Diễn đàn lý luận

Bản “sonata” rừng ruộng của Đỗ Tiến Thụy

Nguyễn Phú
Lý luận phê bình
16:32 | 28/03/2025
Baovannghe.vn - Khi còn đang công tác ở Đồn Biên phòng Thàng Tín, Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang, vào một ngày cuối xuân năm 2008, tôi nhận được hai lá thư gửi từ Hà Nội lên.
aa

Một lá thư của cô sinh viên trường sư phạm, là vợ tôi bây giờ, hai là thư của nhà văn Đỗ Tiến Thụy, biên tập viên Ban Văn xuôi, Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Cả hai lá thư đều làm tôi bồi hồi xúc động. Hẳn nhiên rồi, một là những lời ân cần, dịu dàng tựa nắng xuân từ cô gái sắp thành người yêu của thanh niên già đang có nguy cơ... ế vợ; một là những thăm hỏi, sẻ chia, khích lệ của đàn anh văn chương mà tác phẩm của kẻ chập chọe bước vào đường văn đã phần nào gây được thiện cảm, sự chú ý từ phía anh ấy. Trong thư, cùng với lời động viên, cổ vũ, Đỗ Tiến Thụy có trao đổi về truyện ngắn đầu tiên tôi gửi Văn nghệ Quân đội. Theo anh, tôi nên chỉnh sửa một vài chi tiết để đẩy chất lượng tác phẩm lên. Và anh ghi lại số điện thoại trong thư để chúng tôi tiện liên hệ, trao đổi. Lá thư của nhà văn cho tôi cảm giác đúng như ngày tôi nhận giấy báo... trúng tuyển đại học! Chiều hôm ấy, tôi đã đọc lại cả hai lá thư đến mấy lần. Ngoài trời, gió se sắt thổi, chim rừng thoi thót gọi bầy. Cơn mưa mùa xuân làm bầu trời nặng nề, u ám, nhưng tôi vẫn thấy rõ những bông pằng nảng rực rỡ, chói sáng phía đầu bản nhỏ của người Nùng cách đơn vị không xa.

Đọc thư Đỗ Tiến Thụy tôi lại nhớ cái “hòm thư” dưới bài thơ tôi đọc trên báo Tiền phong năm nào. Ngày ấy, Thụy còn công tác tại một đơn vị mãi tận Kon Tum và mới bén duyên văn chương. Bài thơ ấy, cả hòm thư ấy, giờ tôi không thể nhớ chính xác, nhưng hai điểm không thể quên là cả thơ, hòm thư đều ngắn và thơ thì viết về tình yêu với hình ảnh dốc đồi, bậc thang. Từ ấy, tên một người lính viết văn đã găm vào tôi, để mỗi khi cầm tờ báo văn chương nào đó trên tay là tôi lại “scan” cái tên Đỗ Tiến Thụy. Nhưng lúc ấy, tôi đang là học viên trong nhà trường quân đội nên không có điều kiện để tiếp xúc nhiều với các ấn phẩm văn chương. Sau này, ra đơn vị cơ sở, một lần tìm sách trong phòng đọc của đồn, khi cầm cuốn Biên phòng Việt Nam trên tay, tôi đã “gặp” lại Đỗ Tiến Thụy trong bút kí Ở nơi rừng thẳm. Ngay những dòng đầu tiên, nhà văn đã làm tôi bị cuốn hút bởi khung cảnh có phần “man rợ”, rùng rợn. Đó là, cái xác người đàn bà xấu số sau cơn sinh nở với khuôn mặt đã trắng bệch, nhăn nhúm, vết máu thâm đen loang lổ trên chiếc váy thổ cẩm. Đó là, đám người nhảy múa hò hét vừa ôm khóc cái xác vừa ăn uống nhộn nhạo trong tiếng ruồi nhặng vo ve. Và đứa bé sơ sinh “hi hóp thở”, tay vẫn huơ lên quờ tìm bầu vú mẹ trong chiếc quan tài độc mộc... Cho đến bây giờ tôi vẫn đoan quyết Ở nơi rừng thẳm là bút kí dài nhất, cuốn nhất về biên giới, về bộ đội biên phòng mà tôi từng đọc.

Bản “sonata” rừng ruộng của Đỗ Tiến Thụy
Nhà văn Đỗ Tiến Thụy

Sau này, đọc nhiều hơn tác phẩm của Đỗ Tiến Thụy, tôi đã bị anh thuyết phục hoàn toàn ở cả hai không gian văn hóa, hai vùng sáng tạo. Rừng và ruộng, đó chính là bản “sonata” văn chương của văn nhân họ Đỗ. Không gian rừng là đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ với thiên nhiên khắc nghiệt, dữ dội nhưng không kém phần lung linh, tráng lệ; với con người thuần phác hồn hậu như cây cỏ, mạnh mẽ dũng mãnh như muông thú suối sông nhưng cũng còn nhiều mông muội dại khờ... Các truyện ngắn Người trong núi, Vị thần trên nóc nhà rông, Người đàn bà đợi mưa, Tiếng T’rưng làng Rấp..., đặc biệt là cả hai tiểu thuyết Màu rừng ruộng, Con chim joong bay từ A đến Z là sự tái hiện, giải mã về một Tây Nguyên núi rừng như thế. Không gian ruộng là vùng đồng bằng Bắc Bộ (điển hình là làng Bùi, thuộc xã Tốt Động, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây cũ), tù túng xám bạc bởi đói nghèo, những tàn dư của lề thói tư tưởng cũ cùng những xô lệch vênh vao của thời đoạn bao cấp hoặc mở cửa. Hàng loạt truyện ngắn được sự ái mộ của độc giả đều viết trực diện về nông thôn: Chuyện không muốn kể, Chuyện nhà Vòn, Sóng ao làng, Gió đồng se sắt, Sang mùa, Lênh đênh, Có cha... Kể cả hai tiểu thuyết nêu trên, những trang viết về nông thôn đầy ám ảnh, như những phần trong bản “sonata” mà mỗi thanh âm ngân lên làm người ta khi se sắt thương cảm, lúc ngùn ngụt lửa giận. Nhận định về mảng đề tài nông thôn của Đỗ Tiến Thụy, nhà phê bình văn học Phùng Gia Thế cho rằng: “Dù không đẩy lên đến mức dị biệt, song về cơ bản đều là những câu chuyện thấm đẫm xót xa. Không phải ngẫu nhiên, khi đọc truyện ngắn Đỗ Tiến Thụy, thường có cảm giác những chiếc vòi bạch tuộc đang bóp chặt tim mình.” Người đàn bà tên Muôn sống đã khổ cực, đọa đày, chết cũng chả được mồ yên, tất cả nỗi đau ấy là từ thói ích kỉ, hèn hạ, hơn thua của những người trong gia đình, dòng họ, mà lão Vòn (chồng Muôn) là kẻ đại diện (Chuyện nhà Vòn). Đói nghèo, tăm tối, gia trưởng, cách giáo dục thực dụng, cơ hội của người cha đã đẩy hai đứa con sinh đôi Phú - Quý vào vòng xoáy kim tiền, sống lối trọc phú, bất hiếu phi luân.

Đỗ Tiến Thụy có dăm ba truyện ngắn lấy bối cảnh phố thị, nhưng không gian này chỉ là “cái phông” để các nhân vật của anh bộc lộ hết những căn tính nông dân và nhận lấy những thương tổn mà chốn phố phường cuồng quay, đầy giả trá, cạm bẫy đã trút lên số phận họ (Vết thương thành thị, Lênh đênh, Nơi không có sóng xì-phôn). Mộng thám hoa là truyện ngắn cổ sử duy nhất của Đỗ Tiến Thụy. Nhân vật thám hoa Đặng Ma La đã được “phác vẽ” bởi sự kính ngưỡng, tự hào và cả những day trở, xa xót. Chuyện người xưa mà sao nay vẫn còn nhức nhối, đó là thân phận người trí thức, là thói đố kị, giả dối, sự lệch lạc trong việc xác định cái đích của sự học.

Khi Đỗ Tiến Thụy ra tiểu thuyết Con chim joong bay từ A đến Z, tôi đã phải đọc lại tiểu thuyết Màu rừng ruộng của anh... Với nhiều bạn văn, bạn đọc, tiểu thuyết thứ hai là bước tiến mới trong hành trình định danh trên địa hạt tiểu thuyết của Đỗ Tiến Thụy. Nhưng thật lạ, tôi vẫn thích Màu rừng ruộng hơn. Nếu ví hai tiểu thuyết như hai nam nhân thì tôi thấy ở Màu rừng ruộng cái phập phồng, lấp lánh, tươi xanh của chàng trai nguyên tơ với những giấc mơ huê tình; còn ở Con chim joong bay từ A đến Z không khó nhận ra sự trải đời, sành sỏi, lọc lõi của một trung niên mà tình trường đã nhiều thăng trầm, nếm trải. “Không ai có thể tắm hai lần trên một dòng sông.” Đỗ Tiến Thụy cũng thừa nhận khi vào tuổi trên dưới năm mươi thì anh không thể viết như thuở ba mươi được nữa. Cái trong trẻo, nguyên khiết, và một chút vụng dại không còn, nhưng thời gian gắn với nghiệp chữ giúp anh thêm đốn ngộ về chữ, về đời, nó khiến anh phải đắn đo, trăn trở nhiều hơn khi viết.

Gần hai mươi năm trước, thời chơi blog còn thịnh hành, Đỗ Tiến Thụy “tự họa” chân dung và treo lên “tường nhà” như thế này: Tôi một chú cua đồng vụng dại/ Nguệch càng trên thửa ruộng làng Bùi/ Những con chữ ngoi ra từ bùn đất/ Vương mồ hôi và nước mắt em tôi... Thế nên bạn bè hay gọi anh là “gã cua đồng” hoặc “nhà văn cua”. Mỗi khi lướt facebook, đọc cái “slogan” “Một gã nhà quê già, xấu, nghèo và khó tính” trên “tường nhà” Đỗ Tiến Thụy, tôi lại tủm tỉm cười, thấy đúng mà lại không đúng. Đỗ văn nhân gốc gác nông dân thì rõ rồi, nhưng anh đã rời làng gần bốn mươi năm, gắn bó với phố phường hơn hai mươi năm, lại đang làm việc tại một cơ quan ngự trên khu đất trung tâm của kinh kì, vậy mà anh vẫn “vơ” cái “đặc sản” nhà quê vào mình. Mới ngoài ngũ tuần thì chưa được coi là già, vì trong giới văn chương nhiều nhà văn U50 vẫn được các bác bề trên xếp vào hàng... “người trẻ”, “văn trẻ”. Đỗ Tiến Thụy không có thân hình đô cây, sung mãn nhưng so với đồng đội cùng thời, anh lại có chiều cao vượt trội mà anh tự nhận “cao như Tây, gầy như ta”. Gương mặt không quá đẹp trai nhưng lại đầy thiện cảm. Thụy có dáng đi đủng đỉnh với tấm lưng thẳng băng, mỗi khi nhìn cái dáng ấy tôi lại nhớ những nét chữ rất trường, màu tím của anh, nó cũng gợi cho tôi về hình ảnh cây xoan lêu đêu tím ngắt hoa giữa những cánh đồng lúa xanh rì. Thế nên, về tiêu chuẩn “sắc đẹp” giữa dàn nam nhân văn chương 7x Thụy không hề thua anh kém em. Còn nghèo ư? Đỗ Tiến Thụy đang cố giấu hay “kiêu ngầm”? Xuất thân từ một gia đình nông dân tứ đại đồng đường điển hình ở Bắc Bộ, nhân khẩu có lúc lên đến hai mươi người, mấy chục năm về trước, Thụy là đứa trẻ nghèo thì đương nhiên rồi. Nhưng nay thì anh không nghèo, ba thằng con trai lộc ngộc ăn học đàng hoàng, văn chương với hàng loạt tác phẩm, các giải thưởng không hề nhẹ, các “fan” đông như... quân Nguyên; “biệt phủ” ba tầng với vài sào đất ở quê, riêng giàn lan có thời điểm lên đến... dăm tỉ. Thì cái nghèo này có vẻ lạ lùng! Giữa đời thường tôi đồ rằng Thụy dễ tính, hòa đồng nên khi ở nông thôn, núi rừng hay phố thị anh đều sống khỏe, chan hòa, lặn sâu vào đời để viết nên những tác phẩm chạm đến vùng sâu nhất trong tâm hồn người đọc. Còn trên chiếu văn, “cái mặt” anh quả là không “dễ chơi” với nhiều cộng tác viên dù già hay trẻ, nam hay nữ, bất kể thân sơ, anh cứ căng chỉ mực Tàu “hay và mới” để duyệt. Qua “cửa ải” Đỗ Tiến Thụy thì khả năng lên bài là trên chín mươi phần trăm. Có lẽ vì cái sự “khó tính” này nên anh đã lãnh không ít mối “thâm thù” mang tên: “bản thảo”. Nhưng con người Thụy là thế, luôn khắt khe, sòng phẳng với chữ nghĩa, văn chương.

Trước khi trở thành người gác “gôn” văn xuôi ở Nhà số 4, Đỗ Tiến Thụy đã trải qua nhiều công việc trong quân đội. Mới đó mà anh đã về dưới mái hiên hoa đại hai mươi năm. Mùa xuân này, Đỗ văn nhân đã vào nhóm U60 với gần bốn mươi năm khoác áo lính. Đắng ngọt, gió bụi cuộc đời anh nếm đủ. Những lần trò chuyện với Thụy, tôi tin rằng từ lâu anh đã ngộ ra những chân giá trị của đời người, của văn chương. Và tôi cũng thêm tin, dường như mỗi con người hiện diện giữa nhân gian này đều mang một số phận riêng, một con đường định sẵn, cứ đi, cứ đi, rồi sẽ đến thôi.

Nguồn VNQĐ

Bài thơ "Phan Thiết có anh tôi" của Hữu Thỉnh

Bài thơ "Phan Thiết có anh tôi" của Hữu Thỉnh

Baovannghe.vn - Phải chăng, có sự kết nối kỳ lạ và cao đẹp giữa tác giả, biển và người anh để rồi trong đời thơ mình, Hữu Thỉnh viết nhiều về biển. Ngoài một số bài lẻ về biển đảo, ông có Trường ca biển...
Triển lãm ảnh “Đất nước, con người ASEAN”

Triển lãm ảnh “Đất nước, con người ASEAN”

Baovannghe.vn - Triển lãm ảnh “Đất nước, con người ASEAN” năm 2025 sẽ được tổ chức tại Lễ hội Làng Sen, tỉnh Nghệ An nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tôi là bánh khúc đây. Truyện ngắn của Hoàng Minh Tường

Tôi là bánh khúc đây. Truyện ngắn của Hoàng Minh Tường

Baovannghe.vn - Anh nằm thiếp đi trên chiếc đi văng kê cạnh giường nàng. Đã ba đêm nay anh mới thiếp đi như thế. Sức khoẻ con người cũng có hạn. Không thể lúc nào cũng gồng lên, dù vận hết ý chí.
Thủ tướng Chính phủ: Việt Nam cam kết dành đến 20% tổng chi ngân sách cho GD&ĐT

Thủ tướng Chính phủ: Việt Nam cam kết dành đến 20% tổng chi ngân sách cho GD&ĐT

Baovannghe.vn - Đây là thông điệp của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi tiếp Đoàn đại biểu 21 trường đại học danh tiếng hàng đầu của Hoa Kỳ tham dự chương trình trao đổi học thuật quốc tế (IAPP) 2025 tại Việt Nam ngày 31/3.
Đọc truyện: Người đẹp trong đêm - Truyện ngắn của Ngô Văn Phú

Đọc truyện: Người đẹp trong đêm - Truyện ngắn của Ngô Văn Phú

Baovannghe.vn - Giọng đọc: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương