Sáng tác

Bohumil Hrabal: Văn phong vô hình

Parul Sehgal * (Ấn Độ)
Văn học nước ngoài
08:00 | 03/10/2024
Baovannghe.vn- Bohumil Hrabal (1914-1997) là nhà văn Cộng hòa Séc có ảnh hưởng nhất cuối thế kỷ XX. Ông là tác giả Séc được dịch nhiều nhất, nhiều lần giành các giải thưởng văn học danh giá và lời ngợi khen từ Ý, Hungary, Pháp. Điển hình bởi yếu tố tự sự, kết hợp kinh nghiệm thực tế với trí tưởng tượng phong phú, tác phẩm của Hrabal đậm chất cường điệu, hài hước, đôi khi mỉa mai, đả kích sâu sắc. Ông được dịch sang gần 30 thứ tiếng.
aa
Bohumil Hrabal: Văn phong vô hình

Parul Sehgal và Bohumil Hrabal

Hai cái chết

Bohumil Hrabal chỉ chết một lần nhưng có ít nhất hai phiên bản khác nhau về sự qua đời của ông. Thứ nhất, Hrabal - một trong những nhà tạo mẫu văn xuôi vĩ đại của Thế kỷ XX, mối hiểm họa của những đám thích soi mói, kẻ đắm mình trong rượu và tin đồn tình ái – rơi khỏi cửa sổ của bệnh viện, nơi ông đang điều trị bệnh viêm khớp, trong lúc cho chim ăn. Thứ hai, Hrabal – tác giả những cuốn sách bị chính phủ Séc cấm và đốt – bị giày vò bởi nỗi cô đơn khôn tả nên tự vẫn bằng cách nhảy xuống từ tầng năm, nơi “mỗi căn phòng đều là một nỗi đau. Ông từng viết về người tuyệt vọng muốn nhảy lầu tự tử Kafka, nhân vật trong Ghi chú của Malte Laurids Brigge (The Notebooks of Malte Laurids Brigge) của nhà văn Áo-Hungary Rainer Maria Rilke. Và mùa đông năm 1997, vài tháng trước sinh nhật lần thứ 83, Hrabal gieo mình từ cửa sổ tầng năm của bệnh viện.

Vì sự tiếc nuối và cái đẹp hoàn mỹ của các tác phẩm, nỗi đau khổ và sự khờ dại quyện chặt trong tâm hồn, cả hai phiên bản đều được xem như cách từ trần của Hrabal. Ông nhảy (hoặc rơi) xuống và qua đời. Dù là nỗi tuyệt vọng hay sự nhiệt tình, chúng đều cướp Hrabal khỏi cuộc sống, khiến những tiểu thuyết lớn nhất của ông như Tôi từng phục vụ Hoàng đế Anh (I Served the King of England, 1971), Nỗi cô đơn quá lớn (Too Loud a Solitude, 1976), và Những chuyến xe lửa bị theo dõi chặt chẽ (Closely Watched Trains, 1964), tác phẩm được chuyển thể thành phim và đoạt Giải Oscar năm 1966, thành tiếng cười thê lương trong bóng tối. Hrabal từng nói cảm giác hài hước của mình được hình thành bởi lời nhắc nhở từ một tiệm giặt khô, “Có vài vết bẩn chỉ có thể bị loại bỏ bằng cách phá hủy luôn bộ đồ”.

Ngày nay, Hrabal là tác giả được tôn kính. Ông hiếm được dịch sang tiếng Anh, song gần đây, một số sách của ông đã được chuyển ngữ, trong đó có bộ sưu tập các truyện ngắn từ những năm 1950, Ngài Kafka (Mr. Kafka). Khôi hài và đầy bất ngờ, lập dị và giàu trí tưởng tượng, tác phẩm của Hrabal, như nhận xét của Milan Kundera, nhà văn Tiệp Khắc, “dành cho nhân dân, cho sự tự do tư duy của họ. Nó nhiều hơn tất cả những gì chúng ta hành động, thể hiện và cả những cuộc biểu tình ồn ào”.

Nhà văn nhện

Khéo léo, nhẹ nhàng, Hrabal như một nhà văn nhền nhện tinh tế và tinh quái. Từ những sợi tơ mỏng như sương, trong suốt như vô hình, Hrabal bao bọc và đánh bẫy độc giả. Nàng thơ của ông là bác Pepin, người từng đến thăm và ở lại chơi với nhà văn hai tuần sau đó biến mất suốt 40 năm. Trong trí nhớ của Hrabal, Pepin là ông bác biếng nhác, lắm lời, thích kể chuyện vòng vo. Từ Pepin, Hrabal học được cách bẫy người đọc bằng sự duyên dáng, đơn giản mà rắc rối, cùng sự ngọt ngào của ngôn từ. Nhiều tác phẩm của Hrabal giống như lời độc thoại vô định, ví dụ Những bài học Khiêu vũ cho người Cao niên (Dancing Lessons for the Advanced in Age). Tiểu thuyết này nổi tiếng bởi một câu dài đến 90 trang cùng sự chất phác pha lẫn ngờ nghệch. Ditie, nhân vật trong Tôi từng phục vụ Hoàng đế Anh là đại diện cho kiểu hình nhân vật này. Từng là nhân viên thử việc của một loạt các khách sạn đổ nát, từng đập cây kem đá vào đôi giày cho mát đôi chân đau nhức của mình, Ditie ngơ ngác trở thành quan to và đi vào lịch sử nhờ kết hôn với... Đức Quốc xã!

Con đường học vấn của Hrabal gặp nhiều trắc trở. Sau khi tốt nghiệp trung học, Hrabal phải vượt nhiều khó khăn để vào khoa luật của trường Đại học Charles ở thủ đô Praha. Ngoài học luật, Hrabal còn theo các buổi học lịch sử, văn học, nghệ thuật và triết học. Trong chiến tranh, ông làm công nhân đường sắt. Chuyện này được ghi lại trong một số tác phẩm văn học của nhà văn. Hrabal cũng từng làm nhiều công việc khác như đưa thư, dọn dẹp phông cảnh trong rạp hát, bán giấy vụn,… Ông bắt đầu sự nghiệp văn chương với vai trò là một nhà thơ, bị mê hoặc bởi chủ nghĩa siêu thực trong thơ Pháp. Trầm tích của niềm đam mê này vẫn thấp thoáng trong những áng văn xuôi của Hrabal. Nó thể hiện ở cách bất ngờ thêm hương vị cho các chi tiết và phép ẩn dụ lắt léo. Ví dụ, trong Ngài Kafka, Hrabal miêu tả nhân vật bị nôn: “Chất lỏng chảy ra khỏi miệng anh như thể chiếc đồng hồ bỏ túi trượt trên chiếc dây chuyền”.

Hrabal từng làm việc trong nhà máy thép, sau đó vì chấn thương nghiêm trọng phải đổi việc, trở thành người thu gom giấy cũ. Thế giới đầy bồ hóng và xỉ đen là nguồn cảm hứng tuyệt vời cho các tác phẩm của ông. Trong Ngài Kafka, Hrabal viết “Nếu bạn biết tôi yêu nhà máy thép Poldi bao nhiêu, bạn sẽ phát ghen lên được. Đó là nơi tôi thấy tất cả mọi thứ và, từ lúc tôi thấy cô ấy, tôi đã trở thành một nhà tiên tri”. Hrabal phát hiện những thứ lạ lẫm trong cuộc sống đời thường. Ông viết như người ta làm ký sự, thâu tóm mọi nhịp sống. Người đàn ông biến cái cây bị đốn thành vật giải trí tuyệt vời cho cả gia đình. Một phụ nữ trượt chân ngã xuống vũng nước lồm cồm bò dậy. Bức ảnh trong khung hình bầu dục. Tất cả đều rất bình thường nhưng lại được nhà văn quan sát tỉ mỉ và miêu tả một cách sống động không ngờ.

Năm 1970, hai cuốn sách mới của Hrabal, trong đó có Tôi từng phục vụ Hoàng đế Anh, bị chỉ trích thậm tệ và chính thức cấm xuất bản. Tuy nhiên, chúng vẫn lấp ló trong các bộ phim hài và truyện ngụ ngôn của ông về cuộc sống thường nhật của Praha dưới thời Phát xít Đức. Dù bị cấm, tiểu thuyết của Hrabal vẫn đến tay người đọc nhờ xuất bản lậu. Năm 1975, lệnh cấm được dỡ bỏ sau khi Hrabal xuống nước hòa giải, hứa hẹn thay đổi. Ông được phép xuất bản nhưng vẫn bị chính phủ để ý kiểm duyệt gắt gao.

Rất khó để bắt thóp Hrabal vì lối hành văn dường như trong suốt của ông. Các tác phẩm của Hrabal hiếm khi thể hiện rõ ràng quan điểm ý thức hệ. Giống như George Orwell của Anh, Hrabal thâu tóm cách thể hiện hài hòa với quyền lực đến mức vô lý. Không tỏ ra chống đối nhưng vẫn bày tỏ được sự phê phán của mình. Lời lẽ phê bình của ông thường nằm nghiêng, đôi khi được che khuất một cách tài tình. Nhà phê bình James Wood giải thích Hrabal giảm bớt nọc độc các quan sát của mình bằng cách đặt chúng vào miệng các nhân vật mờ nhạt, không đáng tin cậy nhất. Và khi chính trị thấm vào câu chuyện, nó tự phơi bày bản thân một cách tự nhiên. Ví dụ, mục nhật ký vắn tắt của Kafka, ngày 2.8.1914 ghi: “Đức tuyên chiến với Nga. Đi bơi vào buổi chiều”. Cái to tát của sự kiện chấn động thế giới không thay đổi cuộc sống cá nhân bình thường. Tất cả bị đưa về cùng một cấp. Cái mệt mỏi của chiến tranh và hôn nhân ngang với cái đau đớn của bàn chân cần được mát xa bằng cây kem lạnh.

“Không thể thoát khỏi tự do”

Hrabal cũng thích trích dẫn Rilke, tác giả Áo-Hungary viết bằng tiếng Đức không may mắn với tuổi tác do bị chẩn đoán nhầm bệnh. Cách Hrabal thể hiện thái độ chống đối với giới chức đương quyền là tạo dựng sự nhạy cảm và lối hành văn đối lập với logic độc đoán. Ông ranh mãnh thao tác sự lắt léo, rời rạc, khiến giới kiểm duyệt không thể tổng hợp được các bằng chứng kết tội. Nhưng cũng vì sự rắc rối này, trong một thời gian dài, tác phẩm của Hrabal bị xem là không chuyển ngữ được.

Không thể vắt từ mỗi câu chuyện của Hrabal ra luân lý hay những nhắn gửi như vắt nước chanh. Với phong cách tự truyện, Hrabal giăng bẫy tơ nhện bằng lối hành văn giản dị mà ông gọi là phiếm luận. Tôi từng phục vụ Hoàng đế Anh không hơn gì câu chuyện về một nghề phục vụ, một nhân viên bán hàng ngang qua hay một thợ may cặm cụi thay đồ, đeo phụ kiện cho ma nơ canh đặt trước cửa hàng của mình.

“Tôn chỉ của tôi là luôn luôn thích thú, sung sướng và ham muốn”, Hrabal nói. Cái đẹp đáng tin nhất ẩn trong tình trạng hỗn loạn của con người và sự điên rồ. Một cặp đôi gây gổ nhau trên phố. Họ nhấc cún cưng của mình lên chọi nhau. Sau đó, hai người, hai cún lại vui tươi dạo phố. Chỉ trên mình hai chú chó nhỏ vương chút máu me.

Nhà máy thép Poldi xinh đẹp. Đống giấy vụn trong Nỗi cô đơn quá lớn trở thành nguyên liệu để người kể chuyện dựng hẳn nên một thư viện (như Hrabal đã làm). “Thế giới là một nơi tuyệt mỹ”, Hrabal viết trong Những bài học kiêu vũ cho người cao niên, “Không phải bởi nó tuyệt mỹ mà vì tôi thấy nó tuyệt mỹ”. Ân cần, độc đáo, mềm mỏng, ngoan cố, văn phong Hrabal hội đủ các yếu tố này. Nó cho phép nhân vật của ông bảo tồn bản ngã khi họ bị đè nghiến bởi lịch sử. Lời huấn thị hãy trau rồi sự chú tâm nằm rải rác trong các tác phẩm của Hrabal, phải tổng hợp toàn bộ mới có thể nhận ra.

Virginia Woolf từng nói về việc nhà văn được tự do như sau: “Nếu anh ta dựa dẫm vào câu chuyện vì cảm giác riêng và không theo quy tắc, thì sẽ không có cốt truyện, không có hài kịch, không có bi kịch, không có mối bận tâm đến tình yêu hay thảm họa theo phong cách được thừa nhận”. Liệu có từ nào mô tả chính xác phong cách của Bohumil Hrabal hơn là thủ thuật tái lập, đánh lạc hướng và gói ghém không? Có lẽ là không. Đến cả cái chết của ông cũng không chỉ một. Thật lạ lùng, đàn áp và soi mói, bằng cách nào đó, tạo nên thế giới tự do hoàn hảo cho nhà văn. Hrabal chưa bao giờ từ bỏ cách nhìn, lòng dũng cảm và tính độc lập của bản thân. Như ông viết trong Ngài Kafka, “Cậu không thể thoát khỏi tự do của chính mình theo cách cậu muốn, người anh em ạ. Cậu có hiểu không?”.

Vũ Nam | Báo Văn nghệ

Theo Nytimes và Wikipedia

* Là nhà phê bình văn học Ấn Độ, lớn lên ở nhiều quốc gia, trong đó có Hungary, Philippines và Mỹ. Sau khi tốt nghiệp khoa chính trị tại Đại học McGill, Sehgal về Delhi, bà làm việc trong một tổ chức phi chính phủ, thường đăng các bài nghiên cứu trên các ấn phẩm phê bình văn học như Literary Review, O Magazine, The Plain Dealer, The Irish Times, Time Out New York. Sehgal cũng là biên tập viên của The New York Times Book Review.

--------------

Bài viết cùng chuyên mục:

Chuyện ếch - Tản văn của nhà văn Giả Bình Ao Mắt - Tản văn của nhà văn Giả Bình Ao Chim ngọc trai - Tản văn của nhà văn Phùng Ký Tài Những ngày không sách - Tản văn của nhà văn Phùng Ký Tài Đọc truyện: Mặt nạ. Truyện ngắn dự thi của Trần Ngọc Mỹ
Cùng Hồ Dzếnh về chân trời cũ

Cùng Hồ Dzếnh về chân trời cũ

Baovannghe.vn - Cũng như Trịnh Công Sơn…, Hồ Dzếnh là người có một nửa dòng máu Trung Hoa chảy trong huyết quản. Và cũng như nhạc sĩ họ Trịnh, ông xem quê ngoại là quê hương máu thịt của mình. Với Hồ Dzếnh, đó là hồn Việt, những câu văn ca tụng nước Việt hay và cổ điển.
Bản tin Văn nghệ ngày 21/12/2024

Bản tin Văn nghệ ngày 21/12/2024

Baovannghe.vn - Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trang trọng tổ chức Lễ khai mạc Triển lãm 80 năm văn hóa, văn nghệ Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam.
Bài thơ "Dâng trà" của Nguyễn Quang Thiều

Bài thơ "Dâng trà" của Nguyễn Quang Thiều

Baovannghe.vn - Nhà thơ trở về với bản thể trong một nghi lễ giản đơn mà thiêng liêng! Người đọc nhận ra trong bài thơ một Nguyễn Quang Thiều luôn có sự thiết tha với cội nguồn, gốc rễ của mình.
Tập trung giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025

Tập trung giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025

Baovannghe.vn - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 137/CĐ-TTg ngày 20/12/2024 về việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025.
Biên soạn sách giáo khoa xã hội hóa và những “cửa ải” khó “nhằn”

Biên soạn sách giáo khoa xã hội hóa và những “cửa ải” khó “nhằn”

Baovannghe.vn - "Có những năm chúng tôi phải 'nín thở', không nghĩ là có thể cung ứng kịp sách cho năm học mới," PGS.TS Nguyễn Văn Tùng, Phó TBT Nxb Giáo dục Việt Nam chia sẻ