Chuyên đề

Ranh giới của hạnh phúc

Nguyễn Thị Loan
Văn học địa phương
00:30 | 29/07/2024
baovannghe.vn - Nó ra đời vào một ngày nắng tháng Tư, giữa sự hân hoan của một người cha đã ngấp nghé tuổi 40, mong mỏi đứa con đầu tiên trong sự tất tả,
aa

vui mừng của cả nhà nội. Mẹ nó, một người phụ nữ nhà nghèo lớn lên ở một vùng quê hẻo lánh, bốn bên là ruộng đồng và mấy cái lò gạch bỏ không, đã ngoài 30 mới lấy được chồng, lại là một gia đình cán bộ hưu trí, nhà ở thành phố được xem là sự may mắn. Những ngày ở cữ, mẹ nó được cả nhà nội chăm sóc, đáp lại công lao sinh đứa cháu được chờ đợi bao lâu nay. Còn nó được truyền tay, cưng nựng như báu vật. Bố nó đi làm về, chưa kịp cởi bỏ quần áo kỹ sư đã vội vào phòng để ngắm nghía nó. Sinh linh nhỏ bé, đỏ hỏn giống bố nó như lột. Nó như hạt chân trâu của gia đình, nhỏ bé, mỏng manh, quý giá. Nó đã sống những ngày tháng hạnh phúc nhất cuộc đời như vậy trong vòng gần một tháng.

Ranh giới của hạnh phúc

Khi nó được hơn 20 ngày, bố nó nhận được thông báo của bệnh viện. Cầm tờ giấy trên tay, bố nó đập phá đồ đạc trong nhà. Đến khi cơn cuồng nộ trong lòng bố nó dịu lại, ông ngồi bệt xuống đất, đôi vai rũ xuống như một con chim bị bẻ gẫy cánh. Khi gia đình gặng hỏi, từng lời bố nó nói như sét đánh bên tai cả gia đình: bệnh viện báo, mẹ nó bị HIV rồi. Có lẽ cả đời mẹ nó không quên được khoảnh khắc ấy, tất cả những đôi mắt đổ dồn về phía mẹ con nó. Không gian im bằn bặt, mọi thứ đều nhòa đi, chỉ có những đôi mắt mở to với những dấu hỏi lớn ùa về phía mẹ nó. Sau đó là hàng loạt xét nghiệm lại và thời gian chờ đợi dài dằng dặc. Tất cả mọi người đều âm tính, kể cả bố nó, chỉ riêng có mẹ và nó là dương tính. Một xét nghiệm ADN lại được làm. Mặc cho hai khuôn mặt cha con giống nhau như lột, mọi người đều thấp thỏm hi vọng. Bố nó không bị cơ mà, chắc gì đã là dòng giống của gia đình này. Đến khi kết quả khẳng định, nó đúng là con ruột của người cha kỹ sư thì ai nấy đều tan tành những hi vọng mơ hồ. Bố nó may mắn không nhiễm bệnh từ vợ, nhưng nó thì thật bất hạnh. Mọi tội lỗi đều đổ hết lên người phụ nữ vẫn chưa hết ở cữ. Bà nội nó than khóc, khổ lắm con ạ, kén cá chọn canh, về tận nơi khỉ ho cò gáy, ngỡ lấy được gái quê ngoan hiền, vậy mà... Những lời ấy như con dao nhọn khắc từng vết, từng vết lên trái tim mẹ nó.

Nhiễm HIV, đàn ông thì hút chích, đàn bà chỉ có thể là đĩ điếm lăng loàn. Trong mắt cả nhà, mẹ nó là thứ đàn bà hư hỏng, là ổ dịch bệnh ai nấy đều muốn lảng tránh.

Không một ai dám bén mảng lại gần căn phòng của mẹ con nó, cho đến vài ngày sau, bà ngoại nó phải đến đón mẹ con nó về. Mẹ nó được trả về ngôi nhà bốn bề là ruộng và những cái lò gạch bỏ hoang, nhưng giờ đây, mẹ nó buộc phải ở dãy nhà kho cũ kỹ, bên cạnh có cái giếng nước lâu đời và một cây ổi già cội. Nằm ở đó, tiếng khóc của nó bị bạt đi bởi tiếng gió cuộn về phía ruộng, không bao giờ có cơ hội vẳng tới nhà trên. Điều đó làm quên đi phần nào nỗi đau và sự nhục nhã của ông ngoại nó và trấn an nỗi ghê sợ của gia đình người anh trai của mẹ nó. Nằm đó, bên cạnh đứa con, mấy ngày nay, mẹ nó bắt đầu ngừng khóc. Mẹ nó lục lại trí nhớ từng tí một. Là khi nào? Phải chăng là lần ở xưởng sản xuất, khi tai nạn lao động xảy ra, mẹ nó đã chạy đến cứu đồng nghiệp. Máu đỏ thấm qua tấm áo bảo hộ, loang vào cánh tay bị trầy xước của mẹ nó. Nhưng ai sẽ tin? Ngay cả những người ruột thịt đều ruồng bỏ mẹ con nó. Không ai muốn nghe một lời giải thích. Nỗi sợ bệnh tật, sự trách móc lấn át cả tình thân, chỉ còn bà ngoại là người duy nhất trong nhà không quay lưng. Bà vẫn xuống dãy nhà kho để xem mẹ con nó cần gì. Suốt những ngày qua, mẹ nó đã khóc bằng với nước mắt của cả đời mẹ nó cộng lại. Rồi mẹ nó nhìn khuôn mặt non nớt bầu bĩnh bên cạnh đang vô tư chìm vào giấc ngủ. Vì mẹ nó mà nó sinh ra đã mang bệnh. Mẹ nó đã thì thầm lời xin lỗi bên tai nó nghìn lần. Mẹ nó ôm lấy nó vào lòng, hít mùi thơm trẻ con trên tóc, trên má nó. Bản năng người mẹ mách bảo mẹ nó phải bảo vệ con. Tất cả có thể quay lưng, nhưng mẹ nó sao có thể buông tay. Ngày hôm ấy, mẹ nó gượng dậy, bế nó ra cửa nhìn cây ổi bên giếng đang nở hoa trắng xóa. Bầu trời xanh lãng đãng mây trôi. Con của mẹ phải được sống, phải được nhìn bầu trời xanh ngoài kia. Căn bệnh này không phải là dấu chấm hết tất cả. HIV đã có thuốc điều trị, nhiều người đã ổn định căn bệnh kia mà. Mẹ nhất định phải lạc quan, phải kiên cường vì đứa con trai nhỏ của mình. Hai mẹ con nó bắt đầu sống chung với căn bệnh và những viên thuốc, với những buổi tới bệnh viện, những buổi tham gia nhóm cộng đồng để hiểu hơn về căn bệnh, về cách điều trị bệnh, cách giữ gìn cho mình, cho những người thân và xã hội. Mẹ nó bắt đầu một cuộc sống khác, đầy lạ lẫm, học cách vượt qua mặc cảm; tập một lối sống mới và tiếp tục công việc để có thể lo cho hai mẹ con. Mẹ nó hiểu, ngay cả bản thân mình đã khó chấp nhận, thì làm sao có thể trách được sự e dè và sợ hãi của những người xung quanh. Những ánh nhìn, những lời bàn tán khiến mẹ nó đau khổ, nhưng khoảnh khắc ấy, mẹ nó nghĩ đến nó, mẹ nó nhắc nhở mình không quỵ ngã.

Chiều đến, khi mẹ nó mệt mỏi trở về nhà, nhìn thấy nó bầm tím trên trán. Bà ngoại nó khóc, kể lại lúc bà đưa nó ra sân hóng mát, mấy đứa trẻ con nhà anh trai cả đứng đùa nghịch. Chúng chỉ trỏ, kêu thằng bé là đồ “sida”. Bà đã quát, nghĩ trẻ con không hiểu chuyện vậy thôi. Ấy mà bà vừa quay đi, chúng đã nhặt sỏi ném vào thằng bé. Mẹ nó ôm con vào lòng, thấy đau nhói trong tim. Nó bụ bẫm lắm, làn da trắng hồng và đôi má phúng phính. Nhìn nó, ai nghĩ nó sinh ra đã mang trong mình căn bệnh này. Mẹ nó biết cuộc sống phía trước sẽ khó khăn lắm, nhưng thật sự mọi thứ không dễ dàng như mẹ nó tưởng tượng. Sẽ có nhiều va vấp, sẽ có những vết cắt cứa vào tim. Biết là vậy, dặn lòng là vậy mà vẫn thấy đau xót vô cùng. Bù đắp lại, mẹ nó yêu thương nó gấp bội. Những buổi chiều đi làm về, mẹ nó thường đưa nó đi dạo, kể cho nó nghe những câu chuyện về thế giới mới mẻ xung quanh nó. Đó là một thế giới tươi đẹp và đầy kỳ diệu. Những ngày nó ốm, mẹ nó luôn ở bên, kể cho nó những câu chuyện cổ tích, ở đó, những nàng công chúa, những bác nông dân, dù ở tầng lớp nào cũng luôn kiên cường và lạc quan vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Nó lớn lên với tình yêu thương của mẹ. Nó là một đứa trẻ biết tự trọng. Dù rất nhỏ, nó khá hiểu chuyện, ít khi nào nó tùy tiện động vào đồ chơi của những đứa trẻ nhà bác cả, hay tự ý lên nhà trên. Ngay cả khi được những đứa trẻ khác rủ chơi cùng, nó vẫn có chút rụt rè và giữ khoảng cách. Có lần dù bé hơn, nó sẵn sàng lội vào đám bùn bẩn trong vườn để nhặt quả bóng cho đám trẻ nhà bác nó. Ông ngoại nó thở dài, cầm lấy bàn tay bé nhỏ của nó, dắt nó vào nhà rửa chân tay. Lần đầu tiên nó nhận ra, ông ngoại cũng có ánh mắt ấm áp vô cùng. Chưa đầy một năm, bố nó đã có một gia đình mới. Từ ngày mẹ nó về ngoại rồi tờ giấy ly hôn được gửi về ngay sau đấy, bố nó chưa một lần tới thăm nó. Nó lớn dần lên hoàn toàn chỉ có bóng dáng mẹ nó và bà ngoại. Nhưng mẹ nó đã dành cho nó tình thương lớn đủ để bù đắp cho tất cả. Người ta nói, vết thương dù có sâu đến đâu rồi thời gian cũng làm cho nó lành lại. Mọi vết đau tưởng không thể quên rồi cũng phai nhạt dần. Cuộc đời có lúc tưởng tăm tối không lối thoát, mãi rồi cũng có lúc tìm thấy ánh sáng. Mẹ nó tìm thấy niềm vui trong công việc, trong những hoạt động có ích cho cộng đồng. Vốn là người nhanh nhẹn, chăm chỉ, ở nhà máy, mẹ nó luôn vượt chỉ tiêu được giao, giúp đỡ các đồng nghiệp. Khi người ta chưa rõ về một thứ gì đó, chưa tiếp xúc bao giờ, sẽ mang sự e dè, sợ sệt. Nhưng khi đã hiểu, đã quen, người ta sẽ dần mở lòng, sẽ xóa bỏ ranh giới mà họ đã dựng lên. Họ không còn e dè với những cái bắt tay, những tiếp xúc xã hội thông thường. Mọi người cũng biết cách phòng tránh HIV và cách chung sống với người nhiễm bệnh. Những người nhiễm HIV hoàn toàn có thể sống khỏe mạnh khi được điều trị. Họ biết cách giữ cho bản thân và những người xung quanh. Họ có quyền được sống và lao động như bao người khác. Những buổi tối, khi những vất vả ban ngày đã qua, mẹ nó ôm nó mỉm cười. Vậy là mẹ con nó đã dũng cảm đối diện với bệnh tật, thay đổi suy nghĩ về căn bệnh của chính bản thân mình và những người xung quanh. Cuộc đời dù ngắn ngủi, nhưng được sống có ích, được làm những công việc yêu thích, được cống hiến sức lực cho đời thật ý nghĩa và hạnh phúc biết bao. Mỗi giây phút được sống là món quà vô giá mà con người ta cần trân trọng, nâng niu. Ranh giới giữa đau khổ và hạnh phúc, tất cả đều do chính con người ta tạo ra, do chúng ta quyết định có đủ kiên cường để bước qua đau khổ và tìm thấy hạnh phúc hay không.

Những ngày cuối tuần, hai mẹ con nó vẫn tới sinh hoạt nhóm cộng đồng, tham gia những buổi trợ giúp những người mới phát hiện nhiễm HIV, động viên tinh thần họ. Mẹ nó chuẩn bị những món quà nhỏ, cùng nó tới trại trẻ mồ côi, nơi có những người bạn nhỏ bằng tuổi nó, cũng mắc phải căn bệnh như nó, nhưng bất hạnh hơn, bị bố mẹ bỏ rơi. Nó chơi đùa với các bạn, cùng mẹ tặng cho các bạn những món quà nhỏ, nhìn thấy những ánh mắt trẻ thơ lấp lánh vui mừng, mẹ nó cảm thấy đó là những khoảnh khắc thật ý nghĩa của cuộc đời.

Ngày hôm ấy, khi chuẩn bị ra về, mẹ nó nhìn thấy một người đàn ông đứng ngoài cửa sắt trại trẻ mồ côi, bên cạnh là một thằng bé con khoảng 5 tuổi. Người đàn ông mang một chiếc mũ vải rộng che nửa khuôn mặt, chiếc áo dài tay không che hết được những vết lở loét và những hình xăm gợi lại quá khứ xa xôi. Người đàn ông ngại ngần đứng nhìn vào phía trong vừa tha thiết, vừa muốn rảo bước quay đi. Mẹ nó nhìn một lúc rồi lờ mờ đoán ra mọi chuyện. Mẹ nó lại gần, thì ra, ông bố ấy muốn gửi con vào đây, khi bệnh tình của mình trở nặng. Nhìn đứa trẻ ngơ ngác, mẹ nó bỗng thấy nhói trong tim. Sau khi giúp người đàn ông gặp được những người cán bộ ở trại trẻ,mẹ nó dắt tay nó ra về, im lặng suốt quãng đường đi. Nó mới chỉ hơn 5 tuổi, cũng bằng đứa trẻ đó. Lòng mẹ nó nặng trĩu nỗi lo sợ mơ hồ. Mẹ nó lo sợ khi bệnh tình của mình trở nặng, sẽ không thể lo cho nó. Nhưng còn một nỗi lo lớn hơn: những đứa trẻ nhiễm HIV thường không đi hết được tuổi thơ của mình.

Hơn một tuần qua, nó sốt, cũng là hơn một tuần mẹ nó hầu như không chợp mắt. Căn bệnh viêm phổi, viêm màng não cùng ập đến đối với một đứa trẻ bình thường đã là quá sức chịu đựng, nhưng với một đứa trẻ nhiễm HIV, còn nặng nề hơn gấp bội. Việc nằm viện với nó đã là điều quen thuộc, nhưng lần này, không như những lần trước. Nó không còn tỉnh táo để có thể ngồi lên chiếc xe lăn, để mẹ nó đẩy ra khuôn viên bệnh viện ngắm những con cá nhỏ lấp ló sau dòng nước chảy bên dưới hòn non bộ; không thể nhìn thấy những cô y tá với nụ cười hiền vẫn trêu nựng nó. Nó nằm đó, mê man với ống thở và dây truyền. Làn da trắng trở nên trong suốt thấy những gân xanh nhỏ xíu, như thể nó sắp tan biến đi, lẫn vào không khí. Hôm nay, mẹ nó mặc bộ quần áo vẫn hay mặc khi cùng nó đi chơi. Bác sỹ dặn, hôm nay nó sẽ là lần cuối nó tỉnh lại. Mẹ nó sẽ không khóc. Mẹ nó sẽ không để nó thấy những giọt nước mắt nữa, mà sẽ là những nụ cười, để nó sẽ nhớ về mẹ nó với khuôn mặt hạnh phúc và tươi cười nhìn nó. Lúc nó hé mắt ra, mẹ nó vẫn luôn ở bên. Mẹ nó thì thầm vào tai nó mẹ nó yêu nó rất nhiều. Nó ngoan nhé, ngủ yên nhé, vì mẹ sẽ luôn ở đây, sẽ không bao giờ rời xa nó. Nó cảm thấy mình bay lên khi thấy vòng tay mẹ vẫn ở bên, nhẹ nhàng và êm ái. Nó phải rời xa mẹ rồi, nhưng nó biết mẹ nó sẽ mãi nhớ về nó, sẽ mãi yêu nó bằng tình yêu không bao giờ vơi đi dù chút ít. Nó bay lên cao mãi. Mẹ đừng buồn mẹ nhé, nơi con đến sẽ có rất nhiều mây trắng và những tia nắng ấm áp. Nơi ấy, có chiếc cầu vồng mọc lên cao vút sau mưa. Mẹ hãy sống thật hạnh phúc và tiếp tục làm những việc có ý nghĩa cho cuộc đời như khi còn có nó. Mẹ đừng trách mình vì khi mẹ mang nó đến cuộc đời này, dù ngắn ngủi, nhưng nó đã thật hạnh phúc khi có mẹ ở bên. Mẹ hãy hạnh phúc nhé vì mẹ đã là mẹ của một thiên thần. Mẹ nó ôm chặt nó vào lòng. Trên chiếc giường bệnh viện, nó nằm giữa chiếc chăn trắng tinh, bồng bềnh như một đám mây. Khuôn mặt nó yên bình trong vòng tay mẹ. Ngoài kia bầu trời trong xanh bồng bềnh những đám mây trôi.

Thiên thần trắng. Truyện ngắn của Đặng Thị Thanh Hương Con ve sầu ngân mãi - Truyện ngắn dự thi của Phạm Quốc Toàn Người bạn ấy xuống tàu ở ga xép - Truyện ngắn của nhà văn Văn Chinh Đam mê. Truyện ngắn của Đoàn Hữu Nam Lời hứa của thời gian - Truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Quang Thiều
Nguồn Tạp chí Văn nghệ Đất Tổ
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.