Sáng tác

Bất chợt về thơ. Tạp bút của Nguyễn Trọng Tạo

Nguyễn Trọng Tạo
Tản văn
20:31 | 12/12/2024
Baovannghe.vn - Có kẻ uống vài chén rượu là u mê lẫn lộn đến buồn cười. Rượu với một số người lại là chất xúc tác giúp họ bật sáng hết công suất và trở thành lung linh huyền ảo lạ thường. Tôi yêu sự phát sáng của rượu, vì nó là bạn của sáng tạo thơ ca. "Bầu rượu - túi thơ" chẳng là một đôi bạn tri kỷ từ xưa đó sao?
aa

Tôi kính nể các nhà cổ điển. Nhưng những nhà thơ lớp sau không nên hướng tới họ, mà nên hướng tới chính mình. Có như vậy, mới có thể hy vọng mình sẽ trở thành "nhà cổ điển" trong tương lai.

Những nhà thơ lớn bao giờ cũng tạo được một từ trường cực mạnh, họ hút các nhà thơ bé như nam châm hút sắt. Anh muốn trở thành nhà thơ lớn ư? Trước hết, anh hãy tìm cách thoát khỏi từ trường của kẻ khác.

Thơ, chính là những ấn tượng còn lại mãi mãi trong đời tác giả, nó đã làm anh rung động bởi yêu thương, đau khổ, đắng cay, căm ghét đến nỗi, nếu không viết ra được thì anh sẽ phát điên. Vì vậy làm thơ cũng chính là một hành động giải thoát.

Tôi không có thói quen gặp cái gì mới lạ là làm thơ ngay được. Chỉ khi tôi đã quên đi nhiều cái khác, còn riêng nó thì không thể nào quên đi được, thế là bài thơ về nó mới được viết ra. Vì thế mà với tôi, thơ là những ám ảnh của tâm hồn. Nhưng thơ cũng là giấc chiêm bao thấm đầy nước mắt, nó đưa người ta đến một thế giới kỳ lạ chưa từng thấy mà người ta vẫn có thể tin là nó đã từng xảy ra với chính mình. Nếu Bồ Tùng Linh, tác giả của Liêu Trai Chí Dị mà làm thơ, thì thơ của ông hẳn vô cùng kỳ lạ. Hàn Mặc Tử là nhà thơ tuyệt kỳ độc đáo, chính vì ông đã sáng tạo ra những giấc mơ huyền diệu thấm đầy nước mắt.

Bất chợt về thơ - tạp bút của Nguyễn Trọng Tạo
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Chiêm bao là những ấn tượng trong đời đã được thăng hoa. Thơ cũng vậy. Đấy là lô-gic của phi lô-gic, là phản chiếu đa chiều của hình học phẳng, là phúc điệu của giai điệu, là cấu trúc của cấu trúc...

Người xưa đặc biệt quan tâm đến “ý tại ngôn ngoại" của thơ, chính vì họ rất coi trọng tính đa tầng đa nghĩa của ngôn từ. Nếu nói A là A, B là B thì người ta chẳng phải cần đến nhà thơ làm gì. Thơ cũng là sự thăng hoa của ngôn từ.

Nghiên cứu về sự phát triển thơ ca mà không nghiên cứu đến sự phát triển ngôn từ, thì có nghĩa là anh đã nắm chắc thất bại trong tay.

Tôi xin vái cụ Nguyễn Du ba vái để nói rằng, ngôn ngữ thơ Hàn Mặc Tử đã làm bàng hoàng tư duy thơ ca của tôi. "Người đi một nửa hồn tôi mất - Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ". Không phải vì Hàn Mặc Tử sống gần với chúng tôi hơn, mà chính vì Tử đã xây nên một thành trì ngôn ngữ mới mà thế hệ sau anh không dễ gì phá vỡ.

Tôi thích Hàn Mặc Tử, Lorca và Êxênin vì ngôn ngữ thơ của họ vô cùng trong suốt và sáng láng, và tiếc thay, họ lại đều chết trẻ. Có thể đấy chỉ là sở thích riêng, bởi tôi quan niệm các con chữ của thơ phải là các lăng kính trong suốt, qua đó người ta nhìn thấy tận đáy thế giới nội tâm phong phú và khát vọng vô cùng của con người. "Những câu thơ những con sóng thủy tinh", vâng, tôi quan niệm như vậy, và một trong những tập thơ của tôi đã mang tựa đề là Sóng thủy tinh.

Người Việt Nam, ai mà chả làm được vài câu lục bát. Điệu thơ lục bát có sẵn từ bao đời. Nhưng làm thơ lục bát đâu có giống đặt lời mới cho một điệu chèo đã có sẵn. Tác giả sân khấu chèo Tào Mạt tuyệt vời ở chỗ ông đã sáng tạo ra nhiều làn điệu mới cho những trạng huống nội tâm mới lạ, mà vẫn là chèo. Đấy là ông đã làm mới chèo. Làm mới thơ lục bát cũng do nhu cầu nội tâm mới lạ mà thành, chứ đâu phải cứ cố tình vặn vẹo chữ nghĩa, hay bẻ vụn câu thơ ra cho nó có vẻ cách tân. Nếu có thể gọi là kinh nghiệm, thì kinh nghiệm của tôi về lục bát là: cứ để cho rung cảm và ý tưởng tự do trong khuôn khổ lục bát, tức là để cho sự ngắt nhịp trong câu (kể cả bậc thang) tuân theo nhịp điệu nội tại của rung cảm mà thôi. Có lẽ vì thế mà một tiến sĩ ngôn ngữ học trong cuốn Ngôn ngữ thơ khi nghiên cứu về thơ lục bát đã khá ưu ái với thơ lục bát của tôi. Ông viết: "Sau đỉnh Truyện Kiều, lục bát chiếm được thêm lớp bình dân thành thị vừa xuất hiện trong xã hội Việt Nam với những "lỡ bước sang ngang”, để rồi ngày nay, khi cần hiện đại thì Nguyễn Trọng Tạo cũng bậc thang được như ai" (tr.187) ; và “Nếu công đầu của Phạm Tiến Duật là đã đứng mũi chịu sào để hình thành thế kết hợp cho thơ ca thì Nguyễn Trọng Tạo đã thuyết phục được lục bát chịu nghe điều đó" (tr.236). Nhưng sự thực thì khi làm thơ lục bát, tôi lại chẳng hề để ý đến những điều mà nhà nghiên cứu vừa chỉ ra. Chao ôi, nếu cứ luôn nghĩ đến cái chân nào phải đặt lên trước thì con cuốn chiếu làm sao mà bò đi được!

Với thơ, tôi chấp nhận mọi trường phái, phong cách... nhưng tôi thích những gì làm cho tôi bàng hoàng và bừng thức.

Rồi thơ sẽ đi tới đâu? Chẳng lẽ lại đi tới số lượng? Mười năm trước, mỗi năm chỉ dăm bảy tập thơ được in ra. Còn giờ đây, mỗi năm ra lò hàng trăm tập. Tôi ở phe lạc quan tôi cứ tin trong cát có vàng. Nhiều cát thì nhiều vàng là cái chắc. Thật đáng mừng cho thơ ta. Đấy là một lời nói nghiêm túc, vì theo tôi, theo dõi tiến trình thơ ca ở ta, dễ nhận thấy sau THƠ MỚI, thơ ta đang tìm cách vượt qua khuôn khổ của một lời tự thú với một thi pháp mà cấu trúc kết hợp gia tăng tới độ đậm đặc chưa từng thấy trong thơ cổ điển lẫn Thơ Mới. Trong dòng thơ phát triển này có thể kể đến Văn Cao, một số nhà thơ xuất hiện từ trước 1975 và sáng tạo sung sức vào những năm trước và sau 1980, và đặc biệt gần đây là sự báo hiệu ở một loạt những người rất trẻ - trên dưới 20 tuổi - đầy kỳ vọng.

Bàn về tiến trình của thơ, tôi bỗng nhớ đến sao chổi Halley cứ 76 năm lại ghé thăm trái đất một lần. Và tôi hy vọng sau cuộc đăng quang của Thơ Mới (1932-1945), đầu thế kỷ XXI tới, thơ ta chắc lại thêm một lần đăng quang rực rỡ. Nếu còn sống, lúc đó tôi sẽ kêu gọi tất cả các Mạnh Thường Quân của một đất nước đã giàu có hãy mua thật nhiều rượu hảo hạng để uống mùng cho Nàng Thơ bất diệt. Tôi cũng sẽ đề nghị dựng tượng người phát minh ra rượu bên cạnh tượng Nàng Thơ và người phát minh ra nguyên tử. Còn đối với những nhà thơ nào mới ngửi thấy mùi rượu mà đã nhăn mặt khỉ, thì tôi sẽ tặng riêng cho họ một danh hiệu nhớ đời: "Những nhà thơ đáng ngờ”.

văn nghệ trẻ, số 4+5/1997
Văn chương về đề tài tam nông – suy ngẫm từ văn hóa

Văn chương về đề tài tam nông – suy ngẫm từ văn hóa

Baovannghe.vn - Vì sao có những mùa bội thu đề tài “tam nông” trong quá khứ? Câu trả lời không khó. Vì thời ấy, nhà văn theo phương châm “sống đã rồi mới viết”.
Tìm em ở hội làng - Thơ Nguyễn Đình Minh

Tìm em ở hội làng - Thơ Nguyễn Đình Minh

Baovannghe.vn- Rủ em về với hội làng/ Mắt em hẹn làm lòng anh bối rối
Nhớ Tuy Hòa - Thơ Trần Lê Anh Tuấn

Nhớ Tuy Hòa - Thơ Trần Lê Anh Tuấn

Baovannghe.vn- Phố thành thật rét/ một chiều đông
Đón Tết nơi xứ người

Đón Tết nơi xứ người

Theo nhà báo Pierre Daum, trong Thế chiến thứ Nhất (1914-1918), đã có khoảng 50.000 người Đông Dương được đưa sang Pháp để làm việc trong các xưởng đóng tàu và xưởng vũ khí. Họ được đặt dưới quyền quản lý của một đơn vị trực thuộc Bộ Thuộc địa; một nửa được sung làm thợ trong các nhà máy hoặc thợ đào đắp đất, 5.000 người làm tài xế xe tải, 8.000 y tá và 12.000 công nhân quốc phòng . Cho đến nay, thông tin về cuộc sống của những người Việt sang Pháp trong hai cuộc Thế chiến vẫn còn nhiều góc khuất. Bài báo của René Dubreuil trên báo Paris Soir cho chúng ta biết thêm về một cái Tết cổ truyền trên đất Pháp của một bộ phận lính khố đỏ Việt Nam tham gia Thế chiến thứ Nhất.
Liên hiệp các Hội VHNT: Nỗ lực cao nhất để Văn học, nghệ thuật phát triển toàn diện

Liên hiệp các Hội VHNT: Nỗ lực cao nhất để Văn học, nghệ thuật phát triển toàn diện

Baovannghe.vn - Hoạt động Văn học, nghệ thuật năm 2024 có sự bứt phá ngoạn mục các Hội VHNT tỉnh, thành phố nỗ lực phấn đấu và đạt được kết quả khá toàn diện.