Chuyên đề

Giới và Biểu tượng từ truyện sang phim chuyển thể

Nguyễn Hoàng Thi Thơ
Góc nhìn giới
10:00 | 08/08/2024
Baovannghe.vn - Nữ quyền, không có nghĩa là bài trừ nam giới, đề cao nữ giới, do đó, chính ánh sáng của đàn ông cũng góp phần vào công cuộc giải phóng phụ nữ
aa

Ra mắt năm 2017, bộ phim Đảo của dân ngụ cư đã để lại ấn tượng cho người xem cũng như gặt hái thành công khi nhận về nhiều giải thưởng danh giá. Đây cũng là bộ phim điện ảnh đầu tiên đánh dấu sự định danh của diễn viên Hồng Ánh - gương mặt quen thuộc của nền điện ảnh Việt Nam ở vai trò đạo diễn. Đảo của dân ngụ cư là tác phẩm chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn nam Đỗ Phước Tiến được Hồng Ánh “ấp ủ trong suốt 10 năm.” [2] Quá trình chuyển thể từ truyện sang phim đã có không ít sự thay đổi, sáng tạo bên cạnh giữ nguyên một số chi tiết so với tác phẩm gốc. Một trong số đó phải kể đến sự xuất hiện của các biểu tượng trên phim chuyển thể. Đó là những biểu tượng gắn liền với hai giới, nhưng ở mỗi giới, nó lại mang ý nghĩa riêng biệt, điểm đáng chú ý là cùng một biểu tượng nhưng khi gắn với người nam lại mang tư tưởng nam quyền còn gắn với người nữ lại manh nha tinh thần nữ quyền. Bằng cách vận dụng một số lý thuyết nữ quyền của các nhà nghiên cứu như Simone de Beauvoir, Carol J. Adams… tác giả khai thác và đưa ra lý giải về mối quan hệ giữa các biểu tượng với nam giới và nữ giới từ truyện sang phim.

Giới và Biểu tượng từ truyện sang phim chuyển thể
Cảnh trong phim " Đảo của dân ngụ cư".

1. Con dê - sự thống trị của người nam và số phận của người nữ trong chế độ nam quyền

Từ truyện ngắn đến phim chuyển thể, con dê luôn là một biểu tượng xuất hiện thường trực. Tuy nhiên, khi sang phim, biểu tượng này đã được khai thác kỹ càng hơn so với truyện ngắn. Điều này cho thấy đạo diễn nữ đã có sự quan tâm nhất định về mối quan hệ giữa động vật hay cụ thể là hình tượng con vật bị nuôi nhốt, bị giết thịt gắn liền với hình ảnh, số phận của người phụ nữ. Đây cũng là một vấn đề được nhiều nhà nghiên cứu nữ quyền quan tâm. Trong công trình Giới tính hạng hai (Le Deuxième Sexe, 1949), Simone de Beauvoir đã đề cập rất rõ mối quan hệ này.

Trong xã hội loài người, phụ nữ đảm nhận những chức năng của loài động vật cái: nuôi dưỡng cuộc sống, canh giữ và mang lại sinh khí cho ngôi nhà nơi lưu truyền quá khứ, và sắp đặt tương lai; sản sinh ra thế hệ mai sau và nuôi dạy những đứa con đã ra đời; đảm bảo bữa ăn, giấc ngủ cho chồng, bất luận những bất trắc ngoài xã hội, chăm sóc chồng khi ốm đau, may vá, giặt giũ.

Simone de Beauvoir cho rằng: “Trong xã hội gia trưởng có tổ chức, người nô lệ (tức người phụ nữ) chỉ là một con vật kéo xe có mặt người” [10, tr.64] Điều này hàm ý người nữ chỉ như một công cụ, một thứ vật nuôi giữ vai trò phục vụ người nuôi, ở đây không ai khác chính là nam giới. Bà còn nói thêm: “Trong xã hội loài người, phụ nữ đảm nhận những chức năng của loài động vật cái: nuôi dưỡng cuộc sống, canh giữ và mang lại sinh khí cho ngôi nhà nơi lưu truyền quá khứ, và sắp đặt tương lai; sản sinh ra thế hệ mai sau và nuôi dạy những đứa con đã ra đời; đảm bảo bữa ăn, giấc ngủ cho chồng, bất luận những bất trắc ngoài xã hội, chăm sóc chồng khi ốm đau, may vá, giặt giũ.” Simone de Beauvoir đã chỉ rõ những nỗi khổ, những gánh nặng mà người phụ nữ phải gánh giống con vật hơn là con người. Không dừng lại ở đó, bà còn đề cập đến một điểm đáng chú ý, rằng: “cũng như hầu hết các con vật, đàn ông giữ vai trò “xâm lược”, còn đàn bà “chịu” sự ôm ấp ấy. Thông thường, bao giờ đàn bà cũng có thể bị đàn ông chiếm đoạt,” [10, tr.255] tức đều là động vật nhưng đàn ông lại là loài săn mồi còn đàn bà chỉ là một con mồi phải chịu đựng sự rình rập của đàn ông.

Nhiệm vụ của ông Miên trong quán thật nặng nề. Mỗi tuần ngoài phần việc cố định, ông còn phải hạ thịt từ hai đến ba con dê, có thể là bốn nếu vào những dịp vui vẻ. Những con dê mới đến còn rất tơ, được vỗ béo kỹ càng, lông óng mướt như vừa mới chui ra từ những nụ so đũa cuối đông. Chúng được phục đến say khướt bằng một thứ rượu mía nồng nặc, bị đuổi chạy khắp thị xã với cái lon rỗng cột sau đuôi cho đến mệt lử. Những con dê đó chết rất nhanh trước mũi dao thiện nghệ của ông Miên, mình mẩy đẫm mồ hôi và đáy mắt mở to còn tràn ứ khoái cảm.

Xét trong truyện ngắn của nhà văn nam Đỗ Phước Tiến, sự xuất hiện của con dê chỉ được nhắc đến trong vài câu và đoạn văn nhưng nó trải dài từ đầu cho đến cuối truyện thay vì chỉ tập trung ở một đoạn nào đó: “Nhiệm vụ của ông Miên trong quán thật nặng nề. Mỗi tuần ngoài phần việc cố định, ông còn phải hạ thịt từ hai đến ba con dê, có thể là bốn nếu vào những dịp vui vẻ. Những con dê mới đến còn rất tơ, được vỗ béo kỹ càng, lông óng mướt như vừa mới chui ra từ những nụ so đũa cuối đông. Chúng được phục đến say khướt bằng một thứ rượu mía nồng nặc, bị đuổi chạy khắp thị xã với cái lon rỗng cột sau đuôi cho đến mệt lử. Những con dê đó chết rất nhanh trước mũi dao thiện nghệ của ông Miên, mình mẩy đẫm mồ hôi và đáy mắt mở to còn tràn ứ khoái cảm”, “Ông Miên muối những tảng thịt dê còn bốc khói, còn tôi thì đánh vật với cái máy xay gia vị cứ lồng lên sòng sọc”, “Có một buổi sáng chệt Liếm từ trên gác bước xuống. Ông đi thẳng một mạch ra sàn nước, nơi ông Khmer đang cặm cụi rửa những bình đất đựng rượu huyết dê”, “Với những cơ bắp rắn chắc và lì lợm, ông Miên dồn ép quần quật chị Chu bằng những động tác quyết liệt và chi li, giống như đang đối xử với những con dê tử tội vậy”, “Cuối cùng người ta cũng tống cổ tôi ra khỏi cánh cổng gỗ sơn đỏ sau khi đã giải quyết xong những mẩu xương dê còn lại.” [4]

Chính sự xuất hiện lần lượt của các câu văn trên từ đầu đến cuối truyện càng cho thấy mối liên hệ của con vật này với nhân vật nữ, hay nói đúng hơn là sinh mệnh của con dê cũng là sinh mệnh, là thân phận của người con gái tật nguyền - Chu. Con dê trong truyện ngắn của Đỗ Phước Tiến bị nuôi nhốt cũng chính là Chu bị trói buộc trong chế độ gia trưởng, con dê với đôi mắt to tràn ứ khoái cảm cũng chính là Chu khi bị ông Miên đối xử chẳng khác nào một con dê tử tội mỗi khi quan hệ tình dục, đến cuối cùng, khi nhân vật “tôi” rời đi thì hình ảnh những mẫu xương dê còn lại cũng là một biểu trưng cho cái chết của Chu. Đây là tiến trình quen thuộc mà “các động vật cái như dê, lợn và bò phải chịu hàng năm bị giam cầm và bị ép buộc tiếp tục sinh con và bị thụ tinh đến khi chúng trở nên quá mệt mỏi và bị giết.” [7]

Cũng là biểu tượng con dê bị nuôi nhốt và hình ảnh Chu bị buộc phải sống trên gác trong truyện khi sang phim đã được hình ảnh hóa một cách cụ thể thông qua một số cảnh quay. Đặc biệt, trong tác phẩm chuyển thể Đảo của dân ngụ cư, quá trình làm thịt dê còn được đạo diễn nữ trình hiện một cách kỹ càng từ khâu đánh đuổi dê đến khâu cắt tiết, cạo lông, xẻ thịt, xào nấu, chế biến thành các món ăn khác nhau nhằm phục vụ khách hàng đến ăn tại quán Đêm Trắng. Chính việc lặp đi lặp lại quá trình giết thịt những con dê, hết con dê này đến con dê khác của những người đàn ông mà không hề có sự tham gia của người phụ nữ lại một lần nữa cho thấy đó là sự đối xử tàn nhẫn của chế độ gia trưởng, của những người đàn ông với những người phụ nữ bị ép sống và phải sống trong chế độ này. Nhân vật nam giết chết hy vọng, giết chết nỗi lòng của nhân vật nữ hết lần này đến lần khác, điển hình như việc Chệt Liếm tước bỏ quyền khát vọng của Chu bằng cách thường xuyên tìm lý do như “biển mùa này động lắm” để dập tắt ước muốn ra biển của người con gái tật nguyền.

Hình ảnh con dê bị nhốt trong chuồng, nhìn thẳng vào ống kính là một hình ảnh ấn tượng. Đó là một minh chứng cho việc con người triệt tiêu mọi chức năng khác thuộc về động vật hoặc/và tận dụng những chức năng đó để phục vụ cho mục đích duy nhất là cung cấp thịt cho con người. Vấn đề này đã được nhiều nhà nghiên cứu nữ quyền sinh thái chú ý, trong số đó phải kể đến Carol J. Adams, tác giả của quyển sách Chính trị giới tính của thịt (The Sexual Politics of Meat: A Feminist-Vegetarian Critical Theory, 1990). Trong công trình của mình, Carol J. Adams nhận định thịt: “là biểu tượng của quyền lực nam giới,” [3, tr.52] “của sự thống trị của nam giới,” [3, tr.56] “Thịt là vua: từ thịt này là một danh từ biểu thị sức mạnh nam giới,” [3, tr.57] “Thịt là một hàng hoá kinh tế có giá trị; những người kiểm soát hàng hoá này chắc chắn đã đạt được quyền lực.” [3, tr.58]

Thịt là một biểu tượng chỉ thuộc về đàn ông, nó thể hiện sự uy quyền, thống trị và nam tính. Đặc biệt thịt còn được xem như một biểu tượng chỉ thuộc về chế độ gia trưởng hay xã hội phụ hệ. Thịt dê trong phim chuyển thể Đảo của dân ngụ cư, ngoài là biểu tượng mang những ý nghĩa trên như trong truyện ngắn thì nó còn tượng trưng cho một điều khác, đó là ham muốn của đàn ông, bởi “sự phục tùng của phụ nữ và sự phục tùng của động vật trong xã hội có mối liên hệ có ý nghĩa với nhau

Ý của Carol J. Adams muốn nhấn mạnh ở đây chính là: Thịt là một biểu tượng chỉ thuộc về đàn ông, nó thể hiện sự uy quyền, thống trị và nam tính. Đặc biệt thịt còn được xem như một biểu tượng chỉ thuộc về chế độ gia trưởng hay xã hội phụ hệ. Thịt dê trong phim chuyển thể Đảo của dân ngụ cư, ngoài là biểu tượng mang những ý nghĩa trên như trong truyện ngắn thì nó còn tượng trưng cho một điều khác, đó là ham muốn của đàn ông, bởi “sự phục tùng của phụ nữ và sự phục tùng của động vật trong xã hội có mối liên hệ có ý nghĩa với nhau,” [1, tr.2] “cả phụ nữ và động vật (không phải con người) đều là sản phẩm tiêu dùng dành cho nam giới.” [1, tr.2] Cả hai nhân vật nam là Chệt Liếm và Miên đều đối xử với người nữ như một con vật hơn là một con người, họ xem người phụ nữ chỉ “như một cơ thể (hoặc tập hợp các bộ phận cơ thể) có giá trị chủ yếu để người khác sử dụng (hoặc tiêu thụ).” [10, tr.194] Chệt Liếm thì xem Xiếm Hoa như một công cụ phát tiết, một người ăn kẻ ở trong nhà hơn là một người đầu ấp tay gối. Miên thì xem Chu như một “con dê tử tội” [4], điều này thể hiện rõ nhất qua cảnh quan hệ tình dục giữa Chệt Liếm - Xiếm Hoa và Miên - Chu. Thay vì nhìn vào toàn vẹn cơ thể phụ nữ thì Chệt Liếm và Miên lại làm giảm thiểu sự tồn tại của họ trong lúc quan hệ tình dục xuống chỉ còn là “bộ phận sinh dục.” “Điều này thúc đẩy quan điểm coi phụ nữ giống động vật hơn là giống đồ vật vì mọi người liên kết tình dục với bản chất động vật, tức phần “con” của của con người.” [6]

Một lần nữa, việc sử dụng và đi sâu khai thác hình ảnh con dê từ truyện ngắn sang phim chuyển thể cũng như quá trình làm thịt dê trên phim đã tiếp tục củng cố địa vị của người đàn ông trong xã hội nam trị, tô đậm sự bá quyền của nam giới và cho thấy rõ sự bất lực cũng như thân phận khốn cùng của người phụ nữ.

2. Đảo - sự cô độc cùng với mong muốn giải thoát của người nữ và sự thâu tóm quyền lực của người nam

Bên cạnh hình tượng con dê, một hình tượng khác trong phim chuyển thể cũng độc đáo không kém khi bao trùm toàn bộ tác phẩm, đó là hình tượng Đảo. Trong nghiên cứu về nữ quyền, thậm chí còn có một nhánh chuyên về nghiên cứu Nữ quyền trên đảo với một số công trình tiêu biểu như: Island Racism: Gender, Place, and White Power (1996, Vron Ware), Island Bodies: Transgressive Sexualities in the Caribbean Imagination (2016, Rosamond S. King), Why island feminism? (2017, Maria Karides)... Qua đó đủ để thấy đảo không chỉ dừng lại ở biểu tượng mà nó còn là thực thể có thật, dễ dàng trở thành đối tượng được các nhà nghiên cứu quan tâm khai thác. Do đó, sự xuất hiện của biểu tượng này trong một tác phẩm văn học cũng như điện ảnh chuyển thể chắc chắn ít nhiều có mối quan hệ chặt chẽ với giới tính, đặc biệt là nữ giới.

Đặc tính đầu tiên của đảo rất được các nhà nghiên cứu nữ quyền chú ý đó là “sự cô lập, cách ly” (isolation) với thế giới bên ngoài. Bản thân người phụ nữ trên đất liền vốn đã gặp không ít khó khăn trong công cuộc đấu tranh nhằm giành quyền lợi cho chính mình nói riêng và giải phóng toàn bộ phụ nữ nói chung thì người phụ nữ ở ngoài đảo càng gặp khó khăn gấp nhiều lần trong việc nhìn nhận và theo đuổi phong trào nữ quyền. Riêng sự phản kháng của người phụ nữ trước vấn đề bạo lực gia đình xảy ra trên đảo, Maria Karides đã chứng minh một nhận định: “Trong bối cảnh liên lục địa, hầu hết các trại tị nạn cho nạn nhân bạo lực gia đình vẫn được giấu kín nhưng điều này đã được chứng minh là một thách thức lớn hơn và một sự kiện không thể xảy ra trong các hòn đảo nhỏ hơn hoặc ở các vùng nông thôn.” [9, tr.34]

Nhìn vào hiện tượng chuyển thể Đảo của dân ngụ cư, có thể thấy biểu tượng hòn đảo từ truyện ngắn sang phim chuyển thể đều là nơi mà bạo lực gia đình trở thành phương thức độc tôn mà người nam sử dụng nhằm thống trị và đàn áp người nữ. Ngoài ra, có thể xem hòn đảo trong phim chuyển thể còn là biểu tượng lần lượt của:

Một, hình ảnh người nữ bị cô lập trong xã hội nam trị, họ luôn chơ vơ giữa biển, bốn bề chỉ có nước và gió, tức không ai chú ý hay đoái hoài đến thân phận của họ, nếu họ muốn vượt thoát cũng rất khó vì chẳng ai có thể tiếp cận và giúp đỡ họ. Cuộc đời người nữ trở thành một thực thể tách biệt hoàn toàn với phần còn lại của xã hội, mặc cho đàn ông có bạo lực họ bằng nhiều cách dẫn đến sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần của họ xuống cấp trầm trọng và thậm chí tính mạng của họ cũng có khả năng rơi vào nguy hiểm.

Hai, đảo là nơi mà người đàn ông chỉ đến khi cần và lại rời đi không lâu sau đó, như Miên (vì tình dục), Phước (vì tìm việc, vì tình dục, vì nỗi ganh tỵ với Miên). Giải thích về cụm từ ngụ cư, trong Từ điển Tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên cũng đã ghi rõ ngụ cư là “sinh sống ở một địa phương không phải quê hương bản quán của mình.” [5, tr.691] Tức, người ta chỉ đến đó để làm việc, trú ngụ một thời gian. Đảo, do đó không phải và không bao giờ là quê hương để họ có thể dừng chân mãi mãi. Có thể thấy, nhân vật Miên chỉ đến với Chu vào đêm tối, quan hệ cùng Chu, còn nhân vật Phước, anh ở lại lâu hơn, quan tâm Chu, làm Chu vui vẻ bằng nhiều cách nhưng đến cuối cùng vẫn không thể đồng hành để giúp Chu được giải thoát khỏi gọng kìm quái ác của chế độ gia trưởng.

Ba, ở một khía cạnh nào đó, hình ảnh hòn đảo còn là nỗi khao khát được độc lập, được sống tự do của người phụ nữ. Đảo như một ngôi nhà mà Chu luôn mơ ước được đặt chân đến nhưng mãi chẳng có cơ hội tìm tới, bởi cô mong muốn được đi biển mà đảo thì ở ngoài kia khơi xa, trong khi Chệt Liếm lại luôn cấm đoán hoặc tìm cách loại bỏ cái khát khao được ra biển của Chu. Cách đây 95 năm, Virginia Woolf đã tạo nên một khúc ngoặt nữ quyền khi công bố công trình Căn phòng riêng (A Room of One's Own, 1929). Bà đưa ra kết luận “Một phụ nữ muốn viết văn cần phải có tiền và một căn phòng riêng” [12] Không dừng lại ở đó, khi đọc công trình này, có thể nhận thấy “căn phòng riêng” ở đây không chỉ là không gian có thực mà nó còn là căn phòng trong tâm tưởng, nơi mà người phụ nữ thực sự cần được giải thoát sau bao thế kỷ bị tiêm nhiễm và trở thành một kẻ hầu hạ, một người bảo vệ và củng cố chế độ gia trưởng. Hòn đảo chính là một căn phòng riêng như thế. Hòn đảo ở đây là hòn đảo trong tâm tưởng, nó là cái khát khao nhà nhân vật nữ Chu luôn mong muốn được đặt chân đến sau bao năm tháng bị nuôi nhốt như một bóng ma.

Nhìn chung, đảo là một biểu tượng thú vị mang trong nó nhiều ý nghĩa nhưng suy cho cùng, đảo không đơn thuần biểu thị cho tâm tưởng của người phụ nữ, mà trên hết, ở một vị thế trội hơn, đảo cho thấy sự cô độc của người phụ nữ và quyền lực tối thượng của người nam trong gia đình gia trưởng. Hình tượng này, một phần thể thiện sự manh nha tinh thần nữ quyền nhưng phần nhiều lại tô đậm quyền lực của nam giới trong xã hội nam trị từ truyện sang phim.

Giới và Biểu tượng từ truyện sang phim chuyển thể
Cảnh trong phim " Đảo của dân ngụ cư". Nguồn Internet

3. Biển - ham muốn chinh phục của người đàn ông và khát khao tự do của người phụ nữ

Mối quan hệ giữa người phụ nữ và biển cả cũng nhận được sự quan tâm của các nhà nữ quyền tương tự như mối quan hệ giữa người nữ và hòn đảo. Nói về biển cả, Simone de Beauvoir nhận định: “đối với người thuỷ thủ, biển cả là một người đàn bà nguy hiểm, xảo trá, khó có thể chinh phục, nhưng anh ta lại yêu dấu qua nỗ lực của mình để chế ngự nó,” [10, tr.120] Bà còn nói thêm: “người phụ nữ là Biển cả tăm tối, nỗi khiếp hãi của các thuỷ thủ thuở trước; đêm tối trong lòng trái đất. Đàn ông khiếp hãi cái đêm tối ấy, nơi anh ta có nguy cơ chìm nghỉm và vốn là sự trái ngược của sự sinh sôi nảy nở.” [10, tr.118] Thật vậy, biển là biểu tượng khiến đàn ông vừa sợ hãi nhưng cũng vừa muốn chế ngự bởi biển cả cũng giống như người phụ nữ - thực thể mà tâm trí đàn ông luôn muốn thống trị và giữ vững vị thế thống trị bền vững ấy của mình từ bao đời nay.

Trong truyện ngắn Đảo của dân ngụ cư, biển không xuất hiện nhưng sang phim chuyển thể, đây lại là một biểu tượng quan trọng được đạo diễn Hồng Ánh sáng tạo. Do đó, biển cả cũng mang trong nó nhiều ý nghĩa: Thoạt tiên, đúng như những gì Simone de Beauvoir đã viết, đàn ông vừa sợ hãi nhưng cũng vừa muốn chế ngự biển cả, Chệt Liếm chính là người đàn ông như thế vì nhân vật này luôn luôn từ chối, bác bỏ khát khao được đi ngắm biển của Chu. Điều này phần nào cho thấy biển đối với Chệt Liếm là một thực thể tượng trưng cho “thế giới bên ngoài” - nơi ông không thể làm chủ, trái ngược với “thế giới bên trong” gia đình - nơi ông làm chủ. Không dừng lại ở đó, biển còn là niềm khao khát của Chu, tức trong suy nghĩ của Chu đã bắt đầu xuất hiện tư tưởng phản kháng, mong muốn vượt thoát khỏi vòng kiềm tỏa của cha mình. Là một người nắm trong tay quyền kiểm soát mọi thứ, Chệt Liếm không bao giờ muốn điều đó xảy ra, đặc biệt với người con gái mà ông luôn nuôi nhốt. Chính vì thế ông chọn chế ngự biển bằng cách tước bỏ mong mỏi của Chu.

Trong phong trào nữ quyền, không nghiễm nhiên mà các nhà nghiên cứu, nhà nữ quyền lại sử dụng thuật ngữ “waves of feminism”, tức các làn sóng nữ quyền. Sóng thuộc về biển, sóng cũng “giống như những người phụ nữ,” [11, tr.29] “phụ nữ trong nước; phụ nữ như nước, như một biển lớn hỗn loạn, múa máy, mát mẻ, một dòng chảy cuồn cuộn, một dòng thác; như một cơ thể nước vô tận mà tàu thuyền đi qua… phụ nữ như một bức tường sâu cuốn hút (hoặc nguy hiểm).” [8, tr.283]

Biển, hay nói đúng hơn là sóng biển cũng là một hiện thân của người phụ nữ, sóng biển khao khát được hòa mình vào đại dương tựa những người phụ nữ như Chu mong muốn được giải thoát khỏi chế độ gia trưởng, mong muốn được tiếp xúc với thế giới ngoài kia bao la rộng lớn. Nhưng, đến cuối cùng, con sóng mang tên Chu vẫn không thực sự hòa vào dòng biển nơi xa khơi, tất cả những gì của Chu - ở giây phút vẫy vùng giữa biển bằng chính đôi chân của mình chỉ là sự tưởng tượng của người khác (người bên trong màn hình là Phước và người bên ngoài màn hình là đạo diễn Hồng Ánh).

Biển, suy cho cùng chỉ là một biểu tượng thuộc về nam giới hơn là nữ giới, bởi dù nó có tượng trưng cho người nữ, có là hiện thân của khát vọng giải thoát hay là hiện thân của chính nhân vật Chu thì rốt cuộc, bàn tay của Chệt Liếm vẫn nắm giữ trọn vẹn cái quyền lực, cái ham muốn chinh phục và chiếm hữu biểu tượng này.

4. Lửa - sự thiêu đốt của người nam và ham muốn được yêu của người nữ

Nếu phụ nữ được xem như biển, như sóng thì đàn ông, trái lại là ánh lửa, ánh sáng “Mặt Trời là chồng của Biển. Mặt Trời, lửa là những vị nam thần,” [10, tr.115] “thần mặt trời, ánh sáng và nguồn năng lượng nam tính, là nhà vua tối cao.” [10, tr.62] Nữ quyền, không có nghĩa là bài trừ nam giới, đề cao nữ giới, do đó, chính ánh sáng của đàn ông cũng góp phần vào công cuộc giải phóng phụ nữ, bởi phong trào nữ quyền sẽ rất khó nếu không muốn nói là không bao giờ thành công nếu thiếu vắng sự góp sức và ủng hộ từ nam giới. Tuy nhiên, nhiều người đàn ông thay vì dùng ánh sáng, ngọn lửa của mình để hỗ trợ phụ nữ trên con đường đưa họ thoát khỏi sự kiểm soát của xã hội nam trị thì ngược lại, họ lại dùng thứ ánh sáng mà mình có để thiêu đốt người nữ, điển hình như nhân vật Miên trong phim chuyển thể Đảo của dân ngụ cư.

Lửa cũng là một chi tiết được đạo diễn nữ sáng tạo tương tự biển cả so với truyện ngắn của nhà văn nam Đỗ Phước Tiến. Nhìn vào nhân vật Miên, có thể thấy sự sáng tạo này mang tính nam quyền hơn là nữ quyền. Ngọn lửa của Miên là ngọn lửa của một người đàn ông lực lưỡng, là người nấu ăn chính trong quán Đêm Trắng, Miên thường xuyên đứng bếp và ở đó, những ngọn lửa của nhân vật này phực cháy dữ dội, giống như cách mà Miên đẩy đưa cùng Chu mỗi khi quan hệ, ngọn lửa lúc này không gì khác chính là một thứ dục vọng mạnh mẽ, và chỉ gói gọn trong dục vọng thay vì có thêm tình cảm và hơn hết là một sự thấu cảm với số phận đau khổ của người phụ nữ tật nguyền khi phải sống trong một không gian gia trưởng.

Trái với ngọn lửa của Miên, ngọn lửa từ quẹt Zippo của Phước lại không dữ dội, nhưng thay vào đó nó âm ỉ cháy như cách mà Phước dành tình cảm, cụ thể là đối xử với Chu trong những lần anh lén lên gác tìm gặp cô, anh đều rất nhẹ nhàng. Phước đến với Chu trước tiên là vì tò mò, nhưng sau đó anh dần thấu hiểu và cảm thông cho nhân vật, khi quan hệ tình dục với cô, anh cũng hành động một cách chậm rãi và từ tốn - rất khác so với sự thô bạo của nhân vật Miên. Tuy nhiên, có là như vậy thì ngọn lửa của Phước, chính vì chỉ âm ỉ chứ không thực sự phực cháy mạnh mẽ bao giờ cho nên đến cuối cùng, chính ngọn lửa ấy cũng góp phần đẩy Chu đi đến kết cục cuối cùng, là cái chết.

Có thể thấy, cả hai nhân vật Miên và Phước đều có sự tác động đến Chu, phần nào đó có thể khẳng định và nhìn nhận đây là những sự tác động tích cực. Tuy nhiên, ngọn lửa của cả hai - một quá lớn, quá dữ dội còn một thì quá nhỏ, quá ít ỏi cho nên đều không thể thiêu đốt gông xiềng của chế độ gia trưởng, đến cuối cùng, những ngọn lửa ấy cũng không thể cứu rỗi cuộc đời của Chu.

Kết luận:

Hiện tượng chuyển thể Đảo của dân ngụ cư có nhiều sự khác biệt so với tác phẩm gốc, các biểu tượng như con dê và đảo đều là sự kế thừa và phát triển từ những biểu tượng đã tồn tại trong truyện ngắn. Riêng hai biểu tượng biển cả và lửa đều là sự sáng tạo mới mẻ của đạo diễn nữ, không xuất hiện ở tác phẩm gốc của nhà văn nam. Tuy nhiên, từ những biểu tượng mang tính tiếp nối đến những biểu tượng mang tính sáng tạo đều có mối quan hệ chặt chẽ với nam giới và nữ giới. Một mặt nó gắn với sự thống trị của người nam, tức thể hiện tinh thần nam quyền còn một mặt nó lại chứa đựng ý nghĩa gắn với khát khao của người nữ, tức manh nha tinh thần nữ quuyền.

Nguyễn Hoàng Thi Thơ | Báo Văn Nghệ

--------------------------

Tài liệu tham khảo:

[1] Alina Salmen, Kristof Dhont (2023), Animalizing women and feminizing (vegan) men: The psychological intersections of sexism, speciesism, meat, and masculinity, Social and Personality Psychology Compass, 17(2), e12717.

[2] Bùi Minh Khuê,“Đảo của dân ngụ cư”: Thơ mộng và khốc liệt! ngày đăng: 08/06/2017, ngày truy cập: 03/08/2024.

[3] Carol J. Adams (2015), The Sexual Politics of Meat: A Feminist-Vegetarian Critical Theory, Bloomsbury Academic.

[4] Đỗ Phước Tiến (2007), Truyện Ngắn Đỗ Phước Tiến, NXB Văn hóa Sài Gòn.

[5] Hoàng Phê (2003), Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng.

[6] Jamie L Goldenberg và các cộng sự (2002), Understanding human ambivalence about sex: The effects of stripping sex of meaning. The Journal of Sex Research, 39 (4), 310–320.

[7] Kelsey Brown (2016),A Feminist Analysis of Human and Animal Oppression: Intersectionality Among Species, Scholars Week. 2.

[8] Klaus Teweleit (1987), Male Fantasies, Vol. 1: Women, Floods, Bodies, History, Minneapolis: University of Minnesota Press.

[9] Marina Karides, Why island feminism?, Shima Volume 11 Number 1 2017, pp. 31-39.

[10] Simone de Beauvoir (1996), Giới nữ tập 1 (Nguyễn Trọng Định và Đoàn Ngọc Thanh dịch), NXB Phụ Nữ Việt Nam.

[11] Stefan Helmreich, The Genders of Waves, WSQ: Women’s Studies Quarterly 45: 1 & 2. (Spring/Summer 2017).

[12] Virginia Woolf (2017), Căn phòng riêng (Trịnh Y Thư dịch), NXB Tri Thức.

---------------

Bài viết cùng chuyên mục:

Nữ quyền luận ở Pháp và tiểu thuyết nữ đương đại Việt Nam' Nữ quyền đầu thế kỷ XX: Như vệt sao băng Dấu ấn nữ quyền trong một số tác phẩm văn học đương đại đề tài lịch sử Nữ dung, nữ tính, nữ quyền trong tiểu thuyết Bảo Ninh Tara Shakti - nữ nghệ sĩ gửi tranh vẽ lên mặt trăng
Công chiếu 3 bộ phim đặc sắc của điện ảnh Việt Nam

Công chiếu 3 bộ phim đặc sắc của điện ảnh Việt Nam

Baovannghe.vn - Ba bộ phim đặc sắc được công chiếu "Dòng sông hoa trắng" ngày 11/12; "Cây bạch đàn vô danh" ngày 12/12 và "Người đàn bà mộng du" ngày 13/12
“Bài văn về trứng vịt lộn” đoạt giải Nhất Cuộc thi sáng tác truyện tranh

“Bài văn về trứng vịt lộn” đoạt giải Nhất Cuộc thi sáng tác truyện tranh

Baovannghe.vn - Vượt qua hai vòng chấm Sơ khảo và Chung khảo “Bài văn về trứng vịt lộn” đoạt giải Nhất Cuộc thi sáng tác truyện tranh do Nxb Kim Đồng tổ chức
Gió phương xa. Truyện ngắn dự thi của Trần Thủy

Gió phương xa. Truyện ngắn dự thi của Trần Thủy

Baovannghe.vn- Ngơ ngác, bấn loạn, tôi loanh quanh ở nhà chờ, nơi nhận hành lí để thoát ra ngoài. Cả ba tiếng đồng hồ trôi qua tôi chưa thấy gã. Gã lặn mất tăm với chiếc vali
Han Kang: “Tôi vô cùng sốc khi thiết quân luật một lần nữa lặp lại”

Han Kang: “Tôi vô cùng sốc khi thiết quân luật một lần nữa lặp lại”

Baovannghe.vn - Nhà văn Han Kang vừa có buổi gặp gỡ với báo chí tại Viện Hàn Lâm Thụy Điển trong thời gian chuẩn bị cho buổi nhận giải Nobel Văn chương.
Tờ lịch - Thơ Nguyễn Ngọc Tung

Tờ lịch - Thơ Nguyễn Ngọc Tung

Baovannghe.vn- Bóc tờ lịch cuối năm/ Mùa Đông còn chút lá