VỀ MIỀN MÂY TRẮNG
|
ĐOÀN VĂN THANH
Mới chạm Xứ Đoài mây đã trắng
Ba Vì cỏ hẹn tự nhiên xanh
Trời đất thương nhau sinh mưa nắng
Bỗng khát trung du giọt sữa lành
Đường Lâm trẻ lại thời cổ kính
Dấu vua bước lẫn dấu chân làng
Anh linh vượng khí miền hưng thịnh
Độc lưu chảy ngược sông Đà Giang
Mây có như người mây hội tụ
Núi tựa bên nhau, suối reo quanh
Em có như mây anh như núi
Suốt đời lưu luyến sắc trời xanh
Mây dệt lụa trời, ngời thiếu nữ
Sim, mua cứ tím để mong người
Phải lòng mây trắng nên thành cữ
Anh lại về chia, nhận nụ cười!
LỜI BÌNH
Miền mây trắng mà tác giả nói tới trong bài thơ là một không gian rộng lớn, là Xứ Đoài (Phía Tây) của thủ đô Hà Nội, mà chủ yếu là các huyện của tỉnh Sơn Tây cũ, trong đó Ba Vì có thể coi là trung tâm đặc trưng của Xứ Đoài. Có thể cấu trúc bài thơ này của nhà thơ Đoàn Văn Thanh từ sự ám ảnh của câu thơ Quang Dũng: Tôi nhớ Xứ Đoài mây trắng lắm.
Tuy nhiên, Quang Dũng chỉ có một câu thơ nói về mây trắng Xứ Đoài (trong bài Đôi mắt người Sơn Tây), tứ thơ hoàn toàn khác. Còn Đoàn Văn Thanh có tới ba lần nhắc tới “mây” trong bài thơ ngắn và anh lấy đó là hình tượng trung tâm để triển khai những ý tưởng khác.
Hình ảnh mây trắng ở câu thơ mở đầu: Mới chạm Xứ Đoài mây đã trắng. Nhân vật trữ tình không được nói tới trực tiếp như: Tôi nhớ Xứ Đoài mây trắng lắm, nhưng người đọc đã cảm nhận được rõ ràng hương vị đặc trưng của Xứ Đoài là rất nhiều mây trắng. Từ sự mở đầu này, mạch thơ bắt đầu tuôn chảy tự nhiên, nhịp nhàng và các hình ảnh khác (không phải là mây) xuất hiện: Ba Vì cỏ hẹn tự nhiên xanh. Và “chen” vào thiên nhiên kỳ ảo mơ mộng ấy là hình ảnh làng cổ Đường Lâm - đất hai vua và dòng Đà Giang thấp thoáng: Đường Lâm trẻ lại thời cổ kính/ Dấu Vua bước lẫn dấu chân làng/ Anh linh vượng khí miền hưng thịnh/ Độc lưu chảy ngược sóng Đà Giang. Câu thơ rất gợi trong trong khổ thơ này: Dấu vua bước lẫn dấu chân làng và câu thơ “Độc lưu chảy ngược sóng Đà Giang” làm người đọc nhớ đến thơ Lê Thái Tổ (Lê Lợi) khắc trên vách núi thuộc vùng Thác Bờ (Hòa Bình) khi nhà vua cầm quân đi đánh dẹp Đèo Cát Hãn thắng lợi trở về: Ghềnh thác ba trăm, lời cổ ngữ/ Từ nay xem chẳng nổi phong ba.
Khổ thơ thứ hai viết về Đường Lâm - đất hai vua và một nét đặc biệt của Sông Đà “Độc lưu” là một điểm nhấn của Ba Vì, một chút dừng lấy đà để rồi lại phải trở lại quấn quýt mê đắm với Mây - hình tượng chủ đạo, “điểm ngời sáng” của bài thơ. Hai khổ thơ liên tiếp có hình tượng Mây. Ở khổ thơ thứ ba là mây tương quan với núi, với suối: Mây có như người mây hội tụ/ Núi tựa bên nhau, suối reo quanh.
Và ở khổ thứ tư (khổ cuối) là Mây tương quan với sim, mua: Mây dệt lụa trời, ngời thiếu nữ/ Sim, mua cứ tím để mong người. Nhưng đặc biệt cả ở hai khổ thơ trên cái chính là tác giả biểu lộ cái quan hệ tương tác không thể thiếu là mây và con người (cụ thể là anh và em): Em có như mây anh như núi/ Suốt đời lưu luyến sắc trời xanh. Và: Phải lòng mây trắng nên thành cữ/ Anh lại về chia, nhận nụ cười.
Hình tượng mây ở khổ thơ thứ ba và khổ thơ cuối đã khác ở khổ thơ thứ nhất: Mới chạm Xứ Đoài mây đã trắng còn là thiên nhiên. Nhân vật trữ tình còn mơ hồ, chưa cụ thể thì ở khổ thơ thứ ba và khổ thơ cuối nhân vật trữ tình đã rất cụ thể (anh). Nói mây để nói về tình cảm của người trở về “miền mây trắng” - nơi ấy anh có một người thương, một tình yêu thuần khiết và trắng trong như thiên nhiên của Xứ Đoài với cồn cào mây trắng. Anh muốn được nhận và được chia niềm vui và niềm hạnh phúc. Bài thơ có cái khó là chưa thể làm người đọc quên đi những “đỉnh mây trắng” mà bạn đọc đã rất quen trong thơ Chu Thần Cao Bá Quát, Tản Đà, đặc biệt là Quang Dũng… Song, Đoàn Văn Thanh đã biết lợi thế của thơ bảy chữ với nhịp đi khoan thai uyển chuyển mê dụ người đọc. Anh không than tả, chỉ chọn một số hình ảnh đặc trưng của vùng Sơn Tây, Ba Vì… và phả vào đấy hồn thơ làm bài thơ thoáng gợi. Cái hay của bài thơ tôi nghĩ là ở điểm này.
---------
Bài viết cùng chuyên mục: