Sự kiện & Bình luận

Đường về Tổ quốc - Trích truyện kí của nhà văn Trình Quang Phú

Trình Quang Phú
Bút ký phóng sự
17:47 | 19/08/2024
Baovannghe.vn - Bác đến Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam vào giữa ngày xuân năm 1940. Côn Minh là vùng núi, cao hơn mặt nước biển đến gần 2.000 mét, và bằng phẳng
aa
Đường về Tổ quốc - Trích truyện kí của nhà văn Trình Quang Phú
Tác giả Trình Quang Phú bên Thúy Hồ - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng để bàn quốc sự.

Ở CÔN MINH

Bác đến Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam vào giữa ngày xuân năm 1940. Côn Minh là vùng núi, cao hơn mặt nước biển đến gần 2.000 mét, và là nơi bằng phẳng, có nhiều hồ lớn đầy nước quanh năm. Mùa xuân, ở Côn Minh hoa anh đào, hoa tulip và các loại hoa tưng bừng khoe sắc. Bộ phận đại diện hải ngoại của Đảng Cộng sản Đông Dương đóng ở Côn Minh.

Theo sự chỉ dẫn của các đồng chí Tỉnh ủy Quảng Tây, Bác trong vai kí giả với bộ trang phục sang trọng, áo vest, cà vạt, giày da, mũ phớt, tìm đến hiệu dầu cù là Vĩnh An Đường ở phố Kim Mã. Bước vào cửa tiệm Vĩnh An Đường, thấy một người công nhân đang dọn dẹp ở gần cổng và một người khác đang ngồi đọc sách ở hành lang phía trong, Bác hỏi thăm người công nhân bằng tiếng Trung Quốc:

- Tôi muốn tìm ông Trịnh Đông Hải, ông ấy có ở đây không?

Người đọc sách ở hành lang nghe thấy vội vàng đứng dậy, chạy ra, trả lời cũng bằng tiếng Hoa:

- Tôi là Hải đây, ông cần gì tôi?

- Chào ông, cho tôi hỏi thăm. - Bác đáp lại bằng tiếng Hoa, rồi tiến sát người đàn ông tên Hải, nói nhỏ bằng tiếng Việt, theo kí hiệu đã quy định - Tôi là Trần.

- Ồ… - Trịnh Đông Hải nắm chặt tay Bác im lặng để xúc động nén xuống, rồi bỗng vui vẻ nói to làm ra vẻ như Bác vừa hỏi để tìm ai đó - Có, có, tôi sẽ đưa anh đi!

Nói xong, Trịnh Đông Hải đưa Bác ra công viên gần đó. Trịnh Đông Hải chính là đồng chí Vũ Anh, cán bộ của Ban Đại diện Hải ngoại của Đảng Cộng sản Đông Dương, hàng ngày lái xe cho tiệm dầu cù-là để làm đầu mối liên lạc với các đồng chí trong nước. Trên đường đi, Vũ Anh vẫn chưa hết bồi hồi xúc động, nói với Bác:

- Trong nước được tin anh sẽ về từ cả tháng rồi. Anh Phùng Chí Kiên là chỉ huy của Ban Hải ngoại, cùng lương y Đặng Văn Cáp, hai người đều biết anh trước đây đã đi xuống Long Châu, Quý Châu tìm đón anh mà không gặp. Anh đến được đây, em mừng quá.

- Tốt rồi. Gặp được các đồng chí là quá quý. - Im lặng vài giây, Bác hỏi - Ở Côn Minh, tình hình chính trị thế nào?

- Dạ, vẫn còn xôi đậu1. Bọn Quốc dân Đảng phản động theo Nhật vẫn hoành hành, nhưng chúng không làm gì được. Đảng Cộng sản Trung Quốc ở đây hoạt động không công khai, nhưng mạnh. Chúng ta cũng lập được các chi bộ Đảng trong bà con Việt kiều.

- Việt kiều mình có đông không?

- Dạ thưa, từ năm một chín mười một (1911), Pháp mở đường sắt Côn Minh - Hồ Kiều2 - Hải Phòng nhằm khai thác tài nguyên, bà con mình lên đây làm ăn dễ, nên cũng khá đông. Ở đây liên lạc với trong nước thuận lợi là nhờ đường sắt này.

- Đảng viên trong chi bộ có nghèo khó quá không?

- Nói chung làm đủ sống. Một số nhờ mở quán ăn, quán cà phê, quán tạp hóa thì cuộc sống khá hơn. Các đồng chí tự nguyện đóng góp kinh phí tốt lắm ạ.

- Bây giờ các đồng chí bố trí tôi ở đâu?

- Anh Phùng Chí Kiên đã bố trí anh ở trong nhà một Việt kiều, anh này giác ngộ tham gia cách mạng từ những năm ba mươi (1930), giờ mở tiệm may và ở tầng một. Anh sẽ ở trên lầu.

- Anh ấy tên gì?

- Dạ, tên là Tống Minh Phương, nhà ở 76 đường Kim Bích, gần đây ạ.

Ở vài tuần, thấy tiệm may anh em lui tới khó, Bác đề nghị vợ chồng Tống Minh Phương chuyển sang mở quán cà phê để mọi người đến ít bị để ý. Từ đó, căn nhà 76 đường Kim Bích được gắn biển tiệm cà phê Tân Nam. Các đồng chí Việt Nam, khi cần gấp đã đến gặp Bác dưới dạng khách uống cà phê. Nhưng một ngày, giữa tháng 3, đang lúc khách đông, thì mật vụ Quốc dân Đảng ập vô khám xét. Trong trang phục như người Trung Quốc đến uống cà phê, Bác đã nhanh chóng qua mắt chúng thoát ra ngoài. Từ hôm đó, Bác chuyển qua ở trên căn gác nhỏ nhà 67 đường Hoa Sơn Nam. Căn nhà này có cái sân nho nhỏ lấy nắng phía sau, và có cửa ra con hẻm thông với khu rừng. Chỉ mấy tháng ở đây, Bác đã chỉ đạo xây dựng nâng cao phong trào yêu nước trong Việt kiều. Bác đề xuất đổi tên tờ báo cách mạng của tổ chức Việt kiều đang mang tên “Truyền tin” thành “Đ.T.” và dặn anh chị em, với kẻ tò mò thì trả lời Đ.T. là “Đưa tin”, còn với bà con đồng chí mình thì giải thích là đấu tranh, là “đánh Tây” hoặc là “Đảng ta” cũng được.

Một hôm, bên bờ Thúy Hồ, Vũ Anh dẫn tới gặp Bác một thanh niên rất trẻ, người cao ráo khỏe mạnh.

- Thưa anh, đây là cháu Phùng Thụ3 năm nay mười chín tuổi, vừa được kết nạp vào Đảng. Anh Phùng Chí Kiên giao cho cháu Thụ theo bảo vệ anh.

Bác vui vẻ hỏi Phùng Thụ:

- Cháu sang đây từ khi nào?

- Dạ, năm mười hai tuổi cháu bỏ nhà lang thang kiếm sống, ra Lào Cai và xin làm bốc vác trên xe lửa và theo lên đây, được bảy năm rồi ạ.

Vũ Anh nói xen vào:

- Thưa anh. Sáu năm trước, đêm khuya em gặp cháu nó quấn chiếu ngủ ở ghế đá công viên. Hỏi ra biết tình cảnh cháu, em đưa về sống chung, chú cháu nuôi nhau và cháu nó tích cực tham gia công tác cách mạng, trở thành người trợ giúp đắc lực của Ban Hải ngoại ạ.

- Chú định bố trí cháu Thụ bảo vệ như thế nào?

- Anh em bàn nhau, khi nào anh ở nhà thì cháu nó gác bên ngoài, có động tĩnh cháu kịp thời báo để anh xử lí, sau đó báo cho chúng em. Khi anh ra khỏi nhà đi hoạt động, thì cháu nó theo anh, với nguyên tắc “hình với bóng”.

Ngừng một lát, như chờ ý kiến của Bác, rồi Vũ Anh nói thêm:

- Cháu Thụ có học võ.

Phùng Thụ nhanh nhảu tiếp lời Vũ Anh:

- Lúc đầu cháu chỉ học để tự vệ bản thân, quen mang theo khúc gậy ngắn, vì sống lang thang hay gặp bọn côn đồ. Sau này, cuối tuần chú Hải cho cháu ra Thúy Hồ để học khúc côn.

Bác nhìn Thụ từ đầu đến chân, và cười vừa ý, rồi nói:

- Bây giờ thống nhất thế này, Bác và cháu coi như không quen biết nhau. Trên đường đi nếu có chuyện đột xuất Bác gãi tai, khi phải vào họp lâu, Bác lấy khăn lau mồ hôi thì cháu hiểu nhá. Còn cần nói gì thì chỉ ở nơi kín đáo.

Vũ Anh từ tốn bảo:

- Thưa anh, anh Phùng Chí Kiên đặt bí danh cho cháu nó là Nghĩa.

*

Tháng 4 năm đó, Bác cùng Phùng Chí Kiên, lấy tư cách là người của tổ chức Việt kiều “Việt Nam hưởng ứng Trung Quốc kháng địch hậu viện Hội”, một tổ chức được nhà nước Trung Quốc công nhận hợp pháp để công khai đi làm công tác Hội. Bác đã đi dọc theo đường xe lửa Côn Minh - Hồ Kiều, vừa thăm hỏi động viên bà con, gây dựng củng cố phong trào, một phần nữa là Bác muốn thị sát thực tế tình hình biên giới để có kế hoạch “Đột nội”4. Bác đã dừng lại gần một tháng ở Xi Xuyên thuộc huyện Mông Tự (nay là huyện Hồng Hà) giáp với sông Hồng, mà bên kia là Lào Cai và phía trên là Lai Châu. Trong thời gian ở đây, với tên gọi ông Chen (Trần), Bác đã dự lễ cầu siêu hai chục bà con Việt kiều ở Bích Sắc Trại bị bom Nhật giết chết.

Sau một tháng công tác, Bác trở về Côn Minh. Buổi tối Phùng Chí Kiên đến báo với Bác rằng bên nhà, Hoàng Văn Thụ có cử Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp sang gặp Bác.

- Chú Đồng thì tôi biết, năm hai sáu (1926) đã sang dự lớp huấn luyện ở Quảng Châu.

- Dạ, ở Quảng Châu về anh ấy được cử vào hoạt động ở Nam Kỳ. Năm hai chín (1929), bị địch bắt, mới ra tù được hơn một năm. Còn anh Võ Nguyên Giáp là cử nhân luật, giáo sư dạy sử trường Thăng Long Hà Nội, làm báo cho cách mạng.

- Chú bố trí để chúng ta gặp hai đồng chí ấy.

Một ngày đầu tháng 6, Côn Minh nắng đẹp, cây cối xanh tươi, Thúy Hồ nước trong xanh, Vũ Anh chèo thuyền chở Bác lướt ven hồ. Vài chú vịt trời lặn ngụp phía trước, lúc bay lúc đậu như đùa giỡn với khách. Phùng Chí Kiên đến với hai người, một người cao gầy, Bác nhận ra Phạm Văn Đồng, học trò khóa ba ở Quảng Châu, bên cạnh là một thanh niên không cao lắm, dáng vẻ nho nhã, Bác đoán đây là Võ Nguyên Giáp. Vũ Anh cho thuyền tấp vào bờ đón ba người. Bác thân thiết:

- Chào hai đồng chí. - Bác tươi cười bắt tay Phạm Văn Đồng - Chà, mới đó mà đã mười ba năm rồi.

- Dạ. Em về nước hoạt động mấy năm sau bị chúng bắt và đày ra Côn Đảo, mới ra tù hoạt động được vài năm, không ngờ được gặp lại anh. Nghe anh Thụ nói đi gặp đồng chí Vương, em đã nghi nghi, thế mà đúng là anh thật. Ở nhà còn nghe tin anh mất, trong tù tụi em đã truy điệu anh rồi.

- Vậy là tôi sống lâu lắm đấy.

Bác đùa.

- Trung ương cử em với đồng chí Võ Nguyên Giáp đây sang gặp anh. Đồng chí Giáp quê ở Quảng Bình.

- Giáp năm nay bao nhiêu rồi?

- Cháu hai mươi tuổi ạ.

Võ Nguyên Giáp thưa.

- Ừ, chú sinh đúng năm cách mạng Tân Hợi của Trung Quốc, cũng là năm tôi ra đi. Hai chú đều là trí thức. Đảng cần trí tuệ lắm. Thế hai chú đến bao lâu rồi?

Phạm Văn Đồng đáp:

- Dạ, được hơn ba tuần rồi. Trong khi chờ thì hàng ngày chúng em ra hồ Thúy để học tiếng Trung Quốc ạ.

- Ừ, ngoài đó vui lắm. Bây giờ các chú cho tôi nghe tình hình trong nhà trước.

Sau khi nghe hai người báo cáo Bác xong phân tích rất kĩ. Bác nhận định đế quốc Pháp đang suy yếu. Nhật đang lôi kéo phe Quốc dân Đảng phản động để xâm chiếm Trung Quốc. Nhật cũng lăm le muốn nhảy vào nước ta. Đảng Cộng sản Trung Quốc trước đây liên kết với Quốc dân Đảng nhưng đây chỉ là lôi kéo, hòa hoãn tạm thời để chống Nhật.

- Một bộ phận đông của Quốc dân Đảng giờ là tay sai của đế quốc Nhật rồi ạ.

Phùng Chí Kiên thưa. Võ Nguyên Giáp bổ sung thêm:

- Dạ, ở Việt Nam anh Thụ cũng phân tích như vậy.

Bác gật đầu, nói:

- Đảng Cộng sản Trung Quốc giờ phải chống Nhật và đối phó với Quốc dân Đảng phản động. Các chú sang đây phải học Trung Quốc cách chống ngoại xâm.

Sau buổi gặp lịch sử này, Bác thường làm việc với Phùng Chí Kiên, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Vũ Anh, Cao Hồng Lĩnh, lúc thì đơn lẻ từng người, khi thì cả nhóm. Bác giao Võ Nguyên Giáp làm trợ lí giúp Bác một số việc, đặc biệt là nắm tình hình các tỉnh giáp với Vân Nam và Quảng Tây Trung Quốc. Bác phân công Phạm Văn Đồng cùng các đồng chí khác ở Côn Minh xây dựng lực lượng Việt kiều, chuẩn bị hậu cần để tìm thời cơ về nước.

Vũ Anh vui vẻ nói:

- Thưa anh, hôm nay anh Kiên muốn đưa anh đi thăm hồ Điền Trì lớn thứ ba của Trung Quốc và cũng để anh em ta bồi dưỡng một bữa mừng anh Đồng, anh Giáp trong nước mới qua ạ.

- Nơi đó xa không, có an toàn không?

- Thưa, là đất căn cứ vùng ven của Đảng Cộng sản Trung Quốc an toàn lắm ạ. Đi xe ngựa, độ chừng mười lăm cây số là tới.

Bác cùng Vũ Anh và Phùng Nghĩa đến hồ Điền Trì, một hồ lớn mênh mông ở dưới chân núi. Phùng Chí Kiên đã chờ sẵn, đưa Bác ra bên bờ hồ ngắm cảnh. Thấy Bác mải mê nhìn ngắm những chú chim hải âu bay lượn, Phùng Chí Kiên bảo:

- Thưa anh, mùa này nó đi bớt nhiều rồi. Mùa đông lạnh, từ phương Bắc cả vạn con về trú rét đậu kín cả cái hồ rộng ba trăm cây số vuông này.

Mọi người vào một quán của người dân tộc bản địa ở ngay bờ hồ. Cao Hồng Lĩnh đưa Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp cũng vừa đến. Bảy người ngồi quanh nồi lẩu đất nung nấu bằng than. Phùng Chí Kiên giới thiệu:

- Khu vực này của dân tộc Điền, ngày xa xưa là vương quốc Điền. Có lẽ vì vậy nên hồ có tên là Điền Trì. Họ có món lẩu nấm rất độc đáo ạ. Nhiều loại nấm nấu với xương và khách có thể nhúng thêm món thịt gà hoặc thịt thú rừng.

Bác khoát tay:

- Nấm bổ và ngon lắm rồi. Không gọi thịt, thêm tiền, lãng phí.

- Lâu lâu có bữa mà anh.

- Không. Tiền là mồ hôi nước mắt của anh em. Hơn nữa, nấm còn ngon và bổ hơn thịt. Các chú không biết à?

- Thưa Bác đúng ạ. - Phùng Nghĩa thưa - Hồi cháu đi làm bồi quán ăn, người ta giới thiệu nấm là thịt của mọi thứ thịt ạ. Ở đây nấm đứng số một Trung Quốc5, có loại nấm Trúc tôn là nấm hoàng hậu, còn Kê tùng gọi là vua của loài nấm, ăn giòn ngon như thịt gà ấy.

- Cháu nói phải. - Bác khen và nói tiếp - Các chú ở đây có nghe câu “uống trà Phổ nhĩ, ăn nấm Vân Nam” không? Ở Quảng Châu, tôi đã nghe câu này rồi. Đấy, nấm ngon vậy việc gì phải ăn thịt.

Quây quần bên bếp lẩu, trong khi chờ quán nấu, Bác nói với mọi người:

- Tôi và Phùng Chí Kiên, Phạm Văn Đồng biết nhau từ khi hai đồng chí này sang dự lớp bồi dưỡng. Chú Đồng về nước chiến đấu anh dũng trong lao tù Côn Đảo, chú Kiên được đi học và tham gia khởi nghĩa Quảng Châu với đồng chí Trương Thái Lôi. Có thể nói, chú Kiên là nhà quân sự đầu tiên của chúng ta. Tôi thấy chú Kiên và chú Giáp nên học hỏi, nghiên cứu về quân sự để giúp Đảng. Còn chú Đồng, chú Hồng Lĩnh, chú Vũ Anh lo xây dựng cơ sở, đặt quan hệ tốt với các đồng chí Trung Quốc, chuẩn bị việc lâu dài cho đất nước.

- Thế còn cháu ạ?

Phùng Thụ lên tiếng. Bác nhìn Thụ cười:

- Cháu là thanh niên rường cột, theo chú Kiên, chú Giáp học hỏi.

Bảy bác cháu, anh em có một bữa ăn lẩu nấm dân dã thật thi vị. Ăn xong, chủ quán mời mỗi người một trái xoài nhỏ, chín đỏ chỉ lọt lòng bàn tay. Vũ Anh lấy một trái mời Bác và giới thiệu:

- Đây là loại xoài chỉ lớn như vầy, là xoài trên cây cổ thụ, ngọt lắm. Ở Vân Nam nhiều lắm, họ gọi là tiểu xoài cổ thụ ạ.

Cuối tháng 6, Võ Nguyên Giáp báo với Bác trên nhật báo có tin ngày 20 tháng 6 vừa rồi Pháp đã thất thủ, đầu hàng. Một cuộc họp khẩn. Sau khi phân tích, trao qua đổi lại về tình hình, Bác nói:

- Có thể thấy tình hình chung của thế giới ngày càng có lợi cho chúng ta. Chúng ta phải tìm mọi cách để liên lạc với các tỉnh biên giới, lập kế hoạch chu đáo để về nước lãnh đạo cách mạng, chậm trễ lúc này là có tội với đất nước.

Tháng 10 năm 1940, Bác quyết định rời Côn Minh để xuống Quế Lâm tìm đường về nước.

Theo dấu chân người

Từ Quảng Châu chúng tôi đáp máy bay đến Côn Minh. Côn Minh ngày xưa Bác đến chỉ là một thị xã hẻo lánh của Vân Nam. Là vùng núi rừng và những con phố cổ tích, nhưng Côn Minh giàu sản vật nông sản và nấm, dược liệu, thú rừng. Thực dân Pháp mở đường sắt là để vơ vét của cải ở vùng đất vốn nối thông cả với Myanma và Tân Cương này. Ngày nay, Côn Minh trở thành một thành phố hiện đại văn minh, đường sá rộng rãi, khang trang, có lề đường đến 2 - 3 mét dành cho người đi bộ. Hầu hết ô tô là xe chạy bằng điện, kể cả xe hai bánh nên không có tiếng ồn, và không bị ô nhiễm vì khói. Rời khỏi phương tiện công cộng, có xe đạp và xe đạp điện công cộng bạn có thể lấy đi miễn phí và trả bất kì nơi nào trong thành phố. Sân bay quốc tế dài cả mấy cây số, có sức chứa đến gần 40 triệu khách một năm. Căn nhà Bác ở tại đường Kim Bích, cũng như nhiều con phố của Côn Minh đã được đập phá theo quy hoạch mới để xây những ngôi nhà cao tầng tráng lệ. Nhưng may thay, nhà 67 (nay là 91) đường Hoa Sơn Nam, nơi Bác ở lâu nhất tại Côn Minh vẫn còn. Có lẽ vì có di tích của Bác mà đoạn phố Hoa Sơn Nam này khi quy hoạch các bạn Trung Quốc vẫn giữ lại. Căn phòng nhỏ chín mét vuông Bác đã ở, cạnh giường ngủ là bàn làm việc với chiếc máy đánh chữ rất cũ xưa, sát đó là một phòng nhỏ nữa để làm và in báo. Dưới lầu, phía sau sân nhỏ có ngách ra con ngõ để đến với khoảnh rừng, dẫn đến Thúy Hồ mĩ lệ, đã in nhiều dấu tích lịch sử.

Chúng tôi dành nhiều giờ đến thăm Thúy Hồ, một thắng cảnh, nơi Bác đã thường đến đây gặp gỡ anh em đồng chí. Thúy Hồ không rộng lắm, được mệnh danh là Viên Ngọc Lục Bảo của Côn Minh bởi nước trong xanh và phong cảnh đẹp hữu tình. Thúy Hồ nằm ở ngay trung tâm thành phố, gồm 4 hồ nhỏ nối nhau bằng những chiếc cầu kiểu cách rất Trung Quốc. Mùa đông ở đây ấm hơn vùng khác cho nên các loài chim phương Bắc đã chọn nơi này để tránh rét. Từng đàn, từng đàn, nào là hải âu mỏ đỏ, thiên nga và rất nhiều mòng biển, có đến cả ngàn con, kéo nhau về, chúng nô đùa trên nước và lượn quanh, làm quen với cả con người và để “xin” ăn. Những chiếc thuyền gỗ nho nhỏ, chiếc có mui bằng tre bện lại, các con thuyền ở đây có khoang lái rộng. Nhìn những con thuyền đang lướt trên mặt hồ, tôi chợt nghĩ đến ngày xưa, Bác cũng từng ngồi trên một con thuyền như thế này để bàn quốc sự. Từ Hoa Sơn Nam, có con dốc, chạy qua cánh rừng nhỏ xanh um xuống với Thúy Hồ, con đường ngày xưa Bác vẫn đi. Chúng tôi theo con đường này để cố tưởng tượng ra bước chân của Bác và các nhà cách mạng tiền bối. Cảm ơn Thúy Hồ, trong niềm xúc động tôi nói với nhà văn Nguyễn Bình Phương cùng đi trong đoàn: Giá như ở đây có tấm bia ghi rõ Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến đây, gặp và đào tạo các vĩ nhân cho dân tộc Việt Nam, thì Thúy Hồ sẽ lung linh, sẽ rạng rỡ hơn.

Chúng tôi tìm đến hồ Điền Trì mênh mông như biển trên độ cao hai ngàn mét so với mực nước biển, nơi mùa đông rợp trời hải âu về trú rét bay lượn. Chúng tôi cũng vào một quán, có cô gái mặc quần áo dân tộc đứng ở cửa chào đón khách, để ăn món “Ye Sheng Jun Huo Guo” có nghĩa là lẩu nấm thiên nhiên hoang dã. Chúng tôi cũng tráng miệng bằng quả xoài chín mọng chỉ lọt lòng bàn tay, to bằng quả cóc nhỏ ở Nam Bộ, là xoài mọc tự nhiên lâu năm trong rừng, trái nhỏ, hạt lép, rất ngọt… Chúng tôi cũng ngồi xe lửa 500 cây số từ Côn Minh để đi Hà Khẩu. Ngày trước Bác ngồi xe lửa với tốc độ 35km/giờ, và lượn theo đèo dốc. Còn bây giờ tàu cao tốc Côn Minh - Hà Khẩu loại nhanh là 350km/giờ, loại tàu nhanh thường cũng có tốc độ 160km/giờ. Và đường sắt hôm nay từ Hà Khẩu đến Côn Minh có đến 155 hầm Tuynel, con đường cứ băng băng như không có đèo dốc. Chúng tôi đã đi và nhớ Bác. Không chỉ ở Quảng Châu và Côn Minh mới có khu di tích về Bác, mà cả Trung Quốc có đến 70 địa điểm di tích về Bác. Kể cả khu di tích Bát lộ quân ở Lan Châu, địa đầu Trung Quốc phía Bắc cũng có ảnh Bác, ghi dấu tích Bác đã đến đây… Nhiều di tích liên quan tới Bác được xếp loại lịch sử cấp Quốc gia. Càng đi, càng xem, chúng tôi càng tự hào về Bác. Ba mươi năm Bác đi nhiều nơi, nhiều nước trên thế giới nhưng không có nước nào là xa lạ, mà Bác không thích nghi. Và ở cả bốn phương trời đó, Bác đã làm việc, chiến đấu không mệt mỏi, đã đúc kết, đã rút tỉa, tích lũy để trở thành một lãnh tụ, trở về lãnh đạo thành công cách mạng Việt Nam.

TRÌNH QUANG PHÚ | Báo Văn nghệ

1. Xôi đậu: Ý nói lẫn lộn giữa cách mạng và bọn phản động.

2. Hồ Kiều nay gọi là Hà Khẩu.

3. Sau này là tướng Phùng Thế Tài.

4. Đột nội: Về trong nước.

5. Vân Nam có 850 loại nấm ăn, chiếm 90% nấm ăn của Trung Quốc và 43% giống nấm ăn của thế giới.

----------------

Bài viết cùng chuyên mục:

Má Sáu Ngẫu và tấm bản đồ chỉ đường tiến công vào Sài Gòn - Bút ký của Phạm Xuân Trường Đến hẹn lại về Về miền mơ tưởng Vài nét về một nền văn nghệ sinh ra trong máu lửa - Bút ký của nhà văn Anh Đức Đọc truyện: Búa nước. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thị Phương Lan
Mời quý vị đón đọc báo Văn nghệ số 48/2024

Mời quý vị đón đọc báo Văn nghệ số 48/2024

Baovannghe.vn - Báo Văn nghệ số 48/2024 ra ngày 30/11/2024 có các nội dung sau đây:
Chờ động đất - Truyện ngắn của Hồ Anh Thái

Chờ động đất - Truyện ngắn của Hồ Anh Thái

Baovannghe.vn- Thì ra là động đất. Anh từng ở những nước mỗi ngày một trận động đất. Ở bên Trung Đông. Ở đảo quốc giữa biển vùng Đông Nam Á. Đừng nghe mỗi ngày một trận động đất mà hoảng, đất nước rộng mênh mông, hôm qua một trận ở miền Đông hôm nay một trận ở miền Tây, ngày mai miền Bắc, ngày kia miền Nam, hàng nghìn trận yếu mới có một trận mạnh.
Bản tin Văn nghệ ngày 26/11/2024

Bản tin Văn nghệ ngày 26/11/2024

Baovannghe.vn - Sau 5 tuần dự thi, cuộc thi tim hiểu cuốn sách của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thu hút 423.422 người đăng ký dự thi với tổng số lượt người tham gia dự thi là 1.381.110 lượt.
Gió mùa Thu - Thơ Nguyễn Ngọc Hưng

Gió mùa Thu - Thơ Nguyễn Ngọc Hưng

Baovannghe.vn- Ru con bằng câu ca dao/ Ru con bằng cả ngọt ngào đắng cay
Ngục chữ - Thơ Nguyễn Ngọc Hưng

Ngục chữ - Thơ Nguyễn Ngọc Hưng

Baovannghe.vn- Khuôn sáo cứng đơ giết mòn ngữ nghĩa/ Muốn tự do tông tột đến sứt sờn