1. Đàn kiến dưới đất đã kéo nhau bò ngang bò dọc trên chiếc ba lô cũ sì mà Tàn vẫn chưa có dấu hiệu sẽ đứng dậy rời đi. Bờ sông hiu hắt, thỉnh thoảng có một chiếc xe máy chạy qua. Người lái xe ngoái đầu lại, nheo nheo đôi mắt tỏ vẻ khó hiểu nhìn gã đàn ông đầu trọc ngồi cạnh mé sông rồi vặn ga rồ thẳng. Cũng phải, đoạn đường này thỉnh thoảng lại có mấy vụ cướp giật, ai cũng dè chừng khi có việc phải đi ngang. Tàn chẳng biết đi đâu về đâu. Gã trai mới hơn hai mươi bây giờ ngơ ngác như lần đầu bị quăng giữa chợ.
Gió thổi mạnh, có gì đó vừa rơi trên đầu Tàn. Phân chim cũng nên! Tàn đưa tay lên sờ, tay chạm phải vật gì mềm mềm, giật thót khi thấy trên tay mình là một con sâu màu xanh. Tàn rẫy mạnh cho con sâu đang ngoe nguẩy trên tay rơi nhanh xuống đất. Lúc này Tàn mới để ý hàng cây dài chạy dọc mé sông trụi lủi lá. Dưới chiều nhập nhoạng, những cành nhánh tua tủa như giơ những nhánh xương gầy guộc lên nền trời. Tàn cứ nghĩ mùa này hàng cây rụng lá. Ai ngờ lũ sâu đã gặm sạch từ lá già đến lá non… Lũ sâu bò lên những gốc cây xù xì, bám trên những cành nhánh khẳng khiu trên đầu mà Tàn ngồi ở đây cả ngày trời vẫn không để ý. Chiều tàn, cảnh đàn sâu lúc nhúc bất giác làm gã trai nổi da gà. Tàn đứng dậy, vớ lấy ba lô, phủi mấy con kiến rồi kiếm chỗ khác ngồi. Chiều trên sông rơi nhanh, lòng Tàn cũng hiu hắt chẳng khác gì mấy cái cây bị sâu gặm trụi lá.
Minh họa Nguyễn Đăng Phú |
Đám rau muống mọc dại bò trên mặt sình đen đặc, vươn những ngọn dài non mượt như cố thoát khỏi mặt nước để hớp lấy ánh nắng chiều. Một người đàn bà bế đứa bé đi lại phía Tàn. Đến gần, chị ta xé mảnh ni lông trải xuống đất rồi đặt đứa bé lên. Rồi, chị xắn quần lội xuống lớp sình. Từng lớp bọt khí nổi lên, vỡ tan khi bàn chân chị chạm tới. Chị đưa tay hái thoăn thoắt từng ngọn rau muống, khi rau đủ nhiều, chị kéo một cọng cỏ mọc xen rau muống làm dây bó rau lại rồi vứt lên bờ. Tàn nghĩ sao lại có người đi hái thứ rau mọc hoang trên sình lầy đầy rác như dòng sông này chứ. Đứa bé ngồi chơi chưa nóng chỗ đã bắt đầu đứng dậy khỏi mảnh ni lông. Đến lúc này Tàn mới nhận ra con bé bị tật ở chân. Nó đưa tay chới với về phía người đàn bà miệng không ngừng phát ra âm thanh ú ớ. Đứa bé cỡ bốn tuổi, tầm tuổi đó phải nói được rồi. Tàn nhận ra hình như đứa bé bị câm. Nó đi lại phía mẹ, suýt ngã xuống sình nếu Tàn không kịp đưa tay kéo nó lại. Người mẹ vẫn không ngưng tay, miệng liên tục dỗ con “chờ mẹ tí, xong rồi nè, con đợi mẹ nha”. Đứa bé chẳng có biểu hiện gì khi chị nói, vẫn giãy giụa khi Tàn kéo áo không cho lội xuống sình. Người đàn bà thả vội nắm rau, chùi đôi bàn tay cáu bẩn xuống hai vạt áo rồi lội lên bờ. Chị ta lôi trong cái bọc ni lông xách theo khi nãy đang để trên bờ ra một sợi dây.
Chị cúi xuống buộc sợi dây vào cổ chân đứa bé, đầu còn lại chị định buộc vào gốc cây thì Tàn lên tiếng.
- Ôi, sao chị lại làm thế?
Người đàn bà ngưng tay, đưa đôi mắt vừa buồn vừa bất lực nhìn Tàn.
- Chứ biết làm sao bây giờ hả chú? - Chị lí nhí trong miệng.
Rồi chị bảo, tâm trí con bé không được bình thường, vừa câm vừa điếc rồi kèm cái tật ở chân. Chị còn phải hái rau muống để sáng mai ra chợ bán mới mong kiếm vài đồng xoay xở. Thương con lắm nhưng biết phải làm sao! Nói rồi chị kéo con bé lại gần cúi xuống định buộc vào gốc cây thì Tàn bảo để mình trông con bé cho một lát, chị xuống hái đi.
Người đàn bà rối rít cảm ơn rồi lại vội vã lội xuống sình. Vừa hái chị vừa xởi lởi nói cái giống rau muống đồng đỏ ngọn này đem về lặt lá muối chua vừa giòn vừa ngon. Nhìn nó mọc hoang như vậy nhưng giá cao hơn hẳn mấy loại rau muống trồng trên cạn chú ạ. Mà giống rau này khi ăn phải ngắt phần ngọn bỏ đi nếu không sẽ bị đau bụng đó. Đứa bé ngồi im trên bờ đưa tay vân vê cái ba lô cũ của Tàn. Lúc này Tàn mới nhìn kĩ người đàn bà, thoạt nhìn lớn tuổi nhưng nhìn kĩ chị hãy còn trẻ lắm, chắc độ ba lăm là cùng. Cái áo khoác vằn vện dọc ngang trùm lấy bộ đồ cũ mèm bên trong. Tóc chị cháy nắng vàng hoe. Thỉnh thoảng chị ngước gương mặt đầy tàn nhang lên nhìn con.
2. Cái dáng người đàn bà cắm cúi hái rau sao mà giống má Tàn quá chừng. Má hồi đó gầy đét y hệt mấy con cá khô má phơi trước sân nhà. Tàn hay ngồi chồm hổm ngoài mé nước coi má mổ bụng mấy con cá lóc, má xẻ từng con rồi lóc xương, ướp muối ớt đem phơi ngày nắng đượm. Má dòm chừng cây xoài trong vườn nhà, hễ có trái nào trọng trọng là bứt vào làm món gỏi xoài với khô cá cho Tàn ăn. Tàn mê món này nhứt xứ.
Tàn từng cạo đầu, vô chùa thắp nhang khấn cho má khỏi bệnh. Những cơn ho giữa đêm của má làm Tàn quặn ruột. Má ôm ngực mà xua tay nói với Tàn không sao khi Tàn đòi dắt má đi khám bệnh. Má cố gượng một nụ cười héo như mấy cái cây xao xác giữa nắng trưa để Tàn yên tâm. Để đến mấy tháng khi khám ra thì má có khối u trong phổi. Bữa đó Tàn như người sụp hố, chạy đi làm thủ tục cho má nhập viện mà nước mắt cứ chảy ròng ròng. Má liên tục đòi về bởi má nghe mấy người nằm giường bên cạnh bảo chữa u phổi này tốn kém lắm, tỉ lệ thành công ít mà nhà mình tiền đâu ra. Hai má con chỉ có căn nhà nhỏ xíu nằm sát mé sông thôi. Tàn nắm tay má bảo tiền bạc má đừng lo, cứ yên tâm mà trị bệnh.
Bữa đó Tàn ra khỏi cổng bệnh viện, lơ ngơ đi giữa phố phường xa lạ. Ánh đèn cao áp rọi xuống đường làm Tàn xốn mắt. Bụng Tàn réo liên hồi vì đói. Buổi sáng nhờ cơm từ thiện mà qua bữa, tối ăn bánh mì không uống nước trừ cơm. Tàn đã tiêu đến đồng tiền cuối cùng bán căn nhà của hai má con. Tàn nhớ mãi cái trề môi của người mua nhà. Họ chê nhà ở mà như cái chòi vịt. Tàn ghìm cơn nghẹn đang trào lên trong cổ họng đắng nghét khi chìa tay ra nhận tiền rồi nhanh chân rời đi để người ta không thấy mình khóc. Vậy mà tất cả những gì má con Tàn có chỉ đủ má vô thuốc một lần. Mà điều trị còn kéo dài lắm! Tàn không muốn má chết. Bữa đó Tàn ghé vô chợ, mua một con dao lận vào người. Tàn đi kiếm tiền chữa bệnh cho má.
Tàn ghé một tiệm vàng. Người đàn bà môi đỏ chót hỏi Tàn mua nhẫn, dây chuyền hay lắc tay. Tàn nhìn vàng bày la liệt trên tủ kính lóa cả mắt. Định thần lại, Tàn đưa tay chỉ vào chiếc nhẫn dày cộm năm chỉ. Tàn nhận chiếc nhẫn từ đôi bàn tay có mấy cái móng sơn màu mận, đưa tay đút vào ngón trỏ thử tới thử lui. Và khi người đàn bà quay sang một người khách mới bước vào tiệm thì Tàn co giò bỏ chạy. Tàn lấy hết sức của gã trai hai mươi mà chạy. Tiếng người la ó, rượt đuổi sau lưng. Tàn lủi nhanh vào một con hẻm, rồi ngoặc vào một con hẻm khác, từ con hẻm này dẫn vào một ngôi chợ đông đúc. Tàn đưa tay vuốt vuốt lấy ngực, cố lấy lại bình tĩnh như con cá cố hớp chút không khí khi nằm trên cạn.
Buổi chiều Tàn vào bệnh viện thì ngay buổi tối đó Tàn bị bắt. Tàn đâu biết cái camera nhỏ xíu gắn trên tường ở tiệm vàng đã soi rõ từng đường nét trên gương mặt gã trai mới qua hai mươi. Công an chỉ cần theo dấu những chiếc camera gắn trên cửa nhà dân là lần ra được Tàn. Má Tàn ngơ ngác rồi sụp xuống như cây chuối bị chém ngang thân. Tàn bị phán ba năm tù. Ba năm dài hơn thế kỉ, Tàn ra tù thì mộ má đã xanh cỏ rồi.
Người ta rải theo cơn gió quê những lời đồn thổi về một thằng Tàn chuyên cướp của giết người trên phố. Ai cũng tặc lưỡi, cái thằng hiền khô mà ai ngờ lại giang hồ ba trợn đến như thế. Những buổi rảnh rỗi, mấy bà chụm đầu nói với nhau rằng người như Tàn thì phải cẩn trọng, nó cướp giật được thì đem dao lụi mình hồi nào hổng hay. Người bà con duy nhất ở quê đóng cửa khi Tàn ra tù muốn ở nhờ vài ngày. Lơ ngơ chẳng biết đi đâu, Tàn ghé nhà chị Hiên, người chị ngày trước Tàn hay ghé nhà sửa giùm chị cái bóng đèn, leo lên lợp lại mái tôn hỏng. Chị e ngại nhìn Tàn, rồi e ngại ngoái đầu nhìn vào nhà nơi chồng đang ngồi. Chồng chị nói vọng ra, giục chị vào nhà đóng cửa cẩn thận chứ giờ trộm cướp nhiều lắm. Tàn như sụp hố lần nữa. Tàn xấu xa đến cỡ ấy sao?
Tàn ra mộ khóc với má. Cỏ xanh rì rào, gió lạnh hiu hắt. Tàn ngồi câm lặng với má suốt một đêm. Sáng hôm sau Tàn cúi lạy má rồi bắt xe ngược lên phố kiếm việc làm, biết đâu phố lạ người lạ sẽ dễ sống hơn là bên những người thân quen. Nhưng khi người ta biết Tàn từng ở tù về tội ăn cướp chẳng ai dám nhận. Rồi cái công việc dễ nhất là làm bảo vệ Tàn cũng không xin được. Tàn lang thang ở phố cả tuần. Chiều nay ra bờ sông ngồi ngó lục bình. Tàn nghĩ, đời mình có khi còn tệ hơn lục bình vì chẳng có nơi nào neo đậu.
3. Người đàn bà tên Mai đưa tay chỉ về dãy nhà trọ lấp ló sau đám lau sậy phất phơ và bảo mình ở đó. Tàn đưa mắt nhìn theo. Mấy căn nhà y như cái chòi vịt tạm bợ dưới quê. Thấy gương mặt Tàn có vẻ không tin, chị ta cười bảo giá rẻ lắm, có chỗ che nắng che mưa, tối nằm ngủ là được rồi. Đất ở bờ sông biết ai là chủ. Người ta cứ tới dựng mấy cái nhà xập xệ cho thuê, tới tháng xẹt qua lấy tiền rồi đi. Thành phố này dân tứ xứ, đủ hạng người có địa vị đến mạt hạng nhất, kiểu gì mà chẳng có người thuê.
Tàn hỏi sao chị phải lội sông mà hái rau muống cực nhọc như vầy. Chị Mai ngước lên nhìn Tàn. Hình như lâu lắm rồi mới có người quan tâm chị. Chị cúi xuống bẻ rau muống nói cực mấy cũng được miễn con chị khỏe, ngày chịu ăn cơm, tối ngủ ngon là chị chẳng còn mong gì nữa cả.
Chị kể mình biết con bé không bình thường từ hồi ở trong bụng mẹ. Bác sĩ cứ rà lên rà xuống cái đầu siêu âm rồi lắc đầu. Họ bảo dị tật nặng, giữ hay không tùy chị. Chị không tin, đi khám hết bệnh viện này đến bệnh viện khác. Khi siêu âm, chị cứ nhìn chằm chằm vào mặt bác sĩ coi họ gật hay lắc. Mỗi cái lắc đầu bảo bỏ con đi chị như bị ai bóp cổ dìm xuống nước. Mà ai lại nỡ bỏ con mình khi đã thành hình rồi phải không chú? Chú biết không, chị đã nghe con bé đạp trong bụng mình. Đã biết nó bám nhau vào lòng chị mà lớn lên từng ngày. Sao chị có thể nỡ gật đầu để người ta tước con khỏi chị được. Vậy là chị giữ. Chồng chị ấy mà, trợn mắt bảo chị đẻ con ra thì tự nuôi. Chị vẫn ôm hi vọng mong manh rằng con bé lành lặn, biết đâu bác sĩ nhầm. Vậy mà lần đầu tiên nhìn thấy con chị khóc nghẹn.
Người ta chỉ có thể thương cho bất hạnh của người khác một vài bữa, một vài tuần, một vài tháng chứ đâu rộng lượng bao dung một đời. Ban đầu họ hàng, bạn bè cũng tặc lưỡi thương con bé nhưng rồi sau một thời gian người ta lại bảo chị sinh con ra là hại nó. Mẹ chồng đi coi quẻ, bảo chị nghiệp nặng, đẻ đứa con nào ra không đui thì cũng què. Chồng chị sưng sỉa mặt mày khi thấy vợ con. Lục đục mãi rồi cũng li hôn. Chị nghỉ việc chăm con vì không ai có thể cho nó uống sữa. Không một trường học bình thường nào chịu nhận con bé, còn trường chuyên biệt thì chị không có tiền. Rồi thì đến tiền trọ trong phố chị cũng không trả nổi vì không đi làm thì làm gì có tiền. Chị không buông con bé ra được, đi đâu cũng có mẹ có con chị mới yên tâm. Rồi chị hỏi trời sắp tối rồi sao Tàn còn lang thang ngoài bờ sông chưa chịu về. Tàn nói nhà đâu mà về hả chị, rồi trong gió chiều xao xác kể chuyện đời mình.
Tàn nghe sụt sịt, chị kéo vạt áo lau nước mắt. Rồi chị lên bờ ôm theo một đống rau muống đồng. Một tay chị ẵm con, tay kia cố ôm đống rau đã bỏ vào bọc. Chị chào Tàn đi về. Đi vài bước, đứa bé giãy làm bọc rau rơi xuống. Tàn nói để mình xách rau lại phía nhà trọ cho, đi có vài chục mét hà.
Lại gần mới thấy ngôi nhà trọ thảm thương hơn Tàn nghĩ. Nhà trọ quay lưng ra sông. Vách được ghép bằng mấy miếng tôn đã hoen gỉ. Gió từ sông thổi từng đợt làm những mảnh ni lông vá víu đằng sau kêu lên phành phạch. Tàn nghĩ lỡ mà hôm nào trời nổi cơn gió to một cái chắc thổi dãy nhà trọ xuống sông. Tiếng cười nói lao xao ở dãy trọ mỗi lúc một gần. Dưới bóng đèn điện mờ, một đứa bé đang ngồi dựa cửa ngóng ra con đường đất. Thấy người đi tới, nó nhỏm dậy nhìn rồi lại thất vọng ngồi xuống. Chị bảo với Tàn thằng cu ngồi ngóng ba đi làm phụ hồ chưa về.
Để mấy bó rau xuống trước dãy phòng trọ, Tàn chào chị rồi xốc lại ba lô định đi.
- Em đi đâu? - Chị hỏi.
- Chắc kiếm ổ bánh mì ăn rồi ngủ đại một mái hiên nào đó. Đàn ông con trai dễ ẹc mà chị.
Chị thoáng ngập ngừng rồi bảo hay Tàn ở lại với xóm trọ này đi. Có năm phòng, phòng cuối dãy của ông Ba giờ này bán vé số chưa về. Trước ổng ở chung với một người nhưng người kia về quê rồi. Nếu Tàn muốn ở thì nói với ông Ba một tiếng, có người chia tiền kiểu gì ông cũng gật đầu liền. Tàn nhìn ra bóng đêm đã nuốt chửng con đường, tiếng gió thổi đám lau xào xạc rồi nghĩ chẳng có nơi nào để đi chi bằng ở lại, có chỗ ngủ là được rồi. Tàn ngồi xuống chờ ông Ba, nghe tiếng dế đã ri rỉ cất lên từ phía bờ sông. Đứa bé ngóng ba ngáp ngắn ngáp dài đưa đôi mắt buồn thiu nhìn Tàn. Rồi nó nhảy cẫng lên khi thấy một người đàn ông xuất hiện đầu dãy trọ. Nhìn cha con họ ríu rít lòng Tàn chợt dâng lên một nỗi buồn không thể gọi tên.
*
Ông Ba gật đầu liền khi Tàn nói muốn ở chung. Tàn nhìn theo cái dáng cà thọt của ông Ba dắt mình về phía phòng trọ cuối. Ngần ngừ một lát, Tàn nói mình mới ở tù ra. Ông Ba quay lại cười hề hề, nói phòng trống trơn, vé số bán dư ông trả hồi chiều, giờ trong cái túi lép kẹp có mấy chục ngàn, Tàn muốn cướp của hay giết người. Ông nói nhiều khi ông muốn chết cho xong nợ đời, Tàn mà làm cho ông chết ngay được thì hay quá! Điệu bộ hóm hỉnh của ông Ba làm Tàn yên dạ.
Ông già trải chiếu dưới nền, mắc màn bảo Tàn đi ngủ sớm. Tàn nằm nghe sóng nước vỗ ì oạp, nghe tiếng cá quẫy đớp mồi, tiếng phòng bên ai nói mớ. Thấy Tàn cựa quậy không ngủ được ông Ba mới hỏi chuyện đời Tàn. Nghe Tàn kể xong ông Ba tặc lưỡi thở dài. Tàn nói cái bữa ngồi ở mộ má đã muốn đâm sầm xuống sông chết cho rồi. Tàn đâu phải là đứa giết người cướp của, đâu phải đứa lòng dạ sâu hơn cả giếng khơi như những lời đồn theo gió.
Ông Ba nghe chữ chết lật đật ngồi dậy. Ông nói có bấy nhiêu đó mà đòi sống đòi chết. Ông nói ở cái tuổi của ông đã ngấm bao nhiêu sự đắng chát ở đời, nhiều chuyện bi ai hơn của Tàn nhiều. Ông nói mình có một căn nhà thiệt bự giữa thành phố, từng nắm trong tay tiền tỷ. Đứa con trai mà ông rứt ruột đẻ ra, ông thương hơn bản thân mình thủ thỉ với ông sang tên nhà cửa đất đai cho nó, để mai mốt lỡ ông già yếu thì nó phụng dưỡng. Thử hỏi tài sản cha mẹ làm ra không để cho con thì để cho ai. Vậy là ông kí cái rẹt. Kí hôm trước thì hôm sau con trai ông viện cớ đi công tác, ở nhà con dâu đuổi ông ra đường. Bao nhiêu chìa khóa nó gọi thợ đến thay hết. Hơn sáu mươi tuổi, ông lơ ngơ như đứa trẻ lên ba đứng giữa dòng đời. Ông tưởng mình mơ, ông dằn vặt, ông đau khổ, ông tự cấu vào đùi mình để mong thoát khỏi cơn ác mộng này. Mất tài sản không đau bằng mất đi đứa con ruột rà. Nhưng đời mà, buồn tủi cỡ nào thì cũng phải sống tiếp. Đời ông quanh co qua nhiều chỗ, rồi neo đậu ở đây bán vé số kiếm cơm đổ bụng qua ngày. Vậy mà đời cũng chưa tha, một bữa ông bị chiếc xe tải đụng trúng, từ lành lặn thành đi cà thọt như vầy. Tàn nhìn cái dáng gầy nhom khắc khổ của ông già mà thương. Đời này nếu chịu khó ngồi nghe chắc những chuyện buồn sẽ dài từ sông ra tới biển.
4. Sáng sớm, Tàn bị đánh thức bởi tiếng chổi rễ sàn sạt. Lòng Tàn bâng khuâng ngỡ như mình đang nghe tiếng chổi má quét sân mỗi sáng. Tàn ngồi dậy lòng ngẩn ngơ buồn. Ngó ra con đường đất Tàn thấy chị Mai đang quét rác dồn vào một góc. Tàn đi ra đứng dựa bờ tường nhìn chị. Chị nở một nụ cười thật hiền hỏi Tàn lạ chỗ có ngủ được không. Tàn nửa đùa nửa thật bảo ở trong tù em còn ngủ được huống gì ở đây. Tàn nói ở đây mà chị quét sân quét lá làm gì, rác người ta xả đầy chẳng lẽ ngày nào cũng quét. Chị cười, chỗ mình ở phải cho tinh tươm một chút, biết chỗ nào tạm bợ, chỗ nào không. Tàn nhìn theo tay chị Mai chỉ, mấy cây hoa móng tay đủ màu sắc phơi mình dưới nắng. Chị bảo một bữa đi ngang thấy hoa móng tay nhà ai có hột già, chị hái một mớ về gieo mà bữa nay đã nở hoa rồi. Tàn thấy chị Mai lạ lùng, miếng ăn còn lo không nổi còn hoa với lá!
Quét xong chị nhờ Tàn trông con bé một chút để chị tưới rau. Tàn dòm ra thấy một vạt đất sát bờ sông rau cải và rau ăn lá mọc chen chúc với gốc sậy nham nhở. Chị Mai xắn quần, múc từng gàu nước sông lên tưới tắm cho rau. Chị nói tụi rau này mau lớn lắm, quay đi quay lại có nồi canh mát ruột. Tàn nói sao chị không cuốc thêm mớ đất rồi gieo thêm ít rau đem ra bán có khi nhiều tiền hơn hái rau muống. Chị lắc đầu nói mình chịu thua mớ lau sậy ở đây. Chẳng có giống loài nào mà sống dai hơn lau hơn sậy, chúng bám rễ sâu thật sâu dưới đất, dễ gì mà đào lên được. Chị dọn trầy da tay, toát cả mồ hôi mới được miếng đất bé tẹo bằng chiếc chiếc này. Nhưng gốc sậy cứng quá, nhổ không nổi chị mặc kệ cứ để đó mà gieo đè rau lên. Nhìn cái trán lấm tấm mồ hôi của chị Mai, Tàn nói để chiều em rảnh sẽ dọn cho chị mớ đất để chị gieo rau, rồi Tàn sẽ ra kéo mớ cành khô bắt làm cái giàn, chị Mai muốn thả mướp, thả bầu gì thì tùy. Chị Mai ngưng tưới, đưa ánh mắt lấp lánh niềm vui nhìn Tàn. Chị nói nào cải nào mướp nào bầu, rau nhiều như thế thì tiền bán rau tiêu làm sao hết. Hai chị em nhìn nhau cười giòn.
Mai hỏi Tàn sắp tới làm gì. Tàn nhìn ra nắng loang loáng trên sông nói phụ hồ, bốc vác hay đi bán vé số với ông Ba. Mai gật, bảo đi dọc theo sông cách đây mấy cây số có bến cảng. Nếu Tàn có sức thì ra đó bốc vác, bốc ngày nào ăn tiền ngày đó. Chưa có việc thì ở đây cuốc đất, ngày chị trả công bằng mấy bữa cơm trứng chiên, rau luộc, chị nghèo rớt mồng tơi nhưng cơm ba bữa không thiếu.
*
Một buổi chiều đi bốc vác về, Tàn thấy chị Mai quét rác gom lại một mớ nơi bờ sông rồi châm lửa đốt. Tàn đứng nhìn từng lọn khói hiu hắt tỏa lên bầu trời. Bây giờ Tàn mới nhận ra hàng cây bị sâu gặm trụi lá đã nhu nhú những mầm lá non mượt. Từng cành nhánh khẳng khiu đã bắt đầu phơn phớt màu xanh. Tàn lại gần săm soi từng gốc cây. Mới ngày nào sâu bâu chi chít từ gốc tới ngọn mà nay chẳng còn thấy con nào.
Chị Mai cười, lại gần đưa tay gỡ một chiếc kén bám trên thân cây nói sâu đã hóa thành bướm bay đi mất rồi. Cái hàng cây này, từ hồi mới trồng cho đến khi lớn lên như vầy chịu không biết bao nhiêu mùa sâu gặm trụi lá. Có mùa sâu nhiều đến mức tưởng cây chết hết cả, vậy mà chỉ cần mùa mưa kéo về là từng mầm xanh lại cựa mình thức dậy. Chị Mai ôm đứa con vào lòng hít hà, chị nói đôi khi con người cũng cần nhìn cây mà sống. Chỉ cần đứng vững thì bao nhiêu sâu bọ cũng không gặm trụi được mình. Tàn nhìn hàng cây, lòng chợt êm như những mầm xanh đang cựa mình trên những cành nhánh khô gầy…
VN19/2024
Tranh minh họa. Nguồn pinterest |