Sáng tác

Cây Cà Na và ký ức tuổi thơ. Tản văn Kim Quyên

Kim Quyên
Tản văn
14:05 | 24/07/2024
Trong các loại cây tôi thích nhứt cây cà na. Trái ô môi, mỗi khi ăn phải bỏ lớp vỏ cứng bên ngoài mới ăn được phần ruột ngòn ngọt bên trong, khi ăn phải nhìn kỹ
aa

Trong các loại cây đó tôi thích nhứt là cây cà na. Trái ô môi, mỗi khi ăn phải róc bỏ lớp vỏ cứng bên ngoài mới ăn được phần ruột ngòn ngọt bên trong, mà khi ăn phải chú ý nhìn kỹ không thì cắn phải những con sâu no tròn núp kỹ phía trong những mắc trái, ăn xong cái miệng đỏ tươi như dính cỗ trầu của mấy bà già, nhìn thấy ớn lắm. Trái trâm hình dạng giống trái nho đen của Mỹ, ăn ngọt ngọt chát chát, cơm không nhiều, ăn xong miệng, răng nhuộm đen thui thùi lùi như ngậm mực Tàu, nhìn thật dễ sợ. Củ co tròn tròn như củ năng, khi luộc chín, ruột bùi bùi béo béo nhưng muốn ăn nó phải chịu khó lặn hụp dưới kinh, dưới ruộng mò kéo lên, lặt từng củ, khó khăn cực khổ vô cùng. Củ ấu cũng na ná như vậy nhưng trái của nó hình dạng cong queo khó lấy ruột nguyên vẹn. Chỉ có trái cà na là dễ ăn, dễ hái hơn cả.

Cây Cà Na và ký ức tuổi thơ. Tản văn Kim Quyên
Ảnh mang tính minh hoạ

Trước nhà, cạnh con sông nhỏ nhà nội có một hàng cà na tự mọc. Tàn lá sum suê, tới mùa cà na khoảng gần Tết, trái đơm đặc trên cành, đám con nít chúng tôi thường tụ tập quanh dưới gốc cà na, hò hét y uông rồi từ trên cành cao nhảy ùm xuống sông thi nhau lội đua, đứa nào lội nhanh nhất, đẹp nhất thì thưởng cho một bịch cà na đập, trộn muối ớt. Tôi là đứa lội yếu nhứt đám, chỉ biết lội lõm bõm kiểu “chó lội” chớ không biết thả ngửa, không biết lội ếch gì cả nên thường là lội sau cùng. Vả lại, tôi không có ý tranh giải thưởng với đám bạn vì hàng cà na đó của nội tôi, muốn ăn lúc nào mà không được, nhưng chú Út tôi muốn đám cháu với mấy đứa con nít tập lội cho giỏi, vì dân sống miền sông nước mà không biết lội là nguy hiểm tính mạng nên chú bắt ép chị em tôi phải tham gia. Những cành cà na là đà trên mặt nước bị chúng tôi nhún nhảy gãy gần hết. Trái của nó rụng trôi trên nước trông thật tiếc uổng. Có lần, nhìn mấy trái cà na xinh xắn thon thon trôi theo nước, tôi tiếc của bơi theo vớt, tới khi lạnh run không bơi theo được nữa bèn chống chân xuống đất thì hụt hẫng không chạm tới được. Tôi chới với ú ớ kêu, tóc tai xã xượi trên mặt nước, bụng uống đầy nước, đầu óc hoảng loạn, chìm dần vào dòng nước đang chảy... Từ trong lòng nước đục phù sa, tóc tôi bị ai nắm chặt đau buốt, kéo lê lên khỏi mặt nước, rồi tiếng nói ồ ề của chú Út vang lên: “Phụ… kéo nó… lên...”

Tôi được đặt nằm dốc ngược đầu xuống, nước trong cổ trào ra miệng, mũi nóng ấm, chú Út biểu con Vân đè lên bụng cho nước ra tiếp. Con em tôi vừa đè vừa khóc rấm rức, nó kể lể “Cà na thiếu cha gì mà chị tiếc, chú Út không cứu kịp là Hà Bá kéo đi rồi hu… hu...”. Một hồi lâu sau tôi mới tỉnh lại, ngồi dậy trong tiếng reo mừng của đám bạn.

Tuy bị chết hụt nhưng tôi cũng không tởn, vẫn kiên trì tập lội. Mùa cà na nào cũng ngoài giờ đi học, tôi thường ra bờ sông ngồi dưới gốc cà na vừa học bài, vừa nhâm nhi mấy trái cà na chát chát chua chua chấm muối ớt, nhai ngọt lịm.

Những cây cà na năm đó đã bị bom đạn Mỹ rải hóa chất tiêu diệt, không còn một cây nào để chúng tôi tụ tập lội sông. Chú Út tôi theo bộ đội đánh giặc đã hy sinh năm 1972, ông bà nội tôi cũng mất, bọn tôi giờ đã chồng con bộn bề, ít khi về lại quê xưa.

Nhưng năm nào gần Tết, tới mùa cà na, tôi thường nhờ mấy đứa em họ mua dùm mấy kg để làm mứt. Mứt cà na là món ăn bổ dưỡng, xanh sạch, nó giống như mứt mơ nhưng ngon hơn vì có vị chua chua rất ngon. Cà na tự mọc nên không hề có hóa chất, trái thon thon hình bầu dục, có vị chát chát chua chua, khi làm mứt, chịu khó chẻ thịt ra làm bốn, năm đường, ngâm trong nước muối hột vài giờ (1kg cà na ngâm với 3 muỗng canh muối hột), sau đó xã cà na 2, 3 lần cho bớt chua (bóp nhẹ tay cho ráo), ngâm cà na với đường (1kg với 400 gram đường) qua một đêm rồi sên khoảng 10 phút, không để lâu trái cà na nát không ngon. Cà na bỏ vào hộp để tủ lạnh ăn được lâu. Vị chua chua ngọt ngọt dòn dòn, ngậm từ từ trong miệng để thấm hương vị thiên nhiên của đất trời ban tặng.

Thành thị không thiếu gì bánh mứt cao sang nhưng pha chế quá nhiều màu mè hóa chất. Tôi vẫn nhớ và thường làm những món ăn từ cây trái sạch xanh, những món ăn quê mùa vừa ngon vừa bổ dưỡng đã đi vào ký ức khó nguôi quên.

Kim Quyên | Báo Văn nghệ

Dì tôi - Tản văn của Đào Mạnh Long

Nghệ thuật chữa lành những tổn thương - Tản văn của Ý Dĩ Trần

"Cho một ngày bình thường" tản văn của Trần Quỳnh Nga

Má tôi - Tản văn của nhà văn Thanh Thảo | Báo Văn Nghệ

Chiếc xe đạp của mẹ. Tản văn của nhà văn Nguyễn Hiệp

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.