Sáng tác

Bến thời gian. Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ

Lê Thanh Huệ
Truyện
13:15 | 16/11/2024
Baovannghe.vn - Tôi với Huyền cùng tuổi thơ cơ cực. Huyền cao, đẹp trai nhất lớp, nghịch ngợm, bị kì thị hư hỏng, các bậc cha mẹ không cho con cái kết bạn với Huyền. Tôi hiền lành, học giỏi nhất lớp ở tất cả các môn. Trong các kì thi, kiểm tra, tôi giải bài chép ra giấy để Huyền ném cho các bạn.
aa

Một đêm, mẹ tôi thì thầm: “Gần mực thì đen…” Loáng thoáng tiếng ba tôi: “Chú Thật người Kinh, vợ người Chăm, không cho con mình chơi với con người ta, là vi phạm chính sách dân tộc.” Mẹ trước đây làm bí thư phụ nữ nên tò mò “Răng ông biết?” Ba giải thích: người Chăm theo chế độ mẫu hệ, lấy họ mẹ. Lúc chiều, chú Thật nhờ làm giấy khai sinh cho con gái đi học, có nhờ giữ họ cha. Con trai còn nhân nhượng cho lấy họ cha, chứ con gái đương nhiên phải mang họ mẹ. Là cán bộ quân báo đi lên từ trường đời; giữ chức chủ tịch ủy ban thị trấn với đa số cư dân là cán bộ công nhân viên có công với cách mạng, từ khắp mọi miền tụ về đây; nên những việc quan trọng, ông luôn tính sẵn ba nước.

Cô Linh đến trụ sở Ủy ban, ba bảo cô Xuân thư kí đánh máy ưu tiên giải quyết ngay. Do đã dặn kĩ, cô Xuân vờ lục hồ sơ đoạn lật đật ra hỏi vì sao hai con của cô Linh mang hai họ. Ba tôi lập luận: người Việt mình ngày xưa không có họ. Bà Trưng Trắc, Trưng Nhị, Vua Chế Mân, vua Maha Vijaya đều là tên, không có họ Trưng, họ Chế, họ Maha... Đến năm 1832, vua Minh Mạng quy định người Chăm phải lấy một trong 16 họ để tiện quản lí sổ bộ thu thuế(1). Nhìn vào mắt cô Linh, ba nói:

- Anh em mình, cách mạng yêu cầu thay tên đổi họ, giờ có ai lấy lại họ cũ đâu. Con em cũng là con cháu thị trấn nông trường Lệ Ninh. Để hai cháu khác họ với nhau sau này rắc rối cho chúng, anh không đành lòng.

Ba nói bận đi họp. Cô Xuân vun vào:

- Con gái nhờ đức cha, vì đời sau chị cho bé lấy họ cha - Thấy cô Linh rung rinh, cô Xuân tấn công - Chiều em gửi chủ tịch đem giấy khai sinh về cho chị.

Ba cho làm đúng giấy khai sinh theo yêu cầu của chú Thật. Nếu cô Linh không chịu, ba sẽ mạn đàm. Nếu cô Linh nhất quyết đòi làm lại giấy khai sinh, sẽ yêu cầu chú Thật cho cả nhà bỏ phiếu, ba kiểm phiếu. Mọi thứ đổi thay nhưng dân tộc mãi còn, giả thử thất bại, ba cho làm thêm một giấy khai sinh họ mẹ để đời sau tự quyết…

Cô Linh cho Huyền tự do chơi với tôi nên chỉ tôi biết Huyền là người thông minh, khéo tay.

Chúng tôi gặp vô vàn nguy hiểm trong tự nhiên. Một trưa hè, chặt đầy bó củi, chúng tôi leo lên vách đá, bám vào rễ cây tìm bắt chim sáo non làm tổ trong hốc đá. Nếu là tổ rắn, Huyền sẽ rơi xuống vực sâu một màu đen tuyệt đối. Chú chim non bắt được, Huyền cho tôi đem về nuôi. Mẹ tôi thường ngày tìm mua chuối, bắt châu chấu, cho sáo ăn, soạn chậu nhôm, sáo nhảy vào chậu đập cánh loạn xạ, nước văng tung tóe, mẹ âu yếm: “em tắm cho mát”…

Chúng tôi đốt đuốc theo sau máy cày mót sắn. Số sắn ít ỏi Huyền mang về giúp mẹ cha có thêm chút lương thực. Một đêm trăng khuyết, chúng tôi đến mé đồi. Một tiếng nổ đanh gọn, chiếc máy cày chạy đến khe núi, lật nghiêng. Quả bom bi sót lại mấy chục năm sau chiến tranh nổ. Chú tài xế lái máy cày áo loang mầu đỏ máu tươi. Huyền cởi áo băng bó vết thương, tôi chạy về đội 5 gọi y tá. Huyền cõng chú xuống chân đồi, gặp bà con, chú y tá vạch mi mắt, soi đèn pin, lắc đầu. Áo quần Huyền nhem nhuốc máu; chú y tá dặn chỉ có nước muối ngâm, giặt mới sạch vết máu người; nó như nước mắt mặn làm dịu nỗi đau...

Chúng tôi chuyển qua tát cá ở các khúc suối. Bom bi được người dân thu nhặt ném xuống các hố bom, khe suối. Đó là những quả bom rời bom mẹ ở độ cao thấp, kim hỏa chưa quay đến vị trí chiến đấu nên khi đụng vào, có thể quay tiếp đến vị trí phát nổ. Huyền cầm một quả, ném cầu vồng, tiếng nổ đanh gọn vang lên. Chúng tôi biết những quả bom rỉ sét, vẫn nổ, nên khi tát cạn nước, bắt cá, tránh đụng vào chúng. Lúc chia phần, Huyền thoăn thoắt bắt từng chú cá giẫy trong tay bỏ sang từng bên như người tiền sử chia nhau thức ăn thu lượm được. Tôi lấy phần ít hơn.

Phòng tai nạn sông nước, Huyền dạy tôi bơi chó; thuần thục mới chỉ tôi cách bơi sải vượt sông Kiến Giang ở khúc đầu nguồn; luôn có Huyền bơi bên cạnh. Khoa mục bơi ngửa, Huyền dạy cuối cùng. Huyền dặn chỉ bơi ngửa lúc đuối sức, chờ người cứu.

Buổi trưa lấy củi, gặp trận mưa lớn, Huyền cương quyết:

- Tiếc của rừng rưng nước mắt. Bỏ củi về ngay.

Đến bờ suối, nước lên nhanh, tảng đá hai đứa đứng, là bờ, mấy phút sau nước lũ đục ngầu bao quanh. Huyền nhìn quanh, quyết định bơi qua, tôi kéo bạn tháo chạy ngược về phía rừng. Huyền xô tôi vào dòng lũ, lao theo kèm tôi, lấy thân đẩy cây trôi dọn đường cho hai đứa. Nước lên, dòng suối rộng ra; chúng tôi qua bờ mới biết bị trôi xuôi mấy trăm mét. Về đến đường mòn cũ, leo lên đỉnh núi, Huyền ngoái lại chỉ cho tôi thấy khu vực bên kia là thung lũng thành biển nước mênh mông, hổn hển:

- Vận rủi theo sát vận may. Hết xui, đến may. Cứ lòng vòng bám theo tao với mầy.

Tôi vào đại học, Huyền về quê. Cách đây hai năm, nghe tin Huyền mất, chôn cất ở Trà Kiệu, kinh đô Chăm Pa, bạn bè cùng lớp chẳng ai viếng tang. Tôi buột miệng “để mình thay mặt các bạn trong lớp đến thắp hương cho Huyền”.

Bến thời gian. Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Cầu Trường Tiền trên sông Hương, Huế - Ảnh từ internet

Bỗng nhiên tôi nhận quyết định ra Hội An, quản lí dự án cầu Cửa Đại.

Đọc thuyết minh dự án, tôi biết Cửa Đại là nơi sông Cổ Cò hợp lưu với sông Thu Bồn trước khi đổ vào biển Đông. Nhìn bình đồ vị trí xây dựng cầu, tâm trí tôi hiện lên những chiến thuyền sáng lòa gươm giáo, ngược sông Thu lên miền đất giàu có nhất Đông Dương, ứng vào câu ngạn ngữ rừng vàng biển bạc.

Thứ bảy, đến dự đám cưới Thanh tại thị xã Hội An. Trên sảnh, một người phụ nữ mặc chiếc áo dài, mái tóc đen tuyền, nước da trắng ngọc, đẹp cả dáng lẫn mặt, đúng là mẹ sinh ra Huyền nhưng đẹp hơn do nét trí tuệ, sang trọng, tỏa ra. Tôi bước lên hấp tấp: “Em có phải là con chú Thật, cô Linh? Anh là bạn của Huyền, ngày xưa mót sắn nuôi em.” Cô gật đầu xác nhận.

Tiệc cưới đến cao trào rượu bia, tôi vẫn chưa hết ngạc nhiên. Thuở bé, ngày nào đi học về, tôi vẫn ghé nhà Huyền ở cạnh bờ đê, cớ sao không thấy em gái của Huyền. Đến hôm nay, em gái Huyền bước ra có tên Trân làm tôi liên tưởng, buột miệng:

- Anh không bao giờ tin được công chúa Huyền Trân bỏ Chăm Pa về lại kinh đô Thăng Long.

Trân khẳng định:

- Ba nói, nếu bị đưa về kinh đô Thăng Long, bà sẽ tự vẫn…

Lúc đó, cô dâu chú rể đến bàn chúng tôi. Thanh đặt tay lên vai Trân:

- Hôm nay giao anh Bình cho Trân điều hành, sử dụng.

Câu nói đùa của cô dâu bị âm hưởng áy náy làm lạc giọng khiến tôi phản xạ: “Mĩ nữ dành cho anh hùng, chẳng đến phần anh.” Rất may, có ai đó chặn lời tôi, nhưng cũng vì thế tôi lóng ngóng suýt rơi ly bia, Trân đỡ lời: “Anh uống hơi nhiều.” Thanh vừa ra khỏi bàn, an ủi tôi Trân kể mình là người duy nhất trong 3 cô bạn đồng ý Thanh nên lấy tôi. Hai cô còn lại khẳng định: yêu thì được nhưng lãng mạn như thế không làm chủ gia đình được đâu mặc cho Trân dẫn lời bố: những đứa con trai học giỏi, hiền lành, chỉ trong giông tố, lúc cuộc sống khó khăn mới xuất hiện tính cách anh hùng… Đó là kỉ niệm buồn trong đêm kí túc xá trường đại học sư phạm Huế. Chia tay Thanh, Huế lập tức cũ, chỉ có một mầu âm u, thành phố buồn, xót xa trong tâm tưởng. Nó ứng vào lời mẹ tôi ru con út đượm nỗi buồn của người vợ theo chồng về xứ xa trong âm hưởng dân ca Huế; để đến nỗi em tôi mãi mãi ra đi vào lúc 7 tuổi, mẹ chăm bé sáo đen như con và thường nhắc: “Em về dưới hình hài như vậy.” Chỉ có điều tôi không dám thú nhận; có Trân trong đêm đó, không hiểu tại sao trong tâm trí tôi chỉ có mỗi Thanh. Có phải người đẹp không dành cho tôi nên trời che mắt để tôi không thấy em của Huyền thuở sinh viên…

Về đến Ban điều hành, chiều Hội An nắng vàng rực rỡ trong tiết lập đông. Một mình ra biển Cửa Đại, khởi động xong, tôi lội xuống biển. Sóng to, gió lớn, biển vắng lạ thường. Nơi tôi thường tắm với anh em trong dự án, nông choèn. Hôm nay xuất hiện vùng nước sâu đến cổ. Một đợt sóng lớn ập đến, chân tôi không còn chạm đáy. Tôi bình tĩnh bơi một hơi, chân vừa chạm đến cát, sóng ập ngay đến và cuốn tôi ra xa bờ hơn. Khoảng chục phút sau, nhìn người phụ nữ nhặt củi trên bãi biển nhỏ cỡ bàn tay, chỉ thấy từ ngực lên đầu. Sóng ngoài khơi rất lớn, liên tục đánh vào rồi dội ra rất nhanh, làm tôi dần mất sức, bắt đầu ngợp nước. Tôi quyết định kêu cứu, giơ tay lên, hét to “A….A….”. Tiếng “A” vừa dễ kêu trong sóng gió và ngợp nước, lại vang xa. Giữa hai đợt sóng qua, tôi gắng sức giơ cao tay ra hiệu và hét lớn. Thoáng thấy bóng người chạy trên đỉnh đồi cát xuống biển. Vậy là họ đã nghe thấy; để giữ sức tàn, tôi không kêu cứu nữa. Tính toán phải sống khoảng 15 phút chờ người đến cứu; sức cạn, tôi bơi ngửa. Không may, do bơi ngửa, cơn sóng ập đến làm tôi bị sặc nước, đuối hẳn. Tôi ngoi lên, nhìn thấy một người đàn ông nhỏ bé kéo dây băng ra. Lo sợ dây bị ngắn, tôi dùng chút sức tàn để bơi vào cố giữ được cự ly với bờ. Nước rút ra rất nhanh nên hơn phút sau, khuôn mặt người đàn ông cách tôi vài mét. Quẳng phao bơi có sợi dây cho tôi, ông bơi vòng ra phía bắc. Tôi bơi vòng phía nam để tránh bị hiểu lầm sẽ ôm lấy người cứu mình, cả hai sẽ cùng chết. Không ôm phao mà dùng tay ôm lấy sợi dây, thêm chắc chắn, tôi dùng hai chân kẹp chặt sợi dây, nhắm mắt, nín thở để cho những người trên bãi kéo nhanh vào bờ với suy tính, chỉ cần ôm chặt sợi dây, nếu có chìm trong nước và chết ngạt, lên bờ mọi người sẽ cấp cứu sẽ sống lại, chí ít cũng không chết mất xác.

Một người đàn ông da trắng ào xuống nước bế thốc tôi lên vai miệng thét “Let me pass!… ”(2). Có rất nhiều tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng lạ lao xao đưa tôi chìm vào giấc ngủ vùi…

***

Mở mắt, tôi thấy Trân ngồi bên, các y tá đang thay dịch truyền. Trân giữ tôi nằm yên, em nói tối qua trên mạng xã hội lan truyền tin một người đuối nước được đưa vào bệnh viện và đúng là tôi trong các clip nên em vội vào nuôi. Em nói tôi được “Bà” cứu. Tôi ngạc nhiên:

- Người lao ra cứu anh là đàn ông.

Trân gọn lỏn:

- Bà Huyền Trân công chúa sai đi cứu anh.

Em lãng ngay đi, bằng cách giải thích cho tôi đại để: Hôm qua tôi rơi vào dòng rip là nơi thỉnh thoảng có hai luồng nước biển chảy vào bờ hợp lưu rồi chảy ngược ra đào sâu bờ cát rất nhanh. Chưa có ai bơi ngược dòng rip vào đến bờ. Dân chài gặp dòng rip, bơi song song với bờ vài chục mét, sẽ gặp dòng chảy hướng vào nhanh chóng lên được bờ. Nếu bơi kém, dòng rip đẩy ra khoảng cây số gặp bãi nông ngoài khơi Cửa Đại. Tôi kiệt sức do cố bơi ngược dòng. Em nói cửa sông này lúc xưa có tên Cửa Đợi do là nơi những người vợ, những đứa con đứng chờ thuyền cha trên biển về bờ. Do phương ngữ của người dân bản địa bị nghe chệch thành "Cửa Đại"; theo thời gian nó đi vào ngôn ngữ trăm miền là “biển Cửa Đại”...

Lúc anh em ở Ban điều hành đến, Trân tỉnh bơ:

- Anh Bình là anh ruột của em.

Tôi xuất viện, Trân gọi taxi đưa về cơ quan. Ngồi trên xe, em đưa cho tôi bản phô tô mầu trang báo xuân:

- Em đang cho học sinh hội thảo bài thơ này.

Tôi nhìn tựa đề bài thơ và câu thơ cuối cùng có 5 từ được gạch dưới chữ “Anh xin làm bến đợi phía cuối sông. nói:

- Bài thơ “Huế và em(3) của tiến sĩ công trình thủy Nguyễn Nguyên Hùng; anh đã nghe tác giả đọc trên chương trình HTV9 rồi.

Trân thủ thỉ:

- Anh viết bài bình cho em, đừng vội vàng. Nhớ ngày 11 tháng 11 năm nay là ngày sinh nhật thứ hai của anh...

***

Sáng hôm sau, tôi gọi điện báo đã viết xong bài cảm tưởng, sẽ mang lên cho Trân. Chiều tà, Trân đi xe Honda về Ban điều hành nhận bài bình. Em mang về một giỏ quà cho anh em là trái cây vốn rất đắt ở vùng Quảng Nam khô cằn bởi bom đạn chiến tranh cày phá, cộng với con người khai thác quá mức.

Trân vén những sợi tóc mai, khéo léo khen trước, chê sau:

- Dạy văn cấp 3, em không nghĩ ra những góc nhìn tài hoa của anh. Hồi bé, anh Huyền nói anh giỏi đều các môn. Nhờ đó anh vận dụng các kiến thức tổng hợp vào văn chương tạo nên nhiều góc nhìn khoa học mang màu sắc văn chương. Hôm anh Huyền nói với em là anh vua khờ, mọt sách, xấu trai. Ba mắng anh Huyền: “Nó học giỏi đều cả tự nhiên xã hội, lớn lên nó khôn ngoan, bản lĩnh hơn những đứa nhác học, khôn vặt như mày; đến tuổi trung niên nó đẹp lên nhờ trí tuệ con à”… Nhưng mà anh vẫn chưa lí giải được thông điệp 5 chữ cuối cùng: “bến đợi phía cuối sông”.

Tôi buột miệng nói càn:

- Làm gì có bến cuối sông, đó là cửa Thuận An, cũng có thể là cửa Tư Hiền.

Trân đứng dậy:

- Anh sắp xếp chủ nhật tuần tới về giỗ cha. Bà con họ hàng biết anh ở đây, giờ anh thay mặt anh Huyền, con trai trưởng, cháu đích tôn, không thể vắng mặt.

Tôi vỡ òa: ra Hội An hơn tuần, chưa đến viếng mộ Huyền như đã thầm hứa.

***

Đến sớm, tôi ra mộ thắp hương cho Huyền. Dàn dụa nước mắt, tôi dùng tay, cào lấy đất cát pha, tỉ mẩn nhét vào kẽ hở trên mộ bù phần đất đắp lún xuống. Ngước lên, nước mắt tôi lây qua Trân lăn trên đôi má trắng mịn như ngọc của em khiến hai giọt nước lung linh trong nắng. Tôi đến thắp hương ở mộ ba mẹ của bạn mình. Nhìn 3 ngọn khói bốc lên bị gió Lào rát bỏng đánh tan, tôi không thể hiểu tại sao nơi này trước đây giàu có nhất khu vực Đông Dương.

Trân đưa tôi vào phòng chú Thật. Giá sách bụi bặm chứa những cuốn sách viết bằng chữ Việt, có cả những cuốn sách chữ Chăm cổ, gần với chữ Phạn, theo kiểu tương đồng giữa chữ Hán với chữ Nôm. Tờ báo Tài hoa trẻ nằm giữa bàn được lật giở trang 47 nơi có bài thơ Huế và Em, dấu bút bi đỏ gạch 5 chữ cuối cùng. Bên dưới có dòng chữ viết nắn nót: "Bến thời gian"

Trân thì thầm:

- Ba em gạch chân, viết ba chữ này. Ba lấy cuốn nhật kí đè lên trang báo. Ba không chịu truyền dịch. Ba dặn chú Tư điều gì đó rồi lặng lẽ ba đi…

Tôi lật vội cuốn nhật kí, mắt dán ngay vào dòng chữ: Ngày 11 tháng 11... Tôi nhớ như in những dòng chữ viết đẹp, chân phương: “Trên đường hành quân, gặp rất nhiều đền thờ Huyền Trân Công chúa từ Thừa Thiên ra đến Quảng Trị. Truyền thuyết của từng nơi có vài điểm khác nhau nhưng có điểm chung: bà mang bạc vàng giúp người dân bản địa. Bà thường nói với họ: tất cả chúng ta, người Kinh, người Vân Kiều, người Chăm… là con của mẹ Âu Cơ; chúng ta xuống biển, đi lạc về phía Nam mang theo dòng máu Việt… Hình như mộ của Bà nằm ở phía tây thành Huế, giữa đại ngàn bên bờ tả sông Hương, cạnh ngôi miếu nhỏ thờ bà. Những cơn mưa rừng xui khiến con sông chuyển mình đổi hướng khiến bờ bồi nơi Bà yên nghỉ thành bờ lở chỉ để dòng nước đưa bà về với biển Đông; nơi tất cả các con sông Việt Nam mình dùng chung một bến. Năm 2006, đền thờ mới xây ở núi Ngũ Phong, phường An Tây, Thành phố Huế, cách trung tâm thành phố khoảng 14 km để tiện cho người dân thăm viếng. Tuy đền uy nghi nhưng không mang thần thái đẹp cao sang, trí tuệ, gần gũi người dân của bà nên ít người bản địa đến viếng”…

Từ tiềm thức, tôi nhớ lại lúc Huyền và tôi thoát qua dòng suối lũ, ra đến bìa rừng, gặp chú Thật đón. Trên đường về, nghe tôi kể lại việc vượt suối; chú Thật lắc đầu: "Không ai dại dột như tụi bây. May nhờ được Bà cứu". Tôi hỏi bà nào. Chú nói đây là châu Rí, đất của Việt Thường bị Chăm Pa đánh chiếm. Sau đó, Chế Mân trả lại đất cho Đại Việt làm sính lễ cưới Huyền Trân Công Chúa. Bà ở lại giúp dân xây dựng quê hương thứ hai. Do đó, người dân gọi vùng này là đất của Bà. Tôi cãi: “Bà Huyền Trân theo người yêu về kinh đô Thăng Long.” Chú Thật nghiêm giọng: “Đó là các tuồng dựng lên mua vui.” Trong ánh chớp của sấm, bầu trời vần vũ, chú Thật giảng giải về việc được thiêu theo chồng là niềm vinh hạnh. Huyền Trân công chúa chỉ là thứ phi nên không được đặc ân đó(4). Chú lập luận: con gái của vị vua sáng Trần Nhân Tông, được nuôi dạy chu tất, trọng đạo lí, trong đó có đạo tam tòng, tứ đức; bà không thể về kinh đô làm mất phẩm hạnh của mình, vấy bẩn nền ngoại giao Đại Việt lấy chữ tín làm trọng với lân bang… Huyền đưa mắt cho tôi, lắc đầu; tôi hiểu ý bạn đừng tin vì đó là sản phẩm tranh giành quyền lực của chế độ phụ hệ với mẫu hệ. Đến giờ, tôi chợt ngộ ra, là Huyền nhắc tôi không tranh cãi, để chú Thật tin “gần đèn thì rạng”, Huyền tiếp tục tung tăng nhờ có tôi làm màn khói ngụy trang…

Theo quy luật lưu trữ của não bộ, những thông tin mới không cần thiết sẽ được đưa thẳng vào kho lưu trữ suốt đời có tên miền: tiềm thức. Chúng ta gọi là lãng quên những gì không thiết thực. Chờ đến lúc thông tin đó trở nên cần thiết, được đem ra sử dụng cho việc cụ thể. Việc truy xuất dữ liệu này theo cách cắt gọt, thêm bớt, chỉnh sửa trong tích tắc nhằm đáp ứng nhu cầu. Do đó tiến trình nhớ lại được tinh chỉnh theo định kiến, bổ sung phần thực tại làm mới thông tin phù hợp mục đích sử dụng... Trong trường hợp nguy cấp, những thông tin phục vụ mục đích sống còn sẽ được truy cập với tốc độ chưa đến phần trăm giây, góp phần cho ra hành động tức thời, không theo suy nghĩ, gọi là phản xạ. Sau khi nguy biến qua đi, nó được coi là quyết định tức thời và là quyết định duy nhất hợp lí ứng với hoàn cảnh cụ thể...

Lập tức có một dòng rip trong biển tiềm thức của tôi mang thông tin tràn vào xóa sạch đoạn kè biển được xây bằng định kiến, trả lại đoạn bờ cát trắng của tự nhiên... Nước mắt tuôn, tôi lấy bài bình Trân để ở góc bàn chú Thật, ngồi xuống viết một mạch.

Bến thời gian. Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Thuyền về bến đợi - Ảnh từ Pixabay

Chú Tư gọi tôi và Trân đến bàn thờ thắp hương.

Tôi được ngồi bàn của những bậc cao niên trong họ. Chú Tư đứng lên:

- Thay mặt dòng họ, trước khi nâng ly, nhờ cháu Bình đọc mấy dòng lưu bút cháu viết ở bàn làm việc anh Thật…

Như người mộng du, tôi đứng dậy đọc to, rành rọt nội dung đoạn mới viết xong:

“BẾN THỜI GIAN.

Tác giả lên thuyền ngược dòng sông thời gian, thấy lại lịch sử Thuận Hóa xưa được gọi tắt và bị chệch là “Huế” nay trong phương ngữ cư dân bản địa của nhiều dân tộc cùng lấy Huế làm quê cha đất tổ và được kể lại như sau:

Bến mà tác giả đợi trên con sông thời gian có tên: thế kỷ thứ 14.

Cuối năm 1282, Hốt Tất Liệt sai Toa Đô chỉ huy hạm đội hải quân Nguyên vào biển cửa Đợi, ngược sông Thu Bồn, tiến đánh Chiêm Thành. Chế Mân chỉ huy hai vạn quân Chiêm rút khỏi kinh đô vào rừng núi chống cự. Nhà Trần điều quân và thuyền chiến sang giúp Chiêm chống quân Nguyên. Được Đại Việt yểm trợ ngăn chặn đường bộ quân Nguyên. Toa Đô đánh nhiều lần không được. Hai đạo quân Đại Việt, Chămpa hợp lưu tại Cửa Đợi (Cửa Đại) tạo nên dòng rip nhấn chìm đại quân xâm lược… Trong nhiều năm liền, không thể vượt qua Đại Việt và Chiêm Thành, quân Nguyên bỏ mộng xâm lược hai nước anh em trên dải đất ven biển Đông.

Năm 1288, Chế Mân lên ngôi nối nghiệp cha, là vị vua thứ 34 của vương quốc Chiêm Thành, trị vì từ năm 1288 đến năm 1307. Người Việt vẫn gọi ông với cái tên Việt hóa thân thương: Chế Mân - một vị vua anh minh, thương dân và hòa bình với các nước lân bang, nên được nhân dân hai nước tôn trọng.

Năm 1301, Thái Thượng Hoàng Trần Nhân Tông nhận lời mời du ngoạn Chiêm Thành, được Chế Mân tiếp đãi nồng hậu. 9 tháng nhanh chóng trôi qua. Cảm mến tấm lòng và trí tuệ quốc vương, chia tay, Trần Nhân Tông hứa gả con gái Huyền Trân cho Chế Mân, chỉ ngại lúc đó Chế Mân đã có chính thất hoàng hậu Tapasi. Là người anh hùng, không lấy không của ai cái gì, cũng để khẳng định giá trị của mối tình hòa hiếu và sự vô giá của chính công chúa Đại Việt, nơi không thiếu tơ lụa, bạc vàng… năm 1306, Chế Mân dâng châu Ô và châu Lý (vốn là 2 vùng đất hiểm trở và nghèo nàn cạnh kinh đô Trà Kiệu giàu có bậc nhất khu vực giáp biển Đông) cho nhà Trần của Đại Việt, nói là của hồi môn để có lí do phong Huyền Trân làm hoàng hậu Paramecvari. Về quân sự việc giao vùng biên ải giữa hai đèo cao cho Đại Việt làm thành trì trấn giữ mạn bắc sẽ tốt cho phòng thủ Chăm Pa…

Bằng công sức muôn dân, nhà Nguyễn biến nơi đây thành những xóm làng bên bờ sông Hương, bắt nguồn từ đại ngàn dãy Trường Sơn; sông Hương uốn lượn ôm kinh thành Huế; sau đó hội lưu với sông Bồ tại ngã ba Sình trước khi đổ ra phá Tam Giang và chảy ra biển theo hai cửa Thuận An và Tư Hiền.

Theo logic hình thức chữ nghĩa, độc giả có quyền suy đoán cách đặt tên của người xưa: Một cửa sông thuận tiện trong bình an và một cửa sông sông hiền nơi biển hiền, đất hiền; thiên nhiên, con người hòa thuận…

Bên dòng Hương Giang, bà Huyền Trân đã gắn cuộc đời mình với mái tranh nghèo, con đò nhỏ tím trong chiều; mờ ảo trong những đêm trăng. Bà nằm lại giữa đại ngàn bên dòng sông Hương chờ ngày nước lũ đưa về biển đông nơi hội tụ mọi con sông là bến thời gian tồn tại vĩnh hằng… để sau đó lăng tẩm, đền đại mọc lên biến vùng đất nghèo nàn heo hút thành miền quê trù phú…

Đó là con thuyền đi ngược hình trình thời gian, nhà thơ mua vé cho chúng ta du hành, vừa giống vừa khác với chuyến du lịch thăm Huế nay…

Trà Kiệu, ...

Tôi nghẹn lời. Trân đón bản thảo, gạt nước mắt, đọc tiếp:

- Trà Kiệu, ngày giỗ đầu của ba.

Ông Tư thu tờ giấy, chăm chú đọc từ đầu đến cuối. Ông cung kính đưa bản thảo đặt lên bàn thờ, đốt nhang khấn. Chờ vài phút là khoảng thời gian cần thiết để chú Thật đọc xong; ông lấy xuống gọi Trân dùng điện thoại chụp ảnh các trang; đoạn ông châm lửa đốt. Không gian lặng như tờ. Bản thảo cháy tàn, ngọn gió Lào ào đến lùa những mảnh tro màu trắng bay lên bám vào áo tôi và Trân. Nghiêm trang, ông Tư dõng dạc:

- Sinh thời anh tôi dặn: cháu nào giải được nghĩa bến đợi phía cuối sông trong bài thơ Huế và em, sẽ gả cháu Trân, hưởng quy chế cháu đích tôn, nhận tất cả tài sản, tiếp tục thờ dòng họ. Chú hỏi lại cháu Trân, có đúng vậy không…

Trân nghẹn ngào:

- Hồi con còn bé, ba con dọa lớn lên, ba gả con cho anh Bình. Mẹ nói nhà người ta là cán bộ, nghèo nên ba mầy phải nói cho không. Ba con cười: bà với tôi không đòi Châu Rí, Châu Ô, chỉ lấy trí tuệ, đạo đức là đủ rồi. Nghe ba mẹ nói vậy, cứ anh Bình đến nhà là con trốn. Sau khi anh Huyền mất, ba con dặn: nếu anh Bình giải được nghĩa Bến thời gian trong câu thơ thì ba sẽ gả con cho anh Bình, cho làm con đẻ, thừa kế tài sản, hưởng quy chế cháu đích tôn, chịu trách nhiệm cúng tế dòng họ. Còn nếu anh Bình không giải được, là trí tuệ chưa đủ cao; lúc đó, con mới được tự do định đoạt với điều kiện khác: lấy ai là do con nhưng con rể không được hưởng quy chế con đẻ, không phải cháu đích tôn…

Ông Tư kết luận:

- Gia tộc chúng tôi chỉ công bố di nguyện anh chị tôi. Tùy hai cháu.

Đến mảnh đất này nửa tháng, gặp những sự thật quá sức tưởng tượng; tôi đứng như trời trồng, giữa những ánh mắt cô bác, anh chị vây quanh, căng như dây đàn. Trên bàn thờ, ánh mắt chú Thật rạng ngời âu yếm nhìn tôi. Huyền cũng nhìn tôi bằng ánh mắt khích lệ. Tôi quả quyết:

- Thưa chú Tư, bà con dòng họ, nếu em Trân không chê con nghèo, tính khí lãng mạn, con sẽ về thưa với chú bác bên nhà con thay mặt ba mẹ đến dâng lễ xin cưới em Trân làm vợ.

Trân gục đầu vào vai cô Bảy, nước mắt chảy trên khuôn mặt rạng ngời hạnh phúc. Không gian vở òa hòa tiếng “Zô… zô…” náo nhiệt và tiếng ly bia, ly rượu cụng nhau, gần với âm thanh “Let me pass!…” cùng với bầu không khí gấp gáp trong buổi chiều lập đông trên biển Cửa Đợi cách đây nửa tháng.

(1) Năm Minh Mạng thứ 14, triều đình Huế yêu cầu người Chăm theo phong tục Việt Nam. Họ phải tự chọn lấy một trong những tên họ đọc theo ngôn ngữ Việt Nam, gồm có: Bá, Đàng, Hứa, Lưu, Lựu, Hán, Lộ, Mã, Châu, Ngụy, Từ, Tạ, Thiên, Ức, Vạn, Ưng, Lâm, Hải, Báo, Cây, Dương, Quảng, Qua, Trượng, Tưởng, Lư.

(2) “Let me pass!…” tiếng Anh, nghĩa là cho tôi đi qua…

(3) Huế và em – tác giả Nguyên Hùng, trang 47, Tài Hoa trẻ số xuân Nhâm Thìn (2012) xem ảnh đính kèm.

(4) “Huyền Trân công chúa chỉ là thứ phi nên không được đặc ân đó” – nguồn: Chuyện trên biển Cần Giờ, Truyện ngắn của Nguyễn Trường in ở Tuần báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam số 2+3+4 (2023) Tết Quý Mão 2023.

(5) Châu Rí còn gọi là Châu Lý . Châu Lý có địa phận từ tỉnh Thừa Thiên Huế đến bắc tỉnh Quảng Nam.

Lê Thanh Huệ | Báo Văn nghệ

Cơ hội thưởng lãm tác phẩm của hai nghệ sĩ tài năng Katsumi Mukai và Nguyễn Quân

Cơ hội thưởng lãm tác phẩm của hai nghệ sĩ tài năng Katsumi Mukai và Nguyễn Quân

Baovannghe.vn - Từ 15- 1/12, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam diễn ra triển lãm “Chuyển động trong tĩnh lặng” của nghệ sĩ Katsumi Mukai và “Nguyện” Nguyễn Quân
Miếng dính ma quái. Truyện ngắn của Hoàng Nhật

Miếng dính ma quái. Truyện ngắn của Hoàng Nhật

Baovannghe.vn - “Khi nào lớn và đi làm ra tiền, con sẽ mua cho mẹ một chiếc vòng cổ xịn, để mẹ không phải đeo vòng giả nữa”. Bu động viên mẹ.
Sống lại - Thơ Nam Thanh

Sống lại - Thơ Nam Thanh

Baovannghe.vn- Anh đâu biết là anh đang chết/ Qua những vui cười dễ dãi hàng ngày
Đời phố. Tản văn của Triệu Văn Đồi

Đời phố. Tản văn của Triệu Văn Đồi

Baovannghe.vn - Chiều nào tôi cũng dành khoảng thời gian đi bộ từ cuối phố nơi mình ở đến đầu phố và ngược lại. Tôi như chiếc kim đồng hồ quay ngược thời gian
Nước đen. Truyện ngắn của Lê Khải Việt

Nước đen. Truyện ngắn của Lê Khải Việt

Baovannghe.vn - Cô gái mặc áo sơ mi ngắn tay, quần hơi loe một chút, tàn dư của thập niên hippie. Cả áo và quần cô toàn màu trắng, làm nổi bật mái tóc đen.