Văn hóa nghệ thuật

Họa sĩ Hồ Hữu Thủ - Thả mình trong cõi vô niệm

Hồ Anh Thái
Mỹ thuật
11:13 | 01/10/2024
Baovannghe.vn - Hành trình sáng tạo gần bảy mươi năm, Hồ Hữu Thủ đã trải qua nhiều phương pháp, khởi đầu từ hình họa theo chủ nghĩa ấn tượng, chuyển sang siêu thực
aa

Thập kỷ 1990, trước khi những cuốn sách của tôi ấn hành ở Mỹ, các ông chủ xuất bản biết tôi là người nhà của họa sĩ Hồ Hữu Thủ bèn xin phép sử dụng tranh của ông làm bìa sách. Tất nhiên họa sĩ vui vẻ đồng ý. Tôi là cháu gọi ông bằng cậu. Bìa tiểu thuyết Trong sương hồng hiện ra (Behind the Red Mist, 1998), nhà xuất bản Curbstone Press dùng bức tranh sơn mài Hồ Hữu Thủ vẽ năm 1987. Trên nền đỏ là một cặp vợ chồng trẻ phơi lộ vẻ đẹp hình thể, ở phía chân họ là đứa bé sơ sinh ngủ yên lành như được bọc trong một chiếc lá sen. Bìa tiểu thuyết Người đàn bà trên đảo (The Women on the Island, University of Washington Press 2000) là bức sơn mài Chiếc bình xanh. Hai thiếu nữ nuy với chiếc bình màu ngọc lục bảo lung linh đặt ở chính giữa. Còn đến tuyển tập Tình yêu sau chiến tranh (Love after War, 2003) nhà xuất bản chọn bức sơn mài cỡ lớn Ngủ bên hồ sen. Thiếu nữ nuy nằm quay lưng về phía người xem, phía trên là một khoảng trống lớn, một đêm đen mênh mông làm phần thân thể bừng sáng như một ngọn đèn. Bên mái tóc trải dài là một chùm hoa sen e ấp như ướp hương sen vào không gian.

Họa sĩ Hồ Hữu Thủ - Thả mình trong cõi vô niệm
Sách của Hồ Anh Thái ấn hành ở Mỹ, bìa sách sử dụng tranh của Hồ Hữu Thủ.
Họa sĩ Hồ Hữu Thủ được mệnh danh "thuật sĩ sơn mài".

-- Quế Chi

Hồ Hữu Thủ chú trọng hình họa cơ bản, trên cơ sở thành thục hình họa, ông thỏa sức bứt phá vào cõi vô niệm. Những dáng hình hiện thực vừa mới hiện lên đã ngay lập tức được nhấn chìm vào một không gian sương khói chập chờn. Như có đấy mà không đấy. Rất nhiều ý tưởng và ý niệm tràn đến khi bắt đầu ngồi vẽ, nhưng họa sĩ nhiều lần “lật ngược bảng vẽ”, mỗi lần lật ngược là một lần xua đi những ý niệm những định kiến. Khi tất cả những bầy ong vo ve ấy bị xua hết đi rồi, đấy là lúc họa sĩ bắt đầu chìm đắm vào cõi vô thức của riêng mình. Hồ Hữu Thủ coi đấy là khoảnh khắc không phải mình vẽ nữa. Bàn tay và trái tim họa sĩ đã trở thành phương tiện trung chuyển để chuyển tải từ một cõi xa xăm. Nghe như thần bí hóa công việc sáng tạo nghệ thuật nhưng đấy là điều họa sĩ tin, bằng chứng là sau đó họa sĩ không thể vẽ lại được một bức tranh giống như vậy nữa. Mỗi bức tranh là chỉ có một, và duy nhất.

Ông là một họa sĩ lớn, tên tuổi ông vượt trùng dương để đến với những bến bờ thật xa. Ngày mai đây người ta sẽ nhắc nhiều đến ông với tất cả tiếc nuối về một tài năng.

--Trần Mã Thượng

Hành trình sáng tạo gần bảy mươi năm, Hồ Hữu Thủ đã trải qua nhiều phương pháp, khởi đầu từ hình họa theo chủ nghĩa ấn tượng, chuyển sang siêu thực, cũng có khi tìm tòi đến cả tượng trưng và lập thể, để dần dần đi đến trừu tượng mang tính Phật và màu sắc phương Đông. Không gian trừu tượng này không chỉ thể hiện sự vô ý niệm vô định kiến của họa sĩ mà còn dẫn người xem vào một thế giới đa sắc đa chiều, có thể thả hồn mình tự do và được dẫn dắt đến nơi vô định. Họa sĩ vẽ gì vậy? Họa sĩ có thể cười mà nói rằng tôi không vẽ gì cả. Sao những bông hoa sen kia lại chúc đầu xuống mà nở, sao thiếu nữ kia lại phơ phất bay lên, sao con ngựa kia lại phân thân thành nhiều cái đầu như một ảo ảnh? Chính họa sĩ cũng không biết trả lời thế nào (phải rất biết thì mới không biết). Người xem có thể hiểu bức tranh này thế nào đây? Không cần hiểu, chỉ cần cảm nhận.

Như nhạc không lời.

Như văn chương nghệ thuật nói chung.

Không phải điều gì cũng có thể lý giải. Chỉ cần cảm nhận. Mà nếu không cảm nhận được nó thì cũng thôi, cứ việc thả cho cái đầu và trái tim ta được bay bổng tự do trong ấy.

*

Họa sĩ Hồ Hữu Thủ - Thả mình trong cõi vô niệm
Chân dung họa sĩ Hồ Hữu Thủ.

Tuổi đôi mươi, đang là sinh viên, lâu lâu gặp cậu Thủ, tôi đều nghe cậu nói say sưa về triết Phật. Hồi đó tôi có hiểu gì đâu, những thứ ấy nghe để thấm vào mình, nhưng nó ở nguyên trong đầu mà không lý giải. Cậu còn đưa cho một vài quyển sách mỏng giấy nâu vàng, trong ấy có những công án thiền càng gây bối rối. - Ta muốn hỏi ông một câu - Ngài hỏi đi - Ta đã hỏi rồi - Ngài hỏi chi? - Ông đã trả lời chi? - Tôi không trả lời gì cả - Ta cũng không hỏi gì cả…

Cũng chịu ảnh hưởng của cha, con trai cậu là họa sĩ Hồ Hồng Lĩnh từ khi còn ít tuổi đã tâm đắc với triết học phương Đông. Lĩnh nói với tôi: Krishnamurti không phải là nhà tư tưởng mà là nhà vô tưởng.

Tôi vẫn nghe mà để đấy. Tưởng như quá xa xôi. Rồi tình cờ số phận sắp đặt thế nào đó, đang làm việc ở Bộ Ngoại giao, tôi lấy được học bổng đi Ấn Độ. Đi Ấn Độ mà không biết gì về cái đại dương văn hóa ấy. Đi Ấn Độ mà không biết gì về Phật. Thế rồi dần dần, mưa dầm thấm lâu. Cứ thế mà thấm sâu.

Về sau nghĩ lại, những điều cậu Thủ nói về Phật, những bức tranh của cậu như thiền, những quyển sách ố vàng cậu đưa ngày trước… tất thảy những điều đó có sợi chỉ mỏng manh nào nối vào con đường dẫn mình tới Ấn Độ? Thế rồi mấy chục năm nghiên cứu văn hóa Ấn Độ, dăm bảy cuốn sách tôi viết về Ấn Độ tôi đều gửi cậu Thủ đọc. Namaskar, xin chào Ấn Độ; Đức Phật, nàng Savitri và tôi; Đức Phật, Nữ Chúa và điệp viên; Tiếng thở dài qua rừng kim tước; Ở lại để chờ nhau, Chốc lát những bến bờ… Cậu nhìn những bìa sách, có khi bảo, nên vẽ thế này thế kia cho đúng màu sắc đúng bố cục, cho đúng là Ấn Độ…

Những bức sơn dầu và sơn ta của Hồ Hữu Thủ có chất lãng mạn, bay bổng, khác biệt so với cách trò chuyện dung dị.

… Khác với giới họa sĩ hồi đó, niềm yêu thích chất liệu sơn ta vẫn âm ỉ trong lòng Hồ Hữu Thủ. Suốt thời niên thiếu sống ở Bình Dương, trong cái nôi sơn mài mỹ nghệ truyền thống của miền Nam, ông nhận ra vẻ đẹp đằm sâu của sơn ta trong sáng tác. Lúc đó, tuy hai miền Nam Bắc đang bị chia cắt, sơn Phú Thọ (gọi là sơn Bắc) vẫn vào được miền Nam, có thể qua đường Campuchia. Loại sơn này được dùng phối hợp với sơn Nam Vang (cũng từ Campuchia, được trồng tại chỗ), tạo nên vẻ đẹp riêng biệt của tranh và đồ mỹ nghệ của miền Nam.
--Phạm Công Luận

Năm 1991, anh Nguyễn Trọng Chức ở báo Tuổi Trẻ thành phố Hồ Chí Minh có một chuyến đi tu nghiệp báo chí ở Ấn Độ. Họa sĩ Hồ Hữu Thủ nói có đứa cháu làm việc ở đại sứ quán Việt Nam tại New Delhi và viết một bức thư giới thiệu. Tôi lúc ấy là thư ký đại sứ, xa nhà lâu, nhận được thư cậu Thủ thì mừng lắm. Anh Chức viết nhiều về mỹ thuật, anh kể Hồ Hữu Thủ là thành viên nhóm họa sĩ trẻ Sài Gòn từ năm 1965, một nhóm tiên phong với nhiều tìm tòi cách tân, gồm những họa sĩ trưởng thành rất sớm như Nguyễn Trung, Đỗ Quang Em, Hồ Hữu Thủ… Mỗi người một phong cách, mỗi người một con đường riêng, nhưng đều thành công đáng kể. Hồ Hữu Thủ từ sử dụng nhiều chất liệu, dần dần hướng sâu vào sơn mài và trở thành tay sơn mài hàng đầu trong nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Anh đưa tôi xem tờ Tuổi Trẻ chủ nhật có bài anh viết và bức tranh sơn mài khổ lớn mới được bán với giá mấy chục nghìn đô la. Đấy là họa sĩ thuộc về “câu lạc bộ đắt giá” của hội họa Việt…

*

Họa sĩ Hồ Hữu Thủ - Thả mình trong cõi vô niệm
Những hiện thân, sơn mài của Hồ Hữu Thủ.

Ông ngoại tôi là cậu ấm con quan nên mọi người gọi là ông Ấm. Ông Ấm là thầy thuốc, từng cứu sống nhiều người qua những trận dịch lớn. Từ Nghệ An, ông vào Sài Gòn trước năm 1930, có thêm bốn con trai trong ấy. Cậu Hồ Hữu Thủ là con út, sinh năm 1940 ở Thủ Dầu Một. Bốn cậu sinh ra ở Nam bộ nhưng đều nhớ trong mình có “chất Nghệ”, mình là “Nghệ nhân”, người con xứ Nghệ.

Cậu Thủ từng kể một giai thoại về ông ngoại tôi: ông thầy thuốc có lần đến ở lại trong chùa, chữa bệnh cho các nhà sư. Một thời gian sau, đã dẹp yên bệnh tật, thầy thuốc chuẩn bị ra đi, các sư làm một bữa cơm chia tay. Họ quyết định làm thịt một con gà để đãi thầy. Nhưng nhà sư nào dám cắt tiết gà, ông thầy thuốc phải tự làm việc ấy. Tay của thầy thuốc thì lại thuộc loại trói gà không chặt. Vừa đưa một đường dao thì con gà vùng ra được. Thế là các sư phải hò nhau đuổi theo bắt lại con gà đang ôm đầu máu chạy loạn.

Chúng tôi cười mãi với chuyện của ông cậu hóm hỉnh mà không biết có bao nhiêu phần sự thật trong câu chuyện ấy.

Các cậu có hai bà chị ở lại xứ Bắc. Cả hai đều là chiến sĩ cách mạng theo tinh thần giải phóng dân tộc chống thực dân Pháp. Từ năm 1954 gia đình bị chia cắt đôi miền. Suốt hai mươi mốt năm trời, nỗi lo thường xuyên của mẹ tôi là lo cho bốn cậu em trai ở trong Nam. Chiến tranh, ly tán, “không biết chúng nó có làm sao không, có đứa nào phải đi lính không?” Từ khi còn rất bé, tôi đã nghe mẹ tôi thỉnh thoảng lại nói vậy.

Nhắc chuyện này, lại nhớ đến người anh lớn của cậu Thủ là cậu Hồ Hữu Tú, 94 tuổi mà thật tinh tường minh mẫn hoạt bát. Hồi tháng 7-2023, cậu Tú mang ra số thư từ mà cậu còn lưu giữ được. Những tờ bưu thiếp từ năm 1958. Sáu mươi lăm năm trước đó. Thời kỳ đầu hai miền chia cắt, thư từ thăm hỏi không phải là thư mà chỉ là những tấm bưu thiếp, một kiểu postcard in sẵn được nhất trí sử dụng ở cả hai bên giới tuyến, chỉ điền tên và địa chỉ người gửi và người nhận. Phía trên có mấy dòng chữ in nhắc nhở:

“Thiếp này chỉ để thông tin gia đình. Khi đã điền vào những chỗ để trống, xóa bỏ lời chữ không dùng đến. Không viết ra ngoài dòng (hàng).

CHÚ Ý – Thiếp nào lời lẽ không có tính cách thông tin gia đình sẽ không chuyển đi”.

Họa sĩ Hồ Hữu Thủ - Thả mình trong cõi vô niệm
Phố Đêm, sơn mài của Hồ Hữu Thủ.

Ở năm dòng bỏ trống cho lời nhắn, mẹ tôi viết vừa nhận được tin ông ngoại đau nặng “con ở xa không được gần thầy để cùng các em săn sóc thầy. Lòng con rất bùi ngùi”. Thư gửi đi ngày 10-7-1958 thì cũng chính khoảng thời gian ấy ông ngoại tôi qua đời ở trong Nam. Chỉ sáu ngày sau, trong tấm bưu thiếp đề ngày 16-7-1958, mẹ tôi viết cho cậu Thủ: “Bắt được thiếp em gửi về cho biết thầy đã từ trần, lòng chị rất buồn rầu đau đớn, trong khi thầy từ trần mà không được gặp. Em nhận được thiếp này báo tin cho chị biết…”

Tôi nhẩm tính, năm 1958 ông ngoại qua đời lúc cậu Thủ mười tám tuổi, đang học ở trường Mỹ nghệ Bình Dương, khóa 1955 đến 1959.

Hai năm sau cậu nhập học trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định, sau khi đã nhận một vài giải thưởng hội họa đầu tiên. Sau năm 1975, họa sĩ Hồ Hữu Thủ tiếp tục là giảng viên trường Cao đẳng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh (trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định xưa). Rồi cậu thôi dạy học, làm họa sĩ tự do.

Sau năm 1958, chiến tranh ngày càng ác liệt, giữa hai miền hoàn toàn đứt liên lạc. Ngay sau ngày 30-4-1975, cha mẹ tôi viết thư về địa chỉ ông ngoại ở Thủ Dầu Một. Tưởng là chiến tranh mấy chục năm như vậy sẽ rất khó tìm được người thân, may sao vẫn còn một cậu ở lại căn nhà cũ. Tìm lại được đầy đủ cả bốn cậu. Nỗi lo mấy chục năm của mẹ tôi được giải tỏa.

Thời sinh viên, tôi thỉnh thoảng có vào Sài Gòn thăm các cậu. Cậu Thủ có mảnh đất dựng nhà ở đường Nguyễn Văn Thủ quận 1. Có ông công chức nào đó trong phường đến xin ở nhờ một phần đất, con cáo xin gửi nhờ hai cái chân rồi cả bốn chân lúc nào chẳng biết, con cáo có cái ngạo mạn của chính thể, xây luôn nhà lên án ngữ ngay lối ngõ ra vào. Đến ba mươi năm phải chịu cảnh cái gai ngay trên mảnh đất của mình, sau đó cậu Thủ mới chuyển về một khu đất rộng ở Thạnh Mỹ Lợi, bây giờ thuộc thành phố Thủ Đức, ngay bờ sông Sài Gòn.

*

Đầu tháng 8-2023, tôi trở lại căn nhà vườn ở Thạnh Mỹ Lợi của cậu Thủ. Bảo tàng của họa sĩ chưa xây lên được vì vẫn chưa xong thủ tục xin giấy phép sử dụng đất. Hồ Hồng Lĩnh kể cha con họa sĩ không chờ nữa mà quyết tâm xây bảo tàng ở một nơi khác gần đó. Dự định bảo tàng xây xong vào đầu năm 2024. Sẽ là một căn nhà nhiều tầng, tầng thấp nhất trưng bày những bức tranh mới và có thể luân chuyển. Những tầng trên là phần trưng bày cố định, tranh của từng thập niên, kể từ những ngày đầu họa sĩ Hồ Hữu Thủ khởi dựng sự nghiệp.

Hồ Hữu Thủ từng nói: “Tôi đã đọc được nơi một ông thày chùa rằng, từ ý tưởng này đến ý tưởng kia luôn có một khoảng hở. Tôi muốn kéo giãn cái khoảng hở ấy rộng ra, càng rộng càng tốt, vì đấy sẽ là nơi tôi an trú. Đấy cũng là nơi mà sự sáng tạo của tôi được định hình sự sống”

Tôi không hề bất ngờ. Có vẻ như Hồ Hữu Thủ vẫn đắm chìm vào những suy tưởng sáng tạo như thế, vào thiền học như thế. Hồ Hữu Thủ là một trong số ít họa sĩ tôi biết không ngừng có những suy tư triết học cho cuộc sống cũng như con đường sáng tạo của mình và hơn thế, biết diễn đạt nó một cách mạch lạc.
… Ngoài sơn dầu, Hồ Hữu Thủ cũng rất sở trường về tranh sơn mài, một nghệ thuật mà ông muốn lưu truyền như truyền thống. Chính Hồ Hữu Thủ cũng đã mạnh dạn gọi tranh sơn mài của ông là nghệ thuật sơn ta hay sơn Phú Thọ. Sự khác biệt này không chỉ ở chất liệu, mà còn là phương pháp. Thay vì mài toàn bộ bức tranh, Hồ Hữu Thủ chọn giải pháp giữ lại các mảng thô không mài, để tạo hiệu ứng nghệ thuật.
--Nguyễn Viện

Hơn nửa thế kỷ qua, họa sĩ đã phải nỗ lực “chiến đấu” với cánh mua tranh và sưu tầm tranh để có thể giữ lại những bức tranh cho nhà bảo tàng hôm nay. Chỉ còn giữ lại được mấy trăm bức tranh, còn phần lớn trong số hơn hai nghìn bức của Hồ Hữu Thủ đã trôi dạt vào thiên hạ. Ông thường thả hồn phóng túng vào những kích thước “bom tấn”, nhiều bức rộng hơn hai mét và dài từ ba đến bốn mét. Đạo diễn Xuân Phượng, bà chủ Lotus Gallery, đến thăm xưởng rất thích bức Phố đêm ông mới vẽ, ngỏ ý muốn mua. Nhưng bức tranh đã có người đặt giá 30.000 USD và gửi tạm ở đấy. Vui chuyện, cô Phượng quay sang hỏi tôi có lưu được bức tranh nào của cậu hay không. Tôi thì không nhưng anh Tài tôi lưu được một số phác thảo, ký họa bút sắt, phù điêu thạch cao, tranh khắc gỗ thử nghiệm… có bức từ năm 1969. Đặc biệt có vài bức trừu tượng khá lớn vẽ năm 1998-1999. Đấy là những bức tranh thuộc loại hiện nay đang được giới sưu tầm trong và ngoài nước săn tìm. Thật may mắn là họa sĩ đã kiên định và giữ lại được cho bảo tàng của riêng mình nhiều bức tranh của thời đã khá xa, từ thập niên 1970-2000.

Bảo tàng cá nhân cho nên có phần giống như nhà lưu niệm của họa sĩ. Tầng trên cùng dành để lưu giữ những kỷ vật. Những cây cọ, những bảng màu, những giá vẽ, khung tranh… từ hàng chục năm trước. Những bức ảnh giúp người xem nhớ lại các triển lãm trong và ngoài nước, những chuyến đi qua các lục địa, những kỷ vật mang về… Không gian cũng dành chỗ để chiếu lại những hình ảnh video liên quan đến cuộc đời sáng tạo của họa sĩ.

Bảo tàng vừa mới hoàn thành, và họa sĩ tám mươi tư tuổi chỉ ngừng vẽ khi ông ra đi vào ngày 9-9-2024. Vẫn còn đó trên tường những bức sơn mài khổ lớn nhắc nhở sự hiện diện của họa sĩ. Ở đấy họa sĩ được sống đời tự do với màu sắc và đường nét, gạt bỏ đi những rào cản, vượt qua những định chế kỹ thuật mà nhập hồn vào cõi vô niệm vô định kiến.

Tháng 8-2023 - tháng 9-2024

Hồ Anh Thái

------------

Bài viết cùng chuyên mục:

Tay phàm có được vẽ hình thiêng?

Họa sĩ Nguyễn Sáng: Hà Nội, ta đến đây!

Họa sĩ Đặng Xuân Hòa: Không thể làm nghệ thuật mà không có sự kế thừa

A Sáng trên hành trình đi tìm chính mình

Họa sĩ Thành Chương: Người biến hiện thực thành giấc mơ

Từ Đền Hùng còn vang vọng mãi lời Bác dạy

Từ Đền Hùng còn vang vọng mãi lời Bác dạy

Baovannghe.vn - Trong chín lần về Phú Thọ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hai lần tới thăm Đền Hùng.
Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về "Chống lãng phí"

Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về "Chống lãng phí"

Baovannghe.vn - Trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm công tác phòng, chống lãng phí, đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận về vấn đề này và lãnh đạo cả hệ thống chính trị, toàn dân tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả. Văn nghệ điện tử trân trọng giới thiệu nội dung bài viết “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm.
Khéo dư nước mắt. Tạp bút của Đông Trình

Khéo dư nước mắt. Tạp bút của Đông Trình

Baovannghe.vn - Con đường ấy mang tên "Đông - Tây". Đơn giản là nó nối hai phương của một thành phố. Con đường lớn, đẹp, lối đi hai chiều.
Kiến trúc Hà Nội - 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954-2024)

Kiến trúc Hà Nội - 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954-2024)

Baovannghe.vn - Kiến trúc Hà Nội - 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954-2024) là cuốn sách có giá trị tổng quan và sâu sắc về các chặng đường phát triển của kiến trúc, đô thị Hà Nội.
Trầm ngâm quê nhà- Thơ Nguyễn Văn Hòa

Trầm ngâm quê nhà- Thơ Nguyễn Văn Hòa

Baovannghe.vn- Tôi từ thương nhớ mà đi/ Vọng trong ngày cũ xanh rì chiêm bao/ Nam non ướt ngọn mưa rào/ Nồm già nứt vách chênh chao nếp nhà