Sáng tác

Cái khạp gạo của bố - Tản văn của Hoàng Dật Lạc

Hoàng Dật Lạc
Tản văn
08:08 | 18/12/2024
Baovannghe.vn - Chẳng biết cái khạp gạo có từ bao giờ nhưng nó được xem là vật gia truyền của nhà tôi. Trải qua biết bao thăng trầm, đổi thay của thời cuộc thì cái khạp vẫn nằm đó, hiên ngang giữa đời mặc cho lớp bụi thời gian phủ đầy miền ký ức.
aa

Cái khạp được làm từ đất sét nung, hình trụ tròn. Bên trong tuy thô nhám xù xì nhưng bên ngoài thân được tráng men màu vàng da lươn trông rất sạch sẽ và đẹp. Khạp đựng được vỏn vẹn hai mươi ký gạo. Nhà tôi thường dùng lon sữa bò cũ được ba tái chế lại để đong gạo.

Ngày trước, nắp dùng để đậy khạp cũng bằng đất nung thô nhám, nhưng qua nhiều lần di chuyển nó bị bể mất. Ba thay bằng chiếc mâm thiếc đậy khạp rất vừa vặn. Không con chuột nào có thể chui vào mót gạo được, kể cả gián hay thằn lằn. Gạo được đựng trong đó luôn khô ráo, mát rượi. Đi ngoài trời nắng nóng về, tôi thường chạy đến ôm cái khạp, áp má mình vào đó, để tận hưởng cái mát lạnh tỏa ra từ lớp tráng men mịn bên ngoài. Bà nội từng bảo, mọi đồ vật đều có linh hồn, có tình cảm như con người vậy. Vì thế sau này mỗi lần ôm cái khạp vuốt ve, cảm giác như được bà ôm ấp quạt mát cho tôi giữa trưa hè oi ả.

Ngoài công dụng đựng gạo, cái khạp còn là nơi để dú trái cây. Tôi còn nhớ những lần được cô hàng xóm hái cho những trái lồng mứt còn cưng cứng hoặc trái mãng cầu hơi hườm hườm, mẹ thường bỏ vào khạp gạo. Vài ngày sau, khi mở nắp khạp ra, trái cây đã chín thơm nức mũi.

Chẳng những thế, khạp gạo còn là nơi giải cứu tôi mỗi khi bị mủ mít dính vào tay do những lần mải mê gỡ những múi mít ăn ngấu nghiến. Những lúc như vậy, bà dạy chỉ cần cho hai tay vào khạp, bóp bóp, vò vò chừng vài lượt, cám gạo sẽ giúp tay sạch hết vết mủ, sau đó rửa tay lại với nước là xong. Thật thần kỳ.

Cái khạp gạo của bố - Tản văn của Hoàng Dật Lạc
Tranh của họa sĩ Joseph Inguimberty

Tôi chẳng biết cái khạp có từ bao giờ, chỉ nhớ có lần mẹ kể rằng, nó được bà cố, tức bà nội của mẹ, cho khi mẹ về nhà chồng. Bà kể đó là cái khạp cuối cùng còn sót lại sau cái lần nhà bà bị cháy. Ngày xưa lúc quân Mỹ rải bom, cả làng kéo nhau chạy đi lánh nạn. Tất cả đàn ông đều đi bộ đội. Bà cố tay ẵm tay dắt đàn con đàn cháu đi “chạy giặc”. Khi quay về mọi người chỉ thấy nhà cửa cháy tan hoang xơ xác, cái khạp nhỏ xíu trơ trọi nằm ngoài sau hè chứng kiến sự khốc liệt của chiến tranh hoành hành trên đất nước. Nó là tài sản duy nhất còn sót lại của bà. Vì thế bà quý cái khạp vô cùng.

Bà dặn mẹ nhớ đổ đầy gạo vào khạp trước khi Tết đến, trữ sẵn thêm hũ muối đầy. Bà dạy, hạt gạo hạt muối là hạt ngọc trời cho. Nhà chỉ cần đầy đủ muối và gạo thì chẳng lo chết đói. Có như vậy cả năm nhà cửa sẽ luôn sung túc, làm ăn khấm khá. Bà dặn là dặn vậy, chứ từ hồi nhà cháy xong, có bao giờ bà đổ gạo được đầy khạp đâu. Kể cả sau này khi bà đã đi về miền mây khói, chuyện đổ đầy gạo vào khạp đối với nhà tôi cũng quá khó khăn dù nó chỉ chứa được vỏn vẹn có hai mươi ký. Có lẽ vì thế nên nhà tôi khi ấy không được sung túc, vẫn luôn chật vật kiếm ăn từng ngày.

Sau khi mẹ mất, ba cũng chẳng còn quan tâm tới chuyện nhà cửa. Ngôi nhà trở nên lạnh lẽo khi thiếu đi hơi ấm của mẹ. Chẳng ai quan tâm tới cái khạp gạo. Gạo mua về để nguyên trong bịch, ăn tới đâu mở ra múc tới đó. Cuộc sống mất đi người quán xuyến đã trở nên tạm bợ qua ngày.

Sau này lúc chuyển nhà đi nơi khác, chị em tôi định bỏ lại cái khạp gạo vì nó cồng kềnh, dự định sẽ mua thùng nhựa đựng gạo cho dễ vận chuyển, lau chùi. Cô tôi biết chuyện thì la chúng tôi và nhắc lại chuyện xưa. Cái khạp vào nhà từ hồi mẹ về làm dâu. Nó như của hồi môn của mẹ, nó mang sinh khí của ngôi nhà. Vậy mà từ lâu chúng tôi đã không thèm đoái hoài gì tới, nó bị bỏ rơi nằm trơ trọi ở một góc khuất sau bếp. Hối hận, chị em tôi nhìn nhau không nói lời nào.

Từ ngày đem cái khạp gạo về nhà mới, nó được nằm yên vị một góc trong tủ bếp. Nhớ lời bà và mẹ dạy, hằng năm trước ngày mùng một Tết, chẳng ai bảo ai, chúng tôi tự động đổ đầy gạo vào khạp, bên cạnh để hũ muối thật to. Việc đổ đầy gạo bây giờ đối với chúng tôi thật dễ dàng. Cái khạp càng được lau thường xuyên càng bóng đẹp. Tôi thích mở tủ bếp ra, áp má vào khạp gạo, tận hưởng cái mát rười rượi dịu dàng như của bà và mẹ đang ôm ấp vuốt ve mình. Cái khạp gạo gắn liền với cuộc đời lam lũ của bà, với phận làm dâu nhọc nhằn của mẹ, với tuổi thơ êm đềm của chị em tôi. Nó chứng kiến bao đổi thay của thời cuộc, của kẻ còn người mất.

Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, biến động kinh tế thị trường, nhưng nghề làm khạp lu vẫn tồn tại và phát triển. Nổi tiếng nhất là làng nghề gốm truyền thống ở Bình Dương. Từ những năm 30 của thế kỷ XX, gốm Lái Thiêu đã xuôi dòng theo con sông Sài Gòn phân phối khắp Nam kỳ lục tỉnh. Hình ảnh các thương hồ chở gốm, các vựa, chành dày đặc trên bến sông đã đi vào tiềm thức của nhiều thế hệ.

Không gì có thể thay thế được giá trị truyền thống từ những chiếc lu, chiếc khạp đem lại. Ngày nay, dù công nghệ sản xuất gốm sứ rất phát triển, nhưng những chiếc lu, chiếc khạp được sản xuất bằng thủ công, sẽ cho ra sản phẩm mang tâm hồn, cảm xúc, sự tỉ mỉ tận tâm của người thợ. Những hình ảnh thân thương ấy luôn nhắc ta nhớ về một miền ký ức dẫu nghèo khó nhưng luôn ngọt ngào và tươi đẹp.

Tam tòa chiều nay mưa bay bay… Tản văn của Lê Hà Ngân

Tam tòa chiều nay mưa bay bay… Tản văn của Lê Hà Ngân

Baovannghe.vn - Con đò nhỏ ngày xưa giờ đã rộng và vững chãi như phà, con đường lồi lõm ngày xưa giờ đã êm như lụa, nhưng sao vẫn nhớ tiếng bê non khát sữa gọi mẹ ngơ ngác trên cánh đồng.
Bản tin Văn nghệ ngày 18/12/2024

Bản tin Văn nghệ ngày 18/12/2024

Baovannghe.vn - Ngày 17/12 tại Hà Nội, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội phối hợp cùng Học viện Chính trị Công an Nhân dân trang trọng tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề Phát huy giá trị Đề cương về văn hoá Việt Nam năm 1943 trong bảo vệ an ninh, trật tự trước bối cảnh, tình hình và yêu cầu, nhiệm vụ mới.
Lối thoát thênh thang cho đường cùng. Truyện ngắn của Chimamanda Ngozi Adichie (Nigeria)

Lối thoát thênh thang cho đường cùng. Truyện ngắn của Chimamanda Ngozi Adichie (Nigeria)

Baovannghe.vn - Học sinh buộc phải nghỉ học từ đầu mùa dịch Covid, tức từ đầu 2020. Cha mẹ ít việc. Các con gái phải đi giặt thuê. Nhiều đàn ông cho chúng tiền, ít nhất gấp đôi công giặt. Cuối năm ngoái, gần 100 bé gái có bầu. Người gây họa chủ yếu là dân đô thị, lắm tiền rửng mỡ. Vùng này, chỉ có hai kẻ rửng mỡ như vậy.
Nguyễn Đình Thi - người lính “xung  kích” trong sáng tạo nghệ thuật

Nguyễn Đình Thi - người lính “xung kích” trong sáng tạo nghệ thuật

Baovannghe.vn - Đời văn của Nguyễn Đình Thi gắn bó chặt chẽ với cách mạng và đời sống văn hóa của dân tộc. Suốt trong hành trình dài hơn sáu thập kỷ, trong nhiều tư cách: nhà văn - nhà văn hóa, người nghệ sĩ sáng tạo - người cán bộ quản lý văn nghệ, ông đã có những đóng góp to lớn góp phần xây dựng nền văn nghệ cách mạng Việt Nam.
Chỉ thị của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

Chỉ thị của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

Baovannghe.vn - Đồng chí Trần Cẩm Tú, Thường trực Ban Bí thư vừa thay mặt Ban Bí thư Trung ương Đảng ký Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 11/12/2024 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025.