Chuyên đề

Bí ẩn nữ tính: Vấn đề không tên

Betty Friedan / Nguyễn Vân Hà dịch
Góc nhìn giới
08:00 | 15/08/2024
Baovannghe.vn - Vấn đề này bị chôn giấu, không được nói ra, suốt nhiều năm ròng trong tâm trí phụ nữ Mỹ. Đó là sự xốn xang kỳ lạ, cảm giác không thỏa mãn, niềm mong mỏi mà phụ nữ phải chịu đựng ngay giữa thế kỷ 20 ở Mỹ.
aa

Vấn đề này bị chôn giấu, không được nói ra, suốt nhiều năm ròng trong tâm trí phụ nữ Mỹ. Đó là sự xốn xang kỳ lạ, cảm giác không thỏa mãn, niềm mong mỏi mà phụ nữ phải chịu đựng ngay giữa thế kỷ 20 ở Mỹ. Mỗi bà vợ ngoại ô đều một mình tranh đấu với nó. Khi họ dọn giường, mua rau, chọn áo bọc ghế, ăn bánh kẹp bơ lạc với con cái, chở chúng đi tham gia nhóm hướng đạo sinh Sói con và Gấu nâu, nằm cạnh chồng hằng đêm – họ thấy sợ khi tự hỏi câu hỏi thầm lặng rằng – “có vậy thôi sao?”

Hơn mười lăm năm qua, không có từ ngữ nào nói về nỗi khát khao này trong hàng triệu từ ngữ viết về phụ nữ, cho phụ nữ, trong tất cả các chuyên mục, sách vở, bài báo của chuyên gia, những người bảo phụ nữ rằng vai trò của họ là tìm kiếm sự viên mãn ở việc làm vợ, làm mẹ. Phụ nữ phải nghe giọng nói truyền thống và ngụy biện kiểu Freud nhai đi nhai lại, rằng họ không thể khao khát số phận nào lớn hơn là tự hào với nữ tính của mình. Các chuyên gia chỉ cho phụ nữ cách tóm cổ và giữ chân đàn ông, cách cho con bú, dạy con đi vệ sinh, giải quyết sự kình địch giữa con cái với nhau và chứng nổi loạn vị thành niên; cách mua máy rửa bát đĩa, nướng bánh, nấu món ốc kiểu sành điệu, tự tay xây bể bơi; cách ăn mặc, nhìn ngó đi lại hành xử sao cho nữ tính hơn và khiến hôn nhân thú vị hơn; cách giữ cho chồng khỏi chết yểu và con trai lớn lên khỏi phạm tội. Họ được dạy cách thương hại những phụ nữ loạn thần kinh, phi nữ tính, bất hạnh muốn trở thành nhà thơ, nhà vật lý, hay chủ tịch công ty. Họ được dạy rằng phụ nữ thật sự nữ tính không

Họ được dạy rằng phụ nữ thật sự nữ tính không cần tới nghề nghiệp, không muốn học cao, hay muốn có quyền lợi chính trị – những cơ hội và sự độc lập mà các nhà nữ quyền luận lỗi thời đã vất vả đấu tranh để giành được.

cần tới nghề nghiệp, không muốn học cao, hay muốn có quyền lợi chính trị – những cơ hội và sự độc lập mà các nhà nữ quyền luận lỗi thời đã vất vả đấu tranh để giành được. Một số phụ nữ, ở tuổi 40, 50, vẫn còn nhớ việc đau đớn từ bỏ những giấc mơ đó, nhưng phần lớn phụ nữ trẻ hơn ngày nay không nghĩ về chúng nữa. Một nghìn giọng nói chuyên gia ủng hộ cho nữ tính, sự thích nghi, trưởng thành mới của phụ nữ. Tất cả những gì họ phải làm là tận hiến cuộc đời mình từ lúc còn nhỏ vào việc kiếm chồng và nuôi dạy con cái.

Đến cuối thập niên 1950, tuổi kết hôn trung bình của phụ nữ Mỹ đã giảm xuống còn 20, và tiếp tục giảm nữa, xuống còn tuổi thiếu niên. Mười bốn triệu thiếu nữ đã đính hôn ở tuổi 17. Tỉ lệ phụ nữ theo học đại học so với nam giới giảm từ 47% vào năm 1920 xuống còn 35% vào năm 1958. Một thế kỷ trước đó, phụ nữ đã đấu tranh để học đại học; giờ các cô gái đi học đại học để kiếm chồng. Đến giữa thập niên 1950, 60% nữ sinh đại học bỏ học để kết hôn, hoặc sợ học nhiều quá sẽ khiến mình khó lấy chồng. Các trường đại học xây ký túc xá riêng cho “sinh viên đã kết hôn”, nhưng đại đa số đều là các ông chồng.

Thế rồi các cô gái Mỹ bắt đầu lấy chồng khi còn học phổ thông. Rồi các tạp chí phụ nữ, lên án con số thống kê không vui về tảo hôn, đã kêu gọi trường phổ thông cần đưa vào giảng dạy các khoá học về hôn nhân, và cung cấp tư vấn viên hôn nhân. Các cô gái bắt đầu chín chắn từ tuổi 12, 13, ở bậc sơ trung. Nhà sản xuất làm ra những chiếc áo ngực giả có độn mút cho các bé gái 10 tuổi. Một quảng cáo áo đầm trẻ em, cỡ 3-6x, trên tờ Thời báo New York mùa thu 1960, đăng: “Cô ấy cũng có thể bẫy đàn ông”.

Những người phụ nữ từng muốn theo đuổi nghề nghiệp thì nay biến con cái thành nghề nghiệp của mình.

Đến cuối thập niên 1950, sinh suất ở Mỹ đã vượt Ấn Độ. Người ta đòi phong trào hạn chế sinh đẻ, nay được đổi thành Làm cha mẹ có kế hoạch, tìm ra phương pháp nào đó để những phụ nữ từng được khuyên là sinh con thứ ba, thứ tư thì con sẽ chết hoặc bị dị tật, giờ vẫn có thể sinh con tiếp. Các chuyên gia thống kê đặc biệt sửng sốt trước sự gia tăng đột biến số trẻ do nữ sinh đại học sinh ra. Thay vì sinh hai con như trước, giờ phụ nữ có bốn, năm, sáu đứa con. Những người phụ nữ từng muốn theo đuổi nghề nghiệp thì nay biến con cái thành nghề nghiệp của mình. Năm 1956, tạp chí Life đăng bài tụng ca, tán dương xu hướng quay lại với gia đình của phụ nữ Mỹ.

Trong một bệnh viện ở New York, một phụ nữ bị suy sụp tinh thần khi biết mình không thể cho con bú. Ở các bệnh viện khác, những phụ nữ bị ung thư sắp chết từ chối dùng một loại thuốc mà nghiên cứu đã chứng minh là có thể cứu sống họ: song tác dụng phụ của thuốc làm họ mất hết nữ tính. “Nếu chỉ sống một lần, hãy để tôi sống như một cô nàng tóc vàng,” là tuyên bố trên bức hình to bằng người thật của một cô nàng xinh đẹp, rỗng tuếch in trên các quảng cáo báo chí và thuốc men. Khắp nước Mỹ, cứ mười phụ nữ thì có ba người nhuộm tóc vàng. Họ ăn một loại bột có tên Metrecal thay cho thức ăn để thon gọn như đám người mẫu trẻ gầy guộc. Nhân viên nhập hàng của cửa hàng bách hóa cho biết, từ năm 1939, phụ nữ Mỹ đã giảm ba, bốn cỡ quần áo. “Giờ phụ nữ làm sao để vừa với quần áo, chứ không phải quần áo làm sao để vừa với họ.”

Còn nhà trang trí nội thất thì thiết kế bếp với các bức bích họa khảm màu và tranh gốc, bởi nhà bếp lại trở thành trung tâm cuộc đời phụ nữ. May vá tại gia trở thành ngành kinh doanh triệu đô. Rất nhiều phụ nữ không bước chân ra khỏi nhà trừ khi đi mua sắm, đưa đón con, hay tham dự tiệc chiêu đãi cùng chồng. Các cô gái lớn lên ở Mỹ chưa từng làm việc gì bên ngoài nhà. Vào cuối thập niên 1950, đột nhiên người ta để ý tới một hiện tượng xã hội học: giờ một phần ba phụ nữ Mỹ làm việc, nhưng phần lớn không còn trẻ, và rất ít người trong số họ theo đuổi nghề nghiệp. Họ là những phụ nữ đã kết hôn, làm công việc bán thời gian, bán hàng hay thư ký để giúp chồng ăn học, con trai vào đại học, hay thanh toán các khoản vay thế chấp. Hoặc họ là những bà góa đang nuôi sống gia đình mình. Phụ nữ theo đuổi công việc chuyên môn ngày càng ít. Thiếu người trong các ngành y tế, công tác xã hội, dạy học gây ra khủng hoảng ở hầu hết mọi thành phố ở Mỹ. Quan tâm tới vị trí dẫn đầu của Liên Xô trong cuộc chạy đua vào không gian, các nhà khoa học chỉ ra rằng phụ nữ chính là nguồn chất xám không được sử dụng lớn nhất của Mỹ. Nhưng các cô gái không học vật lý: nó “phi nữ tính”. Một cô từ chối học bổng khoa học của Đại học Johns Hopkins để làm việc cho văn phòng bất động sản. Cô nói, tất cả những gì cô muốn là những gì mà mọi cô gái Mỹ khác đều muốn – lấy chồng, có bốn đứa con, sống trong ngôi nhà đẹp ở vùng ngoại ô đẹp.

Bà nội trợ ngoại ô – cô là hình ảnh mơ ước của thiếu nữ Mỹ và người ta bảo rằng, cô là niềm ghen tị của tất cả phụ nữ trên thế giới. Bà nội trợ Mỹ – được khoa học và các dụng cụ tiết kiệm sức lao động giải thoát khỏi công việc nhà buồn tẻ, khỏi sự hiểm nguy khi sinh đẻ và các căn bệnh của bà nội bà ngoại mình. Cô khoẻ mạnh, xinh đẹp, có học, chỉ quan tâm tới chồng con, tổ ấm. Cô đã tìm thấy sự viên mãn nữ tính thật sự. Làm nội trợ và làm mẹ, cô được kính trọng như một đối tác đầy đủ và ngang hàng với đàn ông trong thế giới của anh ta. Cô được tự do lựa chọn xe hơi, quần áo, dụng cụ, siêu thị; cô có mọi thứ mà phụ nữ mơ ước.

Mười lăm năm sau Đệ nhị Thế chiến, bí ẩn viên mãn nữ tính trở thành phần cốt lõi, được tôn vinh và tự tồn tại trong văn hoá Mỹ đương đại.

Mười lăm năm sau Đệ nhị Thế chiến, bí ẩn viên mãn nữ tính trở thành phần cốt lõi, được tôn vinh và tự tồn tại trong văn hoá Mỹ đương đại. Hàng triệu phụ nữ sống cuộc đời mình dựa trên hình ảnh về bức tranh đẹp đẽ của bà nội trợ ngoại ô Mỹ, người hôn từ biệt chồng trước cửa sổ, chở cả bầy con tới trường trên xe station-wagon[1], vừa cười vừa dùng máy lau sàn mới chạy bằng điện lau chùi sàn bếp vốn đã sạch bong. Họ tự làm bánh, may quần áo cho mình và cho con, để máy giặt và máy sấy mới chạy cả ngày. Họ thay khăn trải giường hai lần/tuần thay vì một lần/tuần, theo học lớp đan thảm ở bậc học dành cho người lớn, và thương hại bà mẹ khốn khổ, bực bội của mình, những người đã mơ có một nghề. Mơ ước duy nhất của họ là trở thành người vợ, người mẹ hoàn hảo; tham vọng lớn nhất của họ là có năm đứa con và một ngôi nhà đẹp, cuộc chiến duy nhất của họ là làm sao có chồng và giữ được chồng. Họ không nghĩ tới các vấn đề phi nữ tính của thế giới bên ngoài nhà; họ muốn đàn ông đưa ra quyết định trọng đại. Họ hãnh diện với vai trò phụ nữ, và tự hào điền vào chỗ trống trong mục điều tra dân số cụm từ: “Nghề nghiệp: nội trợ.”

Hơn mười lăm năm qua, những từ ngữ viết cho phụ nữ, và những từ ngữ phụ nữ dùng khi trò chuyện với nhau đều là vấn đề về con cái, cách khiến chồng vui vẻ, giúp con học tốt hơn, cách nấu món gà và may áo bọc ghế, trong lúc chồng họ ngồi phía bên kia phòng bàn chuyện làm ăn, chuyện chính trị hay bàn về mấy cái bể tự hoại. Không ai tranh luận liệu phụ nữ giỏi giang hay kém cỏi hơn nam giới; họ đơn giản là khác nhau. Những từ ngữ như “sự giải phóng” hay “nghề nghiệp” trở lên lạ lẫm và vô duyên; lâu rồi không còn ai dùng chúng. Khi một phụ nữ Pháp tên Simone de Beauvoir viết cuốn sách có tựa Giới tính thứ hai, một nhà phê bình Mỹ bình luận rằng, rõ ràng bà “chẳng hiểu thế nào là cuộc sống,” ngoài ra, bà nói về phụ nữ Pháp. “Vấn đề phụ nữ” không còn tồn tại ở Mỹ.

Nếu một phụ nữ gặp trục trặc ở thập niên 1950, 1960, thì cô ta biết hẳn có thứ gì đó sai lầm với hôn nhân, hay với chính mình. Cô nghĩ, những người phụ nữ khác hài lòng với cuộc đời họ. Cô là loại phụ nữ gì mà không cảm nhận được sự viên mãn bí ẩn khi lau sàn bếp chứ? Cô thật xấu hổ khi thú nhận sự bất mãn của mình đến nỗi không bao giờ biết được có bao nhiêu phụ nữ khác cũng chia sẻ nỗi niềm đó. Nếu cô cố bảo chồng, thì anh ta không hiểu cô đang nói gì. Bản thân cô cũng không thực sự hiểu nó. Hơn 15 năm qua, phụ nữ ở Mỹ thấy nói ra chuyện này còn khó hơn nói về tình dục. Ngay cả nhà tâm phân học cũng không có tên gọi dành cho nó. Khi một phụ nữ tới gặp nhà tâm thần học nhờ giúp đỡ, như nhiều phụ nữ thường làm, thì cô ta nói, “Tôi xấu hổ quá,” hay “Tôi chắc bị loạn thần kinh hết thuốc chữa rồi.” “Tôi không biết có chuyện gì sai với phụ nữ ngày nay,” một nhà tâm thần học ngoại ô bứt rứt nói. “Tôi chỉ biết có thứ gì đó sai lầm vì hầu hết bệnh nhân của tôi vô tình là nữ. Và vấn đề của họ không phải tình dục.” Tuy nhiên, hầu hết phụ nữ gặp vấn đề này đều không tìm đến nhà tâm phân học nào. “Thật ra chẳng có gì sai,” họ cứ tự nhủ thế. “Chẳng có vấn đề gì cả.”

Nhưng vào một buổi sáng tháng Tư năm 1959, tôi nghe một bà mẹ bốn con, đang uống cà phê với bốn bà mẹ khác ở khu phát triển ngoại ô cách New York 15 dặm, nói về “vấn đề ấy” bằng giọng tuyệt vọng kín đáo. Và những người khác, không một lời, đều hiểu rằng cô không nói về vấn đề liên quan tới chồng con hay tổ ấm. Đột nhiên họ nhận ra rằng mình có cùng một vấn đề, vấn đề không tên. Họ bắt đầu ngập ngừng nói về nó. Sau đó, sau khi đến nhà trẻ đón con về, cho chúng chợp mắt xong, thì hai trong số họ bật khóc, lòng hoàn toàn nhẹ nhõm, bởi họ biết mình không đơn độc.

Dần dà tôi nhận ra rằng vô số phụ nữ ở Mỹ chia sẻ vấn đề không tên này. Là người viết bài cho tạp chí, tôi thường phỏng vấn phụ nữ về những vấn đề mà họ gặp với con cái, hôn nhân, nhà cửa, hay cộng đồng của mình. Nhưng sau một hồi tôi nhận ra dấu hiệu ngồi lê đôi mách của vấn đề khác. Tôi nhận ra dấu hiệu tương tự trong các nông trang ngoại ô và nhà giật tầng ở Long Island, New Jersey và hạt Westchester; trong các ngôi nhà thuộc địa ở một thị trấn nhỏ bang Massachusetts; tại các mái hiên ở Memphis; trong các căn hộ nội đô lẫn ngoại ô; và trong các phòng khách ở vùng Trung Tây. Thỉnh thoảng tôi đánh hơi được vấn đề này, không phải với tư cách phóng viên, mà với tư cách bà nội trợ ngoại ô, bởi trong quãng thời gian ấy tôi cũng đang nuôi ba đứa con ở Rockland, New York. Tôi nghe thấy tiếng vọng của vấn đề này trong các ký túc xá đại học và khu sản khoa bán tư, tại cuộc họp Hội phụ huynh và những bữa tiệc trưa của Liên hiệp cử tri nữ, ở bữa tiệc cốc-tai ngoại ô, trong chiếc station-wagon chờ tàu hỏa đi qua, và trong những mẩu đối thoại nghe lỏm được ở chuỗi cửa tiệm Schrafft’s. Những từ ngữ mò mẫm tôi nghe được từ những phụ nữ khác, vào buổi trưa yên tĩnh khi bọn trẻ ở trường, hay buổi tối yên tĩnh khi các ông chồng đi làm về muộn, tôi nghĩ mình hiểu đầu tiên với tư cách phụ nữ trước khi hiểu ra những hàm ý tâm lý và xã hội lớn hơn của những từ ngữ ấy.

Vậy vấn đề không tên này là gì? Phụ nữ dùng từ ngữ nào khi cố diễn tả nó? Thỉnh thoảng một phụ nữ nói “Không hiểu sao tôi thấy trống trải quá… thiếu thốn quá.” Hoặc cô ấy nói “Tôi thấy mình như không tồn tại”. Đôi khi cô xóa bỏ cảm giác ấy bằng một viên an thần. Đôi khi cô nghĩ vấn đề đó có liên quan tới chồng con, hay thứ cô thực sự cần là trang trí lại nhà cửa, hoặc chuyển đến chỗ khác tốt hơn, cặp bồ, sinh thêm con. Đôi khi, cô tìm gặp bác sĩ với những triệu chứng khó mô tả: “Cảm giác mệt mỏi… Tôi phát điên với bọn trẻ và điều đó làm tôi sợ… Tôi muốn khóc chẳng vì lý do gì.” (Một bác sĩ ở Cleveland gọi đây là “hội chứng bà nội trợ”.) Một số phụ nữ kể cho tôi nghe về những nốt phồng rộp lớn, chảy máu, nổi ở bàn tay, cánh tay. “Tôi gọi đó là chứng héo úa của bà nội trợ,” một bác sĩ gia đình ở Pennsylvania nói. “Gần đây tôi rất hay gặp chứng này ở những phụ nữ trẻ có bốn, năm hay sáu đứa con, suốt ngày cắm mặt vào bồn rửa bát. Nhưng bệnh của họ không phải do xà phòng gây ra và không chữa được bằng cortisone.[2]

Đôi khi một phụ nữ bảo tôi là cảm giác đó mạnh đến mức cô chạy ra khỏi nhà, đi dọc các con phố. Hoặc cô ở trong nhà và khóc. Hoặc bọn trẻ chọc cô cười, và cô không cười vì chẳng nghe thấy gì cả. Tôi trò chuyện với những phụ nữ đã mất nhiều năm nằm trên đi-văng của nhà phân tích tâm lý, tìm giải pháp cho “việc thích nghi với vai trò nữ tính,” cho các chướng ngại ngăn cản “sự viên mãn với tư cách làm vợ làm mẹ” của họ. Nhưng âm sắc vô vọng trong giọng nói và ánh mắt họ, cũng y hệt âm sắc và ánh mắt của những phụ nữ khác, những người đoan chắc rằng họ không gặp vấn đề gì, ngay cả khi họ thực sự có cảm giác tuyệt vọng kỳ lạ.

Một bà mẹ bốn con, bỏ học đại học năm 19 tuổi để lấy chồng, kể với tôi:

Tôi đã thử mọi thứ mà người ta cho là phụ nữ hay làm – có thú vui riêng, làm vườn, muối dưa, làm đồ hộp, giao du với hàng xóm, tham gia các ủy ban, tổ chức tiệc trà cho bên Hội phụ huynh. Tôi có thể làm tất cả những việc đó, và tôi thích thế, nhưng nó không để lại trong lòng chị thứ gì để nghĩ ngợi – bất cứ cảm giác nào về việc chị là ai. Tôi chưa bao giờ có bất cứ tham vọng nghề nghiệp nào. Tất cả những gì tôi muốn là kết hôn và có bốn đứa con. Tôi yêu bọn trẻ, anh Bob, và tổ ấm của mình. Chẳng có vấn đề gì mà chị thậm chí có thể gọi thành tên. Nhưng tôi tuyệt vọng. Tôi bắt đầu thấy mình không có tính cách. Tôi chỉ là người bưng đồ ăn, mặc quần áo cho bọn trẻ, dọn giường, ai đó được gọi đến khi chị muốn có thứ gì đó. Nhưng tôi là ai mới được chứ?

Một bà mẹ 23 tuổi mặc đồ jeans xanh nói:

Tôi tự hỏi sao mình bất mãn thế. Tôi có sức khỏe, con cái ngoan ngoãn, một tổ ấm mới đáng yêu, đầy đủ tiền bạc. Chồng tôi là một kỹ sư điện tử thực sự có tương lai. Anh ấy không có bất kỳ cảm giác nào như thế. Anh ấy nói có thể tôi cần một kỳ nghỉ, hãy đi New York nghỉ cuối tuần. Nhưng việc đó đâu phải thế. Tôi luôn nghĩ vợ chồng làm gì cũng nên làm chung. Tôi không thể ngồi xuống, đọc sách một mình. Nếu bọn trẻ ngủ trưa và tôi có một giờ dành cho bản thân, thì tôi chỉ đi dạo quanh nhà, chờ chúng dậy. Tôi không dám cục cựa gì cho tới khi người khác trong đám đông tiến lên. Giống như lúc chị còn bé, luôn có ai đó hay thứ gì đó chăm sóc cuộc đời chị: cha mẹ, nhà trường, yêu đương, có con, chuyển tới một ngôi nhà mới. Thế rồi một sáng chị tỉnh giấc và thấy chẳng có gì để mong ngóng.

Một cô vợ trẻ sống trong khu phát triển ở Long Island bảo:

Có vẻ như tôi ngủ nhiều quá. Tôi không biết tại sao mình mệt đến thế. Ngôi nhà này đâu có khó dọn dẹp như căn hộ cũ chỉ có nước lạnh mà bọn tôi có hồi tôi còn đi làm. Bọn trẻ ở trường cả ngày. Không phải do việc nhà. Tôi chỉ thấy mình không sống.

Năm 1960, vấn đề không tên vỡ ra như cái nhọt mọc trên hình ảnh bà nội trợ Mỹ hạnh phúc. Trong quảng cáo trên ti-vi, những bà nội trợ xinh đẹp vẫn cười toe bên bồn rửa đầy bọt và câu chuyện về “Bà vợ ngoại ô, một hiện tượng Mỹ” đăng trên trang bìa tờ Time thì quả quyết: “Họ có khoảng thời gian quá hạnh phúc… nên không thể tin là mình bất hạnh.” Nhưng nỗi bất hạnh thực sự của bà nội trợ Mỹ đột nhiên được nhắc tới – từ tờ Thời báo New York, Newsweek, cho đến Nội trợ giỏi và Đài CBS (“Bà nội trợ bị mắc bẫy”), dù hầu hết những người nói về nó đều tìm lý do hời hợt nào đó để gạt nó đi. Nó bị quy cho đám thợ sửa thiết bị kém cỏi (Thời báo New York), hay khoảng cách mà bọn trẻ được đưa đón ở ngoại ô (Time), hay họp Hội phụ huynh quá nhiều (Redbook). Vài người lại bảo đây là vấn đề cũ mèm – giáo dục: ngày càng nhiều phụ nữ được học hành, một việc tất nhiên khiến họ không vui với vai trò nội trợ của mình. “Con đường từ Freud đến Frigidaire, từ Sophocles đến Spock, hóa ra là con đường gập ghềnh,” tờ Thời báo New York (28-06-1960) nói. “Nhiều phụ nữ trẻ – dĩ nhiên không phải tất cả – bị học vấn nhấn chìm trong thế giới tư tưởng, thì thấy ngột ngạt với tổ ấm của mình. Họ thấy cuộc sống thành nếp chẳng ăn nhập gì với điều mình đã học. Giống những người phải ở nhà vì khuyết tật hay bị bệnh, họ thấy mình bị bỏ quên. Năm ngoái, vấn đề bà nội trợ có học đã cung cấp món ngon cho hàng tá bài diễn thuyết của hiệu trưởng các trường đại học nữ, những người bức xúc, và đều giữ vững ý kiến trước những lời kêu ca phàn nàn rằng, 16 năm đào tạo học thuật là sự chuẩn bị thiết thực cho việc làm vợ, làm mẹ.”

Người ta thông cảm nhiều với bà nội trợ có học. (“Giống một người bị tâm thần phân liệt có hai đầu… có thời cô viết bài luận về các thi sĩ Nhà mồ[3]; giờ cô biên giấy dặn dò bác giao sữa. Có thời cô xác định điểm sôi của acid sulphuric; giờ cô quyết định điểm sôi của mình với anh thợ sửa máy trễ hẹn… Bà nội trợ thường chỉ còn biết kêu gào, than khóc… Hình như không ai trân trọng, còn cô trân trọng ít nhất, cái kiểu người cô trở thành trong quá trình chuyển từ nhà thơ thành mụ đàn bà đanh đá.”)

Các chuyên gia kinh tế gia đình đề nghị sự chuẩn bị thiết thực hơn cho bà nội trợ, chẳng hạn như hội thảo trong trường phổ thông về thiết bị gia dụng. Các nhà giáo dục đại học đề nghị nhiều nhóm thảo luận hơn về gia đình và việc quản lý tổ ấm, để chuẩn bị cho phụ nữ thích nghi với cuộc sống nội trợ. Một cơn lũ bài báo xuất hiện trên các tạp chí đại chúng, cung cấp “58 cách khiến hôn nhân của bạn thú vị hơn.” Không tháng nào trôi qua mà không có quyển sách mới của một nhà tâm thần học hay tình dục học, cho lời khuyên kỹ thuật để tìm thấy sự thỏa mãn lớn hơn trong tình dục.

Bí ẩn nữ tính: Vấn đề không tên
Tác giả Betty Friedan
Ảnh: Marilyn K. Yee/The New York Times

Một cây bút trào phúng nam đùa trên tờ Harper's Bazaar (tháng 6-1960) rằng vấn đề này có thể được giải quyết bằng cách tước quyền bầu cử. (“Thời trước khi có Tu chính án 19, phụ nữ Mỹ bình yên, an toàn và chắc chắn về vai trò của mình trong xã hội Mỹ. Cô ta để tất cả quyết định chính trị lại cho chồng, còn anh ta, đến lượt mình, để tất cả quyết định gia đình lại cho vợ. Bây giờ phụ nữ phải đưa ra các quyết định gia đình lẫn chính trị, mà thế thì quá nhiều với cô ta.”)

Một số nhà giáo dục nghiêm túc đề nghị rằng không nên nhận phụ nữ vào các trường đại học, cao đẳng bốn năm: bởi ở thời buổi khủng hoảng đại học ngày càng tăng này, học vấn mà các cô gái không thể dùng khi làm bà nội trợ lại được các chàng trai cần gấp hơn bao giờ hết, để làm việc trong thời đại nguyên tử.

Vấn đề này cũng bị gạt đi cùng các giải pháp quyết liệt vốn không được ai nghiêm túc nhìn nhận. (Một nhà văn nữ đề xuất trên tờ Harper’s rằng phụ nữ phải bị sung quân để đảm nhận các nhiệm vụ bắt buộc như làm y sĩ và bảo mẫu.) Và người ta lấp liếm nó bằng phương thuốc chữa bách bệnh lâu đời: “tình yêu là câu trả lời cho họ”, “câu trả lời duy nhất là tự giúp mình", “bí ẩn của sự trọn vẹn – con cái", “cách thức riêng để thỏa mãn tri thức”, “chữa lành cơn đau nhức của tâm hồn – công thức đơn giản của việc trao gửi bản thân và ý chí mình cho Chúa.”[1]

Vấn đề này cũng bị gạt đi bằng cách bảo bà nội trợ rằng cô ta không nhận ra là mình may mắn thế nào ư – tự mình làm chủ, chẳng cần canh đồng hồ, chẳng phải lo nhân viên bán hàng trẻ tuổi nào cướp mất công việc của mình. Ngộ nhỡ cô không hạnh phúc ư – bộ cô nghĩ đàn ông hạnh phúc trong thế giới này chắc? Có thật cô vẫn ngầm muốn trở thành đàn ông không? Bộ cô không biết mình may mắn thế nào khi làm đàn bà à?

Cuối cùng, vấn đề này cũng bị gạt đi bởi cái nhún vai, rằng chẳng có giải pháp nào cả: làm phụ nữ là thế đấy, và phụ nữ Mỹ có gì sai khi họ không thể nhã nhặn chấp nhận vai trò của mình nhỉ? Như cách nói của tờ Newsweek (03-07-1960):

Cô ta bất mãn với nhiều thứ mà phụ nữ ở nơi khác chỉ dám mơ tới. Sự bất bình của cô ta sâu sắc, lan tràn, và cứ trơ ra với các phương thuốc hời hợt được người ta đưa liền liền… Một đội quân nhà thám hiểm chuyên môn đã lập biểu đồ các nguồn rắc rối chính… Thưở ban sơ, chu kỳ kinh nguyệt đã định danh và giới hạn vai trò phụ nữ. Như Freud được công nhận bởi câu nói: “Phẫu thuật học là số phận.” Dù không nhóm phụ nữ nào từng đẩy những giới hạn tự nhiên ấy đi xa như bà vợ Mỹ, thì hình như cô ta vẫn không thể chấp nhận chúng với vẻ nhã nhặn tử tế… Một bà mẹ trẻ có một gia đình đẹp đẽ, có vẻ duyên dáng, tài năng, trí óc thì thường gạt đi vai trò của mình một cách đầy hối tiếc. “Tôi làm gì bây giờ?” bạn nghe cô ta hỏi. “Sao chẳng có gì cả. Tôi chỉ là bà nội trợ.” Dường như giáo dục tốt đẹp đã cấp cho hình mẫu này ở phụ nữ sự hiểu biết về giá trị mọi thứ, trừ giá trị của chính cô ta…

Vậy là cô ta phải chấp nhận sự thật rằng “sự bất hạnh của phụ nữ Mỹ chỉ là thắng lợi gần đây nhất về quyền phụ nữ,” rồi thích nghi với sự thật ấy và nói với hình tượng bà nội trợ hạnh phúc được Newsweek tìm thấy: “Chúng ta nên chào mừng sự tự do tuyệt vời mà tất cả chúng ta đều có và tự hào với cuộc sống hiện tại. Tôi đã học đại học, đi làm, nhưng làm nội trợ mới là vai trò khiến tôi hài lòng, thấy xứng đáng nhất… Mẹ tôi không bao giờ tham gia vào việc kinh doanh của bố tôi… bà không thể ra khỏi nhà và rời xa đám con cái chúng tôi. Nhưng tôi bình đẳng với chồng; tôi có thể đi công tác cùng anh ấy và đến các bữa tiệc bàn chuyện làm ăn.”

Lựa chọn thay thế là điều rất ít phụ nữ nghĩ tới. Nói theo giọng cảm thông của tờ Thời báo New York thì: “Mọi người đều thừa nhận rằng có những lúc họ vô cùng bực bội vì thiếu sự riêng tư, vì gánh nặng thể chất, vì nếp sống gia đình, sự tù túng ngột ngạt của nó. Tuy nhiên, không ai từ bỏ tổ ấm và gia đình nếu chọn lại cả.” Tờ Redbook bình luận: “Ít phụ nữ nào muốn chế giễu chồng con, cộng đồng của mình rồi tự bỏ đi. Những ai muốn thế có thể là cá nhân có tài, nhưng họ hiếm khi là phụ nữ thành công.”

Vào năm sự bất mãn của phụ nữ Mỹ sục sôi, người ta cũng cho biết (trên tờ Look) rằng hơn 21.000.000 phụ nữ Mỹ độc thân, góa bụa, hay đã li dị, dù hơn 50 tuổi, họ vẫn điên cuồng, vô vọng tìm kiếm một người đàn ông. Và cuộc tìm kiếm bắt đầu từ sớm – vì 70% phụ nữ Mỹ hiện kết hôn trước tuổi 24. Một cô thư ký 25 tuổi xinh đẹp nhận làm 35 công việc khác nhau trong 6 tháng để hy vọng vô ích tìm được tấm chồng. Phụ nữ nhảy từ câu lạc bộ chính trị này sang câu lạc bộ chính trị khác, học các lớp kế toán, học lái thuyền vào buổi tối, học chơi golf hay trượt tuyết, tham gia hết giáo phái này đến giáo phái khác, đến quán rượu một mình, để không ngừng tìm kiếm đàn ông.

Hàng nghìn phụ nữ hiện đang nhận được sự hỗ trợ riêng tư về tâm thần ở Mỹ và trong con số ngày càng tăng ấy, những người đã kết hôn được báo cáo là bất mãn với hôn nhân, còn người chưa kết hôn thì thấy lo lắng, và cuối cùng là trầm cảm. Kỳ lạ thay, một số nhà tâm thần học tuyên bố, theo kinh nghiệm của mình, bệnh nhân nữ chưa kết hôn vui vẻ hơn bệnh nhân đã kết hôn. Vậy nên cánh cửa của tất cả các ngôi nhà ngoại ô đẹp đẽ nứt ra cho ta thấy một thoáng hình ảnh của hàng nghìn bà nội trợ Mỹ không được kể ra, những người phải một mình chịu đựng vấn đề mà đột nhiên mọi người đều nhắc tới, và bắt đầu mặc nhiên chấp nhận, giống như một trong những vấn đề hư ảo của đời sống Mỹ, những vấn đề không bao giờ có thể được giải quyết – như bom H chẳng hạn. Đến năm 1962, cảnh ngộ của bà nội trợ Mỹ bị mắc bẫy đã trở thành trò chơi trong nhà trên khắp cả nước. Toàn bộ các số tạp chí, đề mục báo, sách vở học thuật và sách vớ vẩn, các hội nghị giáo dục và nhóm bàn luận trên truyền hình đều hết mình vì vấn đề này.

Dù thế, hầu hết đàn ông, và một số phụ nữ, vẫn không biết vấn đề này là thật. Nhưng ai đã đối mặt với nó thì đều thành thực hiểu rằng tất cả những phương thuốc hời hợt, lời khuyên đồng cảm, những từ ngữ trách mắng hay cổ vũ, bằng cách nào đó, đều dìm vấn đề này vào hư ảo. Người ta bắt đầu nghe thấy tiếng cười cay đắng từ phía phụ nữ Mỹ. Người ta ngưỡng mộ, ghen tị, thương hại, lên lớp họ cho tới khi họ phát bệnh vì nó, bèn đưa cho họ những giải pháp quyết liệt hay lựa chọn ngớ ngẩn, những thứ không ai có thể nhìn nhận một cách nghiêm túc. Họ có tất cả các thể loại lời khuyên từ đoàn quân ngày càng đông đảo các nhà tư vấn hôn nhân và trẻ em, nhà điều trị tâm lý, nhà tâm lý học xa-lông, về việc làm thế nào thích nghi với vai trò bà nội trợ của mình. Không có con đường nào khác đến với viên mãn dành cho phụ nữ Mỹ giữa thế kỷ 20 này. Hầu hết thích nghi với vai trò của mình, chịu đựng hay bỏ qua vấn đề không tên. Không nghe giọng nói kỳ lạ, bất mãn, xốn xang trong lòng thì có thể bớt đau đớn hơn cho phụ nữ.

Không thể phớt lờ giọng nói ấy, bỏ qua sự tuyệt vọng của rất nhiều phụ nữ Mỹ nữa. Làm phụ nữ không phải thế, bất kể các chuyên gia có nói gì. Bởi có lý do cho nỗi khổ của con người; có thể người ta chưa tìm ra lý do vì chưa hỏi đúng câu hỏi, hoặc chưa đẩy câu hỏi đi đủ xa. Tôi không chấp nhận câu trả lời không có vấn đề gì vì phụ nữ Mỹ có những thứ xa hoa mà phụ nữ ở thời đại khác, các nơi khác không bao giờ mơ tưởng tới; một phần sự mới mẻ kỳ lạ của vấn đề này là người ta không thể hiểu nó dưới dạng các vấn đề vật chất lâu đời của con người: nghèo khổ, bệnh tật, đói khát, rét mướt. Những phụ nữ mắc phải vấn đề này có cơn đói mà không thức ăn nào thỏa mãn được. Cơn đói ấy tồn tại dai dẳng ở những phụ nữ có chồng là bác sĩ thực tập và trợ lý luật sư đang phấn đấu, bác sĩ và luật sư thành đạt; ở những bà vợ có chồng là công nhân và nhà quản trị làm ra 5.000 hay 50.000 đô-la một năm. Nó không phải do sự thiếu thốn lợi thế vật chất gây ra; thậm chí những phụ nữ bị ám ảnh bởi vấn đề nghèo đói, bệnh tật cũng không cảm thấy nó. Và những phụ nữ nghĩ rằng cơn đói đó sẽ được giải quyết bằng việc có nhiều tiền hơn, nhà to hơn, một chiếc xe thứ hai, chuyển tới vùng ngoại ô đẹp hơn, thì thường phát hiện ra rằng nó chỉ có tệ hơn thôi.

Ngày nay ta không thể đổ lỗi vấn đề này cho việc mất đi nữ tính: khi bảo rằng giáo dục, sự độc lập, bình đẳng với đàn ông khiến phụ nữ Mỹ không còn nữ tính. Tôi đã nghe rất nhiều phụ nữ cố chối bỏ giọng nói bất mãn ấy trong lòng vì nó không khớp với bức tranh nữ tính đẹp đẽ mà chuyên gia đem tới cho họ. Thực ra, tôi nghĩ, đây là manh mối đầu tiên dẫn tới bí ẩn nữ tính: ta không thể hiểu vấn đề này theo những thuật ngữ đã được chấp nhận rộng rãi, mà dựa vào chúng các nhà khoa học đã nghiên cứu phụ nữ, các bác sĩ đã chữa chạy cho họ, các tư vấn viên đã khuyên nhủ họ, và các nhà văn đã viết về họ. Phụ nữ mắc phải vấn đề này, những người mà giọng nói kia đang xốn xang trong lòng, đã sống cả đời mình để theo đuổi viên mãn nữ tính. Họ không phải là phụ nữ coi trọng nghề nghiệp (dù phụ nữ coi trọng nghề nghiệp có thể có vấn đề khác); họ là những phụ nữ từng có tham vọng lớn nhất là hôn nhân và con cái. Không có giấc mơ khả dĩ nào khác cho người lớn tuổi nhất trong số đó, những cô con gái của tầng lớp trung lưu Mỹ. Những người ở vào độ tuổi 40, 50, những người từng có giấc mơ khác, đã từ bỏ giấc mơ ấy và vui sướng quăng mình vào cuộc sống bà nội trợ. Đây là giấc mơ duy nhất, cho các bà vợ, bà mẹ mới mẻ, trẻ trung nhất. Họ là những người đã bỏ học trung học, đại học để kết hôn, hoặc dậm chân tại chỗ bằng công việc nào đó mà họ không có hứng thú thực sự cho tới khi kết hôn. Những phụ nữ này rất “nữ tính” theo nghĩa thông thường, song họ vẫn mắc phải vấn đề này.

Liệu những phụ nữ đã học xong đại học, những phụ nữ từng có giấc mơ vượt xa công việc nội trợ, có phải là người chịu đựng nhiều nhất hay không? Theo các chuyên gia thì đúng vậy, nhưng hãy lắng nghe bốn người này nói:

Một ngày của tôi luôn bận rộn, và cũng thật buồn tẻ. Tất cả những gì tôi làm là mấy việc tào lao. Tôi dậy lúc 8 giờ – nấu bữa sáng, rửa bát, ăn trưa, lại rửa bát, giặt giũ, dọn dẹp vào buổi chiều. Rồi đến bữa tối, rửa bát đĩa xong tôi ngồi nghỉ vài phút trước khi cho bọn trẻ đi ngủ… Đó là tất cả những gì trong ngày của tôi. Giống hệt một ngày của bất cứ bà vợ nào khác. Chán phèo. Vui nhất là lúc rượt bắt bọn trẻ.

Ôi Chúa ôi, tôi làm gì với thời gian của mình? Ừ thì tôi dậy lúc 6 giờ sáng. Tôi mặc quần áo cho con trai tôi, rồi cho nó ăn sáng. Sau đó tôi rửa bát, tắm và cho đứa bé ăn. Rồi tôi ăn trưa, và trong lúc bọn trẻ ngủ, thì tôi may vá hay ủi đồ, và làm tất cả các việc khác mà mình không thể làm xong trước 12 giờ trưa. Rồi tôi nấu bữa tối cho gia đình còn chồng tôi xem TV trong lúc tôi rửa bát. Cho bọn trẻ đi ngủ xong, tôi uốn tóc rồi đi ngủ.

Vấn đề luôn là làm mẹ bọn trẻ, làm vợ mục sư, chứ không bao giờ là chính mình.

Bộ phim về buổi sáng tiêu biểu ở nhà tôi sẽ giống một bộ phim hài của hãng Marx Brothers hồi xưa. Tôi rửa bát, giục mấy đứa lớn tới trường, lao ra vườn chăm bón khóm cúc, chạy vào nhà để gọi điện bàn về cuộc họp hội đồng, giúp đứa út xây nhà bằng hình khối đồ chơi, dành 15 phút lướt qua báo chí để biết thêm tin tức, rồi chạy ào xuống chỗ máy giặt nơi đống quần áo giặt 3 lần/tuần của tôi đủ cho một ngôi làng nguyên thủy dùng cả năm. Đến trưa thì tôi muốn phát điên. Rất ít thứ trong những gì tôi làm thật sự cần thiết hay quan trọng. Áp lực bên ngoài dần giã tôi cả ngày. Song tôi tự coi mình là một trong những bà nội trợ thoải mái hơn ở khu nhà mình. Nhiều bạn của tôi thậm chí còn điên hơn nữa. Trong 60 năm qua chúng ta đã đi hết một vòng và bà nội trợ Mỹ lại bị mắc kẹt trong cái lồng sóc. Nếu bây giờ cái lồng là một nông trang bằng-đá-và-thủy-tinh-có-trải-thảm hiện đại hay một căn hộ hiện đại tiện nghi, thì tình hình cũng không bớt đau đớn hơn lúc bà nội bà ngoại của chúng ta ngồi trước khung thêu trong căn phòng đầy-nhung-lụa-và-đồ-gỗ-sơn-son-thếp-vàng, giận dữ làu bàu về quyền phụ nữ là mấy.

Hai phụ nữ đầu tiên chưa bao giờ học đại học. Họ sống trong khu phát triển ở Levittown, New Jersey và Tacoma, Washington, và được một nhóm các nhà xã hội học nghiên cứu về vợ người lao động phỏng vấn.[2] Người thứ ba, vợ một mục sư, viết trong tờ khảo sát ở buổi gặp mặt cựu sinh viên lần thứ 15, rằng trước kia cô chưa từng có tham vọng nghề nghiệp, nhưng giờ cô ước gì mình có.[3] Người thứ tư, có bằng tiến sĩ nhân chủng học, hiện đang làm nội trợ với ba đứa con ở Nebraska.[4] Ngôn từ của họ ám chỉ rằng bà nội trợ ở mọi trình độ học vấn đều có cùng cảm giác tuyệt vọng.

Sự thật là ngày nay không còn ai giận dữ làu bàu về “quyền phụ nữ” dù ngày càng nhiều phụ nữ học đại học. Trong nghiên cứu gần đây với tất cả các lớp tốt nghiệp ở ĐH Barnard,[5] một thiểu số quan trọng các lớp tốt nghiệp khóa đầu đổ lỗi cho học vấn của mình vì nó khiến họ muốn có “quyền lợi,” các lớp tốt nghiệp sau này đổ lỗi cho học vấn của mình vì nó mang tới cho họ giấc mơ nghề nghiệp, nhưng những người tốt nghiệp gần đây thì đổ lỗi cho nhà trường vì nhà trường đã khiến họ thấy chỉ làm nội trợ và làm mẹ là không đủ; họ không muốn cảm thấy tội lỗi nếu không đọc sách hay không tham gia các hoạt động cộng đồng. Nhưng nếu giáo dục không phải là nguyên nhân của vấn đề không tên này, thì sự thật rằng giáo dục bằng cách nào đó khiến những phụ nữ này chết dần chết mòn cũng có thể là một manh mối.

Nếu bí mật của viên mãn nữ tính là có con, thì rất nhiều phụ nữ, với tự do được lựa chọn, không bao giờ hăng hái có nhiều con trong khoảng thời gian ít ỏi đến thế. Nếu câu trả lời là tình yêu, thì phụ nữ không bao giờ đi tìm tình yêu với sự quyết tâm đến thế. Song le người ta đang ngày càng nghi ngờ rằng vấn đề không tên có thể không phải là tình dục, dù nó bằng cách nào đó ắt có liên quan tới tình dục. Tôi đã nghe từ nhiều bác sĩ bằng chứng về vấn đề tình dục mới giữa các ông chồng và vợ họ – cơn đói tình dục ở các bà quá lớn đến nỗi chồng họ không đáp ứng nổi. “Chúng ta đã biến phụ nữ thành sinh vật tình dục,” một nhà tâm thần học ở phòng tư vấn hôn nhân Margaret Sanger nói. “Cô ta không có bản sắc nào hơn là một người vợ, người mẹ. Cô ta không biết bản thân mình là ai. Cô ta cả ngày đợi chồng về mỗi đêm để làm cô thấy mình còn sống. Và giờ chính người chồng mới là người không quan tâm. Thật khủng khiếp cho phụ nữ, khi nằm đấy, đêm này đến đêm khác, chờ chồng làm mình cảm thấy mình còn sống.” Tại sao có cả thị trường cho sách vở và các bài báo đưa ra lời khuyên tình dục? Kiểu cực khoái tình dục mà Kinsey tìm ra trong ngút ngàn số liệu thống kê ở các thế hệ phụ nữ Mỹ gần đây hình như không làm vấn đề này biến mất.

Trái lại, người ta nhận thấy các chứng rối loạn thần kinh mới ở phụ nữ – và những vấn đề giống với chứng rối loạn thần kinh – mà Freud và đám môn đồ của ông không đoán ra, với những biểu hiện về thể chất, lo âu, cơ chế tự vệ tương tự những biểu hiện do ức chế tình dục gây ra. Rồi người ta báo cáo những vấn đề mới kỳ lạ ở thế hệ trẻ em ngày càng nhiều, những đứa trẻ luôn có mẹ ở bên, chở chúng đi loanh quanh, giúp chúng làm bài tập về nhà – sự bất lực khi chịu đau đớn hay chấp nhận kỷ luật hay theo đuổi bất kỳ mục tiêu nào cần tự mình làm lấy, một sự chán chường với cuộc sống. Các nhà giáo dục ngày càng bứt rứt về sự phụ thuộc, thiếu tự lực của các chàng trai cô gái, những người học đại học hiện nay. “Chúng tôi tham gia vào một cuộc chiến liên tục để giúp sinh viên trưởng thành hơn,” một trưởng khoa ở Đại học Columbia nói.

Người ta tổ chức một hội nghị Nhà Trắng[4] về sự suy giảm cơ bắp và thể chất ở trẻ em Mỹ: có phải chúng được chăm lo thái quá hay không? Các nhà xã hội học lưu ý cách tổ chức đời sống đáng kinh ngạc của trẻ em ngoại ô: những buổi học, bữa tiệc, các hình thức vui chơi giải trí, các nhóm chơi và nhóm học được tổ chức cho chúng. Một bà nội trợ ngoại ô ở Portland, Oregon, tự hỏi sao trẻ em “cần tới” các nhóm Gấu nâu, Nam hướng đạo sinh ở đây. “Đây đâu phải khu ổ chuột. Bọn trẻ ở đây có các hoạt động ngoài trời tuyệt vời. Tôi nghĩ người ta buồn chán quá, nên mới gom bọn trẻ lại, lập thành nhóm, rồi dụ mấy đứa khác vào. Và những đứa trẻ tội nghiệp này chẳng còn thời gian nằm dài trên giường mơ mộng nữa.”

Có khi nào vấn đề không tên này, bằng cách nào đó, liên quan tới nếp sống trong nhà của bà nội trợ? Khi một phụ nữ cố nói vấn đề đó ra, thì cô ta thường chỉ mô tả cuộc sống thường nhật của mình. Có gì trong việc thuật lại chi tiết cuộc sống ở nhà thoải mái này lại gây ra cảm giác tuyệt vọng đến vậy? Bộ cô ta đơn thuần bị những đòi hỏi lớn lao về vai trò bà nội trợ hiện đại: làm vợ, làm bồ, làm mẹ, làm y tá, kẻ tiêu thụ, đầu bếp, lái xe; chuyên gia về trang trí nội thất, chăm trẻ, sửa thiết bị, làm mới đồ gỗ, dinh dưỡng và giáo dục, đánh bẫy à? Ngày tháng của cô ta bị xẻ vụn ra khi cô lao từ chỗ máy rửa bát đĩa sang máy giặt rồi tới điện thoại, máy sấy rồi tới xe station-wagon, siêu thị, rồi đưa Johnny tới sân bóng Liên đoàn nhỏ, đưa Janey tới lớp học múa, đem máy cắt cỏ đi sửa, rồi về nhà cho kịp 6:45. Cô không bao giờ có được hơn 15 phút cho bất cứ việc gì; cô không có thời gian đọc sách, chỉ đọc tạp chí thôi; thậm chí nếu có thời gian, thì cô cũng mất khả năng tập trung. Cuối ngày, cô mệt đến nỗi đôi khi chồng cô phải nhảy vào giúp và cho bọn trẻ đi ngủ.

Sự mệt mỏi kinh khủng ấy khiến vào thập niên 1950 rất nhiều phụ nữ đến gặp bác sĩ đến nỗi người ta quyết định điều tra về nó. Người điều tra, ngạc nhiên thay, thấy những bệnh nhân mắc “chứng mệt nhọc của bà nội trợ” ngủ nhiều hơn thời gian ngủ mà một người lớn cần – lên tới 10 giờ mỗi ngày – và năng lượng thực mà họ tiêu tốn cho việc nhà thì không dùng hết khả năng của họ. Vấn đề thực sự phải là thứ khác, anh ta kết luận thế – có lẽ là sự buồn chán. Vài bác sĩ bảo bệnh nhân nữ của mình là họ phải dành một hôm để rời nhà, lên phố xem phim. Một số khác kê thuốc an thần. Nhiều bà nội trợ ngoại ô dùng thuốc an thần y như dùng viên ngậm trị ho. “Sáng ra chị thức dậy, thấy sống tiếp một ngày nữa như thế chả có ích gì. Thế là chị dùng thuốc an thần vì nó khiến chị không lo nghĩ quá nhiều đến mức chẳng đâu vào đâu.”

Thật dễ dàng nhận ra những chi tiết cụ thể bẫy bà nội trợ ngoại ô, những đòi hỏi liên tục về mặt thời gian. Nhưng xiềng xích cột cô vào cái bẫy ấy chính là xiềng xích trong tâm trí, tâm hồn cô. Chúng là xiềng xích được tạo ra từ những ý nghĩ sai lầm, những sự thật bị diễn giải sai, những chân lý không đầy đủ và những lựa chọn không thực tế. Ta không nhìn thấy và dễ dàng rũ bỏ chúng.

Làm thế nào phụ nữ có thể nhìn thấy toàn bộ sự thật trong vòng kiềm tỏa của cuộc đời mình? Làm thế nào cô ta có thể tin giọng nói trong lòng mình, khi nó phủ nhận những sự thật truyền thống đã được chấp nhận, những sự thật cô đã và đang sống dựa vào đó? Song những phụ nữ mà tôi đã trò chuyện, những người cuối cùng lắng nghe giọng nói bên trong ấy, hình như bằng cách khó tin nào đó đã mò mẫm tìm tới sự thật, vốn từng thách đố các chuyên gia.

Tôi nghĩ các chuyên gia ở nhiều lĩnh vực đã nắm được những mảnh của sự thật ấy dưới kính hiển vi của mình trong một thời gian dài mà không hề nhận ra nó. Tôi tìm thấy những mảnh đó trong các nghiên cứu và phát triển lý thuyết mới thuộc khoa học tâm lý, xã hội và sinh vật, các ngành có những hàm ý về phụ nữ dường như chưa bao giờ được kiểm thảo. Tôi tìm thấy nhiều manh mối bằng cách trò chuyện với các bác sĩ, bác sĩ phụ khoa, bác sĩ sản khoa, bác sĩ tư vấn trẻ em, bác sĩ nhi khoa, tư vấn viên ở trường phổ thông, giáo sư đại học, tư vấn viên hôn nhân, bác sĩ tâm thần và mục sư ngoại ô – không phải hỏi họ về lý thuyết, mà về kinh nghiệm thực tế của họ khi điều trị cho phụ nữ Mỹ. Tôi ý thức được việc bằng chứng đang nhiều lên, phần lớn trong số đó chưa từng được báo cáo công khai vì nó không hợp với lối suy nghĩ hiện nay về phụ nữ – thứ bằng chứng đặt câu hỏi cho các tiêu chuẩn về sự bình thường nữ tính, thích nghi nữ tính, viên mãn nữ tính, và trưởng thành nữ tính, những điều mà phụ nữ vẫn đang cố sống theo.

Tôi bắt đầu nhìn dưới ánh sáng mới mẻ kỳ lạ việc người Mỹ quay lại với kết hôn sớm và sinh nhiều con, những việc khiến dân số bùng nổ; phong trào sinh đẻ tự nhiên và cho con bú sữa mẹ gần đây; sự phục tùng ở ngoại ô, và các chứng loạn thần kinh, bệnh lý nhân cách, vấn đề tình dục mới được các bác sĩ báo cáo. Tôi bắt đầu nhìn bằng chiều kích mới những vấn đề cũ, từng được mặc nhiên chấp nhận từ lâu ở phụ nữ: các vấn đề kinh nguyệt, lãnh cảm tình dục, quan hệ bừa bãi, sợ sinh con, trầm cảm sau khi sinh, tỉ lệ suy sụp tình cảm và tự tử cao ở phụ nữ 20, 30 tuổi, khủng hoảng tiền mãn kinh, cái gọi là sự thụ động, non nớt của đàn ông Mỹ, sự khác nhau giữa bài kiểm tra năng lực trí tuệ lúc nhỏ với thành tích lúc lớn của phụ nữ, mức độ cực khoái tình dục của người lớn đang thay đổi ở phụ nữ Mỹ, và các vấn đề dai dẳng trong tâm lý điều trị và giáo dục phụ nữ.

Nếu tôi đúng, thì vấn đề không tên này khuấy động tâm trí của rất nhiều phụ nữ Mỹ hiện nay, vấn đề ấy không phải chuyện đánh mất nữ tính, học hành quá nhiều, hay các nhu cầu nội trợ. Nó quan trọng hơn nhiều, nhiều hơn bất cứ ai nhận ra. Nó là chìa khóa mở ra các vấn đề cũ mới khác, thứ đã hành hạ phụ nữ, chồng con họ, đánh đố các bác sĩ và nhà giáo dục từ lâu. Nó cũng là chìa khóa mở cửa tương lai chúng ta với tư cách một quốc gia, một nền văn hóa. Chúng ta không thể bỏ qua giọng nói bên trong phụ nữ, giọng nói bảo: “Tôi muốn thứ gì đó hơn chồng con và tổ ấm của mình.”

Betty Friedan / Nguyễn Vân Hà dịch

Bí ẩn nữ tính: Vấn đề không tên
Sách Bí ẩn nữ tính được Nguyễn Vân Hà dịch sang tiếng Việt. NXB Phụ nữ Việt Nam xuất bản.
Ảnh: Netabook.

Betty Friedan (1921 - 2006), sinh ra tại Peoria (bang Illinois, Hoa Kỳ) trong một gia đình gốc Do Thái.

Năm 1942, Friedan tốt nghiệp Đại học Smith loại ưu, chuyên ngành tâm lý học. Tuy học rất giỏi nhưng Fridan đã từ chối suất học bổng ở Đại học California để đến New York và trở thành phóng viên chuyên viết về vấn đề lao động tại một tòa báo phụ nữ.

Năm 1966, Friedan đồng sáng lập và là Chủ tịch Tổ chức Phụ nữ Quốc gia (NOW).

Các cuốn sách khác của Betty Friedan: The Second Stage, It Changed My Life: Writings on the Women's Movement, Beyond Gender và The Fountain of Age, tự truyện Life so Far.

Betty Friedan qua đời ngày 4/2/2006 vì bệnh tim.

Năm 2013, bà cùng những phụ nữ khác trở thành nguồn cảm hứng cho Makers: Women Who Make America (tạm dịch: Những phụ nữ tạo nên nước Mỹ) - bộ phim tài liệu 3 phần dài 3 giờ của đạo diễn Barak Goodman về phong trào nữ quyền trong 5 thập niên cuối thế kỷ XX.

Năm 2014, tiểu sử của bà được đưa vào American National Biography Online (ANB). Cũng trong năm này, tạp chí Glamour bình chọn bà vào danh sách "75 phụ nữ quan trọng nhất trong 75 năm qua".


[1] Một loại xe thông dụng dành cho gia đình ở Mỹ, là xe sedan có khoang hành lý được kéo dài ra sau.

[2] Một corticosteroid tự nhiên, hoạt động chủ yếu trong việc trao đổi carbonhydrate và được dùng để trị chứng viêm khớp, thiếu hụt hormone tuyến thượng thận, một số bệnh dị ứng, và bệnh gout.

[3] Graveyard poets hay còn gọi là Churchyard/Boneyard poets (thi sĩ Nghĩa địa/Cốt viên) là những nhà thơ thời kỳ tiền Lãng mạn Anh hồi thế kỷ 18, hay làm thơ về cái chết, ‘đầu lâu và quan tài, văn bia và sâu bọ,’ (Robert Blair: The Grave) tất cả những gì gợi lên hình ảnh nghĩa địa. Họ được xem là tiền thân của các nhà văn nhà thơ Gothic.

[4] White House conference là buổi họp hằng năm do Văn phòng Tổng thống Mỹ tài trợ, nhằm mục đích thảo luận một vấn đề quan trọng với công chúng. Cuộc họp có thể kéo dài từ một tới vài ngày. Người tham dự thường gồm chuyên gia trong những lĩnh vực nhất định, lãnh đạo cộng đồng và người dân có quan tâm. Tổng thống chỉ tham dự phiên họp toàn thể. Hội nghị tổng kết bằng cách gửi báo cáo tới Tổng thống, tóm tắt các vấn đề bàn luận và đưa ra đề nghị cho hành động lập pháp và hiến pháp.


[1] Xem Ấn bản Kỷ niệm lần thứ 75 của tờ Nội trợ giỏi, tháng 5-1960, “Quà tặng cái tôi,” tập tiểu luận của Margaret Mead, Jessamyn West và những người khác.

[2] Lee Rainwater, Richard P. Coleman, và Gerald Handel, Vợ người làm công, New York, 1959.

[3] Betty Friedan, “Nếu một thế hệ có thể kể cho thế hệ khác nghe,” Nguyệt san Cựu sinh viên ĐH Smith, Northampton, Mass., Mùa Đông, 1961. Tôi lần đầu tiên ý thức về “vấn đề không tên” và quan hệ khả dĩ của nó với cái mà tôi rốt cuộc gọi là “bí ẩn nữ tính” vào năm 1957, khi chuẩn bị một bảng hỏi sâu và tiến hành cuộc khảo sát của mình với bạn học tại ĐH Smith 15 năm sau ngày tốt nghiệp. Bảng hỏi này sau đó được dùng cho các lớp cựu sinh viên của ĐH Radcliffe và các trường dành cho phụ nữ khác với kết quả tương tự.

[4] Jhan và June Robbins, “Tại sao các bà mẹ trẻ cảm thấy bị mắc bẫy,” Redbook, tháng 9-1960.

[5] Marian Freda Poverman, “Cựu sinh viên đi diễu hành,” Tạp chí Cựu sinh viên ĐH Barnard, tháng 7-1957.

-------------

Bài viết cùng chuyên mục:

Ranh giới của hạnh phúc Nước mắt nam nhân và mặc cảm nam tính Giọng ca phi giới tính Trần Tùng Anh gặt hái thành công tại Trung Quốc Đêm hoa vàng, một thế giới lộng lẫy Giới và Biểu tượng từ truyện sang phim chuyển thể
Cuối năm - Thơ Hà Đức Hạnh

Cuối năm - Thơ Hà Đức Hạnh

Baovannghe.vn- Luôn có cuối năm/ Luôn bề bộn cuối năm
Công bố hiện vật được vua Hàm Nghi mang theo sau biến cố thất thủ Kinh đô Huế

Công bố hiện vật được vua Hàm Nghi mang theo sau biến cố thất thủ Kinh đô Huế

Baovannghe.vn - Hơn 300 hình ảnh, tư liệu, hiện vật tiêu biểu đến từ Huế, TP.HCM, Nam Bộ được giới thiệu tại triển lãm chuyên đề Phú Xuân - Gia Định, những dấu ấn lịch sử.
Bản tin Văn nghệ ngày 1/12/2024

Bản tin Văn nghệ ngày 1/12/2024

Baovannghe.vn - Hội An sẽ tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao sôi động và diễu hành chào mừng 25 năm ngày Đô thị cổ Hội An được công nhận Di sản văn hóa thế giới (4/12/1999-4/12/2024).
Khai mạc Giải vô địch Bóng bàn Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ 17- Tranh cúp Sao Vàng 2024

Khai mạc Giải vô địch Bóng bàn Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ 17- Tranh cúp Sao Vàng 2024

Baovannghe.vn - Giải đấu năm nay thu hút sự tham gia của gần 200 vận động viên đến từ 40 cơ quan báo chí và các cấp Hội Nhà báo trên khắp cả nước
Đề xuất sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị

Đề xuất sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị

Baovannghe.vn - Hội nghị TƯ quán triệt Nghị quyết 18, theo định hướng phương án sắp xếp, sáp nhập được Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng nêu sẽ tối thiểu giảm được 5 bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ.