Sự kiện & Bình luận

Bên dòng Châu Giang

Trình Quang Phú
Bút ký phóng sự
17:35 | 30/08/2024
Baovannghe.vn- Bác đến thành phố Quảng Châu lúc phong trào cách mạng đang lên cao. Lễ kỷ niệm 13 năm thành lập Trung Hoa dân quốc mới diễn ra, nhân dân tuần hành reo vui
aa

Đến Quảng Châu

Tại cơ quan đại diện của Quốc tế Cộng sản ở Vladivostok, Bác gặp lại Trương Thái Lôi, người Đảng viên Cộng sản lớp đầu tiên của Trung Quốc, cùng làm việc ở Quốc tế Cộng sản. Tối Chủ Nhật, trước ngày xuống tàu trong không khí kỷ niệm 7 năm ngày Cách mạng tháng 10, thanh niên thành phố tổ chức văn nghệ, Bác và đồng chí Trương Thái Lôi được mời. Hôm đó, một lần nữa Bác được nghe bài hát “Trong thung lũng, trong đồi núi” nói về du kích Hồng quân. Bác tỏ ra thích thú, Người nói với đồng chí Trương: Tôi rất mê bài này, tập mãi mà chưa được. Trương Thái Lôi có mái tóc cắt cao nhưng vẫn nhiều tóc, đeo kính cận nặng, môi dày hiền từ. Anh đã từng du học ở Anh nên nói thạo tiếng Anh và cả tiếng Nga. Trước đây, là cố vấn anh đã đi cùng phái đoàn Chính phủ Trung Hoa dân quốc của Tôn Trung Sơn sang làm việc với Liên Xô và Quốc tế Cộng sản. Bác gặp Trương Thái Lôi từ lần đó và nay anh cũng được cử về làm cố vấn cho phái đoàn Borodin ở Quảng Châu. Hai người tay bắt mặt mừng. Vậy là trên chuyến tàu Viễn dương sắp tới Bác đã có người đồng hành là đồng chí tin cậy. Niềm vui trong Bác được nhân lên, lòng càng rạo rực hơn khi ngày về tổ quốc đến gần.

Bên dòng Châu Giang
Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. Ảnh TL

Một ngày đầu tháng 11([1]), cơ quan đại diện của Quốc tế Cộng sản đưa Bác và Trương Thái Lôi xuống tàu Viễn dương của Liên Xô. Trên giấy thông hành Bác mang tên Lý Thụy, quốc tịch Trung Quốc, quê ở vùng Đông Nam Quảng Châu. Đó là một sáng mùa đông đẹp trời, tuyết ngừng rơi, ở chân trời hửng nhẹ, mây một màu trắng đục, tai tái, biển xanh thẫm, từng đàn hải âu nhào lượn như chào đón… từng cơn gió nhè nhẹ thổi về càng làm cho nhiệt độ vùng cảng này thêm rét. Bác một tay xách vali, một tay đút vào túi áo khoác để lên tàu, Trương Thái Lôi quay qua hỏi Bác:

- Anh có rét không?

- Có. Bác gật đầu, nhưng được về với nơi mình muốn, nên thấy lòng ấm hơn.

- Tôi cũng vậy.

Chuyến tàu Viễn dương lênh đênh trên biển 7 ngày đêm. Bác và Trương Thái Lôi có quãng thời gian để hàn huyên trao đổi nhau. Với Bác đây là dịp rất quí để tìm hiểu về Trung Quốc, Bác đề nghị Trương Thái Lôi:

- Anh vui lòng cho tôi biết vài nét về tình hình Quảng Châu.

- Vâng, biết đến đâu nói đến đó, đồng chí đồng ý nhá!

- Tốt quá. Cảm ơn anh Trương.

- Quảng Châu là thủ phủ của Quảng Đông, ngày nay kinh tế phát triển rất tốt, là trung tâm kinh tế lớn của Trung Quốc ở phía Nam, Thương cảng Quảng Châu rất tấp nập. Về mặt chính trị, Quảng Châu được gọi là Moscow của phương Đông.

Cũng tại vùng đất này đã khởi sự cách mạng năm 1912 của Tôn Trung Sơn. Một bước ngoặt lịch sử, các triều đại vua chúa phong kiến kéo dài mấy ngàn năm trên đất Trung Hoa được chấm dứt bởi cuộc cách mạng này. Từ đó Tôn Trung Sơn lập nên nhà nước Cộng hòa Trung Hoa dân quốc. Với ý thức hệ là Tam dân.

- Là dân tộc, dân quyền và dân sinh. Bác hỏi.

- Đúng, Tôn Tiên Sinh đề xướng Tam dân là “Dân tộc độc lập, dân quyền tự do và dân sinh hạnh phúc”. Tam dân của Tôn Dật Tiên được mọi người hưởng ứng. Ông được tôn vinh là Đại Tổng thống, Đại nguyên soái với tên gọi tôn kính Tôn Dật Tiên.

- Khi còn ở Pháp đọc được Chủ nghĩa Tam dân này, tôi đã mơ ước cho đất nước Việt Nam của tôi được 6 chữ đó. Bởi vì xét cho cùng thì cái cần nhất là tổ quốc được độc lập và người dân được làm chủ, được ấm no hạnh phúc.

- Hơn thế nữa, là sau khi Trung Quốc có Đảng Cộng sản, Tôn Dật Tiên liền có chủ trương hợp tác. Đầu năm nay, Đại hội đại biểu lần đầu tiên của Trung Hoa dân quốc họp tại Quảng Châu đã ra tuyên ngôn xác định ba chủ trương rất quan trọng thuận lợi cho chúng ta, đó là: “liên Nga, liên Cộng, phụ trợ công nông”.

- Tốt quá, chúng ta liên kết được, sẽ có thêm sức mạnh và từ phụ trợ sẽ tìm đến giải phóng cho giai cấp công nhân và nông dân. Điều này quan trọng lắm đồng chí Trương ạ.

- Đúng vậy, việc tôi và anh về Quảng Châu cũng là một phần để đáp ứng đề nghị của Tôn Tiên Sinh cho chương trình liên kết đó.

- Tôi biết, anh sẽ là cố vấn cho sự liên kết giữa Quốc dân Đảng với Đảng Cộng sản Trung Quốc và đó cũng là ý muốn của cụ Tôn Dật Tiên.

- Anh cũng vậy, anh còn một nhiệm vụ nặng nề nữa là thay mặt nông dân Quốc tế giúp Tôn Tiên Sinh xây dựng phong trào cách mạng trong nông dân Trung Quốc.

- Anh Trương cho tôi biết thêm về tình hình Đảng Cộng sản Trung Quốc hiện tại.

- Năm 1921, lúc mới ra đời Đảng chỉ mới có 300 đảng viên, nhưng chỉ mấy năm nay đã có 1.500 đảng viên. Đây là những hạt nhân tích cực đưa phong trào cách mạng cả nước phát triển, đặc biệt trong công nhân và ở các thành phố, cao trào nhất là ở Quảng Châu. Ở đất nước tôi, 98% là nông dân và đang rất nghèo khó. Rất cần phát động phong trào trong nông dân. Nói điều này tôi hy vọng ở sự hỗ trợ của đồng chí Nguyễn, à quên, phải gọi là đồng chí Lý, đồng chí Lý Thụy.

Cả hai cười vui vẻ.

- Anh Lý, anh có biết rõ nghĩa chữ Thụy không?

- Theo nghĩa Hán nôm tôi hiểu có nghĩa là tốt đẹp – Bác nói.

- Dịch hết nghĩa không chỉ là “tốt đẹp” mà là viên ngọc quí được trao cho người mình tin tưởng, quí trọng. Còn Lý là một họ lớn ở Trung Quốc. Trong truyền thuyết xứ tôi có chuyện Lý Ông Trọng là một ông khổng lồ hiên ngang khí phách không sợ bất kỳ kẻ thù nào? Ở Việt Nam anh có họ Lý không?

- Có. Lịch sử có Lý Công Uẩn sau làm vua xưng là Lý Thái Tổ rất có trí tuệ, và văn hóa đã đưa nền văn minh đất nước phát triển. Việt Nam, có nhiều tướng họ Lý được sử sách lưu truyền như: Lý Thường Kiệt, Lý Nam Đế, Lý Bí… Nói đến đây, Bác nhìn anh Trương và cười:

- Toàn là tướng giỏi đánh quân xâm lược từ đất nước anh.

- Ừ, đó là lịch sử, là quân xâm lược của các triều đại phong kiến.

- Ừ, nhân dân hai nước chúng ta là anh em, chỉ có những kẻ đứng đầu các triều đại có tư tưởng đại hán làm chuyện đó.

- Tôi nghĩ rằng, ai đại hán thì người đó dại. Trung Quốc to lớn, đông dân như vậy mà còn muốn mở rộng sao? Tiền của đó để giúp dân nghèo tốt hơn.

- Đúng như vậy, rất cảm ơn đồng chí. Bác bắt chặt tay Trương Thái Lôi.

Sau 7 ngày vượt qua biển Triều Tiên, Nhật Bản, tàu đã đến hải phận Hồng Kông đó là sáng ngày 11 tháng 11 của năm 1924. Trương Thái Lôi cùng Bác lên boong tàu. Trương chỉ tay về phía đất liền bên phải để giới thiệu với Bác bán đảo Hồng Kông. Tàu đang vào cửa sông nơi dòng sông Thâm Quyến hòa với dòng Châu Giang tạo nên Vịnh Thâm Quyến.

- Chúng ta đang vào sông Châu của tỉnh Quảng Đông.

Dòng sông hiền hòa chảy giữa những cánh đồng và những xóm làng nghèo nàn. Hai bờ sông là những chiếc thuyền neo đậu, mỗi thuyền là một hộ dân sống trên sông nước.

Thành phố Quảng Châu hiện ra trước mắt, thuyền lớn, thuyền nhỏ và những chiếc tàu các cỡ chen nhau. Đồng chí Trương giới thiệu với Bác:

- Kia là khu tô giới của Anh và của Pháp. Ở đó có Sa Diện.

- Ồ! Bác reo lên khi nghe nhắc đến Sa Diện và nói:

- Tiếng bom Phạm Hồng Thái nổ ở đó

- Vâng, chính ở đó và dòng sông trước mũi tàu chúng ta là nơi Phạm Hồng Thái tuẫn tiết.

Bác nhìn dòng sông trong xanh và trong đầu hiện lên hình ảnh anh hùng của Phạm Hồng Thái. Bác xúc động chưa nói được gì thì đồng chí Trương đã nói tiếp:

- Ở đây tôi nghe nói có nhiều thanh niên Việt Nam đầy nghĩa khí mà tiêu biểu sáng chói là nghĩa liệt Phạm Hồng Thái.

- Tôi mong được gặp những anh em đó.

*

* *

Bác đến thành phố Quảng Châu lúc phong trào cách mạng đang lên cao. Lễ kỷ niệm 13 năm thành lập Trung Hoa dân quốc mới diễn ra, nhân dân tuần hành reo vui thì bị bọn phản động trong tổ chức “Thương đoàn” cản trở. Hai bên xô xát, “Thương đoàn” lấy cớ, nổ súng làm thương vong rất nhiều người, có đến 20 người chết. Tuy nhiên, quân đội của Tôn Trung Sơn đã kịp thời đập tan âm mưu phản loạn của “Thương đoàn”.

Bên dòng Châu Giang
Một góc Thâm Quyến- Trung Quốc

Cơ quan đại diện của Liên Xô do đồng chí Borodin phụ trách, là một ngôi nhà lầu xây theo kiểu Pháp có vườn trồng hoa xung quanh nằm ở khu Đông Sơn, quay mặt ra Quảng trường Đông Giao người dân quen gọi là phủ đại nguyên soái Liên Xô, cũng có người gọi theo tiếng Quảng Đông là Bàu công quán. Tại đây ngoài đồng chí Borodin ra còn có tướng Bliukoe (thường gọi là Galin) có mái tóc nâu, cắt gọn gàng theo kiểu nhà binh. Ông là vị tướng Hồng Quân từng đảm trách tổng chỉ huy quân sự vùng Viễn Đông Liên Xô. Bác ở và làm việc một phòng ngay ở tầng trệt cùng với anh em văn phòng, Borodin ở trên gác.

Trước khi sang Quảng Châu, đồng chí Borodin cũng là cán bộ của Quốc tế Cộng sản. Anh lớn hơn Bác 7 tuổi, tham gia cách mạng Nga từ thời trứng nước. Anh đã từng sống ở Mỹ, ở Anh. Năm 1918 trở về Nga tham gia thành lập Quốc tế Cộng sản theo yêu cầu của Lenin. Borodin ở tại khách sạn Lux cùng với vợ và hai con. Borodin người to cao, khuôn mặt chữ điền có hàng ria mép làm cho anh có vẻ linh hoạt vui tính hơn. Ngày ở Moscow, ngoài giờ làm việc, Bác thường ghé phòng anh để nói chuyện và vui đùa với hai cháu. Một hôm, nhân có đồng chí Dalin ở Ban Phương Đông vừa ở Quảng Châu về, Borodin rủ Bác cùng uống trà nói chuyện với Dalin. Và chính Borodin và Dalin đã tác động để Quốc tế Cộng sản sớm cử Bác về Quảng Châu.

Do vậy, khi Bác đến đây nhận công tác rất thuận lợi. Chị Phanhia vợ của Borodin rất quen với Bác. Chị là thư ký tin cậy của Borodin. Trong cơ quan, Bác còn có tên gọi theo tiếng Nga là Nilopxky, với danh nghĩa công khai là một trong mười người trợ lý của Borodin, đồng thời là phóng viên thường trú của hãng thông tấn Rosta. Nhiệm vụ của Quốc tế Cộng sản phân công cho Bác chỉ có hai vợ chồng Borodin biết. Mọi người đều nghĩ Bác là phiên dịch, là nhà báo. Bác cũng gặp lại ở đây cô gái Nga Vise nhiacova, thư ký của Borodin vừa tốt nghiệp khoa ngôn ngữ Trường Đại học Phương Đông. Gặp Bác cô reo lên:

- A, anh Nguyễn đã đến! Vui quá.

- Chào Vise nhiacova. Ở đây đừng gọi tôi là Nguyễn, gọi tôi là Lý Thụy.

- Ừ, anh còn có tên Nilopxky nữa.

- Cuộc sống ở đây khác với ở Moscow. Cô có quen được chưa?

- Rồi cũng quen thôi. Nhưng ở đây anh biết em sợ nhất là gì không?

Không đợi Bác trả lời, cô nói luôn: Em sợ nhất là những con hút máu bé tí teo, ở đây có không ít nhá.

- Ồ, con muỗi.

- Đúng rồi, mọi người gọi là con muỗi, nó cắn không đau lắm, nhưng sau đó cứ sưng đỏ lên, sợ quá!

Hôm sau Bác mua về tặng cô một hộp dầu cù là và dặn:

- Khi nào bị muỗi đốt, em bôi lên sẽ không bị sưng đỏ nữa.

- Ôi, anh thật tuyệt vời, cảm ơn anh Nilopxky.

Hôm sau, Bác có buổi làm việc với đồng chí Borodin.

- Chào đồng chí Nguyễn. Ở đây không có ai tôi gọi cho nó thân mật, cái tên Nguyễn của anh quá quen với tôi, nay gọi Lý Thụy vẫn ngượng thế nào ấy. Sau khi hỏi chuyện Moscow, chuyện về các đồng chí thân quen, đồng chí Borodin nói: Bây giờ mình tính chuyện công việc. Chúng ta trao đổi nhau thoải mái. Theo chỉ thị tôi nhận được từ Quốc tế Cộng sản thì đồng chí có ba nhiệm vụ:

- Một là, lo việc xây dựng cách mạng, xây dựng Đảng Cộng sản cho Đông Dương và phong trào ở các nước Đông Nam Á.

- Hai là, xây dựng phong trào cách mạng trong nông dân Quảng Châu nói riêng và ở Trung Quốc nói chung. Đây là nhiệm vụ của Quốc tế Nông dân giao cho đồng chí được Ban Thường vụ Quốc tế Cộng sản nhất trí.

- Ba là, đồng chí giúp tôi. Giúp tôi gọi là vỏ bọc, là danh nghĩa công khai, nhưng thật sự đó là nhiệm vụ nặng nề vì khối lượng công việc ở đây vừa nhiều vừa phức tạp, đồng chí phải giúp tôi thật sự đấy. Với danh nghĩa phóng viên hãng thông tấn Rosta, đồng chí có thể nắm nhiều tình hình và với tư duy mới của đồng chí sẽ có ích lắm cho công việc của chúng ta. Ngừng một chút anh nói tiếp:

- Đồng chí Nguyễn cần hỗ trợ gì cứ cho biết. Tôi sẽ tìm cho đồng chí một thư ký, ngoài ra nữ đồng chí Vise nhiacova sẽ hỗ trợ khi đồng chí cần liên hệ với Moscow.

- Trên đường về, tôi đã suy nghĩ rất kỹ về công việc. Tôi sẽ cố gắng hết sức.

- Tình hình Trung Quốc chưa phải ổn đâu. Việc liên minh giữa Đảng Cộng sản với Quốc dân Đảng theo chủ trương của Tôn Trung Sơn là rất tốt, nhưng bên trong Quốc dân Đảng có nhiều phe phái với tư tưởng cực hữu, số này không chịu Đảng Cộng sản.

Bây giờ, vào lúc này Trung Quốc và Đông Dương, cả xứ An Nam của đồng chí cái cần nhất là đào tạo con người, xây dựng lực lượng nòng cốt. Tôi đã bàn với ông Tôn Dật Tiên và đã mở được trường Hoàng Phố đào tạo cán bộ quân sự. Đồng chí Chu Ân Lai là Chính ủy ở đây. Tôi hy vọng Đông Dương sẽ có người vào học.

- Vâng, tôi cũng nghĩ như đồng chí. Con người là yếu tố quyết định. Từ khi sang Quảng Châu đến nay, đồng chí có nghe được gì về nhóm Việt Nam không?

- Tôi biết có một nhóm Việt Nam rất nhiều huyết. Tôi chưa gặp được họ, nghe nói có lần đại diện của họ đến đây mà tôi đi vắng. Đây là lực lượng quan trọng, đồng chí cần dành thời gian gặp và nắm để liên kết lại, lãnh đạo họ. Vài tháng trước có hai ông già đến gặp tôi muốn lập tổ chức thanh niên yêu nước, nhưng xem ra còn lúng túng lắm.

- Ôi, hai ông già, tên gì vậy đồng chí.

- À, để tôi nhớ, người có râu nói chuyện nhiều, có vẻ trí thức tự giới thiệu là Phan, có lẽ vì bí mật nên ông lấy tên là Tây Hồ. Tây Hồ tên là một thắng cảnh đẹp và nổi tiếng của Hàng Châu, nơi ông ta đang ở. Đúng rồi, ông ấy là Phan Tây Hồ.

- Thế thì đúng rồi. Cụ Phan Bội Châu, một chí sĩ yêu nước, bạn của cụ thân sinh của tôi, anh có biết địa chỉ không?

- Có, ông ta có để lại địa chỉ, ông ấy đang làm cho một tờ báo ở Hàng Châu có xu hướng cách mạng. Ông là người lãnh đạo của nhóm thanh niên Việt Nam này. Anh nên gặp ông cụ sẽ biết rõ về nhóm thanh niên Việt Nam yêu nước. Họ làm nên chuyện đấy. Sự kiện Phạm Hồng Thái rất chấn động, là gương sáng, là động lực cho cả Việt Nam và Trung Quốc.

- Hay quá, vậy xin phép anh, tôi đi Hàng Châu.

- Anh nên đi. Từ đây đến đó khá xa, ở cái xứ Đông Nam của Trung Quốc này nhiều địa danh có chữ Châu lắm, tôi nghe cứ rối cả lên, nào Tô Châu, Hà Châu, Phúc Châu, Triều Châu, Huệ Châu… Ô, là la, nhiều Châu lắm. Anh phải hỏi kỹ đường, Hàng Châu xa lắm, cả nghìn cây số đó anh. Có lẽ tốt nhất anh nên đi đường thủy.

- Vâng, cảm ơn anh

Ở cơ quan đại diện của Quốc tế Cộng sản tại Quảng Châu này Bác gặp lại nhiều Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc trước tham gia Đại hội Tours ở Pháp như Chu Ân Lai, Lý Đại Chiêu, Cù Thu Bạch… Đôi lần Bác gặp Tôn Trung Sơn, người đã lãnh đạo lật đổ chế độ phong kiến vua chúa và lập nên nhà nước Cộng hòa. Với Bác ông là một vĩ nhân, đặc biệt Bác nhập tâm 6 chữ “Tam dân” của Tôn Trung Sơn. Lần đó, Tôn Trung Sơn đến làm việc trong bộ trang phục rất nghiêm chỉnh, áo đại cán 4 túi có hàng khuy lớn cài đến cổ([2]), đầu đội mũ trắng, tay cầm cây can láng bóng như vũ khí bất ly thân. Bác đã bắt tay và mời ông vào phòng khách, sau đó cùng Borodin tiếp ông. Lần nào vợ ông, bà Tống Khánh Linh cũng đi cùng, Bác quen bà Tống Khánh Linh từ những ngày này.

Trong một cuộc làm việc với đồng chí Borodin ông Tôn Trung Sơn nói: Để có một nước Trung Hoa độc lập, trước hết dàn lãnh đạo phải có lập trường kiên định, có ý chí thống nhất. Nội bộ mà phân rả, không một lòng và không được dân ủng hộ thì sẽ rất khó cho đất nước. Đế quốc Nhật Bản chưa từ bỏ ý định xâm chiếm Trung Quốc, khi nào ta suy yếu họ sẽ khởi sự. Kinh nghiệm liên bang Xô Viết là bài học lớn. Chúng tôi tin tưởng vào đường lối, kinh nghiệm của Liên Xô. Cần phải giữ cho đất nước độc lập.

Sau cuộc làm việc, đồng chí Borodin hỏi Bác: Anh thấy Tôn Tiên Sinh có tuyệt vời không?

- Ông Tôn là nhà cách mạng tuyệt đối.

- Bà Tống Khánh Linh là động lực, là linh hồn cách mạng của Tôn Dật Tiên đấy. Có lần bà hỏi ông Tôn: Anh định tính thế nào với bọn người tồi tệ trong Đảng Quốc dân. Ông Tôn nói chắc nịch: Phải loại bỏ chúng, thanh lọc cho Đảng trong sạch.

Bà Tống Khánh Linh đề nghị và được ông Tôn đồng ý chấp nhận thu nạp các đảng viên và thanh niên Cộng sản nếu họ thích tham gia Quốc dân Đảng. Đồng chí Borodin im lặng rồi nhìn vào Bác nói:

- Anh biết không? Lúc chuyện Phạm Hồng Thái nổ ra, thực dân Pháp có văn bản trách cứ Chính phủ Tôn Trung Sơn đã không bảo vệ tốt khi toàn quyền Pháp đến Quảng Châu. Chúng ngang ngược đòi bồi thường danh dự và tài chính.

Tôn Trung Sơn đã chỉ đạo cấp dưới đáp trả rất hay. Ông nói: Chuyện xảy ra trong Tô giới, đó là trách nhiệm của cảnh sát Pháp. Trình độ năng lực kiểm soát và bảo vệ của cảnh sát Pháp quá tệ nên mới để xảy ra như vậy. Sau này, nếu cần thì mướn cảnh sát của Trung Hoa dân quốc, mọi việc sẽ đảm bảo an toàn.

- Đúng là một cách trả lời như tát vào mặt bọn thực dân. Bác tiếp lời.

Tổ Quốc và đồng chí

Con tàu Quảng Châu đưa Bác cập bến ở Vịnh Hàng Châu. Bác phải bắt xe đi vào thành phố. Hàng Châu nằm giữa thắng cảnh Tây Hồ, sau lưng là vịnh biển. Sông Tiền Đường như vòng tay vĩ đại ôm gọn Hàng Châu. Thắng cảnh Tây Hồ đẹp nổi tiếng đã ngày đêm làm cho Hàng Châu thùy mị dịu dàng. Đã 1.000 năm nay Hàng Châu luôn trong tốp đầu thịnh vượng, và nổi tiếng nhất vẫn là lụa tơ tằm. Hàng Châu là nơi sinh sống của nhiều nhà thơ nổi tiếng Trung Quốc như Tô Đông Pha, Lục Du...

Mùa đông, trời Hàng Châu đùng đục, rét như cái chài khổng lồ, từ trên trời ụp xuống bao vây lấy con người, rét ẩm làm cho rét hơn. Rét thấm vào da, vào thịt và rét vào cả ruột gan. Đúng là “Rét từ trong bụng rét ra”. Bác thu mình trong chiếc áo bông dày để chống đỡ với rét và bước vào tòa soạn báo “Binh Sự Hàng Châu”. Cụ Phan Bội Châu đang đọc tin tức, thì người gác dang tòa soạn vào thưa:

- Có người tên là Lý Thụy, xưng là cháu của cụ, xin gặp.

- Lý Thụy à, tên nghe lạ quá!

Một giây suy nghĩ cụ vẫy tay ra dấu:

- Anh mời dùm anh ấy vào.

Cụ lẩm bẩm: chắc là các thanh niên Việt Nam ở Quảng Châu lên, mà sao là Lý Thụy.

Bác bước vào hân hoan chào:

- Thưa Bác!

- À, anh là … cụ Phan nhìn vào Bác, một thoáng bở ngỡ trôi qua, cụ nhận ra và reo lên: Ôi, cháu là Sinh Cung phải không? Quí hóa quá!

Hai bác cháu ôm nhau thân thiết. Cụ Phan đặt Bác ngồi vào ghế:

- Nào, ngồi đây kể cho tôi nghe, cụ Phó bảng nay có khỏe không? Cháu từ xứ nào đến đây.

- Thưa Bác, cháu ra đi cũng đã 13 năm, không được tin tức gì của cha cháu.

- Tôi nhỏ hơn cụ Phó bảng mấy tuổi, cháu phải gọi bằng chú như ngày xưa.

- Dạ.

- Hôm nay chú vui lắm. Ngày chia tay cháu mới vào tiểu học Đông Ba. Vậy mà hôm nay đã như một chính khách thế này.

- Chú cũng khác đi nhiều. Chút nữa là cháu không nhận ra.

- Vì bộ râu của chú chứ gì. Nào, bây giờ nói cho chú nghe về cháu đi.

- Năm chú ra đi cũng là năm đỉnh cao phong trào chống thuế ở Huế và các tỉnh, và năm đó bị bọn thực dân đàn áp dã man, máu loang đỏ cả cầu Tràng Tiền và cả dòng sông Hương. Cháu tham gia làm thông ngôn nên bị mật thám truy xét. Cháu phải bỏ học vào Nam, và năm 21 tuổi cháu làm thủy thủ trên tàu buôn của Pháp. Cháu đến Pháp, rồi đi Mỹ, đi Anh, năm 1917 mới đến Paris.

- Cháu có gặp cụ Hy Mã không?

- Thưa chú, có, cụ Hy Mã Phan Chu Trinh lúc đó ở chung với luật sư Phan Văn Trường. Đến Paris cháu có thời gian sống chung với hai người.

- Ồ, thế cháu có biết ai là Nguyễn Ái Quốc, ký tên dưới bản yêu sách 8 điểm không?

Bác mĩm cười nhìn cụ Phan Bội Châu rồi từ tốn thưa:

- Thưa chú bản yêu sách đó là do cháu tham khảo với cụ Phan rồi chắp bút. Sau đó 3 người góp ý, cuối cùng luật sư Phan Văn Trường dịch ra tiếng Pháp. Để gởi văn bản đi phải ký tên, cụ Phan bảo cháu ký và cháu đặt tên tượng trưng cho lý tưởng chung là Nguyễn Ái Quốc ạ. Từ đó cháu mang tên Nguyễn Ái Quốc.

- Ồ, vậy sao. Cháu là Nguyễn Ái Quốc. Ôi! Sung sướng quá!

Cụ Phan đứng dậy, lao đến ôm chầm lấy Bác, vỗ vỗ vào lưng Bác và thổn thức:

- Nguyễn Ái Quốc, ông Nguyễn Ái Quốc đây rồi!

Xúc động dâng trào trong cả hai người.

- Tôi đêm tơ ngày tưởng mong sao được gặp ông Nguyễn Ái Quốc. Bây giờ ông đang ngồi trước mặt tôi đây, thật là phúc đức, phúc đức.

Lấy lại bình tĩnh, ông nói:

- Nào, bây giờ ông Nguyễn nói đi. Chỉ cho tôi con đường cứu nước.

- Thưa chú, dù cháu có làm được điều gì đi nữa thì cháu vẫn là bậc con cháu. Trong cháu, từ rất lâu và luôn luôn chú là bậc anh hùng, là vị thiên sứ đã xã thân vì độc lập của dân tộc Việt Nam, là tấm gương suốt đời cháu phải học tập.

- Không, cháu Nguyễn ơi, cháu xem đi. Chú rời xa ba cháu và cháu từ những năm đó, quyết chí làm được điều gì đó, nhưng Duy Tân hội không xong, đến Việt Nam Quang phục Hội để tạo dân chủ cũng không được. Năm 1913, ở đất Tàu này chú bị họ bỏ tù đến 4 năm cho rằng làm loạn. Ba năm nay thấy con đường sáng ra, ở phía Bắc có ông Lenin, chú mê ông này lắm. Ở đây thì có ông Tôn Trung Sơn. Với Đảng Quốc dân đã lập nên nhà nước Cộng hòa xóa bỏ vua chúa phong kiến. Chú thấy hay. Cháu thấy sao? Ôi cháu tôi, hậu sinh khả úy. Cháu nói đi.

- Dạ, cháu muốn biết lực lượng của chú bây giờ thế nào?

- Ừ, có một số thanh niên yêu nước ở đây, mới lập ra một tổ chức “Tâm tâm xã” có nghĩa là toàn tâm toàn ý với xã hội, với đồng bào. Nhóm này có cơ sở trong nước. Nhóm ở đây số đông là thanh niên con cháu xứ Nghệ của chúng ta. Họ hăng hái và nhiệt huyết nhưng cũng mới đến đó, chưa tiến xa được.

Vừa qua, ở trong nước để gây thanh thế, có tổ chức ám sát một số tên ác ôn, cũng có tiếng vang và ảnh hưởng tốt trong nhân dân, làm cho bọn ác ôn sợ co vòi lại. Bên này, chắc cháu đã nghe chuyện Phạm Hồng Thái?

- Dạ có.

- Phạm Hồng Thái là người trong nhóm Tâm tâm xã.

- Tiếng bom Phạm Hồng Thái vang xa lắm.

- Bây giờ theo cháu ta phải làm sao?

- Chú ạ, trước hết phải xác định lý tưởng. Cháu sẽ nói với chú rõ hơn về lý tưởng mà ông Lenin đã chọn. Sau đó, muốn làm gì phải có con người.

Cháu nghĩ mà xem, lúc đầu chú cũng nghĩ đến việc kết nối số anh em dư Đảng Cần Vương và các tráng sĩ ở vùng sơn lâm để khởi binh đuổi thực dân Pháp. Và đã lập ra Duy Tân Hội. Chú đã đưa cả mấy trăm thanh niên sang Nhật để du học, lập ra Hội Cống hiến… Nhưng đúng như cụ Phan Châu Trinh khi sang Quảng Châu gặp chú đã chê chú tin cậy Chính phủ (Nhật Bản) nhiều quá. Đem người đem của sang đó, ông ấy gay gắt nói với chú: “Không sớm thì chẩy cái phương pháp nhờ người Nhật đuổi người Tây là ảo tưởng có khác gì Lê Chiêu Thống cầu Triều Thanh đánh Tây Sơn. Giờ xem ra ông ấy nói đúng. Chú lao tâm khổ tứ. Từ Nhật chạy về đây, lập cứ ở cả Xiêm La mà không làm được. Chú nghĩ vì chú không chọn được chủ nghĩa, không có con đường. Nay nghe ông Lenin chú mê lắm. Cháu nói Kỳ cho chú nghe về chủ nghĩa của ông Lenin.

- Dạ.

- Số thanh niên chú tụ tập hồi ở Nhật có đến hai trăm người, chú có cho gọi cháu mà cháu không đi. Đúng là cháu sáng suốt. Giờ số thanh niên một số về Thái Lan lập cứ. Một số nhiệt huyết ở đây chú cho lập ra Tâm Tâm xã, theo chú cháu nên gặp họ.

- Vâng, thưa chú. Cháu mong được gặp họ, mong ngày mong đêm đó chú.

- Họ mà biết được gặp ông Nguyễn Ái Quốc đây thì họ sẽ sung sướng chắc không ngủ được.

- Chú giới thiệu cho cháu gặp họ. Nhưng đừng nói cháu là Nguyễn Ái Quốc.

Chú cứ giới thiệu cháu ở phái bộ của ông Borodin hoặc cháu là phóng viên hãng Rosta của Liên Xô muốn gặp gỡ anh em cách mạng Việt Nam là được.

- Được. Nhưng mà cháu phải ở đây hàn huyên với chú vài ngày. Hai mươi năm nay mới gặp lại…

- Dạ, cháu rất vui được ở lại hầu chuyện với chú.

Trong hai ngày ở lại Hàng Châu Bác đã nghe cụ Phan nói khá chi tiết về tình hình trong nước, tình hình của những người Việt Nam muốn cứu nước đã qua Xiêm, qua Trung Quốc. Trong đó có những người lớn tuổi như: Đặng Thúc Hứa ở Xiêm, cụ Hồ Ngọc Lãm, Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Thượng Hiền ở Hàng Châu… Cụ Phan Bội Châu cũng nói rõ về nhóm thanh niên “Tâm tâm xã”. Cuối cùng cụ giới thiệu một người thân tín của mình cho Bác. Đó là Hồ Tùng Mậu. Mậu 28 tuổi, rời quê lúc mới 23 tuổi, qua Xiêm rồi qua Quảng Châu tìm đường cứu nước. Cụ Phan nói: Hồ Tùng Mậu là người chững chạc, đàn anh nhất đám cũng là người giữ đầu mối mang tính chỉ huy của nhóm để liên lạc với chú. Cháu gặp anh này là gặp được cả nhóm.

Người thứ hai là Lâm Đức Thụ, anh này đồng niên với cháu, có vợ Tàu, có cửa hàng thuốc, đời sống vững vàng. Trụ sở Tâm Tâm xã đặt tại nhà Thụ, tại tiệm thuốc “Huệ Quần y xã”. Người này hay tới lui với chú. Anh ta có tài chính.

Bác nhập tâm các thông tin từ cụ Phan và phấn khởi nói:

- Nhóm này là hạt nhân quan trọng đó chú. Cháu gặp họ, đào tạo, bồi dưỡng họ để có trụ cột cho phong trào.

- Ý cháu rất xác đáng, họ cách mệnh lắm.

*

* *

Về đến Quảng Châu, theo chỉ dẫn của cụ Phan, Bác nhờ một nhân viên trong cơ quan “Bầu Công Quán” chuyển thư của cụ Phan cho Quốc Đống ở tiệm thuốc bắc “Huệ Quần y xã”. Huệ Quần là tên của vợ Nguyễn Công Viễn. Bác có viết thêm mấy chữ: Xin được gặp để tìm hiểu về nhóm Tâm tâm xã vào 9 giờ sáng chủ nhật. Ký tên nhà báo của hãng Rosta – Lý Thụy.

Đúng hẹn, Bác đến. Tiệm thuốc bắc phía trước là chỗ bắt mạch kê toa bốc thuốc, bán thuốc, phía sau nhà ở rộng rãi thoáng đãng. Bác hỏi bằng tiếng Hoa:

- Chào chị, xin lỗi có phải chị là chủ tiệm thuốc Huệ Quần không?

- Vâng, chính tôi là Huệ Quần.

- Tôi là Lý Thụy, phóng viên của hãng Rosta.

- Mọi người đang chờ anh.

Quay vào trong chị nói to:

- Nhà báo đến, các anh ra đón khách.

Hai thanh niên chạy ra chào đón. Bác nói bằng tiếng Việt:

- Chào các anh em.

Bác ngồi giữa mấy anh em người Việt Nam. Một thanh niên đứng dậy giới thiệu: Tôi xin được giới thiệu với nhà báo: Tôi là Hồ Tùng Mậu thường gọi là Quốc Đống. Đây là đồng chí trẻ nhất - chú Lê Hồng Phong. Còn đây là đồng chí Lê Hồng Sơn, người đã tiêu diệt tên phản động Phan Bá Ngọc ở Hàng Châu, và là người đã vào Sa Diện hỗ trợ Phạm Hồng Thái. Đây là Trương Vân Lĩnh, người của ta đang làm ở Sở Công an Quảng Châu. Nhà này của đồng chí Lâm Đức Thụ, chị vợ là chủ tiệm thuốc phía trước. Chúng tôi mượn nhà làm trụ sở của Tâm Tâm xã. Hôm nay anh Lâm Đức Thụ đi vắng.

Bác thân thiết bắt tay từng người một trong niềm hân hoan như ngồi giữa quê nhà.

Cuộc gặp diễn ra hết sức chân thành, thân thiết như quen biết đã lâu. Qua cuộc gặp Bác hiểu toàn diện về nhóm “Tâm tâm xã”, kể cả tôn chỉ, mục đích và lòng mong muốn cứu nước của nhóm này. Nghe Hồ Tùng Mậu giới thiệu xong, Bác hỏi kỹ thêm, cuối cùng Bác đứng dậy nén xúc động:

- Thưa các anh em đồng chí, hôm nay tôi rất xúc động được gặp các anh em, những thanh niên yêu nước, một lòng hy sinh vì tổ quốc. Có thể nói đúng hơn các đồng chí là những người tôi đêm mơ ngày ước. Bây giờ tôi xin nói thật với anh em: Tôi là người được Quốc tế Cộng sản cử về đây cùng các đồng chí xây dựng tổ chức cách mạng vô sản theo đường lối của Lenin. Lý Thụy là bí danh, tôi chính là Nguyễn Ái Quốc.

Nghe đến đây, mọi người đều đứng dậy, vỗ tay và cùng reo vang:

- Đồng chí Nguyễn Ái Quốc, đồng chí Nguyễn Ái Quốc, hạnh phúc quá, hoan hỉ quá!

Bác ra dấu anh em ngồi xuống và từ tốn nói:

- Tôi là con cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, cha tôi là bạn của cụ Phan Bội Châu đều ở Nam Đàn, tôi xa quê từ nhỏ. Tôi đã đi các nước Mỹ, Anh, Pháp cuối cùng đến Liên Xô. Đó là nơi đã có cách mạng vô sản thành công.

Chúng ta không có con đường nào khác là phải làm cách mạng vô sản đánh đuổi thực dân, lật đổ phong kiến, giải phóng dân tộc. Muốn vậy, chúng ta phải tập họp những người ưu tú để làm rường cột nước nhà.

Tôi đã nghe cụ Phan Bội Châu nói về Tâm tâm xã của các anh, hoạt động được như vầy tốt lắm. Về đây gặp các anh tôi rất vui. Bác giới thiệu vài nét về Liên Xô, về Quốc tế cộng sản và sự cần thiết phải có Đảng Cộng sản ở Việt Nam… Bác nói ngắn gọn nhưng rất rõ, mọi người như lớn lên, ai cũng đến bắt tay, ôm Bác như ôm người thầy đầy tôn kính. Bác dặn dò anh em:

- Các anh có nhớ câu “Giảo thố tam quật” không? Con thỏ khôn ngoan bao giờ đào hang cũng có ba ngách, để có động thì có đường thoát. Cách mạng Quảng Châu đang tốt, nhưng bên cạnh ta còn có Sa Diện của thực dân, còn có phe cánh hữu rất xấu trong Đảng Quốc dân, chúng cấu kết chặt với mật thám Đông Dương. Do vậy ta phải đề cao nguyên tắc bí mật, bí mật địa điểm, bí mật tổ chức, bí mật phương cách và bí mật về danh tánh mỗi người… Ở đây, các đồng chí không gọi và không nói với ai tôi là Nguyễn Ái Quốc, càng ít dùng tên Lý Thụy mà gọi tôi là Vương, đồng chí Vương.

Kết thúc buổi gặp, Quốc Đống gởi Bác điều lệ, qui chế hành động của Tâm tâm xã…

Lần gặp gỡ đã cho Bác niềm vui bất tận, cả đêm không ngủ được. Một bàn cờ bày ra trước mặt, nhắm mắt lại, từng khuôn mặt tươi trẻ, nhiệt huyết lại hiện lên.

Hôm sau và những hôm sau đó Bác gặp riêng Lê Hồng Phong, Lê Hồng Sơn, Trương Vân Lĩnh… và đặc biệt có nhiều lần ngồi lâu với Hồ Tùng Mậu. Qua Mậu Bác đã có lai lịch đôi nét của từng người.

Lê Hồng Phong (Huy Đoản), quê ở Hưng Nguyên sát thành phố Vinh. Còn niên thiếu mất cha, anh phải đi làm thuê, vừa làm vừa học, học cả chữ nho và có hai năm học tiếng Pháp. Lê Hồng Phong kết bạn với Phạm Hồng Thái và một số thanh niên cũng rủ nhau qua Lào và đến Xiêm. Cụ Đặng Thúc Hứa đã tổ chức đưa họ sang Quảng Châu…

Lê Thiết Hùng cháu của Lê Hồng Phong, còn rất trẻ được cha cho theo chú sang Xiêm rồi sang Trung Quốc tham gia nhóm Tâm tâm xã.

Trương Văn Lĩnh quê ở Nghi Lộc, một huyện giáp biển của Nghệ An, theo đạo thiên chúa, năm 1923 quyết tâm sang Quảng Châu xin làm đệ tử cụ Phan Bội Châu.

Lâm Đức Thụ tức Nguyễn Công Viễn quê ở Thái Bình, là một trong những người được cụ Phan Bội Châu tin dùng vì anh ta lớn tuổi, chững chạc, có gia đình và có tài chính.

Và nữa là Nguyễn Giãn Khanh, Đặng Xuân Hồng, Lưu Quốc Long, và người mới từ Thái Lan qua là Vương Thúc Oánh con rể của cụ Phan Bội Châu.

Bác biết Hồ Tùng Mậu quê ở Quỳnh Lưu là nơi đất tổ của họ Hồ, dòng họ đã sinh ra Quang Trung, Nguyễn Huệ. Cha và ông nội đều hy sinh trong công cuộc chống thực dân Pháp. Tuổi trẻ anh đã có mấy năm dạy học. Năm 1919, Mậu cùng Lê Hồng Sơn, cùng một số anh chị em vượt rừng, vượt sông sang Thái Lan và được cụ Đặng Thúc Hứa bố trí xuống tàu sang Quảng Châu. Mậu là cháu gọi ông Hồ Học Lãm bằng chú, ông được chú cho học tiếng Trung Quốc và cả tiếng Anh. Và qua ông Lãm, Hồ Tùng Mậu gặp cụ Phan Bội Châu. Cụ Phan lúc đó đang nương nhờ nhà ông Hồ Học Lãm. Cụ Phan Bội Châu coi Mậu là đệ tử ruột của mình và anh được cụ giao cho giữ mọi đầu mối của tổ chức Tâm tâm xã.

Một lần Hồ Tùng Mậu hỏi Bác:

- Ở Xô Viết về, anh thấy Xô Viết và Trung Hoa dân quốc có gì khác nhau. Chúng ta đã đến lúc đứng lên chưa?

- Tư tưởng của cụ Tôn Dật Tiên là rất minh bạch, cụ đã tập họp lực lượng để lật đổ chế độ vua chúa phong kiến kéo dài mấy ngàn năm ở xứ này là việc làm vĩ đại. Tuy nhiên, đây chưa phải là cuộc cách mạng triệt để. Trong Đảng Quốc dân vẫn còn nhiều phe nhóm như tổ chức “Thương đoàn” ở Quảng Châu đã xã súng vào dân đi tuần hành là rất cực đoan, phe thân với đế quốc Nhật vẫn nhiều. Đảng Cộng sản Trung Quốc đang phát triển, chủ trương “liên Nga, liên Cộng” của cụ Tôn vẫn bị một số trong Đảng Quốc dân phản đối… Chúng ta phải nhìn thấy để có cách xử lý, dứt khoát như tôi đã nói hôm đầu gặp các anh: “Con đường của chúng ta là cách mạng vô sản”.

*

Một hôm thư thả bên cốc trà buổi sáng với Lê Hồng Sơn. Sơn nhỏ hơn Bác 9 tuổi, cùng quê Nam Đàn với Bác, một thanh niên có thân hình săn chắc, ánh mắt lanh lợi, rất sắc và hay nhìn thẳng của người đầy can đảm nghĩa khí. Bác đề nghị Sơn kể lại giờ phút đối đầu với toàn quyền Merlin ở Sa Diện.

Sơn gải gải đầu có vẻ bối rối rồi kể: Biết tên Merlin toàn quyền Đông Dương đi Nhật về Đông Dương sẽ ghé qua Quảng Châu. Tổ chức lập ra tổ hành động, có em, Phạm Hồng Thái và vài anh em nữa. Có tổ trinh sát bám theo hắn từ khi hắn bước xuống tàu thủy. Hắn đi đâu cũng tiền hô hậu ủng, lính trước lính sau, lớp trong lớp ngoài là cảnh sát, mật vụ nên rất khó hành động. Sau khi có tin đêm 18 tháng 5 vào ngày thứ 5 (tức 19 tháng 6 dương lịch), sẽ có tiệc chiêu đãi hắn linh đình ở khách sạn Victoria trong Sa Diện của tô giới Pháp, em và Phạm Hồng Thái được cải trang làm hai nhà báo nhiếp ảnh. Cái máy ảnh to lắm, lỉnh kỉnh đồ che phủ. Thái là nhà nhiếp ảnh chính, em là vai phụ giúp làm nhiệm vụ quan sát và ỉm trợ Thái. Lúc ấy đã qui định ném lựu đạn xong sẽ phi ra cửa phía Đông để thoát ra bờ sông, ở đó có thuyền của anh em mình chờ đón. Khi bắt đầu vào tiệc, Merlin đang nâng cốc thì Thái lách đến chụp ảnh. Anh ném luôn cả máy ảnh, có hai quả lựu đạn gắn sẵn bên trong vào giữa bàn tiệc. Lựu đạn nổ, nhưng tên cảnh vệ đã nhanh tay kéo Merlin ngã ngữa, nên hắn chỉ bị thương, 5 tên trong đó có tên lãnh sự Pháp bị tiêu diệt. Tiếng nổ và anh em mình đã cúp điện, cả phòng tối thui hỗn loạn. Thái phóng ra, nhưng lúng túng không chạy về phía Đông, bị cảnh sát rượt anh chạy lộn và bí đường nên vượt rào trong lưới đạn cảnh sát. Phạm Hồng Thái nhảy xuống sông Châu. Em rút cửa Đông nên an toàn.

Kể xong Sơn tỏ vẻ tiếc: Em tiếc quá, một quả bị điếc không nổ nên sức công phá không lớn, không giết được hắn. Nếu em có khẩu súng thì hay quá. Phạm Hồng Thái hy sinh uổng quá, phải chạy đúng cửa thì em và nhóm đã hỗ trợ để thoát an toàn.

- Chiến tích này lịch sử lắm! Tiếng bom Sa Diện đã chấn động cả trong nước và thế giới. Các em dũng cảm lắm. Phạm Hồng Thái là một anh hùng – Bác nói.

- Trước khi ra trận, em và Hồng Thái đã ngồi với nhau, cả hai đều không sợ hy sinh. Nhưng… Nếu anh Thái chạy ra cửa Đông, em sẽ bảo vệ, sẽ cản đường và nếu đúng thì người hy sinh phải là em. Hồng Sơn nói trong xúc động. Im lặng một lúc, Sơn nhìn Bác và thưa:

- Thương anh Hồng Thái, em có mấy câu mộc mạc tiễn anh ấy. Xin đọc để anh nghe:

“Nước mất nhà tan ngất hận thù

Tiên sinh nào tiếc tấm thân ru

Ngọn chùy chẳng trúng, tâm bừng cháy

Mũi kiếm không nên, chí diệt thù

Hồn nước tỉnh mau vang tiếng gọi

Lệ đau thương khóc chiếc thuyền trơ,

Lưu cầu nếu chẳng đem ra thử

Lận đận làm chi chốn hải hồ”.

Hồng Sơn đọc với giọng rất đanh thép, nhưng nước mắt lại tuôn trào.

Bác bước đến kéo Hồng Sơn về phía mình và nói:

- Cuộc chiến đấu mới bắt đầu. Phía trước đang chờ chúng ta([3]).

*

Bác đang làm việc trong phòng thì cô gái Nga Nhiacova bước vào:

- Chào anh Nilopxky, hôm trước anh dặn tôi báo cáo để anh gặp đồng chí Borodin. Sáng nay đồng chí vừa về và cho mời anh đến gặp ngay.

- Tốt quá, Cảm ơn em.

Nói xong, Bác theo chân Nhiacova xuống lầu để gặp Borodin.

Sau tách trà nóng, Bác báo cáo tình hình cuộc gặp Phan Bội Châu và nhóm Tâm Tâm xã của thanh niên Việt Nam.

Nghe xong Borodin cười vui nói:

- Tốt quá, vậy là đồng chí có cơ sở để thực hiện nhiệm vụ của Quốc tế Cộng sản giao rồi. Borodin nhìn vào đôi mắt sáng trong rạng rỡ của Bác và nói:

- Đây là những hạt giống rất quí, đồng chí phải nắm lấy.

- Tôi cũng nghĩ như vậy và đang xin ý kiến đồng chí để tiến đến xây dựng họ thành những người Cộng sản đầu tiên của Việt Nam.

- Ý cụ thể của đồng chí như thế nào? Tôi nghĩ trước nhất phải giúp họ có kiến thức về Đảng Cộng sản.

- Đúng, họ rất nhiệt huyết, yêu nước và dám xã thân, xông pha nhưng họ chưa biết gì về Chủ nghĩa Cộng sản, về Liên Xô, về Quốc tế Cộng sản. Tôi đề nghị đồng chí hỗ trợ để tôi mở lớp đào tạo họ, như một lớp nhỏ của Đại học Phương Đông vậy. Còn ở đây, có thể phát triển một Chi bộ hạt nhân có được không?

- Thật là một sáng kiến lớn. Tôi ủng hộ đồng chí. Việc lập một Chi bộ hải ngoại là được, nhưng đồng chí cần tính các bước, cân nhắc cho đúng qui định vì Chi bộ này không có Đảng ủy cấp trên… Tôi và đồng chí đều phải báo cáo để xin chủ trương của Quốc tế Cộng sản.

- Báo cáo và chờ ý kiến có lâu không?

- Không, tôi biết đồng chí được Quốc tế Cộng sản cho toàn quyền quyết định trong việc tổ chức thành lập Đảng Cộng sản không chỉ ở Việt Nam mà cả các nước Đông Nam Á. Theo nguyên tắc ta có báo cáo. Trong nhóm thanh niên Việt Nam ở Quảng Châu, đồng chí phải chọn ra một nhóm nòng cốt để giúp đồng chí làm nhiệm vụ này. Nhóm tin cậy đó sẽ là cơ sở đầu tiên để lập Chi bộ Đảng.

- Bây giờ trên sơ sở nhóm thanh niên Tâm tâm xã. Tôi sẽ tổ chức lại, sẽ huấn luyện cơ bản cho họ về Đảng Cộng sản, để làm cơ sở xây dựng tổ chức Đảng.

- Đồng chí lên kế hoạch, cần những gì? Đây là nhiệm vụ quan trọng, mọi người đều có trách nhiệm với đồng chí.

- Cảm ơn đồng chí Borodin thân mến.

*

Để chuẩn bị cho các công việc ngay sau tết âm lịch 1925, Bác viết thư cho cụ Phan Bội Châu và giao cho Hồ Tùng Mậu đi Hàng Châu trao đổi với cụ Phan. Hồ Tùng Mậu đi nhanh về nhanh. Chỉ mấy ngày sau, anh trở về và mang cho Bác thư của cụ Phan. Bức thư cụ viết bằng chữ Nôm và ký tên “Bác Thứ Cụ”, một bí danh ít người biết. Đọc xong thư của cụ Phan Bội Châu, Bác nói với Hồ Tùng Mậu:

- Lá thư của chú Phan có một câu rất tinh tế và sâu sắc, cụ viết: Nếu như không có cách “làm ăn” thì lại như câu nói rằng: “Chỉ làm người khách ở nước khác, kêu không hồn nước cũ thôi”. Chú hiểu ý câu này không? Không chờ Mậu trả lời, Bác nói luôn:

- “Làm ăn” trong nháy nháy của cụ là làm cách mạng. Nếu chúng ta không có phương cách cách mạng cụ thể và tiến hành, thì chỉ là cách kêu gào không thực tế. “Kêu không hồn nước”, là nói suông. Nói vì nước mà không làm thì cũng phí công hoài sức. Và cụ cũng nhắc chúng ta hãy rút bài học của cụ và cụ Hy Mã (Phan Châu Trinh).

Trầm ngâm một lúc Bác nói với Hồ Tùng Mậu:

- Chú biết không, khi ở Pháp, cụ Phan Châu Trinh lúc đó đã về Marseille, cụ viết cho mình một bức thư dài rất thẳng thắn và gay gắt, nhưng rất tâm tình, rất chân thật. Trong thư cụ cũng nói giống như cụ Phan Bội Châu. Cụ Châu Trinh viết: Tôi không thích cái phương pháp của anh “ngọa ngoại chiêu hiền, đãi thời đột nội”([4]). Cũng là ý bảo mình phải về nước làm cách mạng, cứ ở nước ngoài kêu gọi thì chẳng được gì. Hai cụ ở hai cực Đông-Tây cách nhau cả vạn cây số, vậy mà ý chí, tư tưởng giống nhau. Thế mới thấy đã nhất tâm làm cách mạng vì dân tộc, thì dù ở đâu tư tưởng lớn cũng gặp nhau.

Bác đưa là thư cho Hồ Tùng Mậu và dặn:

- Chú đọc và giữ kỹ dùm là thư này([5]).

- Hồ Tùng Mậu nhận lá thư từ tay Bác và báo cáo lại Bác nhưng điều đã trao đổi với cụ Phan Bội Châu:

- Sau khi gặp và trao đổi với anh, cụ Phan Bội Châu chuyển biến nhiều. Cụ yên tâm với sự lãnh đạo của anh và quyết định đổi tên tổ chức Việt Nam Quang phục Hội của cụ thành Việt Nam Quốc dân Đảng theo đường lối của Tôn Trung Sơn. Một lần nữa, cụ Phan giới thiệu với Bác những người thanh niên Việt Nam đang ở Quảng Châu mà theo cụ là ưu tú.

Tham khảo giới thiệu của cụ Phan, cùng với đánh giá của Hồ Tùng Mậu và thực tế tiếp xúc, Bác đã chọn và lập ra nhóm trung kiên bí mật gồm 9 người([6]). Nhóm này có nhiệm vụ tập họp lực lượng, tạo đường dây liên lạc với trong nước, tổ chức đưa thanh niên sang Quảng Châu để học tập, huấn luyện rồi trở về nước hoạt động. Ngày đó, con đường chính là qua cửa Thái Lan, nơi có “Hội đồng bào” yêu nước của cụ Đặng Thúc Hứa cũng là cơ sở của cụ Phan Bội Châu. Ngày đó hàng ngày có tàu thủy chạy đường Băng Cốc – Quảng Châu. Một con đường nữa là Đông Hưng – Móng Cái. Bác không quên phát triển đường vận tải thủy từ Hải Phòng, Sài Gòn bằng các tàu Viễn dương. Đường Lạng Sơn, Mục Nam Quan rất ít dùng vì bị kiểm soát nghiêm ngặt. Anh em mở tuyến Lạng Sơn vượt biên sang Long Châu, Nam Ninh.

Buổi tối hôm đó, Bác trằn trọc khó ngủ. Bức thư của chú Phan Bội Châu vẫn lay động Bác. Bác điểm lại chặng đường 20 năm của chú Phan với lòng khâm phục như Bác đã từng khâm phục ý chí của cụ Phan Châu Trinh. Bác rút ra rằng làm cách mạng mà không có dân, không có lực lượng là không thành công. Chú Bội Châu muốn nhờ thằng đế quốc này đánh đuổi thằng đế quốc kia thì chẳng khác gì đuổi beo cửa trước, rước cọp cửa sau. Cụ Phan Châu Trinh thì chấn hưng, “khai dân trí, chấn dân trí, hậu dân sinh”. Nhưng bọn thực dân thì chỉ muốn dân ta nghèo khổ, dốt nát để làm nô lệ cho chúng. Hơn nữa, muốn dân tộc thoát khỏi ách đô hộ của Pháp nhưng không vũ trang thì càng không thể được. Tuy nhiên, phải thấy rằng những việc hai cụ Phan khởi xướng từ 20 năm trước đã đánh thức, đã có tác động to lớn đến các sĩ phu yêu nước thức tỉnh và tập họp lớp thanh niên yêu nước muốn cứu nước. Bác cũng thấy rằng những năm tháng ở Pháp, ở Nga song song với việc tìm đường cứu nước, Bác đã làm tiếp ý nguyện của hai cụ Phan là đánh thức lòng yêu nước, vạch trần tội ác của Chủ nghĩa thực dân làm nền tảng từng bước đi thực hiện con đường của Lenin. Bác tự nhắc mình: phải truyền bá cho nhiều người Việt Nam ưu tú hiểu, tin và làm theo Chủ nghĩa Lenin. Và điều thôi thúc nhất trong Bác là phải thành lập Đảng Cộng sản ở Việt Nam, phải sớm về nước, lãnh đạo nhân dân làm cách mạng. Về nước là sự dục dã, là tiếng gọi từ đáy lòng của Bác.

*

* *

Mùa xuân 1925, đây là mùa xuân, là những ngày tết đầu tiên rộn vui trong Bác, sau hơn mười bốn năm mới được đón tết trong không khí tự do của thời đại Tôn Trung Sơn và một cái tết có bánh chưng xanh, có dưa hành, thịt đông như món ăn ngày tết của quê nhà, hơn nữa là chan hòa với những thanh niên Việt Nam đầy nhuệ khí, nên dù nhiệt độ Quảng Châu xuống gần không độ và rất ẩm, rất rét, nhưng Bác và mọi người vẫn thấy ấm. Sự ấm áp của một tương lai phía trước của dân tộc.

Borodin mời Bác ăn mứt tết, uống trà và bàn công việc đầu xuân. Bác tóm tắt công việc với Borodin:

- Tôi đã chọn được 9 thanh niên ưu tú để lập ra nhóm trung kiên nòng cốt. Từ nhóm này tôi kết nạp năm đồng chí ưu tú nhất làm Đảng viên Cộng sản dự bị. Từ đó, tôi sẽ lập ra Hội Thanh niên Cách mạng đồng chí và lan tỏa tổ chức này về Việt Nam. Phát triển tổ chức ở các Kỳ, các tỉnh và xuống cơ sở. Mục đích là để phát động lòng yêu nước, tập họp thanh niên, làm cơ sở rèn luyện, tiến đến thành lập Đảng Cộng sản. Sau khi có tổ chức này, tôi tiến hành mở lớp huấn luyện, đưa những thanh niên Việt Nam qua đây học tập rồi trở về Việt Nam. Chúng tôi sẽ huấn luyện đường lối cách mạng, về Đảng Cộng sản, về tư tưởng Lenin, về Liên Xô… đồng thời tập cho họ cách xây dựng tổ chức, biết làm báo, biết diễn thuyết, biết vận động quần chúng…

- Tốt quá đồng chí Nguyễn, chương trình, kế hoạch vừa cụ thể, vừa có tầm tư duy lớn, đó cũng chính là con đường cho các nước Đông Nam Á nói riêng và các nước thuộc địa nói chung sẽ noi theo. Tôi xin bày tỏ sự tin tưởng vào sự thành công của các đồng chí.

- Đồng chí phải giúp tôi.

- Đồng ý. Đồng chí cần gì.

- Tôi cần kinh phí, cần người giảng dạy.

- Tôi và những đồng chí ở đây sẵn sàng tham gia giảng các lớp, còn kinh phí tôi có không nhiều, chúng ta sẽ điện về Moscow để xin. Tôi sẽ nói với Chính phủ Tôn Trung Sơn để giúp đồng chí.

- Cảm ơn đồng chí quá.

- Bây giờ có việc này, đồng chí Nguyễn, bên cạnh việc lo cho Việt Nam, đồng chí còn có trách nhiệm của Quốc tế Cộng sản giao xây dựng phong trào nông dân Trung Quốc. Công việc quá lớn và rất quan trọng. Thời gian qua đồng chí đã làm rất hiệu quả, nhưng đồng chí có biết tôi muốn nhắc đồng chí điều gì không? Phải giữ sức để chiến đấu lâu dài. Để giúp đồng chí, tổ chức bố trí một người làm trợ lý cho đồng chí. Đồng chí này do đồng chí Trương Thái Lôi chọn và tiến cử. Trong nội bộ chúng ta, đồng chí ấy là trợ lý của đồng chí. Bề ngoài, đồng chí biết đấy ở cái xứ nghìn năm phong kiến này ai có chức phận, có vai vế khi đi tiếp xúc, giao tế, quan hệ phải có phu nhân. Đồng chí không có vợ thì phải có bạn gái mới hợp lẽ. Hơn nữa khi cần thiết, đồng chí muốn thuê mướn nhà cũng phải có hai người. Nếu đàn ông ở một mình thì bị nghi làm chính trị hoặc thành phần bất hảo, đó là phong tục địa phương.

- Chà, chà…trợ lý thì rất cần, nhưng chuyện “bạn gái” thì rắc rối quá.

- Đồng chí này đã được đào tạo, rất có kinh nghiệm hoạt động bí mật, đồng chí yên tâm.

Đồng chí Borodin cho mời một nữ đồng chí vào và giới thiệu:

- Đây là nữ đồng chí Lý Phương, quê ở vùng này, trước làm việc tại Cục Đông Phương của Quốc tế Cộng sản ở Thượng Hải được điều về đây, sẽ là trợ lý của đồng chí. Đồng chí Lý Phương nói được tiếng Anh và tiếng Nga, đã học lớp đào tạo ngắn ở Liên Xô.

- Chào đồng chí Lý Phương. Bác đứng dậy bắt tay người nữ đồng chí có khuôn mặt trái xoan xinh tươi.

- Chào đồng chí, em gọi tên nào tiện cho đồng chí.

- Cô gọi tôi là Lý Thụy, trước các đồng chí Việt Nam thì gọi là đồng chí Vương – Bác trả lời.

- Văn phòng bố trí đồng chí Phương ở sát phòng của đồng chí Lý Thụy để tiện làm việc. Giờ hai đồng chí trao đổi công việc, chúc các đồng chí thành công.

Borodin đứng dậy chào tạm biệt.

Bác ngồi nhìn Lý Phương, trước mặt Bác một Lý Phương gần 30 tuổi, người dong dỏng, tóc cắt ngắn theo kiểu Trung Hoa, mắt sáng, có nụ cười tươi vui, hiền hậu. Phương nhìn Bác cười:

- Anh thấy em lạ lắm à!

- Không, không!... Bây giờ ta bàn công việc. Mà này, tôi họ Lý, đồng chí cũng họ Lý, chả lẽ hàng ngày mọi người gọi tôi và Phương đều là đồng chí Lý. Có lẽ em chỉ gọi tên, để cho nó tiện và cũng bí mật tôi đặt cho cô là Phương Liên, gọi như thế đẹp hơn. Liên có nghĩa là Sen, một loài hoa người Việt Nam rất yêu thích.

- Ồ, đẹp quá! Em thích tên này. Vậy khi cần lắm em mới xưng là Lý Phương Liên, còn bình thường em chỉ xưng là Phương Liên.

- Đúng rồi. Bây giờ ta trao đổi công việc nhá.

Bác nói cho Phương Liên nghe những việc Bác đã làm và những dự kiến sẽ làm. Dừng lại giây lát, Bác hỏi:

- Anh nói em nghe có kịp không? Hiểu được không?

- Dạ, em hiểu rõ.

- Nghĩa là có hai phần việc: một là nhiệm vụ của Nông dân Quốc tế.

- Về việc xây dựng phong trào cách mạng trong nông dân Quảng Đông – Phương Liên xen vào.

- Đúng. Việc thứ hai là xây dựng phong trào cách mạng cho xứ An Nam. Mai anh sẽ giới thiệu em với anh em Việt Nam. Đây là công việc anh đau đáu ngày đêm. Mười bốn năm nay anh đi khắp chân trời góc biển để học hỏi tìm ra con đường cứu dân tộc anh. Em giúp anh theo dõi công việc…

- Vâng, em hiểu.

- Có việc này anh phải nói với em. Anh chỉ có một mục đích là giải phóng đất nước nên hy sinh tất cả. Năm hai mươi mốt tuổi anh phải giả từ một cô gái anh yêu để ra đi. Anh hoạt động bí mật, luôn thay tên đổi họ để qua mắt mật thám, nên không thể tính đến chuyện gia đình.

- Em đã được nghe Thủ trưởng Borodin nói điều này. Em hiểu ý anh, anh yên tâm, chúng ta là anh em đồng chí mà.

- Cảm ơn em, do vậy với anh em Việt Nam em là trợ lý, Không nói gì khác, ai hiểu gì thì hiểu. Khi nào cần đối ngoại thì…

- Thì anh giới thiệu em là người nhà.

Bác gật đầu:

- Nhưng, em nhập vai như vậy sẽ tai tiếng cho em?

- Nhiệm vụ cách mạng lúc nào chả phải hy sinh anh.

Bác im lặng nhìn Phương Liên với tình cảm mến phục và trân quí.

*

* *

Tháng 6 năm 1925, nắng vàng rực rỡ. Công viên Hoàng Hoa Cương nằm giữa Quảng Châu như bừng sáng, trời xanh, mây trắng lồng lộng. Bác đưa nhóm mười thanh niên Việt Nam đến. Đây cũng là nơi yên nghĩ của liệt sĩ Phạm Hồng Thái và là nơi chôn cất 72 liệt sĩ đã hy sinh trong cách mạng Tân Hợi năm 1911. Mọi người tề chỉnh trước mộ Phạm Hồng Thái và dành một phút mật niệm người đồng đội, đồng chí đã hy sinh anh dũng. Truy điệu xong, Bác bước lên trước, cúi chào anh lính Phạm Hồng Thái và quay lại nói với anh em:

- Các anh em đồng chí thân mến. Chúng ta quây quần ở đây, trước anh linh của người liệt sĩ anh hùng để chính thức công bố tổ chức “Hội Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí” đã được thành lập. Mục đích của Hội là “Hy sinh tính mệnh, quyền lợi, tư tưởng, làm cuộc cách mạng dân tộc, đập tan bọn thực dân Pháp, giành lại độc lập cho xứ sở. Để tiến tới làm cách mệnh thế giới lật đổ chủ nghĩa đế quốc và thực hiện Chủ nghĩa Cộng sản”([7]). Hôm nay tôi chính thức tuyên bố kết nạp các đồng chí sau đây vào Hội Thanh niên Cách mạng đồng chí: Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong, Trương Vân Lĩnh, Vương Thúc Oánh([8]), Lưu Quang Long, Lâm Đức Thụ, Ngô Quốc Chính, Lê Duy Điếm, Vũ Hồng Nam, Lý Mộng Sơn, Trần Tích Chu, Hoàng Võ Hùng, Lê Hữu Lập, Lương Thư Tánh. Kể từ giờ phút này các đồng chí là hội viên chính thức đầu tiên của Việt Nam Thanh niên Cách mệnh đồng chí. Tôi mong các đồng chí hãy vì mục đích của Hội, anh dũng tiến lên giành thắng lợi cuối cùng là giải phóng đất nước.

Bác vừa tuyên bố xong. Lê Hồng Sơn tiến lên đứng nghiêm chào anh linh Phạm Hồng Thái, rồi quay lại điều khiển:

- Tất cả các đồng chí, chúng ta làm thủ tục tuyên thệ. Đề nghị các đồng chí chỉnh tề trang phục, tất cả chú ý: Nghiêm!

Mọi người đứng nghiêm. Lê Hồng Sơn hô to:

- Trước anh linh của nghĩa liệt Phạm Hồng Thái, trước anh linh của các bậc nghĩa liệt tiền bối cách mạng. Chúng ta những Hội viên đầu tiên của Hội Thanh niên Cách mệnh đồng chí, xin thề sẵn sàng hy sinh mọi quyền lợi, kể cả tính mệnh của mình, để đồng tâm, thực hiện thắng lợi cách mệnh, đập tan chủ nghĩa thực dân, dành độc lập cho dân tộc. Xin thề!

Tất cả các Hội viên, kể cả Bác và Phương Liên đều giơ cao nắm tay hô to:

- Xin thề, xin thề, xin thề!

Trước khi giải tán, Bác nói với mọi người:

- Tôi mong anh em giữ trọn lời thề và mỗi ngày phải phấn đấu. Sau này từ các lớp huấn luyện chúng ta sẽ tổ chức kết nạp hội viên ở đây.

Lễ kết nạp rất đơn giản, nhưng rất nghiêm trang kết thúc, Lâm Đức Thụ kéo từ trong túi đeo trên vai ra một chiếc máy ảnh và đề nghị mọi người:

- Chúng ta chụp bức ảnh để kỷ niệm và cũng lưu cho lịch sử về sau.

Lý Phương Liên vỗ nhẹ vào vai Bác, và lắc đầu nhắc Bác cảnh giác. Bác gật đầu và giơ tay ra hiệu:

- Chúng ta không nên chụp ảnh, rơi vào tay địch là nguy hiểm.

Hồ Tùng Mậu cũng nói:

- Chúng ta còn trong hoạt động bí mật, nhất là lúc này mà chụp ảnh không tốt đâu.

Mọi người đồng tình, Lâm Đức Thụ đành xếp máy vào túi vải.

Sau cuộc lễ mọi người giải tán. Bác kéo Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn và Lâm Đức Thụ lại hội ý. Bác nói:

- Chúng ta đã có Hội Cách mạng rồi. Văn phòng Tổng Hội đặt ở Quảng Châu đây, vì vậy chúng ta phải thuê một địa điểm để chính thức làm trụ sở của Hội. Tôi đề nghị Phương Liên cùng Lê Hồng Sơn đi tìm một địa điểm để thuê. Kinh phí hoạt động trước hết dùng từ lương của tôi.

- Thưa anh, đã là hội viên thì phải đóng nguyệt liễm. Hồ Tùng Mậu thưa.

- Ừa, sáng kiến. Vậy đồng chí Mậu lo việc này.

*

* *

Lý Phương Liên và Lê Hồng Sơn đã thuê được nhà. Hai người đưa Bác đến thăm căn nhà mới thuê ở số 13 đường Văn Minh. Đây là căn nhà phố có hai lầu, tầng trệt phía dưới đang bán tạp hóa. Con đường Văn Minh với hàng cây xanh phủ bóng mát chạy song song với sông Châu rất yên tĩnh. Bác nói:

- Ở đây yên tĩnh, phù hợp với lớp đào tạo.

- Thưa anh, trên gác thông sang nhà 13B. Khi cần mở rộng như kế hoạch của anh ra thuê thêm.

- Ừ, phải có chỗ học và chỗ ăn nghỉ cho anh em trong nước ra.

Quay sang Phương Liên Bác hỏi:

- Làm sao tìm được chỗ này?

- Dạ, Anh Sơn nhờ bên Đảng Quốc dân, em nhờ các bạn em bên Đảng Cộng sản Quảng Châu. Họ giới thiệu 3, 4 nơi. Chúng em đi xem và chọn chỗ này.

- Giá thuê có đắt không?

- Cũng vừa phải, nhưng thưa anh. Em mạn phép anh xin các đồng chí Đảng Cộng sản Quảng Châu giúp đỡ.

Bác nhìn Phương Liên:

- Em giỏi nhỉ, nói sao mà các đồng chí ấy cho tiền.

- Em nói hiện tại đồng chí Vương chưa xin được kinh phí của Quốc tế Cộng sản. Bây giờ lấy tiền lương thuê nhà thì anh nhịn đói ạ.

Bác, Phương Liên, Hồng Sơn cùng cười vui. Bác nói:

- Có các đồng chí Đảng Cộng sản Quảng Châu hiệp sức chúng ta nhất định thành công.

Nói rồi Bác dặn Phương Liên:

- Em làm quen với chủ nhà, nói họ vài tháng sau ta thuê cả nhà bên nha.

- Dạ.

Cũng vừa lúc đó thì Hồ Tùng Mậu, Lâm Đức Thụ đến và tiếp sau là anh thanh niên trẻ trung Lê Duy Điếm đến bằng xe đạp. Bác vui vẻ:

- Ồ, đủ rồi. Ta họp, coi như đây là cuộc họp đầu tiên khai trương trụ sở. Mọi người hân hoan, mặt ai cũng hớn hở, tươi vui. Bác nói:

- Đây là trụ sở của Tổng Hội Thanh niên Cách mạng đồng chí. Chúng ta cố gắng sắm một số bàn ghế để làm việc và mở lớp huấn luyện, nhiệm vụ sắp tới khá nhiều. Có thể tóm lược thế này: Mở ở đây các khóa huấn luyện, phải tổ chức tốt việc đón anh em các kỳ bộ trong nước ra. Trong khi chờ đợi, chúng ta sẽ mở lớp đầu tiên cho số anh em Việt Nam đang ở đây, là Hội viên chính thức. Về lớp học tôi phân công thế này: đồng chí Thụ, Tổng thư ký Hội, sẽ lo việc quản lý học viên, tổ chức lớp học. Đồng chí Mậu lo việc đời sống anh em và tổ chức ngoại khóa. Hai đồng chí Sơn và Điếm theo dõi các đường dây để đón thanh niên trong nước sang. Chúng ta phải đào tạo để có nhiều những đồng chí hạt nhân, thì mới có thể xây dựng phong trào tốt. Phương Liên cùng anh lên chương trình học, giúp anh ghi lại nội dung các bài giảng để từ đó làm giáo trình cho các lớp sau. Các đồng chí có ý kiến gì nữa không?

- Nhất trí ạ.

Tất cả tán thành.

- Vậy thì triển khai. Đồng chí Thụ cùng cô Liên đi lo vụ chuẩn bị cho lớp học. Lâm cho kẻ biển treo phía dưới đường để biết đây là trụ sở của Hội.

- Ghi nội dung thế nào ạ?

- Anh cho kẻ biển: “Thanh niên Cách mệnh đồng chí Hội” thành một hàng đứng.

- Vâng.

Ra báo Thanh Niên

Chủ trì cuộc họp để ra báo, Bác nói:

- Chúng ta đã có tổ chức, thì phải có tờ báo. Đó là tiếng nói chính thức của Tổng Hội, tờ báo sẽ tuyên truyền rộng rãi đường lối, về ý tưởng của cách mạng, tờ báo sẽ kêu gọi mọi người đứng lên, tờ báo sẽ lên án chủ nghĩa thực dân, khơi dậy lòng yêu nước của công dân ta, đồng thời nó sẽ nâng cao uy thế của Hội ta lên, giúp mọi người biết và hiểu Hội của chúng ta.

Bốn người ngồi gần lại, Bác nói:

- Tôi suy nghĩ bao đêm về việc này và quyết định lấy tên tờ báo là báo Thanh Niên cơ quan ngôn luận của Hội Thanh niên Cách mạng đồng chí. Các chú thấy sao?

- Thưa anh, Mậu đáp. Tên gọi thì quá đúng. Nhưng chúng em chưa viết báo bao giờ.

- Ừ, chúng ta hãy bàn chuyện đầu tiên là làm báo rồi sẽ bàn đến việc viết báo. Làm báo là lo thiết kế tờ báo, in báo, phát hành báo… Việc in ấn ta làm kiểu thủ công, in trên bản bột mịn. Chú Mậu biết cách in này thì giúp chuẩn bị. Chú Sơn và cô Phương Liên đi mua giấy để ta in những số đầu. Còn viết báo thì tôi và các đồng chí cùng viết, mời các cộng tác viết. Những người ở Bàu công quán, ở bên Đảng Quốc dân, Đảng Cộng sản Trung Quốc… đều có thể viết bài. Các chú đều có thực tế cách mạng, có học hành, nghĩ sao viết vậy. Viết đơn giản người đọc càng dễ hiểu, viết rồi sẽ quen.

Bên dòng Châu Giang
Báo Thanh Niên ra được 202 số (số đầu ra ngày 21-6-1925, số cuối 202 ra ngày 14-2-1930), tuy là tuần báo nhưng không đều kỳ. Ảnh TL

Nói đến đây Bác im lặng nhìn mọi người một lượt rồi mĩm cười:

- Để tôi kể cho các chú nghe: Lúc mới sang Pháp, tôi quen với anh chủ nhiệm báo Dân chúng, tờ báo của Đảng xã hội, tiền thân của Đảng Cộng sản Pháp. Anh này rất tốt, anh ta là cháu ngoại của Các-Mác. Anh ta bảo mình viết, anh ấy nói: Viết báo là nói được cái mình muốn nói với đồng bào mình và cả với kẻ thù của dân tộc mình. Nhưng mình viết cứ lóng cóng do tiếng Pháp chưa giỏi, nói thì được, mà viết thì không ổn. Một ông bạn khác là chủ bút báo Đời sống thợ thuyền cũng là người cách mạng, biết cái khó của mình. Anh ta khuyên mình: Anh cứ viết như anh nghĩ, cái gì chưa rõ được thì mở ngoặc đơn nói rõ. Anh cứ viết hết ý, lúc đầu chỉ nên viết ngắn, tôi sẽ sửa cho. Văn phạm câu cú tiếng Pháp anh đừng lo. Thế là mình viết, lúc đầu là tin ngắn. Viết rồi chép giữ lại một bản, một bản gởi đi. Khi được in mừng lắm. Cầm tờ báo về đối chiếu bản viết để xem họ sửa thế nào. Chỉ sau mấy tuần có 3, 4 tin ngắn được in. Anh ta bảo mình: giờ thì anh viết dài một chút. Mình viết những mẫu chuyện, lại được in, phấn khởi lắm, mà cũng cuốn hút lắm. Một lần mình quyết định viết một phóng sự dài nói về lối sống nghèo khổ, thiếu thốn của xóm thợ. Anh chủ bút sửa lại chỉnh chu, nhưng anh ta không đăng ở báo “Đời sống thợ thuyền” mà hỏi ý kiến mình, rồi giới thiệu cho Ban văn nghệ tờ L’Humanité (Nhân đạo), một tờ báo lớn có uy tín của Đảng Cộng sản Pháp. Anh ta nói: Tôi muốn anh thử xuất hiện ở tờ báo lớn. Các anh ở Ban văn nghệ rất nhiệt tình tiếp mình. Tôi đưa bài và nói:

- Các anh xem bài phóng sự này, lần đầu tiên tôi viết dài thế này. Các anh giúp sửa dùm.

Anh bạn ở Ban văn nghệ ngồi đọc tại chỗ, đọc rất chăm chú, rồi ngẩng lên nhìn mình và thốt lên:

- Bon, Bon article([9]), anh viết có nội dung tốt lắm. Chúng tôi sẽ giúp anh sửa từ ngữ tiếng Pháp một chút thôi.

Nghe anh ta nói mình vui mừng khấp khởi. Chủ nhật tuần đó. Ngủ dậy, mình ra sạp báo mua ngay một tờ và lật trang văn nghệ. Ồ, vui quá. Bài được đăng. Đọc đi đọc lại mấy lần vẫn thấy sướng bụng. Nhưng còn một điều sướng nữa, các chú có biết điều gì không?

Mọi người đang ngơ ngác thì Bác giơ cả năm ngón tay: Họ trả cho mình năm mươi france. Ôi! Số tiền nhuận bút này bằng hơn một tháng lương lúc rời Sài Gòn xuống tàu làm thủy thủ, mình đủ sống 25 ngày ở Paris. Bác hớn hở. Nhưng sướng hơn nữa là việc học viết báo có kết quả([10]).

Nhìn mọi người, thấy ai cũng tươi cười, Bác nói:

- Vậy là từ đó báo chí là công cụ chiến đấu của tôi. Ở Pháp tôi ra đời tờ Le Paria (Người cùng khổ), ở Liên Xô tôi viết cho nhiều báo. Lấy báo chí làm cái chuông, gióng lên cho thế giới cùng nghe về nổi khổ của nhân dân bị nô lệ, bị thuộc địa. Bây giờ các chú cũng phải như anh, phải viết và phải coi báo chí là một binh chủng để chiến đấu.

Những ngày tháng 6 của năm 1925. Bác và các thầy trò hì hục làm báo. Bản thảo bài báo được viết bằng bút mực tím đậm để in trên bản bột, do cách in thủ công này mỗi bản bột chỉ in trên dưới một trăm bản là mờ. Lê Hồng Sơn viết, Lâm Đức Thụ dò lại, Hồ Tùng Mậu in bản đầu đưa Bác xem trước khi in chính thức. Số đầu tiên ngoài các bài do Bác viết, còn có trích các bài trên các báo giới thiệu về cách mạng, về Đảng Cộng sản, về giai cấp vô sản. Bài viết rất giản đơn nhưng sâu sắc.

Báo Thanh niên số đầu tiên ra ngày 21 tháng 6 năm 1925. Ngày này, sau gần một trăm năm vẫn đã và đang là ngày của Báo chí Cách mạng Việt Nam. Đây là tờ báo cách mạng vô sản đầu tiên của Đảng ta. Số đầu tiên có nội dung rất phong phú. Dưới bút danh “Đội trưởng” có bài như một xã luận mang tiêu đề “Nhiệm vụ của một người lính”, trong đó có đoạn: “Những kẻ nào áp bức nhân dân ta đều là kẻ thù của ta. Nhiệm vụ của ta là phải đánh chúng. Nhiệm vụ đó chúng ta phải làm tròn”. Số đầu tiên còn có bài “Vì sao chúng ta phải đoàn kết”. Và trên trang đầu số 1 có một lời “Bá cáo” chỉ rõ vì sao những cuộc cách mạng ở nước ta chưa thành công và khẳng định rằng: “Với lòng yêu nước, nếu chúng ta đoàn kết, chúng ta sẽ thắng lợi”. Bác in trên giấy khổ 18x24 là khổ giấy thông dụng ở Quảng Châu ngày ấy. Hai chữ Thanh niên Bác cho viết nối nhau như một đội trai trẻ nắm tay nhau tiến về phía trước. Bên trái là ngôi sao năm cánh, trong lòng là con số của mỗi số báo. Ở giữa hai chữ Thanh niên viết bằng tiếng Trung Quốc. Báo có hai cột đứng, Bác cho báo mở nhiều mục như tin tức, trả lời đọc giả, bút đàm (vấn đáp), từ điển cách mạng, lịch sử nước nhà. Bác mở cả mục “Phụ nữ đàm” để đàm luận với chị em. Bác nói một nửa dân số là phụ nữ nên phải có mục phụ nữ đàm, dưới các bài viết này ký những tên rất nữ như: Mộng Liên, Hương Lan, Hương Mộng. Bài viết ngắn, văn phong đơn giản. Báo Thanh niên thường 4 trang hoặc 8 trang, nhẹ nhàng, dễ chuyển về nước, Bác nói: Báo ta phải nhỏ gọn để các đồng chí mình dễ phân phát, tuyên truyền. Bác khuyến khích các kỳ bộ in lại để nhân ra. Qua tàu viễn dương, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đưa báo về nước cho cả ba kỳ. Đồng chí Nguyễn Công Thu khi mang báo về Hà Nội, đã tổ chức in lại gọi là nối bản thêm đến hàng trăm bản để gởi cho các tỉnh. Ở Nam Kỳ, Trung Kỳ và cả ở Xiêm, các anh chị em phải ngồi chép lại nhân ra. Tờ báo có sức hút, có sự lan tỏa rất lớn. Hôm báo ra số đầu tiên Bác đã cầm ra lớp huấn luyện để giới thiệu với mọi người. Và nhân đó, Bác dặn anh em phải nhớ đến vai trò đặc biệt quan trọng của báo. Tờ báo là tiếng nói của tổ chức, là lời kêu gọi, là sự hướng dẫn nhân dân. Báo thay ta trao đổi với người đọc và hơn thế thông qua tờ báo ta đấu tranh trực diện với kẻ thù. Bởi vì báo cách mạng thì địch đọc không sót dòng nào. Cho nên, ở Pháp Bác ra báo Người cùng khổ, ở Liên Xô sáng lập báo Nông dân Quốc tế. Bác dặn mọi người hãy coi báo chí là vũ khí chiến đấu. Bác tập cho Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Lê Duy Điếm, Trương Vân Lĩnh viết báo và làm báo.

Mậu bảo Thụ viết bài, Thụ chỉ cười trừ.

Một lần Lê Hồng Sơn khích Lâm Đức Thụ?

- Này, “nhà báo”, sao không viết bài?

- Tôi là nhà báo hồi nào? Chú cứ nói điêu.

- Thì có máy ảnh đeo lủng lẳng mà không phải ký giả à?

- Chỉ để chụp chơi thôi.

Báo Thanh Niên đã về đến Việt Nam với cả ba miền Trung, Nam, Bắc, gõ cửa từng nhà và đặc biệt gõ được cửa lòng những thanh niên, những trí thức yêu nước, góp phần quan trọng trong việc hướng dẫn, giới thiệu và giáo dục tư tưởng cách mạng trong nhân dân và thanh niên Việt Nam.

Mật thám theo dõi rất chặt chẽ báo Thanh niên. Năm 1933, Louis Marty, Giám đốc lâm thời Sở Liêm phóng Đông Dương sau này trở thành người nghiên cứu về lịch sử Đông Dương và trong bài viết về Đảng Cộng sản Đông Dương, y đã nhắc đến báo Thanh niên: “88 số báo này (Thanh niên) ra từ tháng 6 năm 1925 đến tháng 4 năm 1927 do Nguyễn Ái Quốc lãnh tụ Cộng sản Đông Dương sáng lập và tự tay viết bài, biên tập. Chúng tôi thấy kỹ thuật mà ông ta dùng rất thức thời. Ông ta đã dùng những từ Hán nôm của Việt Nam thông dụng giúp người đọc dễ hiểu, dễ tiếp nhận. Chủ bút báo Thanh niên, ông Nguyễn Ái Quốc đã rất kiên nhẫn. Tờ báo được nhiều người đọc không phải là Hội viên mà chỉ là cảm tình của Hội, có người đọc đi đọc lại nhiều lần. Họ đã chịu khó chép tay tờ báo để lưu truyền rộng rãi. Vì vậy, dù số lượng in ít, báo vẫn lan tỏa rộng và có kết quả lớn([11]).

*

* *

Quảng Châu tháng 5 năm 1926, trời đang nắng bỗng đổ mưa, cơn mưa rào to, nước ngập cả hai bên đường. Bác đang khẩn trương chuẩn bị để nhân ngày giỗ đầu của Phạm Hồng Thái sẽ công bố việc thành lập Tổng Hội Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội và kết nạp các hội viên khóa đầu tiên. Mọi việc đang tiến hành thuận lợi thì có tin cụ Phan Chu Trinh mất ở Sài Gòn, cả vạn người đưa tiễn. Và mới nhất là tin cụ Phan Bội Châu trên đường về Quảng Châu gặp Bác và dự giỗ đầu Phạm Hồng Thái thì bị mật thám Pháp ở Đông Dương phối hợp với mật thám Trung Quốc bắt lén ở Thượng Hải. Bao câu hỏi đặt ra với Bác: Sống dưới chế độ Cộng hòa của Quốc dân Đảng sao lại có việc bắt lén và lại là mật thám Pháp bắt? Ai báo cho mật thám Pháp biết cụ Phan Bội Châu từ Hàng Châu lên Thượng Hải để đón bắt… (Những câu hỏi này mãi sau này khi cụ Phan về ở ẩn tại Huế viết cuốn “Tự phê phán” mới rõ nguồn cơn việc bắt này. Cụ Phan viết: “Tháng 5 Ất Sửu tôi định về Quảng Đông nhằm hai mục đích: một là vấn đề cải tổ Việt Nam Quốc Dân đảng, hai là truy điệu liệt sĩ Phạm Hồng Thái đệ nhất chu niên... Trước kia tôi ở Hàng Châu vẫn phải mua ngân phiếu của Đức gửi sang Berlin để làm học phí cho anh Trần Trọng Khắc hiện học ở đấy. Mỗi năm tôi phải lên Thượng Hải hai lần vào tháng 6 và tháng 12. Lần này vì việc truy điệu Phạm liệt sĩ nên tôi đi trước một tháng. Ngày 11 tháng 5 tôi đến Thượng Hải, định mua ngân phiếu xong thì đáp thuyền đi Quảng Đông... Tôi gửi hành lý ở nhà chứa hàng hóa, tay xách một túi da nhỏ ra cửa ga định đi tới nơi mua ngân phiếu, thì thấy một chiếc xe hơi rất đẹp, có bốn người Âu Tây đứng chung quanh xe... Tôi vừa ra khỏi ga được mấy bước thì một người Âu dùng tiếng Trung Hoa bảo tôi: Xe này rất tốt, mời tiên sinh lên xe. Tôi nhã nhặn từ chối thì tự nhiên có một người ở đằng sau xe hết sức đẩy tôi lên xe. Máy xe sình sịch chuyển động, thế là tôi đã lọt vào tô giới Pháp. Rồi xe chạy đến bờ bể, tàu binh của Pháp đã chực sẵn ở đấy. Thế là tôi trở thành một tù phạm của giặc Pháp…”.

Bác buồn, cụ Phan Châu Trinh đột ngột ra đi chỉ vài tháng sau khi ở Pháp trở về. Giờ cụ Phan Bội Châu bị bắt và giải về Đông Dương. Thật là những tin đáng buồn. Càng nghĩ tới các vị tiền bối cao quí, Bác càng thấy trách nhiệm to lớn và nặng nề của mình. Bác tự nhủ: Phải cố gắng để làm tốt hơn nữa sự nghiệp thành lập Đảng để giải phóng dân tộc. Bác lao vào công việc với quyết tâm lớn hơn.

*

* *

Cuối năm 1926, anh em trong nước ra đông, có thể nói là quá bất ngờ, có cả các tỉnh Nam Kỳ lục tỉnh xa xôi. Bác rất vui. Trong số đó, có một thanh niên khoảng ba mươi tuổi đến xin gặp Bác.

- Thưa anh, em là Lê Mạnh Trinh quê ở Thanh Hóa, trước là thầy giáo gõ đầu trẻ, em gặp một số bạn trẻ hăng hái tham gia phong trào rủ nhau đi vào Nam tìm đồng chí cách mạng. Em vào Sài Gòn, giao lưu, được dự cả cuộc diễn thuyết cuối cùng của cụ Phan Châu Trinh. Em gặp anh Phan Trọng Bình rủ nhau qua đây học làm cách mạng.

- Chú vậy là quyết chí cao đấy, từ Xứ Thanh vào tới Sài Gòn và giờ đến đây để học làm cách mạng. Anh hoan nghênh chú. Sao ở Sài Gòn chú có dự đưa đám cụ Phan Châu Trinh không?

- Dạ, có ạ. Đám cụ to lắm, đến sáu vạn người đưa, cả vạn người để tang đen trên tay áo trắng, người đưa đám tang kéo dài từ trung tâm Sài Gòn lên đến Tân Sơn Nhất.

- Dân Sài Gòn thương cụ Phan là thương người yêu nước, cũng có nghĩa là đồng bào yêu nước rất đông.

- Dạ, đúng vậy à. Nhật trình nói: đám tang lớn chưa từng có. Ngừng một chút anh thưa:

- Thưa anh, còn việc này hệ trọng. Ở Sài Gòn, em có được cụ Nguyễn Sinh Huy.

- Thế à, anh gặp cha tôi à. Cụ ra sao?

- Dạ cụ khỏe, cụ làm nghề bắt mạch kê toa chữa bệnh cho mọi người ở tiệm thuốc bắc Phúc Sinh Đường. Trước khi đi em đến chào cụ. Cụ dẫn em đến quán chè mè đen gọi hai bát. Bác cho em, cụ gọi thêm quả trứng, cụ nói:

- Cháu ăn lấy sức mà đi, cháu đi phải cố gắng. Bác nghe nói Quốc, con Bác đang ở bên đó. Gặp Quốc cháu nói Bác vẫn khỏe mạnh, bình an, đừng lo gì cho Bác. Lúc này cứu nước là hệ trọng. Lo cho nước là có hiếu với cha.

Bác nghe chăm chú, như muốn nuốt từng từ, từng chữ của cha. Đã mười mấy năm rồi, nay mới có tin. Bác mừng vui, xúc động:

- Quí quá. Mười lăm năm rồi cha con tôi xa nhau, bặt tin tức. Nay chú qua mang cho tôi món quà lớn quá.

- Thưa anh, cụ còn kể lại trước lúc cụ Phan Châu Trinh lâm chung, Bác cùng cụ Huỳnh Thúc Kháng và vài người nữa bên cạnh cụ Phan. Cụ Phan Châu Trinh nắm tay cụ Huỳnh trăn trối:

“Việt Nam độc lập sau này, sở cậy vào Nguyễn Ái Quốc”.

Bác nghe điều này càng xúc động hơn. Bác nhìn xa xăm như nhớ lời cụ Phan dục phải về nước làm cách mạng. Bác nhìn anh Trình và nói:

- Em à! Lời dặn lại của cụ Phan là lời trao gởi sâu đậm, cũng là trọng trách cụ giao lại cho anh em chúng ta.

- Dạ.

*

* *

Khóa huấn luyện thứ hai tổ chức trong tháng 8, tháng 9 mùa thu đẹp trời chỉ có mười lăm học viên trong đó có Trần Phú([12]), Phan Trọng Bình, Nguyễn Công Thu, lê Thiết Hùng, Nguyễn Văn Khang, Đặng Thái Thuyến… Đồng chí Nguyễn Lương Bằng([13]) thủy thủ tàu của Pháp chạy đường Quảng Châu – Hải Phòng một tuần sang dự được vài ba buổi.

Khóa thứ hai vừa kết thúc, số đông trở về nước hoạt động một ít từ hai khóa được Bác cử đi Liên Xô học Trường Đại học Phương Đông như Trần Phú (bí danh Lý Quí), Lê Hồng Phong. Một số Bác gởi vào Trường Quân sự Hoàng Phố như Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Lê Thiết Hùng… Những ngày cuối năm, anh em trong nước từ nhiều con đường đã đến Quảng Châu không phải mười lăm đến hai mươi người, mà rất đông. Bác đề nghị Phương Liên và Lâm Đức Thụ tìm thuê thêm chỗ để anh em có chỗ lưu trú. Bác tranh thủ gặp gỡ anh em để nghe tin tức, tình hình và tìm hiểu tâm tư nguyện vọng. Lý Phương Liên cũng tất bật, cô đã tìm được thuê căn gác hai ở phố Nhân Hưng gần Đại lộ Đông Cao. Và thu xếp cho anh em có chỗ nghỉ hợp lý. Đồng thời tổ chức bếp ăn ở số 13 Văn Minh, mọi cái đều biến động, từ cái chảo, cái bếp nấu cơm, rồi nồi, niêu, chén, dĩa đều phát sinh. Hồ Tùng Mậu chạy đôn chạy đáo, lo cho đủ áo ấm, chăn ấm vì những ngày cuối năm Quảng Châu với độ ẩm cao, cái rét như cắt da, cắt thịt. Phương Liên phải làm cả nồi than để giữa phòng để mọi người bớt rét. Mọi tất bật rồi cũng đâu vào đấy.

Hôm khai giảng khóa 3, Bác nhìn anh em khắp lượt với một niềm vui hớn hở. Bác nói: khóa một có hơn mười học viên kể cả các đồng chí dự kết hợp. Khóa hai có mười lăm người và khóa này có năm mươi đồng chí từ cả ba Kỳ Bắc, Trung, Nam. Điều đó nói lên điều gì anh em hiểu không? Nó nói lên cách mạng đang phát triển rất tốt ở Việt Nam ta. Điều đó cũng khẳng định vị trí vai trò của Thanh niên Cách mệnh đồng chí Hội, khẳng định cả nước đều có hạt nhân, có phong trào, có nhiều người yêu nước và quyết tâm làm cách mạng. Tôi hoan nghênh các anh em, những đồng chí yêu quí dân tộc đã vượt muôn trùng khó khăn đến đây.

Cả hội trường vỗ tay kéo dài.

Bác nhìn mọi người và nói: Để làm quen nhau, đề nghị đồng chí Lê Hồng Sơn làm thủ tục giới thiệu.

Lê Hồng Sơn bước lên:

- Bây giờ tôi đọc từng tỉnh các anh đứng lên nhá. Mời các đồng chí Nam Kỳ lục tỉnh đứng dậy.

Chúng có 7 người: Tôi là Lê Văn Phát, quê ở Bến Tre; Tôi là Nguyễn Trung Nguyệt cũng ở Bến Tre; Tôi Hồ Cao Cương ở Tân An; Tôi là Lê Mạnh Trinh, người Thanh Hóa và anh Phan Trọng Bình quê ở Hà Tĩnh nhưng cả hai chúng tôi vào Nam Kỳ, hoạt động ở Sài Gòn và đến đây từ Sài Gòn.

- Hoan nghênh Nam Kỳ lục tỉnh xa xôi - Bác nói:

- Bây giờ đến Trung Kỳ - Lê Hồng Sơn tiếp tục:

- Tôi là Phạm Văn Đồng, quê ở Quảng Ngãi; Tôi là Nguyễn Công ở Quảng Nam.

- Bây giờ đến nơi đông nhất là Nghệ Tĩnh, anh quay qua báo cáo với Bác:

- Thưa anh, Nghệ Tĩnh có 10 người.

- Ồ, dân Nghệ nhà Choa([14]), tốt quá – Bác cười tươi.

Lần lượt các đồng chí Trần Văn Cung, Nguyễn Sỹ Sách, Phan Đăng Đệ, Phùng Chí Kiên, Nguyễn Dật, Hồ Tân Sơn, Hoàng Văn Hoan, Ngô Thiên, Nguyễn Mỹ, Nguyễn Thái đứng dậy trong tiếng vỗ tay liên tục.

- Thanh Hóa cũng khá ạ, nếu kể cả anh Trịnh là 5 người – Các đồng chí đứng dậy.

- Tiếp theo, mời các đồng chí Thái Bình, Nam Định.

Năm đồng chí Thái Bình, Nam Định đứng dậy: Tôi Nguyễn Đức Cảnh, còn đây là đồng chí Nguyễn Danh Đới, đồng chí Vũ Trọng, đồng chí Nguyễn Tường Loan và đồng chí Nguyễn Văn Hoan Nam Định.

- Bây giờ các tỉnh quanh Hà Nội. Các đồng chí Bắc Ninh.

- Thưa tôi là Phi Vân, đây là Dương Hạc Đính, đây là Nguyễn Văn Ngọ, tôi là Kim Tôn, tôi là Bàng Thống, tôi là Đỗ Huy Liêm tức Phương Sỹ Hùng, tôi là Nguyễn Văn Ngọ.

- Bác giơ tay: Như vậy là Kinh Bắc cũng đông có đến bảy người.

- Dạ, tôi Nguyễn Trọng Ngọc ở Bắc Giang sát Bắc Ninh ạ.

- Con tôi là Phan Đức quê ở Hải Dương.

- Dạ thưa, Hà Nội và Hà Đông có ba người: Tôi là Trịnh Đình Cửu, tôi là Nguyễn Sơn và tôi là Đỗ Ngọc Du tức Phiếm Chu ở Hà Đông ạ.

Mỗi đoàn, mỗi người đứng dậy đều được vỗ tay vang dậy. Một không khí hết sức phấn khởi. Bác hỏi:

- Các chú thấy có vui không?

- Có ạ! Rất vui ạ.

- Tốt, có vui vẻ mới học tốt được.

Bác nói tiếp:

- Chương trình học tập của khóa này gồm các chủ đề chính như sau:

- Cách mạng là gì? Cách mạng các nước thế nào?

- Các chủ nghĩa, Tam dân, Cộng sản, Tư bản, thực dân…

- Các chính thể, các tổ chức đoàn thể.

- Khóa học cũng giúp anh em có kiến thức về vận động cách mạng, vận động quần chúng, tổ chức hội đoàn, tập hợp lực lượng để tiến tới thành lập Đảng Cộng sản và sau nhất là tổ chức lực lượng để khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền. Sẽ hỗ trợ các anh em cách làm báo, cách tuyên truyền và các phương thức đấu tranh, mỗi đồng chí phải biết diễn thuyết và phải diễn thuyết tại lớp này…

Tôi sẽ trực tiếp giảng bài, trợ giúp tôi có Hồ Tùng Mậu và Lê Hồng Sơn.

Chúng tôi đã mời các đồng chí là những nhà cách mạng Trung Quốc đã từng thân quen với tôi ở Pháp như Chu Ân Lai, Lý Phú Xuân, Trần Diên Niên, Bành Bái. Các đồng chí Liên Xô, đặc biệt đồng chí Borodin, Trưởng cơ quan đại diện tại Quảng Châu cũng sẽ đến giảng bài với các đồng chí. Phần phiên dịch tiếng Nga, tôi hoặc cô Phương Liên sẽ dịch, tiếng Hoa thì Lâm Đức Thụ và Hồ Tùng Mậu dịch. Chúng ta sẽ học bốn mươi lăm ngày và sẽ kết thúc vào dịp tết Nguyên Đán năm 1927. Hôm nay đã là 15 tháng mười một âm lịch rồi, chỉ có 45 ngày nữa là sang năm mới, là đến tết Đinh Mùi. Chúng ta sẽ có một cái tết đặc biệt tại Quảng Châu với đội ngũ lên đến sáu bảy chục anh em, những hạt giống đỏ của cách mạng vô sản Việt Nam quây quần đón tết. Như vậy sẽ rất vui. Các chú phải chuẩn bị các tiết mục văn nghệ nhé.

Mọi người vỗ tay nhiệt liệt.

Bác đưa ra một quyển sách và giới thiệu: “Đây là quyển “Đường Kách mệnh” gồm cái bài giảng ở hai khóa trước. Quay sang Phương Liên Bác nói:

Cô Phương Liên đây đã ghi tốc ký để chúng tôi tu chỉnh. Các đồng chí có thể làm cẩm nang để hoạt động và để mở các lớp ở ngay trong địa phương mình.

Tôi đề nghị đồng chí Hồ Tùng Mậu giới thiệu với anh em về nội dung chính của “Đường Kách mệnh”.

Hồ Tùng Mậu đứng lên:

- Kính thưa đồng chí Vương, thưa các đồng chí.

Tôi xin giới thiệu tác phẩm “Dường Kách mệnh”. Chúng ta thấy đồng chí Vương có cải cách chữ quốc ngữ như dùng D thay cho Đ, dùng K thay cho C… nên sách ghi tên là Kách Mệnh thay cho Cách mạng. Sách in khổ một nửa trang giấy để tiện lưu hành. Sách in rất ít, nên mỗi tỉnh chỉ có một cuốn mang về. Các đồng chí có thể chép ra, nhân ra.

Cuốn sách là giáo trình đồng chí Vương và các đồng chí khác đã dạy tại hai khóa I và II được đồng chí Vương biên soạn lại với ngôn ngữ dễ hiểu, phân ra từng vấn đề. Sách có mười lăm vấn đề chính:

- Tư cách một người kách mệnh.

- Vì sao phải viết sách này?

- Kách mệnh.

- Lịch sử kách mệnh Mỹ.

- Kách mệnh Pháp.

- Lịch sử kách mệnh Nga.

- Quốc tế.

- Phụ nữ Quốc tế.

- Công nhân Quốc tế.

- Cộng sản Thanh niên Quốc tế.

- Quốc tế giúp đỡ.

- Quốc tế cứu tế đỏ.

- Cách tổ chức công hội.

- Tổ chức dân cày.

- Hợp tác xã.([15])

Tôi xin đọc một mục trong phần “Vì sao phải viết sách này?”.

“Mục đích sách này là để nói cho đồng bào ta biết rõ: (1) Vì sao chúng ta muốn sống thì phải Kách mệnh. (2) Vì sao Kách mệnh là việc chung cả dân chúng chứ không phải việc một hai người. (3) Đem lịch sử Kách mệnh các nước làm gương cho chúng ta soi. (4) Đem phong trào thế giới nói cho đồng bào ta rõ. (5) Ai là bạn ta? Ai là thù ta? (6) Kách mệnh thì phải làm thế nào?

Sách này muốn nói cho vắn tắt, dễ hiểu, dễ nhớ. Chắc có người sẽ chê rằng văn chương cụt quằn. Vâng! Đây nói việc gì thì nói rất giản tiện, mau mắn, chắc chắn như 2 lần 2 là 4, không tô vẽ trang hoàng gì cả.

Hơn sáu mươi năm nay, đế quốc chủ nghĩa Pháp đạp trên đầu; hơn hai mươi triệu đồng bào hấp hối trong vòng tử địa. Phải kêu to, làm chóng để cứu lấy giống nòi, thì giờ đâu rảnh mà vẽ vời trau chuốt!

Sách này chỉ ước ao sao đồng bào xem rồi thì nghĩ lại, nghĩ rồi thì tỉnh dậy, tỉnh rồi thì đứng lên đoàn kết nhau mà làm Kách mệnh.

Văn chương và hy vọng sách này chỉ ở trong hai chữ: Kách mệnh! Kách mệnh!! Kách mệnh!!!”([16])

- Và các đồng chí xem ở bìa sách đây – Hồ Tùng Mậu giơ cao quyển sách nói: Có lời dạy của Lenin: “Không có lý luận Kách mệnh thì không có cách mệnh hành động… Chỉ có theo lý luận Kách mệnh tiên phong, Đảng cách mạng mới làm nổi trách nhiệm Kách mệnh tiên phong”.

Vâng, thưa các đồng chí, quyển sách này sẽ đưa đến các đồng chí những lý luận kách mệnh đầu tiên để chúng ta làm tròn trách nhiệm đối với dân tộc mình.

*

* *

Đầu năm 1927, tin dữ từ Bắc Kinh bay về. Tôn Trung Sơn qua đời vì căn bệnh ung thư rất hiểm ác. Borodin mời Bác đến trao đổi.

- Tôn Tiên Sinh qua đời, anh nghĩ sao?

- Tiếc quá. Người ra đi sớm quá, tiến trình cách mạng mới bắt đầu. Giờ Tưởng Giới Thạch thay thế, dù là em rể, nhưng chắc sẽ không theo con đường của Tôn Tiên Sinh. Những chuyện xảy ra lôi thôi lâu nay là của phe cực hữu trong Quốc dân Đảng, không loại trừ do Tưởng Giới Thạch chỉ đạo.

- Đúng vậy, Borodin khẳng định: trước sau gì chuyện đó cũng xảy ra. Chúng ta phải tính trước. Văn phòng chúng tôi đang xin chủ trương, có lẽ khi đó sẽ về Vũ Hán với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đồng chí Trương Thái Lôi sẽ ở lại với các đồng chí Đảng Cộng sản Quảng Đông. Đồng chí Lý Thụy đang dang dở với tiến trình cách mạng của An Nam có lẽ phải tìm cách bám trụ.

- Tôi sẽ tìm chỗ bí mật ở lại đây để xây dựng phương thức hoạt động mới cho nhóm hải ngoại của cách mạng Việt Nam và tiếp tục chỉ đạo trong nước. Nếu tình huống xấu tôi sẽ qua Hồng Kông hoặc qua Thái Lan. Đồng chí báo cáo xin ý kiến Quốc tế Cộng sản dùm tôi.

- Tôi đã báo cáo rồi.

Ngày 12 tháng 4 năm 1927, tại văn phòng Borodin có cả Trương Thái Lôi, tướng Galin và Bác, vợ Borodin và vài cán bộ của Quốc tế Cộng sản. Borodin chủ trì cuộc họp:

- Đề nghị đồng chí Galin thông báo tình hình.

- Vâng. Galin đứng dậy nói: Rạng sáng nay, Quốc dân Đảng đã chính thức đảo chính ở Thượng Hải. Họ truy bắt các Đảng viên Cộng sản, tấn công văn phòng Quốc tế Cộng sản. Một cuộc khủng bố và tàn sát theo kiểu đế quốc chắc chắn sẽ xảy ra. Và tôi nghĩ họ sẽ tấn công Quảng Châu. Ở đây, nơi đầu tiên chắc là Trường quân sự Hoàng Phố, là trụ sở Đảng Cộng sản Trung Quốc. Các đồng chí Đảng Cộng sản Trung Quốc đã có chuẩn bị cơ sở bí mật. Tôi nghĩ các đồng chí ấy sẽ đối phó tốt. Phần này đồng chí Trương Thái Lôi báo cáo thêm. Phần chúng ta đã đến lúc thực hiện kế hoạch hai.

- Mời đồng chí Trương Thái Lôi phát biểu.

- Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Quảng Đông đã chủ động tính toán từ khi Tôn Tiên Sinh lâm bệnh nặng. Đồng chí Chu Ân Lai đã được điều về căn cứ. Chúng tôi đã chuẩn bị tất cả, kể cả việc vũ trang giành chính quyền khi cần thiết. Theo tôi, văn phòng đồng chí Borodin nên chuyển ngay về Vũ Hán cùng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.

- Cảm ơn đồng chí Trương. Quốc tế Cộng sản có chỉ đạo chúng ta sẽ rút về Vũ hán. Đồng chí Trương ở lại tham gia lãnh đạo Tỉnh ủy Quảng Đông. Đồng chí Lý Thụy tùy cơ ứng biến, nhưng phải bảo toàn lực lượng để lãnh đạo cách mạng An Nam.

*

Buổi chiều, cuộc hội nghị khẩn cấp của Bác với số cốt cán Việt Nam. Ngoài Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Lý Phương Liên và vài đồng chí nữa, có cả Trương Vân Lĩnh, một Đảng viên dự bị đang công tác ở Cục Công an Quảng Châu. Bác phổ biến lại những diễn biến ở Thượng Hải và nói:

- Lực lượng phản động sẽ làm ở Quảng Châu như ở Thượng Hải. Bọn Thương đoàn sẽ là kẻ đàn áp dã man trước nhất. Anh Lĩnh có tình hình cụ thể gì cho anh em biết.

- Dạ, đúng là họ đã lên kế hoạch bao vây Bàu Công quán, lên danh sách để bắt những người chủ chốt mà trước nhất là ở Trường quân sự Hoàng Phố, bắt các Đảng viên, mọi việc có thể nổ ra trong gần đây.

Tình hình như vậy ta quyết định thế này:

- Dời văn phòng Tổng bộ sang Hồng Kông. Giao anh Mậu, anh Sơn đảm trách. Các đồng chí vừa theo dõi phong trào trong nước và tiếp tục mở lớp huấn luyện nếu có yêu cầu. Phong trào và uy tín của Hội Thanh niên Cách mạng trong nước đang phát triển tốt, phải duy trì. Ta đặt một bộ phận ở sát biên giới Việt Nam làm cơ sở thứ hai cũng để liên lạc trong nước, giao đồng chí Nguyễn Công Thu phụ trách. Tôi sẽ tiếp tục ở đây một thời gian nữa, tùy tình hình tính tiếp.

- Hôm nay không có anh Lâm Đức Thụ ở đây - Trương Vân Lĩnh nói: Tôi đề nghị các đồng chí xem lại anh này, có nhiều nghi vấn. Trước đây toàn quyền Đông Dương đã gởi điện sang cho Tổng lãnh sự quán Pháp thông báo “Nguyễn Ái Quốc đã xuất hiện ở Quảng Châu”. Chúng còn hỏi “Có phải Lý Thụy là Nguyễn Ái Quốc không?”. Nhưng mới đây tôi thấy một bản sao điện của chúng gởi Bộ thuộc địa Pháp Anh. Lĩnh dừng lại và rút trong túi áo ra một mãnh giấy chép tay, anh đọc: điện viết thế này: “Lý Thụy vẫn giấu hết sức cẩn thận lý lịch thật với đồng bào mình ở Quảng Đông và không thể chụp được ảnh của anh ta. Một vài thông tin thể hiện được cho chúng tôi nghĩ rằng chính Lý Thụy là Nguyễn Ái Quốc. Anh ta làm công việc báo chí của đại diện Liên Xô ở Quảng Châu và hiện ở trong cơ quan này([17])”. Các anh, các chị xem ai cung cấp thông tin này cho toàn quyền Pháp ở Đông Dương?.

- Tôi nghi Lâm Đức Thụ lắm - Lê Hồng Sơn đứng dậy khẳng định: không chụp được ảnh là anh ta. May mà hôm gặp đầu tiên ở nhà tiệm thuốc bắc anh ta không có mặt, nên không thể biết đồng chí Vương là Nguyễn Ái Quốc.

- Tôi cũng nghi - Hồ Tùng Mậu nói. Hôm ở dưới tàu thủy trong tô giới nước Anh ra, anh Nguyễn Lương Bằng nói với tôi là gặp Lâm đi vào đó, vào Tô giới để làm gì?

- Còn cái này nữa - Lĩnh nói: Mới đây, sau khi cụ Tôn Dật Tiên mất, bên mật vụ Pháp hôm rồi ra gặp Công an Quảng Châu đem theo một tập ảnh chụp lén để yêu cầu nhận dạng. Xem có ai ở Quảng Châu không? Tập ảnh chụp nhiều người Việt Nam có lý lịch kèm theo. Tôi nghe nói, chứ không trực diện thấy nó. Ai cung cấp tập ảnh này? Còn cái này thì tôi thấy, hôm phái viên Quốc tế Cộng sản đến kiểm tra lớp huấn luyện. Anh Phạm Văn Đồng có đọc bài chào mừng bằng tiếng Pháp đúng không?

- Đúng rồi.

- Tại sao mật thám có bài này?

- Chắc là Lâm Thụ đưa nộp, vì anh ta phụ trách lớp…

Mỗi người một câu nghi ngờ. Bác ra dấu im lặng, Bác nói:

- Tôi biết Lâm Đức Thụ hồi còn nhỏ. Nhà anh ta giàu, địa chủ, nhưng yêu nước, tiếc thay…

Bác trầm giọng:

- Chúng ta phải bình tĩnh, cũng chỉ mới là nghi vấn, chưa có bằng chứng cụ thể. Anh ta đang là Tổng thư ký của Tổng Hội, cứ để anh ta làm, mình giám sát và cảnh giác, chúng ta phải đặt Thụ vào diện cảnh giác cao nhất. Tình hình trong nước đang rất thuận lợi. Các kỳ, các tỉnh đều có tổ chức cách mạng. Sang Hồng Kông chú Mậu, chú Sơn xem lúc nào thích hợp thì tổ chức mời các Kỳ bộ về họp toàn quốc Hội Thanh niên và đề xuất lấy Hội Thanh niên Cách mạng làm nền tảng để tiến tới thành Đảng Cộng sản. Nếu tôi không dự được thì các đồng chí cứ bàn chủ trương. Và dần dần xóa vai trò của Lâm Đức Thụ. Chú Tùng Mậu, chú Hồng Sơn, chú Công Thu sẽ đi sớm. Bây giờ chú Vân Lĩnh phải bám ở Sở Công an, chú Quảng Đạt tạo vỏ bọc khéo để hoạt động. Mọi việc cứ bình thường với Lâm Đức Thụ([18]). Biết rồi thì không sợ, kể từ ngày mai ta bất động cho việc kết thúc hoạt động ở căn nhà này.

Mọi người ra về, Bác và Lý Phương Liên ngồi lại: Bác đề nghị Phương Liên:

- Bây giờ có hai việc trước khi chúng ta rời khỏi đây là em viết một báo cáo gởi Quốc tế Cộng sản bằng đường điện báo.

- Báo cáo nội dung thế nào anh?

- Trước tình hình Quảng Châu như các đồng chí. Chúng tôi phải rút ra khỏi cơ quan trước khi đồng chí Borodin về Vũ Hán và bắt đầu hoạt động bí mật. Văn phòng Tổng bộ của An Nam rút vào bí mật, đang tính đặt ở Hồng Kông.

Sau đó, ta tổng hợp những việc chính đã làm được: với nhiệm vụ xây dựng cách mạng trong nông dân Trung Quốc. Anh đã cùng các đồng chí Đảng Cộng sản tổ chức Đại hội nông dân với 117 đại biểu thay mặt hai mươi vạn nông dân Quảng Đông lập ra Hội nông dân của tỉnh, hai mươi hai huyện trong tỉnh đều có Hội nông dân. Phong trào nông dân cách mạng đấu tranh đòi lại ruộng đất từ tay địa chủ ở hai huyện Hải Phong và Lạc Phong rất kết quả. Họ đã có đội tự vệ nông dân lên đến năm trăm người. Chúng ta đã cùng Đảng Cộng sản Trung Quốc như đồng chí Trương Thái Lôi, Chu Ân Lai, Bành Bái thống nhất quan điểm và chủ trương về công tác quân sự của Đảng trong nông dân.

Bác đứng lên và nói riêng với Phương Liên:

- Trung Quốc và Việt Nam nông dân là lực lượng to lớn chiến đấu đến chín mươi phần trăm. Do vậy, nắm nông dân là làm nên sự nghiệp em ạ.

- Dạ, em ghi nhớ điều này.

Còn việc của Quốc tế Cộng sản giao cho anh về việc xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ lúc về đây đến nay là hai năm gần năm tháng được sự giúp đỡ của Đảng Cộng sản Quảng Đông, của cơ quan đại diện Liên Xô (của đồng chí Borodin) ta đã làm được:

- Thành lập được Hội Thanh niên Cách mạng đồng chí với gần một trăm hội viên nòng cốt có năng lực lãnh đạo. Tám mươi phần trăm số này về nước hoạt động tốt, cả ba Kỳ Bắc, Trung, Nam và các tỉnh đều có Hội, các Huyện và nhiều xã đã có huyện bộ và Chi bộ tập họp hàng nghìn thanh niên yêu nước có những hoạt động thiết thực, tạo cơ sở tích cực cho việc tiến tới thành lập Đảng Cộng sản.

- Bảy mươi lăm cán bộ chủ chốt đã qua Quảng Châu và được huấn luyện đào tạo cơ bản trong ba khóa về đường lối của Đảng, hiểu cách tổ chức, vận động quần chúng, xây dựng lực lượng…

- Thành lập Chi bộ hải ngoại có năm Đảng viên dự bị.

- Ra báo Thanh niên phát hành được tám mươi tám số có ảnh hưởng lớn trong nước.

- Tập hợp các bài giảng, biên tập ra một quyển mang tên “Đường Kách mạng”. Đây cũng là giáo trình để các kỳ bộ, tỉnh bộ mở các lớp huấn luyện giáo dục và phát triển lực lượng. Tài liệu đưa về nước được nối bản in và phân phối sâu rộng…

- Cùng với các đồng chí Trung Quốc đã lập được Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Quảng Châu và đã có một Đại hội hơn hai trăm đại biểu của Trung Quốc, Việt Nam. Ấn Độ, Indonesia, Triều Tiên.

- Một điều quan trọng nữa là anh ta tạo quan hệ tốt với Quốc dân Đảng của Tôn Dật Tiên và qua đó lôi kéo họ ủng hộ đường lối cách mạng vô sản.

Bác dừng lại, nhìn Phương Liên đang hí hoáy ghi và hỏi:

- Em ghi kịp không?

- Dạ kịp.

- Em dự thảo, anh sửa bổ sung. Ta phải gởi vào ngày mai em nhé.

- Dạ anh.

- Còn việc thứ hai nữa, đó là em phải tìm thuê một căn nhà để anh bí mật ở lại củng cố tổ chức, phù hợp tình hình này. Nếu rút ra ngoại ô sẽ an toàn hơn.

- Vâng, các anh bên Tỉnh ủy Quảng Đông cũng tính như vậy, em cùng các anh ấy có chọn rồi. Nhưng…

- Nhưng sao?

- Anh phải đưa giấy thông hành của anh. Bây giờ anh và em phải “nhập vai” mới thuê nhà được.

- Ừ, ừ. Anh hiểu. Một giây lúng túng, rồi bình tĩnh. Bác nói:

- Bước đầu ta cứ nhập vai, em thuê nhà cho anh chữa bệnh, được không? Vì anh sẽ ít ra khỏi nhà.

- Được, như vậy hợp lý. Vì thế nào anh cũng phải ở trong nhà một thời gian.

- Anh phải nhớ với hàng xóm anh không phải là đồng chí Vương nhá.

- Anh hiểu rồi, là Lý Thụy chồng của cô Phương Liên đúng không?

Phương Liên đỏ mặt cuối đầu mỉm cười.

ó

Hai hôm sau, Bác và Phương Liên chào đồng chí Borodin, rồi lặng lẽ rời khỏi Bàu Công quán mà không ai biết.

Trước lúc chia tay Borodin nói:

- Tôi đã nói văn phòng gởi đồng chí tiền phụ cấp mấy tháng. Phía trước rất khó khăn. Điện của Quốc tế Cộng sản chỉ thị: Phong trào cách mạng Đông Dương đang lên, phải có cách lãnh đạo để giữ vững phong trào. Đồng chí phải bảo trọng, chuyển sang Hồng Kông để tiếp tục lãnh đạo cách mạng An Nam. Trong trường hợp ở Hồng Kông không an toàn thị Ban Bí thư đồng ý đồng chí lên Thượng Hải, đón tàu về Liên Xô. Tôi đã nói đồng chí Trương Thái Lôi chỉ đạo Đảng Cộng sản Quảng Đông hỗ trợ đồng chí.

- Vâng! Cảm ơn và tạm biệt đồng chí. Họ ôm nhau không muốn rời.

*

Phương Liên đưa Bác về căn nhà mới thuê ở Hải Lục Phong, ngoại ô thành phố Quảng Châu. Liên mượn được từ Tỉnh ủy Quảng Đông chiếc xe đạp cũ để đi lại. Bác dặn Phương Liên bí mật liên hệ với Lê Quảng Đạt, một thành viên trong nhóm lãnh đạo của Hội Thanh niên và với Trương Vân Lĩnh để nắm tình hình, và truyền đạt chỉ thị của Bác.

Bác và Phương Liên ở trong căn nhà ngoại ô, có mãnh vườn nhỏ xíu phía sau. Sáng ra Bác vẫn ra tưới mấy khóm rau, cây ớt. Góc vườn nhỏ làm cho đầu óc Bác nhẹ nhõm hơn.

Và từ nơi ở bí mật này, Phương Liên đã tổ chức cho Bác những cuộc gặp bí mật với số anh em còn lại ở những địa điểm khác để chỉ đạo cách mạng Việt Nam tiếp tục phát triển. Lớp huấn luyện được tiếp tục mở ở biên giới sát Việt Nam, mở ở Xiêm và ở Hồng Kông, nơi có văn phòng Tổng bộ Thanh niên cách mạng đồng chí Hội.

Chỉ có 20 ngày của tháng 4, nhưng thật là căng thẳng. Sau những tháng ngày sống thoải mái trong không gian tự do ở Liên Xô và mấy năm ở Quảng Châu, giờ lại trở lại những ngày căng thẳng bởi các cuộc vây ráp, đàn áp khủng bố của Quốc dân Đảng phản động. Bác không thể ra khỏi nhà được. Phương Liên phải dùng lại tên của mình Lý Phương, tất cả mọi liên lạc đều phải nhờ Phương Liên. Cơm nước, chợ búa đều một tay cô. Trong bữa cơm tối dưới ánh đèn dầu, Bác nói với Phương Liên:

- Cách mạng Việt Nam thành công, dân tộc anh phải biết ơn em.

- Sao anh nói vậy, chúng ta đều chiến đấu cho một lý tưởng cộng sản mà anh.

- Ừ, Chủ nghĩa vô sản của toàn thế giới. Dân tộc anh trong những ngày này được sự hỗ trợ của Đảng Cộng sản Trung Quốc và của những người như em thật vô cùng quí giá.

- Anh làm biết bao việc to lớn cho Đảng Cộng sản Trung Quốc, cho phong trào cách mạng trong nông dân Quảng Đông.

- Hai nước chúng ta là anh em, chúng ta phải có trách nhiệm với nhau.

*

* *

Hôm sau, hai người Trung Quốc, một người trong trang phục thầy thuốc, một người nhỏ phụ tá thầy lang xách theo hòm thuốc, áo quần phông phanh. Phương Liên dẫn vào mà Bác vẫn chưa nhận ra.

- Đồng chí Nguyễn, không nhận ra tôi à? Trương đây.

Bác ngỡ ngàng một giây, thì ra Trương Thái Lôi.

- Ồ, Anh Trương, quí hóa quá, được gặp anh lúc này là quá đặc biệt.

Hai người ôm nhau thân thiết. Sau phút xúc động, anh Trương nói:

- Ngày mai tôi rút về căn cứ, tình hình này chắc chúng tôi phải vũ trang kháng chiến thôi đồng chí Nguyễn à.

- Tôi nghe nói anh đã được bổ sung vào Ban chấp hàng Trung ương và đang phụ trách Tỉnh ủy Quảng Đông. Tình thế bất ngờ quá. Tôi hy vọng các đồng chí sẽ chuẩn bị tốt. Tôi nghĩ các đồng chí phải nội công ngoại kích thật tốt và bí mật bất ngờ.

- Chúng tôi sẽ cố gắng. Hôm nay tôi đến đây một lẽ là thăm và tạm biệt đồng chí. Ở Liên Xô về tôi không nghĩ là sẽ có ngày thế này. Đã là chiến sĩ là phải chiến đấu. Chúng tôi sẽ chiến đấu cho đến ngày toàn thắng.

- Tôi tin các đồng chí sẽ chiến thắng.

- Hôm nay, tôi giới thiệu với đồng chí, anh đưa tay chỉ người “phụ tá thầy lang”. Đây là đồng chí Nhiêu Vệ Hoa, cán bộ của Tỉnh ủy Quảng Đông, lâu nay được phân công giúp các đồng chí. Thông qua đồng chí Lý Phương, đồng chí ấy đã hiểu khá nhiều công việc của các đồng chí. Các đồng chí đang ở giai đoạn rất thuận lợi để tiến tới thành lập Đảng Cộng sản. Tôn Tiên Sinh mất làm mọi chuyện khó khăn. Nhóm phản động đã bắt nhiều Đảng viên ở Trường quân sự Hoàng Phố. Đồng chí Hồ Tùng Mậu bị bắt nhưng được ông Hồ Học Lãm bảo lãnh nên đã được tha. Đồng chí Nhiêu Vệ Hoa đây đã hỗ trợ Hồ Tiên Sinh sang Hồng Kông. Những ngày đồng chí ở đây cần gì thì đồng chí Nhiêu và đồng chí Lý Phương sẽ lo cho đồng chí. Ở đây đồng chí phải “nhập vai” thật khéo với cô Lý và đang bệnh nằm ở nhà, không ra đường khi chưa nắm chắc là an toàn. Đồng chí phải chuẩn bị tình huống khó nhất, toàn bộ hoạt động phải bí mật, cái gì dừng được thì tạm dừng sau làm tiếp. Phương án cuối cùng xấu nhất không bám trụ được, đồng chí Lý và đồng chí Nhiêu sẽ bố trí để đồng chí lên tàu đi Hồng Kông. Quốc tế Cộng sản có điện nhờ tôi truyền đạt đến đồng chí rằng: Là phái viên được phân công đồng chí có toàn quyền trong việc xây dựng Đảng ở Đông Dương. Ban Thường vụ Quốc tế Cộng sản chỉ đạo, nếu không bám trụ được ở Hồng Kông đồng chí phải tìm đường về lại Moscow.

- Cảm ơn đồng chí nhiều lắm. Lúc này, đồng chí đúng là “lương y” của tôi.

Họ chỉ kịp uống một tách trà và vội vã chia tay.

Bác đâu có ngờ rằng đây là cuộc chia tay cuối cùng với Trương Thái Lôi. Tháng cuối năm, Trương Thái Lôi với chức danh vừa là Bí thư, vừa là người Tổng chỉ huy đã lãnh đạo khởi nghĩa Quảng Châu. Cuộc chiến đang thế tiến công đã chiếm gần hết Quảng Châu thì Trương Thái Lôi anh dũng hy sinh.

Đầu tháng 5([19]), giữa đêm khuya yên tĩnh, sau vườn ếch nhái kêu lia. Bỗng có người gõ cửa. Bác phải bước ra sau vườn đề phòng bất trắc. Phương Liên thắp đèn dầu ra mở cửa. Người đến gõ cửa giữa đêm tĩnh vắng là Trương Vân Lĩnh. Anh bước vào nhà chưa kịp bắt tay Bác đã vội thưa:

- Anh ơi, bọn chúng đã lên kế hoạch bắt anh đấy, chắc ngày kia chúng thực hiện. Bây giờ chúng chưa biết anh ở đây. Anh phải tính ngay, tốt nhất là đi xa hơn...

Nói xong, Trương Vân Lĩnh chào đi liền.

Ngay sau đó, Phương Liên chuẩn bị hành trang cho Bác, cả đêm họ không ngủ. Mờ sáng hai người ăn vội cái bánh bao Phương Liên mới hấp để lót dạ, Phương Liên đi ngay ra ga. Cô mua vé và quan sát, thấy yên tĩnh cô ghé qua trạm bí mật của tỉnh Quảng Đông rồi nhanh chóng đạp xe về nhà. Cô đạp đi đạp lại qua nhà mấy lần, thấy mọi việc bình thường, không có bóng dáng mật thám, bám theo hoặc rình mà cô quay trở lại để vào nhà giữa lúc Bác sốt ruột đi đi, lại lại tính toán.

- Vé tàu đây rồi. Đây là chút kinh phí, anh Nhiêu Vệ Hoa nói của tổ chức gởi anh. Và đây là phần của em gởi anh.

- Không! Sao anh lấy phần phụ cấp của em được. Em phải dùng chứ!

- Phía trước của anh còn gian nan, trắc trở lắm, anh phải cầm. Đây là một chút tình của em gởi anh. Cô nhìn Bác nước mắt lưng tròng.

- Em… Bác tiến đến nắm chặt tay Phương Liên, vỗ nhẹ vai Phương Liên. Anh cảm ơn em.

Bên đoàn tàu chuẩn bị lăn bánh đi Hồng Kông. Bác nắm tay Phương Liên và kịp hỏi:

- Bây giờ em đi đâu?

- Em về cơ quan, sẽ cùng các anh cầm súng ra trận.

- Em dũng cảm quá. Phải chiến thắng, để anh em mình gặp nhau em nhá!

- Vâng… nhưng, xa anh, em nhớ!

- Anh cũng vậy.

- Em thương anh, em kính anh! Cô nói trong nước mắt lưng tròng bởi tình cảm cao quí sâu thẳm từ tấm lòng. Sau khi chia tay Bác, Phương Liên trở về căn cứ và gia nhập đội vũ trang, chiến đấu bên cạnh Trương Thái Lôi và cô đã dũng cảm một mình chiến đấu với cả toán quân địch để các đồng chí lãnh đạo rút lui. Phương Liên đã hy sinh sau ba ngày khởi nghĩa([20]).

Con tàu xình xịch chậm chạp chuyển bánh như sự quyến luyến của Phương Liên với Bác. Bác đến ga Hồng Kông, Sở mật thám xét hỏi, chúng không cho Người nhập cảnh, buộc Người phải rời Hồng Kông trong 24 giờ.

Bác phải mua vé tàu thủy đi Thượng Hải. Trước sự lùng sục gắt gao của Quốc dân Đảng, Người phải chọn khách sạn thật sang, ăn mặc thật đẹp như một thương gia giàu có để che mắt mật thám. Sau đó, Bác đáp tàu đi Vladivostok trở về nước Nga Xô Viết([21]). Và theo báo cáo của Bác gởi Quốc tế Cộng sản, Bác đến Moscow tháng 6 năm 1927.

Theo dấu chân Người

Tôi đã nhiều lần đến Trung Quốc ở nhiều thời điểm khác nhau, đã đến Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân… đến Vạn Lý Trường Thành, dạo Di Hòa Viên… và vào cả khu Trung Nam Hải trong những chuyến công tác. Tuy nhiên, vùng đất để lại trong tôi nhiều ấn tượng lại là Quảng Châu, Thủ phủ của tỉnh Quảng Đông, là một trong ba thành phố lớn nhất của Trung Quốc.

Bên dòng Châu Giang
Bác Hồ cùng các đồng chí tại Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, với sự hợp nhất của 3 tổ chức Cộng sản trong nước.

Dấu ấn sâu thẳm đối với riêng tôi đó là thành phố kinh đô đầu tiên triều đại chính thống của Việt Nam bởi đế vương Triệu Đà (Triệu Vũ Đế) và người vợ yêu quí của vua Triệu là hoàng hậu Trình Thị Lan Nương. Họ Trình của giòng tộc chúng tôi tự hào khi biết trên 2.200 năm về trước đã có người con gái họ Trình trở thành hoàng hậu của triều đại đầu tiên của nước Nam Việt. Sử sách một thời đánh giá không đúng về Triệu Đà, nhưng ngay thời kỳ đầu cách mạng, Bác Hồ trong diễn ca “Lịch sử nước ta” đã viết: “Triệu Đà là vị hiền quân/Quốc danh Nam Việt trị dân năm đời”. Nguyễn Trãi trong Bình Ngô đại cáo cũng nhắc đến nhà Triệu “Khởi Triệu, Đinh, Lý, Trần nối đời dựng nước/cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên xưng đế một phương”. Các triều vua đã cho lập đền thờ Triệu Đà ở Xuân Quan (Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) và đền thờ hoàng hậu Trình Thị Lan Nương ở Đồng Xâm (tỉnh Thái Bình). Khi về đền Đồng Xâm, chúng tôi thấy ở đây có tượng của vua Triệu Đà và hoàng hậu Trình Thị Lan Nương. Hàng năm, lễ hội rất linh đình. Bà Trình Thị Lan Nương là một người con gái nhan sắc, nết na và có tài thơ ca. Bà là người khởi xướng nên làng hát chèo và làng ca trù. Phải chăng bà là tổ của nghệ thuật hát chèo ngày nay. Trong quá trình nghiên cứu tôi được biết rõ hơn về nguồn gốc của Triệu Đà. Ông nguyên là Nguyễn Thận, quê ở Vân Nội, Thanh Oai, Hà Nội. Bố của Nguyễn Thận là Hùng Dục Công, em trai của vua Hùng thứ 18. Mẹ là bà Trần Thị Quý. Lúc bé, Nguyễn Thận ở Chèm (Hà Nội) với bố mẹ. Khi Thục phán An Dương Vương đánh chiếm Văn Lang thì ông bị lưu lạc về Quảng Tây. Một ông quan tỉnh Quảng Đông thấy Nguyễn Thận khôi ngô khỏe mạnh nên nhận làm con nuôi và đổi tên là Triệu Đà, Triệu Đà nói được tiếng Việt và tiếng Hoa. Khi mất, mộ Triệu Đà được di về táng ở Bình Phán, Thanh Oai, Hà Nội. Như vậy, Triệu Đà là người Việt Nam, là người dựng ra nước Nam Việt gồm cả Quảng Đông, Quảng Tây và kinh đô ở Phiên Ngung tức thành phố Quảng Châu ngày nay. Trong 97 năm của 5 đời vua nhà Triệu đã giữ được nền độc lập cho nước Việt.

Tôi hơi lan man về lịch sử, vì đâu ngờ mấy ngàn năm trước có chuyện hay như vậy, tiên tổ tộc họ Trình của chúng tôi có người phụ nữ làm hoàng hậu đã từng sống hạnh phúc với Triệu Đà và sinh ra Trọng Thủy (để lấy Mỵ Châu) cũng tại mãnh đất Quảng Châu này.

Tôi đã đến Quảng Châu từ những năm còn nghèo đói. Ngày đó, đường sá đi lại rất chật chội, nhỏ hẹp, nhà cửa lụp xụp và cuộc sống khó khăn. Người Quảng Đông ngày nay còn món cháo loãng ăn với ca-la-thầu (đầu củ cải muối) là món ăn của thời kỳ nghèo khó kéo dài ở xứ này.

Ngày nay, Quảng Châu là thành phố sầm uất vào loại nhất, phát triển nhanh trong một qui hoạch bền vững. Hạ tầng đường sá 3, 4 tầng, nối cao tốc tỏa về các ngã. Quảng Châu kéo dài nối với Thẩm Quyến, Phật Sơn, Đông Quan Quảng Đông đông đúc tấp nập trở thành một thành phố có dân số lên gần 14 triệu người, với người nhập cư chiếm đến 40% nên có tên gọi là “Thành phố toàn cầu”. Sân bay Bạch Vân của Quảng Châu ngày trước rất, rất bé nhỏ, chỉ có hai ống lồng. Ngày nay là một sân bay hiện đại vào tốp 20 sân bay lớn nhất thế giới mỗi năm vận chuyển 45 triệu khách. Ở Quảng Châu đã cấm xe Hon đa từ hơn chục năm và có 8 tuyến tàu điện ngầm, mỗi ngày vận chuyển hàng triệu người đi lại. Tăng trưởng của Quảng Châu luôn ở mức trên dưới 7% và GDP bình quân đầu người trên 24.000USD, một con số rất đáng để chúng ta suy nghĩ - một xứ sở từ chỗ người dân phải sống chỉ có cháo loãng, bánh bao và dưa muối đầu củ cải, ngày nay có mức thu nhập bình quân gấp mười lần những thành phố lớn của Việt Nam ta (?). Đêm đêm từ cửa sổ khách sạn 5 sao nhìn ra Quảng Châu như một bầu trời rực rỡ bởi ánh đèn đủ màu, có lẽ trên thế giới ít thành phố nào có đèn đêm nhiều màu và rực rỡ như ở đây. Tháp Quảng Châu cao 600 mét, xếp thứ hai sau độ cao của tháp truyền hình Tokyo và đối xứng với tháp Tây Quảng Châu, còn gọi là Trung tâm tài chính quốc tế của Quảng Châu cao 103 tầng (trên 438 mét).

Tháp Quảng Châu không chỉ là tháp truyền hình mà nó còn là một nơi thu hút khách du lịch. Khách có thể lên tháp để ngắm toàn cảnh, ăn bữa trưa giữa trời mây, hoặc đêm nhâm nhi tách hồng trà loại nhất để ngắm Quảng Châu. Đặc biệt, tháp Quảng Châu được lắp đặt hệ thống ánh sáng khá độc đáo, nhiều màu sắc luôn thay đổi rất uyển chuyển, là một nơi trình diễn ánh sáng nghệ thuật. Tháp cao sừng sững với ánh sáng tự động đổi mình soi bóng xuống dòng Châu Giang rất lung linh, huyền ảo.

Còn tháp Tây Quảng Châu như một thành phố trụ, với chiều cao 438 mét, nó có 250.000 mét vuông sàn. Sáu chục tầng đầu tiên là văn phòng và dịch vụ, tầng 69 lên đến tầng 98 là khách sạn Bốn mùa. Nếu tính bình quân mỗi người sử dụng trên mười mét vuông thì tòa tháp có sức chứa trên hai vạn người.

Tôi cùng các con cháu tìm thăm những nơi ở và hoạt động của Bác Hồ trong những năm ở Quảng Châu.

Buổi sáng đầu tiên, tôi đưa các cháu nội của tôi đến thăm Bảo tàng Tôn Trung Sơn. Khu bảo tàng rất to với phía trước là một vườn hoa lớn. Tượng Tôn Dật Tiên đứng chính giữa cao lồng lộng. Cháu nội Trình Quang Khải của tôi hỏi:

- Ông Tôn này với ông Bác Hồ có biết nhau không ông nội?

- Có con. Hai ông biết nhau, đã từng gặp nhau. Nhưng cái gặp lớn nhất là tư tưởng. Tụi con nên nhớ Trung Quốc nổi tiếng là đất của các triều đại phong kiến kéo dài mấy ngàn năm. Cuộc cách mạng do ông Tôn Trung Sơn khởi xướng đã chấm dứt triều đại phong kiến lập nên nhà nước Cộng hòa Dân chủ và tiến hành liên minh với Liên Xô, với Cộng sản. Điểm gặp nhau lớn nhất của Bác Hồ và ông Tôn Trung Sơn là giành đất nước độc lập, để người dân làm chủ và toàn dân được ấm no, hạnh phúc.

Tôi cùng các cháu nội của tôi đã bái tạ trước tượng Tôn Trung Sơn với tấm long thành kính.

Quảng Châu là cái nôi của Cách mạng Việt Nam, là mãnh đất để Bác ươm những hạt giống đỏ cho Đảng Cộng sản Việt Nam. Giáo sư Trung Quốc Hoàng Tranh còn nói rằng: “Trung Quốc có tất cả 33 tỉnh, Bác Hồ Chí Minh đã ở và đến làm việc 21 tỉnh và cộng lại có đến 10 năm. Nhưng Quảng Châu là nơi đầu tiên Người hoạt động và có nhiều kỷ niệm, tạo nên dấu ấn nhất không phải chỉ cho cách mạng Việt Nam mà còn tham gia phong trào xây dựng Đảng Cộng sản Trung Quốc”. Chính Bác Hồ cũng đã viết: “Tôi có hai thời kỳ hoạt động trong Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đến Quảng Châu hồi năm 1924-1927, tôi vừa theo dõi phong trào cách mạng trong nước ta, vừa tham gia công việc do Đảng Cộng sản Trung Quốc giao phó”.

Quảng Châu có thể có nhiều nơi Bác đã đến, đã ở, như cơ sở 2 của lớp học ở phố Hưng Nhân, Đông Cao, như văn phòng Bàu Công quán ở Quảng trường Đông Hiệu là nơi Bác ở khá lâu sau ngôi nhà số 13 đường Văn Minh.

Đã 100 năm trôi qua, ngôi nhà số 13 đường Văn Minh, trường đào tạo hạt giống đỏ Việt Nam vẫn còn, nó được Trung Quốc công nhận là di tích cách mạng cấp quốc gia, là điểm đến tham quan cho nhiều du khách.

Tôi đã đến căn nhà số 13 và 13B đường Văn Minh, nay là 248-250 đường Văn Minh, ngôi nhà vẫn còn giữ nguyên như 100 năm trước, phía trước vẫn có tấm bảng: “Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội”. Những bàn ghế của lớp học, phòng hội họp của Hội Thanh niên cách mạng Việt Nam những bậc tiền bối nước ta. Bác ngày đó đã đứng ở chỗ kia để giảng bài, đã ngồi ghế giữa để chủ trì các cuộc họp. Căn nhà bên là nơi ăn ở của các học viên và Bác cũng ở chung với mọi người, sinh hoạt với mọi người. Đối diện với căn nhà 13 Văn Minh phía trước là Trường Đại học mang tên Tôn Trung Sơn, thật là ý nghĩa.

Các đồng chí cán bộ bảo tàng ở đây đã cho tôi đọc một trang ghi lại lời kể của bà Lý Phương Đức, một trong những nhân chứng lịch sử.

Tài liệu ghi lại mùa xuân 1972, bà Lý Phương Đức tức Nguyễn Thị Đức một trong tám thiếu niên được Bác đón sang Quảng Châu đào tạo (trong số đó có Lý Tự Trọng) được trở lại thăm khu di tích cách mạng năm xưa. Năm đó bà đã ngoài sáu mươi tuổi.

Khi đến thăm lại nhà 13 và 13B đường Văn Minh (nay là số 248-250). Bà xúc động khi biết Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người học trò khóa 3 năm đó đã lại thăm trụ sở của Hội Thanh niên cùng Thủ tướng Chu Ân Lai và nhờ đó ngôi nhà này có quyết định trở thành di tích cách mạng cấp quốc gia được lưu giữ, tôn tạo. Tài liệu ghi được bằng tiếng Hoa. Sau này tôi lại gặp tài liệu này trong quyển “Nguyễn Ái Quốc trên đường về nước” của Hoàng Thanh Đạm. Bà Lý Phương Đức đi đến từng căn phòng của ngôi nhà và thuật lại:

Thời ấy tôi là một thiếu nữ con em gia đình cách mạng được đưa từ Xiêm sang Trung Quốc. Các anh Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn gửi tôi sang học bên kia đường cùng với các bạn thiếu niên khác. Riêng tôi và chị Lý Phương Thuận được ở tại nhà 13 Văn Minh này với các anh. Căn phòng nhỏ phía sau dành riêng cho hai chị em chúng tôi. Căn phòng lớn này dùng làm nơi sinh hoạt chung của mọi người. Phòng lớn này hồi ấy có một bàn rộng có thể dùng làm bàn đánh ping pông([22]) được. Những kỳ ra báo Thanh niên thì quanh bàn này mọi người làm việc rất rộn rịp. Còn lớp huấn luyện thì được bố trí toàn bộ trên tầng ba.

Cầu thang 21 bậc dẫn mọi người lên gác ba. Ở đây hai gian lớn của số nhà 13 và số nhà 13B được ngăn cách bằng ván gỗ, có cửa đi thông bên này sang bên kia:

Chỗ này bây giờ toàn bộ là sân thượng, nhưng hồi ấy lại có một mái ngói làm nơi nấu bếp... Hồi ấy những ngày đầu học viên sang ăn cơm bên hội quán công nhân, nhưng về sau đông người thì mướn một bà nấu cơm tại bếp này.

Sân thượng nhà 13 và sân thượng nhà 13B liền với nhau, không ngăn cách. Đây là nơi cho anh em học viên tắm rửa, giặt giũ, phơi phóng quần áo.

Còn đây là phòng của nhân viên, cụ thể là nơi ở và làm việc của anh Hồ Tùng Mậu. Trong phòng này có giường ngủ, bàn làm việc và những dụng cụ ấn loát để in báo.

Đây là phòng Bác Hồ hồi đó thường nghỉ lại, mỗi lần Người giảng bài và nói chuyện với học viên ban đêm, hoặc phải viết bài cho báo Thanh niên sắp lên khuôn. Đây là chiếc giường đơn trải chiếu, có chăn mỏng và gối chiếc. Đây là cái bàn làm việc với máy đánh chữ tiếng Anh kiểu Reminton và chiếc ghế mây mà Bác Hồ thường ngồi...

Đây là căn phòng rộng nhất trong ngôi nhà này. làm nơi ngủ của học viên...

Hồi ấy các dụng cụ của lớp huấn luyện đều giống như bên trường Đại học Tôn Trung Sơn. Giường ngủ của sinh viên là giường gỗ hai tầng cách nhau một mét. Bên cạnh giường có giá sách nhỏ.

Hồi ấy trên tường treo ảnh Karl Marx, Lenin... và có cả ảnh Tôn Trung Sơn và ảnh Phạm Hồng Thái... Phía bên này treo bản đồ thế giới... Phía bên này là bảng đen... Đây là bàn giảng viên. Đây là ghế học viên... loại ghế một người ngồi, có lưng tựa như ghế sinh viên, chứ không phải ghế băng dài.

Đây là nơi các đồng chí lãnh đạo họp bàn công việc và cũng là nơi thảo luận tổ - bà Lý nói, cặp mắt đăm chiêu như đang nhìn về quá khứ... Thời ấy các anh Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong học ở trường quân sự Hoàng Phố nhưng vẫn thường đến đây dự học. Lâm Đức Thụ ở Huệ Quần y xã thường đến tham dự. Khi nào các giảng viên người Trung Quốc giảng bài thì anh Lâm Đức Thụ và anh Hồ Tùng Mậu phiên dịch là chính”([23]).

***

Tôi đã giành trọn buổi sáng để thăm công viên Hoàng Hoa Cương, nơi có mộ liệt sĩ Phạm Hồng Thái. Ở đây có khu lăng mộ chôn chung 71 liệt sĩ Trung Quốc hy sinh trong cách mạng Tân Hợi và gần đó là mộ liệt sĩ Phạm Hồng Thái, người đã tạo nên “Quả bom” cách mạng làm rung chuyển chế độ thống trị Việt Nam ngày đó và khơi dậy lòng yêu nước trong lớp Thanh niên Việt Nam. Bác Hồ đã nhiều lần đến đây cùng các chí sĩ Việt Nam nghiêng mình trước mộ Phạm Hồng Thái.

Trong những ngày ở Quảng Châu, Giáo sư Hoàng Tranh có cho tôi đọc bài “Nhớ Trương Thái Lôi” đăng trên Tạp chí “Lịch sử cận đại của Trung Quốc”. Bài này của bà Vương Nhất Tri, vợ và là đồng chí của Trương Thái Lôi. Trong bài có một đoạn viết về những ngày ở Quảng Châu của Bác Hồ:

“Lý Thụy, anh ấy và vợ chồng tôi ở tầng dưới nhà Bàu công quán, năm đó anh Lý khoảng 36 tuổi, mặt ốm gầy nên hơi dài, đôi mắt rất sáng. Anh nói tiếng Hoa phổ thông (tiếng Bắc Kinh) nhưng phát âm như người Quảng Đông. Tôi ấn tượng nhất là anh rất nhạy bén trong quan sát, tư duy sắc sảo và rất ham học. Anh học nhanh tiếng Quảng để giao tiếp, là người sống chan hòa, chân tình nhưng thẳng tính, bộc trực, có gì nói thẳng. Anh thường nói với chúng tôi người cộng sản trước hết phải thành tâm thương yêu với đồng bào đồng chí.

Anh Lý Thụy với Trương Thái Lôi của tôi quen biết nhau từ hồi ở Liên Xô, cùng về Trung Quốc và giờ làm việc sinh hoạt gần nhau, vì vậy trở nên thân thiết… Tôi nhớ anh Lý và Trương thường tập bắn súng trong phòng làm việc. Buổi tối anh Lý không đi đâu, cặm cụi đọc và viết, anh viết báo đến tận khuya, nhưng sáng ra đã thấy anh dậy sớm vui vẻ tập thể dục và chào hỏi mọi người. Anh Lý thường sang phòng chúng tôi thân mật chuyện trò, chúng tôi cũng vậy, có việc gì khó, tôi hay chạy sang anh Lý. Ngày đó, qua anh Trương tôi biết Người là nhà lãnh đạo Việt Nam giữ vai trò quan trọng và chỉ biết đó là đồng chí Lý Thụy thân quí mà chúng tôi rất trân trọng. Sau này biết đó là đồng chí Hồ Chí Minh lãnh tụ của Cách mạng Việt Nam. Thật đáng tự hào”.

Trên đường tìm lại dấu tích của Bác, tôi rất thú vị khi gặp lại cô gái sợ con muỗi tí tẹo tèo teo năm nào được Bác cho lọ dầu cù là. Đó là cô thư ký của Borodin, nữ đồng chí V. Vixnhiacova được nhà văn E. Kobelev ghi lại trong tác phẩm “Đồng chí Hồ Chí Minh”.

“Làm việc trong khu đại diện Liên Xô tại Quảng Châu, tôi rất may được làm quen với một trong những người tuyệt diệu ở Quảng Châu lúc ấy. Đó là đồng chí Lý Thụy, một người Việt Nam, ngày đó còn gọi là An Nam nên tôi thường gọi là anh Lý An Nam.

Cho đến nay tôi vẫn còn nhớ dáng người cao mãnh khảnh của anh. Anh thường mặc bộ quần áo rộng bằng vải mộc màu trắng. Anh nói thạo các ngôn ngữ Pháp, Anh, Trung Quốc và cả tiếng Nga. Tôi nhờ anh ấy tập tôi nói tiếng Việt Nam. Tôi cảm nhận được anh rất vui khi dạy tiếng Việt cho tôi. Anh đối xử với chúng tôi như bạn cùng trang lứa (dù là tôi ít tuổi hơn anh khá nhiều), ít khi anh nói chuyện về công tác anh đang làm, nhưng tôi biết bọn thực dân Pháp đang trao giải lớn cho ai bắt được anh ấy. Trong cơ quan anh là người được mọi người quí mến kể cả thủ trưởng Borodin.

Mãi sau này, chị vợ Borodin cho tôi biết anh Lý An Nam thân thiết ngày ấy chính là đồng chí Nguyễn Ái Quốc, là Hồ Chí Minh, lãnh tụ của nước Việt Nam”([24]).

Những ngày ở Quảng Châu tôi được các bạn tặng cho quyển sách ảnh dầy in bằng hai thứ ngữ Việt – Hoa nói về thời kỳ Bác ở Quảng Châu, Hồng Kông và Trung Quốc với nhiều hình ảnh rất quí. Tôi gặp lại ở đó Trương Thái Lôi, Chu Ân Lai, Lưu Thiếu Kỳ thời trẻ, gặp cả bà Đặng Dĩnh Siêu mà Bác và Chu Ân Lai vẫn gọi là Tiểu Siêu (em Siêu), người đã đan áo len tặng Bác những năm hai mươi bốn ấy. Tôi gặp cả Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Lê Duy Điếm, Phạm Hồng Thái, Lý Tự Trọng… Tôi cố và cố tìm hình ảnh của Lý Phương Liên cũng như của Lâm Mụi ở Hồng Kông nhưng không có. Tôi chợt hiểu ra đó chỉ là bí danh và họ là những chiến sĩ kiên trinh, thầm lặng hy sinh vì nghĩa lớn.

*

Tôi đứng bên bờ Châu Giang lộng gió khi hoàng hôn xuống nhìn những cây cầu dây văng, nhìn những con tàu du lịch lấp lánh ánh đèn đưa khách thong thả soi mình xuống dòng sông mà chợt nghĩ tới con tàu của Liên Xô ngày 11 tháng 11 của chín mươi lăm năm về trước đã giương cờ Liên Xô cập bến Quảng Châu, trên con tàu đó có Bác. Tôi như thấy Phạm Hồng Thái vẫn hiển linh đâu đây. Và bên bờ sông này Bác của chúng ta chắc đã nhiều đêm từ căn nhà phố Văn Minh đã ra đây, đi dạo bên bờ sông này để nghĩ về tương lai đất nước. Tôi trộm nghĩ có người bạn gái nào song hành dạo bước với Bác bên bờ sông này không? Hay Bác đang thầm nghĩ về tình yêu đầu đời ở Bến sông Sài Gòn 13 năm trước… Phải, tình yêu của tuổi 35 đang dâng đầy trong Bác, hun đúc thành tình yêu to lớn với quê hương, với đất nước. Tình yêu đó là ngọn lửa truyền vào hàng chục những người con ưu tú dự lớp học của Thanh niên Cách mạng để sau này trở thành những lãnh tụ, những cán bộ chủ chốt của Đảng và nhà nước ta. Vật đổi sao dời, thế giới dù biến đổi, con người có thể đổi trắng thay đen nhưng những kỷ niệm ở đây về Bác, về tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam – Trung Quốc là vĩnh cửu.

Tháng 10 năm 2023.


([1]) Theo thông tin tàu đến Quảng Châu ngày 11 tháng 11 và đi mất khoảng 7 ngày đêm, có thể tạm xác định Bác rời Vladivostok ngày 4 tháng 11 năm 1924.

([2]) Sau này cán bộ Trung Quốc thường mặc kiểu áo này và được gọi là kiểu áo Tôn Trung Sơn.

([3]) Năm 1930, Lê Hồng Sơn cùng Hồ Tùng Mậu đã giúp Bác tổ chức hội nghị thành lập Đảng (3 tháng 2 năm 1930) ở Hồng Kông. Năm 1932, anh bị mật thám Pháp bắt ở Thượng Hải đưa về Vinh và đã xử bắn anh tại làng Xuân Hồ, quê anh ngày 19 tháng 2 năm 1933.

([4]) Có nghĩa: ngồi ở nước ngoài để kêu gọi, chờ thời trong nước.

([5]) Lá thư này, khi mật thám bắt Hồ Tùng Mậu ở Trung Quốc, chúng đã thu giữ và lá thư được lưu trong hồ sơ mật thám tại Pháp.

([6]) 9 thanh niên ưu tú gồm: Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong, Trương Vân Lĩnh, Lê Quảng Đạt, Vương Thúc Oánh, Lưu Quang Long, Lê Duy Điếm và Lâm Đức Thụ.

([7]) Theo ban nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương: Văn kiện Đảng, các tổ chức tiền thân của Đảng – 1997.

([8]) Đồng chí Vương Thúc Oánh sau đó được Bác cho về nước tổ chức đưa thanh niên sang học.

([9]) Bon, bon article (tiếng Pháp): tốt, bài viết hay.

([10]) Ngày 16 tháng 4 năm 1959 tại Đại hội nhà báo Việt Nam lần thứ 2, trong phát biểu Bác cũng có kể chuyện này.

([11]) Tài liệu về Louis Marty với Đảng Cộng sản Đông Dương – Lưu ở Bảo tàng Cách mạng.

([12]) Đồng chí Trần Phú năm 1930 là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương.

([13]) Đồng chí Nguyễn Lương Bằng sau này là Phó Chủ tịch Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

([14]) Nhà Choa: tiếng Nghệ Tĩnh: quê tôi.

([15]) Xem Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử tập 1. NXB Chính trị Quốc gia 2016.

([16]) Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 2 – NXB Chính trị Quốc gia 2011.

([17]) Điện số 9C.10 ngày 16 tháng 5 năm 1925 Cục lưu trữ TW Đảng tài liệu tiếng Pháp.

([18]) Về sau có thông tin chính thức Lâm Đức Thụ bị mua chuộc, làm tay sai cho mật thám Pháp. Năm 1947, y bị dân Thái Bình xử tội.

([19]) Theo William Daiker trong tác phẩm Hồ Chí Minh là ngày 5 tháng 5 năm 1927.

([20]) Nữ GS sử học Hoa Kỳ Josephine Stenson trong tham luận về Bác Hồ tại Hà Nội có viết: “Tôi đã đi Quảng Châu và tôi biết Nguyễn Ái Quốc còn có một người bạn gái tên là Lý Phương Liên (bí danh) thư ký của Đông Phương bộ thuộc Cục Phương Nam là vợ của Lý Thụy (cụ Hồ) ở phố Văn Minh (Quảng Châu - Trung Quốc). Thực tiễn cuộc sống có những việc nhìn thấy tận mắt chưa hẳn là thật. Khi ông Phạm Văn Đồng cùng một số người trong tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội sang dự một khóa học chính trị tại nhà số 13 phố Văn Minh cũng tưởng Lý Phương Liên là "vợ" của Lý Thụy, nhưng sau mới biết thực tế không phải như vậy, đây chỉ là việc ngụy trang để che mắt mật thám”.

([21]) Theo Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử - NXB Chính trị Quốc gia 2016.

([22]) Bóng bàn (BTV).

([23]) “Nguyễn Ái Quốc trên đường về nước” của Hoàng Thanh Đạm (bản in lần 3). NXB Trẻ năm 2021.

([24]) Đồng chí Hồ Chí Minh – NXB Thanh niên 1985.

Trình Quang Phú | Báo Văn Nghệ

Bên dòng Châu Giang

"Bên dòng Châu Giang" được trích từ tác phẩm Theo dấu chân Người của tác giả Trình Quang Phú.

Sách dầy 600 trang do Nxb Hội Nhà văn phát hành tháng 8/2024.

"Theo dấu chân người" là tập sách thứ 6 nhà văn Trình Quang Phú viết về Bác và xuất bản khi ông đã ở tuổi 84.

------

Bài viết cùng chuyên mục:

Đường về Tổ quốc - Trích truyện kí của nhà văn Trình Quang Phú Luôn có ánh mắt Bác Hồ dõi theo… Bác Hồ với văn học dân gian Truyện về Hồ Chí Minh - Cuốn sách quý về cuộc đời Bác Hồ Một kỷ niệm đẹp của nhà thơ miền Nam với Bác Hồ
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.
Bản tin Văn nghệ: Cuộc thi "Đưa Văn vào đời" - trao thiệp gửi yêu thương

Bản tin Văn nghệ: Cuộc thi "Đưa Văn vào đời" - trao thiệp gửi yêu thương

Baovannghe.vn - Cuộc thi thiết kế thiệp Văn học: Đưa Văn vào đời 2024, do Nxb Hội Nhà văn phối hợp tổ chức, Hội Nhà văn Việt Nam bảo trợ chuyên môn