Tôi hỏi cây Tần Bì
|
Tôi hỏi cây tần bì, người tôi yêu ở đâu
Tần bì chỉ lắc đầu không đáp
Tôi hỏi cây phong, người tôi yêu ở đâu
Phong trút xuống lá mùa thu vàng rực
Tôi hỏi mùa thu, người tôi yêu ở đâu
Mùa thu đáp bằng cơn mưa tầm tã
Tôi hỏi mưa, người tôi yêu ở đâu
Mưa rả rích khóc bên ngoài cửa sổ
Tôi hỏi trăng, người tôi yêu ở đâu
Trăng lặng lẽ núp mình sau mây tối
Tôi hỏi mây, người tôi yêu ở đâu
Mây tan ra giữa trời xanh vời vợi
Ơi bạn thân, bạn duy nhất của tôi
Nói tôi nghe, nàng trốn đâu suốt vậy
Bạn yêu ơi, hãy chỉ giùm tôi với
Người tôi yêu bây giờ ở nơi đâu.
Bạn của tôi người trung tín của tôi
Bạn đáp lời những lời chân thật nhất
Rằng: “Bạn ơi! Người bạn yêu thuở trước
Người của bạn, thuở trước bạn ơi
Người của bạn, người thương yêu của bạn
Người ấy bây giờ là vợ tôi...”
An Nhiên dịch
Lời bình của Trần Bá Giao
V. Kirshon nhà thơ Nga sống ở thế kỷ XX trong thời Liên bang Xô viết. Ông sáng tác bài thơ “Tôi hỏi cây Tần bì” vào những năm cuối 30 của thế kỷ XX trước cuộc chiến tranh ái quốc của Liên Xô chống phát xít Đức xâm lược.Bài thơ “Tôi hỏi cây Tần bì” có một điệp khúc: Tôi hỏi cứ tuần tự được đặt ra trong một chuỗi các diễn biến liên tục theo sự xuất hiện của từng hình tượng gắn với nhau như một sự dẫn dắt.
Điều mà nhà thơ muốn hỏi: Người tôi yêu ở đâu?
Cái hay của bài thơ là câu hỏi được nhắc lại theo từng tiếp biến của hình tượng. Mở đầu bài thơ là câu thơ mang câu hỏi như một lời cầu xin:
Tôi hỏi cây Tần bì người tôi yêu ở đâu? Cây Tần bì chỉ lắc đầu không đáp. Nhà thơ đã sử dụng phương pháp nhân hóa cho ta hiểu: Cây Tần bì như là người bạn của nhà thơ. Nhà thơ phải tiếp tục đi tìm cùng với tâm trạng muốn biết về người mình đã yêu trước đây. Tôi hỏi cây phong, người tôi yêu ở đâu/ Phong trút xuống lá mùa thu vàng rực.
Sự chuyển tiếp hình tượng cây phong với hình ảnh trút xuống lá mùa thu vàng rực thật gợi cảm. Hình tượng thơ gợi về mùa thu trong cảnh lá mùa thu vàng rực là một câu trả lời về sự không biết của cây phong làm cho nỗi buồn của nhà thơ được nhân lên.
Nhà thơ V.Kirshon đã dẫn dắt người đọc cảm nhận được sự dằn vặt, đớn đau, mong mỏi của nhân vật trữ tình: Tôi. Nỗi đớn đau, mong mỏi ấy trôi trong sự diễn biến và liên tiếp hiện ra theo câu hỏi để rồi chỉ thấy: Mùa thu đáp bằng cơn mưa tầm tã.
Chắc nhiều người đã biết về mùa thu ở các nước ôn đới, đặc biệt là ở Nga luôn có những cơn mưa tầm tã (giống như ở bài thơ Đợi anh về của Ximônôp cũng có cơn mưa như thế: Mưa cứ rơi dầm dề/ ngày cứ dài lê thê) chọn hình tượng cơn mưa tầm tã thay cho câu trả lời của mùa thu là một sự lựa chọn rất đắt trong sử dụng hình tượng của nhà thơ.
Tiếp tục diễn biến của bài thơ lại vẫn là câu hỏi với mưa để rồi cũng chỉ là không phải câu trả lời mà lại là: “Mưa rả rích khóc bên ngoài cửa sổ. Tứ thơ được tiếp tục đẩy lên bằng những câu hỏi tiếp theo với trăng mây để rồi chỉ nhận được những câu trả lời như nhấn mạnh về điều bí mật đến Trăng, đến Mây cũng không biết:
Trăng lặng lẽ núp mình sau mây tối
Và: Mây tan ra giữa trời mây vời vợi
Sức hấp dẫn liên tục của bài thơ và cách dẫn dắt của nhà thơ khi nhân vật trữ tình “tôi” hỏi với các đối tượng tiếp theo nhau mỗi khi xuất hiện sau từng câu hỏi.Tứ thơ được đẩy lên cao khi nhân vật “Tôi” hỏi người bạn thân nhất của mình: Ơi bạn thân, bạn duy nhất của tôi/ Nói tôi nghe, nàng trốn đâu suốt vậy/ Bạn yêu ơi, hãy chỉ giùm tôi với/ Người tôi yêu bây giờ ở nơi đâu.
Đến thời điểm hỏi người bạn thân là thời điểm không còn nơi nào để hỏi nữa. Và câu trả lời thật bất ngờ với nhân vật “Tôi” nhưng rất là logic, một sự thật hiển nhiên qua câu trả lời chân thật và đầy bản lĩnh của “người thân nhất ấy”: Rằng: “Bạn ơi! Người bạn yêu thuở trước/ Người của bạn, thuở trước bạn ơi/ Người của bạn, người thương yêu của bạn/ Người ấy bây giờ là vợ tôi...”
Tôi được biết có bản dịch, hay là lời bài hát “Tôi hỏi cây Tần bì” (do nhạc sĩ Alexander Rybak đã phổ bài thơ cùng tên), còn nói rõ hơn: Chỉ tiếc anh chẳng biết yêu thương/ Người ấy là vợ tôi bây giờ.....
Câu trả lời là lời phán xét và cũng là bài học cho những ai không biết giữ lấy người yêu thương của mình.
Cảm ơn nhà thơ V. Kirshon và nhạc sĩ phổ bài thơ trên đã cho ta hai tác phẩm trữ tình mà sâu sắc: Bài thơ với nhạc phẩm cùng tên Tôi hỏi cây Tần bì.
Trần Bá Giao | Báo Văn Nghệ