Trong bài viết của mình đăng trên báo Người đưa tin điện tử lúc 8h 52 phút ngày 9 tháng 10 năm 2023 có tựa đề Để hoạt động giám sát đạt kết quả cao, tôi đã đưa ra những căn cứ pháp lý để nói rằng, ở thời điểm Đoàn giám sát của Quốc hội thực hiện giám sát việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) phổ thông mà lấy một quy định đã hết thời hiệu của Nghị quyết 88/2014 của Quốc hội làm công cụ pháp lý là thiếu thuyết phục. Ở vào thời điểm ấy, Quốc hội đã ban hành Luật Giáo dục 2019 và Nghị quyết 122/2020 điều chỉnh quy định của Nghị quyết 88 về việc Bộ Giáo dục & Đào tạo tổ chức biên ssoanj một bộ sách giáo khoa “của Bộ”.
Điều mà người viết bài này, với tư cách là một cử tri, muốn trao đổi là, chúng ta nên hiểu thế nào về việc đánh giá một cách đúng đắn về việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước. Có đại biểu Quốc hội cho rằng, trong thời gian vừa qua, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã buông lỏng quản lý nhà nước trong việc thực hiện Nghị quyết 88/2014 của Quốc hội về việc triển khai đổi mới toàn diện giáo dục phổ thông theo tinh thần Nghị quyết 29/2013 của Trung ương đảng. Tuy nhiên, chính Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15 về giám sát việc đổi mới chương trình, SGK đã khẳng định: “Chương trình giáo dục phổ thông 2018, được xây dựng công phu, nghiêm túc, dựa trên cơ sở chính trị khoa học, lý luận và thực tiễn, có tính kế thừa và phát triển; bám sát mục tiêu, yêu cầu và nội dung đổi mới theo Nghị quyết 29-NQTW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế và Nghị quyết số 88/2014/QH13. Quy trình xây dựng, thẩm định, phê duyệt, ban hành Chương trình tổng thể và các chương trình môn học đã được thực hiện đúng quy định, công khai, minh bạch”. Tiếp sau đó Bộ Giáo dục & Đào tạo đã tổ chức quá trình biên soạn sách giáo khoa theo Chương trình Giáo dục phổ thông với hình thức xã hội hóa, thực hiện đúng quy trình từ khâu biên soạn, đến khâu thành lập các hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa cho từng cuốn sách giáo khoa của mỗi môn học, và phê duyệt sách giáo khoa theo đúng các quy định Luật Giáo dục 2019 và thông tư số 33/2017 của Bộ Giáo dục & Đào tạo. Việc Bộ Giáo dục & Đào tạo không tiếp tục biên soạn một bộ sách giáo khoa bằng tiền từ ngân sách nhà nước là căn cứ vào quy định của Nghị quyết 122/2020 của Quốc hội và quy định về nhiẹm vụ quản lý nhà nước của Bộ tại Luật Giáo dục 2019. Vì thế, việc một đại biểu Quốc hội cho rằng, Bộ Giáo dục & Đào tạo buông lỏng quản lý nhà nước trong thực hiện Nghị quyết 88/2014 của Quốc hội là không có cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn, hơn nữa ý kiến trên là trái với quy định của pháp luật, vì, khoản 3. Điều 156 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2020, số 63/2020/QH14 quy định: “Trong trường hợp các văn bản quy phạm do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật sau”. Cũng về vấn đề này, có đại biểu còn cho rằng, Nghị quyết 88/2014 của Quốc hội là một “nghị quyết gốc”, thì thật là khó hiểu, bởi lẽ, trong một nhà nước pháp quyền thì chỉ có một loại văn bản quy phạm pháp luật duy nhất được coi là “gốc”, đó là Hiến pháp. Tất cả các bộ luật, các luật và các văn bản quy phạm pháp luật khác phải tuân thủ các quy chế định của Hiến pháp.
Tôi đồng tình với ý kiến của số đông đại biểu Quốc hội cho rằng, việc Giáo dục & Đào tạo vào thời điểm này biên soạn một bộ sách giáo khoa bằng ngân sách nhà nước là không cần thiết, vì nó gây lãng phí nguồn lực tài chính công. Cần phải hiểu rõ khái niệm “lãng phí” một cách đúng đắn. Các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào quá trình thực hiện xã hội hóa trong biên soạn sách giáo khoa là phù hợp với chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Họ gánh vác thay Nhà nước thực hiện việc biên soạn sách giáo khoa trong một hành lang pháp lý mà nhà nước quy định, đóng thuế để xây dựng đất nước, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn người lao động; mang lại nhiều lợi ích cho Nhà nước mà không cần phải sử dụng nguồn nhân lực, vật lực và ngân sách nhà nước; thể hiện rõ nền kinh tế nước ta là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Việc làm của các doanh nghiệp tư nhân hoàn toàn không phải là lãng phí như một vài đại biểu đã so sánh với sự lãng phí khi sử dụng ngân sách nhà nước đầu tư vào lĩnh vực này. Ngược lại, nếu Bộ Giáo dục & Đào tạo tiếp tục biên soạn sách giáo khoa bằng ngân sách nhà nước sẽ là một lãng phí lớn, khi việc thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa có thể thay thế việc sử dụng ngân sách nhà nước. Vì sao lại nói đó là lãng phí ngân sách nhà nước khi biên soạn sách giáo khoa bằng ngân sách nhà nước? Lãng phí bởi vì, thay vì làm sách giáo khoa, Nhà nước có thể sử dụng số tiền tương đương 16 triệu đô la Mỹ ấy đầu tư vào những lĩnh vực khác mà ở thời điểm này chúng ta chưa thể thực hiện theo phương thức xã hội hóa được. Hơn nữa, ai cũng biết rằng, trong nhiều doanh nghiệp tham gia biên soạn sách giáo khoa theo hình thức xã hội hoá lại có Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ Giáo dục & Đào tạo sử dụng 100% vốn nhà nước. Chẳng lẽ đó không phải là Nhà nước vẫn tham gia biên soạn sách giáo khoa đó sao!
Trước Đổi mới, khi Luật Doanh nghiệp chưa ra đời, người ta còn có những lúng túng trong cách quản lý hoạt động của các doanh nghiệp khi nó không còn nằm trong tay Nhà nước nữa, nhưng qua mấy chục năm đổi mới, chúng ta đã thấy rõ, quản lý bất cứ loại hình doanh nghiệp nào, với những hàng hóa đặc thù nào, Nhà nước không cần phải quản lý một cách thô sơ như trước nữa, mà thay vào đó có hàng loạt các chế định của pháp luật điều chỉnh, với những chế tài đủ mạnh để nhắc nhở các doanh nghiệp chấp hành các quy định của pháp luật trong mọi hoạt động của mình.
Với tư cách là cử tri, người viết bài này hy vọng rằng, Quốc hội sẽ sáng suốt lắng nghe ý kiến của cử tri, của các nhân sĩ, các nhà khoa học, để có một quyết định đúng đắn, tránh lãng phí ngân sách nhà nước đầu tư vào những lĩnh vực có thể thực hiện xã hội hóa được, đồng thời cần cân nhắc việc thay đổi một chính sách giữa dòng có ảnh hưởng tới việc thu hút đầu tư từ các nguồn lực ngoài nhà nước hay không, có ảnh hưởng tới tiến trình các nước chính thức công nhận kinh tế nước ta là một nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường hay không.
Nhà văn Đào Quốc Vịnh
Nguồn Văn nghệ số 45/2023