Sự kiện & Bình luận

Má Sáu Ngẫu và tấm bản đồ chỉ đường tiến công vào Sài Gòn - Bút ký của Phạm Xuân Trường

Nhà văn Phạm Xuân Trường
Bút ký phóng sự
19:00 | 11/07/2024
Tôi chưa được gặp má Sáu Ngẫu, chỉ nhìn thấy qua di ảnh và nghe nhiều người kể chuyện về má...
aa

Tôi chưa được gặp má Sáu Ngẫu, chỉ nhìn thấy qua di ảnh và nghe nhiều người kể chuyện về má. Tôi cũng nhiều lần nhìn ngắm bức ảnh má cùng với hai người con nhỏ, một trai, một gái đang chụm đầu trên tấm bản đồ với chỉ huy trung đoàn 27 vào thời điểm đại quân của ta đang áp sát cửa ngõ phía bắc Sài Gòn cuối tháng 4 năm 1975. Cậu bé trong bức ảnh đó (giờ đã là một người đàn ông ngoài sáu mươi tuổi) đang cùng chúng tôi thực hiện dự án làm sách và phim về má Sáu Ngẫu. “Cậu bé” ấy kể cho chúng tôi nghe rất nhiều những câu chuyện thú vị về người mẹ của mình, một bà má giống như bao bà má khác nhưng lại rất đặc biệt ở vùng cây trái Lái Thiêu của miền đông Nam Bộ. Dưới đây là một vài mẩu chuyện nhỏ được chúng tôi trích ra từ câu chuyện lớn của một đời người do chính con trai má Sáu Ngẫu kể lại.

Má Sáu được sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở Bình Dương. Cha là cụ Huỳnh Văn Thà, còn gọi là ông Bộ Chà, mẹ là bà Nguyễn Thị Sim. Hai cụ thân sinh ra má Sáu sống bằng nghề trồng mía nấu đường. Gia đình má thường xuyên là nơi nuôi dưỡng, che giấu cán bộ cách mạng trong hai cuộc kháng chiến từ 1945 đến 1975.

Năm 1948, tròn 18 tuổi cô gái Huỳnh Thị Sáu bắt đầu tham gia cách mạng, được phân công làm giao liên, hoạt động bí mật trong lòng địch.

Những ai từng ở chiến trường miền Nam đều biết rõ tầm quan trọng đặc biệt của giao liên, đặc biệt là tuyến giao liên từ trong lòng địch. Đường dây giao liên có thể coi là mạch máu cho sự sống của cách mạng. Đây là một nhiệm vụ cực kỳ gian khổ, tiềm ẩn muôn vàn nguy hiểm và rủi ro. Việc chọn người làm công tác này được tổ chức xem xét rất kỹ, rất cẩn trọng về mọi phương diện. Không chỉ là giao liên thông suốt đường dây mà còn là nhân tố điệp báo, tình báo. Chiến sĩ giao liên đồng thời là chiến sĩ tình báo. Bởi vậy ngoài tinh thần kiên định, trung thành tuyệt đối với cách mạng, người giao liên phải có những kỹ năng, năng lực ứng phó và sức khỏe dẻo dai bền bỉ.

Má Sáu được tổ chức giao nhiệm vụ giao liên từ khi còn rất trẻ. Và công việc ấy theo má cho đến ngày thắng lợi cuối cùng của cuộc trường kỳ kháng chiến. Suốt 30 năm ấy, má đã đi biết bao dặm đường, bao nhiêu lần đối mặt với cái chết, bao nhiêu lần bị bom đạn kẻ thù vùi dập? Không thể tính hết được. Chỉ có thể khẳng định má đã dốc hết sức mình để làm việc và kết quả là đường dây giao liên do má phụ trách chưa bao giờ bị đứt đoạn, chưa bao giờ có bất kỳ sơ hở nào. Trong chiến tranh giải phóng, việc liên lạc thông tin qua máy điện báo rất hạn chế. Cơ quan lãnh đạo cấp địa phương chỉ có thể nắm tình hình chỉ đạo hoạt động qua sức người. Giao liên luôn phải đối mặt với hệ thống kiểm soát gắt gao của kẻ địch. Ở vùng Lái Thiêu, Thủ Dầu Một, chính quyền Sài Gòn và lực lượng quân sự Mỹ dựng lên nhiều lớp kiểm soát đời sống của người dân. Từ dân vệ đến cảnh sát, từ chốt kiểm soát nhỏ đến kiểm soát lớn. Từ hàng rào thép gai, hàng rào điện tử cho tới những bãi mìn ở vùng đệm. Sự di chuyển của người dân cực kỳ khó khăn. Bản lĩnh của giao liên được thử thách đầu tiên là đối mặt với kẻ địch có hình hài cụ thể, tức là hệ thống kiểm soát của địch ở các chốt. Má Sáu được giao nhiệm vụ đưa báo cáo của tổ chức cách mạng địa phương về cơ quan lãnh đạo đóng ở vùng căn cứ trong các khu rừng già và nhận chỉ đạo bằng văn bản mang về địa phương. Bình thường thực hiện chế độ báo cáo hàng tháng. Đặc biệt có khi báo cáo quý, cũng có khi báo cáo tuần. Yêu cầu đầu tiên và xuyên suốt của nhiệm vụ là an toàn về tài liệu và con người. Má Sáu là cơ sở bí mật, một người dân làm ăn ở địa phương nên vấn đề “giữ mình” hết sức quan trọng. Má thường xuyên đối mặt với kẻ địch và chưa lần nào bị chúng phát hiện ra sơ hở. Khi thì với diện mạo người lao động bình thường, lúc cải trang thành người buôn bán, khi là cô giáo, lúc là người làm công… má Sáu đã vượt qua rất nhiều hiểm nguy bằng khả năng ứng phó khôn khéo của mình.

Thử thách thực sự đối với một giao liên chính là... chặng đường di chuyển. Qua từng thời kỳ, từng mức độ quyết liệt ở chiến trường, căn cứ lãnh đạo của Thủ Dầu Một luôn thay đổi. Khi ở vùng rừng Thuận An Hòa, lúc ở vùng rừng giáp ranh với Bình Long, cũng có khi chuyển tới vùng rừng chiến khu D, có lúc có mặt ngay vùng chiến trường nóng bỏng Tây Ninh. Dù di chuyển đến đâu, chiều dài từ căn cứ đến Lái Thiêu không dưới 50km đường chim bay. Để đến căn cứ, giao liên phải vượt qua vùng trắng thường được gọi là vùng chiến địa, nơi oanh kích tự do bằng máy bay và pháo bắn theo tọa độ của kẻ địch.

Từ năm 1966, khi quân viễn chinh Mỹ trực tiếp tham chiến ở Việt Nam, vùng trắng ven lộ 13 và ven sông Sài Gòn được chia lô kiểm soát bằng pháo, biệt kích và B-52.

Một lần, má Sáu thực hiện nhiệm vụ vào thời điểm cuối mùa mưa.

Má Sáu nhận chỉ thị đưa tài liệu, báo cáo về Tỉnh ủy từ chiều hôm trước với lời dặn “căn cứ tỉnh đã chuyển về căn cứ Long Nguyên, khu rừng Căm Xe. Tài liệu quan trọng, chuyển gấp và tuyệt đối an toàn”. Tài liệu được bọc kỹ trong giấy dầu và hai lần ni lông để chống thấm nước. Má giấu tài liệu trong túi vải quấn quanh người với hai lần áo. Má ăn bữa tối sớm hơn. Vừa ăn vừa tính toán cụ thể lộ trình về căn cứ. Có ba lối đi về rừng Long Nguyên (Bến Cát, Bình Dương). Một là theo đường 13 tới Bông Trang, Nhà Đỏ thuộc huyện Châu Thành rồi rẽ về hướng tây băng qua vùng rừng chồi và trảng cỏ dài khoảng hơn 10 ki lô mét. Hai là men theo sông Sài Gòn vượt qua chốt Nam Bến Cát tới Bến Súc, Thanh An rồi rẽ về hướng đông. Khoảng cách dài chừng 10 ki lô mét. Ba là trực diện cắt rừng theo đường thẳng đến Long Nguyên, đường đi có thể rút ngắn 10 ki lô mét nhưng phải qua nhiều chốt địch nguy hiểm và phải vượt qua nhiều vùng trũng sình lầy rất khó đi. Cuối cùng, má quyết định chọn lối đi theo hướng Thanh An về Long Nguyên. Với lối đi này tuy dài hơn nhưng có thể đi ngay trong đêm. Địa hình từ Lái Thiêu đến Thanh An má nắm chắc trong lòng bàn tay. Vùng đất gò đồi khá cao, có nhiều vườn cây, nhiều rẫy trồng trọt của dân nên tốc độ di chuyển khá nhanh. Nếu không có gì đặc biệt xảy ra, đến Thanh An chỉ mất 6 tiếng đồng hồ. Từ Thanh An vào cứ mất 4 tiếng nữa. Như vậy, nếu xuất phát từ 1 giờ sáng, khoảng chiều đã có thể đến cứ. Má mang theo hai ký gạo nếp, hai ký đường, mấy hộp sữa và hai cây thuốc lá rubi đỏ. Đựng trong cái bòng có dây đeo. Lần nào về má cũng mang theo quà tặng các anh chị trong cứ.

Má Sáu Ngẫu và tấm bản đồ chỉ đường tiến công vào Sài Gòn - Bút ký của Phạm Xuân Trường
Bên tấm bản đồ ngày 29/4/1975, tại nhà má Sáu (từ trái qua: Huỳnh Thị Kim Ngân - con gái má Sáu, Chính ủy Trịnh Văn Thư, má Sáu Ngẫu, Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu, Huỳnh Văn Đức - con trai má Sáu Ngẫu) - Ảnh: Tư liệu

Má đi lúc 1 giờ sáng. Trời âm u, không trăng, không sao nhưng từ phía chốt Bến Cát và hướng Châu Thành pháo sáng vẫn nổ, đại bác vẫn bắn. Bầu trời lúc sáng lúc tối. Tiếng nổ lúc dồn dập, lúc thưa thớt. Không khác gì một cơn dông nhiều chớp sáng và sấm sét. Gần sáng, má đã đến vùng rừng Xà Leng. Trước năm 1965, đây là vùng rừng rậm nguyên sinh, có rất nhiều thú rừng. Cuối năm 1965, quân viễn chinh Mỹ rải chất độc khai quang, dùng xe tăng, xe ủi tàn phá rừng. Rừng Tà Lung từng là căn cứ của Khu ủy Sài Gòn - Gia Định. Chiến lược “tìm diệt” của Mỹ - ngụy lấy việc phá rừng làm sách lược để tiêu diệt quân giải phóng. Đây có thể coi là trọng điểm của vùng tam giác sắt (Củ Chi - Trảng Bàng - Chơn Thành). Đây cũng là nơi thường khởi đầu cho bom rải thảm của B-52. Má Sáu được cấp trên phổ biến về sức hủy diệt của B-52 và phương thức phòng tránh “nắm thắt lưng địch mà đánh” để tránh B-52.

Những cán bộ, chiến sĩ có kinh nghiệm trận mạc thường nói: “Càng gần địch hơn, càng an toàn hơn”. Má Sáu hiểu rõ kinh nghiệm này được áp dụng như thế nào. Trên đường đi, má quan sát rất kỹ. Nếu phát hiện lối đi của biệt kích thám báo, má bám theo. Có biệt kích, thám báo của địch sẽ không có pháo tọa độ hay bom B-52. Đi trong rừng Tà Lung, má không tìm thấy dấu vết của biệt kích, thám báo. Má cảm thấy lo lắng, bất an. Gần 9 giờ, đến vùng trảng cỏ tiếp giáp với đất Thanh An má nghe thấy tiếng ì ì và ngay sau đó, đất trời rung chuyển, đảo lộn. Má bị bom B-52 hất xuống một hố bom và cây cối, đất cát đè lên. Cũng may, đất cát không vùi kín, má vẫn còn có những khoảng trống để thở. Má không bị chôn sống trong hố bom nhưng sức ép từ bom khiến má ngất xỉu, máu chảy ra từ hai lỗ tai và mũi. Khi tỉnh dậy, má thấy đau ê ẩm toàn thân, tai ù đi, máu rỉ ra thấm vào miệng. May mà đôi mắt không bị ảnh hưởng gì. Má vẫn nhìn thấy đường đi. Đến căn cứ, má gần như bị điếc, không nghe thấy gì hết. Má ở lại cứ ba ngày để điều trị. Thính lực mới dần dần được khôi phục.

*

* *

Một lần khác, vào buổi tối, chỉ huy trực tiếp gặp má Sáu, hỏi: “Có thể tổ chức được cơ sở bí mật ở khu trung tâm Sài Gòn, càng gần Dinh Độc Lập hay Đại sứ quán Mỹ càng tốt, được không?”. Má Sáu hỏi lại: “Quy mô như thế nào?”. Chỉ huy trực tiếp nói gọn: “Chúng ta phải đưa lực lượng chiến đấu vào Sài Gòn với điều kiện bí mật, an toàn. Nhất thiết phải an toàn”. Sau một phút suy nghĩ, má Sáu dõng dạc trả lời: “Được!”

Lúc ấy vào đầu mùa mưa, má vào Sài Gòn bằng xe đò, rồi má đi xe lam một vòng khu vực trung tâm Sài Gòn, từ Sở thú đến giáp ranh Chợ Lớn. Má quyết định đến nhà một người bà con ở đường Trần Hưng Đạo, gần Tổng nha cảnh sát ngụy. Cấp trên không nói rõ, nhưng linh cảm cho má biết sắp có trận đánh lớn xảy ra ngay giữa Sài Gòn. Sẽ là một trận đánh phối hợp giữa nổi dậy bên trong, tiến công bên ngoài vào các cơ quan đầu não của Mỹ - ngụy. Quy mô của trận chiến này rất lớn. Sau một thời gian thăm dò, má Sáu quyết định giới thiệu cơ sở bí mật ở đường Trần Hưng Đạo cho lực lượng biệt động Sài Gòn.

Ngoài công việc tổ chức cơ sở bí mật giao lại cho biệt động Sài Gòn, mỗi lần vào Sài Gòn má đều âm thầm làm công việc chỉ có riêng má biết: Khảo sát địa hình khu vực phía bắc Sài Gòn, đặc biệt là vùng giáp ranh với Lái Thiêu, Bình Dương. Má có niềm tin vững chắc một ngày đại quân của ta sẽ tiến đánh Sài Gòn và chiến thắng cuối cùng sẽ đến! Cánh quân phía bắc sẽ đi theo đường 13. Hàng năm, má đều vào Sài Gòn khảo sát và cập nhật những thay đổi về đường phố, về tổ chức phòng thủ của địch. Mọi chuyến đi khảo sát đều thực hiện cẩn trọng tỉ mỉ. Có những nơi má phải đi bộ để quan sát. Năm 1967, má đã đi bộ gần như suốt một ngày ở vùng Gò Vấp, vùng ven xa lộ Đại Hàn. Không ít lần bị cảnh sát chặn lại tra xét với một điệp khúc quen thuộc:

- Đi đâu?

- Tìm người bà con mới từ miền Trung chạy vô.

- Làm gì, ở đâu?

- Tôi là giáo viên dạy tiếng Pháp ở Lái Thiêu.

Với diện mạo thanh thoát dịu dàng bặt thiệp và vài ba câu tiếng Pháp giao tiếp thông thường, má đã loại bỏ mọi nghi ngờ của cảnh sát.

*

* *

Năm 1952, sau khi quân Pháp chiếm đóng Lái Thiêu, lập chính quyền xã, ấp, trong hộ tịch má Sáu có tên là Huỳnh Thị Sáu, làm nghề giáo viên dạy tiếng Pháp. Ai cũng biết cô Sáu dạy Pháp văn nhưng mối tình riêng của “cô giáo” Huỳnh Thị Sáu thì rất ít người biết tường tận.

Ông Đinh Quang Kỳ, chồng má, người Hà Tĩnh, từ ngoài Bắc vô theo đoàn quân Nam tiến, vốn là một chàng trai thư sinh đã học hết chương trình tiểu học, có năng khiếu hội họa, giỏi thơ văn, có tài ăn nói. Ông Kỳ được bổ sung vào lực lượng vũ trang Thủ Dầu Một. Cơ duyên trong công tác đã đưa chàng trai người Hà Tĩnh gặp cô gái đất Lái Thiêu. Họ yêu nhau thắm thiết và nên vợ nên chồng. Sau năm 1954, ông Kỳ ở lại công tác trong Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Thủ Dầu Một. Do đặc điểm công tác nên tình yêu của họ chỉ có thể công khai trong tổ chức. Một dạng tình yêu bí mật thời chiến. Họ chỉ có thể gặp nhau khi má Sáu về căn cứ tỉnh báo cáo, hoặc khi ông Kỳ đi công tác nắm tình hình ở Lái Thiêu. Ngôi nhà nhỏ trong vườn cây Lái Thiêu là tổ ấm hạnh phúc của họ. Trong các lần đi công tác, qua các chiến dịch, ông Kỳ đều ghi chép cẩn thận sơ đồ tác chiến. Ông đã vẽ bản đồ tác chiến khu vực bắc Sài Gòn, Nam Bến Cát rất tỉ mỉ, chi tiết. Đầu năm 1967, có lẽ do linh cảm chẳng lành, ông Kỳ giao lại bản đồ cho vợ cất giữ. Ông còn nhắn nhủ: “Thứ này rất cần thiết cho trận đánh cuối cùng khi đại quân tiến vào Sài Gòn, em phải cất giữ cẩn thận và thường xuyên cập nhật thông tin để điều chỉnh”. Má Sáu nhận bản đồ cũng là nhận về mình phần nhiệm vụ của chồng, nhận về mình trách nhiệm tiên phong trong trận đánh cuối cùng.

Sau lần đi công tác ở Sài Gòn về, má Sáu nghe tin chồng má bị địch phục kích bắn chết trên đường đi công tác.

Để giữ bí mật cho mình và cho chồng, má thường gửi hai con về nhà ông ngoại hoặc gia đình hàng xóm tin cậy trông giữ. Mọi nỗi đau, má nén giữ trong lòng. Đôi khi trong đêm, má thảng thốt hát ru “Ví dầu cầu ván đóng đinh/ Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi/ Khó đi mẹ dắt con đi/ Con đi trường học, mẹ đi trường đời”.

Từ năm 1962, Thị ủy Thủ Dầu Một đã chỉ đạo tổ chức tuyển chọn một số thanh niên nòng cốt trong 5 chi đoàn thanh niên học sinh của trường Trịnh Hoài Đức để thành lập đội biệt động lấy mật danh K13. Để đảm bảo bí mật, đội K13 tổ chức hoạt động theo nhóm trên từng địa bàn dân cư, tuân thủ theo nguyên tắc bí mật và đơn tuyến. Chỉ huy cao nhất trong đội giao nhiệm vụ, kế hoạch hoạt động cho từng người. Mối liên hệ, liên kết hoạt động giữa K13 với má Sáu cũng đơn tuyến. Má giúp sức rất nhiều cho những thành tích của đội. Má bảo vệ và cung cấp những thông tin có giá trị để đội hoàn thành nhiệm vụ. Trong tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, đội K13 đã góp phần “làm thay đổi cục diện chiến trường theo hướng có lợi cho cách mạng” ở miền Nam. Tổng thống Mỹ buộc phải thay đổi chiến thuật, chiến lược, chấp thuận ngồi vào bàn đàm phán và chuyển sang chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Từ đầu năm 1969, Mỹ - ngụy ráo riết thực hiện việc “quét và giữ” với mục đích truy sát những cơ sở bí mật của ta còn lại ở vùng địch tạm chiếm.

Nhiều cơ sở bí mật và lực lượng biệt động bị lộ, địch đánh phá dữ dội, thị xã Thủ Dầu Một cũng không ngoại lệ. Nhờ bản lĩnh và sự khôn khéo, má Sáu và không ít cơ sở bí mật khác ở Lái Thiêu vẫn trụ vững. Bọn mật vụ, cảnh sát không hề nghi ngờ người đàn bà đơn thân, cô đơn sống lặng lẽ trong vườn cây lại có thể là người của cách mạng. Từ sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy 1968, trong nhà má luôn thắp sáng ngọn đèn dầu. Đèn sáng suốt đêm. Có lần, một tên mật vụ nằm vùng săm soi đã từng hỏi:

- Tại sao để đèn sáng thâu đêm vậy? Tín hiệu cho Việt cộng hả?

Má Sáu thở dài, buồn bã nói:

- Các ông biết rõ hoàn cảnh của tui mà. Tôi cô đơn hiu quạnh trong vườn cây. Tôi sợ bóng tối lắm. Nhà có một thân một mình, lại tối om nữa thì sống làm sao. Phải có đèn sáng tôi mới ngủ được.

Thật lòng, má rất cần ánh sáng, cần lửa để làm ấm ngôi nhà lạnh lẽo, u ám. Sau ngày chồng hy sinh, má càng cần ánh sáng, cần lửa hơn. Bếp lò lúc nào cũng đượm than hồng. Ngọn đèn dầu nhỏ thắp sáng suốt đêm. Má bảo, lửa đèn và lửa bếp lò để đón chồng về. Không di ảnh, không bàn thờ, má lấy ngọn đèn để nhớ về ông, để mơ ước của ông lúc nào cũng sáng. Ngọn đèn ấy cũng là tín hiệu của công việc, của nhiệm vụ. Tín hiệu báo với cấp trên, má vẫn an toàn hoạt động. Tín hiệu để các cán bộ, chiến sĩ đi công tác qua hay làm nhiệm vụ gì đó cần tới má yên tâm mà đến mà ở. Trong nhà má lúc nào cũng có ba căn hầm bí mật với đầy đủ lương thực, thuốc men có thể nuôi dưỡng cả tiểu đội.

Trong giai đoạn cuối năm 1968 cho đến 1970, nhiều cơ sở cách mạng trong lòng địch bị tan rã hoặc nằm yên chưa hoạt động. Lực lượng biệt động ở Thủ Dầu Một làm nhiệm vụ củng cố lực lượng bám trụ trên địa bàn. Trong khó khăn chồng chất, đường dây giao liên của má Sáu vẫn hoạt động. Trong đêm tối, ngọn đèn má Sáu vẫn sáng. Má vẫn đi tìm chắp nối liên lạc giữa cấp trên với tổ chức địa bàn, với cán bộ, chiến sĩ bị lạc đường trong các đợt tiến công vào Sài Gòn tìm về đơn vị.

*

* *

Má Sáu có một người em trai là Huỳnh Văn Phục, sinh năm 1953. Năm 1970, má Sáu móc nối với một cơ sở bí mật thuộc lực lượng biệt động Sài Gòn và gửi em trai Huỳnh Văn Phục tham gia hoạt động ở Đội 5. Thời điểm ấy, lực lượng cách mạng ở Thủ Dầu Một và Sài Gòn đã được củng cố và mở rộng. Nhưng khắp nơi phong trào bắt lính rất gay gắt. Nhân cơ hội này, Đội 5 biệt động Sài Gòn đã đưa Huỳnh Văn Phục vào lực lượng không quân của ngụy, làm việc ở bộ phận quan trắc khí tượng với nhiệm vụ nắm bắt tình hình sân bay Tân Sơn Nhất, báo cáo cho tổ chức. Nhiệm vụ điệp báo hết sức nguy hiểm nhưng ông Phục đã làm tốt. Bỗng tháng 1 năm 1972, ông Phục bị quân đội ngụy quyền bất ngờ điều ra mặt trận Lộc Ninh. Tới Lộc Ninh, ông Phục cảm thấy bất an, liền bỏ trốn về nhà cô ruột là bà Huỳnh Thị Lựu, còn gọi là Năm Lựu, bán trầu cau ở chợ Lộc Ninh. Ông nhờ cô nhắn tin cho má Sáu biết chuyện. Một ngày sau, má Sáu theo xe đò đến Lộc Ninh gặp ông Phục. Má đồng tình với quyết định của em trai. Tình hình chiến sự ở Bình Long đang rất căng thẳng. Quân chủ lực của ta đang gấp rút chuẩn bị chiến dịch Nguyễn Huệ đánh vào Lộc Ninh, thị xã Bình Long và khống chế đường 13. Cuộc chiến này sẽ rất khốc liệt. Nguy cơ bị đứt liên lạc với tổ chức của ông Phục đã hiện hữu. Ông Phục bảo: “Em phải về Sài Gòn để hoạt động trong đội hình Đội 5 biệt động Sài Gòn”. Má Sáu nói: “Vấn đề quan trọng lúc này là về Sài Gòn bằng cách nào?”. Theo cách thông thường của lính Sài Gòn đào ngũ là chạy trốn theo đường rừng. Việc này rất nguy hiểm, nếu không bị bắt lại cũng rất dễ bị trúng pháo, bom hoặc trái gài của biệt kích Mỹ - ngụy. Với kinh nghiệm hoạt động bí mật và năng lực ứng phó của mình, má Sáu quyết định đưa ông Phục về Thủ Dầu Một bằng xe đò, đi công khai như những hành khách khác. Từ Lộc Ninh về Thủ Dầu Một có hàng chục chốt kiểm soát của địch. Chốt của quân đội Sài Gòn, chốt của cảnh sát an ninh địa phương. Chúng kiểm tra, kiểm soát gắt gao từng hành khách. Má Sáu dặn ông Phục: “Theo sát chị và không được nói gì. Mọi việc để chị ứng phó”. Ở từng chốt kiểm soát, má Sáu có những cách trả lời khác nhau. Có chốt má thản nhiên nói: “Đây là thằng em tôi bỏ nhà đi làm rẫy. Tết đến tôi bắt nó về. Nó khờ khạo lắm, không biết đường đi lối lại, cũng chẳng sợ bom pháo chi hết!”. Có chốt, má hóm hỉnh: “Nó trốn lính gần hai năm rồi. Ba tôi biểu tôi bắt nó về, ăn tết xong đi lính. Hay là tiện đây, các chú cho nó theo luôn”. Với khả năng ứng phó linh hoạt, má Sáu đã đưa ông Phục về Thủ Dầu Một an toàn.

Sáng mùng hai Tết Nhâm Tý, má Sáu bảo ông Phục: “Về Sài Gòn tìm đơn vị thôi”. Việc kiểm soát của chính quyền Sài Gòn trong mấy ngày Tết lỏng lẻo hơn so với những ngày thường. Má Sáu nhanh chóng tìm được đồng đội của ông Phục và giao lại đứa em của mình cho tổ chức. Giữa năm 1972, theo chỉ đạo của cấp trên, ông Huỳnh Văn Phục tiếp tục vào lính Sài Gòn tại tiểu đoàn 180 pháo binh đang ở Biên Hòa với công việc cung ứng hàng quân vụ. Sau chiến thắng Phước Long cuối năm 1974, tình hình chiến sự miền Đông bước sang năm 1975 thay đổi từng ngày. Nguy cơ sụp đổ của chính quyền Sài Gòn càng ngày càng rõ rệt. Ông Phục rất muốn trở lại đội hình lực lượng biệt động Sài Gòn. Việc móc nối rất khó khăn. Má Sáu khuyên em trai hãy tìm cách trốn khỏi Biên Hòa. Ông Phục chọn cách tự hủy hoại cánh tay mình để có cớ đi bệnh viện và từ bệnh viện trốn về Sài Gòn. Một lần nữa, má Sáu lại đưa ông về lực lượng biệt động và tham gia trực tiếp trong chiến dịch giải phóng Sài Gòn tháng 4 năm 1975.

*

* *

Những tháng đầu năm 1975, tình hình chiến sự thay đổi từng ngày. Sau thất bại ở Phước Long, chính quyền Sài Gòn dồn lực tập trung bảo vệ vùng đệm Bình Dương. Tại địa bàn Thủ Dầu Một, quân đội Sài Gòn vội vã đưa nhiều lực lượng mạnh, lập nhiều tuyến phòng thủ. Từ cuối tháng 2 năm 1975, quân đội Sài Gòn đưa 1 chi đội thiết giáp, liên đoàn 7 biệt động quân cùng 2 tiểu đoàn biệt động quân tăng cường tuyến phòng thủ ở Tân Uyên, Phú Giáo, Châu Thành. Thị xã Thủ Dầu Một tràn ngập các sắc lính Sài Gòn.

Má Sáu bận rộn suốt ngày đêm. Má cùng đội du kích Lái Thiêu và hai con (Kim Ngân và Đức) theo sát tình hình biến động của địch để báo cáo hằng ngày với cấp trên. Có một việc má âm thầm làm riêng, đó là tiếp tục khảo sát địa hình từ khu vực phía bắc đến phía nam thị xã Thủ Dầu Một để bổ sung, chú giải tấm bản đồ chiến sự do chồng má (liệt sĩ Đinh Quang Kỳ) để lại.

Những ngày cuối tháng 4 năm 1975, với thế mạnh như thác lũ, Quân giải phóng ào ạt tiến về Sài Gòn. Chính quyền Sài Gòn vẫn ra sức phòng thủ. Ở phía bắc, chúng chi viện tối đa tuyến phòng thủ đường 13 và thị xã Thủ Dầu Một.

Trong hai ngày 28 và 29 tháng 4, má Sáu Ngẫu đứng ngồi không yên. Má liên tục thúc giục đội du kích bám sát tình hình chiến sự ở phía Bến Cát và đường 13. Má tiếp tục xem xét kỹ tấm bản đồ đô thị Sài Gòn và cửa ngõ phía Bắc, chuẩn bị cẩn thận những ý kiến tham mưu tác chiến của mình. Tấm bản đồ ghi lại vị trí đặc biệt các căn cứ lớn của địch, hệ thống giao thông, các lớp hỏa lực vòng ngoài từ khu vực nội thành đến cửa ngõ phía Bắc và toàn bộ tuyến phòng thủ của địch ở thị xã Thủ Dầu Một.

Tối 29 tháng 4 năm 1975, linh cảm cho má biết giờ phút thực hiện ước mơ và tâm nguyện của chồng đã đến. Ngọn đèn dầu được thắp sáng từ lúc trời chưa tối. Khoảng 19 giờ tối ngày 29 tháng 4, đội quân tiên phong của Trung đoàn 27 Sư đoàn 320B đã đến nhà má.

Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27 ngày ấy, sau này là Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Huy Hiệu kể lại:

“Hồi 19 giờ ngày 29 tháng 4 năm 1975, Trung đoàn 27 hành quân đến ngã tư chợ Búng - Lái Thiêu để chuẩn bị đánh vào nội đô Sài Gòn. Đêm hôm ấy, tôi, đồng chí Trịnh Văn Thư, Chính ủy và tổ trinh sát cùng đồng chí Sáu Châu, huyện đội phó đi tìm cơ sở cách mạng bí mật nằm trong lòng địch ở vùng này. Qua khu rừng đến nghĩa địa, chúng tôi phát hiện ngôi nhà cần tìm có ánh đèn le lói, tín hiệu trong nhà an toàn. Tổ trinh sát tiến vào, một bà má từ trong nhà thận trọng, mở hé cánh cửa, anh em trinh sát phát tín hiệu: “Hồ Chí Minh”, má đáp lại: “Muôn năm”. Anh em vui mừng báo tin cho cả nhóm đúng là cơ sở cách mạng. Chúng tôi bước vào nhà, má mừng như gặp người thân lâu ngày trở về. Tôi nói: “Dạ thưa má, con là Phong (mật danh), cấp trên báo cho con tìm gặp má để được giúp đỡ”. Nhìn tấm bản đồ chỉ huy đặt trên bàn, má đeo cặp kính nheo nheo đôi mắt nhìn mãi mà không ra, má bảo má không rành tấm bản đồ này. Má đi thẳng vào buồng, lát sau má đưa ra tấm bản đồ khác. Má trải ra rồi nói: “Đây là tấm bản đồ đô thành Sài Gòn, tấm này chồng má cất giữ từ năm 1961 và đây là tấm bản đồ bố trí lực lượng quân địch ở quận lỵ Lái Thiêu”. Trên cả hai tấm bản đồ, má đánh dấu địa chỉ và ghi rất nhiều chi tiết về tuyến phòng thủ từ Búng - Lái Thiêu theo quốc lộ 13 hướng về Sài Gòn như tuyến phòng thủ cầu Vĩnh Bình, Bộ tư lệnh Thiết giáp, trại lính, trận địa pháo, Lục quân binh xưởng, cầu, đường đi...

Má nói rành rọt:

- Đây là cầu Vĩnh Bình, các con không cần đánh địch ở căn cứ Huỳnh Văn Lương, phải nhanh chóng chiếm cầu Vĩnh Bình nằm trên quốc lộ 13 là hướng tấn công vào Sài Gòn thuận lợi nhất. Ở đây địch tập trung hỏa lực mạnh để giữ cầu, nên các con phải chú ý.

Tiếp tục rà trên bản đồ má nói đường Búng - Lái Thiêu có cầu Bình Nhâm đã bị đánh sập phải quay đầu xe ra quốc lộ 13, các con không đi qua cầu sắt Lái Thiêu vì đường hẹp, mặc dù gần Sài Gòn hơn đi qua cầu Vĩnh Bình, nhưng hiểm trở, xe cơ giới không qua được, phía bên kia cầu có nhiều bãi mìn và quân ngụy phục kích dày đặc, chúng sẽ chống trả quyết liệt.

Má dừng lại, nhìn thẳng vào mặt tôi và nói:

- Các con nhanh chóng đánh chiếm Bộ tư lệnh Thiết giáp quân ngụy ở Gò Vấp - Sài Gòn, lực lượng này rất mạnh, là chỗ dựa duy nhất cho quân bộ binh ngụy, không cho chúng có khả năng phản công lại.

Tiếp tục rà bút trên bản đồ má chỉ: “Các con không ham đánh dọc đường, mà nhanh chóng chiếm lục quân công xưởng, nơi này là công binh xưởng sửa chữa vũ khí, khí tài của quân địch như xe tăng, pháo binh, súng bộ binh và các loại xe cơ giới quân sự khác”.

Má lại nói: “Phải chiếm lấy Tổng y viện Cộng hòa để làm nơi cứu chữa thương bệnh binh cho quân giải phóng”.

Nhờ sự tham mưu, chỉ dẫn cụ thể, chi tiết và rất thực tế của má Sáu Ngẫu, Ban chỉ huy Trung đoàn 27 của tôi đã họp ngay trong đêm, bàn phương án tác chiến trận đánh sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975. Sáng sớm 30 tháng 4, Trung đoàn 27 chuẩn bị mở màn cho cuộc tiến công từ Lái Thiêu vào Sài Gòn theo quốc lộ 13 bằng bộ binh cơ giới. Má Sáu Ngẫu bảo: Muốn tiến nhanh vào Sài Gòn không có con đường nào khác ngoài hướng đi qua cầu Vĩnh Bình. Nhưng ở đây địch tử thủ rất quyết liệt. Má bảo để má và hai con của má cùng đi dẫn đường nhưng tôi nói: “Thưa má, chúng con cảm ơn má và hai em, Ngân và Đức còn nhỏ, má thì lớn tuổi rồi, để Hai Mỹ và Sáu Châu dẫn đường cho chúng con. Đánh xong, chúng con sẽ quay về thăm má”.

Để đánh chiếm cầu Vĩnh Bình, ngoài Trung đoàn 27 còn có đại đội xe tăng của Đại đội trưởng Hoàng Thọ Mạc phối thuộc cho Trung đoàn 27.

Lúc đó, cả đại đội xe tăng đã phát huy tối đa sức mạnh đột phá giành giật với quân địch từng mét đường để quân ta tiến qua cầu Vĩnh Bình vào giải phóng Sài Gòn. Trong trận này, đồng chí Hoàng Thọ Mạc nhảy xuống xe chỉ huy bộ đội chiến đấu, cùng bộ binh dùng B40, B41 bắn cháy 4 xe tăng thiết giáp, tiêu diệt nhiều tên địch, ta nhanh chóng tiến qua cầu. Chiến tranh có những tổn thương, mất mát. Và trận đánh này, Đại đội trưởng Hoàng Thọ Mạc đã anh dũng hy sinh. Với những chiến công xuất sắc, đồng chí Hoàng Thọ Mạc được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngay sau khi chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc.

Tại trại lính ngụy Huỳnh Văn Lương, má tiếp cận và hiểu rất rõ tư tưởng 2.000 tên lính ngụy nên má đã khuyên chúng tôi cách đánh: “Gọi địch ra đầu hàng, không cần phải tiêu diệt để thêm mất mát đau thương, đổ máu cho người Việt Nam”.

Trung đoàn 27 cho quân bao vây, dùng hỏa lực bắn uy hiếp xung quanh trại lính Huỳnh Văn Lương, bắc loa kêu gọi binh lính hạ vũ khí và 2.000 binh lính, sĩ quan (có cả chỉ huy cấp đại tá) ra đầu hàng. Chúng tôi chỉ bắt giữ sĩ quan chỉ huy ngụy còn binh lính cho cởi bỏ quân phục về nhà đoàn tụ cùng người thân.

Chớp thời cơ địch đang hoảng loạn, tôi hạ lệnh cho bộ binh, xe tăng tiến thẳng vào đánh chiếm Bộ tư lệnh Thiết giáp ngụy ở Gò Vấp, đánh chiếm Trung tâm truyền tin ngụy quyền Sài Gòn và Lục quân công xưởng, chiếm Tổng y viện Cộng hòa (địa điểm Bệnh viện Quân đội 175 hiện nay), sau đó cùng với các đơn vị bạn phát triển đánh chiếm các mục tiêu còn lại.

Đến 11 giờ 30 ngày 30 tháng 4 năm 1975, đơn vị bạn đã cắm cờ lên dinh Tổng thống và khắp Sài Gòn ngập sắc cờ đỏ sao vàng. Chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc, Sài Gòn - Gia Định hoàn toàn được giải phóng. Tôi mở tấm bản đồ của má Sáu Ngẫu ra cho anh em trong Trung đoàn xem. Lúc đó, ai cũng bảo chữ má đẹp quá. Để có được những thông tin đặc biệt quan trọng về tình hình địch, má phải tạo được vỏ bọc rất hoàn hảo, phải bỏ rất nhiều công sức, thời gian và nguy hiểm đến tính mạng khi đi vào trong lòng địch. Hai người con của má có cha nhưng không dám mang họ Đinh của cha mà mang họ Huỳnh của mẹ vì sợ bị lộ. Dân làng sống xung quanh không ai biết má là người của cách mạng vì má hoạt động bí mật.

Trung đoàn 27 đánh giá chính tấm bản đồ và sự tham mưu đặc biệt xuất sắc của má Sáu Ngẫu cùng với du kích dẫn đường đã giúp Trung đoàn 27 tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh đánh chiếm được các mục tiêu đã định đúng thời gian, ít tổn thất xương máu".

Viết & Đọc - Chuyên đề mùa xuân 2024

Tươi tắn Đỗ Chu - Bút ký chân dung của nhà văn Tô Hoàng Đò ơi - Truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Quang Lập Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Quân: Phong độ thì nhất thời, đẳng cấp thì vĩnh viễn Lỡ đò - Đọc lại truyện ngắn "Đò ơi" của Nguyễn Quang Lập Con chó nhỏ bên đường - Trích đoạn sách của nhà thơ Czesław Miłosz
Mời quý vị đón đọc báo Văn nghệ số 50/2024

Mời quý vị đón đọc báo Văn nghệ số 50/2024

Baovannghe.vn - Báo Văn nghệ số 50/2024 ra ngày 14/12/2024 có các nội dung sau đây:
Thơ Lê Vĩnh Thái và những cuộc đi hoang

Thơ Lê Vĩnh Thái và những cuộc đi hoang

Baovannghe.vn - Lê Vĩnh Thái luôn mang tâm thế là một thầy giáo nghèo vùng ngoại ô của Huế. Sự vất vả, lam lũ, khung cảnh nông thôn chính vì thế luôn là không gian nghệ thuật nổi bật trong thơ anh.
Ngôn ngữ mỹ thuật trong tranh Trương Đình Hào

Ngôn ngữ mỹ thuật trong tranh Trương Đình Hào

Baovannghe.vn - Trong tranh của Trương Đình Hào, ta thường bắt gặp nón quai thao, một cặp nam nữ đang hát quan họ, các con vật và vật dụng thường ngày… Thoạt nhìn, rất dễ để xem tranh Hào dưới góc nhìn văn hoá, di sản: các tác phẩm ghi lại các hoạt động bình dị hằng ngày của đời sống nông thôn ở miền Bắc Việt Nam giai đoạn trước Đổi mới.
Trông đám đông hỏi lấy một người: Phỏng vấn một cái cây ở sân 51 Trần Hưng Đạo

Trông đám đông hỏi lấy một người: Phỏng vấn một cái cây ở sân 51 Trần Hưng Đạo

Trong đáBaovannghe.vn - 51 Trần Hưng Đạo - Hà Nội là trụ sở của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Tòa nhà bình dị này mang một ý nghĩa rất lớn.
Ở trong tôi - Thơ Kim Chuông

Ở trong tôi - Thơ Kim Chuông

Baovannghe.vn- Tôi gặp mùa thu trên mặt sông đầy/ nhịp cầu giống chiếc đòn gánh lớn