Motoori Norinaga (1730-1801) là một học giả Nhật Bản về Kokugaku hoạt động trong thời kỳ Edo. Ông có lẽ là người được biết đến nhiều nhất và nổi bật nhất trong tất cả các học giả theo truyền thống này. |
Norinaga, trong một thiên tiểu luận ngắn có tên AWARE BEN (A Ba Lễ biện) là người đầu tiên đưa ra quan điểm cho rằng MONO NO AWARE là “tinh hoa” (hon’i = bản ý) tất cả thi ca Nhật Bản.
Thiên tiểu luận này được viết năm 1757, nghĩa là 6 năm trước khi Norinaga viết tác phẩm đầu tiên bình luận kiệt tác GENJI MONOGATARI của Murashaki Shikibu là Shibun yōryō (Tử văn yếu lĩnh) và tác phẩm Isonokami sasamegoto (Thạch thượng thục ngôn), một chuyên luận hoàn chỉnh về thi pháp học. Ngay trong thiên tiểu luận AWARE BEN (1757) Norinaga đã viết “Nếu chúng ta xem xét và nghiên cứu kỹ những tác phẩm cổ đại, chúng ta sẽ thấy rằng, nói chung, ý nghĩa toàn thể của con đường thi ca (thi đạo = uta no michi) chỉ cần một từ duy nhất là AWARE là có thể diễn tả thấu đáo. Kể từ thời đại của các thần linh cho đến ngày nay, và thậm chí cả cho đến khi thời gian ngừng trôi tất cả những bài thơ Nhật Bản đã được và sẽ được viết ra cũng sẽ trở về với thuật ngữ duy nhất này.” Trong bài viết Bàn về tư tưởng AWARE trong bộ sử khổng lồ Nihon bungaku hyōronshi (Nhật Bản Văn Học Bình Luận Sử), tác giả Hisamatsu Sen’ichi (Cửu Tùng Tiềm Nhất) cố gắng giải thích quan niệm mono no aware từ góc độ “lịch sử tinh thần” (seishin shi), xem đây là một hình thái đặc trưng của cảm thức Nhật Bản khi tiếp xúc với thế giới ngoại tại một cách hồn nhiên, sơ nguyên nhất. Theo Hisamatsu, aware không phải đơn thuần chỉ là nền tảng của văn học và thi ca Nhật Bản mà nó còn thể hiện ý thức thẩm mỹ nói chung của dân tộc Nhật Bản. Hisamatsu trong nỗ lực đi tìm một căn cứ lịch sử cho khái niệm aware đã cho rằng tiền thân của aware chính là quan niệm MAKOTO (=thành) xưa nay vẫn được các học giả Nhật Bản, kế thừa quan điểm của Kamo no Mabuchi (Hạ Mậu Chân Uyên), xem là ý thức thẩm mỹ nền tảng tạo ra kiệt tác Man’yōshū (Vạn Diệp Tập). Theo Hisamatsu, MAKOTO không phải chỉ là một lý tưởng thẩm mỹ: nó bao gồm toàn bộ chân, thiện, mỹ (shin zen bi no tai natsuteruru). Như vậy khi nhấn mạnh riêng phương diện thẩm mỹ của MAKOTO, chúng ta sẽ dùng thuật ngữ AWARE. AWARE, nhìn từ quan điểm này, không phải chỉ gắn bó với thế giới cao nhã của văn học thời Heian (Bình An), mà còn là lý tưởng nền tảng tạo ra đặc trưng phong cách tinh thần cho cả Man’yōshū. Công trình xuất sắc của Hisamatsu chính là nỗ lực kết nối AWARE với nhiều khái niệm thẩm mỹ quan trọng khác trong lịch sử phát triển tinh thần Nhật Bản. Khái niệm này phổ biến nhất trong văn học Heian cùng với hai khái niệm khác cũng phổ biến không kém là okashi và taketakashi. Ngày nay okashi (tiếu) thường dùng trong dạng đối lập với aware (bi) nhưng thực ra trong thời Heian nó rất tiệm cận với aware vì cả hai đều phục vụ cho một cứu cánh chung là MIYABI (nhã). Trong bôi cảnh này, aware tượng trưng cho “giọt lệ dưới ánh trăng,” okashi tượng trưng cho “tiếng cười siêu thoát,” còn taketakashi thể hiện “nét cao siêu hùng vĩ,” ba khía cạnh, ba phương diện của MIYABI. Đặc biệt khi chỉ có aware kết hợp với taketakashi một phong cách thẩm mỹ mới xuất hiện: YUGEN (u huyền), một phong cách nền tảng của kịch NÔ (NĂNG = Nō). Khi dùng thuật ngữ aware các học giả Nhật Bản muôn liên kết sự thảo luận về MONO NO AWARE với một đặc trưng độc đáo nhất của văn học Heian: đó là một nền văn học tràn đầy nữ tính về phương diện cảm thức cũng như về phương diện thực tiễn sáng tác. Kiệt tác đỉnh cao của thời kỳ này đương nhiên phải là Genji monogatari nhưng chúng ta cũng không nên bỏ qua không nhắc đến một tác phẩm khác trong văn học thời Kamakura có công năng soi sáng những góc cạnh khác mà Genji monogatari không nhắc tới trong đời sống cung đình: NHẬT KÝ CỦA Nijō. Trong tác phẩm này thủ pháp bonkadori (nói xa xôi ngụ ý) được sử dụng hết sức hoàn hảo để cung cấp một bức tranh về thân phận nữ nhân tại cung đình Heian hoàn toàn khác với Genji monogatari. Trong cái nhìn của Nijō, đàn bà chỉ là công cụ, là nạn nhân của các trò chơi quyền lực của nam giới. Viết sau Genji monogatari, tác phẩm của Nijō, một phụ nữ thuộc giai cấp quý tộc thế kỉ 13, phi tần của thiên hoàng Go-Fukakusa, đã kế thừa khá nhiều hình tượng trong kiệt tác của Murasaki Shikibu. Nhưng sự kế thừa của Nijō mang tính chất phê phán tính phi hiện thực trong tác phẩm Genji monogatari, một tác phẩm tràn ngập tính lãng mạn cao nhã theo đúng lý tưởng miyabi, vì hơn bất kỳ ai cùng thời, Nijō nhấn mạnh thực tế tàn nhẫn, thô bạo trong mốì quan hệ giữa các cung phi và thiên hoàng trong bối cảnh cung đình. Chúng ta có thể nói rằng, nếu những giọt lệ trong Genji monogatari thấm đầy tinh thần mono no aware thì những giọt lệ trong nhật ký Nijō hoàn toàn bị chi phối bởi một cảm thức uất hận, phản kháng đối với chính cái thực tại đem đến niềm vui cao nhã cho Murasaki Shikibu. Trong cái thế giới ảo mộng phù hoa bị ám ảnh bởi tư tưởng mạt pháp của Phật giáo, cả hai tác phẩm, Genji monogatari và Nhật ký của Nijō, đều thống nhất cảm thức chung của văn học Nhật Bản thời trung thế: thế giới mà chúng ta đang sống chỉ là một giấc mộng. Những hình tượng hoa bướm tràn ngập trong văn học Nhật Bản thời kỳ này cũng góp phần củng cố ấn tượng về một cuộc sống nhân sinh ngắn ngủi, phù du, ngắn ngủi hơn cả cuộc sống của một đóa hoa hay một con bướm.
Vào năm 1168 nhà sư Chōken (1126-1203) viết một tác phẩm có tựa đề Genji Ippon Kyō (Nguyên Thị Nhất Bản Kinh = Một quyển kinh về tác phẩm Genji monogatari) để phản đối loại tiểu thuyết phù hoa thời Heian mà Murasaki Shikibu là tác giả điển hình. Trong quan điểm của Chōken, cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất trong văn học Nhật Bản này chỉ làm hư hỏng độc giả, phá hoại bản chất đạo đức của họ bằng những câu chuyện tình quan hệ dâm đãng. Murasaki như thế chắc chắn sẽ phải xuống địa ngục. Để cứu vớt linh hồn của nữ sĩ Chōken yêu cầu mọi người hãy chép lại trọn bộ kinh Pháp Hoa. Bộ kinh này có tất cả 28 chương (phẩm). Trên mỗi chương chép lại như thế hãy ghi tên một chương trong Genji monogatari. Noi gương Bạch Cư Dị, nhà sư này đã góp phần hợp thức hóa vai trò của văn học bằng cách liên kết văn học với tinh thần sùng bái tôn giáo. Sự biện minh đầu tiên cho tiểu thuyết (monogatari = vật ngữ) xuất hiện vào đầu thế kỉ 13 với tác phẩm Mumyōtōshi (Vô Danh Thảo Tử), tương truyền là sáng tác của con gái Shunzei. Trong luận văn này tiểu thuyết được xem là sản phẩm thú vị nhất, hay ho nhất, hấp dẫn nhất trên thế gian này. Những món hấp dẫn, hay ho khác theo sắp xếp thứ tự từ cao xuống tháp như sau: trăng, văn học, giấc mộng, những giọt lệ, và cuối cùng là Phật A Di Đà.
Trong tác phẩm U HUYỀN VÀ AWARE xuất bản năm 1939, Onishi Yoshinori (Đại Tây Khắc Lễ) nỗ lực chứng minh rằng những quan niệm như aware, yūgen, sabi thật ra là những phạm trù thẩm mỹ học phổ quát, chung cho toàn thể nhân loại chứ không phải sở hữu riêng của văn hóa Nhật Bản. Năm năm trước đó, một học giả khác, Okazaki Yoshie (Cương Kỳ Nghĩa Huệ), tác giả của cuốn VĂN NGHỆ HỌC NHẬT BẢN, lại có quan điểm ngược lại: AWARE là tinh hoa của riêng văn học Nhật Bản. Nhưng khi Okazaki cố gắng lý giải quan niệm này, chính ông cũng không thể định nghĩa rõ ràng AWARE là “cái gì.”
Bản thân Norinaga cũng ghi nhận rằng mọi người thường dùng AWARE và OKASHI như hai phạm trù mỹ học đối lập, nhưng thật ra okashi là một phần của aware, là một dạng thấp hơn, yếu hơn so với aware nhưng cùng chung một bản chất. Sự giải thích của chính Norinaga chỉ làm khái niệm aware càng trở nên mơ hồ hơn chứ cũng chẳng giúp ích bao nhiêu cho những người tìm hiểu văn học Nhật Bản.
Ngày nay những tác phẩm thời Heian (794-1191) như Takedori monogatari, Genji monogatari, Makura no sōshi đã chiếm vị trí trung tâm trong chương trình quốc văn (kokugo) cấp trung học. Những tác phẩm thời Tokugawa (1603-1868) chiếm tỉ lệ phân bố trong chương trình thấp nhất. Lý do mà các nhà cấu tạo chương trình đưa ra là ngữ pháp thời Heian là nền tảng lịch sử của ngữ pháp cổ điển trong khi những tác phẩm thời Tokugawa rất khó đọc do rời xa mô hình ngữ pháp thời Heian và sử dụng nhiều thủ pháp văn học phức tạp có nguồn gốc từ văn học Trung Quốc. Nhật ký Tosa của Ki no Tsurayuki và Izazoinikki, nhật ký của nữ tu Abutsu, chiếm vị trí trang trọng trong các sách giáo khoa thời Meiji (Minh Trị) do có mối liên hệ sâu sắc với quyền uy của thể loại waka, nhưng các tác phẩm văn học nhật ký của các phụ nữ thời Heian mãi đến thời gian sau chiến tranh (1945) mới thực sự được “trở thành qui điển.”
Lãng Nhân | Báo Văn nghệ
--------
Bài viết cùng chuyên mục: