Sáng tác

Cung đàn - Truyện ngắn của Lưu Sơn Minh

Lưu Sơn Minh
Truyện
15:00 | 18/08/2024
Baovannghe.vn - Làng Vũ An ở cạnh quê ngoại tôi. Một lần sang đó chơi với bạn bè, ông ngoại dẫn tôi theo cho biết làng trên xóm dưới...
aa

Ông lão già nhất làng Vũ An nhìn sang ngôi nhà bên cạnh trông vẫn còn vẻ bề thế nhưng đã héo hắt từ lâu, nói với ông tôi:

- Thế đấy cụ a, nhà thờ họ Đỗ làng này để cho chi Thứ phá đấy!

Ông tôi hỏi:

- Vậy chi Trưởng tuyệt rồi hả cụ?

Ông lão lắc đầu, đôi mắt ánh lên tia nắng chiều vàng sậm nhòa tối:

- Cũng gần như thế cụ ạ, ông trưởng họ thứ mười hai bỏ làng đi mất... Mà... để xin phép cụ cho tôi hái mấy quả nhót mời cậu đây cái đã. Rồi tôi xin kể hầu cụ với cậu nghe chuyện làng tôi. Lâu lắm rồi, cụ ạ...

*

Dòng dõi quận công họ Đỗ làng Vũ An đến đời thứ mười là ông Đỗ Cần dường như đã mạt. Ông Đỗ Cần chỉ có một con trai là Đỗ Năng thì mất. Vợ ông tần tảo nuôi Năng đến ngày khôn lớn, lấy vợ cho con rồi cũng qua đời. Năng quen được mẹ chiều, suốt ngày lêu lổng cờ bạc, chẳng được trò trống gì. Bấy giờ gia sản đã suy lắm… Một hôm, Đỗ Năng lang thang ngoài đường gặp một gã say đang đánh nhau với chủ quán vì thiếu tiền rượu. Năng nổi máu anh hùng cởi luôn chiếc áo cha để lại đang mặc trên người xuống gỡ cho gã kia. Mấy ngày sau, chợt có quân lính kéo về trước cửa lều rách mà hỏi Đỗ Năng. Thì ra gã trai hôm nọ là con quan Phụ chính đại thần đi chơi, may được Năng cứu. Thế là chỉ một bước Năng lên quan huyện, tác oai tác phúc cả một vùng. Bạn đồng liêu thảy đều nể sợ vì biết Năng là người thân cận của quan Phụ chính. Thường mắng con trai là Đỗ Phục "mày học hành làm gì, ta đâu có phải khổ như mày mà vẫn làm quan?" Phục không nói gì âm thầm nghe mẹ, chăm chỉ đèn sách ngày đêm. Duy chỉ có thói lãng tử là nảy nòi từ đâu không biết. Có khi mải ngắm trăng, thưởng quỳnh làm thơ cho tới sáng. Có lúc ăn mặc dân dã, nghe các ông xẩm hát ngoài chợ, ngẩn ngơ cả ngày không về. Lúc trước mẹ còn kiềm thúc đôi chút. Sau rồi Năng ngày càng hà lạm của dân, độc ác vô chừng, vợ can không được ôm giận mà chết. Từ ấy, Phục ít khi về phủ, lang thang khắp trong dân. Chợ huyện một hôm có cha con ông xẩm mù về hát. Phục mê tài cha con ông quá thì dùng số tiền mẹ để lại mà cất một mái lều để cầm chân họ. Người con gái ông già rất xấu xí, nhưng giọng hát của nàng quả là độc nhất thế gian. Chẳng được bao lâu, một buổi chiều khi Phục đến, ông xẩm đuổi con gái đi rồi cầm tay chàng mà nói:

- Con ạ, ta nay như ngọn đèn sắp lụi. Ta có một việc muốn nhờ con!

Phục sụp xuống bên ông già:

- Vâng, lão trượng dặn gì con xin lĩnh ý.

Ông già khẽ thều thào:

- Ngày xưa ta thường cấm con bé Thơm học đàn. Nhưng nó vẫn thường giấu ta để học trộm. Ngón đàn của nó độc lắm, ta nghe mà lạnh buốt sống lưng. Ta hiểu, nó lo khi ta chết, chẳng có ai đàn cho nó hát nữa. Làm thân con gái, lẽ ra không được động đến bầu. Các cụ gọi nó là "độc quyền cầm", gảy một tiếng là mất một giọt máu trong tim. Ta cũng chỉ xin con, sau khi ta chết, ngăn đừng cho nó sờ vào cây đàn của ta. Với ta, cây đàn là máu thịt, ta không dám đập. Nhưng khi ta chết rồi, con phải đập vỡ cây đàn đó ngay. Này con, dù con có giấu ta cũng biết, có người đã bảo ta, con là con quan huyện Năng. Con là người có đức, nhưng cái lãng tử nó hại đến con. Nhớ lấy, nhớ lấy..." Chừng như tất cả máu trong người ông già tuôn ra hết, ông từ từ nhắm mắt lại. Phục gục đầu vào ông lão và khóc. Kể từ ngày mẹ chết, đây là lần đầu tiên chàng khóc. Thơm chạy ập từ ngoài sân vào và lao xổ đến bên ông xẩm. Phục chợt nghe thấy, hình như trong tiếng khóc của Thơm là những đắng cay từ trong kiếp sống của nàng.

Đêm ấy, Phục không dám bỏ đi. Thơm một hai nhất quyết nằng nằng đòi tự vẫn. Nàng dọa rằng, nếu Phục đập bỏ cây đàn, nàng sẽ chết. Và Phục đành ngậm nỗi đau phụ lời người đã khuất vào trong dạ. Tiếng cú rúc cầm canh bên kia mái chợ phủ nhòa một bóng tối lên đôi vai của người con gái tới giờ đã không thể nào khóc nổi nữa. Phục cứ ngồi khuất trong góc lều như thế, im lặng ngắm nhìn từng giọt nến chảy xuống mặt gỗ lạnh tanh của chiếc bàn thờ làm tạm...

Buổi đưa ma ông xẩm già vắng đến thê lương. Ngoài Thơm và Phục, chỉ có ông coi chợ ngẩn ngơ với hai thằng con trai khênh giùm chiếc chiếu nhẹ bỗng. Dường như hơi sống trong người ông xẩm già đã rút hết cùng tiếng đàn. Và trong cái chiếu đã gắn bó với ông bao nhiêu năm trời kia chỉ còn là mảnh thân xác trả lại nơi cõi gửi... Phục phải lấy hết hơi sức mới dìu được Thơm trở về căn lán nhỏ. Suốt đêm Phục ngồi gỡ cái mái tóc đầm đìa mồ hôi và nước mắt gục trên vai chàng. Mãi tới sáng, Phục mới chợt nhớ ra cả chàng và Thơm đã hai ngày nay chưa ai ăn gì cả. Chàng tựa Thơm vào vách và chạy vụt đi...

Đỗ Năng cảm thấy "thằng con bất hiếu" đã xúc phạm mình cực độ. Năng đập bàn quát tên gia nhân vừa bẩm báo về đám tang ông xẩm chợ huyện - một kẻ chuyên hát những lời ai oán cho kiếp dân nghèo mà lại chuyên chửi xéo mắng cạnh quan. Ngay lập tức, lũ lính lệ phải tỏa đi tìm" thằng Phục" về để "ông xử tội". Mãi đến chiều mới thấy chúng lốc thốc lôi Thơm vào trình huyện Năng. Phục đi đâu vẫn chưa ai biết, và chúng "mạn phép" quan bắt luôn con gái lão già mù, họa may "cậu" nghe thế phải tìm về. Huyện Năng truyền tống ngục ngay người con gái. Buổi tối huyện Năng lên nhà thờ Tổ thắp hương giật mình thấy bên trong nghi ngút nhang đèn. Năng bước vào xem thì ra Đỗ Phục đang đứng trước bàn thờ Đức Quận mà kết tội cha hại dân hại nước. Năng không biết làm thế nào bởi vẫn nghe đồn Đức Quận rất thiêng. Nếu quan mà bắt người tố khổ trước bàn thờ Ngài, khéo quan cũng chết. Mà không chết thì cũng bán thân bất toại, nhục nhã cả một đời. Năng chờ con khấn xong mới gọi ra ngoài sân quát mắng. Phục nói "Nay cha nên từ con đi, bởi con cũng không dám nhận cha nữa." Năng chợt nghe như sau lưng có đôi mắt sáng quắc đang nhìn thẳng vào gáy, quay lại thì thấy bát hương trên bàn thờ Tổ bỗng nhiên phát cháy rực, bèn hạ giọng "Nay con định đi đâu?" Phục khóc, nói:

- Bẩm quan, tiểu sinh cũng chẳng biết sẽ tới chân trời góc bể nào. Chỉ xin quan tha cho người con gái kia, gọi là tạo chút phúc phận, mà tiểu sinh cũng an lòng cất bước.

Năng gọi lính truyền thả cho Thơm. Phục lạy từ tạ xin đi. Năng nói "Ta biết rồi con cũng đi. Ta và con không cùng một chí. Thôi con cứ đi. Đây là cái nhẫn vàng bà nội nhờ ta giao cho mẹ con nhưng bà ấy không nhận mà bảo ta giữa hộ. Nay con hãy nhận lấy, chớ có ngại chi!" Năng giao nhẫn vào tay Phục, đoạn quay mặt, nói như quát: “Đi! Đi!", rồi vội vã bước nhanh vào trong nhà thờ Tổ...

*

Phục ra cổng huyện thì gặp Thơm. Nàng quỳ xuống lạy Phục nói:

- Cảm tạ chàng đã cưu mang cha con thiếp bấy lâu. Nay thiếp xin theo chàng để họa may mua vui giùm chàng đôi chút. Âu là kiếp này cái đàn hát của thiếp chỉ còn xin để mỗi chàng nghe mà thôi. Nếu chàng không nhận thiếp xin đập đàn chết ngay trước mặt chàng.

Phục đỡ nàng lên rồi lần lần đưa nhau đi về phương khác. Ròng rã hàng tháng trời thì tới một bìa rừng vắng. Họ làm nhà ở tạm. Ngày ngày, Phục dạy chữ cho mấy đứa trẻ thưa thớt gần quanh đó. Cha mẹ chúng cũng giúp đỡ cho họ ít nhiều... Thơm lầm lũi cơm nước hầu hạ chàng. Đến tối nàng ngồi lặng lẽ ở gian trong khuất hẳn với bóng sáng hắt vào của ngọn nến gian ngoài. Những đêm Phục buồn không đọc sách, vẫn thường bảo nàng gảy đàn và hát. Sợi dây đàn lâu ngày sắc đến kì lạ, loang loáng như nước trong ánh nến.

Thấm thoát đã được ba năm. Phục cảm người con gái vẫn sống bên chàng bèn ngỏ lời cầu hôn nhưng nàng cự tuyệt. Thơm cương quyết nói rằng nàng xấu xí, lại mang nghiệp oan của cây đàn không thể để chàng mang lụy. Rồi nàng bắn tiếng trong vùng, có nhà họ Chu mộ tiếng chàng bèn gọi gả con gái cho. Phục đồng ý, duy một điều nhất định không ở rể. Đêm hợp cẩn, Thơm quì lạy vợ chồng Phục xin đi. Chu thị cương quyết giữ lại và xin kết làm chị em. Nàng thở dài nói "Oan nghiệt trần gian của tôi nặng thế này, gỡ đến bao giờ cho hết?" đoạn nhận lời ở lại nhưng không chịu kết nghĩa chị em. Từ đấy, nàng không bao giờ còn đánh đàn nữa. Lại gọi vợ chồng Phục là công tử và phu nhân, nói sao cũng chẳng chịu nghe...

Phục mải chuyện vợ sinh con trai nên chẳng còn để ý với nhà cửa. Một hôm giật mình nhận ra Thơm bây giờ gầy gò như chiếc bóng, khuôn mặt lại càng xấu xí hơn. Riêng có đôi mắt thì thanh thản lạ thường. Phục chạy tới cầm tay hỏi han có vẻ thương xót lắm thì nàng khẽ cười và im lặng rút tay ra. Từ đó Phục quan tâm đến nàng hơn, nhưng Thơm cứ ngày càng gầy khô lại, bước chân tưởng chừng gió thổi bay... Cho đến một buổi sáng, không thấy nàng trở dậy nữa. Phục hốt hoảng chạy vào xem chỉ còn thấy quần áo vẫn bỏ trên giường mà người không thấy đâu cả. Suốt mấy ngày đêm Phục mất ăn mất ngủ vì lo lắng... Chu thị trông thoáng thấy bóng người ở nhà trong vội vào xem thì không phải, bèn nhặt chiếc áo nàng vẫn mặc phủ lên cây đàn trên chiếc ghế trong buồng rồi trở ra ngoài an ủi chồng. Bỗng cả hai chợt nghe thấy đâu đây văng vẳng tiếng đàn bầu. Giọt đàn tưởng chừng muốn vút cao lên nhưng vẫn vướng mắc vào quầng lưới nào không rõ, chập chờn rồi ào vỡ trong ánh lụi của ngọn bạch lạp trên bàn sách của Đỗ Phục…

*

Tôi tới từ đường nhà họ Đỗ trong một dịp đi thăm người bạn mà không gặp. Ông già coi từ đường đã cho tôi xem cuốn gia phả chép từ đời ông Tổ Đỗ Phục về đây dạy học. Dòng họ Đỗ vẫn có một Bà cô Tổ được thờ riêng ở gian phụ cùng cây đàn bầu tương truyền là của Bà. Ông già coi từ đường nói Bà cô vẫn thiêng lắm. Con gái vùng này giỏi đàn hát, mà hễ sờ vào cây đàn bầu là chẳng mấy đã thuần thục. Nhưng có một điều là chỉ đàn được nửa bản tự khắc đứt dây, thay thế thế nào cũng đứt. Các cụ nói ấy là Bà cô không cho con gái đánh đàn bầu... Ông già nói đến đấy thì cười, một nụ cười đã phai hết hồn vào thời gian, bảo tôi:

- Các cụ đã dạy: “Đàn bầu ai gảy thì nghe/ Làm thân con gái nhớ chớ nghe đàn bầu"... mà cậu!

Rồi cụ mời tôi xuống nhà ngang uống nước. Hương chè ướp hoa bưởi thơm nhè nhẹ và ấm áp trong buổi sáng cuối xuân. Khi ấy, ngoài sân, dưới gốc bưởi rụng toàn hoa trắng…

Lưu Sơn Minh | Báo Văn nghệ

----------

Bài viết cùng chuyên mục:

Thông báo mở lại Chuyên mục “Đọc truyện ngắn hay trên Báo Văn nghệ” Đọc truyện: Bản gốc của trái tim - Truyện ngắn dự thi của Trịnh Minh Hiếu Đọc truyện: Chờ người trong tranh - Truyện ngắn dự thi của Đặng Ngọc Hùng Đọc truyện: Lửa trạng nguyên. Truyện ngắn dự thi của Tống Ngọc Hân Đọc truyện: Đêm định mệnh. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Việt Hòa
Văn nghệ Trẻ, số 3/1997
Cuối năm - Thơ Hà Đức Hạnh

Cuối năm - Thơ Hà Đức Hạnh

Baovannghe.vn- Luôn có cuối năm/ Luôn bề bộn cuối năm
Công bố hiện vật được vua Hàm Nghi mang theo sau biến cố thất thủ Kinh đô Huế

Công bố hiện vật được vua Hàm Nghi mang theo sau biến cố thất thủ Kinh đô Huế

Baovannghe.vn - Hơn 300 hình ảnh, tư liệu, hiện vật tiêu biểu đến từ Huế, TP.HCM, Nam Bộ được giới thiệu tại triển lãm chuyên đề Phú Xuân - Gia Định, những dấu ấn lịch sử.
Bản tin Văn nghệ ngày 1/12/2024

Bản tin Văn nghệ ngày 1/12/2024

Baovannghe.vn - Hội An sẽ tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao sôi động và diễu hành chào mừng 25 năm ngày Đô thị cổ Hội An được công nhận Di sản văn hóa thế giới (4/12/1999-4/12/2024).
Khai mạc Giải vô địch Bóng bàn Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ 17- Tranh cúp Sao Vàng 2024

Khai mạc Giải vô địch Bóng bàn Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ 17- Tranh cúp Sao Vàng 2024

Baovannghe.vn - Giải đấu năm nay thu hút sự tham gia của gần 200 vận động viên đến từ 40 cơ quan báo chí và các cấp Hội Nhà báo trên khắp cả nước
Đề xuất sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị

Đề xuất sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị

Baovannghe.vn - Hội nghị TƯ quán triệt Nghị quyết 18, theo định hướng phương án sắp xếp, sáp nhập được Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng nêu sẽ tối thiểu giảm được 5 bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ.