Công trình Cảnh quan Việt Nam trong văn học và điện ảnh: Những tiếp cận xuyên văn hóa (TS Nguyễn Thị Thu Thủy và TS Hoàng Cẩm Giang chủ biên, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội ấn hành) là kết quả của một dự án nghiên cứu lâu dài, khởi nguồn từ Hội thảo quốc tế “Tiếp cận cảnh quan Việt Nam trong bối cảnh xuyên văn hóa” diễn ra vào tháng 8 năm 2022.
Cuốn sách có sự tham gia của các học giả: Đoàn Ánh Dương, Đinh Hồng Hải, Đỗ Thu Huyền, Lý Hoài Thu, Phùng Ngọc Kiên, Mai Anh Tuấn, Trần Ngọc Hiếu, Nguyễn Thị Năm Hoàng, Phạm Văn Hưng, Trần Thị Thục, Hồ Khánh Vân, Kevin Hart (Đại học Mahidol, Thái Lan), Earl Jackson (Đại học California, Mỹ)...
Theo nhóm tác giả, phê bình cảnh quan (landscape criticism) là một lĩnh vực mang tính liên ngành. Trong địa hạt văn hóa, nó nằm ở điểm giao của khoa học địa lý và nhân văn, khoa học môi trường và kiến trúc, lịch sử xã hội và mỹ học, đồng thời liên đới chặt chẽ đến nghiên cứu không gian như là một thành tố của thi pháp nghệ thuật. Phê bình cảnh quan chú ý tới tầm quan trọng của cảm xúc và thế giới tinh thần của chủ thể, của cá nhân tác giả và của chính công chúng tiếp nhận tác phẩm như một động lực trong việc kiến tạo và giải kiến tạo, huyền thoại hóa và giải huyền thoại hóa cảnh quan. Từ lý thuyết cảnh quan, có thể khám phá và thảo luận về ảnh hưởng của các mô hình kiến tạo cảnh quan đã ảnh hưởng xuyên qua nhiều thế kỷ, nhiều đất nước thông qua văn chương và nghệ thuật.
Mặc dù cảnh quan giữ vai trò quan trọng trong các thực hành nghệ thuật và nghiên cứu hàn lâm, song hướng tiếp cận phê bình cảnh quan, địa lý nhân văn (human geography) lại còn khá mới mẻ và chưa được chú ý đúng mức tại Việt Nam. Qua những gợi dẫn lý thuyết phong phú trong tiếp cận cảnh quan của nhóm tác giả, chúng ta có thể thấy tiềm năng và sự rộng mở của hướng nghiên cứu này. Công trình Cảnh quan Việt Nam trong văn học và điện ảnh: Những tiếp cận xuyên văn hóa đã thiết lập lời hồi đáp cho những câu hỏi về sự trình hiện/tái trình hiện, diễn giải/tái diễn giải “cảnh quan Việt Nam” qua nghệ thuật của các thế kỷ, của Việt Nam và các quốc gia trên thế giới; về mối tương quan giữa cảnh quan văn chương, điện ảnh, nghệ thuật tạo hình với văn hóa đại chúng, ý hệ, lịch sử tư tưởng, nghiên cứu giới, tâm lý học, sinh thái học, quy hoạch đô thị...
Bìa cuốn sách "Cảnh quan Việt Nam trong văn học và điện ảnh: Những tiếp cận xuyên văn hóa" - Ảnh: CLB ĐA |
Cuốn sách gồm hai phần: Cảnh quan văn học và địa lý văn chương; Cảnh quan trong điện ảnh và nghệ thuật thị giác, với 27 tiểu luận công phu. Chiếm vị trí quan trọng là nhóm bài viết quan tâm đến sự phục dựng và kiến tạo cảnh quan Việt Nam từ điểm nhìn của lý thuyết hậu thuộc địa và tiếp cận chủ nghĩa dân tộc (nationalism). Bên cạnh đó, một số tác giả tập trung vào sự theo dõi và trình hiện/tái trình hiện các cảnh quan bản địa trên cơ sở của kiến tạo văn hóa vùng miền/nơi chốn. Trong mạch quan tâm đến địa phong cảnh và tiếp cận tân duy sử với cảnh quan, một số tác giả viết về những “cảnh quan xã hội”, “cảnh quan chính trị”, hay cảnh quan trên “mặt tiền của các giao tranh tư tưởng” trong xu thế phát triển và cải tạo nông thôn - đô thị, cũng như mối tương tác phức tạp giữa thân phận, thân thể và cảnh quan. Ngoài ra, một số tác giả còn quan tâm tới chủ đề tiếp cận cảnh quan từ góc nhìn tâm lý học, phân tâm học và lý thuyết chấn thương. Trong bối cảnh của những nghiên cứu về giới (Gender Studies) đang được xiển dương trở lại tại Việt Nam, một số tác giả đã tìm kiếm mối dây liên kết phức tạp giữa các diễn ngôn về giới và cảnh quan trong các tác phẩm nghệ thuật.
Cảnh quan Việt Nam trong văn học và điện ảnh: Những tiếp cận xuyên văn hóa cung cấp cho độc giả cái nhìn mang tính hệ thống và gợi mở về phê bình cảnh quan. Nhóm tác giả đã viện dẫn, phân tích, thảo luận, tranh biện các khía cạnh của lý thuyết cảnh quan nhằm tạo ra những cách đọc và tri nhận cảnh quan mới, như: cảnh quan là nơi thực hành kiến tạo và xác lập chủ thể; cảnh quan là không gian khám phá tâm lý xã hội; cảnh quan là chiến lược tìm công bằng sinh thái, công bằng giới; cảnh quan gắn liền với cấu trúc quyền lực và các thực hành biểu đạt... Thông qua cuốn sách, độc giả được “du ngoạn” và trải nghiệm cảnh quan của Việt Nam; được ngắm nhìn các cảnh trí, nơi chốn, vùng miền từ góc nhìn của các đạo diễn điện ảnh, các nhà văn, nhà thơ; được bước ra “ngoài Việt Nam” xem người nước ngoài hay người Việt di dân tri nhận về cảnh quan Việt Nam như thế nào theo chiều dài của lịch sử thuộc địa hóa và giải thực dân hóa.
Có thể nói, Cảnh quan Việt Nam trong văn học và điện ảnh: Những tiếp cận xuyên văn hóa là công trình chuyên sâu đầu tiên về tự sự cảnh quan, phê bình cảnh quan tại Việt Nam, đồng thời là sự kiện giàu ý nghĩa trên hành trình nghiên cứu và ứng dụng các hướng tiếp cận mới về văn học, điện ảnh nói riêng và nghệ thuật nói chung của thế giới tại Việt Nam. Đây cũng là bước khai mở cho tiến trình lâu dài của việc xây dựng “hệ tri thức cảnh quan”, “văn hóa cảnh quan”, “đối thoại cảnh quan” của Việt Nam với thế giới trong bối cảnh xuyên văn hóa và toàn cầu hóa.