Diễn đàn lý luận

Bài thơ "Tiếng vọng" của Nguyễn Quang Thiều

Bùi Đức Ba
Tác phẩm và dư luận
06:00 | 25/10/2024
Baovannghe.vn - Nguyễn Quang Thiều được xem là người khai mở dòng chảy của thơ ca cách tân Việt Nam hiện đại. Thơ ông chứa đựng nhiều tứ thơ mới lạ
aa

TIẾNG VỌNG

Bài thơ
Tranh: Mirando

NGUYỄN QUANG THIỀU

Con chim sẻ nhỏ chết rồi

Chết trong đêm cơn bão về gần sáng.

Đêm ấy tôi nằm trong chăn nghe cánh chim đập cửa

Sự ấm áp gối chăn đã giữ chặt tôi

Và tôi ngủ ngon lành đến lúc bão vơi.

Chiếc tổ cũ trong ống tre đầu nhà chiều gió hú

Không còn nghe tiếng cánh chim về,

Và tiếng hót mỗi sớm mai trong vắt.

Nó chết trước cửa nhà tôi lạnh ngắt

Một con mèo hàng xóm lại tha đi

Nó để lại trong tổ những quả trứng

Những con chim non mãi mãi chẳng ra đời.

Đêm đêm tôi vừa chợp mắt

Cánh cửa lại rung lên tiếng đập cánh

Những quả trứng lại lăn vào giấc ngủ

Tiếng lăn như đá lở trên ngàn.

(SGK Tiếng Việt 5, tập một- Nxb Giáo dục, 2008)

LỜI BÌNH

Nguyễn Quang Thiều được xem là người khai mở dòng chảy của thơ ca cách tân Việt Nam hiện đại. Thơ ông chứa đựng nhiều tứ thơ mới lạ, không dễ nắm bắt, đọc khá vất vả. Con đường đến được với đông đảo người đọc luôn luôn là thách đố với kiểu thơ cách tân. Tuy nhiên đôi khi ta bắt gặp những bài thơ của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều không khó đọc mà vẫn mang đậm phong cách thơ của ông “giọng buồn, giọng kể chuyện tự tình”,giầu suy ngẫm, đẫm nhân văn. Bài thơ “Tiếng vọng” là một trường hợp như thế. “Tiếng vọng” chia làm hai khổ, được viết theo dòng mạch tự sự quen thuộc, thường thấy trong hầu hết sang tác thơ của Nguyễn Quang Thiều.

Năm câu thơ đầu thuật lại hoàn cảnh con chim sẻ hoang dã bị chết. Câu thứ nhất “Con chim sẻ nhỏ chết rồi”. Đơn giản chỉ là lời khẳng định cái chết của của một con chim sẻ. Thế nhưng, khi nhà thơ viết, con chim ấy “ nhỏ” đã chết rồi là đã gửi theo cả niềm trắc ẩn, tiếc thương của người thơ. Bởi, những sinh linh nhỏ bé vô tội (dù là con vật) bị chết tức tưởi đều dễ động lòng, đáng thương.

Con chim bị chết là do “cơn bão về gần sáng” là đúng nhưng chưa đủ, bão không phải là lí do chính. Nhà thơ viết, viết mà như nói, nói một cách nghệ thuật. Với hình ảnh thơ giầu gợi tả: vì bão tố, con chim mong tìm đến căn nhà ấm áp của tác giả để trú ngụ. Nó dùng sức lực, vỗ cánh “đập cửa” như một cử chỉ, một tiếng kêu cứu khẩn thiết. Thế nhưng, buồn thay ! Chỉ vì giấc ngủ “Sự ấm áp gối chăn đã giữ chặt tôi”, người thơ đã không ra mở cửa. Và tất nhiên, dẫn đến chung cục thảm thương, con chim phải chết. Phải chăng nhà thơ muốn nói ý này, sự thờ ơ vô cảm, vô tình của con người, không khác gì một tội ác, giết chết sự sống.

Ba câu thơ tiếp theo là một phiên đoạn kể: buổi sớm mai không còn nữa “tiếng chim về” “và tiếng hót” trong vắt. Sự vắng lặng tiếng chim cũng là sự trống vắng, bâng khuâng nuối tiếc chế ngự cõi lòng thi nhân.

Bốn câu khép lại khổ thơ thứ nhất. Tiếng thơ kể chi tiết về cái chết tội nghiệp của con chim và hệ luỵ của nó. Bằng những chi tiết cụ thể, thương tâm, ám ảnh “nó chết trước cửa nhà tôi”, cơ thể “lạnh ngắt”, bị “con mèo hàng xóm lại tha đi”. Vậy là cái chết của nó không toàn thây xác.. Nó là con chim mẹ. Vì thế, cái chết của nó kéo theo cái chết của những quả trứng trong ổ “ chim non mãi mãi chẳng ra đời”. Vậy là vĩnh viễn một thế hệ chim non chết tức tưởi từ trong trứng nước, thật thương tâm. Ý thơ dẫn đến tứ thơ: sự vô tình vô cảm của con người như một tội ác ghê gớm, không chỉ giết chết thế hệ (chim mẹ) mà còn giết chết cả thế hệ tương lai (những con chim non chưa kịp nở). Như thế tứ thơ đã hoàn chỉnh, bài thơ có thể kết thúc mà vẫn hay.

Tuy nhiên, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều với phong cách giầu suy ngẫm, ông viết thêm bốn câu kết. Độ căng của cảm xúc và suy nghĩ được đẩy lên cao trào. Lời thơ thuật lại giấc ngủ và cơn mộng mị lạ lùng. Đây là những câu thơ hay nhất, ám ảnh nhất của bài:

Đêm đêm tôi vừa chợp mắt

Cánh cửa lại rung lên tiếng đập cánh

Những quả trứng lại lăn vào giấc ngủ

Tiếng lăn như đá lở trên ngàn

Chỉ vừa chợp mắt thôi, mộng mị đã ùa vào giấc ngủ vừa đến. Âm thanh của cánh chim đập vào cánh cửa của con chim sẻ đã chết vụt hiện, sống động trong tâm khảm. Và, những quả trứng đã chết (không nở thành chim non) lăn vào giấc ngủ mộng mị. Hình ảnh so sánh diễn tả âm thanh của những quả trứng lăn vào giấc ngủ “Tiếng lăn như đá lở trên ngàn”, gợi tả lòng người bị trấn động khủng khiếp như thể bị trừng phạt, trĩu nặng day dứt, dầy vò ghê gớm. Lời thơ là sự ăn năn, hối hận trước sự vô cảm tệ hại, giết chết sự sống. Thơ như lời tâm tình, nhắn nhủ con người, đừng bao giờ vô tình vô cảm. Và nữa, Phải biết ăn năn hối hận với lỗi lầm của mình. Ấy cũng là tứ thơ giầu ý nghiã nhân văn của “Tiếng vọng”. Phải chăng, đó cũng là lí do để bài thơ được tuyển vào Sách Giáo khoa, nhằm giáo dục nhân cách làm người cho thế hệ trẻ về tinh thần yêu quí, bảo vệ động vật hoang dã. Và đặc biệt là, phải biết ăn năn hối lỗi với những sai lầm, khuyết điểm của mình trong cuộc sống đời thường.

Bài viết cùng chuyên mục

Bài thơ "Hoa sữa" của Nguyễn Phan Hách Bài thơ "Một mình khâu những lặng im" của Hoàng Việt Hằng Bài thơ "Lục bát hồi xuân" của Nguyễn Lâm Cẩn Bài thơ "Người đàn bà đội nước" của Đoàn Xuân Hoà Bài thơ "Cà phê Lối cũ" của Vũ Từ Trang
Bản tin Văn nghệ: Trao giải cuộc thi viết “Hà Nội trong tôi”

Bản tin Văn nghệ: Trao giải cuộc thi viết “Hà Nội trong tôi”

Baovannghe.vn - Liên hiệp Các tổ chức Hữu nghị thành phố Hà Nội trao giải Cuộc thi viết “Hà Nội trong tôi”, tổ chức liên hoan " Âm vang thành phố vì hòa bình"
Sàn thương mại điện tử xuyên biên giới Temu và câu chuyện bảo vệ hàng nội địa

Sàn thương mại điện tử xuyên biên giới Temu và câu chuyện bảo vệ hàng nội địa

Baovannghe.vn - Sàn thương mại điện tử Temu, Taobao và 1688 hoạt động tại Việt Nam với sự đa dạng mặt hàng, giá rẻ. Đã và đang đe dọa sản xuất trong nước.
Chính thức xây dựng Nhà hát Kịch Việt Nam cơ sở 2

Chính thức xây dựng Nhà hát Kịch Việt Nam cơ sở 2

Baovannghe.vn - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTT&DL) vừa ban hành quyết định số 3117/QĐ-BVHTTDL về việc xây dựng cơ sở thứ 2 cho Nhà hát Kịch Việt Nam.
Ghế ngồi cứng. Truyện ngắn của Vân Hạ

Ghế ngồi cứng. Truyện ngắn của Vân Hạ

Baovannghe.vn- Bên ghế đối diện mới chỉ có một hành khách, một phụ nữ khoảng ngoài 40. Chị ta chiếm luôn phần ghế trống để nằm, hai chân bắt chéo gác lên mặt chiếc bàn ăn nhỏ.
Tự do của con cá nhỏ

Tự do của con cá nhỏ

Baovannghe.vn- Dino Buzzati (1906-1972) là nhà văn lớn của Italia, xứng đáng được coi là một trong những trụ cột của nền văn học đất nước hình chiếc ủng ở nửa cuối của thế kỷ XX. Xin được giới thiệu với bạn đọc Văn nghệ truyện ngắn dưới đây của ông.