Diễn đàn lý luận

Can đảm viết, bản lĩnh trao (giải)

Yên Ba - Nguyễn Chí Hoan
Lý luận phê bình
15:55 | 07/07/2024
Giải thưởng văn học Hội Nhà văn Việt Nam năm 2023 bộc lộ sự can đảm trên nhiều chiều kích của các tác giả và bản lĩnh của các thành viên hội đồng chuyên ngành.
aa

Có quá nhiều sự kiện trong 90 ngày qua liên quan đến các hoạt động của Hội nhà văn Việt Nam: tổng kết một năm công tác với bao bộn bề công việc; xét kết nạp hội viên mới, một công việc đầy thử thách luôn gây nên nhiều ý kiến trái chiều trong hội viên và cả công chúng; tổ chức Ngày Thơ Việt Nam 2024 vào đúng ngày Rằm Nguyên tiêu tại Hoàng thành Thăng Long trong cái lạnh buốt giá của mùa Đông còn rơi rớt lại Thủ đô…

Nhưng, không thể không nhắc đến một sự kiện nổi bật liên quan đến đời sống văn chương Việt một năm qua: Lễ trao giải thưởng văn học Hội Nhà văn Việt Nam năm 2023, trong đó các giải thưởng dành cho văn xuôi và thơ luôn nằm trong sự quan tâm chú ý của đông đảo công chúng. Bởi nói cho cùng, các tác phẩm văn xuôi và thơ luôn là yếu tố then chốt để đánh giá diện mạo đời sống văn học của đất nước, đồng thời cũng là thước đo sức sống, hiệu quả công việc của Hội nhà văn trong một năm vừa qua.

Một nhà văn gạo cội từng nhận xét xác đáng rằng giải thưởng hàng năm của Hội nhà văn chính là chỉ dấu quan trọng nhất nói lên trình độ, bản lĩnh cũng như mức độ hoàn thành công việc trong năm của Ban chấp hành Hội nhà văn; giải thưởng văn học năm 2023 là một thước đo như thế.

Đây không phải là lần đầu tiên Hội nhà văn Việt Nam trao giải thưởng văn học của năm cho 3 tác phẩm ở hạng mục văn xuôi, một con số dễ gây liên tưởng đến giải thưởng đáng nhớ cũng của Hội nhà văn Việt Nam cách đây hơn ba thập niên, giải năm 1991 trao cho ba tiểu thuyết Thân phận của tình yêu (sau trở về đúng tên là Nỗi buồn chiến tranh) của nhà văn Bảo Ninh, Bến không chồng của nhà văn Dương Hướng, Mảnh đất lắm người nhiều ma của nhà văn Nguyễn Khắc Trường.

Và, như một lời nguyền khó tránh, những tác phẩm đoạt giải thưởng văn học 2023 chắc chắn sẽ không khỏi được/bị so sánh với các tác phẩm đã đoạt giải thưởng từ hơn ba mươi năm trước.

Ban Chấp hành Khóa X đã chọn ba tác phẩm văn xuôi: hai tiểu thuyết và một tập truyện ngắn, cùng một tập thơ lục bát để trao Giải thưởng Văn học thường niên năm 2023 của Hội Nhà văn Việt Nam (chưa kể một tác phẩm thuộc lĩnh vực Lí luận phê bình và một tác phẩm thuộc hạng mục Văn học thiếu nhi).

Can đảm viết, bản lĩnh trao (giải)
Các tác phẩm đoạt giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam 2023 - Ảnh: V&Đ

Giải thưởng năm 2023, phần văn xuôi, được trao cho tiểu thuyết Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín của nhà văn Nguyễn Một, Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành; tiểu thuyết Tuyệt không dấu vết của nhà văn Nguyễn Việt Hà, Nhà xuất bản Trẻ ấn hành; tập truyện ngắn Một mùa hè dưới bóng cây của nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế, Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành.

Tiến trình văn học, như một mệnh đề xưa cũ về lịch sử, không lặp lại, ít nhất là trên phương diện văn chương. Ba tác phẩm văn xuôi mà Hội Nhà văn Việt Nam lựa chọn trao giải thưởng năm 2023 cho thấy điều ấy, dĩ nhiên bằng sự độc đáo, trong tính riêng biệt bản sắc văn chương của mỗi người viết, luôn luôn khác nhau, tạo nên đóng góp vào đa dạng trong tổng thể của văn hóa tinh thần thời đại nước nhà.

Nhân đó, hẳn cũng nên lưu ý rằng lâu nay Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam không phân chia thứ bậc A, B, C, có thể hiểu như sự đánh giá đối với các giá trị văn chương khi đã đạt tới một phẩm cấp nhất định thì dù có khác biệt mà không vướng bận vào chuyện cao thấp, do tính đa dạng đặc thù của văn chương.

Tiếng kêu tuyệt vọng của con người trước cái chết

Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín của nhà văn Nguyễn Một được viết kiểu cổ điển, kể một câu chuyện theo phong cách hiện thực, về số phận của một bộ phận người Việt với bối cảnh cuộc chiến tranh giải phóng và thống nhất đất nước.

Cuộc chiến tranh khốc liệt trên hai miền của đất nước kéo dài trong suốt nhiều thập niên đã để lại những chất liệu vô cùng phong phú cho các cây viết về chủ đề chiến tranh. Văn học chiến tranh Việt Nam từng có Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc, Mẫn và tôi của Phan Tứ, Hòn đất của Anh Đức, Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi, Dưới đám mây màu cánh vạc của Thu Bồn, rồi đến những Đất trắng của Nguyễn Trọng Oánh, Nằng đồng bằng của Chu Lai, Trong cơn gió lốc của Khuất Quang Thụy…Trong các tác phẩm đó, góc nhìn của người viết - cũng là của các nhân vật - nằm ở phía cầm súng chống lại các lực lượng xâm lược. Nếu đôi khi có chút đau thương thảm khốc thì đó vẫn là sự bi tráng, với tính anh hùng ca phủ trùm lên số phận của nhân vật và tác phẩm.

Đến Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, lần đầu tiên trong văn học chiến tranh, nhân vật chính, cũng là một người cầm súng trở về từ cuộc chiến, từ cảm thức có lỗi vì đã sống sót, bắt đầu băn khoăn về ý nghĩa của cuộc chiến, dằn vặt về những nỗi đau mà chiến tranh hằn lên số phận của mỗi con người. Đó chính là lý do khiến cho tác phẩm này, sau khi nhận giải thưởng năm 1991 của Hội nhà văn Việt Nam, phải hứng chịu một số phận bầm dập…Nhưng, như một thân cây thô tháp khỏe khoắn vươn lên khỏi những giằng níu của đám dây leo, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh đã trở thành một trong những tác phẩm xuất sắc nhất viết về chiến tranh trong văn học Việt Nam, là tác phẩm văn học Việt Nam hiện đại được biết đến nhiều nhất trên thế giới với nhiều chục bản dịch và ở một vài nơi, được đặt ngang hàng với Phía Tây không có gì lạ của văn hào E.Remarque.

Với Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín của Nguyễn Một, dường như cũng là lần đầu tiên trong văn học viết về chiến tranh có một nhân vật không đứng bên này, cũng không đứng bên kia, mà đứng giữa. Cuộc chiến tranh khốc liệt được nhìn qua con mắt của Sơn, một thanh niên trốn lính, trải dài trên địa bàn rộng lớn, từ vùng nông thôn nghèo quê Sơn cho đến vùng đô thị ven Sài Gòn. Thông qua số phận của nhân vật chính của tiểu thuyết này, có thể thấy cái số phận chung của một bộ phận người dân, như ở mọi biến chuyển lớn xưa nay, vốn đã không chủ động lựa chọn làm một người tham chiến, nhưng bị thời cuộc xô đẩy. Cương quyết không tham gia đội quân của bên này cũng như bên kia của nhân vật chính là một thái độ từ khước chiến tranh, nhưng chiến tranh đâu có từ khước việc ném con người vào hố thẳm của hủy hoại, chết chóc.

Có rất nhiều cái chết trong cuốn tiểu thuyết này của Nguyễn Một, của cả bên này, bên kia và cả những người đứng giữa, những người dân quê chân chỉ hạt bột cả đời chỉ biết áp mặt vào đất để làm lụng, sinh sống. Có những cái chết thảm khốc, cũng có những cái chết lãng xẹt. Chết trong chiến tranh, đến thời bình rồi vẫn chết. Có những người chết thảm bởi đạn bom, mìn gài, bởi bắn tỉa, nhưng cũng có những người còn sống đấy mà dường như đã chết bởi tâm hồn rách nát, không thể vá víu.

Can đảm viết, bản lĩnh trao (giải)
Tiểu thuyết "Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín" của nhà văn Nguyễn Một - Ảnh: DNSG

Bằng cách đặt tên cho cuốn tiểu thuyết mang đầy tính biểu tượng Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín, Nguyễn Một đã tạo ra một trường liên văn bản mạnh mẽ, không thẻ nhầm lẫn, về thông điệp mà cuốn sách muốn truyền tải. Chúa hiện diện trong cuốn sách bởi chính sự vắng mặt của Người, từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín, và trong khoảng thời gian biểu tượng đó, thế giới bị đẩy vào trong bóng đêm của sự chém giết tàn khốc, của bóng tối vô minh.

Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín là một cuốn tiểu thuyết chống chiến tranh? Đúng. Về số phận của những tín đồ Công giáo nổi chìm trong khổ nạn chiến sự? Đúng. Là một lời khẳng định văn chương đóng góp vào tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc? Đúng. Nhưng trên hết, nó là tiếng kêu trầm thống về nỗi tuyệt vọng của con người trước cái chết. Con người khi sinh ra đã biết rất rõ rằng cái chết là một định mệnh không thể tránh khỏi, như Albert Camus từng nói, nhưng ở Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín, sự phi lí của cái chết được đẩy lên đến những nấc tột cùng khiến cho triết lý của Camus cũng trở nên nhẹ bỗng trước thảm kịch thực tế nghiệt ngã của chiến tranh Việt Nam.

Với Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín, Nguyễn Một đã can đảm vượt lên hai cuốn tiểu thuyết từng được coi là thành công trước đây của anh là Đất trời vần vũNgược mặt trời theo phong cách tạm gọi là “huyền ảo”, dấn thân vào một vùng đất mới theo phong cách cổ điển, bám rễ vào hiện thực, để góp vào đời sống văn chương Việt một tác phẩm xuất sắc viết về chiến tranh.

Lựa chọn tặng thưởng cho Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín, các thành viên hội đồng lẫn Ban chấp hành chung khảo đã đủ bản lĩnh bỏ phiếu do một góc nhìn chiến tranh mới mẻ, chông chênh, đầy rủi ro nhưng cũng thật đáng giá vì nó mở ra những đường biên mới cho văn học viết về chiến tranh.

Bước đột phá về cấu trúc tiểu thuyết

Từ một góc nhìn thuần mỹ cảm như thường thấy qua văn chương độc đáo của mình, tiểu thuyết Tuyệt không dấu vết của nhà văn Nguyễn Việt Hà dùng số phận của một trai Hà Nội dân “phố cổ” điển hình làm lăng kính, qua đó phô bày rõ rệt các phần hợp thành trong quang phổ của phong hóa xã hội đương thời. Dày đặc những ám dụ về nhân vật, về tình tiết khiến có thể làm khó những độc giả không biết đến truyện chưởng, truyện kiếm hiệp. Những ai chưa từng “luyện” Kim Dung, Cổ Long hay Marcel Proust vẫn có thể hiểu cơ bản những điều tác giả muốn nói, nhưng cái khoái thú của sự thưởng thức văn chương hẳn là giảm đi mất một nửa! Nếu có tái bản, hẳn là Nguyễn Việt Hà nên làm một hồ sơ chí chú cho cuốn tiểu thuyết này, kiểu như Từ điển truyện Kiều, để giúp cho độc giả lĩnh hội trọn vẹn những điều anh muốn gửi gắm trong cuốn tiểu thuyết có bút pháp khá lạ này.

Không chỉ lạ về bút pháp, Tuyệt không dấu vết còn là một bước can đảm đột phá về cấu trúc tiểu thuyết của Nguyễn Việt Hà. Toàn bộ cuốn tiểu thuyết có cấu trúc một ống kính vạn hoa, nơi tác giả trộn lẫn nhiều thể loại, phong cách, lối kể chuyện vào trong 376 trang sách. Có trinh thám ly kì hồi hộp, có chưởng trảo chương hồi gay cấn; kết cấu song trùng lẫn với phân tâm học trong tâm lý nhân vật. Edgar Poe ngồi chung với Thôi Hiệu, La Quan Trung lẫn với Freud…Ngồn ngộn những ví von, những trích dẫn, những tên tuổi nhân vật từ những trang sách cổ kim bước thẳng vào đời sống đô thị của thế kỷ XXI, khiến Tuyệt không dấu vết giống như một pho tuyệt học võ công pha trộn đủ loại trường phái. Nguyễn Việt Hà như anh chàng Lệnh Hồ Xung của Kim Dung mang trong mình đủ thứ nội công lẫn võ công của các môn phái khác nhau khiến anh thành một đại cao thủ, chỉ nhấc tay một cái cũng thành tuyệt chiêu mang tên Tuyệt không dấu vết.

Can đảm viết, bản lĩnh trao (giải)
Tiểu thuyết "Tuyệt không dấu vết" của Nguyễn Việt Hà - Ảnh: MT

Tuyệt kỹ Nguyễn Việt Hà thi triển với mười thành công lực trong cuốn tiểu thuyết này là bầu không khí phúng dụ, giễu nhại bao trùm ở tầm tiểu thuyết, cái khí chất tưởng chừng như đã tuyệt không dấu vết trong văn chương Việt kể từ Số đỏ của Vũ Trọng Phụng. Và cũng như Vũ quân coi “văn minh”, “Âu hóa” hồi đầu thế kỷ trước như là đối tượng chính để giễu nhại trong cuốn “tiểu thuyết hoạt kê” bất hủ của ông, Tuyệt không dấu vết của cao thủ võ lâm Nguyễn Việt Hà vẽ nên bức tranh thực tại đầy nhố nhăng do quá trình đô thị hóa đã và đang thống trị, với các đặc điểm đáng quan ngại của nó. Có lẽ chính vì vậy mà trong cuốn tiểu thuyết, tác giả đã cố ý cài cắm đầy rẫy những tiếng Tây bồi dở ông dở thằng, những ví von Đông Tây kim cổ, những tích truyện mượn từ nữ hoàng trinh thám Agatha Christie, phim Bulgaria Trên từng cây số cho đến tiểu thuyết Tàu Tam Quốc diễn nghĩa, Thần điêu hiệp lữ

Trên cái nền hỗn mang ấy, từ từ trồi lên một đời sống đô thị mà tác giả đã dò dẫm đi sâu vào tiềm thức của con người, bóc tách tâm lý của từng nhân vật, qua đó làm hiện hình chân dung một thời đại.

Hai hội đồng sơ khảo và chung khảo Hội nhà văn Việt Nam bỏ phiếu cho Tuyệt không dấu vết là bỏ phiếu cho một sự can đảm của tác giả đã dám vượt thoát ra khỏi những hình thức cũ kỹ của chính mình và của tiểu thuyết Việt Nam đương đại.

Bữa tiệc ngôn ngữ sang trọng, lịch lãm

Tập truyện ngắn Một mùa hè dưới bóng cây của nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế đem đến một cảm nhận và suy tư cũ mà mới về sự thưởng thức cái đẹp trong tiếng mẹ đẻ của chúng ta. Trong tập truyện này, Nguyễn Tham Thiện Kế, vốn tự nhận là “người quá yêu tiếng Việt”, đã kỳ khu dọn ra một bữa tiệc ngôn ngữ đẹp, sang chảnh, lịch lãm.

Đọc những truyện ngắn của Nguyễn Tham Thiện Kế, cốt truyện có thể hoàn toàn khác nhau, nhân vật hoàn toàn khác nhau, người đọc tinh ý vẫn luôn thấy một điểm kết nối chung mang nhãn hiệu cầu chứng của chính tác giả: ngôn từ tinh tế, cách diễn đạt hơi có chút điệu đàng của người từng trải, cách sắp đặt có chủ ý, hết sức kỹ lưỡng, chỉn chu những từ ngữ tưởng chừng như quá quen thuộc ở bên cạnh nhau, tạo nên sự va đập vọng âm giữa chúng, mang đến cho câu văn một trường ngữ nghĩa mới, một vẻ đẹp mới.

Thông qua các câu chuyện đầy sức gợi và nhiều ý tưởng đa dạng về thực tại, các truyện ngắn trong Một mùa hè dưới bóng cây góp vào dòng chảy chung của nhận thức nghệ thuật về xã hội đương đại. Mất tới 15 năm mới hoàn thành trọn vẹn Một mùa hè dưới bóng cây, tập truyện không chỉ cho thấy sự bền bỉ trong lao động nhà văn mà hơn thế nữa, đọc từng truyện trong tập sách có thể nhận thấy sự kiên nhẫn vô bờ của tác giả khi dụng công sử dụng những từ ngữ đẹp đẽ trong tiếng Việt để diễn tả vẻ đẹp văn chương. Tác giả chủ ý lựa chọn cách hành văn chậm rãi, tỉ mỉ như chọn chữ cho thơ.

Đọc văn của Nguyễn Tham Thiện Kế, người đọc cũng buộc phải kiên nhẫn, chậm rãi, một phẩm tính ngày càng phôi pha trong thời buổi mà sự lướt qua, chóng quên ngày càng phủ trùm công nghệ đọc.

Giải thưởng văn học 2023 của Hội nhà văn Việt Nam cho Một mùa hè dưới bóng cây của Nguyễn Tham Thiện Kế, không nghi ngờ gì, là một lời nhắc nhở nhất quán về tính kiên nhẫn trong sự thưởng thức vẻ đẹp của tiếng Việt, của văn chương.

Từ làm mới đến lạ hóa một thể thơ truyền thống

Giải thưởng văn học của hội nhà văn Việt Nam năm 2023 chỉ vinh danh duy nhất một tập thơ, Đồng sen tàn của tác giả Nguyễn Phúc Lộc Thành.

Việc tặng thưởng cho tập thơ lục bát này là một chỉ dấu khác cho thấy bản lĩnh của những người bầu chọn bởi tất cả đều biết rằng bao lâu nay, người sáng tác, người thưởng ngoạn thơ Việt hầu như đã quen hít thở trong một bầu sinh quyển mang tên Truyện Kiều. Tiếp nối bởi những bậc phù thủy như Bùi Giáng, Nguyễn Bính, thơ lục bát Việt dường như để lại rất ít không gian (và thành tựu) cho những người dám đi vào con đường tưởng chừng như quen thuộc nhưng vô cùng gian nan này.

Nguyễn Phúc Lộc Thành đã can đảm đi những bước đi của riêng mình, làm mới thơ lục bát qua những tập thơ xuất bản trong mấy năm tuyền một thể thơ đầy thách thức này: Giấc mơ sông Thương, Chiểu, Chân quê

Đến Đồng sen tàn với 108 bài lục bát thì Nguyễn Phúc Lộc Thành đã tựu thành, như anh nhận là “vượt vũ môn” sau 30 năm bền bỉ lao động. Không dừng lại ở làm mới thơ lục bát, ở Đồng sen tàn, Nguyễn Phúc Lộc Thành đã tiến thêm một bước, lạ hóa thể thơ này, để nó tiếp tục hay trong đời sống đương đại.

Chất lạ trong Đồng sen tàn không chỉ dừng lại ở tính chất sex thiền như một nhà thơ nổi tiếng đã định danh cho nó; 108 bài lục bát của Đồng sen tàn còn là một cuộc chơi liên miên bất tuyệt của nghệ thuật chữ, kỹ thuật gieo vần nghiêm cẩn, cách ngắt ngừng câu chữ sáng tạo…

Gợi cảm mà không thô thiển, cách tân mà vẫn nghiêm ngắn cổ điển, nhiều lúc có cảm giác hồi hộp khi thấy tác giả chênh vênh trong cuộc cọ xát giữa đổi mới thơ với những niêm luật ngặt nghèo của thể thơ truyền thống, để rồi thở phào khi anh vượt thoát thành công, mang lại những cảm xúc thẩm mỹ trác tuyệt cho người đọc.

***

Đại diện cho đời sống văn chương Việt trong một năm vừa qua, giải thưởng văn học Hội Nhà văn Việt Nam năm 2023, mới chỉ tính trong hạng mục văn xuôi và thơ, không chỉ bộc lộ sự can đảm trên nhiều chiều kích của các tác giả mà còn phản ánh bản lĩnh của các thành viên hội đồng chuyên ngành và Ban chấp hành Hội nhà văn, những người đã có con mắt xanh để lựa chọn ra những tác phẩm xứng đáng với nền văn chương nước nhà.

Viết & Đọc - Chuyên đề mùa xuân 2024

Giải thưởng Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh “Theo dòng chảy thơ Việt Nam hiện đại” của tác giả Anh Chi, nhận giải thưởng Hội đồng LLPB Trung ương 8 TÁC PHẨM ĐƯỢC TRAO GIẢI THƯỞNG HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM 2019 Trao giải Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ V, Giải thưởng Hội Nhà văn hàng năm và kết nạp Hội viên mới 2020 Giải thưởng Hội Nhà văn 2023, tôn vinh “Bản lĩnh người sáng tạo và bản lĩnh hội đồng lựa chọn”
Nhà thơ Chu Thùy Liên: Ngẩn ngơ nhìn hoa mận trắng

Nhà thơ Chu Thùy Liên: Ngẩn ngơ nhìn hoa mận trắng

Baovannghe.vn - Mùa hoa mận của Chu Thùy Liên là mùa xuân rộn ràng của núi rừng Tây Bắc, ở đó tác giả gửi gắm những điều tốt lành như ước mơ ai cũng được thả lên trời cao và lời chúc cho những người con của quê hương dù đi đâu xa đều gặp may mắn, duyên lành để "nhớ lối trở về".
Di sản bất hòa ở Đông Âu

Di sản bất hòa ở Đông Âu

Baovannghe.vn - Tinh thần dám đối diện với quá khứ, dám chấp nhận sự đa dạng của văn hóa đã giúp các quốc gia Đông Âu và cả châu Âu bước qua nhiều trở ngại để bảo tồn và khai thác khối di sản kiến trúc XHCN ở Đông Âu.
Sầm Sơn trong thơ ca xưa và nay

Sầm Sơn trong thơ ca xưa và nay

Baovannghe.vn - Sầm Sơn đang góp phần đưa tỉnh Thanh Hóa đứng top đầu các tỉnh phía Bắc trong phát triển kinh tế, văn hóa...
Quả chuối dán trên tường được bán với giá 6,24 triệu đô la

Quả chuối dán trên tường được bán với giá 6,24 triệu đô la

Baovannghe.vn - Ngày 20 tháng 11 năm 2024, quả chuối mang tên Comedian của Maurizio Cattelan đã được bán tại nhà đấu giá Sotheby’s với giá 6,24 triệu đô la, trở thành tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi nhất trong giới nghệ thuật đương đại. Một quả chuối dán tường với cuộn băng keo đã tạo nên cơn sốt toàn cầu, không chỉ vì giá trị vật chất, mà còn vì các câu hỏi nó đặt ra về giá trị thực sự của nghệ thuật.
Thông cáo báo chí số 22, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Thông cáo báo chí số 22, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Baovannghe.vn - Thứ Năm, ngày 21/11/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 22 (Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV) tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.