Chuyên đề

​​​​​​​Một kỷ niệm đẹp của nhà thơ miền Nam với Bác Hồ

Nguyễn Thị Minh Bắc
Văn học địa phương
17:00 | 17/07/2024
Thanh Hải (1930 - 1980) là một trong số những nhà thơ miền Nam thắp lên ngọn lửa thi ca Cách mạng trong lòng nhân dân miền Nam.
aa
Thanh Hải là nhà thơ miền Nam duy nhất được cử ra miền Bắc gặp Bác Hồ. Ảnh TL
Thanh Hải là nhà thơ miền Nam duy nhất được cử ra miền Bắc gặp Bác Hồ. Ảnh TL

Những năm tháng cuối cuộc đời, Thanh Hải không may bị bệnh trọng, sức khỏe yếu, cản trở lớn đến việc sáng tác thơ. Tuy vậy, ông luôn gắng gượng vượt lên chống chọi với bệnh tật, quên đi sự đau đớn đang hoành hành thân xác để thực hiện niềm khát khao cống hiến cho đời. Tháng 11 năm 1980, do bệnh chuyển sang trầm trọng nặng hơn, nhà thơ Thanh Hải phải vào nhập viên, lại thêm sức khỏe yếu, khiến ông không thể cầm nổi bút viết. Điều đáng quý là dù phải nằm bẹp trên giường bệnh, nhưng ông vẫn cố gượng đọc cho người nhà chép hộ bài thơ cuối cùng - Mùa xuân nho nhỏ. Sau đó một thời gian ngắn, ông đã ra đi và mãi mãi... vĩnh biệt chúng ta vào ngày15 tháng 12 năm 1980.

Cả một cuộc đời theo cách mạng vất vả và gian nan, Thanh Hải để lại 6 tập thơ: Ánh mắt (1956), Người đồng chí trung kiên (1962), Dấu võng Trường Sơn (1977), Huế mùa xuân (tập 1 - 1970; tập 2 - 1975), Mưa xuân đất này (1982).

Riêng bài Mùa xuân nho nhỏ (11/1980) - Lúc đó ông đang ốm nặng và điều trị ở bệnh viện Bạch Mai, khoảng một tháng sau thì ông qua đời. Với đóng góp của mình cho văn học nước nhà, ông đã được Nhà nước phong tặng một số giải thưởng: giải Nhất cuộc thi thơ do tuần báo Thống Nhất tổ chức 1960; giải Nhì cuộc thi thơ do tuần báo Thống Nhất tổ chức 1962; giải thưởng về Văn học Nguyễn Đình Chiểu, năm 1965 và Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, đợt 2 năm 2000, truy tặng.

Đến thăm gia đình, ấn tượng đầu tiên khiến tôi cảm kích đó là tấm ảnh Bác Hồ đang ôm hôn nhà thơ Thanh Hải. Tấm ảnh được phóng to, treo trang trọng phía bên phải gần ban thờ, ghi dấu một kỉ niệm đẹp không bao giờ quên trong cuộc đời nhà thơ. Cả hai Bác cháu trong bức ảnh cùng bộc lộ một niềm vui hân hoan, chất chứa biết bao yêu thương trìu mến.

Năm 1962, Thanh Hải là nhà thơ miền Nam duy nhất được mời ra miền Bắc gặp Bác Hồ. Trong cuộc gặp gỡ hiếm hoi cao quý đó, Thanh Hải đã đọc cho Bác Hồ nghe bài thơ Cháu nhớ Bác Hồ (1956). Khi đọc đến câu“Ôm hôn ảnh Bác, mà ngờ Bác hôn…”, vì xúc động quá, giọng nghẹn lại nên nhà thơ dừng lại nửa chừng. Ngay lúc ấy Bác Hồ cũng rất cảm động liền ôm lấy Thanh Hải, vừa hôn vừa nói: “Bác hôn thật đấy! Hôm nay Bác cũng cho cháu hôn Bác thật, chứ không phải là hôn ảnh đâu nhé!... ”

Cháu nhớ Bác Hồ là bài thơ đầu tiên Thanh Hải viết về Bác vào một đêm Trung thu năm 1956. Ngày ấn định cho hiệp thương Tổng tuyển cử đã qua đi rồi mà nước nhà vẫn chưa thống nhất. Bài thơ cũng được đưa vào chương trình sách giáo khoa giảng dạy trong trường phổ thông.

Bao trùm lên bài thơ là tình cảm nhớ thương Bác Hồ và lòng ngưỡng mộ, với hi vọng sẽ được đón Bác vào thăm nhân dân miền Nam trong ngày thống nhất Tổ quốc. Niềm khát khao đó được nhà thơ Thanh Hải diễn tả bằng những hình ảnh thơ thật chân thành, giản dị:

Đêm nay trên bến Ô Lâu

Cháu ngồi cháu nhớ chòm râu Bác Hồ

Nhớ hình Bác giữa bóng cờ

Hồng hào đôi má, bạc phơ mái đầu.

Mắt hiền sáng rực như sao

Bác nhìn tận đến Cà Mau sáng ngời

Nhớ khi trăng sáng đầy trời

Trung thu Bác gửi những lời vào thăm

Nhớ ngày quê cháu tan hoang

Lụt trôi Bác gửi lúa vàng vào cho

Nhớ khi nhà cháu ra tro

Bác đưa bộ đội về lo che giùm

Bác ơi nhớ mấy cho cùng

Ngoài xa Bác có thấu lòng cháu không

Đêm nào cháu cũng bâng khuâng

Giở xem ảnh Bác cất thầm bấy lâu

Nhìn Mắt sáng, nhìn chòm râu

Nhìn vầng trán rộng, nhìn đầu bạc phơ

Càng nhìn lại càng ngẩn ngơ

Ôm hôn ảnh Bác mà ngờ Bác hôn.

Bác ơi dù cách núi non

Mà hình Bác vẫn trong lòng không xa

Giặc kia muốn cắt sơn hà

Mà miền Nam vẫn hướng ra Bác Hồ

Hướng về sắc đỏ ngọn cờ

Về ngày Nam Bắc cõi bờ liền nhau

Đêm nằm cháu những chiêm bao

Ngày vui thống nhất Bác vào miền Nam

Cổng chào dựng chật đường quan

Bác đến đình làng, Bác đứng trên cao

Bác cười thân mật biết bao

Bác dặn đồng bào cặn kẽ từng câu

Ung dung Bác vuốt chòm râu

Bác xoa đầu cháu, Bác âu yếm cười

Đêm nay trăng lại sáng rồi

Trung thu nhớ Bác, cháu ngồi cháu trông

Ngoài xa nghe tiếng trống rung

Nghe những nhi đồng nhảy múa hò reo

Bác chắc cũng nhớ cháu nghèo

Miền Nam đau khổ sớm chiều trông ra.

Bác Hồ và  nhà thơ Thanh Hải, Hà Nội, năm 1962. Ảnh TL
Bác Hồ và nhà thơ Thanh Hải, Hà Nội, năm 1962. Ảnh TL

Nỗi nhớ nhung mong ước Bác Hồ vào thăm miền Nam của em bé hồn nhiên trong bài thơ, chính là của tác giả và cũng là của đồng bào miền Nam nhớ Bác. Nỗi nhớ ấy được diễn tả bằng cảm xúc tự nhiên, sinh động và chân thực. Ngay từ câu đầu ta đã bắt gặp hình ảnh: “Đêm nay trên bến Ô Lâu/ ... Hồng hào đôi má, bạc phơ mái đầu”.

Có không ít các nhà thơ khi tả chân dung Bác Hồ đều nói về chòm râu, ánh mắt và mái tóc của Bác. Bởi khi tả chân dung Bác Hồ, những chi tiết ấy chính là cái nét vẽ thần tình bức chân dung lãnh tụ, gợi lên sự gần gũi, thân thiết mà cao cả thiêng liêng. Nếu Minh Huệ thấy “Bác vẫn ngồi đinh ninh/ Chòm râu im phăng phắc”, thì Thanh Hải lại cảm nhận ở sự "Ung dung Bác vuốt chòm râu/ Bác xoa đầu cháu, Bác âu yếm cười" .

Hình ảnh về đôi mắt và mái tóc Bác Hồ trong thơ Thanh Hải cũng thật giản dị: "Hồng hào đôi má, bạc phơ mái đầu/ Mắt hiền sáng rực như sao". Vẫn là nói về mái tóc của Bác, nhà thơ Minh Huệ lại cảm nhận điều đó và bộc bạch với giọng kể rất thân thiết, gần gũi “Người cha mái tóc bạc”. Còn Chế Lan Viên lại tả chòm râu, mái tóc của Bác theo một cách khác. Với lối dùng phép so sánh tài tình, nhà thơ đã làm hiện lên một cách sinh động hình ảnh chòm râu và mái tóc củaBác: "Với tất cả chúng ta, Bác là người ông/ Râu như bông và tóc cũng như bông/ Màu tinh khiết một đời đạm bạc".

Đặc biệt nhất và cũng hồn nhiên, ngây thơ nhất là thơ của cậu bé Trần Đăng Khoa lúc ấy. Khi nghe tin Bác Hồmất đã viết bài thơ Em gặp Bác Hồ (9/9/1969). Thật cảm động khi Trần Đăng Khoa thốt lên cảm xúc của một thiếu nhi mường tượng thấy: “Bác cười rung rung chòm râu/ Mắt Bác sao mà thương thế/ Tóc Bác thơm lừng gió bể/ Thơm nắng đường xa”...

Qua những hình ảnh thơ dung dị nói về chòm râu và mái tóc Bác Hồ, nhìn chung các tác giả đã phát hiện ra tầm lớn lao của trí tuệ và lòng nhân ái bao la trong trái tim Người. Có thể nói, các nét vẽ chân dung Bác Hồ thật cụ thể, rất đời thường và quá đỗi bình dị ấy khiến người đọc thấy hình ảnh Bác Hồ hiện về rất chân thật và gần gũi, thân thương xiết bao.

Năm 1969, Bác Hồ muôn vàn kính yêu đã từ trần. Vậy là niềm mong đợi Bác vào thăm miền Nam như Người hằng mong muốn không thể trở thành hiện thực nữa. Với lòng tiếc thương vô hạn, Thanh Hải lại hòa cùng tâm sự của đồng bào miền Nam nhớ Bác để gửi tình cảm sâu nặng đó vào bài Cả miền Nam thương nhớ Bác Hồ (năm 1969), với những câu thơ da diết:

Bác mất rồi… !

- Ôi cái tin đau đớn bốn phương trời…

Ai cũng muốn không phải là sự thật…

- Bác ơi!... chúng con đang đi đánh giặc

Không được về dâng Bác một bông hoa

Phút thiêng liêng đứng ngoảnh mặt nhìn ra

Lại thấy Bác, gần hơn bao giờ hết…

Bằng những lời thơ giản dị, gần gũi, thân thương, nhà thơ Thanh Hải đã viết lên tình cảm thật xúc động mà sâu sắc của đồng bào miền Nam dành cho Bác. Là một vĩ nhân, Bác Hồ đã in đậm dấu ấn vào lịch sử dân tộc và lịch sử nhân loại. Dù Bác đã đi xa, nhưng hình ảnh giản dị, tư tưởng, tấm gương đạo đức sáng ngời của Người luôn sống mãi trong trái tim các thế hệ người Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Có thể nói, hình ảnh Bác Hồ đã được rất nhiều các nghệ sĩ khao khát lấy làm đề tài sáng tác. Vì thế, Bác Hồ đã trở thành biểu tượng thẩm mĩcủa thời đại. Trong số những nhà thơ viết thành công nhất về đề tài Bác Hồ phải kể đến Tố Hữu, Chế Lan Viên, Minh Huệ, Việt Phương, Hải Như, Xuân Diệu, Viễn Phương, Trần Đăng Khoa… Thanh Hải có hai bài thơ viết về Bác Hồ, trong đó bài Cháu nhớ Bác Hồ cũng được chọn là một trong mười bài thơ hay viết về Bác.

Nhiều bài thơ của Thanh Hải đã được bạn đọc yêu thích nhớ tới, đó là: A Vầu không chết, Mồ anh hoa nở, Tấm băng vẫn đi đầu, Núi vẫn nhớ, người vẫn thương… sau này đều được in trong tập “Những đồng chí trung kiên” - NXB Văn học, Hà Nội, 1962. Bên cạnh Những đồng chí trung kiên, Thanh Hải còn viết về những hình ảnh của người phụ nữ yêu nước. Đó là hình ảnh người mẹ, người vợ, những cô thanh niên xung phong, những người em giao liên… Hình ảnh người mẹ trong thơ ông khiến người đọc cảm phục và day dứt khôn nguôi. Hai chữ quê hương, nơi mẹ gắn bó cả cuộc đời cũng được tác giả viết: “Cần giữ đất, mẹ hóa thành khẩu súng/ Xe địch vào, tay trắng cũng xông ra” (Sang đò đêm mưa).

Tình yêu quê hương, đất nước, yêu lãnh tụ là nguồn cảm hứng chủ đạo xuyên suốt trong thơ Thanh Hải. Chính với cảm hứng này, Thanh Hải đã tạo được dấu ấn cho mình trong lòng bạn đọc yêu thơ. Đặc biệt là thơ của nhà thơ miền Nam được gửi ra miền Bắc trong kháng chiến chống Mỹ.

Với cảm hứng quê hương, đất nước, nhà thơ Thanh Hải đã hòa cùng mạch thơ chung của cả nước để làm nổi bật tinh thần yêu nước, căm thù giặcvà ý chí quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. “Một khi tiếng nói của cách mạng vút lên thành thơ”, thì chứng tỏ Thanh Hải là nhà thơ chiến sĩ, nhà thơ cách mạng.

Nói đến thơ Thanh Hải là ta nói đến thơ đa giọng điệu. Thơ ông vừa có nốt trầm xao xuyến, vừa là hiệu triệu của Tổ quốc, lại vừa có lời tâm tình xót xa của bà mẹ, là giọng kể của nhiều người… Tất cả đã làm nên sự đa giọng trong thơ ông./.

Nhà thơ Tố Hữu với Bảo Ninh Chương trình nghệ thuật đặc biệt nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà thơ Tố Hữu Hội nhà văn Việt Nam tổ chức kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà thơ Tố Hữu (1920-2020)
Nguồn Tạp chí Sông Thương số 2/2024
Nguyễn Đình Thi - Thơ Nguyên Hùng

Nguyễn Đình Thi - Thơ Nguyên Hùng

Baovannghe.vn- Sinh ở Lào nhưng là người Hà Nội/ Một nghệ sĩ hào hoa sắc sảo đa tài
Triển lãm nghệ thuật "Sắc màu bừng nở"

Triển lãm nghệ thuật "Sắc màu bừng nở"

Baovannghe.vn - Từ ngày 23/11 đến ngày 15/12/2024, tại Nguyen Art Gallery (Hà Nội), sẽ diễn ra triển lãm tranh màu nước Colors in Bloom - Sắc màu bừng nở của nhóm 6 họa sĩ trẻ.
Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Baovannghe.vn- Như những mũi lao cắm vào vùng ngập mặn/ Mầm sống gieo trên sóng nước hoang sơ
Nên bị gai đâm - Tản văn của Chu Văn Sơn

Nên bị gai đâm - Tản văn của Chu Văn Sơn

Baovannghe.vn - Và ta cứ yên trí đi qua thế giới này với bước chân quen xéo lên cỏ hoa. Thỉnh thoảng bàn chân nên bị gai đâm, để ta được giật mình: Tổn thương là rỉ máu.
Trịnh Hoài Đức - Nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa

Trịnh Hoài Đức - Nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa

Baovannghe.vn - Kịch Trịnh Hoài Đức ngoài chất hài ý nhị, sâu cay, cười ra nước mắt còn bao hàm cả triết lý sâu sắc về thế giới quan, nhân sinh quan... Thơ của ông như gieo vào lòng người cái tình sâu lắng, ngôn ngữ giản dị mà nhân văn đa nghĩa đầy tính bác học...