Những năm 50 của thế kỷ trước, cánh đồng làng tôi chẳng những là nơi trồng lúa và các loại hoa màu để lấy lương thực mà còn là nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào, thức ăn “sạch”, cho cả làng, vì hồi đó chưa hề sử dụng hóa chất trong nông nghiệp, chưa có thuốc trừ sâu. Nước đồng làng tôi sạch đến nỗi, khi đang làm đồng trời nắng chang chang mà khát nước thì tôi chỉ cần ra chỗ nước trong ở góc ruộng, khum hai bàn tay múc nước uống một cách ngon lành, không hề sợ bị đau bụng. Và thực tế chưa bao giờ tôi bị đau bụng vì uống nước ruộng. Hầu như suốt ngày tôi ở ngoài cánh đồng, không làm ruộng thì tôi kiếm cá, bắt cua, bắt ốc. Không kiếm cá, bắt cua, bắt ốc thì tôi thả diều, chơi khăng. Cho nên tôi mới bảo, cánh đồng làng Nguyệt Lãng là cánh đồng tuổi thơ tôi.
So với các bạn cùng trang lứa tôi có biệt tài kiếm cá. Chả thế mà bọn chúng gọi tôi là “Con Rái Cá làng Nguyệt Lãng”. Tôi kiếm cá ban ngày, tôi kiếm cá ban đêm, tôi kiếm cá khi trời mưa, tôi kiếm cá lúc trời nắng. Tôi có thể kể cho các bạn nghe hàng chục kiểu, cách, kiếm cá, bắt cá, bắt cua, bắt ốc… của tôi hồi nhỏ. Tuy nhiên, dưới đây tôi chỉ xin kể hai câu chuyện kiếm cá mà tôi đã trải nghiệm.
Minh họa của Lê Trí Dũng |
Câu cặm
Câu cặm là thuật ngữ làng tôi. Các nơi khác người ta gọi là câu cắm – loại cần câu cắm xuống đất. Cần câu cặm làm bằng một que tre già, to bằng ngón tay, dài chừng 80cm, một đầu vót nhọn để cắm vào đất cho dễ, đầu kia vót mỏng, hầu như toàn cật, vừa dẻo vừa dai (cá trúng câu tha hồ vùng vẫy không bao giờ gẫy) nối vào đó đoạn dây cước (hay dây nhợ) dài chừng 50 cm được buộc vào một lưỡi câu có ngạnh. Lưỡi câu tôi thường mua ở chợ quê, tại quầy hàng xén.
Nhái là mồi câu của tôi. Hồi trước đường làng tôi, đồng ruộng làng tôi có khá nhiều bụi rậm, bờ rậm, môi trường tự nhiên không bị ô nhiễm, cho nên ếch nhái rất nhiều. Ban đêm đi trong làng hay ngoài đồng ruộng ếch nhái kêu inh tai, cho cảm giác, đó là màn đồng ca của lũ côn trùng làng tôi. Chiều tối mỗi ngày, nhái con kéo nhau ra mặt đường kiếm ăn. Chúng rất thích ăn muỗi, đớp muỗi. Cho nên, trên đường đồng, nhan nhản những nhái là nhái. Chỗ nào có đống cứt bò thì nhái ngồi chầu rìa dầy đặc chung quanh, chờ đớp muỗi. Tụa hồ chúng đang ngồi chung quanh “mâm cỗ muỗi” vậy. Hễ có con muỗi nào lao vào đống cứt bò là ngay lập tức bị các chú nhái háu ăn đớp luôn, nuốt chửng. Tôi đeo chiếc giỏ đi bắt nhái, không phải bắt để nấu ăn, mà là để làm mồi câu cặm. Mỗi bãi cứt bò như tôi vừa kể là một “ổ nhái” béo bở cho tôi. Có khi chỉ một phát vung tay tôi chộp được mấy con liền. Tôi có tài bắt nhái bằng tay không, trăm phát trăm trúng. Nói vậy nhưng không đơn giản đâu, phải có kỹ năng, phải có kinh nghiệm thì mới “thành tài” được. Khi phát hiện một con nhái muốn bắt thì tôi phải lật sấp bàn tay phải, nghiêng bàn tay chừng 45 độ, phía trước đầu con nhái, rồi bất thình lình vòng bàn tay úp nhanh, mạnh vào con nhái dưới đất. Con nhái sẽ hoàn toàn nằm lọt trong lòng bàn tay tôi. Chỉ việc cho nó vào giỏ là xong. Chú ý, phải úp bàn tay đang khum khum vào con nhái từ hướng đối diện với đầu của nó. Vì, nếu theo phản xạ, nó nhảy đi, thì bao giờ nó cũng lao về phía trước, nhảy về phía bàn tay đang lao tới của ta, vô tình nó lọt vào đúng bàn tay đang khum khum của ta để nộp mạng, ta úp ngay bàn tay xuống đất, và chộp được con nhái. Mỗi lần đi bắt nhái như vậy tôi phải bắt vài trăm con thì mới đủ mồi câu cho một đêm… Cũng có thể dùng cá nhỏ, hoặc đào giun đất làm mồi câu. Nhưng hiệu quả nhất vẫn là nhái, và tôi thường làm như vậy. Cá quả thích mồi nhái, còn cá trê và lươn thích mồi giun.
Khi cần câu đã được cắm sâu xuống đất, tôi bắt đầu móc mồi vào lưỡi câu, theo cách, đầu lưỡi câu móc thật nhẹ nhàng vào đít con nhái, cố gắng không để cho con mồi bị thương, để cho nó vẫn khoẻ, có thể thoải mái nhảy đung đưa trên mặt nước, trở thành miếng mồi hấp dẫn, lôi cuốn, thậm chí khiêu khích đối với những con cá phàm ăn.
Tôi thường tự chế khoảng 70 cần câu cặm. Những cần câu do tôi tự làm, làm theo ý và yêu cầu của tôi. Bụi tre rất to ngoài bờ ao trước nhà là nguồn cung cấp tre già cho tôi vót cần câu chất lượng cao – bền, chắc, dẻo, dai. Giữa mỗi cần câu tôi làm một cái móc, bằng dây nhợ, dây cước hoặc đoạn dây thép nhỏ, để móc lưỡi câu vào đó cho gọn, khi không sử dụng cần câu. Vì hàng chục cần câu, dây câu, lưỡi câu, nếu không xếp gọn thì lưỡi và dây câu sẽ quấn vào nhau, rối tung rối mù, khó gỡ.
Tôi đi cắm câu, hay đi “đánh câu” như dân làng tôi vẫn nói (trong Nam bộ người ta có thuật ngữ giăng câu). Lúc chiều tà, tôi bắt đầu đi cắm câu tại các bờ ao và bờ ruộng, nơi có nhiều cá, nhất là cá quả (cá chuối). Khoảng cách giữa các cần câu chừng 10-15m. Thoạt tiên tôi cắm chuôi nhọn của cần câu xuống đất, sao cho cần câu bám chắc vào đất. Độ nghiêng của cần câu tuỳ theo địa hình, nhưng thường 45 độ. Thò tay vào giỏ bắt ra một con nhái rồi chọc lưỡi câu thật nhẹ nhàng vào đít con nhái, sao cho con nhái không bị thương. Thả con nhái ra. Con nhái chạy lên rồi lại tụt xuống trên mặt nước, theo tầm khống chế của dây câu. Nó trở thành miếng mồi hấp dẫn, lôi cuốn lũ cá, nhất là cá quả, cá trê. Tôi lần lượt cắm từng cần câu và mắc mồi vào từng cần câu theo cách như vậy. Tôi phải mất chừng tiếng rưỡi đồng hồ để có thể cắm xong và mắc mồi vào 70 cần câu của tôi. Lúc này trời nhá nhem.
Cứ độ một giờ đồng hồ tôi đi thăm câu, bắt cá mắc câu và thay mồi một lần, mỗi đêm độ 5-6 lần. Lần thăm câu cuối cùng vào sáng sớm hôm sau, cũng là lần nhổ câu, mang câu về nhà. Khi đi thăm câu tôi đeo bên hông chiếc giỏ đựng cá, tay cầm chiếc vợt để bắt cá mắc câu, cùng chiếc gậy diệt rắn khi cần. Khi phát hiện thấy dây câu chuyển động loằng ngoằng dưới nước là tôi biết có con cá đã bị mắc câu. Tôi chỉ việc dùng vợt, hớt con cá lên, và cho cá vào giỏ. Thường là cá quả, cá trê hoặc lươn. Tuy nhiên không phải lúc nào cũng ngon ăn như vậy, không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió như vậy đâu. Có khi thấy dây câu quay tròn dưới nước, tôi hí hửng, tưởng đó là một con cá quả to đùng, thì lại vớt lên một con rắn dài ngoẵng. Thường là rắn nước nên nói chung không đáng ngại. Tôi chỉ việc dùng chiếc gậy tre mang theo người, kết liễu đời con rắn dám cả gan làm tôi “mừng hụt”. Cũng có khi bắt được một con lươn to. Nếu lươn cắn câu thì phải phát hiện nhanh, để chậm là nó cắn đứt dây câu, mất luôn lưỡi câu. Lắm khi nhấc cần câu lên, tôi chưng hửng, vì chỉ còn lại mỗi dây câu, không còn lưỡi câu. Dám chắc một con lươn to đã là thủ phạm của vụ “cướp của” này. Có những con cá quả “từng trải” “kinh nghiệm đầy mình”, không chịu bị mắc lừa. Thấy con nhái đung đưa trên mặt nước, hấp dẫn đấy, ngon lành đấy, thậm chí khiêu khích đấy, nhưng con cá ranh ma này không vội lao vào đớp con nhái. Nó lảng vảng ở bên ngoài, bơi vòng quanh bên ngoài, quan sát kỹ con mồi đang cử động như một “nghệ sĩ đu bay thạo nghề”, đặc biệt nó quan sát đôi chân đạp nước của con mồi, nó ước lượng chính xác cự ly từ miệng nó đến đôi chân bé xíu nhưng mập mạp và ngon lành của con mồi, rồi nó lao về phía trước, nhằm trúng và cắn chặt lấy đôi chân con mồi, bứt con mồi khỏi lưỡi câu. Bằng cách như vậy con cá quả đã đoạt được con nhái giữa đêm đen. Nó đã thắng và tôi đã thua. Nó không bị mắc câu. Không ít trường hợp như vậy đâu. Lắm khi thăm câu tôi không thấy con nhái ở lưỡi câu nữa mà chẳng thấy có cá bị mắc câu. Ức ghê lắm. Nhưng tôi tự an ủi: “mình đi câu mà!”. Mỗi đêm câu cặm như vậy tôi thường kiếm được gần chục con cá, chủ yếu là cá quả, cá trê, đôi khi có cả lươn. Hôm nào “trúng số” vớ được con cá quả to nhất ao, nấu đầy một nồi đất, tôi thích lắm. Mẹ tôi khen: “Mi đúng là một con rái cá”.
Câu và bắt cá rô đồng sau trận mưa đầu mùa
Trong “cộng đồng” cá ao và cá đồng thì cá rô là đáng nể, đáng sợ và đáng phục nhất. Cá rô sinh sôi nảy nở rất nhanh, cho nên cá rô nhiều hơn bất kỳ loại cá nào. Cá rô bơi hàng đàn, trong ao, ngoài ruộng, nơi nào có nước là ở đó có cá rô. Vì chúng có khả năng đi đến bất kỳ nơi nào chúng muốn. Cá rô có mầu xanh từ xám đến nhạt, phần bụng có mầu sáng hơn phần lưng, với một chấm mầu thẫm ở đuôi và chấm khác ở sau mang. Cá rô có vẩy cứng và ráp (cho nên, với cá rô to thì trước khi nấu ta phải cạo sạch vẩy. Còn cá rô nhỏ đem rán giòn uống rượu thì cứ để nguyên cả con. Cá rô rán, vẩy cá giòn tan, ăn rất “khoái tai” và cực kỳ “khoái khẩu”). Các gờ của vẩy và vây cá rô có mầu sáng. Nắp mang cá có hình răng cưa. Đọc sách tôi được biết, cá rô có một cơ quan hô hấp đặc biệt dưới mang là mang phụ, cho phép chúng có thể hấp thụ được ôxy trong không khí. Chúng có răng chắc, sắc, xếp thành dãy trên hai hàm, trên hai hàm còn có răng nhỏ nhọn: hàm răng ở giữa to hơn hai bên và răng có trên xương lá mía. Cá rô ăn tạp, có thể ăn các loài động vật thân mềm, cá con và thực vật, thậm chí cả rau cỏ. Chúng có thể ăn các chất hữu cơ và vô cơ được coi là bẩn ở trong nước. Khi quá đói, cá rô có thể ăn lẫn nhau. Ở những ao lớn, ao nước sâu, hay ở bến (hồ nhỏ), nhiều bèo tây, thường có cá rô “cụ” đen sì. Cá rô sống rất dai trên cạn, nhốt cá rô trong giỏ, không cho ăn gì, cả tuần chúng vẫn không chết.
Thịt cá rô mầu trắng, béo, thơm, dai, ngon. Ngon hơn bất kỳ thịt loài cá nào (theo thẩm định và kết luận của cái miệng không bữa ăn nào không ăn cá của tôi). Bụng cá rô có nhiều mỡ, nhất là vào mùa đông. Hồi nhỏ, khi ở làng quê không có thuốc nẻ, tôi và nhiều người trong làng vẫn dùng mỡ cá rô bôi vào chân để trị nẻ… Tôi rất thích cá rô. Thích đây là thích ăn thịt cá rô. Chứ không phải yêu cá rô. Vì yêu gì mà suốt ngày tìm cách tiêu diệt và chén thịt “người ta”. Canh cải nấu với rô đồng thì “thôi rồi”, chỉ việc ngồi mà ăn, mà sướng, mà khen: Ngon quá, ngọt quá, mát quá…
Tôi có nhiều cách bắt cá rô. Một trong những cách đó là câu cá rô. Tôi tự trang bị một cần câu bằng một cành tre dẻo, dài chừng 2,5m. Buộc vào đầu cần câu sợi cước dài vừa phải, với đầu thứ hai được buộc vào một lưỡi câu có ngạnh. Lưỡi câu cá rô nhỏ hơn lưỡi câu cặm câu cá quả mà tôi đã kể. Vì miệng cá rô nhỏ hơn miệng cá quả rất nhiều. Trước khi đi câu tôi phải làm công việc gọi là rang thính, bằng cám, để nhử cá. Và đương nhiên tôi phải chuẩn bị mồi câu. Cơm dẻo, trộn thính, giã nhuyễn là thứ mồi cá rô rất chuộng, vì thơm, ngon. Loại mồi câu thứ hai là giun, loại giun nhỏ vừa lưỡi câu, đào ngoài vườn. Loại thứ ba là mồi bằng tép.
Tôi thường câu cá rô ở ao, ở bến. Vì ao và bến mới có loại cá rô to ra tấm ra món. Tôi ra ngồi bờ ao. Nếu trời nắng thì chọn nơi có bóng cây mát mẻ. Đi câu là một thú vui, việc gì tôi phải bêu nắng cho khổ. Tôi rắc thính xuống mặt ao, nơi tôi sẽ thả câu. Móc mồi vào lưỡi câu. Tôi thả câu xuống vùng nước tôi vừa rắc thính. Và ngồi đợi. Cá rô rất thích và rất nhạy cảm với mùi thính. Cho nên ngửi thấy mùi thơm là chúng kéo đến ngay. Tôi ngồi trên bờ ao, mắt chăm chú quan sát, cụ thể là quan sát chiếc phao câu. Hễ thấy phao câu “nhấp nháy, phập phồng” trên mặt nước là tay cầm cần câu của tôi phải sẵn sàng. Khi nhận ra phao câu đang từ từ chìm xuống thì tôi giật câu lên. Một con cá rô to bị mắc câu vùng vẫy trên không trung. Nó đau khổ, còn tôi sung sướng. Tôi chỉ việc tháo lưỡi câu ra và cho con cá vào giỏ là xong. Khi cá cắn câu tôi phải tập trung cao độ, phải giật câu đúng lúc. Vì rằng, nếu giật câu quá sớm, lưỡi câu chưa kịp móc chặt vào miệng cá, thì trượt mất con cá là cái chắc. Tuy nhiên, nếu để phao chìm quá mức cần thiết, cá nuốt cả mồi cả lưỡi câu vào sâu trong bụng, sẽ rất khó tháo lưỡi câu ra khi cá bị mắc câu. Có khi tôi phải dùng dao mổ bụng con cá để tháo lưỡi câu ra. Vừa mất thì giờ mà con cá lại bị sát thương, không còn tươi ngon nữa. Tất nhiên, là một tay câu có hạng, kinh nghiệm đầy người, tôi thường giật câu lên “vừa trúng, vừa đúng”, đảm bảo con cá bị mắc câu vẫn sống, vẫn nguyên lành. Cái khó của người đi câu là ở đó. Và cái tài của người đi câu cũng là ở đó.
Cho con cá vừa câu được vào giỏ, tôi lại mắc mồi, lại thả câu và lại ngồi chờ đợi cái khoảnh khắc vừa kể trên lặp lại… Mỗi buổi câu cá rô như vậy tôi thường kiếm được khoảng chục con. Thường là những con rô khá to. Mẹ tôi thích, bố tôi thích, tôi thích, cả nhà tôi cùng thích.
Bắt cá rô bơi ngược dòng, có người gọi là “lượm” cá rô “rạch”, là cách kiếm cá rô thứ hai của tôi. Sau trận mưa đầu mùa mát lành, cá rô từ đồng sâu làng tôi rủ nhau bơi ngược lên đồng cạn, tìm nơi đẻ trứng, vì cái tươi mát của nước mưa đầu mùa rất thích hợp cho cá rô làm “bổn phận sinh tồn” của mình. Chỗ nào có dòng nước chảy từ đồng cạn xuống đồng sâu sau mưa là tôi thấy có rất nhiều cá rô lội ngược dòng. Như đã nói trên, mang cá rô đồng rất khoẻ, lại có nhiều gai sắc, nhọn, giúp cá có thể móc mang vào đất, vào cỏ để trườn lên cạn một cách dễ dàng, nom rất ngoạn mục. Đó là chưa kể, cá rô đồng còn có cơ quan hô hấp phụ trên mang, nên chúng có thể sống trên cạn một thời gian dài mà các loài cá khác chịu thua. Chẳng hạn, cá mè, cá ngạo thậm chí cả cá diếc, lên cạn chỉ một lúc sau là chết. Cho nên tôi phục lăn cá rô còn là vì như vậy. Lại nữa, có khi trời mưa to, nước ao ngập tràn, cá rô men theo rãnh nước mưa tự bò vào sân nhà tôi. Những khi như vậy mấy chú mèo tam thể nhà tôi là thích nhất. “Mỡ treo miệng mèo” đã tuyệt, “cá rô tự vô miệng mèo” còn tuyệt hơn. Sau trận mưa đầu mùa, thậm chí trong lúc trời vẫn đang còn mưa, tôi đeo giỏ vào hông, tay xách nơm ra đồng đi bắt cá rô bơi ngược. Thực ra cũng chẳng cần đến nơm mà làm gì, phát hiện thấy cá đang trườn ngược, tôi chỉ việc chộp lấy từng con cho vào giỏ là xong. Tuy nhiên, khi bắt hay chộp cá rô ta phải có kỹ năng, có kinh nghiệm thì mới an toàn, bắt được con cá một cách dễ dàng. Như ta đã biết, vây lưng cá rô rất cứng và sắc nhọn, có thể dựng đứng, xoè ra, nom như một dãy chông nhọn, có thể cụp lại, xẹp xuống, (như ta gập cái quạt giấy) xuôi chiều về phía đuôi. Cho nên khi bắt cá rô ta phải úp sấp bàn tay, rồi chộp con cá từ phía đầu của nó. Để có thể nắm chặt con cá mà không sợ gai vây lưng của nó đâm vào tay ta. Mỗi lần đi bắt hay đi nhặt cá rô “trời cho” như vừa kể tôi có thể kiếm được vài chục con.
Lê Bá Thự | Báo Văn nghệ