Chuyên đề

Lý do một số nhà nghiên cứu nữ không thích đọc lại "Lolita" và "Không có vua"

Hạ Đan
Góc nhìn giới
10:21 | 26/11/2024
Baovannghe.vn - Tại Viện Văn học, buổi tọa đàm Nữ tính vĩnh hằng và sự chất vấn từ cảm quan giới đã khơi dậy những thảo luận thú vị xoay quanh ý niệm về nữ quyền trong văn chương và sự định hình cảm quan giới qua các tác phẩm kinh điển. Không chỉ dừng lại ở học thuật, các diễn giả còn đặt ra những chất vấn về vai trò thực sự của phụ nữ trong văn học và xã hội hiện đại.
aa

Sự kiện có sự tham gia của các diễn giả: Tiến sĩ Hoàng Tố Mai, Tiến sĩ Đỗ Thị Hường, cùng các nhà nghiên cứu nữ quyền Trần Ngọc Hiếu, Đặng Thị Thái Hà và Bùi Duy Thanh Mai.

Từ Lolita đến Lilith

Tiến sĩ Đỗ Thị Hường mang đến bài tham luận về "nữ tính vĩnh hằng" trong lịch sử văn chương thế giới. Theo đó, "nữ tính vĩnh hằng" là một khái niệm triết học và văn học, biểu thị những phẩm chất vĩnh cửu và thiêng liêng gắn liền với nữ giới. Cụm từ này được cho là xuất phát từ tác phẩm Faust của Goethe, trong đó có câu: "Nữ tính vĩnh hằng nâng chúng ta lên cao".

Trong tham luận của mình, chị có dẫn đến trường hợp Lolita của Vladimir Nabokov ở khía cạnh tác phẩm đã khai phá tầng nghĩa nữ tính qua hai bản thể của nhân vật chính. Tiến sĩ Đỗ Thị Hường lý giải: "Lolita là sự pha trộn phức tạp giữa hai hình tượng đối lập. Một mặt, là tiểu nữ thần, từ để chỉ những bé gái từ 9-14 tuổi có sức quyến rũ về tình dục rất kỳ diệu và mãnh liệt, làm cho những người đàn ông như Humbert mê mệt. Ở chiều kích này, Lolita có rất nhiều điểm chung với Lilith, người phụ nữ đầu tiên của Adam (Eva là người đến sau) - xinh đẹp, thông minh và không chịu phục tùng đàn ông. Lilith, sau khi rời bỏ Adam, trở thành biểu tượng của sức mạnh và sự quyến rũ nữ tính vượt ra khỏi khuôn khổ truyền thống. Nabokov, qua hình tượng Lolita, đã gợi nhắc đến sự tồn tại đầy quyền lực của Lilith trong tâm thức văn học phương Tây.

Lý do một số nhà nghiên cứu nữ không thích đọc lại "Lolita" và "Không có vua"
Các diễn giả, khách mời tham dự tọa đàm.

Mặt khác, Dolores - tên thật của Lolita, lại mang dáng dấp của Đức mẹ Maria đồng trinh, hiện thân của sự vị tha, ngây thơ, tinh khôi. Tiến sĩ Đỗ Thị Hường khẳng định: "Lolita không chỉ là một câu chuyện tình dục đơn thuần mà còn là cuộc đối thoại về hai cực nữ tính - sức mạnh huyền bí và sự hiến dâng tinh khiết".

Cùng nghiên cứu về Lolita, Tiến sĩ Hoàng Tố Mai lại có góc nhìn khác khi cho rằng Lolita thiếu đi tinh thần nữ quyền thực thụ. Bởi nhân vật nữ, dù được đặt ở trung tâm câu chuyện, vẫn nằm dưới ánh nhìn "chiếm đoạt" của đàn ông, biến thành con mồi trong trò chơi quyền lực. So sánh với tác phẩm Sự nhầm lẫn bò cái của Y Ban, chị Mai cho rằng nữ quyền trong văn học Việt Nam hiện đại đã chuyển từ những phản ánh kín đáo sang sự phẫn nộ trực diện.

Những trò chơi cảm xúc và sự phán xét của phụ nữ trong văn chương

Tiến sĩ Hoàng Tố Mai tiếp nối với bài tham luận xoay quanh các trải nghiệm và hình dung của phụ nữ trong văn học qua tác phẩm Buồn ơi chào mi (Françoise Sagan). Nhân vật Cécile, cô gái 17 tuổi, được mô tả như một "nhà điều khiển cảm xúc". Cécile, với sự tự do và tinh thần phán xét sắc bén, đã không ngần ngại sắp đặt những trò chơi cảm xúc để đạt được mục tiêu của mình. Từ việc khéo léo loại bỏ Anne - người tình tinh tế của cha mình, đến việc đưa Elsa trở lại mối quan hệ với cha, Cecile khẳng định vị thế nữ quyền qua sự kiểm soát câu chuyện và khả năng "tạo game" cho các nhân vật.

Lý do một số nhà nghiên cứu nữ không thích đọc lại "Lolita" và "Không có vua"
Tiến sĩ Hoàng Tố Mai chia sẻ tại tọa đàm

Tiến sĩ Hoàng Tố Mai chia sẻ một trải nghiệm đọc cá nhân: "Một nhân vật nữ mang tinh thần phán xét - phán xét đàn ông, phụ nữ và cả chính mình - thường là dấu hiệu của một tác phẩm nữ quyền sâu sắc". Bà đồng thời so sánh Cécile với những nhân vật nữ trong văn học Việt Nam, như Sinh trong Không có vua (Nguyễn Huy Thiệp). Sinh, dù sống giữa gia đình đầy xáo trộn: bố chồng nhìn trộm con dâu tắm, chồng gia trưởng và em chồng quấy rối, vẫn được xây dựng như một biểu tượng của sự nhẫn nhịn và vị tha - những phẩm chất điển hình của "nữ tính vĩnh hằng".

Tuy nhiên, Tiến sĩ Hoàng Tố Mai đặt câu hỏi rất đáng suy ngẫm: "Liệu sự vị tha này có phải là giải pháp hay chỉ là một sự biện hộ cho xã hội gia trưởng?" Bà cho rằng Nguyễn Huy Thiệp đã "rửa tội" quá nhanh cho các nhân vật nam, trong khi bỏ ngỏ nỗi đau tâm lý của nhân vật nữ, điều mà nhiều nhà văn nam khó có thể thấu hiểu hoàn toàn.

Chị Mai đặt câu hỏi: "Tự nhiên sao lại cứu rỗi nhanh vậy, hơi đột ngột, bởi một người phụ nữ sống trong một gia đình như thế sẽ phải dẫn đến một giai đoạn rối loạn tâm lý, không thể nào tự nhiên buông một câu: Khổ lắm, nhục lắm, nhưng thương lắm! mà xóa đi hết những ký ức ấy được".

Đây cũng là lý do khiến nhà nghiên cứu Hoàng Tố Mai khẳng định: Mặc dù Lolita Không có vua đều rất hay nhưng nếu được chọn để đọc lại chị sẽ chọn Buồn ơi chào mi chứ không phải hai tác phẩm này.

Nữ tính vĩnh hằng hay sự đòi hỏi về bình quyền?

Một điểm nhấn quan trọng trong buổi tọa đàm đến từ phần trao đổi giữa các diễn giả. Nhà nghiên cứu Đặng Thị Thái Hà chia sẻ: "Nữ tính vĩnh hằng không chỉ là ý niệm về sự dịu dàng, bao dung mà còn là lời nhắc nhở về vai trò cân bằng trong xã hội". Chị lập luận rằng, trong một thế giới ngày càng phức tạp, các tác phẩm văn học mang tinh thần nữ quyền đang chuyển mình từ việc lên án bất công sang việc khẳng định bản sắc độc lập.

Diễn giả Bùi Duy Thanh Mai bổ sung: "Nữ quyền không phải là sự đối kháng giữa các giới mà là hành trình tự nhận thức. Khi phụ nữ hiểu rõ mình là ai, họ không cần phải cố gắng hành xử khác đi để đối phó với đàn ông". Quan điểm này mở ra một hướng đi mới: thay vì chỉ tập trung vào việc chống lại các khuôn mẫu cũ, nữ quyền có thể là sự khẳng định những giá trị độc lập, không bị ràng buộc bởi các chuẩn mực giới tính.

Lý do một số nhà nghiên cứu nữ không thích đọc lại "Lolita" và "Không có vua"
Buổi tọa đàm đã khơi dậy những thảo luận thú vị xoay quanh ý niệm về nữ quyền trong văn chương và sự định hình cảm quan giới qua các tác phẩm kinh điển

Khép lại buổi tọa đàm, các diễn giả cùng nhất trí rằng cảm quan giới trong văn học là tấm gương phản chiếu những chuyển biến của xã hội. Nữ quyền không chỉ là một phong trào mà còn là quá trình thay đổi nhận thức và hành xử. Những tác phẩm như Buồn ơi chào mi, Không có vua hay Sự nhầm lẫn bò cái không chỉ giúp chúng ta hiểu hơn về vai trò của phụ nữ mà còn đặt ra những câu hỏi lớn về sự cân bằng trong các mối quan hệ giới tính.

Tiến sĩ Hoàng Tố Mai nhấn mạnh: "Những trò chơi cảm xúc trong văn học không chỉ là yếu tố nghệ thuật mà còn là lời cảnh tỉnh. Khi phụ nữ có thể tự tạo ra trò chơi của riêng mình, họ không chỉ nắm quyền kiểm soát mà còn trở thành người định hình thế giới quanh mình".

Ngục chữ - Thơ Nguyễn Ngọc Hưng

Ngục chữ - Thơ Nguyễn Ngọc Hưng

Baovannghe.vn- Khuôn sáo cứng đơ giết mòn ngữ nghĩa/ Muốn tự do tông tột đến sứt sờn
Một thế giới khác - Truyện ngắn dự thi của Vũ Thị Huyền Trang

Một thế giới khác - Truyện ngắn dự thi của Vũ Thị Huyền Trang

Baovannghe.vn - Có hôm đang đi Nhã dừng xe ngồi lại trên ghế đá công viên nhìn dòng người qua lại. Nhã tuyệt nhiên không nghe thấy tiếng xe cộ ầm ĩ nữa. Nhã đã rơi tõm vào một thế giới khác. Thế giới của hồi tưởng và ký ức. Nó hoàn toàn khác với những ngày Nhã thấy mình sắp phát điên. Triệu chứng sợ ánh sáng và tiếng ồn lúc nhỏ lại trở về...
Về miền ánh sáng - Truyện ngắn của Phạm Đức Hùng

Về miền ánh sáng - Truyện ngắn của Phạm Đức Hùng

Baovannghe.vn - Một buổi chiều Hậu ngồi tết tóc cho bé Duyên ở sân chùa thì cô bảo bé hát. Bé Duyên đứng lên, cất tiếng hát trong trẻo, cao vút khiến Hậu hết sức bất ngờ. Sự vô tư lự của bé khi giơ hai cẳng tay không có bàn tay lên cao đu đưa người theo nhịp điệu bài hát đã tiếp thêm nghị lực sống và khát vọng sống cho Hậu. Tự dưng cô khao khát có con, khao khát sống...
Xã hội hóa xuất bản sách giáo khoa: Thành tựu của đổi mới toàn diện giáo dục

Xã hội hóa xuất bản sách giáo khoa: Thành tựu của đổi mới toàn diện giáo dục

Baovannghe.vn - Kết quả bước đầu trong thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa đã khẳng định đây là chủ trương đúng đắn, phù hợp với xu thế, là cơ sở để đạt được mục tiêu của đổi mới giáo dục.
Một thực hành di sản tại Nhật Bản

Một thực hành di sản tại Nhật Bản

Baovannghe.vn - Khi tới Bảo tàng Tokugawa từ ngày 22/10/2024 đến ngày 04/11/2024, khán giả có dịp chiêm ngưỡng bộ sưu tập của gia tộc Tokugawa về “Truyện Genji” cùng thế giới Miyabi (Nhã) đại diện cho văn hóa quý tộc Nhật Bản xưa.