Phi Tuyết Ba
Đàn mưa con!
Đám mây đen trĩu nặng
Cúi mình xuống thấp dần
Cho đến khi rạn vỡ
Sinh ra triệu đứa con
Đàn mưa con bé tí
Trong trẻo như giọt sương
Vừa mới rời xa mẹ
Đã can đảm xuống đường
Giọt đậu vào cành khế
Giọt thấm xuống cánh đồng
Giọt bay trên mái phố
Nhảy dù xuống dòng sông
Sau nhiều ngày trôi nổi
Đi du lịch khắp nơi
Chúng gặp nhau ở biển
Làm sóng trắng trùng khơi!
Lời bình của
Phạm Thị Phương Thảo
Bài thơ Đàn mưa con! của nhà thơ Phi Tuyết Ba là một bài thơ hay, nhẹ nhàng, dễ hiểu dành cho các bé nhưng cũng là đôi chút thách thức với những người lớn. Trong bài thơ này, có sự đặc biệt phía sau. Đó là nỗi niềm trăn trở của những người mẹ đối với những đứa con của mình. Cuộc sinh nở ra “Triệu đứa con” chỉ trong một lúc chỉ là cách nói nhân hoá khi kể về một cơn mưa nặng hạt trước vũ trụ. Cuộc sinh nở của “Bà mẹ Thiên nhiên” trong vũ trụ to lớn này quả thật là ngoạn mục qua con mắt nhà thơ:
Đám mây đen trĩu nặng
Cúi mình xuống thấp dần
Cho đến khi rạn vỡ
Sinh ra triệu đứa con.
Những đứa trẻ “trong trẻo như giọt sương” kia vốn thơ ngây, hồn nhiên. Chúng vốn mang đặc tính chung của trẻ con nên chưa hề muốn xa mẹ. Đàn mưa con vừa mới sinh ra, chưa kịp lớn lên, thế mà chúng đã phải rời xa mẹ để hoà nhập vào thế giới bao la:
Đàn mưa con bé tí
Trong trẻo như giọt sương
Vừa mới rời xa mẹ
Đã can đảm xuống đường.
Là người mẹ, đọc đoạn này chắc không khỏi có chút bùi ngùi. Số phận của những đứa con nhiều khi người mẹ không thể nào định đoạt được. Đau đớn nhưng họ không biết phải làm sao. Trẻ con thời nay sẽ sớm phải học bài học về sự tự lập để tồn tại. Chúng đã tỏa đi khắp nơi và sớm phải sống cuộc đời riêng của mình khi rời xa mẹ:
Giọt đậu vào cành khế
Giọt thấm xuống cánh đồng
Giọt bay trên mái phố
Nhảy dù xuống dòng sông…
Thông qua một bài thơ Thiếu nhi xinh xắn, tác giả đã ngợi ca tình mẫu tử thông qua những hình ảnh sinh động về bà mẹ thiên nhiên trong vũ trụ bao la. Theo dõi sự sinh thành, biến chuyển và sự vượt thoát ngoạn mục của những đứa con trong nhân gian:
Theo nhiều ngày trôi nổi
Đi du lịch khắp nơi
Chúng gặp nhau ở biển
Làm sóng trắng trùng khơi
Nhà thơ đã khái quát lên một triết lý nhân sinh sâu xa về cuộc đời. Đó chính là cuộc sống của những đứa trẻ - những đàn mưa con, khi chúng biết rời xa mẹ để ra với thế giới rộng lớn. Để rồi, có một ngày, chúng được gặp nhau ở biển lớn và vỡ oà khi hoá thân thành những cơn sóng trắng giữa mạnh mẽ trùng khơi!
Bài thơ thật giản dị, nhẹ nhàng mà mang đầy tính triết lý sâu xa về cõi người, về nhân gian và vũ trụ! Trẻ con cũng có thể yêu thích bài thơ này vì nhịp điệu trong trẻo hay những hình ảnh liên tưởng đáng yêu của đàn mưa con. Còn người lớn thì sao? Thực ra, chỉ có người lớn chúng ta mới có thể hiểu hết được ý nghĩa sâu xa của bài thơ...
Nguồn Văn nghệ số 22/2023