho thằng Rốt theo cùng. Đừng bỏ nó lại, phải tội chết - Mẹ tôi nói nửa năn nỉ, nửa răn đe. Mẹ mệt nhoài và gắt gỏng khi ở chỗ làm về, nhưng vẫn luôn dịu dàng, chở che Rốt, như thể đến giờ anh vẫn kết dính với mẹ thông qua dây rốn. Sự hào hứng của chúng tôi chùng xuống, niềm vui hơi có chút gợn. Nhưng rồi sự chậm chạp, vụng về khiến Rốt lại rơi ra khỏi quỹ đạo cuộc vui.
Mẹ tôi thương Rốt còn vì một lẽ: Anh Cả và anh Hai luôn đùn đẩy cho Rốt những việc nặng như gánh nước, chẻ củi, móc cống... Có lần xuýt nữa đã xảy ra thảm họa. Hôm ấy Rốt chẻ củi. Anh dùng bàn chân giữ khúc củi, mắm môi… giơ búa lên. Chiếc búa giáng thẳng xuống… ngón chân cái của Rốt. Máu túa ra. Rốt ngồi thụp xuống, hoảng loạn ôm cái chân máu chảy tràn trụa, mặt trắng bệch. Anh Rốt chém phải chân rồi. Con út Sót hét to. Chúng tôi cuống cuồng sợ hãi. Rốt được anh Cả sơ cứu và đưa đến trạm xá cơ quan băng bó.
- Thằng đần. Từ nay tao cấm mày mó máy vào dao búa, nghe chưa? - Anh Cả mắng, sùi bọt mép vì lo lắng và tức giận. Anh quên phắt rằng nhẽ ra, việc chẻ củi là của anh chứ không phải của Rốt.
- Tại em… em… - Rốt khổ sở xoắn hai bàn tay vào nhau, mặt chỗ đỏ chỗ tái, trông vô cùng đáng thương.
Sau hôm đó, Rốt thôi chẻ củi, nhưng những việc khác thì anh vẫn làm.
*
Máy bay Mỹ dội bom đã khá gần nơi chúng tôi ở. Gia đình tôi cùng nhiều gia đình khác sơ tán vào một hang đá trong dãy núi yên ngựa, mùa hè trong hang mát lạnh còn trên miệng hang nắng đốt hừng hực. Bọn choai choai bày trò chơi tú lơ khơ, đánh tiến lên. Anh Rốt không chơi bài. Anh ngồi dưới luồng ánh sáng chiếu xiên qua ngách đá, cặm cụi vá chiếc áo thun thủng lỗ, mắt chăm chắm dán vào cây kim. Những đường khâu của anh chạy loằn ngoằn lên xuống như đường đi của lũ kiến. Xong xuôi, anh mặc chiếc áo có miếng vá méo mó, xệch xoạc, chạy đến trước mắt chúng tôi, hớn hở khoe: “Các anh. Xem em vá đẹp không?”. Anh Cả và anh Hai chẳng buồn nhìn qua thành tích của cậu em, vì họ còn đang mải sát phạt nhau. Chiều đi làm về, nhìn miếng vá khác màu nổi cồm cộm như tai nấm khô trên chiếc áo thun, mẹ tôi cười ứa nước mắt. Sao con không để mẹ làm. Con vá thế này người ta cười chết. Mẹ nói và lắc đầu. Dù trong mắt anh Cả và anh Hai, Rốt chỉ là “thằng chập mạch” nhưng với mẹ, bao giờ Rốt cũng là đứa con hiếu thảo, tình cảm và thích đỡ đần mẹ nhất.
Hồi đó, thi thoảng ngành văn hóa lại mời một đoàn tuồng, chèo hay đội văn nghệ “cây nhà lá vườn” về diễn phục vụ bà con. Những hôm ấy thật sự là ngày hội của cả thị trấn. Anh Rốt luôn đi sớm và ngồi cao vọt lên giữa đám con nít lau nhau, mặt mũi hí hởn. Rốt đặc biệt thích vai người đàn bà khùng trong vở chèo Hơi ấm quê nhà, mắt lúng liếng đưa tình, tay múa dẻo quẹo và cất giọng chua the thé: “Ớ này chiếc áo cánh phinh (phin). Vì mi mà thiên hạ phải nhình (nhìn). Ở nhà thi thoảng Rốt hào hứng bắt chước “Ớ này…” rồi im bặt, sượng sùng vì bị anh Cả mắng thằng ái nam ái nữ. Bài hát Rốt thích nhất là bài Người chiến sĩ ấy và hát khá hay, trừ những nốt cao bị “phô”. Anh chẳng đếm xỉa gì chuyện phô hay không, cứ mải mê hát, mải mê hài lòng với tài nghệ của mình.
Suốt thời thơ ấu, hầu như anh Rốt chỉ mơ mộng viết, vẽ và vui trong thế giới riêng của mình, quẩn chân anh là chú cún con tên Đốm. Con Đốm bám Rốt đến độ, nếu không bị bố mắng thì anh đã cho nó lên giường ngủ chung. Ngoài con Đốm, anh thích chơi đùa với trẻ con, cả những đứa bé chừng dăm ba tuổi. Anh thường nằm bò trên sàn nhà, cho bọn nhóc cưỡi trên lưng, chơi trò phi ngựa. Có khi cả người lẫn ngựa lăn cù trên sàn nhà, làm lũ trẻ khoái chí cười nắc nẻ. Các ông bố bà mẹ đều cảm nhận được trái tim nhân hậu, sự thân thiện bẩm sinh của Rốt.
Hết cấp hai, anh Rốt chuyển sang trường phổ thông trung học vừa học vừa làm. Ngôi trường dựng trên sườn đồi, cách nhà tôi gần chục cây số. Theo yêu cầu của mẹ, thứ bảy tôi đạp xe lên trường để mang thức ăn cho anh. Rốt đang cùng cả lớp trồng sắn. Đống hom sắn lù lù như trái núi giữa vườn. Rốt mặc áo ba lỗ màu cháo lòng, chiếc quần ka ki kiểu cũ được bố tôi “sang tên” rộng thùng thình. Hải, mang hom lại đây. Hải, mang cho tớ cái xẻng. Hải, hết nước uống rồi… Ai nấy liên tục réo tên anh. Rốt chạy hối hả, mồ hôi nhễ nhại. Tôi nhận ra những kẻ láu cá rất biết lợi dụng sự hiền lành, dễ bảo của anh. Hết giờ làm, tất cả kéo nhau vào phòng ăn tập thể. Những gương mặt hau háu chờ cơm. Rốt lấy cặp lồng thịt và cá đồng kho riềng mẹ tôi đã chuẩn bị, đem chia cho từng bàn.
- Mẹ tớ nấu đấy. Ngon không? - Rốt cười sung sướng, đầy vẻ tự hào.
- Anh đúng là điên… Thóc đâu mà đãi gà rừng - Tôi nói như quát vào mặt Rốt khi nhà ăn chỉ còn lại hai anh em. Rốt gãi đầu, bối rối nhìn tôi, lại nhìn các ngăn cặp lồng trống rỗng. Lũ bạn đã chén sạch phần thức ăn mẹ tôi kỳ cạch kho nấu suốt buổi.
- Thôi con ạ, họ thiếu thốn quá, cho họ ăn cũng được. Lần sau mẹ sẽ nấu gia gia hơn một tí - Mẹ tôi thở dài khi nghe tôi “hạch tội” anh trai, bà không ngạc nhiên về tính rộng rãi của Rốt.
Rốt bất ngờ bỏ ngang cấp ba, thi đỗ vào trường trung cấp xây dựng ở gần nhà. Tôi học lên đại học. Kỳ nghỉ hè đầu tiên, tôi được Sót thông báo một tin động trời: Rốt… yêu. “Nàng thơ” của anh là cô gái con bà quả phụ bán chè chén ngoài đường lộ. Cô tên Ân, khá xinh. Rốt mê nàng lắm, như dân gian thường nói, mê như điếu đổ. Nhưng chẳng bao lâu, tình đầu của anh vỡ tan như bong bóng xà phòng. Thì ra, trong lần đến chơi nhà bạn gái, anh đã “phạm húy” khi hồn nhiên bình luận về… tấm ảnh ông chồng đã khuất của bà.
Cuộc tình thứ hai, Rốt ký thác vào cô bạn học có cái tên rất gợi: Nguyễn Thị Vang. Cô Vang trắng trẻo, mặt dài, miệng móm, mái tóc đuôi chuột được tém gọn bằng chiếc cặp ba lá quấn những sợi len xanh đỏ làm duyên. Nhưng bất chấp miệng móm và tóc đuôi chuột, trong mắt anh Rốt, cô xinh đẹp nhất đời. Anh dấm dúi làm thơ tình, nắn nót chép vào cuốn tập kẻ ô ly, trang trí bằng những nét vẽ khá ấn tượng. Tôi và út Sót tò mò tìm cách xem trộm cuốn thơ có tựa đề “Chỉ mình em” của anh. Hai chị em đang rúc rích cười thì Rốt xuất hiện, sơ mi nhàu nát, mặt tái xanh. Anh đã phát hiện ra kẻ lấy trộm cuốn thơ. Trả tao ngay. Thật đúng là…Anh gào lên, mặt chuyển sang đỏ gắt, đỏ đến tận chót mũi và chân tóc. Tôi giữ chặt cuốn tập học trò, theo sau là Sót, hai đứa chạy thục mạng, Rốt đuổi theo phía sau. Nhưng chỉ theo một đoạn thì anh đứng lại, rồi lủi thủi quay về.
Sau này nhớ lại quá khứ, tôi xiết bao ân hận vì anh Rốt đáng thương đã có những ngày khốn khổ vì thói đùa ác của tôi và cô em út. Lần nào ở chỗ hẹn về anh cũng bị chúng tôi bám dai như đỉa buộc khai ra đã có… nụ hôn đầu chưa. Mặt Rốt đỏ rựng lên. Lúc đầu anh lớn giọng nạt nộ, sau thì anh gãi đầu và tìm cách lảng đi.
Đang tràn trề hy vọng thì tập thơ tình nồng cháy của anh Rốt bị… trả lại. Thì ra, cô gái quê ban đầu ngây ngất vì có người yêu là “trai đẹp”, lại không thuộc dạng chân đất mắt toét, cổ cày vai bừa mà là con em cán bộ hẳn hoi. Dè đâu, sau vài lần tiếp cận, cô nhận ra không thể trao thân gửi phận cho một anh chàng lành như đất, chỉ có độc món quà duy nhất là quyển thơ viết tay.
- Không hợp - Rốt giải thích cụt ngủn, mắt cụp xuống khi anh Hai hỏi sao không đưa bạn gái về nhà giới thiệu.
- Kiếm đứa khác. Con gái vô thiên lủng. Tiếc làm gì - Anh Hai khuyên, như thể nói về một món đồ cũ đã hết giá trị. Nhưng Rốt vẫn suy sụp. Anh gầy gò phờ phạc, càng ngày càng tách khỏi mọi người trong nhà, Rốt hay ngồi một mình, ánh nhìn trống rỗng, hoang vắng khiến tôi nhói lòng.
*
Anh Cả, anh Hai còn đang tại ngũ thì Rốt có giấy gọi đi nghĩa vụ quân sự. Bố mẹ tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì Rốt trúng tuyển, lo rằng thói quen tắm mất hàng giờ đồng hồ của Rốt sẽ không phù hợp với môi trường quân đội.
Nhưng Rốt đã đi bộ đội liền một mạch, cho tới ngày xuất ngũ. Trở về trong bộ quân phục còn mới, mái tóc cắt cao, nhìn Rốt chững chạc hơn trước rất nhiều. Rốt khoe, anh được giao phụ trách tờ báo tường của đơn vị, tài thơ của anh được đồng đội thừa nhận, anh thậm chí còn có hẳn một tập thơ hơn bốn chục bài. Tôi ngạc nhiên vì tập thơ Mưa nắng thao trường có những bài anh viết về cô gái tóc đuôi chuột vô cùng cảm xúc. Tôi lơ mơ nghĩ rằng những ngày trong quân ngũ đã gieo hạt trong khoảng trống của tâm hồn anh, và những hạt ấy đã nảy mầm, tốt tươi, mang lại cho Rốt quãng thời gian sung sướng, tự tin, đủ đầy ý nghĩa nhất.
Thời gian trôi nhanh, bình thản, khắc nghiệt. Anh Cả, anh Hai giải ngũ trở về, lần lượt có gia đình. Út Sót lấy chồng gần nhà cha mẹ. Tôi vào phương Nam. Đời sống giật gấu vá vai thời bao cấp khiến tôi biệt tăm. Tôi chỉ về quê khi anh Rốt cưới chị Thắm, một gái quê nhu mì, nhẫn nhục. Tôi nghe nói, chị Thắm cũng bị người yêu bỏ rơi.
- Anh Rốt đúng là “thánh nhân đãi khù khờ”. Lấy được cô vợ đảm, sinh hai đứa con gái đẹp như trăng rằm - Út Sót nắc nỏm khen trong lần tôi về quê sau vài cú sốc tình ái. Rốt quả thực gặp may, có việc làm, lại được vợ chăm lo từng chút, anh đẹp trai lên thấy rõ.
Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang. Tôi được tin Rốt bị tai nạn lao động trong xí nghiệp gỗ, nơi anh làm việc. Cú ngã khiến người ta phải mang hộp sọ của anh đi nuôi cấy, còn bàn tay phải bị dập ba ngón thì mãi mãi trở thành những mỏm cụt. Sau sự cố nửa năm, Rốt lãnh trợ cấp rồi về nhà với cái đầu thật sự “có vấn đề”.
Những năm lận đận xa nhà, tôi biết anh Rốt đã bươn chải, “kinh qua” đủ nghề. Có dạo anh may mắn được nhận phát hành báo cho bưu điện. Mọi việc ban đầu trơn như thoa mỡ. Rốt cưỡi xe đạp lóc cóc dạo khắp hang cùng ngõ hẻm, đến đâu anh cũng tự xưng là trí thức, vì trí thức thì mới… đọc báo. Những khách hàng quen nghe anh khoe khoang chỉ tủm tỉm cười, chẳng ai nói lại, và Rốt lấy làm mãn nguyện. Nhưng chẳng bao lâu, Rốt bị… cắt hợp đồng. Hóa ra anh thường xuyên giao báo mà quên không thu tiền. Rốt nợ bưu điện một khoản lớn và bố mẹ tôi ngậm ngùi trả nợ thay con trai. Bà chị họ là hiệu trưởng trường tiểu học nhận Rốt vào làm bảo vệ, nhưng chẳng bao lâu chính bà lại phải ký giấy cho anh… thôi việc.
- Cậu Hải hiền lành, bọn trộm cắp thì quá ma lanh. Thôi để cháu chuyển cậu ấy qua trông xe đạp cho học sinh. Cô chú an tâm - Chị họ giải thích cho bố mẹ tôi hiểu, tỏ vẻ áy náy như thể chị là người có lỗi. Bố mẹ tôi và chị Thắm thở phào. Trông xe không cần nhiều trí tuệ, chỉ cần cẩn thận.
Nhưng bản tính mơ mộng trên mây lại thêm cái tật ngồi đâu cũng viết viết xoá xoá đã làm hại anh Rốt. Mới qua vài tháng, chị dâu tôi lại móc tiền túi… đền cho chồng, vì Rốt làm mất những hai chiếc xe đạp của học sinh!
- Anh Rốt bây giờ bán bia ngay ở nhà… làm ông chủ hẳn hoi - Út Sót khoe trong lần tôi về nghỉ phép năm sau. Hai chúng tôi chạy xe đến nhà Rốt. Tháng tám nóng hầm hập, trời không một gợn mây. Chiều xuống, gió phe phẩy làm cái nóng dịu đi. Tôi và Sót ngồi trên vỉa hè, bên những bộ bàn ghế nhựa thấp tè. Anh Rốt tất bật chạy ra chạy vào mang mồi và bia cho khách. Mấy ông xích lô, ba gác ngồi dạng chân, phanh ngực áo, ngửa cổ nốc những vại bia sủi bọt, nhai rôm rốp miếng bánh tráng dừa thơm ngậy. Họ tỏ ra hào hứng với ông chủ tốt bụng, luôn rót cho họ những vại bia đầy tràn
- Này chú em. Làm với chúng tôi một vại chứ. Giời nóng quá.
- OK. Gì chứ uống bia là năng khiếu nổi bật của tôi đấy - Rốt vui vẻ đáp lại. Anh mặc áo may ô, dùng bàn tay lành và bàn tay dị tật lóng ngóng rót từ can nhựa ra một ly bia trong vắt và ngửa cổ nốc ừng ực giữa tiếng “zô zô” đầy phấn khích của các vị khách. Rõ ràng là Rốt đã quên mất việc anh đang bán hàng.
Năm sau tôi về, ghé thăm gia đình Rốt, thấy ông anh đang ngồi dán mắt vào tivi, mặt nghệt ra như trẻ con. Tôi hạ giọng hỏi chị dâu về bàn bia hơi dã chiến, chị cười buồn nói:
- Tôi bảo anh ấy nghỉ lâu rồi. Ngày nào cũng bị khách dụ uống say nhè. Mà có thu được hết tiền đâu. Có người tử tế trả đủ, còn cho thêm. Nhưng cũng có kẻ biết anh ấy khờ nên lợi dụng. Chị nói rồi thở dài. Tôi chợt hiểu. Rốt không thể tự lập. Anh không trụ nổi nếu không có vợ.
Số phận sắp đặt, tôi được giao phụ trách tờ báo Văn nghệ tỉnh. Anh Rốt liền gửi cho tôi những bao thư dày cộp, toàn những sáng tác viết bằng bút bic, nét chữ điệu đàng, bay bướm. Ngoài thơ, truyện ngắn, còn có cả bản nhạc mang tựa đề Say Say Say do Hữu Sang phổ thơ Hoàng Hải. Tuy anh Rốt chẳng xin xỏ, năn nỉ tôi chiếu cố anh, nhưng tôi biết, anh sẽ sung sướng vô cùng nếu bài của anh được tôi đăng báo. Nhưng không thể “vị tình thân” mà ưu ái những sáng tác đầy tâm trạng nhưng diễn đạt khá ngây ngô của ông anh nên đọc xong, tôi liền xếp qua một bên rồi… quên bẵng.
Của đáng tội, tôi vẫn cho biên tập, “nâng cấp” và đem đăng báo không ít sáng tác của cộng tác viên còn tệ hơn sản phẩm gan ruột của anh trai mình, và những tác giả ấy đã khoe lên mạng xã hội, được khối người tung hô như những cây “đại thụ văn chương”. Rốt chưa từng trách giận em gái vì đã bỏ bê tác phẩm tâm huyết của anh, thứ mang lại cho anh niềm vui tinh thần hơn bất cứ liều thuốc tăng lực nào. Than ôi, mãi nhiều năm sau tôi mới nhận ra sự vô tâm đến lạnh lùng của mình với anh Rốt, nhưng biết làm sao khi tôi đã giã từ nghề báo.
Mùa hè năm ấy mẹ tôi ốm nặng rồi mất. Trong đám tang mẹ có một người đàn ông lạ mặt. Anh ta khoe là bạn chí cốt của anh Rốt. Tên Hữu Sang, nhưng anh ta còm nhom như khô cá lẹp, râu tóc bờm sờm, người nồng nặc mùi hèm.
- Đây là anh Sang, người phổ nhạc thơ của tôi. Còn đây là Hà, em gái tôi, phụ trách báo Văn nghệ. Rốt giới thiệu cho chúng tôi làm quen, tỏ ra vô cùng tự hào. À, Thì ra đây chính là “nhạc sĩ phường” đã phổ nhạc bài thơ Say Say Say của anh Rốt. Tôi tự nhủ, lén nhìn bộ dạng nhàu nhĩ của anh ta.
Không lâu sau đám tang mẹ, người bạn tâm giao của anh Rốt qua đời vì nhiễm độc rượu rởm. Anh ta chết, đồng nghĩa với việc Rốt mất đi người tri âm tri kỷ duy nhất, người có đời sống tinh thần gần gũi với anh hơn bất kỳ ai.
Rốt có hạnh phúc không? Câu hỏi ấy xoáy vào lòng tôi mỗi dịp gặp Rốt. Vợ anh hiền, đảm. Con gái anh xinh đẹp, ngoan ngoãn. Rốt xanh xao vì chứng bệnh hở van tim, nhưng vẫn có cơm ngon canh ngọt mỗi ngày. Anh thích chụp hình đeo chiếc kính râm to tướng choán hết nửa khuôn mặt và đội mũ phớt, cho ra dáng tay chơi. Khách đến nhà, Rốt hào hứng khoe tủ sách của anh, tất cả các trang lót đều được ghi cẩn thận mua ở đâu hay ai cho, tặng. Ai cũng khen Rốt tốt số, hơn khối ông bằng kia cấp nọ. Mà nói đâu xa, hai anh lớn của tôi kia. Các bà vợ của họ chỉ thích tiền và coi chồng như hai gã phu đào tiền, hết tiền các bà cũng hết tình. Nhưng tôi vẫn luôn tự hỏi, anh Rốt có cảm thấy hài lòng về cuộc sống của mình không? Anh em tôi mỗi lần tụ họp, đi picnic… đều thỏa thuận “bỏ quên” Rốt, vì ngại anh gây ra những chuyện nhiêu khê, dở khóc dở cười. Tôi chưa bao giờ biết được Rốt nghĩ gì, mong muốn điều gì? Anh luôn lặng lẽ giấu mình trong góc mỗi khi họp mặt đông đủ cả nhà. Nhưng khi nghe tin tôi về phép, anh tíu tít giục vợ mời tôi tới ăn cơm, lăng xăng chạy ra chạy vào rót nước, pha trà. Lần nào tôi cũng tìm cách nhét cho Rốt ít tiền, để anh ăn quà vặt mà không phải xin tiền vợ. Nhưng Rốt đã nhịn món khoái khẩu để dành tiền mua sách, trong khi ở nhà tôi sách, báo chất thành núi, nhiều cuốn chưa một lần được mở…
Mãi mãi, thế giới nội tâm của Rốt là điều bí ẩn đối với tôi và những anh chị em trong gia đình. Thật ra, chúng tôi chưa từng bận tâm về điều ấy. Sức mạnh của những nhu cầu, tiện ích đã lôi sểnh tôi đi từ thanh xuân đến lúc đầu bạc, chẳng mấy khi dừng lại để quan tâm hơn những điều gần gụi, máu thịt của mình. Tôi có thể móc hầu bao đi vô số đám cưới của “bá tánh” vô tình mà không thể giúp anh Rốt khi anh lận đận với gánh nặng mưu sinh, có thể tán dóc hàng giờ với bất kỳ ai mà chưa bao giờ đủ kiên nhẫn ngồi nghe ông anh thua thiệt, bất hạnh của mình kể những câu chuyện “đầu Ngô mình Sở”, chưa bao giờ coi trọng niềm vui, nỗi buồn của anh. Tôi luôn tự biện hộ rằng tôi thương yêu Rốt và anh trai tôi chẳng thiếu thốn gì…
*
Giờ thì anh Rốt đang ngồi bên bàn trà, đối diện với tôi và Sót. Ở tuổi U70, trông anh càng gầy gò, cái mũi nhòm mồm càng nhọn và trí não có vẻ suy hơn. Tôi bất lực, không thể chia sẻ điều gì với Rốt. Anh vẫn đang huyên thuyên những chuyện không đầu không cuối, tôi hỏi một đằng, anh trả lời một nẻo.
- Anh Rốt vẫn được cả nhà cho tiền tiêu vặt. Nhưng cứ lăn ra mua ve chai, ngày nào cũng đội nắng đội mưa kéo xe ba gác đi lòng vòng các phố. Nên em luôn giành vỏ lon bia, thùng các tông, giấy vụn cho anh ấy. Giỗ bố, anh ấy xuống góp tiền, còn mua thêm thùng bia cúng, bảo bố thích uống bia - Sót đẩy về phía anh Rốt tách trà nóng, mỉm cười nói, như thể nói về một người đang vắng mặt.
Tôi ngồi nhìn Rốt, con tim trĩu nặng. Nỗi ân hận lặng thầm đang cắn rứt tôi dù bề ngoài tôi tỏ ra bình thản. Đây là Rốt, anh trai tôi, người trong các cuộc chơi luôn bị chúng tôi “ngó lơ”, người trơ trọi, lẻ loi ngay trong nhà, giữa những thân nhân của mình, con người khờ khạo nhưng ấm áp và kiên cường, cả đời luôn gắng gỏi làm điều gì đó để sự có mặt của mình trên cõi đời không đến nỗi vô nghĩa. Chẳng hiểu sao, trong đầu tôi bỗng hiện lên gương mặt bừng sáng của anh vào hôm hiếm hoi chúng tôi kéo nhau đi hát karaoke. Anh Rốt sung sướng vì được khen hát bài tủ Người chiến sĩ ấy rất hay. Mà anh hát hay thật, giọng cao, sáng, đó là chút tài vặt của Rốt ít bị ảnh hưởng bởi cơn sốt cao ác nghiệt thuở nào.
Truyện ngắn dự thi của Hoàng Ngọc Điệp
Nguồn Văn nghệ số 32/2023