Văn hóa nghệ thuật

Sách cũ và cuộc chiến bảo vệ sự sáng tạo

Phúc Lâm
Sách 09:22 | 05/06/2025
Nước Pháp đang chứng kiến một nghịch lý kỳ lạ, trong khi số người đọc sách suy giảm, thị trường sách cũ lại bùng nổ chưa từng có. Điều đó khiến các nhà văn lo lắng. Phải chăng sáng tạo đang bị bóp nghẹt bởi chính lòng yêu sách của độc giả?
aa

“Sách cũ đang âm thầm xâm chiếm toàn bộ chuỗi sách”, lời cảnh báo không mấy dễ chịu này không đến từ các nhà phát hành hay giới doanh nhân, mà là từ chính những người cầm bút. Trong một bài xã luận đăng trên Le Monde đầu tháng 6 năm 2025, hơn 40 nhà văn nổi tiếng tại Pháp, như Olivier Adam, Sorj Chalandon, Marie Desplechin, Catherine Meurisse, đã đồng loạt lên tiếng về mối đe dọa đang lặng lẽ gặm mòn nền sáng tạo, đó là sách cũ.

Sách cũ và cuộc chiến bảo vệ sự sáng tạo
Hội chợ sách ở Pháp. Ảnh: Le Monde.

Trong vòng 10 năm, thị trường sách cũ tại Pháp đã tăng trưởng tới 30 phần trăm, không chỉ ở số lượng người mua, số bản sao giao dịch mà còn ở tổng số tiền chi tiêu. Một trong bốn tiểu thuyết đương đại, một trong hai tiểu thuyết trinh thám được mua lại từ thị trường sách đã qua sử dụng. Không thể loại trừ thể loại nào, từ truyện thiếu nhi, truyện tranh đến văn học đương đại.

Sự phát triển này được thúc đẩy mạnh mẽ bởi các nền tảng bán hàng trực tuyến, nơi mà một cuốn sách mới có thể bị rao bán lại ngay khi vừa ra kệ, với mức giá rẻ hơn đáng kể. Tại quốc gia vốn nổi tiếng bảo vệ giá cố định sách như Pháp, đó là một cú sốc.

Vấn đề cốt lõi được các nhà văn chỉ ra là, sách cũ không tạo ra bất kỳ khoản bản quyền nào cho tác giả hay nhà xuất bản. Người viết, người biên tập, người dịch sách, tất cả không được chia một xu nào từ mỗi giao dịch lại trên các nền tảng sách cũ.

Không như sách mượn thư viện, một hệ thống công cộng có quy chế trả tiền cho tác giả từ ngân sách nhà nước, sách cũ lại vận hành hoàn toàn trong thị trường tư nhân. Các nhà văn mô tả hiện tượng này là “ngành công nghiệp ăn thịt chính mình”, nơi sự sáng tạo, dù đã sinh ra cuốn sách, lại không được thụ hưởng gì từ vòng đời kéo dài ấy.

Trái với hình dung phổ biến rằng sách cũ là cứu cánh cho người nghèo, các dữ liệu từ Bộ Văn hóa Pháp và tổ chức Sofia lại cho thấy điều ngược lại, 75 phần trăm người mua sách cũ là người trên 35 tuổi và thuộc nhóm xã hội CSP+ (các tầng lớp có học vấn và thu nhập cao). Họ không thiếu tiền, nhưng lại chọn sách cũ như một lựa chọn “khôn ngoan”. Sách cũ giờ đây không chỉ là giải pháp tiết kiệm, mà còn là biểu tượng của tiêu dùng thông minh, và chính điều đó đang làm tổn thương sâu sắc tới giới viết lách.

Trước tình trạng đó, các nhà văn kêu gọi áp dụng một giải pháp đơn giản nhưng mang tính hệ thống, đóng góp bản quyền vài xu cho mỗi cuốn sách cũ được bán ra, tương tự như cơ chế thu phí bản quyền khi nghe nhạc hoặc sao chép tài liệu. Giải pháp này, theo họ, sẽ không làm khó người mua, kể cả những người có thu nhập thấp, nhưng đủ để nuôi sống nền sáng tạo lâu dài.

“Chúng tôi không đòi hỏi quá nhiều. Chỉ một vài xu để tiếp tục viết”, một nhà văn viết. “Bằng không, sẽ đến lúc chẳng còn ai viết nữa.”

Sự bùng nổ của sách cũ đúng là tin tốt cho việc tiếp cận tri thức. Nhưng nếu người sáng tạo không còn động lực sáng tác vì không được trả công, thị trường ấy sẽ sống nhờ cái gì? Những cuốn sách tuyệt vời mà chúng ta tìm thấy trên kệ sách cũ, ai đã viết chúng? Và ai sẽ tiếp tục viết?

Câu hỏi không chỉ là chuyện của Pháp. Trong kỷ nguyên số hóa và mua bán toàn cầu, cuộc chiến bảo vệ quyền tác giả và sự sống còn của văn chương là một thách thức không của riêng ai.

“Bạn có sẵn sàng trả thêm vài xu cho sách cũ, để người viết còn có thể sống và viết tiếp?” - Một câu hỏi không dễ trả lời, nhưng đã đến lúc cần được đặt ra nghiêm túc.

Ruộng, rừng, và hành trình đời người

Ruộng, rừng, và hành trình đời người

Ra mắt lần đầu vào năm 2006, Màu rừng ruộng - tiểu thuyết đầu tay của Đỗ Tiến Thụy - đến nay vẫn là tác phẩm gây ám ảnh nhất trong văn nghiệp của anh. Trên nền không gian kép Ruộng và Rừng, nhà văn không chỉ tái hiện một thế giới nông thôn Bắc Bộ và Tây Nguyên hậu chiến bằng lối kể truyền thống ngồn ngộn chi tiết, mà còn mạnh mẽ đặt ra câu hỏi về sự lạc hậu, mông muội và bi kịch tinh thần mà con người phải gánh chịu dưới ách tập tục, luật tục và ký ức tập thể.
Tự do của loài chim - Thơ Vi Thùy Linh

Tự do của loài chim - Thơ Vi Thùy Linh

Baovannghe.vn- Loài chim nào bay cao, nhanh nhất/ Loài chim nào nhiều sức mạnh
Nhà văn, nhà báo Hồ Quang Lợi ra mắt cuốn sách thứ 11 "Sự thật, Lẽ phải và Ngọn bút"

Nhà văn, nhà báo Hồ Quang Lợi ra mắt cuốn sách thứ 11 "Sự thật, Lẽ phải và Ngọn bút"

Baovannghe.vn - Sáng 12/6, nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025), Thư viện Quân đội phối hợp Nhà xuất bản Hà Nội tổ chức lễ ra mắt cuốn sách Sự thật, Lẽ phải và Ngọn bút của nhà văn, nhà báo Hồ Quang Lợi.
Vai trò của thanh niên trong bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

Vai trò của thanh niên trong bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

Baovannghe.vn - Chiều 12/6, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Đề án Thanh niên tham gia bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam giai đoạn 2024-2029.
Triển lãm "Chân dung thời gian" của họa sĩ Phạm Duy Quỳnh

Triển lãm "Chân dung thời gian" của họa sĩ Phạm Duy Quỳnh

Baovannghe.vn - Triển lãm Chân dung thời gian của họa sĩ Phạm Duy Quỳnh giới thiệu tới công chúng 24 tác phẩm sơn dầu và 12 tác phẩm sơn mài khổ lớn trong bộ sưu tập của họa sĩ.