Sáng tác

Miêu cầm - Truyện ngắn của Lưu Sơn Minh

Lưu Sơn Minh
Truyện
10:00 | 03/08/2024
Baovannghe.vn - Xưa nhà giàu họ Trương thường đi lại buôn bán khắp bốn phương. Năm ấy chuẩn bị cưới vợ cho con trai bèn để ý tìm mua sản vật quý lạ nhưng chưa thấy.
aa
Miêu cầm - Truyện ngắn của Lưu Sơn Minh
Miêu cầm - truyện ngắn của Lưu Sơn Minh

Một đêm trăng sáng, Trương lững thững đi chơi bỗng gặp một lão già ngồi ở gốc cây ven đường. Lão mời Trương quá bộ tới thăm nhà. Trương khi ấy mắt mũi kèm nhèm nhìn không rõ đường, lão mới bảo để lão dắt đi. Đi trong rừng cây được một lúc thì tới chỗ đường hẹp, hai bên là tường đá dựng đứng, cái lạnh tỏa vào người như ở trong cung trăng. Bấy giờ Trương rét quá cứng hàm chẳng nói được gì cứ cắm cúi đi theo lão già. Ánh trăng lu dần, mắt Trương lại càng không nhìn gì nữa, chỉ biết bước mà thôi.

Chợt thấy lão già à lên một tiếng, nói:

- Nhà lão đây rồi, mời quý nhân vào chơi.

Rồi quay lại gọi cửa. Trong nhà thấy có tiếng rối rít giục nhau rồi đèn đuốc sáng trưng. Cửa mở. Một bà già dắt theo thằng bé chạy ra cúi chào. Trương đáp lại rồi đưa tay xoa đầu thằng bé, nhưng nó tránh sang một bên và chạy vụt vào trong. Lão già nói:

- Mời quý nhân ngồi tạm, hàn gia quạnh quẽ may lại được đón khách, quá là đại phúc. Đoạn, lão đi vào trong nhà. Trương ngồi xuống, trong lòng phân vân không biết bà già vừa rồi có phải vợ lão không? Chợt thấy trên vách có treo một chữ Tâm màu đỏ son trên lụa bạch. Trương bước tới xem thì nghe ngoài sân có tiếng líu ríu của con gái trẻ, lại thấy vỗ tay, rồi lão già chạy ra cười nói:

- Mấy con nhỏ hàng xóm đi chơi ghé qua đấy.

Trương toan chạy ra mời vào thì lão ngăn lại, nói:

- Khỏi phải nhọc lòng quý nhân, chúng nó thấy nhà có khách thế nào cũng đi ngay thôi! Quả nhiên lao xao một hồi thì ngoài sân trở lại yên ắng. Lão già mời Trương uống nước rồi đi nghỉ. Trương sốt ruột muốn về thì lão cười, nói:

- Đã sai người đi báo rồi, mời quý nhân cứ ở lại chơi. Lát nữa có lái buôn từ Ấn Độ về thế nào chả đem nhiều hàng quý, khéo hay lại mua được khối thứ đấy!

Thấy Trương có vẻ mệt, lão mời Trương đi vào trong nghỉ ngơi, lại hẹn lúc nào lái buôn đến sẽ gọi... Trương chợp ngủ chẳng biết được bao lâu thì có người chạm vào vai. Mở mắt thấy lão già thì thào:

- Lái buôn họ Sở vừa đến xong, mời quý nhân ra mà xem.

Trương bò dậy, chờ lão già quay lưng đi vội sờ vào bọc thấy vàng vẫn còn mới yên dạ, bèn theo lão ra ngoài.

Lái buôn họ Sở mặt mày không giống người thường, nhác trông tưởng như một con mèo thiến. Đi lại uốn éo, cười cợt chào đón vẫn không ngoài một kiểu khiến người ta lạnh gáy... Trương ngồi xuống bàn thấy trên đó có bày một cái chặn giấy bằng ngọc mắt mèo chạm nổi chữ "Bạch", nét chữ cực kì tinh xảo, bèn cầm lên xem thì lái buôn họ Sở vội nói:

- Đây là vật quý của tôi, không bán, không bán... Rồi giằng lấy cất ngay vào bọc.

Trương trong lòng ngần ngại, toan đứng lên nhưng nghĩ tới việc mua đồ quý nên thôi. Họ Sở rút từ trong bọc ra một tấm chăn gấm màu huyết dụ giơ cho Trương xem, nói:

- Nếu ông mua được vật này thì cũng là hi hữu thế gian!

Lão già vẫn ngồi yên từ nãy giờ cũng chêm vào, nói:

- Ai dà, người Ấn Độ dệt gấm khéo quá nhỉ! - Trương cầm lên xem, biết ngay không phải là gấm Ấn Độ nhưng quả là hết sức đẹp. Từng sợi kim tuyến đỏ chìm bên trong tấm gấm nhấp nhánh ánh nến tỏa ra một thứ ánh sáng quyến rũ. Hoa văn thêu trên chăn dày đặc. Càng nhìn mắt Trương càng nhòa đi, lại trông hình như trong đó có hình mỹ nhân nằm nghiêng giữa khuôn trăng vẫy gọi. Lắc đầu nhìn lại thì chẳng thấy gì, vẫn chỉ toàn là kim tuyến đỏ mà thôi.

Bèn hỏi mua, lái buôn họ Sở nói giá cao quá, hai bên mặc cả cò kè mãi. Chợt nghe tiếng gà gáy lao xao, lão già nói:

- Này họ Sở kia, đây là quý khách của ta, nhà ngươi không bán rẻ được sao?

Sở bèn đồng ý bán. Đến khi giơ vàng ra trả, Trương thấy gã lái buôn nhìn túi vàng mắt sáng rực lại có ý gian, tự nhiên rùng mình, và ngấm ngầm kinh sợ, đếm chác xong xuôi đòi về ngay. Lão già bèn nói:

- Thôi được, vậy để lão đưa chân quý nhân - Đi một đỗi đường, lão nói:

- Thôi, đến đây quý nhân đi được rồi! – Đoạn quay lưng đi miết.

Trương còn lại một mình giậm chân thì thầm: Chắc lão già bỏ mặc ta để lũ cướp tiện việc đây! - Sợ quá, Trương vùng chạy. Thấy trời sáng dần, sương mù tan hết thì về tới nhà mới nghĩ lại "Thì ra chẳng phải lão già hại mình. Tối qua ta mang tiếng ở đó chơi nhưng nào đã nói được chuyện gì với nhau đâu. Đến ngay tên họ lão ta cũng quên hỏi. Chà, lú quá mất rồi!”

Trương gọi cửa thấy gia nhân ra mở bèn hỏi, mới biết đêm qua có người đứng ngoài đường gọi to "Trương quý nhân đi chơi sáng mai sẽ về, người nhà không phải đi đón đâu!" Bấy giờ có người mở cổng ra xem nhưng người kia đi nhanh lắm, đã thấp thoáng rồi chẳng thấy đâu nữa.

Trương vội vã mang chăn ra khoe, lũ gia nhân trầm trồ khen ngợi. Con chó săn của Trương như thấy đồ lạ nhảy chồm lên toan cắn xé, may giữ kịp.

Trương cười, nói:

- Các người xích nó lại cho ta! Lâu quá không được đi săn chắc hẳn đã cuồng cẳng rồi đấy.

Con trai Trương vớ được cái chăn sướng lắm, đêm ấy mang ra dùng ngay. Đến sáng bạch cũng không thấy dậy, mẹ hốt hoảng sai gia nhân vào xem thì vẫn ngủ nên không dám gọi. Mãi gần trưa gã mới tỉnh, mặt mũi ra vẻ khoái trá, nói với Trương:

- Cái chăn này quả có chỗ điệu dụng!

Rồi gã đòi đi ăn cơm ngay. Trương kinh ngạc thấy con ăn được nhiều hơn hẳn mọi khi thì lấy làm mừng rỡ, tự nghĩ chắc nhờ có cái chăn... Lâu ngày thằng con Trương hóa như tương tư cái chăn. Ban ngày ngồi đứng không yên, lại có khi nói ra tiếng "Sao lâu đến tối thế”. Ăn được nhiều nhưng cứ gầy đi, mặt hốc hác, mắt sưng húp. Sau rồi suốt ngày gã chỉ ngồi trên giường giữ cái chăn. Con chó săn của Trương một hôm xổng xích chạy vào thấy chăn sổ tới định cắn bị gã chém suýt chết. Trương mắng nhiếc con thậm tệ nhưng gã cứ lờ đi.

Lại tới khi bàn chuyện lấy vợ gã khăng khăng không chịu. Vợ Trương khuyên giải thế nào cũng không được, năm lần bảy lượt bèn cầm dao dọa nếu con không nghe thì đâm cổ mà chết. Gã mới đánh thuận theo nhưng mặt vẫn hậm hực bỏ đi. Gần sáng gia nhân nghe thấy tiếng đổ vỡ trong phòng chạy vào xem, thì ra gã treo cổ lên xà nhà, tay vẫn ôm cái chăn. Vội vã hạ xuống, may mà cứu được.

Được nửa tháng lại ép gã lấy vợ. Gã xin cho nghĩ một đêm sẽ trả lời. Sáng hôm sau, Trương nhắc lại thì gã trợn mắt: "Vậy cha cứ thử dùng cái chăn một lần xem sao?". Nói xong mặt có vẻ hối. Trương thấy quái dị, thành ra sốt ruột, chỉ mong chóng đến đêm thử xem cái chăn có gì lạ.

Buổi sáng, vợ không thấy dậy toan vào đánh thức thì con ngăn lại nói:

- Mẹ cứ để cha ngủ, may ra tới trưa mới dậy, cho mà xem!

Chợt có con ở chạy vào nói nhỏ gì đó làm vợ Trương đứng dậy tất tả đi. Thì ra trong phòng con trai có một hũ rượu lớn hết sạch lăn lóc trên nền nhà. Con ở nói:

- Ngày thường dọn phòng cậu, con thấy có hương gì lạ lắm, không hiểu sao hôm nay lại hết, chỉ còn toàn mùi rượu thôi!

Vợ Trương chạy ra mắng con. Gã cười nhạt:

- À tại cha đấy mà. Cha ngủ ngon thì con mất ngủ…

Quả nhiên quá trưa Trương mới phờ phạc bò dậy, đòi ăn ngay. Con hỏi:

- Cha trả con cái chăn chứ?

Trương mắng:

- Mày dùng đã lâu, nay đến lượt ta.

Hai cha con cãi nhau to lắm. Vợ Trương khuyên:

- Cái chăn đâu có là gì! Lại còn giành nhau với con nữa!

Trương trợn mắt quát:

- Con mụ xấu xí kia, cút mau! Rồi rút giầy ném ngay vào đầu vợ. Vợ uất quá khóc chạy ra ngoài, Trương cũng chẳng thèm nhìn đến lại quay sang chửi con. Hai cha con giằng co nhau rồi chui tọt vào trong buồng Trương đấm đá. Vợ Trương trong lòng không yên lẻn lên nghe trộm thì lẫn trong tiếng huỳnh huỵch của chân tay lại có tiếng khanh khách. Vợ Trương rụng rời không biết làm thế nào. Sau rồi chẳng biết nghĩ sao khóa luôn cửa buồng Trương lại. Suốt đêm không sao ngủ nổi nhưng sợ nên chẳng dám rình nghe trộm nữa.

Đám gia nhân bị cấm không cho lên nhà tụm lại bàn chuyện. Bầy ngựa bị bỏ đói, gõ móng cồm cộp cả đêm. Còn con chó săn già của Trương chạy đi chạy lại dưới sân và tru cho đến sáng.

Ngoài sân khi ấy đã rõ mặt người, vợ Trương mới dám gọi lũ gia nhân lên cửa phòng Trương nghe ngóng. Mãi chẳng thấy gì bèn mở cửa mang đèn nến vào xem. Trong phòng có một thứ hương kì quái tựa như là mê hồn. Gia nhân cuộn rèm cao lên rồi mang trầm tới đốt, lúc lâu mới hết. Vợ Trương mãi mới dám vào, vén màn thì thấy cha con Trương nằm lịm như chết, tay vẫn tóm chặt mép chăn. Sờ vào mũi, hơi thở chỉ còn tựa đường tơ, vội vã sai đi mời thầy thuốc.

Thầy bốc thuốc xong lại đứng chờ xem người nhà sắc thuốc, đổ thuốc cho cha con Trương chợt nhớ ra bốc nhầm thuốc ngủ. Nghĩ tới số tiền công, trả thì tiếc, bèn lẻn về dẫn ả thị tì trốn biệt. Sau vợ con chẳng biết đâu mà tìm...

Vợ Trương thấy thầy thuốc bỏ đi mất, chồng con lại càng li bì không sao tỉnh được, giậm chân mắng:

- Ai dà, cái chăn yêu nghiệt này, chỉ tại mày mà thôi! -Bèn sai gia nhân đốt lửa quẳng vào. Cái chăn ré lên như người phải bỏng. Khi xem đến thì lửa đã tắt mà chăn cũng chẳng làm sao. Đem ra bỏ xuống thủy trì tự nhiên sóng lại tấp cái chăn lên bờ. Mấy đường thêu tựa hồ hơi ướt một chút. Con chó già bỗng ở đâu chạy tới, ghếch chân đái vào cái chăn rồi lại nhảy vào cắn xé. Chăn nhũn ra, văng vẳng có tiếng đàn bà khóc mà lại như tiếng mèo kêu. Trong nhà vợ Trương thấy chồng con lăn lộn tựa hồ đau đớn lắm thì hoảng hốt sai gia nhân lôi con chó ra, họa may hai kẻ kia tỉnh lại.

Sau chờ mãi chẳng thấy chủ đỡ, gia nhân bàn nhau đem chăn lên trình quan. Quan phủ lấy làm lạ xuống tận nơi xem xét. Thấy chăn đẹp bèn nổi lòng tham tra hỏi dằng dai đến chiều rồi sai lính cất vào kho để ngày mai quyết ý. Dẫu thế trong bụng vẫn có lòng úy kị cái chăn. Chợt thấy lính canh báo có một đạo sĩ chân thọt xin vào gặp. Quan cho vào. Đạo sĩ ăn mặc rách rưới, bẩn thỉu không chào hỏi gì, nói luôn:

- Nghe đồn quý phủ có chăn đẹp, lão đến xin đây!

Quan phủ phá ra cười ha hả. Đạo sĩ cũng cười, nói:

- Chắc quý phủ không cho, vậy để lão giúp quý phủ đạo bùa, họa may trấn được sự quái lạ.

Lão trỏ gậy về phía cái chăn, vẽ gì đó vào khoảng không, đoạn phất tay áo bỏ đi. Chỉ chốc sau bóng người đã mờ mịt rồi mất hút... Cái chăn cũng im bặt không còn thấy rên rỉ nữa. Quan phủ đuổi bọn gia nhân nhà họ Trương về, rồi sai lính cất chăn, định bụng đến mai sẽ dùng thử ban ngày xem sao. Sáng hôm sau, khi mở kho thì chăn đã bị lũ chuột gặm hết. Rũ trong đống rách nát lăn ra một viên đá trắng đục, đem ra nắng thì tan thành nước nhờ nhờ như nhựa cây. Quan thở than mãi không thôi.

Cha con họ Trương ngủ mấy ngày thì tỉnh, nhưng nói năng đi lại ngơ ngác như người trên mây. Về sau chẳng nhà nào dám cho con gái về làm dâu họ Trương cả. Mà đám gia nhân cũng bỏ đi dần. Gia cảnh ngày càng lụn bại, vợ Trương đành phải bán nhà cho kẻ khác. Nghe đâu đó là một lái buôn, họ Sở...

Lưu Sơn Minh | Baovannghe.vn

Lời hứa của thời gian - Truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Quang Thiều Ngôi đền thiêng - Truyện ngắn của nhà văn Dương Hướng Ranh giới của hạnh phúc Tuần có sáu ngày - Truyện ngắn của Phong Điệp Chuyến tàu ngược thời gian. Đọc "Trăng lu" của Đinh Sỹ Minh
Văn nghệ Trẻ, số 22/1996
Nguyễn Đình Thi - Thơ Nguyên Hùng

Nguyễn Đình Thi - Thơ Nguyên Hùng

Baovannghe.vn- Sinh ở Lào nhưng là người Hà Nội/ Một nghệ sĩ hào hoa sắc sảo đa tài
Triển lãm nghệ thuật "Sắc màu bừng nở"

Triển lãm nghệ thuật "Sắc màu bừng nở"

Baovannghe.vn - Từ ngày 23/11 đến ngày 15/12/2024, tại Nguyen Art Gallery (Hà Nội), sẽ diễn ra triển lãm tranh màu nước Colors in Bloom - Sắc màu bừng nở của nhóm 6 họa sĩ trẻ.
Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Baovannghe.vn- Như những mũi lao cắm vào vùng ngập mặn/ Mầm sống gieo trên sóng nước hoang sơ
Nên bị gai đâm - Tản văn của Chu Văn Sơn

Nên bị gai đâm - Tản văn của Chu Văn Sơn

Baovannghe.vn - Và ta cứ yên trí đi qua thế giới này với bước chân quen xéo lên cỏ hoa. Thỉnh thoảng bàn chân nên bị gai đâm, để ta được giật mình: Tổn thương là rỉ máu.
Trịnh Hoài Đức - Nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa

Trịnh Hoài Đức - Nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa

Baovannghe.vn - Kịch Trịnh Hoài Đức ngoài chất hài ý nhị, sâu cay, cười ra nước mắt còn bao hàm cả triết lý sâu sắc về thế giới quan, nhân sinh quan... Thơ của ông như gieo vào lòng người cái tình sâu lắng, ngôn ngữ giản dị mà nhân văn đa nghĩa đầy tính bác học...