Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm (1922-2016) sinh ra trong một gia đình có truyền thống Nho học tại Nam Đàn, Nghệ An. Ông đam mê vẽ từ nhỏ nên sau này theo anh trai ra Hà Nội, tìm họa sĩ Lê Phổ để học vẽ. Ông đã học tập và nghiên cứu tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Năm 22 tuổi, ông đoạt giải nhất triển lãm của Salon Unique. Tác phẩm sơn dầu Người gác Văn Miếu của ông đã gây tiếng vang lớn trong làng mỹ thuật. Sau năm 1954, ông làm việc tại Hội Văn nghệ Việt Nam; giảng dạy tại trường Trung cấp Mỹ thuật Việt Nam (nay là Đại học Mỹ thuật Công nghiệp); đồng thời là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam khóa I (1957-1983). Trong suốt 70 năm, Nguyễn Tư Nghiêm đã sáng tác số lượng tranhg đồ sộ - những tác phẩm là di sản của nền mỹ thuật Việt Nam. Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm là một trong tứ kiệt thế hệ thứ hai của mỹ thuật Việt Nam hiện đại (Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái); cùng nhóm "tứ trụ" đầu tiên (Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn), họ là những gương mặt tiêu biểu cho thành tựu, cũng như các phong cách đặc trưng của hội họa Việt Nam trong giai đoạn từ đầu thế kỷ XX tới nay. Ông đã giành được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế như: Giải Nhất triển lãm duy nhất (1944): Cổng làng Mía, Cảnh đồng quê, Người gác Văn Miếu; Giải Nhất Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc kháng chiến (1948): Du kích làng Phù Lưu; Giải thưởng triển lãm Mỹ thuật toàn quốc (1957): Con nghê; Giải thưởng Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô (1975): Hai đĩa sơn mài; Giải chính thức Triển lãm Quốc tế nghệ thuật hiện thực ở Sophia - Bulgaria (1985): Điệu múa cổ I; Giải chính thức Triển lãm Quốc tế ở Hà Nội (1987): Điệu múa cổ II; Giải nhất Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc (1990): Gióng; Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I về văn học nghệ thuật (1996). |