Văn hóa nghệ thuật

Bản tin Văn nghệ ngày 24/1/2025

Việt Thắng (tổng hợp)
Mỹ thuật
14:05 | 24/01/2025
Baovannghe.vn - Lễ khai ấn Đền Trần không chỉ mang đậm giá trị văn hoá truyền thống, yếu tố tâm linh mà còn thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta.
aa

Nhiều điểm mới trong Lễ hội Khai ấn Đền Trần 2025

Như thông lệ, những cánh ấn may mắn đầu năm sẽ được BTC Lễ hội Khai ấn đền Trần năm 2025 phát đến người dân và du khách từ sáng sớm ngày Rằm tháng Giêng, tại 3 địa điểm: Nhà Giải vũ, Nhà Trưng bày và Đền Trùng Hoa. Tuy nhiên, Lễ hội năm nay có nhiều điểm mới, công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn và văn minh trong lễ hội được chú trọng.

Lễ khai ấn Đền Trần năm 2024. Ảnh: BTC
Lễ khai ấn Đền Trần năm 2024. Ảnh: BTC

Ông Nguyễn Đức Bình, Trưởng BQL Di tích Đền Trần, Chùa Tháp cho biết, theo kế hoạch, thời gian quản lý lễ hội từ ngày 29/1 đến ngày 27/2 (mùng 1 đến ngày 30 tháng Giêng); thời gian tổ chức lễ hội từ ngày 8 đến ngày 13/2 (ngày 11- 16 tháng Giêng năm Ất Tỵ).

Nhiều nội dung, chương trình được tổ chức tại lễ hội, bao gồm phần nghi lễ trang trọng và phần hội sôi động, đậm bản sắc văn hóa truyền thống. Theo đó, ngày 11 tháng Giêng (8/2/2025) tổ chức Lễ rước Kiệu Ngọc Lộ; ngày 12 tháng Giêng (9/2/2025) tổ chức Lễ rước Nước, tế Cá.

Ngày 14 tháng Giêng, trước giờ Khai ấn, BTC triển khai công tác chuẩn bị nghi lễ dâng hương, rước Kiệu ấn và Khai ấn. Từ 23h15 thực hiện nghi lễ Khai ấn. Trong thời gian thực hiện nghi lễ Khai ấn, để đảm bảo sự tôn nghiêm của nghi lễ truyền thống, BTC sẽ đóng cửa đền Thiên Trường.

Từ 5h ngày 15 tháng Giêng, BTC sẽ phát ấn cho người dân và du khách tại 3 điểm Nhà Giải vũ, Nhà Trưng bày và Đền Trùng Hoa.

Trong các ngày diễn ra lễ hội, tại các địa điểm trong khuôn viên khu di tích đền Trần và Quảng trường Đông A, sẽ có nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, trò chơi dân gian, trưng bày, triển lãm được tổ chức như trưng bày sinh vật cảnh; múa Lân sư - Rồng; thi đấu cờ người; trò chơi chọi gà, triển lãm ảnh, trưng bày ảnh đẹp du lịch Nam Định.

Dự kiến, BTC sẽ tổ chức 5 đêm biểu diễn nghệ thuật truyền thống tiêu biểu vào các ngày từ 9- 13 tháng Giêng âm lịch tại quảng trường Đông A khu di tích đền Trần.

Năm nay, để đảm bảo an toàn cho lễ hội, lực lượng Công an thành phố Nam Định đã lên kế hoạch chia thành 5 vòng bảo vệ, phân luồng phương tiện giao thông về đền Trần ngay từ vòng xa. Mùa lễ hội 2025 cũng là lần đầu tiên BTC dự kiến sẽ livestream lễ khai mạc, truyền qua màn hình để người dân không vào được khu vực làm lễ có thể theo dõi ở vòng ngoài.

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tiếp nhận tranh cổ quý hiếm

Mới đây, tại Hà Nội, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trang trọng tổ chức tiếp nhận 2 tác phẩm mỹ thuật dân gian cổ gồm: bức Thiên thượng đồCung nghênh Phật giá. Đây là những bức tranh thờ quý, hiếm của dân tộc Sán Dìu, do nhà sưu tập Phạm Đức Sĩ trao tặng.

Nhà sưu tập Phạm Đức Sĩ cho biết, Thiên thượng đồ là bức tranh thờ cuộn trục khổ dọc, có độ dài lên tới 13m, bề rộng 26cm, vẽ màu tự nhiên trên giấy dó, có niên đại khoảng đầu thế kỷ 20. “Đây là một trong số rất ít tác phẩm có độ dài hiếm có, cả trong bộ sưu tập mà tôi dày công có được cũng như trong thực tiễn”.

Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh trao Giấy chứng nhận tới nhà sưu tập Phạm Đức Sĩ. Ảnh Bảo tàng Mỹ thuật VN
Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh trao Giấy chứng nhận tới nhà sưu tập Phạm Đức Sĩ. Ảnh Bảo tàng Mỹ thuật VN

Đại diện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng cho biết, đây là loại tranh cầu dài hiếm gặp, trên đó thể hiện các tầng không gian từ địa ngục đến thiên giới. Bức tranh thờ có bố cục chặt chẽ, nét vẽ thanh thoát, màu sắc tươi nhuận, là bức tranh có giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật cao.

Bức Cung nghênh Phật giá cũng là tranh thờ cuộn trục khổ dọc (tranh cầu ngắn), hình vẽ đẹp, màu sắc tươi, giấy nhuốm màu thời gian… bức tranh diễn tả tích người dân đón chào các đức Phật (Cung nghênh Phật giá).

Phát biểu tại lễ trao tặng, nhà sưu tập Phạm Đức Sĩ cho biết, ông yêu thích và sưu tập tranh thờ của đồng bào các dân tộc từ những năm 2000 trở lại đây. Đến nay, ông đã có bộ sưu tập tranh thờ phong phú.

Ông Sĩ bày tỏ mong muốn hai tác phẩm được ông trao tặng sẽ có được không gian trưng bày, được bảo quản và có nhiều cơ hội được nhiều du khách tới Bảo tàng tiếp cận, chiêm ngưỡng, khám phá và nghiên cứu.

Với đặc thù của dòng tranh dân gian, những bức tranh này có thể coi như một “bách khoa toàn thư” về thế giới tâm linh của đồng bào dân tộc Sán Dìu. Thông qua các bức tranh thờ này, chúng ta có thể có thêm những hiểu biết sâu sắc hơn hơn về đời sống văn hoá, tâm linh của đồng bào dân tộc…

Thời gian qua Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng đã tiếp nhận nhiều tác phẩm mỹ thuật giá trị được trao tặng, gần đây có các tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Quân, tranh sưu tầm của nhà sưu tập Phạm Đức Sĩ.

Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Nguyễn Anh Minh bày tỏ mong muốn và kêu gọi các họa sĩ, nhà nghiên cứu, nhà sưu tầm, doanh nghiệp… tiếp tục ủng hộ, đóng góp cho công tác sưu tầm, hiến tặng bảo tàng những tác phẩm có giá trị. Từ đó, Bảo tàng có thêm nhiều hơn nữa tác phẩm mỹ thuật để giới thiệu, quảng bá đến công chúng, tạo cơ hội tiếp cận, thưởng lãm các tác phẩm mỹ thuật cho các thế hệ sau này.

Hội báo Xuân Ất Tỵ Lạng Sơn năm 2025

Sáng 23/1, Hội Nhà báo tỉnh Lạng Sơn đã khai mạc Hội báo Xuân Ất Tỵ năm 2025 và Trưng bày triển lãm thành tựu 100 năm Báo chí cách mạng Việt Nam.

Hội Báo Xuân năm nay có 8 đơn vị tham gia trưng bày, gồm: Hội Nhà báo tỉnh, Báo Lạng Sơn, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Thư viện tỉnh và các cơ quan báo chí Trung ương thường trú tại tỉnh: Báo Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Tiền Phong.

Đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành của tỉnh Lạng Sơn tham gia cắt băng khai mạc Hội báo Xuân xứ Lạng năm 2025. Ảnh Nhandan điện tử
Đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành của tỉnh Lạng Sơn tham gia cắt băng khai mạc Hội báo Xuân xứ Lạng năm 2025. Ảnh: Nhandan điện tử

Hội báo Xuân quy tụ gần 500 ấn phẩm ở đầy đủ các loại hình báo chí, gồm: báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử; sách, ảnh nghệ thuật, mỹ thuật, ảnh thời sự; giới thiệu toàn cảnh báo chí Lạng Sơn và báo chí cả nước trong dịp đầu xuân năm mới; những kết quả, thành tựu phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước và tỉnh đạt được trong năm 2024.

Cùng với đó, Hội báo còn trưng bày thành tựu 100 năm Báo chí cách mạng Việt Nam, với nhiều tư liệu về lịch sử, quá trình phát triển báo chí cách mạng từ khi ra đời đến nay, các trang thiết bị làm báo, chuyển đổi số báo chí…

Phát biểu tại lễ khai mạc, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn ghi nhận, biểu dương và cảm ơn những nỗ lực, đóng góp của các cơ quan báo chí luôn đồng hành, cổ vũ, giúp đỡ tỉnh Lạng Sơn trong phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng quốc phòng an ninh, hệ thống chính trị vững mạnh.

Nhà văn Mick Herron giành giải thưởng thành tựu trọn đời Diamond Dagger

Nhà văn Mick Herron giành giải thưởng thành tựu trọn đời Diamond Dagger

Baovannghe.vn- Đây là giải thưởng của Hiệp hội nhà văn chuyên viết về tội phạm (CWA) để tôn vinh nhà văn vì những đóng góp với thể loại này.
Triển lãm ảnh “95 năm - Tự hào Đảng ta”

Triển lãm ảnh “95 năm - Tự hào Đảng ta”

Baovannghe.vn - Sáng 24/1/2025, Ban tổ chức kỷ niệm các ngày Lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh đã khai mạc Triển lãm ảnh chủ đề “95 năm - Tự hào Đảng ta.”
Sắp công bố cơ cấu tổ chức các bộ, ngành của Chính phủ

Sắp công bố cơ cấu tổ chức các bộ, ngành của Chính phủ

Baovannghe.vn - Ban Chỉ đạo về tổng kết thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW của Chính phủ sẽ công bố các Nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các bộ, ngành
Thổ Tang vươn mình cùng dân tộc

Thổ Tang vươn mình cùng dân tộc

Baovannghe.vn - Thị trấn Thổ Tang từ lâu được biết đến là một địa phương có hoạt động thương mại, dịch vụ năng động, có truyền thống văn hóa đặc sắc, lâu đời.
Lý Thường Kiệt ở Trường Sa - Thơ Chung Tiến Lực

Lý Thường Kiệt ở Trường Sa - Thơ Chung Tiến Lực

Baovannghe.vn- Chộn rộn ngực khi gặp/ Thơ Thần ở Trường sa