Ai cũng biết, văn học là “bức tranh” đầy đủ và sinh động nhất về tất cả hoạt động trong đời sống của mỗi dân tộc. Ý thức được điều này, cách đây hơn 20 năm, Hội Nhà văn Việt Nam đã xuất bản tạp chí tiếng Anh với tên gọi The Vietnam Literature Review (Tạp chí Văn học Việt Nam) để quảng bá văn học Việt Nam. Vì nhiều nguyên nhân, tạp chí này chỉ ra được vài số rồi đình bản, mỗi số có khi cách nhau... vài năm nên thực ra không để lại ấn tượng gì. Dư luận cũng không biết những tờ tạp chí này được phát hành và quảng bá như thế nào.
Độc giả năm châu lâu nay biết đến văn học Việt Nam thông qua các cuốn sách dịch, các công trình nghiên cứu có tính tổng thuật. Thỉnh thoảng mới có một vài số chuyên đề về văn học Việt Nam của các tờ báo, tạp chí đối ngoại. Tác phẩm văn học được dịch hoặc giới thiệu chủ yếu là văn học trung đại và văn học cách mạng. Tình hình không có đổi khác trong một thời gian dài khiến nhiều độc giả nước ngoài vẫn chỉ biết đến văn học Việt Nam với Truyện Kiều (Nguyễn Du) và vẫn nghĩ rằng chiến tranh chưa kết thúc ở Việt Nam.
Tạp chí "The Vietnam Literature Review" hiện đã đình bản - Ảnh: Nguyễn Lâm |
Gần đây, văn học Việt Nam đương đại được chú ý dịch nhiều hơn nhưng chủ yếu thông qua mối quan hệ cá nhân, không theo một dự án được tổ chức bài bản. Chưa bàn đến chất lượng dịch thuật, về mặt nội dung tác phẩm, bao giờ độc giả cũng có xu hướng “chuộng lạ” (exotisme), vì thế, nhiều cá nhân, tổ chức khi lựa chọn tác phẩm văn học Việt Nam có yếu tố “lạ lùng”, thậm chí nhiều tác phẩm nhạy cảm, “có vấn đề”. Điều này dẫn đến độc giả khi đọc văn học Việt Nam dễ bị thiên kiến, ấn tượng với những hình ảnh méo mó về đất nước và con người chúng ta.
Yêu cầu giới thiệu những tác phẩm xuất sắc của văn học Việt Nam, phản ánh trung thực xã hội Việt Nam trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, các cơ quan liên quan chưa ngồi lại với nhau để nghiên cứu khả thi một dự án dịch thuật văn học. Trong khi đó, Trung tâm sách quốc gia Pháp hằng năm cấp ngân sách hỗ trợ các nhà xuất bản Việt Nam mua bản quyền, trả cho dịch giả, thậm chí là cả quá trình xuất bản cuốn sách. Tương tự, Quỹ Tổng thống Nga tài trợ để dịch văn học Nga tại 40 quốc gia.
Để triển khai một dự án dịch thuật tầm cỡ quốc gia sẽ có rất nhiều vấn đề cần giải quyết: Đầu tiên là huy động và bố trí kinh phí, lựa chọn tác phẩm, tìm người dịch đủ tầm, tìm hình thức quảng bá thích hợp, thương mại hóa nếu có thể.
Đầu tư dịch một tác phẩm văn học khá tốn kém. Cho nên, trong khi chờ đợi một dự án dịch sách, nên thành lập một tạp chí giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài là điều khả dĩ, ít tốn kém hơn. Ngôn ngữ được lựa chọn tất nhiên là tiếng Anh, vì đây là ngôn ngữ phổ biến nhất trên toàn cầu.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết: Mỗi năm chỉ cần làm 1-2 số, mỗi số dày khoảng vài trăm trang, in số lượng nhất định gửi vào các thư viện, trung tâm học thuật uy tín trên thế giới. Như vậy, chắc chắn văn học Việt Nam sẽ được biết đến rộng rãi hơn.
Cùng với phiên bản giấy, có ý kiến cho rằng cần cho ra đời song song một phiên bản tạp chí trực tuyến hoặc một dạng trang thông tin, lưu trữ về văn học Việt Nam. Đây là cách làm mà Hàn Quốc đang thực hiện khá thành công. Người Hàn Quốc dịch rất nhiều tác phẩm văn học tiếng Hàn sang tiếng Anh rồi lưu trữ ở một số website, độc giả rất tiện tra cứu, thưởng thức.
Chưa có một tính toán nào để biết chính xác kinh phí chi cho một tạp chí quảng bá văn học là bao nhiêu. Nhưng nhiều người ước đoán không quá nhiều so với kinh phí chi cho một số dự án khác của ngành văn hóa. Trước mắt, khả năng cao phải sử dụng ngân sách nhà nước vì tạp chí khó có khả năng kinh doanh và cũng khó thu hút nguồn lực xã hội hóa. Theo thời gian, ngân sách đầu tư có thể sẽ ít đi nếu Nhà nước sử dụng quyền lực, uy tín kêu gọi xã hội góp sức.
Mọi khó khăn sẽ vượt qua nếu thực sự muốn làm vì lợi ích chung. Để qua văn học, bạn bè quốc tế có thể khám phá ra cả một chặng đường lịch sử hào hùng, những nét đặc trưng về xã hội, văn hóa ở đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta.
Hàm Đan - Báo Quân đội nhân dân