Đối với người làm văn chương, khoa học hay kinh tế, có được thông tin thật, thì lo ngại cũng nhiều mà lợi cũng không ít. Tôi đã chứng kiến một Tổng công ty của ta buôn bán với nước ngoài, chỉ trong thời gian năm phút nói chuyện qua điện thoại về sự đột biến giá cả ở thị trường bạn, ông Tổng giám đốc liền quyết định hủy bỏ hẳn đề án kinh doanh cũ, thay vào đó là một đề án mới táo bạo. Và ngay sau đó, phi vụ này mang lại lợi nhuận gần 50 triệu đồng cho công ty. Tác dụng của loại chuyện thật, tích cực, kịp thời quả là kỳ diệu.
Còn chuyện giả. Trong mọi trường hợp đều mang lại phức tạp lo âu, tiêu cực. Tôi lại cũng may mắn được chứng kiến ở tỉnh T., có một cán bộ hoạt động trong lĩnh vực văn hóa. Anh có vóc dáng khá điển hình cho lớp thanh niên thời mới: to, cao, đẹp trai. Chỉ có điều tính cách của anh hơi bất thường. Phàm một ngày có 8 giờ "Vàng ngọc" thì 5 giờ anh ngồi ở các quán bia, quán trà hè phố. Ngày nào anh cũng nhận được dăm mươi thông tin để rồi ngày sau "có chuyện: nói cho "xôm trò". Thời gian đầu thì vậy, thời gian sau "bạn nhậu" của anh khích: "Anh sẵn tin, lại giỏi hùng biện, thời mở cửa bây giờ cứ viết đăng báo, vừa có tiền nhuận bút vừa có danh" Thế là anh viết. Ban đầu chỉ những mẩu chuyện vui, vô thưởng vô phạt. Một số báo dùng đăng ở mục câu lạc bộ. Sau thấy "tay nghề" kha khá, anh tuyên bố với bạn nhậu sẽ chọc vào những vấn đề "kinh thiên động địa" để tiếng nổi như cồn. Thế là anh lao vào cuộc, tư liệu của anh toàn là nghe kể lại, hoặc phỏng đoán rồi suy luận tùy hứng, cốt diễn giải cho khéo, lọt tai... Bài đầu tiên anh viết là "Vàng thật vàng giả" phê phán tuốt tuồn tuột từ cấp xã đến cấp tỉnh là "dỏm" là "vàng giả", chẳng làm được tích sự gì, để cho tỉnh kém phát triển, dân thì khổ, đói.
Ảnh pixabay |
Bài thứ hai, anh chê thị xã bẩn, môi trường kém. Trung ương đầu tư cho hàng tỷ, tỷ mà chỉ dùng vào việc không đâu. Hai bài này các báo in ở mục thư bạn đọc và lược đi gần hết những chi tiết vô lối mà không cần kiểm tra cũng biết phi lý. Giận quá, vì chưa bài nào anh viết được đăng cho "ra tấm ra miếng". Thế là anh viết bài thứ ba dưới dạng hư cấu văn nghệ, phê phán một ngân hàng trung ương ép vay để lấy lãi. Vì đụng chạm đến quyền lợi và nghĩa vụ, nên ngân hàng này kiện anh. Rồi tất cả các đơn vị làm kinh tế ở tỉnh có vay vốn kiện anh. Vì sự việc trái ngược rành rành. Các đơn vị làm kinh tế bao giờ cũng có nhu cầu vay vốn với lãi suất được Chính phủ qui định cho cả nước chứ không chờ ngân hàng phải "ép"...
Từ sự việc này, các cơ quan chức năng buộc phải kiểm tra các thông tin do anh đưa ra. Sự thật trái ngược hẳn. Tỉnh T. là tỉnh có diện tích nhỏ nhưng đạt mức tăng trưởng kinh tế hàng năm vào loại cao nhất, giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp đứng thứ 14 cả nước và thứ 4 ở miền Bắc. Các đề án sản xuất được tiến hành khá hoàn thiện, hiệu quả. Còn thị xã của tỉnh thì chưa bao giờ được đầu tư tiền cho việc "dọn rác". Tuy nhiên cho đến nay, so với mặt bằng chung thị xã tỉnh T. được coi là một thị xã đẹp, an toàn và sinh hoạt có văn hóa. Còn về việc vay vốn của ngân hàng thì khỏi bàn cũng đã thấy chuyện đưa ra là “ngược đời". Thế nhưng, tai hại hơn là vì có dư luận nên ngân hàng phải dừng cho vay để điều tra. Thời gian ngưng cho vay vốn của ngân hàng tuy ngắn nhưng nó làm cho các doanh nghiệp sản xuất của tỉnh T. không tiếp tục phát triển được, thu nhập của cán bộ, công nhân viên chức bị giảm, ngân sách thiếu hụt, hàng ngàn người lao động không có việc làm... cho tới khi điều tra xong vụ tin này, ngân hàng cho vay trở lại, thì sự thiệt hại mà tỉnh T. phải gánh chịu đã phải tính tới bạc tỷ, thế mới hãi!
Qua câu chuyện trên, chuyện giả quả tai hại khôn lường. Người xưa dạy: Nói hay, nói đúng “nói có sách, mách có chứng", ấy là nhân cách của bậc hiền nhân quân tử. Nói sai bạ đâu nói đấy, "ngồi lê đôi mách" là kẻ tiểu nhân, chỉ gây rắc rối làm hại cho người. Âu cũng là sự cảnh báo ở đời vậy.