Sáng tác

Chuyện buồn tuổi mười tám - Truyện ngắn của Nguyễn Thị Minh Hoa

Nguyễn Thị Minh Hoa (Dân tộc H\'Mong)
Truyện
19:29 | 11/08/2024
Mẹ tôi chết, điều khủng khiếp ấy đã xảy ra trong gia đình tôi. Sau lễ cúng ba ngày cho mẹ, cảnh nhà tôi vốn đã vắng teo, buồn bã, giờ lại thêm tẻ ngắt.
aa
Chuyện buồn tuổi mười tám - Truyện ngắn của Nguyễn Thị Minh Hoa
Chuyện buồn tuổi mười tám - truyện ngắn của Nguyễn Thị Minh

Mẹ tôi chết, điều khủng khiếp ấy đã xảy ra trong gia đình tôi. Sau lễ cúng ba ngày cho mẹ, cảnh nhà tôi vốn đã vắng teo, buồn bã, giờ lại thêm tẻ ngắt, chán chường. Thời gian như chậm lại trong hơi thở của từng người. Mọi người đều trở nên lầm lì, ít nói, chỉ đưa tay ra hiệu hay tỏ thái độ bằng ánh mắt, một ánh mắt khác thường.

Bố tôi tọp hẳn đi, ông vốn đã gầy giờ lại dúm dó tội nghiệp trong bộ quần áo rộng thùng, cáu bẩn và cũ nát. Ông vẫn sớm tối cầu kinh với một thái độ nghiêm trang, thành kính. Tiếng cầu kinh này tôi quen lắm rồi; dường như tôi đã lớn lên trong nó, nghe thấy nó nhiều nhất trong đời. Ngoài ra ông thường đi chơi với ông cụ Vạn trồng hoa cạnh nhà. Ông cũng ao ước cái thú chơi tao nhã mà lại ra tiền này lắm, nhưng không được, ông đã quen với cái nghèo và cái khó, chưa bao giờ ông có được sự thanh thản, kể cả lúc ông cầu kinh, khi ông sám hối, trong ánh mắt ông luôn chất chứa sự suy tư, dằn vặt. Thỉnh thoảng tôi thấy ông ngược lên tấm ảnh Đức Mẹ như van lơn, lúc lại như phẫn uất, rồi lại có lúc như trách móc. Khó mà hiểu nổi. Sau những lúc đó ông lại ngồi thừ nhìn xa xăm, nhìn trời mây, mắt ông lơ đễnh nhưng lại buông cái thở dài đánh thuột, cái chép miệng rõ kêu và kết thúc bằng một câu buông sõng "kiếp người".

Dường như cái điệp khúc này ăn sâu vào con người ông, đeo đẳng ông đã lâu. Tôi chỉ biết rằng khi tôi đủ lớn để nhận biết cuộc sống thì tôi đã thấy.

Cũng đúng thôi, ràng rịt lắm chứ. Cái cảnh một người vợ quanh năm ốm yếu, da vàng bủng, đút cơm vào lại ứ lên chảy ra, suốt ngày ôm bụng rên hừ hà đau đớn, hai đứa con dở nằm dở bò, hôi hám, dị dạng đã đủ chán cảnh, chán tình; đằng này lại thêm cái túng bấn bám riết cuộc sống. Bố tôi lại buồn.

Chị tôi vẫn vậy. Vẫn cái việc làm của suốt hai mươi năm là ôm con mèo. Chị đã lớn và nó thì đã già. Nhưng chị đâu biết điều đó. Vẫn lấy cái dây nhử nhử cho nó gẩy lại, nhưng nó cứ ì ra chán chường lim dim ngủ hoặc là chạy đi; chị chỉ có thể vớ bất cứ cái gì ném theo con mèo hoặc là lật đật chạy theo nó ú ớ me...eo.

Còn em tôi xanh tái, đôi mắt trố đờ đẫn, trông vừa thương vừa sợ. Nó khóc oe oe suốt ngày vì thiếu mẹ, người nó ườn ra, đôi chân mềm nhũn chạy sượt. Mới chưa đầy một tuổi lại bệnh tật, nó cần mẹ làm chứ, khổ nhất là lúc cho nó ăn, cứ ăn vào là nó lại ọe ra, nước mắt nước mũi giàn giụa. Đôi bàn tay bé xíu khẳng khiu hất tới tấp thìa thức ăn. Nhìn nó tôi lại ứa nước mắt.

Chỉ có tôi, đứa con duy nhất lành lặn. Người mà bố tôi gửi hết niềm tin hi vọng cho cuộc đời coi như đã hết của ông bà. Trong mỗi việc làm, bố nhìn tôi vừa trìu mến vừa như biết ơn. Tôi nhớ mãi chiều hôm mẹ tôi vào viện. Bố bảo tôi bằng giọng nghèn nghẹt:

"Mẹ sẽ về với Chúa thôi con ạ. Âu cũng là do Người định đoạt... Bố rất thương con. Cảnh nhà đã vậy... lại..."

Tôi gục xuống vai bố như tìm một điểm tựa, không dám tin vào sự thật mà bố nói kia. Bố ôm lấy vai tôi, giọng vừa như phân trần vừa như giãi bày:

- Số con "hồng nhan bạc phận" mà coi tướng thế này không bị vùi dập cũng gian truân "lỡ bước".

Ông nói một mạch như sợ điều gì đó ngăn cản. Rồi ông khóc, khuôn mặt nhăn nheo chứa chan trong nước mắt. Môi ông run run, tôi biết ông đang xúc động mạnh vì vết sẹo nơi khóe miệng ông ửng đỏ giần giật, lời nói như chất chứa dồn nén suốt mười tám năm rồi, hôm nay ông mới quyết định nói. Ông đã đưa cho tôi một hành trang vào đời ư? Chịu sự mất mẹ như một lẽ đương nhiên của Chúa. Đón nhận cái khổ đau của một kiếp người cũng lại từ Chúa. Ngày nào hai bố con tôi cũng cầu kinh. Bởi vì cả chị và em tôi đều không nói lên lời, không đủ sức sống của một sinh mệnh. Không khí lúc đó thật nghiêm trang. Lời bố tôi lúc sang sảng, khi êm ái thiết tha, lúc lại tắc nghẹn như đoạn cuối của một con đường, người ta đã bị rút hết sức lực, đói khát và kiệt quệ mọi thứ; người ta bắt đầu rên xiết và âu lo. Nhưng phải nói ông có một giọng rất hay, nó dứt mạch, rõ gọn và rất truyền cảm, sau đó bố lại dạy tôi cái tinh hoa, anh chất của Thánh kinh, Kitô giáo, về Chúa, về cứu ước, tân ước... Rất hay, rất logic mà tôi nhồi nhét nó một cách lộn xộn không đầu, không cuối. Ngày nào cũng cầu nguyện, sám hối, học hành sách thánh, thế mà tôi càng thấy Chúa xa vời, thấy một sự bộn bề đang giày xéo tâm hồn tôi.

Tôi vẫn là đứa học dốt nhất lớp, không bao giờ tôi có được điểm bảy. Tôi tiếp thu lời cô giáo giảng một cách cố hữu, tai nọ ra tai kia, cuối cùng lại là con số không tròn trĩnh. Tôi không bao giờ làm bài tập ở nhà chứ chưa nói đến chuyện đọc trước bài mới. Thời gian chỉ có cho tôi cầu kinh sám hối, nghe bố tôi truyền giảng những lời ông thu lượm được ở trường Dòng. Bởi vì khi xưa gia đình bên cụ nội tôi thuộc gia đình công giáo giàu có về của cải và có cả thế lực nữa. Nhà tôi ngay sát cạnh nhà thờ. Nước mưa từ những bức tường thành xam xám uy nghiêm kia vẫn thường xối xuống sân nhà tôi và cái bóng râm hình tháp vẫn đổ xuống sân nhà tôi, che cho chị và em tôi lê la chơi bời. Tôi lớn lên không có lời mẹ ru, không có chuyện cổ tích về những nàng công chúa và chàng hòang tử... Mà chỉ có tiếng chuông nhà thờ như định mệnh vang lên đều đặn mỗi ngày. Đêm đêm tôi lại nghe thấy tiếng cha xứ cầu kinh và rồi cả tiếng bố tôi trong đêm khuya vắng nó cất lên như ngậm ngùi xót xa.

Thời gian còn lại chỉ đủ cho tôi bù đầu lên với việc nhà. Ngày mẹ tôi khỏe thì tôi cáng đáng tất tật việc nhà cho cả chị và em, rồi lợn gà, cám bã... Khi mẹ ốm yếu, tôi và bố tôi lại kiêm luôn cả ruộng vườn. Tôi là một cái máy liên hoàn của sự lao động vì gia đình và vì Chúa.

Tôi nghe phong thanh có người nói rằng: Đất nhà tôi mất phước. Có thể đúng thật.

Ngày bố tôi xuất ngũ với cái thẻ thương binh 2/4, ông được hưởng một khoản tiền chế độ ít ỏi. Không hiểu vì lí do gì, hay mong thỏa mãn tâm tưởng, bố tôi lại quyết định xây nhà thờ họ. Ngày tuần hay giỗ tết bố tôi vẫn hương khói với lòng thành kính cẩn.

Thế là ông lại theo cả đạo Phật. Sách Thánh, sách Phật cứ được cha tôi thu nhận và nuôi dưỡng trong tâm hồn, trong cái thể xác ốm nhách nghèo hèn.

Có lúc tôi đã muốn bỏ học, nhưng lại tiếc bốn tiếng mỗi buổi sáng ở một tiểu trường huyện. Dẫu tôi có bị chê bai về học hành hay bị xem thường về quần áo nhưng cuộc sống trường lớp vẫn có thể đem lại một chút ánh sáng cho cuộc đời tôi. Cho tôi cái nhìn trìu mến của thằng Duy bên cạnh hay cầu khẩn cho tôi chép bài hoặc cái nhíu mày của nó mỗi lần thấy tôi thản nhiên nhận ngỗng. Và nó còn cho tôi cái nhìn (cho dù tôi có ái ngại, sợ sệt) của thầy dạy thể dục. Nó như có cái gì mơn trớn vuốt ve khiến má tôi nóng bừng. Cái Thủy lại che miệng bảo tôi một câu kiểu như: "Bạn đẹp như hoa hậu ấy, thầy mê tít." Tôi lại cúi đầu không dám phản ứng bất kì ai. Điều làm tôi sợ nhất là tôi hay nghĩ về thầy. Với thân hình vạm vỡ, rắn chắc thường bó gọn trong bộ đồ thể thao xanh. Thầy trông như một vận động viên thực thụ trước đường đua và hẳn vinh quang sẽ chọn mặt gửi vàng, Chúa sẽ ban ơn cho thầy. Lại cái miệng thầy với cặp môi dày quyến rũ... Tôi không dám nghĩ nhưng nó cứ bám riết lấy tôi, đeo đẳng tôi nhiều lúc. Bởi con người ấy, cái miệng ấy và giọng nói ấy sao mà làm ngơ được. Nhất là giọng nói: "Em. Chúa của lòng anh" trong một lần sau giờ tập chúng tôi cùng đi rửa tay chân thầy đã nói bâng quơ quá, ỡm ờ quá. Tôi không muốn thế nhưng lại thích... Thật tôi không thể hiểu nổi chính tôi. Và điều như không dám tưởng lại xảy ra. Tôi đã từng ước ao được áp khuôn mặt mình vào bộ ngực vạm vỡ kia, được chạm môi vào đôi môi ươn ướt có ma lực kia và ghì riết cái thân thể cường tráng kia vào mình bằng tất cả sức lực của cái tuổi mười tám đầy khát khao này.

Dù là sự thực. Sự thực một trăm phần trăm của ý nghĩ nhưng tôi phải chối, phải dối với lòng mình. Nghĩ đến nó tôi vừa sợ, vừa thích lại thấy ngường ngượng. Có một ngày vui, ngày vui mới gần đây thôi mà lại cho tôi nỗi buồn, nỗi buồn của đời con gái, của cả đời người...

Hôm ấy mẹ đi chợ về mua cho tôi một mảnh vải áo, nền đỏ, hoa trắng tuy hơi lòe loẹt nhưng rất hợp với tôi. Tôi ao ước nó từ lâu nhưng nay mới được. Lòng lâng lâng tôi chạy qua đường làng lên mặt phố may áo. Không còn để ý đến ai. Tôi chỉ nghĩ rằng cái áo này sẽ cho tôi chút ít niềm vui, thằng Duy sẽ nhìn tôi lâu hơn. Thầy thể dục sẽ cả buổi nhìn tôi hay cứ gọi tôi lên tập mãi, hoặc cuối giờ chờ đợi tôi để lại nói một câu gì đó. Vừa vui, vừa rối bời bao ý nghĩ; bỗng tiếng phanh xe kin kít cạnh tôi, một cái xe đua, trên đó là một vị "á thánh" đúng không sai, một cặp kính trắng, một khuôn mặt khả ái... Cái cặp xoạt rơi xuống đất, sách vở giấy tờ lả tả, một giây cho bốn con mắt nhìn nhau rồi nhìn xuống đất (Ôi! đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ như in) một giây như một tiếng thét của định mệnh, của một sự choáng ngợp, của sự khởi đầu đau khổ. Tiếng sét ái tình lần đầu tiên đã đủ sức đập vỡ trái tim tôi. Cả hai cùng cúi xuống nhặt vở và cùng đi bộ. Có một sức hút kì lạ, có một niềm tin, một sự say mê tuyệt đỉnh trong tôi. Chàng đã là điểm hội tụ ngời sáng trong tôi làm lu mờ mọi thứ. Những câu phải nói, những cử chỉ tối thiểu nhất, cái nhìn chan chứa nhất đã làm cho có nhau mọi lần sau.

Cái áo may xong cũng là ngày mẹ tôi vào viện. Đó là thời gian biến chuyển hối hả của tình yêu trong chúng tôi. Mọi cái trong tôi đều bị loại trừ đi nhiều. Thời gian không đủ cho tôi suy tư, cho nỗi nhớ của tôi. Anh đi vào trong hồn tôi từng lúc, từng nơi. Tôi ước ao, rồi khao khát, rồi chờ đón lần gặp gỡ đầu tiên ấy đã đủ làm cho tôi tưởng tượng lại đến trăm ngàn lần. Không còn một thằng Duy, một thầy thể dục nữa, tôi đã có anh. Bố tôi đã biết, ông không cấm, ông quý anh chân thành như một người bạn vì anh là người khơi đúng cái nguồn cuộn chảy mạnh mẽ cuồng tin trong ông. Đó là nhu cầu cần bày tỏ cần thể hiện của một con chiên một trường Dòng quý phái, cao siêu. Anh có thể ngồi cả buổi để nghe những lời ông rao giảng phúc âm về sự tạo trời, tạo đất, tạo vật của Chúa... Còn tôi như có lửa trong lòng chờ đón một cái nắm tay, một cái chạm nhẹ hay một cái hôn vội vã lúc chia tay.

Theo anh nói thì anh đang nghiên cứu văn hóa và học thêm nghề thuốc gia truyền. Tôi chỉ cần biết đến đó. Tôi yêu anh - đó là điều mà tôi chỉ muốn thét lên vì hạnh phúc.

Mẹ tôi ốm, anh hỏi thăm rất chu đáo nhưng không can thiệp vào chuyện thuốc thang. Anh bảo: "Đi đến đâu phải tin thầy ở đó, nếu mình tự ý, họ bảo khinh họ thì khốn. "

Ngoài những việc vẫn làm, bố tôi như vui hơn vì bố đã có anh - một người ý hợp tâm đầu. Chưa bao giờ bố tôi có cơ hội thổ lộ đến thế. Mỗi lần nói chuyện với anh, ông như say đi trong Thánh kinh, trong thơ, thánh vịnh... Mỗi lần đến danh từ khó diễn đạt ông thường giải thích bằng tiếng Pháp (vì ông đã học qua lớp 3 duyp lôm). Anh lại gật đầu lia lịa. Tôi có anh có thêm chỗ dựa tinh thần nữa trong những ngày mẹ ốm.

Đến bây giờ tôi cũng không biết anh có hiểu bố tôi không hay cố tình không hiểu. Sao anh lại không kéo bố tôi về bến bờ hiện thực cuộc sống để lao vào những khốn khó đời thường mà đánh bại nó. Mà lại cứ lao sâu vào cái hạnh phúc xa xăm vời vợi kia. Bố tôi, một cựu chiến binh nhập ngũ từ những năm lửa đạn 60. Đi hết mọi chiến trường lãnh cả vết thương lẫn di chứng hậu quả đáng nguyền rủa nhất của chiến tranh. Có những đêm ông vắt tay lên trán suy nghĩ để rồi nói ra trong mơ đầy lo âu bực bội "Lại mất mùa, lại đói. Thằng nông dân khổ quá. Nước mất thì chết vì chiến tranh, nước bình thì nhục vì đói kém, bao giờ mới mở mày lên được."

Sáng dậy bố tôi cứ buồn mãi, nước mắt lưng tròng khi nhìn ba chị em thổi phù phù khoai luộc.

Thế mà bố tôi lại tin rằng chị và em tôi là do Chúa phạt. Con người vốn lắm tội mà. Còn nghèo là do định mệnh, có số cả. Cả đạo Thiên chúa, đạo Phật cứ thâm nhập vào ông. Anh lại là chất xúc tác hơn. Vì quá yêu anh tôi không dám nói chuyện này.

Lời bố tôi đã đúng. Số tôi khổ lắm. Một đêm trăng anh đã xin bố cho tôi đi chơi. Vì là tối thứ bảy, bố tôi trông mẹ. Anh dịu dàng bảo tôi "Không phải đi đâu, trăng trên cánh đồng mình đẹp lắm." Chúng tôi đi về phía đó.

Trăng, toàn một không gian óng vàng. Ánh trăng như huyền tỏ. Mùi lúa đang làm đòng thơm lựng. Hai chúng tôi như hai sinh linh yếu đuối trong một thế giới choáng ngợp, ghì xiết lấy nhau. Và mọi điều theo lẽ tự nhiên xảy ra. Bản tính con người, bản tính đàn bà trong tôi đã rõ. Tôi vừa lo sợ, vừa hồi hộp chờ đón. Rồi mẹ tôi bệnh nặng, mẹ qua đời. Không còn phải chịu đau đớn. Nhưng khuôn mặt mẹ dù đã tái nhợt vô hồn vẫn còn in dấu nét âu lo khắc khổ. Nó sẽ vĩnh viễn theo mẹ về với Chúa. Chúa có cứu mẹ thoát khỏi lần này không? Tôi gào lên rồi ngất đi phải đối mặt với sự thật: Không còn mẹ. Khi tỉnh dậy, đã thấy hơi ấm từ bàn tay anh truyền sang, một điểm tựa một niềm tin và một cái mầm non đang nhú dần trong tôi. “Anh!” Tôi gọi khe khẽ. "Em gắng lên nào. Chúa sẽ nâng đỡ em.” "Lại Chúa. "Tôi chạnh lòng. Sao không phải là anh? Sao anh không dám nhận, không đủ can đảm ư? Đúng lúc này tôi lại nhận ra điều đó. Thật trớ trêu.

Rồi một ngày, tôi quyết định nói với anh "Em có thai." Không phản ứng, không lo sợ, anh lạnh lùng hút thuốc rồi nhả khói lên trời. Tôi không nhận được bất kì lời nào. Chỉ thấy hôm sau đi học về anh đang đã ngồi nói chuyện với bố tôi. Chắc lâu lắm rồi, vì chiếc gạt tàn đầy ú đầu mẩu và tàn thuốc. Bố gọi tôi ra. Tôi lo sợ đến ngất đi. Còn anh lộ rõ sợ sệt, hồi hộp.

"Thôi con ạ! Âu cũng lại đành..." Ông nói nhỏ, rành mạch như rót từng tiếng - Chúa đã sắp đặt, con không được làm bậy trái ý Chúa.

Lời bố tôi ngắt quãng run run yếu ớt. Tôi quị xuống, còn anh mồ hôi ướt đầm vai áo. Bố tôi tiếp với một giọng vừa như cam chịu vừa như cay đắng:

"Bố đưa con lên Hà Nội một tháng. Dẫu là rửa bát thuê cũng được. Nếu kham được thì ở. Nếu không cố một tháng thì về. Một tháng con gái xa nhà thiếu gì lí do. Đàn ông người ta còn công danh sự nghiệp, sa đà vào bùn rồi thì rửa cũng nhớp lắm..."

Tôi là bùn bám nhơ anh ư? Tai tôi ù đi, mắt tôi hoa lên, lòng tôi sụp đổ, niềm tin yêu hi vọng cuối cùng của tôi đây sao? Bố tôi cũng lại một lần nữa nhầm, tiếp tay cho hắn. Ông vì Chúa sợ tôi phá thai hay tin vào cái định mệnh của đời tôi...

Tôi muốn rên lên muốn thét lên cho nguôi ngoai cho hả hê lòng căm giận, bực tức và thất vọng. Tôi muốn quỳ xuống xin bố trở lại với sách đời với những bài học cuộc đời bố liên tục mắc phải mà không có bài "rút kinh nghiệm."

Và tôi muốn thét vào cái khuôn mặt khả ái kia rằng hắn đã hại đời tôi, hắn là kẻ hèn hạ xấu xa.

Trong tôi đã đủ nhen lên một niềm tin, một niềm tin cũng mạnh mẽ quyết liệt như lòng khát khao dòng đời trước kia của tôi. Niềm tin ấy chính tự trong tôi.

Tôi sẽ cho mình một sự sáng suốt, một lòng tin để vào đời dẫu rằng tuổi mười tám của tôi đã một lần sụp đổ.

Nguyễn Thị Minh Hoa | Baovannghe

Làng Ba. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thị Minh Hoa Trinh tiết xóm Chùa - Truyện ngắn của nhà văn Đoàn Lê Miêu cầm - Truyện ngắn của Lưu Sơn Minh
Văn nghệ Trẻ, số 28/1996
Cha quê - Thơ Lê Gia Hoài

Cha quê - Thơ Lê Gia Hoài

Baovannghe.vn- Vẫn đây lam lũ những phận người/ Áo nâu sờn rách nụ cười thôn quê
Bài thơ "X - men lính đảo " của Nguyễn Thị Mai

Bài thơ "X - men lính đảo " của Nguyễn Thị Mai

Baovannghe.vn - Giữa bạt ngàn thơ ca viết về biển đảo và hình tượng người lính hôm nay, thi phẩm của nhà thơ Nguyễn Thị Mai vẫn có chỗ đứng riêng bởi dư vị khác thường...
Hội Nhà văn Việt Nam: Tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Văn học năm 2024

Hội Nhà văn Việt Nam: Tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Văn học năm 2024

Baovannghe.vn - Sáng 12/12, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác văn học năm 2024, thông qua phương hướng hoạt động của năm 2025. Hội nghị được tổ chức tại Hà Nội.
Viết ở Đồng Đậu - Thơ Trần Khoái

Viết ở Đồng Đậu - Thơ Trần Khoái

Baovannghe.vn- Con ngồi thiền/ Để về lại thiên thu
Ru ca - Thơ Nguyễn Ngọc Tung

Ru ca - Thơ Nguyễn Ngọc Tung

Baovannghe.vn- Em ru ca/ Em ru nỗi người