“Có còn làm thơ không?”, câu hỏi này khá vô duyên đối với nhiều người. Bởi gặp nhau hỏi thăm sức khỏe, chứ ai đi hỏi chuyện thơ thẩn. Cùng lắm thì hỏi “dạo này làm ăn ra sao?” nghe hợp lẽ thường hơn. Tuy nhiên, đây lại là câu hỏi vô cùng quan trọng giữa những người bạn thơ với nhau, nhất là mỗi độ Xuân về Tết đến. Tùy hoàn cảnh, câu này được hỏi thành “có làm thơ đều không?”, “làm thơ được nhiều không?”, “có bài thơ nào mới không?”, “còn làm thơ được không?”...
|
Nhóm bạn chúng tôi, đứa thì đi dạy, đứa viết báo, đứa làm nông, bộ đội, có cả làm công an, thuế vụ, doanh nhân. Nói chung, có nghề ngỗng đàng hoàng để kiếm sống. Chơi với nhau vì hợp cạ cùng gu và đều yêu văn chương, có cầm bút làm thơ khơ khớ. Ở ngưỡng ba đến bốn mươi xuân, chúng tôi đã là những “tác gia” ở địa phương. Tất cả đều nhứt thống rằng làm thơ để bày tỏ buồn vui cuộc sống, để đo độ xúc cảm với đời, bù khú cho rôm rả mỗi lúc gặp nhau, chứ chẳng mơ nên danh nên tướng bằng chữ nghĩa.
Mà nghĩ, hồi nhỏ chỉ mong lớn lên để làm nhiều việc hơn, để được sướng hơn. Ai dè càng thêm tuổi mới nhận ra càng sống càng thêm nhiều cái khổ cái lo. Vậy nên thằng nào cũng thích thơ và làm thơ, là chuyện dễ hiểu. Thơ giúp vui cuộc đời mà.
Thực ra trong nhóm có đứa quan tâm đến thơ nhiều nhiều, có đứa quan tâm đến thơ ít ít, chứ không hẳn làm thơ số lượng bằng nhau. Dưng mà đôi khi trà dư tửu hậu, một thằng bỗng buột “một năm trời nay tao chẳng viết được câu nào” cũng làm cả bọn giật mình ngậm ngùi. Nhất là mấy ông bạn văn già ngồi trách cứ “có lẽ tuổi tác đã làm tao khô dòng cảm xúc rồi”. Chơi với nhau tôi biết, chưa hẳn mấy ông này sợ mình thua chị kém em, mà đích thị mấy lão đang lo hồn mình xơ cứng. Thời buổi vật chất cào cấu đè đầu cưỡi cổ mà còn giật mình được thế, kể cũng đáng chơi.
Một dạo, khá lâu rồi mới ngồi lại với nhau. Lan man đủ chuyện, thấy đứa nào cũng thêm nhiều cái mới mẻ trong chuyện làm, chuyện nhà. Chỉ duy chẳng có đứa nào xuất khẩu được một câu thơ. Nhìn trong bàn thấy đồ ăn thức uống đã được nâng cấp thơm tho sang trọng, chứng tỏ cuộc sống anh em đều có nhiều tiến triển. Câu chuyện bây giờ xen nhiều yếu tố thời cuộc làm ăn kinh tế. Khi đã sương sương, có thằng buột miệng nhắc chuyện thơ, một vài đứa giật mình, một vài đứa xua tay “thơ thẩn con khỉ mốc”. Rồi có thằng cao giọng phát ngôn “biết làm sao được, bụi đời nó cuốn mà, thời gian và bao cái lo. Chắc bọn mình không có đứa nào đủ độ mê mẩn nàng thơ để đeo bám. Bọn mình già hết rầu”. Già ở đây là nó nói chuyện nhựa đời, cảm xúc chứ tuổi tác chúng tôi có bao lăm.
Ừ, thì có ai bảo chúng tôi đeo đẳng nàng thơ. Chúng tôi chỉ viết những câu tỏ bày cảm xúc để đo đạc tâm hồn. Cũng đôi đứa có ý bám thơ nhưng lại cứ bị hòa cuốn vào nhiều ý khác, thế nên cũng chẳng duy trì được thơ đều đặn. Vậy mà lắm lúc thót mình cám cảnh “sao ta không còn làm thơ nhiều như hồi trước”, “chà, lâu quá không có hứng thơ, kể cũng buồn”. Rồi tự an ủi “mà thôi, băn khoăn làm gì cho mất ngủ, kim tiền và tuổi tác nó tỷ lệ nghịch với cảm xúc thơ”.
Tự cho là người thẩm thơ tàm tạm, tôi rất yêu những người không coi mình là nhà thơ nhưng lại viết được những câu thơ nằng nặng. Còn những anh vỗ ngực nhà thơ mà làm nhiều câu sao sao ấy thì em chã. Chuyện thơ hay dở thì muôn trùng, chỉ rất tâm đắc một điều là: Những bài thơ làm ra khi người đời chưa biết anh là ai, thường là những bài hay nhất. Khác với gà đẻ trứng, người thơ nào càng lặng lẽ thì sản phẩm càng chất lượng cao.
Và tôi biết, ai đã lỡ vương vấn nàng thơ, càng thêm tuổi, cái câu “có còn làm thơ” sẽ thêm phần sâu xoáy tâm can. Ngẫm mình rồi tỉnh ngộ “may quá, đến giờ này nhóm chúng mình không còn đứa nào làm thơ đến độ mất ăn mất ngủ, quên vợ quên con”.