Chuyên đề

Về miền rơm rạ tuổi thơ

Hà Huy Phú
Văn học địa phương 19:00 | 23/07/2024
Trong kí ức tuổi thơ tôi có một miền rơm rạ. Đó là cái xôm xốp nhẹ bẫng mà quây quầy đan cài nhau dệt nên những giấc mơ màu vàng mùa ấm no:
aa

“Rơm vàng bọc tôi như kén bọc tằm - Tôi thao thức trong hương mật ong của ruộng” (Nguyễn Duy). Cái hương mật ong đồng ruộng bình dị chân chất óng vàng như mật khoai lang nghệ ấy cứ đầm đậm trong tôi, lịm ngọt trong tôi đi suốt cuộc đời.

Rơm rạ tuổi thơ chính là vòng tay bè bạn, quê hương làng xóm. Con đường làng là con đường rơm sau mùa gặt, rơm trải ra phơi và khoác lên đường làng tấm áo lụa rơm níu bước chân người. Mùi rơm thật thơm như mùi nắng hương quê. Một mùi thơm nồng nàn, khô sạch tinh khiết trong trẻo. Một cảm giác ấm áp thân thiết như muốn vỗ về, như muốn gửi trao những gì còn sót lại sau gặt hái mùa màng. Nhà thơ Trần Quang Quý thật tinh tế khi nhận ra: “Mẹ gặt hái mùa màng hay mùa màng gặt hái mẹ”. Tuổi mẹ, sức lực mẹ, mồ hôi cứ hao dần đi, cứ mặn chát hơn sau bao vất vả lo toan để đổi lấy hạt gạo, hạt ngọc, hạt cơm trắng ngần. Hạt cơm thơm hương, hương cơm mới thơm theo gió thoảng bay trong ngọn khói bò lan man trên mái rạ, len lỏi qua những cọng rơm gầy để chuốt lại một lần nữa bao mưa nắng để: “Mái tranh ơi hỡi mái tranh - Ngấm bao mưa nắng mà thành quê hương” (Trần Đăng Khoa). Nhiều lúc tôi lại bâng khuâng nhớ về một tuổi thơ “úp mặt vào sông quê” trong câu hát của nhạc sĩ tài hoa Nguyễn Trọng Tạo: “Lúa gặt rồi còn để lại rơm thơm”. Mùa gặt qua rồi nhưng rơm rạ có chết đâu - rơm rạ đã thành cây lại sống một đời sống khác, sắc thái khác, một bền bỉ khác, một thăng hoa khác. Một hiện diện khác của rạ rơm chỉ có tuổi thơ mới phát hiện ra những thú vị, những so sánh, những liên tưởng mà trong bài thơ “Cây rơm” tôi đã viết: “Cây rơm không có lá - Nở một giấc mơ vàng” và: “Đầu đội chiếc nồi đất - Xương sống cọc tre vườn”. Cái hình thù cây rơm thật sống động và ngộ nghĩnh là sân khấu, đạo cụ cho đám trẻ con chơi trốn tìm; là bóng mát ủ che cho đàn gà con trưa hè, nơi con trâu nằm cạnh bên đủng đỉnh đôi mắt lim dim nhai rơm, nhai nắng.

Về miền rơm rạ tuổi thơ
Ảnh: Internet

Rơm rạ cũng có thân phận riêng, số phận riêng, chìm nổi riêng như con người mà mẹ tôi đã từng có lần thốt lên ngậm ngùi: “Quyền rơm vạ đá” như đó là chắt lọc kinh nghiệm sống trong đối nhân xử thế. Rơm rạ thật hiền hòa và có hậu. Trong kí ức tuổi thơ tôi còn in đậm hình dáng những chiếc chổi rơm mà bà tôi và mẹ tôi đã dày công chọn lựa những sợi rơm vàng mộc mạc vàng óng tỉ mẩn xếp lại đan cài vào nhau sống sít rồi buộc những nốt dây xiết vòng từng ngấn, từng ngấn như ngấn nước lụt dính bệt lên tường nhà qua từng tháng, từng năm. Khói rơm cũng khác, cứ ngỡ như nhẹ bẫng nhưng không nhẹ nhõm chút nào, cứ tỉ tê, cứ bâng khuâng, cứ rút ruột mà trải lòng, một tơ mành tinh khiết, một nặng sũng gió mưa, một an ủi sẻ chia, một đồng cảm thắm thiết. Cứ thế khói lặng lẽ hút đi bao bụi bặm ngày thường: “Cái ngọn khói hun nhèm mắt cháu - Nghĩ đến bây giờ sống mũi vẫn còn cay” (Bếp lửa - Bằng Việt), khói của tâm trạng của sự thanh lọc lan tỏa.

Về miền rơm rạ là về với hồi ức cánh đồng tuổi thơ, một cánh đồng rơm rạ mặc áo phù sa màu nâu của đất, màu vàng lúa chín, màu xanh lá cỏ. Tấm áo tuổi thơ chật dần theo năm tháng, giọng nói cứ dần vỡ ra giọng đồng giọng ruộng, tóc khét hoe nắng, móng chân móng tay ngấm vị bùn. Chính cái nồng nàn đậm đà ấy nâng bổng tâm hồn trong trẻo như cánh diều tuổi thơ với một đầu dây cắm vào đất đai rơm rạ. Tôi cứ hình dung chính rơm rạ đã chuốt óng nối dài sợi dây diều như những sợi tơ vàng để cánh diều như cánh cung, như vầng trăng khuyết ấy bay lên. Và bất chợt trong tôi vang vọng một dư âm, một lựa chọn: “Trốn lo âu tôi về lại cánh đồng” (Nguyễn Quang Thiều) về lại với miền rơm rạ tuổi thơ…

Sắc mầu tuổi thơ Những câu chuyện và trang viết tuổi thơ "Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ" phát hành phiên bản đặc biệt Những trang viết tuổi thơ Sài Gòn Tuổi thơ tản cư - Hồi ức của Lại Nguyên Ân
Nguồn Tạp chí Hồng Lĩnh điện tử
Khóc thật cho một kiếp rối - Thơ Hoàng Xuân Tuyền

Khóc thật cho một kiếp rối - Thơ Hoàng Xuân Tuyền

Baovannghe.vn- Sinh ra để làm người khó nhỉ
Người - Thơ Đoàn Mạnh Phương

Người - Thơ Đoàn Mạnh Phương

Baovannghe.vn- Khi lưỡi mềm bật lên tiếng nói, Người vẫn thường tự hỏi:/ Lý do có mặt trên đời? Sống giữa lạ quen quên nhớ, vì sao được gọi là Người?
Quy luật - Thơ Phạm Thị Diễm

Quy luật - Thơ Phạm Thị Diễm

Baovannghe.vn- Thông minh không đợi tuổi/ Tình yêu không chờ gió trăng
Chuyến xe buýt Mơ-Vọng. Phần 2

Chuyến xe buýt Mơ-Vọng. Phần 2

Chuyến xe buýt Mơ-Vọng là một bản hòa âm phức điệu giữa ký ức, thân thể và ngôn ngữ thi ca. Câu chuyện không đặt nặng cốt truyện, mà vận hành bằng không khí, bằng tinh tế của những chuyển động vi mô, nơi thân thể trở thành ngôn ngữ thứ hai. Chuyến xe buýt Mơ-Vọng gợi nhớ tới L'amant của Marguerite Duras, tới Mối tình đầu của Turgenev, nhưng mang bản sắc riêng, một Hà Nội nghèo, cũ, nhưng đầy ám ảnh; một kiểu yêu không thể lặp lại, không thể gọi tên, chỉ có thể sống một lần, trọn vẹn trong lặng im.
Biển tím. Truyện ngắn của Nguyễn Hữu Quý

Biển tím. Truyện ngắn của Nguyễn Hữu Quý

Baovannghe.vn - Tôi và em từng ở bên nhau trên một bãi biển đẹp nhất miền Trung. Tím là gam màu tổng thể của mặt biển cuối chiều hôm ấy. Cát trắng và mịn đến ngỡ ngàng là đường viền tuyệt diệu của mênh mông tím. Cả hai đầy gợi cảm, đầy giục giã trong sự ngẫu hứng thật bao dung của tôi và em.