Sáng tác

Cung tơ chiều - Truyện ngắn dự thi của Đỗ Công Tiềm

Đỗ Công Tiềm
Truyện
08:35 | 26/11/2024
Baovannghe.vn - Chiều chiều rơi trên phím. Chiều và sương tím. Em đi trong sương hay đi trong đời tôi. Giấc mơ lần cuối tình yêu giông tố đêm hè. Tôi gom hết cho em những cung tơ chiều. Xin em rót trên môi tiếng ca ru mềm với tôi. Những khi sương chiều xuống đàn ngừng tiếng em ngồi khóc. Chuyện ngày xưa vẫn còn đó mà lòng tôi như còn nhớ. Tiếc thương mối tình xưa...
aa

Chị Hoa về. Đột ngột. Như thể chị từ trên một đám mây rơi xuống sân nhà. Cả nhà tôi ngỡ ngàng sững sờ. Bố tôi đứng ngây người ra một lúc rồi ông lập cập bước đến như vồ lấy chị. Ông sờ lên mặt, lên tai, nắn nắn bờ vai chị. Miệng lắp bắp “Hoa... Hoa... có thật là con đấy không?”. “Dạ. Là con của cậu đây!”. Ông ôm chầm lấy chị. Dường như sợ chị biến mất khỏi vòng tay. Ông khóc nức nở như một đứa trẻ. Giọng đặc lại “Là thực hay là mơ đây”. Mẹ tôi ngồi lặng như phỗng đá trên tràng kỷ. Giọt vắn giọt dài. Vợ tôi cùng hai đứa trẻ lấp ló sau cánh cửa buồng, mắt tròn xoe ngơ ngác. Tôi lặng lẽ quan sát chị, hồi tưởng lại từng mẩu ký ức về chị.

Chị Hoa là đứa con gái duy nhất của bá Lộc, chị của bố tôi.

... Nghe kể lại.

Vào năm mới mười bốn tuổi, cô bé Lộc đã lén giấu bố mẹ đi dự tuyển vào đoàn văn công tỉnh. Cô trúng tuyển. Bố mẹ nhất quyết không cho đi. Cô phụng phịu nhưng không dám trái ý mẹ cha. Nhưng cũng từ đấy, tiếng hát của cô tắt lịm. Trước kia, mọi người trong xóm thường được nghe cô hát. Cô hát trong mọi lúc mọi nơi. Khi đang cho lợn, cho gà ăn. Hay lúc băm bèo, thái khoai… Đủ các làn điệu, chèo, dân ca quan họ và cả những ca khúc trữ tình. Giọng của cô bé trong trẻo, nồng nàn, ngân lên giữa không gian của làng quê, khi màn sương chưa tan hay vào lúc bóng hoàng hôn lảng bảng.

Từ khi cô thôi không hát, xóm làng tưởng như vắng ngơ vắng ngác. Dường như ai cũng có một cái cảm giác. Thấy đang thiêu thiếu một thứ gì đó, vô cùng thân thuộc. Và cũng chẳng một ai nhận ra được là thiếu thứ gì.

Những năm đó, chiến tranh đang vào thời kỳ khốc liệt. Máy bay Mĩ quần đảo, gầm rít đêm ngày. Bom rơi, đạn nổ. Mặt đất rung chuyển. Nhà sập. Người chết, người bị thương. Bom đạn không chừa một ai, cụ già, phụ nữ, trẻ em. Tận hang cùng ngõ hẻm, tiếng gào khóc xé lòng, ai oán bi thương của những người dân hiền lành vô tội.

Học hết cấp II, cô bé Lộc nghỉ học. Cô đỡ đần bố mẹ được nhiều việc. Từ trong nhà ra đến ngoài đồng. Cô Lộc càng lớn càng xinh. Mười tám tuổi, cô đã được bầu làm Chi hội trưởng phụ nữ thôn. Kiêm chức Bí thư chi đoàn thanh niên.

Trai tráng khỏe mạnh trong làng nối nhau tòng quân. Làng chỉ còn rặt cụ già, phụ nữ và trẻ con. Bao công việc của cánh mày râu đổ cả lên vai chị em. Công việc bề bộn với những họp hành, nhiều khi thâu đêm. Làng quê hừng hực với những phong trào thi đua. Ba sẵn sàng. Ba đảm đang. Tất cả vì tiền tuyến, vì Miền Nam ruột thịt. Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người… Mọi người đua nhau, như đầu cá úi.

Mười tám tuổi, cô Lộc chưa biết yêu. Đâu chỉ có mình cô. Bao người mẹ, người chị có chồng, có con, có người yêu đang ở ngoài chiến trường. Nhớ đấy. Thương đấy. Cũng phải gạt sang một bên. Còn những cô gái vừa bước vào tuổi xuân, thì cũng chẳng có cả thời gian lẫn người để mà yêu. Cái khao khát bản năng của con người đâu dễ gì kìm nén. Nỗi buồn, sự cô đơn đều được giấu kín đằng sau mỗi nụ cười.

Các cô gái, chỉ được vui, được cười đến hết mình khi có bộ đội về làng.

Làng nằm ven con sông Đuống. Có bến đò ngang. Tên gọi là bến đò Chằm.

Cũng chỉ thi thoảng mới có đơn vị bộ đội trên đường hành quân, vì để tránh máy bay Mỹ, hay vì bí mật mới đi qua làng. Bộ đội chỉ dừng chân nghỉ lại một đêm, mờ sáng hôm sau lại hối hả lên đường. Cũng có đợt dừng lại ba bốn ngày. Có khi cả tuần lễ.

Những ngày bộ đội về làng. Đường thôn ngõ xóm chật ních tiếng cười. Vui không thể cưỡng nổi là những cô gái đang độ xuân thì mơn mởn. Các cô chẳng ngại ngần, chẳng dại gì mà không trao gửi những ánh mắt chứa chan tình tứ. Những cái nắm tay. Những vòng ôm xiết chặt. Kể cả những nụ hôn vụng dại vội vã.

Vào đầu năm 1972 có một đại đội về làng. Sau bữa cơm chiều, bộ đội tập trung sinh hoạt ngay ở sân nhà cô Lộc. Cuối buổi sinh hoạt là chương trình văn nghệ. Những người lính trẻ. Rất trẻ. Họ say sưa hát. Hết đồng ca đến tốp ca, đơn ca rồi lại đồng ca. Lần này có một anh lính trẻ mang theo cây đàn ghi ta. Tiếng đàn, lời ca giúp cho các anh vơi đi mệt nhọc sau chặng đường hành quân. Tiếp thêm cho họ sức mạnh để ngày mai tiếp tục trên chặng đường dài. Cuốn hút vào khí thế của lính, Lộc xin được hát cùng. Tiếng vỗ tay nổi lên vang dậy trong đêm. Tiếng đàn lời ca hòa quyện thắm đượm tình cá nước. Mọi người ai cũng như là muốn hát cho hết đêm. Nhưng ngày mai là cả một chặng đường dài đang đợi. Bộ đội đã đi ngủ. Lộc vẫn ngồi lặng lẽ trước hiên nhà. Cô giật bắn người. Anh lính trẻ sách cây đàn khẽ khàng ngồi xuống bên cạnh. Hai người lặng lẽ kéo nhau ra góc vườn. Ngồi xuống và cùng nhau hát. Tiếng đàn, lời ca se sẽ ngân lên giữa màn đêm tĩnh mịch. Gió như ngừng thổi. Tiếng râm ran của côn trùng cũng tắt lịm lại. Muốn nhường cho những giai điệu ngọt ngào, đằm thắm trầm bổng du dương, lúc như lặn vào màn đêm, khi lại nổi lên như những con sóng xô bờ.

Đêm xuân nồng nàn.

Lộc thức dậy. Ông mặt trời đã leo lên khỏi ngọn tre. Nhà vắng tanh. Bộ đội có lẽ đã lên đường từ lúc tinh mơ. Bố mẹ đi làm đồng. Mấy đứa em đến lớp. Cô làm vệ sinh một cách qua quýt vội vàng. Cô lững thững ra vườn. Mảnh vườn chìm trong nắng xuân. Gió xe xe mơn man. Mắt cô đăm đắm nhìn một vạt cỏ gãy rạp nhàu nát ở góc vườn. Lòng cô bồi hồi xao xuyến. Thế là người ấy đi rồi. Không hề để lại lấy một lời nhắn gửi.

Một tiếng két cửa vang lên từ ngoài cổng. Bố mẹ đã về. Lộc vội vàng xuống bếp. Tâm trí của cô như đang để tận đẩu tận đâu. Cô nghe rõ tiếng của bố từ trên nhà vọng xuống “Có anh bộ đội bỏ quên cây đàn. Lên mà cất đi. Nay mai người ta về, thì trả lại”. Người lính ấy để lại cây đàn. Là vô tình hay cố ý nhỉ. Cô nghĩ, lung mung.

Những ngày sau, một nỗi nhớ mơ hồ. Một tâm trạng đầy lo lắng ăm ắp lòng cô. Lộc mỗi ngày một cảm nhận rõ. Đã có một sinh linh nhỏ nhoi, đang hình thành trong bụng cô. Lẽ nào mình sắp được làm mẹ. Biết bao là vui buồn lẫn lộn.

Đủ chín tháng mười ngày, kể từ cái đêm hôm ấy, Lộc sinh một bé gái hồng hào, kháu khỉnh. Tiếng khóc của nó vang động cả căn phòng hộ sinh chật hẹp.

Xưa, ở làng người con gái nào chưa chồng mà chửa, thì chỉ có nước bỏ làng mà đi. Nếu ở lại sẽ không thể thoát nổi hình phạt “gọt gáy bôi vôi”. Rồi đem rong khắp đường làng. Là nỗi ô nhục của mẹ cha, dòng họ.

Nay thời đại mới rồi. Hơn nữa trong giai đoạn này, loạn ly bom đạn bời bời như thế. Lòng người như được cởi rộng ra. Trong làng, lác đác có cô mang thai. Với ai, không quan trọng. Cũng không có một lời xì xào, đàm tiếu. Dường như ai cũng coi đấy là một tin mừng.

Tiếp tục có những đơn vị bộ đội hành quân qua làng. Nghỉ dừng chân, rồi lại hối hả lên đường. Đoàn quân vẫn đi như nước chảy.

30/4/1975. Niềm vui chiến thắng vỡ òa. Đất nước liền một dải.

Làng tới tấp có những cánh thư, tin tức bay về. Tin vui và có cả tin buồn. Bên cạnh niềm vui đoàn tụ là những tiếng khóc bi thương.

Mỗi khi có bóng dáng của anh bộ đội xuất hiện từ cổng làng là tiếng reo vang lên. Đám trẻ con xúm lấy, hân hoan ríu rít theo chân. Và cũng không thiếu những ánh mắt nhìn theo, thẫn thờ. Rồi lặng lẽ về nhà, úp mặt xuống gối nức nở. Lác đác có một số người lính từ nơi xa tìm về làng. Người gặp lại người yêu. Người đón luôn cả mẹ, cả con.

Đứa con bé bỏng của Lộc đã lên ba. Nó luôn thỏ thẻ. “Bố của con đâu hả mẹ?”. “Bố con đi bộ đội mà”. “Khối bác bộ đội đã về đấy. Sao bố con mãi chưa về?” “Thì… có người về trước, người về sau chứ. Nay mai bố con sẽ về đấy”. Nó ngước đôi mắt đen láy, long lanh nhìn mẹ tin cậy.

*

Năm tôi vào lớp một thì chị Hoa đã học năm cuối cấp II. Chị rất xinh và được thừa hưởng cái chất giọng mượt mà đằm thắm của bá Lộc. Rất ít khi chị hát. Chỉ khi nào chị thấy thật vắng vẻ, chị mới khe khẽ hát. Như là chỉ để cho mình chị nghe.

Chị học rất giỏi. Nhưng nhất quyết không học lên cấp III. Chị khăng khăng đòi thi vào trường nhạc. Cả nhà không một ai nỡ ngăn cản. Chị đi thi và đỗ vào hệ trung cấp của NHẠC VIỆN HÀ NỘI.

Ông bà nội tôi sinh được bốn người con. Bá Lộc, bố tôi, chú Tú và cô Hòa. Chú Tú chưa lấy vợ, chú hy sinh ở mặt trận Tây Nam. Cô Hòa lấy chồng. Cô theo chồng vào sinh sống ở Lâm Đồng. Ông bà tôi cắt cho bá Lộc mảnh vườn cạnh nhà. Cất cho mẹ con bá ba gian nhà nhỏ. Một gian bếp với gian chuồng lợn, chuồng gà. Hai mẹ con bá dọn sang đấy, ăn riêng.

Bá Lộc kiên quyết từ chối tất cả mọi người đàn ông tìm đến, ngỏ lời với bá. Đinh ninh một niềm tin. Người lính năm xưa nhất định sẽ trở lại. Niềm tin sắt đá ấy được truyền sang cho cả chị Hoa. Chỉ có ông bà cùng bố mẹ tôi là hoài nghi ngao ngán.

Chị Hoa học xong hệ trung cấp ở Nhạc viện. Chị tiếp tục học lên hệ Đại học. Chị đang học năm thứ hai thì tai họa ập đến. Bá Lộc bị tai biến. Chị phải bỏ học để đưa mẹ đi hết các bệnh viện Tỉnh đến Trung ương. Bá Lộc được cứu sống nhưng di chứng quá nặng nề. Chị đưa bá đi điều trị ở bệnh viện Phục Hồi Chức Năng.

Hơn năm trời dòng dã, bệnh tình của bá chẳng được thuyên giảm. Chị mang bá về nhà. Ông bà tôi lúc này đã có tuổi, nhưng vẫn còn khả năng chăm sóc bá Lộc. Đã nhiều lần ông bà bảo chị Hoa. “Con trở lại trường học tiếp đi. Mẹ con đã có ông bà”. Lần nào chị cũng gạt nước mắt lắc đầu quầy quậy.

Một ngày cuối thu, trời u ám, mưa rơi tầm tã. Bá Lộc của tôi trút hơi thở cuối cùng.

Những ngày sau đó, chị Hoa như người không còn hồn, còn vía. Chị thường xuyên bỏ bữa. Người chị cứ ngẩn ngẩn ngơ ngơ.

Rồi họa vô đơn chí. Ông bà tôi lại lần lượt theo nhau ra đi. Tình trạng sức khỏe của chị Hoa cứ ngày một trầm kha. Bố mẹ tôi đưa chị đi bệnh viện. Bệnh viện cũng không tìm ra được căn nguyên bệnh tình của chị. Ngoài một kết luận “suy nhược”. Chị ngày một héo hắt. Nước da xanh bủng như người đàn bà mắc căn bệnh hậu sản.

Bố tôi cạy cục mời được một bác sĩ tâm lý đến nhà. Sau nửa năm chẩn trị, ông nói nhỏ với bố tôi. “Có lẽ phải nhờ đến âm nhạc, may ra còn cứu chữa được”.

Bố tôi tức tốc ra trường nhạc. Tìm gặp các thầy cô, các bạn học của chị.

Ngay lập tức, thầy cô, bạn bè của chị thay nhau về. Hôm sáng về, chiều đi ngay. Bận nghỉ lại qua đêm. Mọi người chuyện trò với chị. Đàn hát cho chị nghe. Tiếng đàn, lời ca dìu dặt như thể quấn lấy chị Hoa. Ngấm vào thể xác, tâm hồn chị. Âm nhạc quả là một thứ thần dược. Bao nhiêu đau khổ của chị dần dần tan biến. Gương mặt của chị ngày một rạng. Và những nụ cười tươi tắn đã nở lại trên cặp môi xinh xắn của chị.

Chị Hoa trở lại Nhạc viện. Tốt nghiệp hệ đại học của Nhạc viện, chị về nhà nghỉ đúng một tuần lễ. Rồi chị lại đi. Ban đầu cả nhà chắc là chị ra trường. Nhưng một tuần, hai tuần… một tháng, hai tháng… không thấy chị về nhà. Bố tôi bổ ra tận Nhạc viện. Chị không hề có mặt ở trường. Bố tôi tá hỏa lùng sục, dò hỏi các bạn bè của chị. Đều bặt vô âm tín.

Lần này chị đi, chị mang theo cây đàn của người lính năm xưa để lại. Bố tôi thường lẩm bẩm một mình “Chả nhẽ… chả nhẽ”. Cả nhà chẳng ai hiểu ông đang nói chả nhẽ về điều gì. Và cũng không một ai dám hỏi lại ông.

Tròn bốn tháng trời, từ hôm chị rời nhà, gia đình tôi nhận được thư chị. Thư viết dài. Lược lại có mấy ý sau: Thứ nhất, chị bày tỏ lòng biết ơn với bố mẹ tôi, đã lo lắng cho chị trong suốt những ngày qua. Thứ hai, chị nhờ cậy bố mẹ tôi trông nom nhà cửa và hương khói cho mẹ chị. Cuối cùng chị dặn bố mẹ tôi giữ gìn sức khỏe, anh em chúng tôi chịu khó học hành, ngoan ngoãn, hiếu thảo.

Thư không ghi địa chỉ. Trên bì thư có đóng dấu “Bưu điện Bờ Hồ”. Bố tôi ra Hà Nội tìm chị tới ba lần. Nhưng khác nào xuống đáy bể mò kim.

Năm thì mười họa gia đình tôi có nhận được thư của chị. Chỉ vẹn vẹn một lời hỏi thăm với một lời nhắn “Con khỏe, bình an. Cậu mợ và cả nhà yên tâm ạ”.

Những năm tháng nối nhau dài đằng đẵng. Gia đình tôi sống trong tâm trạng ngóng mong, thấp thỏm đợi chờ.

Cung tơ chiều - Truyện ngắn dự thi của Đỗ Công Tiềm
Truyện ngắn của Đỗ Công Tiềm

Chị Hoa về, chẳng phải như một giấc mơ. Đợi cơn xúc động nguôi đi, bố mẹ tôi đưa chị sang nhà chị.

Tất cả vẫn vẹn nguyên như ngày chị đi. Hôm nay trên bàn thờ bá Lộc có hai đĩa đựng những quả ổi, quả thị. Mẹ tôi hái ở vườn nhà từ sáng sớm. Hương thơm của ổi, của thị quyện vào nhau. Phảng phất một mùi hương thân thuộc, ngất ngây lòng người. Chị Hoa thắp nhang lên bàn thờ bá Lộc. Chị quỳ xuống, hai tay chắp trước ngực. Một lúc lâu. Rồi chị quay sang lạy sống bố mẹ tôi như tế sao. Mẹ tôi ôm chị vào lòng. Chị úp mặt vào ngực bà khóc nấc lên từng hồi. Bà lấy tay lau những giọt nước mắt lăn dài trên má chị. Một tay vỗ nhè nhẹ vào lưng chị “Thôi nào nín đi con. Tất cả đã qua rồi”.

Sau bữa cơm chiều, cả nhà quây quần nghe chị kể.

“Thưa cậu. Thưa mợ!

Con là một đứa trẻ được cả nhà cưng chiều. Trong cảnh nhà nghèo, nhưng con chẳng thiếu thốn thứ gì. Con được nuôi ăn học đầy đủ như mọi bạn bè cùng trang lứa. Tình yêu thương của ông bà ngoại, của cậu mợ, và cả nhà dành cho con quá lớn. Nhất là mẹ con. Vậy mà con chưa hề báo đáp được gì, dù chỉ bằng tý móng tay.

Những ngày mẹ con ốm. Con được gần mẹ. Rồi những đêm con thức trắng bên mẹ… Sao mẹ con phải chịu đựng nhiều khổ đau đến thế.

Khi mẹ con ra đi, con đã nung nấu một ý định. Sẽ đi theo mẹ. May nhờ có gia đình, thầy cô, bạn bè, con thoát ra khỏi ý nghĩ rồ dại ấy. Con lại được tiếp tục đến trường. Cho đến khi học xong, không hiểu sao con lại nghĩ nhiều về mẹ con đến thế. Con đã tự cho rằng. Tất cả mọi đau khổ của mẹ con là do (người ấy) gây ra. Và con đinh ninh (Người ấy) vẫn còn sống trên đời này. Thế là con quyết định đi tìm. Cây đàn (Người ấy) để lại sẽ là người chỉ đường giúp con tìm ra (Người ấy). Không phải là lúc này con cần có một người bố. Bao năm trời nay rồi, con có bố đâu. Con muốn gặp được. Để xem rõ mặt mũi của con người bội bạc ấy ra sao mà thôi.

Con đã đi khắp các nơi các chốn. Lùng từ làng quê đến phố phường. Lên rừng xuống bể. Vào Nam ra Bắc. Để sống, để đi, con phải làm đủ nghề, đủ việc. Đàn hát trong quán cà phê, quán bia. Làm tiếp viên, chạy bàn trong các nhà hàng. Rửa bát trong quán cơm, quán phở… Con phải giấu tên giấu tuổi. Phải lảng tránh, chạy trốn người quen. Bạn học của con đều thành danh cả. Họ biểu diễn trên các sân khấu rực rỡ ánh đèn, khắp trong nước, ngoài nước. Còn con lang thang như dấn thân vào một kiếp nạn. Con. Một đứa trẻ bị người cha bỏ rơi từ lúc chào đời. Lòng con đầy hận thù. Và chính lòng hận thù giúp cho đôi chân của con dẻo dai dong duổi…

Cho đến một ngày con bỗng cảm thấy mỏi thấy mệt. Và con lại chợt nghĩ. Hay là (Người ấy) đã nằm lại ở một nghĩa trang liệt sĩ nào đó, trên đất nước này. Nếu được là như vậy. Ở nơi chín suối, mẹ con chắc cũng được an ủi.

Vậy. Con đã nghĩ thế. Tin là thế. Và con quay về”

Cả nhà, mắt ai cũng đỏ hoe. Một lúc, bố tôi lên tiếng “Cái gì đã qua, thì bỏ qua. Để mà tiếp tục sống, con à”.

Những ngày sau, chị dành thời gian đi thăm hỏi những người bạn của chị từ thủa cắp sách tới trường. Ai cũng đã có một gia đình đề huề. Có người đã lên chức bà, chức ông.

Một hôm, chị khẽ khàng có vẻ rất nghiêm túc. “Con muốn xin cậu mợ một việc”. “Việc gì, con cứ nói”. Mẹ tôi nhanh nhảu. “Con muốn mở quán hát tại nhà”. “Con cứ làm gì, con thích”. Mẹ tôi lại lên tiếng trước. Còn bố tôi gật đầu lia lịa.

Việc xây quán được tiến hành lập tức. Những ngày qua, mẹ tôi bòn mót hoa lợi từ mảnh vườn của chị, được đồng nào bà tích lại, để riêng. Cũng được một món kha khá. Rồi tiền tiết kiệm của ông bà, của vợ chồng tôi, tiền của cô Hòa từ Lâm Đồng gửi ra. Dồn vào đủ cho chị chi dùng.

Quán khánh thành. Chỉ còn chờ ngày tốt để khai trương.

Buổi khai trương thành công ngoài sức mong đợi. Khách chủ yếu là bà con chòm xóm. Khách quen của gia đình từ các vùng lân cận.

Những người có tuổi cứ ngờ là mẹ chị đã hồi sinh, về hát cho họ nghe.

Sau một tuần miễn phí, chị kiện toàn về mặt nhân sự. Chủ quán - chị. Bảo vệ - bố tôi và tôi. Thu ngân - vợ tôi. Và thuê thêm hai nhân viên phục vụ, chạy bàn. Đều là các cháu trong xóm. Chị định rõ công việc, mức lương của từng người. Quy định giờ mở cửa “Mùa đông từ 19 giờ đến 22 giờ. Mùa hè từ 19 giờ 30 đến 22 giờ 30”. Ngoài cổng treo một chiếc biển nhỏ “Cà phê - Cung Tơ Chiều”. Trong quán treo một số quy định bắt buộc dành cho khách “Đề nghị quý khách vui lòng không nói to”. “Không nghe điện thoại khi nghe nhạc”. “Trật tự, giữ vệ sinh chung”. Quán chỉ phục vụ hai thứ đồ uống. Cà phê và nước sinh tố. Đồng giá 50.000 đồng một ly.

Những ngày đầu, khách thưa thớt. Mỗi tối, năm bẩy người. Có buổi tịnh không một bóng. Mặc. Chị vẫn đàn, hát. Hát cho chị nghe và khán giả là “nhân viên” chúng tôi. Một sự kiên trì đến khó chịu của chị.

Quán vắng là vậy. Mà những hôm có khách từ xa, đến sớm trước giờ mở cửa. Muốn được nghe chị hát. Chị từ chối thẳng thừng. Có buổi, mấy cậu choai choai lớn tiếng cãi nhau om sòm. Chị kiên quyết mời ra khỏi quán.

Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ cũng đồn xa. Một đồn mười. Mười đồn trăm. Đồn rằng một cô chủ quán xinh đẹp thất tình. Khó tính khó gần... Người ta đến quán, ban đầu là sự hiếu kỳ. Nhưng dần dần, cũng như là ngấm, là phải lòng một giọng ca với ngọn đàn trầm bổng ngọt ngào của chị.

Một buổi sáng tôi hỏi chị Hoa: “Cung Tơ Chiều là gì hả chị?”. “Thì… là một ca khúc xưa. Mà thực lòng, chị cũng chả biết là của nhạc sĩ nào”. “Sao chị lại lấy để đặt tên cho quán?”. “À… à… Trong Đà Lạt có một quán lấy tên vậy. Chị thấy hay hay thì theo thôi”. “Chị không sợ bị kiện à?”. Chị cốc nhẹ lên đầu tôi: “Em ngốc lắm. Khắp nước này, có bao nhiêu là quán Phở Hà Nội. Người bán phở ở Hà Nội có đi kiện nổi không?”. “ Chị à”. “Gì vậy em”. “Chị không lấy chồng à?”. Tôi nhìn chị nháy nháy con mắt “Chị chưa lấy, chứ không phải là không lấy”. Hai chị em tôi cùng cười ngất.

Quán đông khách, “Nhân viên” chúng tôi có lương đều. Cuối tháng, cuối năm còn được nhận thêm tiền thưởng.

Lại một hôm, chị Hoa nói nhỏ với riêng tôi. “Chị muốn nhờ em giúp chị một việc”. “Việc gì chị”. Chị đưa tôi một tờ giấy. Trong đó ghi tên, địa chỉ một số người. Tôi đọc. Là tên tuổi, địa chỉ của một số người, ngay quanh vùng. Tôi có biết họ. Là những người khuyết tật hoặc đang rất khó khăn trong cuộc sống hàng ngày. Tôi nhìn chị “Là sao hả chị?”. “Là, em giúp chị, đưa họ một ít tiền”. Tôi giãy nảy. “Chị trực tiếp đi mà đưa cho họ. Em chẳng làm cái việc của người phúc ta đâu”. “Em vẫn nguyên là một đứa ngốc. Phải nghĩ ra cách chứ. Để họ nhận tiền từ tay em, có khác gì lạy ông tôi ở bụi này. Họ chỉ cần biết là sự giúp đỡ của một người giấu tên. Và là những đồng tiền sạch là được. Em nhận lời đi. Không được từ chối đâu nhé”. Chị năn nỉ nhìn tôi bằng ánh mắt mênh mang sâu thẳm.

Có một cái gì đó đang dâng lên, nghèn nghẹn trong tôi. Đã có những năm tháng, chị bỏ phí hoài tuổi thanh xuân để lao vào một cuộc kiếm tìm trong hoang hoải. Giờ đây, chị đã đi qua những tháng ngày tươi đẹp của đời người con gái. Đến giờ không chồng, không con. Mà sao chị vẫn chưa nghĩ cho riêng mình. Vẫn còn đi lo cho người khác. Tôi lặng lẽ ngắm nhìn chị. Chị thật xinh đẹp. Một nét đẹp khiêm nhường kín đáo như lòng nhân ái của chị.

Như cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra. Việc làm của tôi và chị, che giấu được thiên hạ. Nhưng không giấu nổi bố mẹ và vợ tôi. Thế là chị em tôi có thêm người đồng hành. Gia đình chúng tôi, đâu đã là giầu có. Chỉ gọi là một chút ít san sẻ với những mảnh đời bất hạnh khốn khó gần gặn ngay cạnh mình. Dẫu họ chẳng hề hay biết. Có sao đâu. Tự cảm thấy ấm áp trong lòng là đủ. Đủ làm động lực cho chị Hoa say sưa đàn hát. Đủ cho nhân viên chúng tôi tăng nhiệt huyết làm vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi.

Một đêm cuối thu. Đã hết giờ theo quy định. Khách ra về hết, nhưng còn một vị khách vẫn ngồi lỳ trong quán. Chị Hoa bước xuống tận nơi, đứng trước mặt khách nhỏ nhẹ “Xin lỗi. Đã hết giờ rồi ạ”. Khách vẫn lặng im. Chị từ tốn “Xin lỗi quý khách. Mời quý khách về nhà cho ạ”. Khách đứng dậy, lịch sự. “Xin chào cô chủ. Xin cô chủ cho tôi một đặc ân. Là… là cho tôi mượn cây đàn và được hát một bài. Chỉ một bài thôi. Xin cô chủ chớ từ chối!”.

Nếu như còn trong giờ, thì việc khách muốn làm chủ sân khấu, đâu có khó khăn gì. Và vẫn thường xuyên có khách được hát trên sân khấu của quán.

Nhưng hôm nay đã hết giờ. Chưa hề có tiền lệ.

Chị Hoa lưỡng lự trong giây lát. Không hiểu sao, chị gật đầu. “Xin được đa tạ”. Khách nói rất khẽ bằng một giọng khàn khàn. Giơ hai tay ra đón lấy cây đàn từ tay chị Hoa. Khách khoan thai bước lên sân khấu.

Lên tới sân khấu, trên gương mặt khách không kìm nổi xúc động. Tay run run như muốn mân mê từng bộ phận của cây đàn. Đến vài phút trôi qua, khách đứng thẳng người gập người chào khán giả là bố mẹ tôi, chị Hoa và vợ chồng tôi.

Sau khúc dạo đầu với giai điệu ngọt ngào sâu lắng khách cất lời ca.

Chiều nhẹ rơi trên phím. Tôi hát cho người tôi hát cho mình. Trên cây đàn vỡ tôi dệt thành tơ. Lời đầu cho tình lời cuối cho mình. Chiều chiều rơi trên phím. Chiều và sương tím. Em đi trong sương hay đi trong đời tôi. Giấc mơ lần cuối tình yêu giông tố đêm hè. Tôi gom hết cho em những cung tơ chiều. Xin em rót trên môi tiếng ca ru mềm với tôi. Những khi sương chiều xuống đàn ngừng tiếng em ngồi khóc. Chuyện ngày xưa vẫn còn đó mà lòng tôi như còn nhớ. Tiếc thương mối tình xưa. Chiều nhẹ rơi trên phím. Em đã đi rồi. Em đã xa rồi. Em không còn đó. Tôi chẳng còn đây. Chỉ là ve sầu gọi suốt đêm hè. Chiều chiều rơi trên phím. Chiều và sương tím. Tôi đi lang thang trong đêm trong buồn tênh. Ước mơ lần cuối hồn bay theo đến bên người. Ước mơ một phút hồn bay theo đến bên người”.

Tiếng đàn, lời ca ngừng.

Tất cả dường như cùng lặng đi. Bất thình lình chúng tôi vỗ tay đến một tràng dài. Còn khách bỗng ngã gục xuống mặt sàn. Úp mặt vào cây đàn. Khóc rống lên "U... hu… hu… u… hu..." Bố tôi bước vội lên sân khấu, đỡ khách dậy. Giọng ông như lạc đi “Ông… Ông là… ai?” Khách ngẩng mặt lên. Nước mắt vẫn dàn dụa nơi khóe mắt. Hai tay vẫn ôm khư khư cây đàn trước ngực. “Anh… Anh là Tài. Con của ông Chung và bà Thơm. Em của cô Lộc. Anh chú Tú và cô Hòa”. Khách trả lời bố tôi bằng một loạt câu hỏi có tính khẳng định như vậy.

“Trời ơi! Vậy anh... anh là anh Tuấn. Người đã để lại cây đàn ở nhà chúng tôi?”. “Dạ. Phải”. Bố tôi lắp bắp rối rít. “Hoa! Hoa! Con lên với bố con này”. Chị Hoa vẫn đứng lặng như trời trồng nhìn cảnh tượng vừa xảy ra. Nghe bố tôi gọi vậy, khách, giờ là ông Tuấn từ sân khấu nhào xuống dang rộng hai tay “Là con… con của tôi… đây sao”. Dường như không có một chút lưỡng lự, chị Hoa sà vào trong vòng tay ông Tuấn “Bố!”. Chị nghẹn ngào thút thít.

Một hồi lâu, chị dời khỏi vòng tay ông Tuấn. Chị ngẩng lên nhìn ông, giọng như đanh lại “Bố. Bố hãy nói gì đi... để con tin đây là sự thật”.

“Ngày ấy, đơn vị của bố có dừng chân ở làng. Âm nhạc đã giúp cho bố và mẹ đến được với nhau. Như là đã có hẹn ước từ kiếp trước. Bố phải theo đơn vị hành quân, chỉ kịp để lại cây đàn này, như một lời hẹn ước. Tại chiến trường Quảng Trị, bố bị thương. Bố được cứu sống. Nhưng không biết mình là ai nữa. Không thể nhớ nổi một điều gì. Đơn vị, đồng đội, quê hương, bản quán. Bố cứ lang thang. Không biết được đã ăn, đã ngủ ở đâu. Những ai đã nuôi, đã cưu mang mình. Cứ thế bố trôi theo dòng đời. Cho đến một ngày. Nghe nói bố đã ngất xỉu trước cổng một gia đình. Cả hai vợ chồng họ đều là giáo viên âm nhạc. Các con của họ đã thành danh cả. Hai ông bà đã nghỉ hưu. Họ thường đàn hát cho nhau nghe. Tại đấy, bố được ăn, được ngủ, được nghe tiếng đàn, lời ca của hai vợ chồng nhà giáo nhân từ. Điều kì diệu đã đến với bố. Bố cứ dần dần mà tỉnh lại, nhớ lại. Lần lượt, tất cả. Bố nhớ về một tuổi thơ. Một làng nhỏ nằm ven con sông Luộc. Nhớ về những đồng đội của bố. Những khói lửa đạn bom ở chiến trường Quảng Trị. Đến khi thấy đã hoàn toàn bình phục, bố xin phép ân nhân để trở về quê nhà. Về đến quê bố mới biết, bố đã về quê. Nhưng không nhận được ai với ai. Bố về rồi lại đi. Gia đình cũng đã đi tìm bố. Nhưng đều bóng chim tăm cá. Thế đấy. Con à”.

Ông Tuấn, giờ là bá Tuấn nói liền một hồi, rành mạch. Chúng tôi còn ngỡ như là đang sống trong một giấc mơ.

Một sự trùng hợp thật ngẫu nhiên. Như là một câu chuyện cổ tích. Mai là ngày giỗ bá Lộc.

Cả gia đình tôi đứng trước mộ bá Lộc. Hương trầm phảng phất ngan ngát. Bá Tuấn gỡ cây đàn ra khỏi vai. Bá dạo đàn rồi cất lời hát.

Chiều nhẹ rơi trên phím

Tôi hát cho người tôi hát cho mình...

Từ trên khoảng không xanh lơ bỗng xuất hiện một con chim sơn ca. Nó đang từ từ sà cánh xuống ngay trên đầu chúng tôi. Rồi đột ngột lại bay vút lên cao tít. Và nó cất lên tiếng hót trong veo lánh lót. Chim cứ hót. Người cứ đàn hát. Giọng chim, giọng người hòa quyện ngân lên giữa khoảng không mênh mang nắng gió.

...

... Tôi đi lang thang trong đêm trong buồn tênh.

Ước mơ lần cuối hồn bay theo đến bên người. Ước mơ một phút hồn bay theo đến bên người.

Tiếng đàn lời ca ngừng. Chim Sơn ca cũng biến mất vào khoảng trời thu trong xanh, cao thăm thẳm.

Văn nghệ, số 40/2022
Một thực hành di sản tại Nhật Bản

Một thực hành di sản tại Nhật Bản

Baovannghe.vn - Khi tới Bảo tàng Tokugawa từ ngày 22/10/2024 đến ngày 04/11/2024, khán giả có dịp chiêm ngưỡng bộ sưu tập của gia tộc Tokugawa về “Truyện Genji” cùng thế giới Miyabi (Nhã) đại diện cho văn hóa quý tộc Nhật Bản xưa.
Lý do một số nhà nghiên cứu nữ không thích đọc lại "Lolita" và "Không có vua"

Lý do một số nhà nghiên cứu nữ không thích đọc lại "Lolita" và "Không có vua"

Baovannghe.vn - Tại Viện Văn học, buổi tọa đàm Nữ tính vĩnh hằng và sự chất vấn từ cảm quan giới đã khơi dậy những thảo luận thú vị xoay quanh ý niệm về nữ quyền trong văn chương và sự định hình cảm quan giới qua các tác phẩm kinh điển. Không chỉ dừng lại ở học thuật, các diễn giả còn đặt ra những chất vấn về vai trò thực sự của phụ nữ trong văn học và xã hội hiện đại.
Câu chuyện của chính mỗi chúng ta. Nhà văn Nguyễn Bình Phương

Câu chuyện của chính mỗi chúng ta. Nhà văn Nguyễn Bình Phương

Baovannghe.vn - Giải thưởng SEA Write, hay Giải thưởng Nhà văn Đông Nam Á, là giải thưởng được trao hàng năm kể từ năm 1979 cho các nhà thơ và nhà văn Đông Nam Á. Giải thưởng được trao cho các nhà văn từ mỗi quốc gia trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. Buổi lễ được tổ chức tại Bangkok, với sự chủ trì của một thành viên hoàng gia Thái Lan. Nhà văn Nguyễn Bình Phương đã vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà văn Đông Nam Á (S.E.A Write Award) năm 2022 với tiểu thuyết "Một ví dụ xoàng".
Nhớ anh Tưởng - Bút ký của nhà văn Anh Đức

Nhớ anh Tưởng - Bút ký của nhà văn Anh Đức

Baovannghe.vn - Ở anh Tưởng tôi đã học được nhiều điều, mà ngay bản thân anh có khi cũng không biết là đã trao cho chúng tôi những gì mình có. Ở đây, có điều cần nói rằng trước khi tôi tiếp nhận được những điều bổ ích khác ở nơi anh, thì tôi đã tiếp nhận ở anh chính con người anh. Con người anh Nguyễn Huy Tưởng rõ ràng là một con người nhà văn chân chính đã đi vào công việc sánh tác văn học một cách nghiêm chỉnh, cẩn trọng và trung thực ở ngay trong sự thâm nhập đời sống, trong thái độ làm việc và cả trong cung cách ứng xử ngày thường.
Nhà văn Nguyễn Bình Phương và nhà văn Nguyễn Một nhận Giải thưởng Nhà văn Đông Nam Á

Nhà văn Nguyễn Bình Phương và nhà văn Nguyễn Một nhận Giải thưởng Nhà văn Đông Nam Á

Baovannghe.vn - Giải thưởng Nhà văn Đông Nam Á được đánh giá là một trong những sự kiện văn học uy tín nhất của khu vực nhằm tôn vinh các tác phẩm của các nhà thơ và nhà văn đương đại đến từ các nước ASEAN.