Thuở thơ ấu, tôi là đứa mê phim như bao đứa trẻ nông thôn khác. Phim có một lực hấp dẫn gần như tuyệt đối. Cả ngày lùa trâu ra đồng chỉ mong trời tối, lội bộ hàng chục cây số đến bãi xem phim. Không có tiền mua vé thì chui rào, có khi cởi áo quần lặn qua ao, trườn vào bãi như những chiến sỹ đặc công. Vào lính cũng vậy, băng rừng đi xem phim là chuyện bình thường. Phim là một thế giới huyền ảo xa vời mà rất gần gũi với người xem. Thế hệ chúng tôi vào lính theo tiếng gọi của Trường Sơn, và có cả tiếng gọi từ những hình ảnh thiêng liêng của phim nữa. Trên đường hành quân, mỗi khi gặp được các diễn viên điện ảnh, cả đơn vị đều coi đó là một diễm phúc. Chia tay rồi chúng tôi còn kháo chuyện mãi, các anh các chị đã đi theo người lính trong tâm tưởng giữa rừng già nhiệt đới, giữa đạn bom, giữa muôn vàn gian khó của chiến tranh. Thời ấy, muốn thi đậu vào trường Điện ảnh khó lắm. Nhất là khoa diễn viên, cứ nhìn danh sách diễn viên khóa I và khóa II thì đủ biết. Bây giờ ngành văn học có trường viết văn Nguyễn Du, nghe nói khóa I và khoá II cũng thế còn các khóa sau thì... như thế.
Cảnh trong phim "Bao giờ cho đến tháng 10" và "Ván bài lật ngửa". Ảnh báo Tuổi trẻ |
Đôi khi tôi để ý thấy con mình khảo chuyện phim với bạn bè khác hẳn với thuở thiếu thời của mình. Chúng tôi xem phim chỉ nhớ tên nhân vật như: Chị Tư Hậu, Trung úy Phương, Lão Trần Sùng mà ít nhớ tên diễn viên. Khi gặp diễn viên cánh lính trẻ cũng gọi họ theo tên nhân vật mình yêu thích. Các con tôi cũng có thần tượng phim của chúng nhưng chỉ tiếc chúng nhớ tên diễn viên mà không nhớ tên nhân vật. Chúng kháo nhau: phim này L.H. lấy D.H. nhưng lại yêu V.T. phim kia D.H cặp bồ với L.C.T.A. nhưng lại lấy L.H... Chao ôi, đã đến thời phim Việt Nam chỉ có diễn viên nổi tiếng mà không có nhân vật cũng tương tự văn học in ra nhiều sách lắm vì có nhiều tác giả nhưng thật hiếm hoi những nhân vật những câu thơ đọng lại trong lòng độc giả.
Có người nói phim truyện Việt Nam ta làm nhiều phim giống nhau quá. Giống từ diễn viên, lồng tiếng cho lời nói nhân vật tới cả cốt truyện, cứ hao hao nhau. Mới xem đã có cảm giác hình như phim này mình xem rồi, đoán trước và đoán đúng được cái kết thúc của phim. Khổ vậy, có gì vô duyên hơn khi mình định kể chuyện thì người nghe lại nói: "Biết rồi...”.
“Hô-li-út kinh đô điện ảnh Mỹ cho ra đời hàng trăm phim mỗi năm 80% kịch bản đều được chuyển thể từ tác phẩm văn học. Mở đầu phim người ta thường khoe cái dòng chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn nào rồi mới khoe tên các tài tử nổi tiếng. Ở ta các đạo diễn ít chơi với nhà văn mà thường quan tâm đến các hoa hậu, các hoa khôi. Cái phần linh hồn của phim là cốt truyện thì các đạo diễn có người tự làm lấy... Ở phía Nam mới có một trại sáng tác kịch bản điện ảnh mời các nhà văn tham gia. Duy có điều đáng nói là vấn đề nhuận bút cho kịch bản văn học, hình như nó cũng không hơn nhuận bút sách văn học.
-----------
Bài viết cùng chuyên mục: